Một đêm đầu mùa khô ở cánh rừng gỗ tếch trầm mặc, dưới căn hầm chữ A, Sen vừa qua một cơn sốt. Cô ngồi dậy mệt mỏi, cảm thấy miệng đắng chát. Cô thèm một miếng chanh thái mỏng, một quả me mùa hạ, một quả sấu chín vàng mùa thu.
Vặn to ngọn đèn, cô đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm… Cô đang qua các cửa hàng hoa quả. Cô đứng hàng giờ mê mẩn ngắm chọn… Bà bán hàng khó tính, trừng nguýt cô. Cô vui vẻ, nhã nhặn: “Bà vui lòng cho cháu chọn. Cháu sẽ mua cho bà thật đấy, bà ạ. Me này bao nhiêu một ký?”. “Cô mua làm gì cả ký?”. “Cháu ăn chứ làm gì? Bà không thấy cháu vừa ốm dậy à. Cháu thèm của chua lắm…”. “Hay là cô…” “Không phải đâu bà ạ. Bà không thấy cháu xanh thế này à? Sốt rét rừng Trường Sơn đấy bà ạ”.
Cô mua một ký me, chưa kịp trả tiền, đứng tại chỗ bóc ăn thử gần hết. Chưa bao giờ cô thấy giá trị những quả me chua như hôm ấy – những quả me dôn dốt cứ bắt nước giãi tứa ra. Một người con trai đến bên Sen, giúi vào tay cô một xâu bứa.
-Sen dậy bao giờ, đỡ sốt chưa? Ăn cái này đi… Anh con trai bóc vỏ từng quả, đưa vào tận môi cô. Cô nhìn anh, thầm cảm ơn. Những quả dâu rừng chua thật thấm thía. Nhưng cô lại rất thích. Có nhẽ đối với những người ốm, đối với những ai vừa qua cơn sốt như cô, quả nào càng chua càng có sức lôi cuốn, càng đã cơn thèm.
Cô muốn trả ơn anh bằng một nụ hôn. Trông anh dễ thương quá. Con trai Trường Sơn mà rụt rè trông đến dễ ghét. Nhưng mà trông anh sao quen quá… Một gương mặt, một đôi mắt… Đúng rồi, Linh phải không?
-Anh Linh đấy ư?
-Sen khỏe chưa?
-Đỡ nhiều rồi. Anh đến bao giờ? Anh có biết Sen tìm anh như thế nào không? Lại đây đi anh, xích lại gần thêm tí nữa. Trông anh đĩnh đạc ra nhiều quá. Ra dáng anh lính lắm rồi… Chính nhờ Linh mà Sen dứt ra khỏi cái ngôi biệt thư cao sang kia. Đúng là ở đấy toàn bùn anh ạ. Và vì vậy anh là ân nhân của Sen đây.
Không nén được cơn xúc động, cô vùng đứng dậy ôm choàng lấy anh. Và bây giờ thì cô hiểu mình vừa qua một cơn mơ, cơn mơ đẹp nhât, xúc động nhất trong cuộc đời. Nhiều năm sau này cô ước ao được gặp lại, dù là một cơn mơ như thế, cũng không sao gặp được.
Khi đoàn thanh niên xung phong của cô tách đôi, một nửa ở lại, nửa vào chi viện cho chiến trường, Sen tình nguyện xin đi. Ở đấy, cô vẫn nghĩ đó là con đường cô đã chọn – con đường Trường Sơn, nơi Linh đang sống. Cô hy vọng gặp bạn. Khi còn ở Hà Nội, cô nhận được hai bức thư của anh. Cả hai đều qua địa chỉ bà dì.
Cô hiểu người con trai, ấm áp và chân tình hết nhẽ đối với cô. Con người như anh ấy, không hiểu sao người ta lại có đủ thứ chứng cở để buộc tội và đưa anh vào trại giam hết đợt này đến đợt khác. Hóa ra thời nào cũng thế, nỗi oan khuất không chỉ riêng ai. Thật chua chát cho những gì cô đã được học từ trên ghế nhà trường về cái sự công bằng và lẽ phải.
