Cuộc chiến tranh nặng nề, nhưng rồi cũng qua đi. Nhiều người lính lần lựot trở về với gia đình, với người thân. Hạnh phúc và niềm vui đã trở lại trên những gương mặt người mẹ, người vợ. Trong ánh mắt họ, lấp lánh niềm tự hào.
Nhưng cũng không ít gia đình vẫn trong cảnh buồn hiu hắt. Bà mẹ của Ly lại vò võ ngồi bên đống lửa, đêm đêm chờ chồng. Vẫn cánh cửa khép hờ ấy, đôi mắt bà dòi dõi ra phía khung trời gần như quanh năm suốt tháng không đêm nào không có sương mù.
Cho đến một hôm, bà nhận ra tiếng ô tô rầm rì ngoài xa, nơi sườn núi bọc lấy con sông Kỳ Cùng vòng về phía nhà bà, cuộn một nửa vòng như con rắn đổ về con sông Giang Tây. Bà chợt nhớ lại tiếng con chim khách gọi lúc chiều hôm. Có nhẽ trong đời, chưa lần nào bà hồi hộp náo nức như lần này.
Kể từ ngày ông ra đi lần sau cùng cho đến nay đã năm năm hai tháng mười một ngày. Hồi ấy bà chỉ hỏi ông:
-Khi nào ông trở về nữa?
Ông nhìn bà, cái nhìn thật khác lạ. Cho đến hôm nay bà vẫn chưa hiểu được ông muốn nói, muốn gởi gắm lại bà điều gì qua cái nhìn lặng lẽ, đau đáu và khó hiểu ấy.
-Nhà đừng lo gì cho tôi cả. Đi đánh nhau làm sao biết được ngày nào trở về. Mẹ con cứ coi như không có tôi, đừng chờ đợi mà thấy ngày tháng nó dài…
-Sao ông nói gở thế.
Bà mắng ông. Ông im lặng, thấy mình tàn ác.
Bà hiểu, chưa bao giờ ông nói với bà như thế.
Hồi ấy có nhẽ đã hai mưoi năm hơn, không biết từ đâu, cũng vào một đêm tối trời rét mướt và tuyết rơi như thế này, ông gõ cửa nhà bà xin ngủ nhờ qua đêm.
Bà mẹ lo sợ, không hiểu ai gõ cửa vào giờ này.
Ông bố bảo bà ra mở cửa. Cả nhà hồi hộp, khép nép. Ông cụ mắng:
-Người ta nhỡ đường, không cho người ta ngủ nhờ, rét này để người ta chết cứng ngoài rừng à.
Cánh cửa vừa hé, ông lao vào, hai hàm răng đánh lia thia.
-Ông đi đâu vào giờ này? Bà hỏi giọng hơi run.
Ông không trả lời, môi tím rịm, cứng đo.
Bà đưa ông lại gần đống lửa, lấy cho ông một khúc gỗ làm đôn ngồi.
-Ông ngồi đây cho ấm đã…
Bà nhìn ông. Hai con mắt ông sâu như đôi lỗ đáo mệt mỏi, u buồn. Đôi mắt ấy nói với bà: ông đang gặp tai biến.
-Thổi cho chú ấy bát gạo, chắc đói lắm.
Bà ngoan ngoãn nghe lời bố. Cơm vừa chín tới, ông ăn. Bà chưa thấy một người nào ăn ngon miệng như ông. Tự nhiên lòng bà dấy lên một niềm thưong. Dễ cả ngày nay ông không có hạt cơm vào bụng.
Ăn xong, bà đưa cho ông một bát nước chè thật nóng. Ông cảm ơn và đưa hai tay đỡ lấy, nhấp từng tí một. Dường như ông đang tận hưởng cái vị chát mà ngòn ngọt của loại chè đặc biệt quê nhà.
Đoạn ông lục túi đưa cho bà lá thư. Thì ra ông là người nhà của bác Phương. Ông cụ mừng thật sự. Trước, ông cụ và bác Phương cùng hoạt động ở đây. Bây giờ ông cụ là chủ tịch xã.
…Từ đấy, ông ở lại nhà bác, cuốc đất trồng sắn, tỉa ngô, khai rẫy trồng thuốc phiện, cấy tam thất… Thỉnh thoảng ông theo phường săn đi săn heo rừng, cầy hương, nhím và đôi lúc gặp cả gấu hoặc sơn dương. Khi nhà hết thức ăn, ông lại vác lưới ra sông Kỳ Cùng… Việc gì ông cũng làm, trừ việc nhà nước. Ông cụ mời ông ra làm thư ký ủy ban, ông tìm cách từ chối. Xã đội trưởng mở tiệc chiêu đãi nhờ ông giúp cho chân xã đội phó, ông xin lỗi cáo từ…
Ông cụ thương ông. Bà cụ quí ông. Còn bà thì… luôn nghĩ về ông… cho đến ngày lễ thành hôn.
Ông sống chân tình, chưa một lời nặng nề với vợ con. Ông trực tiếp dạy con cái học hành. Đứa nào vào trường cũng nhất lớp.
Thế rồi một hôm, cùng vào giấc này, anh Phương đến. Bà coi Phưong như người anh cả trong gia đình. Phương đau đớn biết tin ông cụ đã mất đột ngột vì bệnh tim. Một năm sau bà cụ cũng đi theo ông cụ.
-Anh Phương trốn giỏi thật, cả đến chục năm rồi anh không lên đây.
-Làm gì… Cháu Ly nay mất tuổi nào.
-Dạ thưa bác, cháu mười tuổi.
-Thế thì chưa tới mười năm. Lúc tôi lên đây, cháu này đã đi men được rồi. Phải không nào?
-Bác nhớ dai thật đấy…
Cái Ly bấm bà ra sau nhà nói với bà rằng bác Phương là trung tá. Bà hỏi sao mày biết. Nó nói: Mẹ không thấy hai gạch và hai sao trên ve áo bác ấy à. Bà hỏi trung tá to bằng ông chủ tịch xã này không. Nó nguýt bà. To gấp mười ông chủ tịch xã ấy chứ lại.
Bà mừng. Chồng bà có người bạn làm to gấp mười ông chủ tịch. Có điều sao bà ít thấy chồng vui. Nhiều lúc trông ông thui thủi thấy tội tội. Chẳng hiểu ông có gì buồn. Bà không dám hỏi. Mà có hỏi chắc gì ông đã nói. Bà hiểu, những người ở xuôi chạy lên đây đều gặp trắc trở, oan khuất. Nhưng bà tin bác Phương và bà tin ông. Một người như ông, bà hiểu ông không bao giờ là người ác. Tính ông lành, hay xúc động, hay giúp đỡ mọi người.
Bác Phương ra về được nửa tháng thì ông lên đường… Lần về vừa rồi bà cũng thấy trên ve áo ông có hai ngôi sao. Bà mừng. Thế là ông cũng to bằng mười ông chủ tịch rồi đây. Nhưng cái Ly bảo bố chỉ có một gạch. Bà chẳng hiểu gì cả. Thôi thì sao cũng được…
Và bây giờ thì ông về. Chắc chắn lần này ông về lại với bà. Giặc hết rồi, đi đâu nữa. Đối với người vợ, bà nghĩ không có gì vui và hạnh phúc bằng được gần chồng. Người đàn ông như cái cây phủ bóng xuống mặt đất. Từ ngày ông đi, bà cảm thấy trống vắng, nỗi trống vằng không gì bù đắp được.
Ánh đèn ô tô đã chiếu lóa trước sân nhà bà. Bà khum khum bàn tay che hai con mắt, cố nhìn cho rõ gương mặt chồng. Tính bà hay xúc động. Bà cố kìm giữ hai dòng nước mắt…
Nhưng trước mắt bà không phải ông mà là bác Phương. Bố cái Ly lại chưa về được. Chắc lại gởi thư từ gì về. Đã hơn một năm rồi bà không nhận được một tin tức gì của ông.
-Chào bà chị? Có khỏe không? Bác Phương vui vẻ, xởi lởi…
-Bác Phương ấy ư? Cả nhà khỏe cả bác ạ. Trông bác dạo này gầy và đen nhỉ. Mời bác vào nhà nghỉ đã, cháu lấy nước bác rửa ráy… Chắc là đi suốt từ sáng tới giờ.
-Chị để chúng tôi ra giếng xối cho thoải mái. Cháu Ly, cháu Qui đâu? Cái Phượng chắc là ngủ?
-Bác ko nhận ra cháu à?
-Ly đấy ư? Cháu thế này làm sao bác nhận ra! Ủa, con ai đây?
-Con của cháu «bắt« được đấy. Cu My con bà ăn mày ở chở Kỳ Lừa đây bác ạ… Cháu của ông đây, ông không nhận ra ư?
Tiếng người mẹ dồn nén trong những niềm vui, vừa như nựng con, vừa như khoe với người bạn thân thiết của bố. Vừa nói cô gái vừa day day cái mũi vào rốn thằng bé.
-Thế thì bác mừng cho cháu. Khi bác đến đây, cháu còn quàng khăn quàng đỏ, từ trường chạy về, vòng tay trước bác, “cháu chào chú bộ đội ạ!”. Bố cháu phát vào má cháu: “Rõ khổ, bác Phương mà bố vẫn nhắc ấy”. Cháu đỏ mặt xấu hổ cúi đầu, “ăn” tiếp của bác hai cái cốc… Mới đấy mà đã trở thành người mẹ rồi. Nhanh quá! Nhanh quá thể… Chú rễ đâu?
-Dạ, thưa bác, cháu đây ạ…
Linh lách đám trẻ con, giờ này vẫn còn bu đen đặc quanh chiếc sân hẹp, chống đôi nạng đến bên người khách.
Phương nhíu mày, cố nhìn cho thật rõ người con trai. Đúng, ông đã không nhầm. Ông thấy tim mình nhói buốt… Nắm hai vai người con trai, ông giả lả:
-Sao mà còn có một giò thế này?
Không ai thấy ông che giấu một nỗi đau quặn thắt.
Linh hoàn toàn không ngờ lại gặp ông ở đây. Đúng là anh đã tìm ông cùng trời cuối đất…
-Thưa bác, cháu là Linh.
-Cháu bị thương vào lúc nào?
-Cả đội 33 người kể cả lái đã hy sinh. Chỉ còn lại cháu và một anh bạn nữa… Bác cũng quen bố vợ cháu?
-Vâng…
Phương tự nhiên ít nói, tư lự. Còn Ly lại rất sợ ông gợi chuyện mất mát, thương đau… làm cho chồng buồn. Anh ấy cảm nhạy mọi nỗi thương hại, dù là của ai. Anh mặc cảm với một điều ấy.
Còn Linh, anh đã bắt gặp trên gương mặt người bạn của bố mình kia cái nhìn ngờ vực, nét xót xa…
Không khí tự nhiên trầm xuống, lắng lại. Linh cảm giác như anh và đồng đội đang đứng trước một cuộc chiến đấu mà chưa biết rõ lực lượng đối phương.
Bà mẹ lại băn khoăn cho số phận của chồng. Bà chờ đợi bác Phương hỏi thăm hay cho biết chồng mình đang ở đâu, sao không thấy thư từ gì về. Vốn tính dút dát và cả lo, bà không dám hỏi trước. Thỉnh thoảng bà lại liếc nhìn trộm ông. Ông không vui. Đúng ra ông đang ưu tư. Bây giờ thì bà sợ. Nỗi sợ hãi làm bà cầm cái gì rơi cái nấy.
-Bác chê nhà em nghèo hay sao thế, bác Phương? Bác không dám ăn à?
-Tôi hơi mệt chị à. Đi suốt ngày bây giờ mới thấm mệt.
Vốn nhẹ dạ, cả tin, bà thương hại ông.
-Bác có tin tức gì nhà tôi không. Sao không thấy ông ấy về, thư từ cũng chẳng chịu gởi.
Không chờ đợi được nữa, bà đánh bạo hỏi.
Phương im lặng, cúi đầu xuống, lẩn trốn câu trả lời, lẩn trốn cả cái nhìn của bà.
Bà mẹ nhìn con gái, cố tìm nơi con một chỗ dựa, một hy vọng…
Ly nhìn thẳng bác Phương, mạnh dạn:
-Bác đừng giấu mẹ con cháu nữa? Đừng để những giây phút như thế này kéo dài, khổ lắm, bác ạ…