Nỗi Bất Hạnh Tình Yêu

Thằng Linh ra đi, để lại ẹ nó nỗi đau quằn quại . Trang cảm thấy hụt hẫng, trái tim tê buốt, thỉnh thoảng lại nhói lên như có bàn tay móng sắt bóp chặt. Lúc ấy chị thấy ngạt thở và người chao đảo không sao ngồi vững được nữa. Chị phải nằm vật ra giường.
Cùng với nỗi đau là nỗi nhục của một người mẹ có con hư: Cuộc đời nó không biết rồi sẽ ra sao. Chị không thể hình dung cái trại cải tạo trẻ con ấy như thế nào. Chị cứ nghĩ nó là một thứ nhà giam, một nhà tù dành cho trẻ con phạm pháp. Đã sống cảnh thân tù, còn gì là hạnh phúc. Người ta sẽ bắt nó làm lụng suốt ngày từ sáng cho đến tối. Và ăn đói, mặc rách! Những đêm mùa đông nằm cong mình trên sàn xi măng lạnh buốt, những buổi trưa mùa hè gay gắt, hàng bao nhiêu đứa trẻ chen chúc trong một căn buồng ngột ngạt, kín bưng…
Làm sao tránh được những ngọn roi, những trận đòn, những cú đấm, những cái đạp của những cai ngục. Tính nó ngang bướng, lì lợm. Tội nghiệp, lúc đau ốm, ai săn sóc, nuôi dưỡng nó. Cuộc đời của nó ai ngờ, lại rẽ vào khúc ngoặt xám xịt quá sớm như thế này. Năm nay nó 13 tuổi, đang học dở lớp 8. Còn hy vọng gì để nó trở về lại nhà trường? Ít có đứa ham học như nó. Nó học thông minh, tháng nào cũng được thầy cô khen. Cuối năm bao giờ cũng có phần thưởng. đối với chị, Linh bao giờ cũng là đứa con ngoan, biế thương mẹ, thương em và chịu khó.
Chị hoàn toàn không thể nghĩ nó có thể phạm tội. Đúng nó có thể hái ổi nhà ông Bân, bà Sành, nó có thể leo vào vườn nhà bà Kỳ, ông Thái hái doi, bẻ đu đủ… Nó thương em nó quá. Em đòi gì là nó tìm mọi cách lấy bằng được cho em. Nhưng Trang không bao giờ tin thằng bé có thể ăn cắp tiền bạc của một ai. Thế mà không hiểu sao người ta lại có đầy đủ bằng chứng về việc nó cạy cửa vào nhà ăn cắp tiền bạc của ông Bân.
Hôm ấy, chị hỏi thật nó gục đầu khóc.
- Mẹ ơi! Con ăn cắp tiền để làm gì?
Nó hỏi chị một câu mà mãi mãi chị không trả lời được. Nhưng hồi ấy chị vẫn hỏi cứng lại nó:
- Con nói thật với mẹ đi. Con đừng giấu mẹ làm gì. Người ta đã lập hồ sơ về tội lỗi của con đầy đủ như thế này rồi.
- Người ta nói điêu cho con đấy, mẹ ạ.
- Nhà nước, chính quyền, mà lại nói điêu à? Sao con dám nói thế.
- Thế mẹ có tin bố con là phản động, là Việt gian không? Hôm nọ, con đã đánh thằng con ông Bân một trận gãy răng cửa vì nó dám nói láo bố con dinh tê…
Trang lắc đầu, không hiểu nổi. Chưa bao giờ chị thấy phải trái, trắng đen lẫn lộn khó phân biệt như thời nay. Cho đến hôm nay chị vẫn chưa sao minh định được anh Công, chồng chị là người như thế nào: trung thực, yêu nước, yêu Đảng, chung thủy hay phản động, bán nước, bội bạc… Hồi ấy, trên cái sân cỏ sũng nước cạnh dòng sông Hồng quê hương anh, hàng ngàn con người đầy khí thế đập tan nát kẻ thù của giai cấp, người ta tranh nhau lên vạch tội anh – trong số ấy có chị, người vợ mà anh rất mực yêu thương. Chính tình yêu ấy đã thôi thúc, giục giã anh trộm lén trở về với chị.
Chị còn nhớ như in cái đêm anh trở về nằm bên chị… Một cái hôn cháy bỏng và dài như không bao giờ đứt. Chị ngay ngất và muốn giữ mãi cái hôn không tận cùng ấy. Anh khẽ khàng mở từng chiếc cúc áo của chị. Chị nằm yên cho anh làm trò trẻ con. Bàn tay anh xoa nhè nhẹ như cơn gió trên khuôn ngực trẻ trung của chị. Anh lắng nghe tiếng con tim chị khi dồn dập, khi từ tốn khoan thai. Anh hỏi tại sao lại có chuyện bất thường như thế. Chị suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Khi con tim như vó ngựa đang phi chính là lúc em nghĩ đến anh. Tình yêu làm em rạo rực. Còn khi nó khoan thai từ tốn, đấy là lúc em không nghĩ gì cả”. “Em thông minh quá!”. Anh khen chị một câu mà mãi sau này, khi gặp lại anh lúc giải phóng chị vẫn còn nhớ và nhắc.
Đêm đầu tiên trở lại với người vợ ấy, anh đã nói với chị tất cả những gì anh rung động và nhớ nhung. Anh nhớ bồi hồi cái nhìn đầu tiên anh bắt gặp ở đôi mắt chị, khi cả hai do tình cờ đi về muộn. Cái ánh mắt trẻ trung và bối rối của chị đã làm anh xao xuyến, nó như có lửa, cứ nung cháy con tim anh. Nỗi thổn thức kéo dài cùng với khao khát gặp lại chị đã khiến nhiều đêm anh mất ngủ. Hồi ấy anh vừa 18, còn chị, thua anh một tuổi. Anh không ngờ đấy là tín hiệu đầu tiên của tình yêu hai người. Nhiều đêm, anh nói với chị, không bao giờ anh quên cái ánh nhìn nồng nàn của cô gái 17 ấy.
Thằng Linh đã hình thành trong những đêm ngắn ngủi nơi khuôn nhà nhỏ ở phố Hàng Chiếu ấy. Ban ngày cũng như ban đêm anh trốn biệt trên gác xếp. May hồi ấy là mùa đông. Thế rồi hôm sau anh lại lẻn ra đi, cũng vào giấc một giờ khuya như lúc anh trở về. Ấy thế mà, bây giờ buộc lòng chị phải lên tố anh,, vạch mặt tên Việt gian của anh! “Ôi, sao ta lại làm cái việc phi nhân, bất nghĩa thế kia?” chị hỏi ngay chính lương tâm mình. Có phải hồi ấy ta đã ôm gì lấy anh,, nhận những hạnh phúc đê mê mà anh giành riêng cho ta? Ta đã hôn anh, những nụ hôn chân tình, mạnh mẽ của một tình yêu cháy rực? Có đúng không, hồi ấy cả hai – ta và anh ấy – đã hứa sẽ không bao giờ phản bội nhau? Cả hai đều hy vọng, sau chiến tranh sẽ sống bên nhau mãi mãi?” Và chị trả lời với lương tâm chị: “Đúng, hồi ấy ta đã hứa với chồng ta như thế. Và, trước khi giã từ để anh lên đường trở lại đơn vị, ta, một lần nữa lại nói thật lòng mình với anh ấy. Ta coi đây là lời thề của ta. Thôi anh đi… Anh yên tâm, em sẽ mãi mãi là của anh. Dù sau này, gặp muôn vàn khó khăn, em cũng không bao giờ thay đổi”.
Trong ánh điện mờ mờ, chị còn nhớ, anh đưa tay gài lại cho chị chiếc cúc có nhẽ vì vội vã chị đã để sót… Ấy thế mà bây giờ, chưa đầy hai năm sau, khi thằng cu Linh chưa đầy hai cái thôi nôi chị đã phản lại lời nguyền thiêng liêng của chính mình. Chị thầm sỉ vả lương tâm chị, trái tim bội bạc của chị. Hóa ra chị là một người đàn bà phản phúc. “Có bao giờ vợ lại dựng chuyện để vạch trán bôi vôi lên đầu chồng mình trước hàng nghìn người như thế này không?” Quả trong đời, chưa một lần chị gặp người đàn bà phản phúc như chị!
“Sao anh Thuật lại bày vẽ, chỉ dẫn cho ta làm cái việc bất lương như thế nhỉ?” Hóa ra anh Thuật… Không, anh Thuật là một người bạn tốt, một người đồng chí có tình. Cuộc đấu tranh giai cấp hôm nay đâu phải chỉ riêng ở vùng quê này. “Cuộc đấu tranh giai cấp bây giờ, gay gắt, quyết liệt không kém gì cuộc chiến chống quân xâm lược vừa qua. Kẻ thù bây giờ là bạn ta, là đồng chí của ta hôm qua đây thôi”. Thuật nhiều lần giảng giải với chị như thế. Và anh căn dặn: “Phải luôn luôn giữ vững lập trường, không được để kẻ địch lợi dụng. Đừng mang tư tưởng tiểu tư sản ủy mị vào cuộc đấu tranh giai cấp này… Muốn cứu Công, phải vạch cho Công thấy những sai lầm của mình… Và đấy cũng là cách cứu chính bản thân em nữa. Không có con đường nào khác. Phải như thế, em à”.
“Mày là một tên phản bội!” Chị đã lấy hết can đảm bước ra trước mọi người, đến bên anh, run run giơ cánh tay lên ngang khuôn mặt anh… Ôi, cái khuôn mặt đã bao nhiêu lần chị ôm lấy, đặt đôi môi lên đấy, hôn như không bao giờ biết chán. Đôi chân chị bỗng trở nên nặng nề, bã bượi, nó khuỵa dần, khuỵu dần… Khi chị bắt gặp ánh mắt, đôi mắt lần đầu tiên, năm mười bảy tuổi chị đã bắt gặp. Nhiều năm sau này, lời tố điêu ấy cứ lặp đi lặp lại trong trí nhớ của chị, làm cho chị dằn vặt, khổ đau, ân hận và tự mình sỉ vả mình. Và để chuộc tội lỗi của mình, chị đã chấp nhận lấy Thuật, một người mà chưa bao giờ chị yêu để cứu chồng chị. Dù mỏng manh nhưng chị vẫn hy vọng chồng chị sẽ hiểu và thông cảm những điều chị đã làm.
Thuật đã không lừa dối chị, Anh đã tìm mọi cách hoãn cuộc hành quyết Công lại và tạo tất cả mọi cơ hội để chồng chị trốn thoát. Sau đêm Công mất tích, người ta định bắt chị. Một lần nữa Thuật đã bảo vệ chị và đưa hai mẹ con chị về lẫn trốn ở chính căn buồng của anh. Dù thế nào chăng nữa, những ngày ấy Thuật vẫn là nguồn an ủi, động viên chị, là chút ánh sáng mỏng manh gắn chị với cuộc đời đang bão tố. Có lần chị định mang con nhảy xuống sông Hồng, nơi Công đã từng bơi lội thời tuổi thơ. Nhưng rồi nhìn gương mặt con, thương quá, chị không đành. “Sao lại ác như thế”! Chị tự mắng mình. Và điều này nữa, lời hứa với Thuật. Dù sao chồng ta cũng đã thoát nạn. Và cái nợ này ta đã hứa sẽ trả suốt đời ta. Ta không được bội bạc thêm một lần nào nữa.
Dù thế nào ta phải chịu đựng. Ta đã hiểu không có nỗi khổ nào bằng hàng ngày phải sống bên cạnh con người mà mình không yêu, đêm đêm phải âu yếm vuốt ve anh ta, phải để anh ta sờ khắp thân thể ta, chịu những cơn tình dục cháy bỏng đầy thú vật của anh ta… Nó như một sự tra tấn, nó như một hình phạt dai dẳng và không thể nào thoát được”.
Rồi một hôm, chị nghe tin, nhiều người may mắn chưa bị hành hình đã được trở về đoàn tụ với gia đình. Dù chỉ còn tấm thân tàn ma dại mà thoát khỏi cảnh giam cầm tù tội cũng là niềm vui của cả gia đình rồi. Trang hy vọng Công sẽ trở về. nỗi lo ngày càng khắc khoải. Chị định ôm con trở về nhà chị.
Nhưng Thuật đã phân tích, đã giảng giải cho chị rõ ràng, Công không thuộc diện Đảng sửa sai, Đảng chỉ sửa sai từng trường hợp cụ thể vì bị qui quá thành phần. Còn Công, một cán bộ “dinh tê”, một kẻ đào tẩu, một tên Việt gian phản động hoàn toàn không thuộc diện cứu xét, mà thuộc diện truy nã. Thuật đã lục đưa cho Trang xem một tập hồ sơ về những hoạt động phản cách mạng của chồng chị. Một phụ nữ chăm chỉ buôn bán làm ăn, ít tiếp xúc chính trị, nhìn vào tập hồ sơ tội lỗi của chồng, chị cảm thấy cứ như nhìn vào một dải rừng chưa có bàn tay con người khai phá.
Ngày nào, thậm chí giờ nào anh đã đi đâu, liên lạc với ai đều được chi rất rõ trong hồ hơ. Anh nói những gì trong cuộc tiếp xúc ấy. Tin tức anh cung cấp cho kẻ địch đã được sử dụng hiệu quả như thế nào…
Chị lắc đầu, không hiểu nổi.
Nhưng dù sao thì đây vẫn là những chứng cứ xác đáng. Và những chứng cứ ấy bắt đầu lung lay niềm tin, niềm hy vọng về sự trong trắng của người chồng mà chị đã yêu hết lòng và cũng vì anh, chị chấp nhận sự hy sinh….Thỉnh thoảng, sau những cuộc truy hoan của Thuật, một mình với không gian tối sẫm, chị lại thầm trách Công. Lâu nay, Công sống trong chị với hình ảnh người con trai đầy tâm huyết với nhân dân mình. Mỗi lần có dịp nói về Đảng, về Bác Hồ, giọng anh bao giờ cũng thiết tha, ấm áp và đầy tôn kính. Anh nói một cách chắc chắn rằng Cách mạng sẽ thắng, và khi đất nước được độc lập, nhân dân mình sẽ hạnh phúc… anh không hề nhìn thấy cuộc đấu tranh giai cấp dữ dội ngày hôm nay và, chị cũng không ngờ nạn nhân ấy lại chính là người lạc quan Cách mạng như anh. Chị hoàn toàn không thể nào hiểu nổi chồng chị ra sao nữa. Nhiều dấu hỏi cứ treo lơ lửng trong đầu chị. Và dù đã cố hết sức, chị vẫn không sao trả lời được.
Một lần nữa Trang lại rơi vào vực thẳm không lối thoát. Niềm hy vọng mong manh tưởng sờ bắt được, trở lại như ngọn đèn dầu trước cơn bão tố. Chị hiểu chắc rằng sẽ không bao giờ tha thứ cho chồng chị. Lúc đầu chị không tin những lời Thuật to nhỏ, kín hở. Nhưng rồi cùng với dư luận bà con láng giềng, những lời tâm tình cùng với tập hồ sơ ấy đã làm chị không còn nước mắt để khóc nữa.
Một lần chị đã thốt lên:
- Em hoàn toàn không ngờ anh Công lại có thể như thế.
Và Thuật cũng đầy căm phẫn:
- Anh cũng như em, không hiểu được nguyên nhân nào đã đẩy Công sang hàng ngũ kẻ thù của chúng ta… Có thể..
- Có thể sao anh?
Thuật im lặng và lúng túng. Gương mặt anh như đang ân hận vì đã buông ra cái câu mà đáng lý anh phải giữ kín.
- Có thể sao anh? Việc gì anh phải giấu em? Anh không tin em sao?
- Anh tin em. Nhưng thật là không hay nếu anh nói với em điều này… Dù sao Công cũng không có mặt ở đây…
- Nhưng với ai, chứ còn với em, anh cũng giấu sao?
- Anh không muốn nói, chứ không phải anh giấu gì em.
- Không anh cứ nói đi.
- Em đừng buồn nhé.
- Vâng, em hứa.
- Công đã yêu một cô ở đoàn văn công và đã bị kỷ luật về tội hủ hóa. Sau cái quyết định kỷ luật ấy, Công thấy xấu hổ với bạn bè, với đồng đội và vì vậy cậu ta muốn tìm một con đường thoát…
- Em không tin.
- Anh cho em xem cái này: biên bản cuộc họp kiểm điểm Công tại đơn vị..
Cái tin như một gáo nước lạnh dội vào ngọn lửa tình yêu đang còn leo lét. Chị không còn ân hận những gì lâu nay chị đã cư xử không phải với anh. Đời thật phức tạp, thật rối rắm. Suốt những năm tháng chờ đợi, chưa một lần chị nghĩ không hay về anh. Tình yêu đang rực cháy lúc nào cũng dẫn chị vào những giấc mơ êm đềm, hạnh phúc, trong sáng. “Một người đã phản Đảng thì đối với vợ, anh ta cò vị nể gì nữa”. Thuật đã tâm sự với chị như thế và, chị lần đầu tiên tin những điều anh ta nói. Lâu nay chị sống với Thuật theo một trách nhiệm. Hoàn toàn chị không một cảm giác hưng phấn nào khi nằm bên anh, chung đụng với anh.
Chị tin anh hiểu rất rõ thái độ lạnh lùng ấy của chị. Và thật lòng chị cũng muốn anh hiểu chị hoàn toàn không yêu anh, mặc dù chị biết anh yêu chị thật lòng. Toàn bộ con tim chị, chị đã dành cho chồng chị hiện đang ở một cõi trời tăm tối nào đấy. Và mặc dù vậy, chị vẫn hy vọng một ngày nào đấy gặp lại anh. Chị sẽ ôm anh, vò đầu anh như vò đầu một đứa trẻ thơ và hôn anh những cái hôn dài vô tận. Với ý nghĩ như thế, chị thấy lòng mình vơi đi những nỗi năng nề, tâm hồn thanh thản hơn lên trước cuộc sống hiện tại. Bây giờ thì chị mới hiểu cái lắt lép của tình yêu là thế đấy. Tình yêu không bao giờ là cái mình tưởng, cái mình nghĩ. Nó, tình yêu ấy, luôn là những nghịch lý, là những ẩn số, không bao giờ thuận chiều, không bao giờ nghĩ rằng ta đã tìm ra đáp số. Cái mà ta mong đợi, chính là cái mà không bao giờ đến với ta.
Đêm ấy, lần đầu tiên chị chủ động trong mọi quan hệ đối với Thuật. Chị tự ôm anh, hôn anh, và làm tất cả những gì anh muốn. Tuy nhiên, có điều kỳ lạ là ngay trong lúc chị càng ôm ghì lấy Thuật để cố quên đi cái người chồng bội bạc kia, thì gần như không giây phút nào chị không nhìn thấy như chính anh đang ăn nằm với chị. Cái cử chỉ ấy đánh lừa được Thuật, nó làm anh đê mê trong cơn khát tình cảm. Và mãi cho đến khi anh không còn sức lực nữa lăn xuống giường, lúc ấy chị mới bình tĩnh lại, thấy tủi hổ nghĩ mình như thân phận một con điếm, chỉ biết tạo ra những hưng phấn giả tạo ột người đàn ông. Chị vùi mặt vào đống chăn và mặc cho những dòng nước mắt tuôn chảy…
Và sáng hôm sau, lần đầu tiên chị nhìn thằng Linh với đôi mắt khác: căm giận thật sự, như nỗi căm giận chính người bố đẻ ra nó, nguyên nhân của những dày vò, ân hận của chị, nguyên nhân của những đỗ vỡ trong tình cảm của chị. Đấy là lúc nó sơ ý để cái Oanh em của nó ngã từ trên võng xuống, môi bị rách và máu chảy ra lênh láng. Chị đã bước lại, trừng mắt nhìn thằng con riêng ấy và không kìm được khi thấy chính đứa con của Thuật khóc ngất đi, khuôn mặt nhòe nhoẹt máu.
- Mày định giết con tao hả? Cùng với tiếng kêu ấy là một cái tát nảy đom đóm vào mặt thằng bé.
Cái tát ấy đã làm hả cơn giận của chị. Và cũng từ đấy, tình cảm của chị đối với đứa con riêng kia ngày càng xấu đi. Mối quan tâm của người mẹ đối với nó dần dần không còn nữa và thay vào đấy là sự trả thù cho tình yêu bị phản bội. Chị bắt đầu sai cu Linh xách nước, rửa bát, thổi cơm, thậm chí làm thay việc người lớn: bửa củi và đi chợ. Và mỗi lần có chuyện bực mình, chị lại lôi nó ra mắng mỏ thậm tệ, hơn thế nữa, gặp cơn điên chị còn đánh nó quằn quại.
Cu Linh, những lúc ấy, chỉ biết cúi đầu van xin:
- Con lạy mẹ, con van mẹ! Con chừa rồi! Con xin mẹ đừng đánh con nữa. Từ nay con xin chừa, con xin chừa.
Và chị gầm lên:
- Chừa! Chừa! Rồi lần sau vẫn thế! Chừa gì cái dòng họ nhà mày! Đổ phản trắc! Quân phản bội!
Những lúc như thế, thằng bé rúm ró lại, mặt tái mét giương đôi mắt to và đen nhánh y hệt bố nó nhìn chị. Và điều ấy càng làm cho cơn giận của chị sôi lên. Gần như chị không còn nghĩ gì nữa, gặp gì túm được là chị túm và phang vào thằng bé. Có lúc một cái chân ghế đã bay vào đầu nó, máu chảy xối xả. Lúc ấy, chị lại ân hận. Tình cảm người mẹ lại hành hạ chị. Chị dày vò mình. Chị hiểu thằng Linh không có tội tình gì. Và hành động của chị là quá độc ác, hành động của mụ dì ghẻ không có lương tâm. Chị ôm con vào lòng và khóc.
-Con tha lỗi ẹ. Mẹ độc ác quá.
Cu Linh lại ôm mẹ, giương đôi mắt tròn to đầy ngạc nhiên nhìn mẹ và mếu máo:
-Mẹ, mẹ không ghét bỏ gì con chứ mẹ?
-Không, Ngược lại mẹ thương con nhiều hơn… Mẹ hứa từ nay mẹ không bao giờ đánh con như thế nữa.
Nhưng vài hôm sau, mọi việc lại như cũ. Tình cảm của chị đối với thằng con riêng tan biến nhanh chóng như một thứ bọt xà phòng, thay vào đấy là sự hằn học. Và bằng cách này hay cách khác, chị lại tìm cách trả thù… Thằng Linh học ngày càng sa sút. Từ học sinh giỏi số một của trường, xuống học sinh giỏi của lớp và bây giờ, tuy chưa đội sổ, nhưng nó vẫn là đứa học sinh kém. Số ngày nghỉ không lý do của nó chiếm kỷ lục ở trường. Nhà trường vì nể bố dượng nó mà chưa đuổi nó đấy thôi. Tâm trạng, tình cảm của một người mẹ như chị cũng thật lạ lùng. Khi cu Linh học giỏi, được thưởng, chị cũng hằn học:
-Học giỏi để làm gì cái quân phản bội như dòng họ nhà mày. Mày ném ngay vào sọt rác những quà thưởng của mày đi. Tao không tham thứ của ấy.
Và khi nó học sút kém, bị nhà trường góp ý, phê bình, chị đã không kìm được cơn “điên” của chị. Chị đánh nó bầm cả thân thể:
-Đồ ăn hại! Đồ vô lương! Quân đê tiện, chó má, phản phúc. Học hành thế hả? Mày muốn lớn lên đi lừa gạt người ta hả?
Gãy con roi này, chị tìm con roi khác. Những ngọn roi tới tấp vút vào người thằng bé. Những lúc ấy nó gồng mình lại im lặng và chịu đựng:
-À, mày gan lì, mày ngang bướng, mày bất chấp đòn roi.
Chị lại tiếp tục vụt mạnh hơn. Những ngọn roi xé gió, xé cả thân thể thằng bé.
-Con van mẹ, con xin mẹ. Con sẽ cố gắng. Mẹ tha tội cho con. Con lạy mẹ trăm ngàn lạy. Con không bỏ học nữa…
Thực ra, những buổi bỏ học của nó đều có lý do hết sức chính đáng. Đấy là những lúc chị sai nó công kia việc nọ. Hình như chị cố tình không muốn cho nó đi học nữa. Tự nhiên, chị bảo nó: “Hôm nay mày ở nhà cơm nước. Tao mệt”. “Hôm nay mày nghỉ học đi chợ, tao bận…” “Hôm nay… Hôm nay…” Một tháng có đến mười cái hôm nay như thế. Thằng bé nghĩ học không lý đo, luôn bị nhà trường nhắc nhở và không ít lần bị cảnh cáo gục mặt dưới cờ…. Rồi một hôm em bị thầy hiệu trưởng kêu lên. Bắt em đứng chờ gần suốt buổi ngoài hành lang tê cả chân để cuối cùng ông chỉ nói gọn một câu: “Bắt đầu từ hôm nay, em không được học nữa”. Và ông ra về.
Cúi đầu, thằng bé ôm vở với hai dòng nước mắt đau đớn và hổ thẹn trở về nhà. Nhưng rồi, khi bước chân vừa đụng đến cổng, nó giật mình thối lui trở lại, nặng trĩu một nỗi lo sợ. Nó bỗng hình dung đến những con roi, những khúc cây, những chân ghế… Cái nọ nối tiếp cái kia xáng vào thân thể nhỏ bé của nó. Bây giờ, khi đứa con riêng của chị không còn bên chị nữa, chị mới đau đớn nhận ra mình độc ác. Hóa ra con đường dẫn con người đi vào tội lỗi đơn giản như thế này ư? Đấy là những cơn ghen, không hơn – những cơn ghen quái ác, những cơn ghen đến lạ lùng của người phụ nữ.
Trước đây, khi Công bị bắt, bị đưa ra vạch mặt chỉ tên, chị đã bước ra trong nỗi run sợ để tố cáo anh, ngay cả lúc ấy, chị cũng chỉ mang một nỗi đau đớn và thương anh bởi chị hiểu việc làm nhơ nhớp của chị cũng chính là vì anh, vì sự sống của chính anh. Nhưng bây giờ khi cu Linh đã bị người ta dẫn vào trại giam thì chị mới thấm nỗi đau của sự mất mát cùng nỗi dày vò sự độc ác của chính mình. Chị hiểu hơn ai hết rằng con đường dẫn thằng con riêng của chị đi vào nhà tù cũng chính là con đường tội lỗi của chị. Điều rất lạ, chị không thể hiểu được vì sao, thằng con riêng ấy vẫn thương chị, thương em nó. Nhìn thấy nó ôm những đứa em, vỗ về và hứa hẹn… chị thấy nói lên từ con tim mình những mũi kim. Chị chưa thấy một người mẹ nào lại ghét bỏ con cái mình cả….
Ngày hôm ấy, chị bỏ mặc hai đứa con, tự thổi nấu và tự ăn, chị chui vào giường, nung nấu một ý nghĩ, chờ Thuật về nhờ anh bằng mọi cách xin cho thằng Linh trở lại với chị. Chị sẽ đích thân xin cho nó đi học lại. Cái ý nghĩ ấy đôi lúc làm khuây khỏa được nỗi đau buồn của chị. Càng lúc chị càng bám chặt vào nó. Dường như chị sợ, nếu rời cái hy vọng ấy ra, chị không sống nổi. Con người sống không hy vọng thì cũng chỉ là một con vật mù thôi.
Cũng may, chiều chập choạng chiếc – măng – ca Bắc Kinh đã đưa Thuật trở lại nhà sau gần một tuần công tác.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui