Nỗi Bất Hạnh Tình Yêu

Không chiếu cố thì không đạt. …phải học lại. Buồn cười lắm mẹ ạ. Trường con ở đây, thi là phải trật tự, im như thóc, đố đứa nào dám ho he, thế mà ở đấy, các chú các cô cứ hỏi ríu rít, lại còn vặc nhau nữa…
- Thôi, thông cảm cho các cô, các chú… lớn tuổi rồi. Bố Thuật con cũng thế thôi. Bây giờ con vào lớp gì nữa?
- Con xin thi vào đại học.
Một lần nữa Trang lại ngơ ngác.
- Mẹ vẫn chưa tin ư?
- Vào đại học khó lắm, con ạ.?Mẹ chưa bao giờ nghĩ tới, mẹ chỉ mong con ra trại, nhờ bố xin con vào lại lớp tám . Thế là mẹ mừng lắm rồi.
- Ở trong trại đêm xuống làm gì mà không học hả mẹ, bọn chúng nó chơi, bọn chúng nó ngủ. Con thích chơi cái gì cả, ngủ thì lại quá sớm. Thế là con học, bao nhiều tiền bố, bác Phương cho con mua sách hết. Con còn nuôi được gà đẻ bán nữa đấy mẹ ạ.
- Bố có cho tiền con.
- Bố nói tiền mẹ gởi, thích ăn gì thì mua. Cứ ở cải tạo cho tốt, đừng nóng ruột muốn về là bị phạt đấy.
- Mẹ biết bố cũng chạy lo cho con ra sớm. Nhưng bố con hay giữ ý. Làm lớn không nghiêm chỉnh, ai phục. Đấy, bác Ninh bí thư, vợ con thế nào, bây giờ người ta đồn thổi đủ thứ chuyện. Mất cả uy tín, bố con ghét ông ấy lắm….
- Sao thế mẹ?
- Không gương mẫu, để mất uy tín lãnh đạo, chứ sao… Hôm nọ, họp thường vụ, bố con đã đấu cho ông ấy một trận rồi.
- Phê bình chứ sao lại đấu, mẹ làm như đấu địa chủ, đấu tư sản không bằng.
- Ừ, thì phê bình. Nhưng, mẹ nghĩ, phê bình là đấu với nhau chứ gì
- Không phải đâu mẹ a. Phê bình là đối với ta. Còn đấu nhau, là với kẻ thù.
Trang im lặng và thầm nghĩ rằng đứa con trai mình thật sự đã trưởng thành. Không hiểu sao, trong nỗi mừng chị vẫn thấy hồi hợp, lo sợ một điều gì đấy có thể sẽ xảy đến với nó nữa. …
Việc đầu tiên chị phải lo là làm sao cho con vào lại trường, dù là lớp nào. Đời nó đã chịu nhiều thiệt thòi … Ngay cả tình mẹ, nhiều lúc nó cũng thiếu. Chị đã khóc bao nhiêu nước mắt vì ân hận. Những lúc tỉnh táo, nghĩ lại, chị không ngờ mình có thể ác với con mình như thế được. Bây giờ chị phải lo cho nó.
Chị phải lên Hà Nội sắm cho con vài bộ quần áo, mua cho nó một cái cặp da. Hai em nó đều có cả, chẵng nhẽ để nó cắp vở trong tay. Còn thước, bút …nữa, để chỗ nào. Vở thì mua ngay ở phố chợ cũng được.
Sau hôm đi Hà Nội về, chị chọn ngày thiệt tốt, đến gặp nhà trường. Vốn dân mua bán, chị hay kiêng cữ. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Mất mát gì đâu mà ngại.
Và chị đã đi đến trường cấp ba, nơi hai năm trước nó đang học dỡ lớp tám gặp thẳng ông hiệu trưởng. Chị trình bày vòng vo, đưa cho ông xem chứng nhận học lực ở trại… và xin cho nó vào lớp mười.
- Tôi xin đảm bảo với thầy, cháu nó học được, thậm chí sẽ khá nữa là khác…Cháu thông minh lắm, y hệt bố cháu từ bé.