Từ đứa con cưng của một gia đình cán bộ trí thức, cô rơi xuống đáy xã hội. Và ở nơi ấy, cô hiểu hơn ai hết cái thước đo bình đẳng bác ái dành cho những thân phận hẩm hiu. Càng hiểu, càng nhận thức sâu sắc điều đó, cô càng cảm thông cho anh. Nhiều đêm nằm ở gầm cầu, chính cô đã nói thẳng với anh rằng người gây cho anh những thảm kịch không ai khác ngoài người bố dượng có mẽ ngoài đạo đức kia.
Về mặt nhận diện kẻ thù, Sen thấy mình gần gũi với Hòa, bạn Linh hơn là với chính anh ấy. Bản chất chân thật, sống trong gia đình được người mẹ hiền lành cả tin giáo dục cho những quan niệm về đạo đức xa vời, Linh xa lạ với những ngang trái, những nghịch lý cuộc đời. Và khi vấp phải, cậu ấy ngỡ ngàng, phân thân. Linh mãi mãi ghi nhận công ơn của Hòa bởi chính người bạn tù này đã làm lung lay trong tiềm thức của anh quan niệm vững chắc về đạo đức ở một con người được xếp hàng thứ hai của Đảng và nhà nước trong một tỉnh – người bố dượng của anh.
Sen không hiểu thế hệ mình có đầy đủ bản lĩnh và dữ kiện để vách ra đầy đủ tội ác của một loại người như Thuật chưa. Cái khó của con người là nhìn thấy tội lỗi của chính mình. Thời nào cũng vậy, tội lỗi của những kẻ bụi đời như cô thường dễ nhìn thấy hơn tội lỗi của những nhà chính trị mà hậu quả của nó thường gấp nghìn, vạn lần hơn.
Cho đến hôm nay, chính nhờ ông, cô mới chối bỏ được một thói quen bẩn thỉu để tạo lập ình một thói quen thanh sạch, cô vẫn không hề ân hận về thái độ cư xử của mình đối với ông hồi ấy. Ngược lại, cô còn tự hào về chính cái nhân cách của cô. Không hiểu cái bà chủ tòa nhà sang trọng kia có dám nói lại với ông tất cả những gì cô đã nói về ông hôm ấy hay không. Dù sao đi nữa, cô hiểu, khi trút được những ấm ức trong lòng, cô cũng thấy người nhẹ đi. Và cô hiểu, như thế là cô đã trả thù cho người bạn mà cô quí mến.
Ngồi thừ một lúc cho qua đi cơn suy nghĩ triền miên mà người bệnh nào cũng thường gặp phải khi tỉnh dậy, Sen định cố viết cho Linh lá thư. Cô hiểu, đối với cô, điều ấy hết sức khó khăn. Bởi cô chưa hề viết ột người bạn trai nào, dù là một vài dòng, huống chi đây là một con người mà trong tình cảm có lúc cô đã cảm xúc bằng chính con tim mình.
Cô xé một tờ giấy trong cuốn vở học sinh của chị kế toán. Cô mỉm cười với chính mình: người ta viết thư cho người yêu bằng những tờ giấy poluya màu xanh dương, màu hồng nhạt, thậm chí có người còn cắt răng cưa ma mặt, còn cô, trang vở học trò đen thẫm… Thôi, điều quan trọng là những tình cảm với nhau. Một người con trai như Linh, cô tin anh sẽ thông cảm cho cô.
“Linh quí mến,
Sen đã thay đổi cuộc đời, và điều ấy, chắc Linh vui mừng lắm.
Vất vả quá Linh ạ. Có lúc tưởng không chịu nổi.
Dù sao cho đến hôm nay Sen cũng đã vượt qua một giai đoạn đầy thử thách để trụ lại được với bạn bè. Cuộc đời phía trước chắc chẳng phải suôn sẻ gì đâu. Điều quan trọng không phải là Sen, mà chính là cuộc sống của thằng em Sen, Linh ạ.
Vừa rồi, trước khi đi vào trong này, tôi đã dồn toàn bộ số tiền mà bấy lâu nay tôi dành dụm được gởi cho bà dì. Nếu bà không đòi thêm thì số tiền ấy vừa đủ chi phí cho nó trong một năm. Năm tới đang đến… Sen chưa biết xoay xở ra sao đây. Sen tằn tiện, chắt chiu đến mức bạn bè phải kêu lên: chẳng ai keo kiệt, bần tiện như cái Sen. Nhục quá phải không Linh. Tất nhiên, một người có lòng tự trọng không bao giờ thổ lọ cho ai biết hoàn cảnh mình. Sen rất ghét sự thương hại, Linh ạ. Sen không cần điều ấy.
Linh cũng biết tiền sinh hoạt phí của người lính ít ỏi như thế nào. Làm sao có ít nhất mỗi tháng 30 đồng gởi cho bà dì, trong khi tất cả những gì mà Sen dành dụm được chỉ được nửa số tiền ấy. Sen không dám mua cả một bánh xà phòng chanh để gội đầu. Ngày nghỉ Sen phải lội rừng hàng buổi để tìm bồ kết. Đã gần một năm rồi, Sen tằn tiện trong hai bánh xà phòng Liên Xô cấp phát.
Một chiếc áo bị rách, Sen cố vá víu lại. Tối nằm phải giấu bạn cởi ra. Cũng may áo bộ đội dày và rộng nữa. Nhiều bữa đi làm, cứ thế mà mặc. Khi có báo động phải chạy, thật xấu hổ…
Ai lại viết những chuyện như thế ột người con trai. Nhưng với Linh, Sen không muốn giấu điều gì. Bởi hơn ai hết, Linh hiểu và thông cảm cho Sen. Linh yên tâm, Sen đã có can đảm từ bỏ con đường nhục nhã mình đã đi, đã trở thành quen thuộc, Sen cũng chấp nhận được tất cả chông gai.
Sen rất ghét những ai thi vị hóa cuộc đời. Cuộc đời quả không ít niềm vui, nhưng cũng lắm nỗi đắng cay, chua chát. Nhưng không ai muốn chết, bởi mỗi người có một mục đích sống. Linh nghĩ đến việc phải sống để tìm được người bố đẻ của mình và nhận diện rõ gương mặt thật của người bố dượng kia. Còn Sen, mục đích của đời, trước đây là ao ước trở thành nhà văn và bây giờ là làm sao đủ tiền để nuôi cho được thằng em nối dõi tông đường. Mất nó, Sen coi như dòng họ mình không còn nữa. Có người tin vào chủ nghĩa xã hội, cái thiên đường ấy tuy xa vời nhưng nó là mục đích sống của không ít người trong chúng ta. Ngược lại cũng có người tin vào Chúa, họ sống và tồn tại vì một niềm tin thiêng liêng khác. Đừng vội trách họ. Cuộc sống là thế mà, phải không Linh.
Bây giờ đối với Sen, ngoài đưa em, Sen còn hay nghĩ đến Linh. Sen ân hận về những ngày đầu tiên mình đã đối xử quá thô lỗ với Linh. Nhưng Linh lặng lẽ và chịu đựng tất cả sự phẫn nộ của Sen một cách cao cả. Cái cao cả ấy không mấy ai có được. Từ đấy Sen thấy mình nhỏ bé so với Linh.
Nhiều lúc tôi bắt gặp tôi bâng khuâng. Và lúc ấy Sen kịp nhận ra trong tâm hồn mình một nỗi nhớ về người con trai bụi đời mà tôi đã phục ấy. Thỉnh thoảng trong cơn mơ, Sen lại gặp Linh. Những cơn mơ như thế bao giờ cũng đem lại cho Sen một ước ao, một hy vong… Linh biết đấy, cuộc đời của mỗi đứa mình tận cùng rồi, hạnh phúc bây giờ chỉ là những ảo ảnh. Ngay cả tình yêu cũng thế phải không Linh.
Đôi khi Sen nghĩ, mình thật lãng mạn, chẳng ai ngờ, một con điếm, một đứa bụi đời lại có thể có những giấc mơ bay bổng, những giấc mơ về tình yêu chân thành và sôi nổi đến thế. Nhưng đối với Linh thì Sen tin, chắc chắn là Linh hiểu được.
Đối với Sen, mọi sự gần nhau về thân xác chẳng là cái gì cả. Gần đấy, chung đụng rồi xa nhau và chẳng để lại một dấu ấn nào, một kỉ niệm nào có thể khả dĩ còn hồi ức được. Có thể người đời cho rằng đó là quan niệm của một con điếm. Những Linh nghĩ lại xem, cũng có thể Linh chưa tiếp cận được một quan niệm về mối quan hệ như thế. Nhưng Linh có công nhận với Sen rằng điều quan trọng nhất của mối quan hệ nam nữ là tình cảm của mỗi người đối với nhau, luôn luôn nghĩ về nhau tốt lành, lo cho nhau và xa nhau thấy bồi hồi luyến nhớ, khi sống gần, biết tôn trọng nhau. Sen nghĩ đấy mới là tình yêu của Con Người.
Dường như số phận trớ trêu bắt chúng mình phải chịu mỗi đứa một cuộc đời như thế. Có thể đấy là điều an ủi của Sen chăng. Nhưng nghĩ cho cùng, cũng chẳng phải như thế đâu Linh à…
Cũng là Đảng viên, những bác Phương trí thức, giản dị và có tâm. Bác điều chỉnh mình vượt qua mọi thử thách và đứng vững. Bố Công của Linh đã không vượt qua một nỗi nhớ và tạo một cái cớ cho kẻ phản bội hại mình. Còn ông Thuật, học hành chẳng ra gì, sống khéo và nhờ được cái “mác” thành phần đã bước đi những bước thật khả ái. Nguồn gốc sâu xa của mọi tội lỗi mà chúng ta là nạn nhân bắt đầu từ con người này đây, Linh ạ…
Sen viết cho Linh lộn xộn và hơi dài. Chịu khó đọc nhé. Có thể nhiều chỗ Linh không nghĩ như Sen. Nhưng nghĩ thế nào Sen viết thế ấy. Điều quan trọng là chúng mình không biết giả dối với nhau. Từ giả dối đi đến đểu giả chỉ là gang tấc thôi. Cả hai chúng mình đều kinh tởm điều ấy…”.
Lá thư được gởi đi ngày hôm sau. Cô rất sợ đọc lại những gì mình đã viết. Nó thật quá, trần trụi quá, y như cuộc đời đầy nghịch cảnh của cô. Và như thế rất có thể cô lại xé nó đi.
Bắt đầu từ đấy, cô mong từng ngày, từng ngày lá thư đáp lại. Ở Trường Sơn, một cánh thư là cả một ngày hội. Ở đây, cái gì cũng thiếu. Nhưng chịu được. Duy chỉ có tình cảm bạn bè, tình cảm người thân thì ai cũng khao khát.
Nhưng rồi, ngày lại ngày, im ỉm đóng kín. Cái hy vọng ngày bạn bè ríu rít gọi cô ra nhận thư cũng xa dần. Nỗi khắc khoải mong đợi lạnh băng. Không ngờ, cuối cùng lá thư cũng đến với cô. Nhưng đấy không phải lá thư cô mong mỏi. Cái phong bì với dòng chữ quen thuộc làm cô xanh xám mặt mày: thư của bà dì.
Cầm lá thư, cô không dám bóc, tay cứ run run. Cô hình dung ra người đàn bà nanh ác, mắt long lên, tay cầm roi xua đuổi thằng em tội nghiệp của cô ra đường. Nó lại như chị nó, sống cảnh bụi đời! Nó sẽ sống bằng cách nào? Lại nhập vào đám lưu manh, cướp giật… Có gì chua chát hơn thế nữa… Mấy tháng qua cô chưa kịp gửi tiền. Gói tiền cô tiêu dè xẻn, chắt chiu trong gần một năm bỗng dưng biến mất. Vốn cô tềnh toàng, làm đâu bỏ đấy. Cô nghĩ ở Trường Sơn làm gì có kẻ cắp ở ga Hà Nội. Bây giờ thì cô hiểu. Ở đâu cũng có người ngay và kẻ gian. Cô bàng hoàng, cắn răng lại chịu đựng, không dám kêu van dù là một tiếng.
Nhưng may quá. Mọi việc không như cái trí tưởng tượng của cô. Bà dì cho biết cu Súng học giỏi, luôn dẫn đầu lớp. Vừa rồi Súng được đi thi học sinh giỏi Toán toàn tỉnh. “Cháu rất ngoan, thức khuya dậy sớm học hành và đỡ đần dì nhiều việc. Cháu yên tâm phục vụ cho tốt, tiền nong cháu không phải gởi về nữa. Đừng tằn tiện quá. Lính tráng cụ Hồ làm gì có tiền nhiều mà gởi về. Phải cố mà giữ lấy sức khỏe cháu à. Con gái Trường Sơn bao giờ cũng già trước tuổi. Đấy dì chưa nói việc ốm đau, bệnh tật, sốt rét, thương hàn… Nghe đâu cái bênh sốt rét Trường Sơn cũng quái ác lắm, nó làm cho người phụ nữ tuyệt đường sinh nở. Vì vì vậy, dì muốn cháu đừng lo gì ở nhà, đừng lo gì về em cháu nữa. Em cháu là cháu dì.Cháu dành thì giờ, tiền bạc lo cho sức khỏe cháu…”.
Cô hoàn toàn không hiểu, vì sao bà dì tai ác như vợ chồng tên Tênátdiê lúc nào cũng tạo cớ vòi tiền, để bắt giá lên… bây giờ lại như một người mẹ nhân từ. Cô trăn trở, hoài nghi những gì bà dì đã nói và khuyên nhủ. Lại một âm mưu gì đây? Hay bà lại đem bán nó ẹ mìn. Nếu quả như thế thì đau đớn cho cô quá. Hay thấy cháu học giỏi bà thương và quý nó thật sự và hy vọng… ngày mai cháu sẽ học thành tài.
Nhưng tất cả cũng chỉ là sự tưởng tượng của cô. Mãi nhiều tháng sau này cô mới hiểu, người cưu mang cho cô, hàng tháng đều đặn gởi tiền về nuôi em trai cô chính là Linh. Linh yêu cầu bà dì không được lộ việc này cho Sen biết. Sen có một tính cách khác thường, không bao giờ chịu nhờ vả quỵ lụy ai. Cô sẵn sàng đi làm đĩ để kiếm tiền nuôi em chứ không chấp nhận sự thương hại, dù người ấy là ai. Tính cách ấy làm cho Linh đôi lúc thấy khó chịu, bực bội, nhưng cũng chính điều ấy khiến anh khâm phục và quí trọng cô. Anh dị ứng với những nông cạn, hời hợt và luôn sống dựa vào người khác.
Cái quý nhất của một con người, đối với anh là sự sâu sắc về mặt tâm hồn. Về mặt này Sen gần với anh hơn Ly, cô gái mà anh đang yêu.