Trong cái đà đưa đẩy của mình, chị quên khuấy rằng chị đã nhỡ miệng. Chị đưa mắt thăm dò phản ứng ông hiệu trưởng. Dường như ông không để ý gì lắm câu chị vừa nói. Gương mặt ông vẫn không nóng không lạnh, đôi mắt ông vẫn chở nặng những suy tư. Duy chỉ có đôi môi ông hơi nhếch lên một tí và chị bắt gặp ở đấy một nụ cười nữa miệng. Sau cùng chị mới hiểu, ông là người đã từng dạy bổ túc cho Thuật.
Hôm ấy, ông đã cố thuyết phục chị thông cảm cho nhà trường rằng không có nguyên tắc nào có thể dung nạp con chị vào trường cả, bởi một điều đơn giản, nó không có học bạ, không có bằng tốt nghiệp cấp hai. …
- Cháu xong cấp hai rồi chứ ạ?
- Vâng, nhưng trong hồ sơ không có bằng tốt nghiệp cấp II.
- Chắc là lẫn lộn đâu đấy thôi. Tôi hứa với thầy tôi sẽ bắt nó tìm cho bằng ra ạ.
Đây là nói cho hết nhẽ. Chứ nếu đã có bằng cấp II cháu nó cũng đã không vào lại trường. Bởi vì cháu bị bắt đi cải tạo, coi như cháu hư và đã bị nhà trường đuổi.
- Khổ, nhưng cháu ham học lắm thầy ạ. Tội nghiệp thân cháu…
- …. Tôi có thể lên phòng giáo dục trình bày được không ạ?
- Tôi khuyên chị không nên làm mất thời giờ của các đồng chí ấy và thì giờ của chính chị.
- Không còn cách nào khác để hy vọng sao thầy?
Chị hỏi câu lơ lửng ấy hàm ý, nếu chồng chị can thiệp thì có kết quả gì không
Nhưng chị đã nhận được câu trả lời rất cứng rắn, làm tan vỡ quyết tâm của chị.
- Không có cách nào khác đâu chị à?
Bây giờ chị hiểu con đường vào đại học của thằng Linh là con đường dẫn vào lô cốt. Cứng lắm, chỉ có vỡ đầu thôi, nếu ai muốn hút vào nó.
Chị trở về nhà và an ủi con:
- Hay con xin học trở lại lớp 7 vậy.
Thằng Linh đứng im, nó cuối xuống, đôi mắt mệt mỏi, khổ tâm. Nó buồn, buồn lắm. Hơn ai hết, chị hiểu, nỗi lòng của nó. Nó giống hệt bố Công nhà nó, thông minh cực kỳ và ham học cực kỳ. Nhưng biết làm sao bây giờ. Chi thương cho số phận cuộc đời nó. Rồi nó lại khổ….như bố no . Chị nghĩ đến đây chị đã bải hoải tay chân, tự trách mình, người làm mẹ sao nỡ nghĩ ác như thế.
- Thôi, cũng được mẹ ạ. Được đi học dù sao cũng còn hơn ở nhà. Thằng Linh chấp nhận cái điều mà nó cho là nhục nhã nhất để ẹ nó đỡ buồn.
Hôm sau chị lại dẫn con đến gặp đồng chí hiệu trưởng ở trường cấp II. Đấy là một người đàn ông gầy gò, có cặp mắt sâu và hiền. Ông kéo ghế mời hai mẹ con chị rất cung kính, lễ phép. Tay ông pha trà, rót nước mời cả chị lẫn thằng Linh. Cử chỉ ấy cho phép chị hy vọng sẽ gặp điều tốt lành hơn.
Chị nhấp tí nước trà như để lấy giọng và trình bày dài dòng về hoàn cảnh của thằng con, về tính nét và về học lực mà chị biết chính ông còn hiểu rõ hơn chị. Cuối cùng chị năn nỉ ông xin cho nó học lại lớp 7
Ông hiệu trưởng nhìn thằng Linh một thoáng như chưa hiểu chị đang muốn nói gì.
- Ý chị muốn cháu…
- Vâng, tôi muốn xin cho cháu vào lại lớp bảy ạ. ...Vì hoàn cảnh…. cháu phải chịu thiệt thòi….
- Vâng, việc này chị để chúng tôi bàn bạc thêm trong ban giám hiệu. Phải tập thể chị ạ. Phải có ý kiến đồng chí hiệu phó bí thư chi bộ, và đồng chí hiệu phó phụ trách công đoàn. Mong chị thông cảm cho tôi. Qủa tình tôi rất kính trọng anh chị. Anh chị là người gương mẫu nghiêm túc, không nể trọng anh chị thì nể trọng ai. Nhưng càng nể trọng anh, chúng tôi càng hết sức giữ gìn…Giáo dục có những nguyên tắc tối thiểu của nó chị ạ. Chị xem, cháu nó lớn bằng chúng tôi, bằng các thầy cô của nó rồi mà vào học lớp bảy với những con em cao bằng này, bằng này, làm sao được…
- Nghĩa là…
- Vâng, khó khắn lắm, chị ạ. Chúng tôi không tiếc gì một chỗ ngồi cho cháu đâu. Nhưng chị thông cảm…Hay là ….Có cách nào giúp cháu được không anh?
- Chị thử xin cho cháu vào lớp bổ túc ban đêm. Phải đấy, học chung với các cô các chú cháu lại trở thành đứa con. Còn học với trẻ con, cháu lại trở thành người lớn. Nó sẽ ngượng nếu phải học chung với các em của nó, chị ạ. Và quay sang thằng Linh, ông hỏi:
- Ý em thế nào? Thầy nói thế nghe có phải không?
- Dạ thưa thầy. Em sao cũng được.
- Thế thì tôi sẽ giúp chị. Em về làm đơn…
Thuật trở lại nhà sau gần một tuần đi vắng. Gặp lại thằng Linh anh hơi sửng sốt, tất nhiên không ai để ý đến cái sửng sốt của anh. Anh dừng lại trước nó một tí, đôi mày hơi xòe ra một tí, và một tí ngỡ ngàng không ra vui cũng không ra buồn động ở hai khóe môi hơi dày của anh. Và sau đó anh lắp ngay cái sự sửng sốt của mình bằng một cử chỉ hết sức tự nhiên: vo tròn cặp môi lại, đôi mắt lóe lên một tí vui mừng…
- Con về bao giờ mà không cho bố hay, bố cho xe đi đón?
Đến lượt thằng Linh lúng túng. Không hiểu từ bao giờ giữa nó và người bố dượng này, dường như có một cái gì đấy, thật khó nói, những rõ ràng có làm cho nó e ngại hơn trước, ít muốn tiếp xúc hơn trước.
Cũng may hôm ấy có Trang, chị đỡ lời con trai:
- Nó về được gần tuần. Đúng, hôm anh đi buổi sáng, buổi chiều con về.
- May cho con bộ quần áo đàng hoàng, sao em cho con mặc cũn cỡn thế này.
- Em đâu có ngờ nó lớn nhanh như thế. Nó cao gần bằng bố… anh rồi đấy.
Không phải Thuật không kịp nhận ra cái sự nhầm lẫn của vợ. Nhưng anh vẫn giữ được cái sự vui vẽ bình thường trên gương mặt. Gật đầu như đồng tình với vợ, anh nói:
- Phải, phải. Anh còn không nhận ra nó nữa là em. Em thấy không? Trại cải tạo của ta đâu phải là nhà tù. Nó là nơi đào tạo, giáo dục rất tốt cho những đứa trẻ… thiếu sự chăm sóc chu đáo.
Trang không giận gì chồng. Ngược lại, lần này chị bắt gặp ở chồng sự đồng cảm đối với thằng con riêng của mình. Điều ấy làm Trang có phần nể trọng anh. Và trong cái không khí vui chung ấy, chị đã bộc bạch với chồng:
- Anh biết không, con nó đã học xong chương trình mười rồi đấy!
- Làm gì có chuyện như thế. Thuật ngạc nhiên thật sự.
Và khi anh hiểu ra sự quyết tâm của đứa con riêng thông minh này, anh cảm thấy nhói lên một thứ tình cảm khác lạ, nó gần như là nỗi ghen ghét đến khó chịu, đến tức tối. Anh không hiểu vì sao, hai đứa con của mình, không đứa nào học hành ra gì cả. Thằng Nhân xếp hạng 32 trong xỉ số 40. Cái Oanh “đứng” số 40 trong sỉ số 52. Thậm chí nhiều người còn nói đấy là nhà trường nể anh, nếu không thì… Anh không hiểu, nếu sòng phẳng thì chúng nó sẽ như thế nào?
Có lần anh định tỏ rõ thái độ của mình cho các đồng chí địa phương biết rằng, các đồng chí ở nhà trường này dạy theo một phương hướng tư sản rất nguy hiểm. Anh đã huấn thị cho nhiều nơi, nhiều đơn vị, cơ quan trong tỉnh anh luôn coi trọng lập trường giai cấp: từ yêu ghét vạn vật trên thế gian này đến việc dạy và học. Phải ưu tiên con em giai cấp công nông. Phải cương quyết loại khỏi mái trường Công – Nông những phần tử của giai cấp tư sản, địa chủ, phú nông, những loại bóc lộc và phản động.
Chị đã thật thà khuyên anh.
- Không phải thế đâu, anh ạ. Đừng nghĩ thế oan cho người ta…
- Chẳng nhẽ con chúng ta lại học hành tồi tệ đến thế ư? Tay hiệu trưởng vốn là con cháu của một tay phú nông đấy, em ạ. Nó căm thù chúng ta lắm. Nó không làm gì được anh và em, nó trả thù con chúng ta đấy thôi.
- Em thấy bác ấy cũng tử tế lắm, anh ạ.
- Tử tế… tử tế ngoài miệng…Đạo đức giả tất. Ông suy…ông biết tất…Không thể như thế được!
Đêm ấy nằm nghĩ lại, càng nghĩ anh càng hận. Đời ta, học hành chẳng ra gì. Hồi bé đi học hết cái lớp nhì không sao lên nổi nữa. Cuối cùng phải ôm hận trở về cày ruộng cho bà cô. Lớn lên đi công tác, học bổ túc, nhờ chiếu cố anh cũng trèo lên được lớp bảy. Anh cũng học qua mấy lớp trường đảng. Được cái nhờ anh em kèm cập, giúp đỡ tận tình. Giờ đến lượt con anh. Hình như học hành cũng có cái gien thế nào ấy. Cái thằng Linh, con thằng Công năm nào nó cũng đứng nhất nhì… Vào tù mà vẫn học được hai năm ba lớp.
Đáng nhẽ anh giận chính anh và con cái ánh, ngược lại anh lại ghen ghét và bực tức thằng Linh. Không hiểu tại sao, mỗi lần nhìn thấy nó, hoặc thậm chí nghe nhắc đến tên nó là anh thấy sôi lòng lên, nỗi khó chịu làm anh cứ muốn nhanh chóng tống nó đi đâu cho khuất mắt.
Nhưng qua đi giây phút ấy, bao giờ anh cũng biết điều chỉnh ngay mình. Anh vẫn tỏ cho vợ anh biết anh rất quí thằng Linh. Thậm chí có lúc anh còn ân cần lo lắng cho nó.
Và một lần, trước sự ân cần của anh, chị tâm sự.
_ Thằng Linh đang gặp khó khăn, anh ạ.
- Sao em? Anh vui vẻ hỏi, như sẵn sàng chia sẻ nỗi khó khăn của con riêng chị.
- Em muốn nó học lại một năm lớp mười để thi vào trường đại học cho chắc. Nhưng không sao xin được. Em lên tận trường cấp ba trên tỉnh, người ta vẫn không chịu nhận.
- Em xin nó học lại lớp bảy, bác hiệu trưởng nói nó quá tuổi rồi. Bây giờ chỉ có xin vào bổ túc ban đêm. Nhưng bổ túc dạo này chưa mở lớp mười. Họ chỉ mở đến lớp bảy thôi, anh ạ.
- Được, để anh xem.
- Có gì anh nói cho con một tiếng. Một tiếng nói của anh bằng nghìn lời cầu xin của em.
- Thôi, em yên tâm, để anh lo cho
- Thật anh nhé..
Đêm ấy, lần đầu tiên trong quan hệ vợ chồng, chị không dè dặt, hờ hững, chị ôm chặt anh trong sự biết ơn….


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui