Tôi muốn gặp anh! Trang nhìn thẳng vào gương mặt người chồng mà lâu nay chị đã đơn phương ly thân.
Thuật ngạc nhiên về cử chỉ quá đường đột vốn xa lạ của vợ ông.
-Có việc gì thế? Ông hỏi sau một hồi trầm ngâm.
-Anh không từ chối tôi chứ?
-Chưa bao giờ tôi từ chối cô một điều gì, ngay cả những việc mà tôi biết, nếu lộ ra, cả sinh mệnh chính trị và tính mạng của tôi sẽ không an toàn. Cô hiểu điều ấy hơn tôi.
-Tôi đã hiểu. Tiếc là có chậm. Nhưng như thế vẫn hơn là không hiểu gì.
-Tôi chỉ cần cô hiểu thế. Bây giờ thì cô muốn gì?
-Tôi muốn báo cho anh một tin để anh mừng.
-Tin gì?
-Chồng tôi, người mà tôi yêu suốt đời, và suốt đời tôi cảm thấy tội lỗi với anh ấy, đã chết – anh Công, người đồng chí của anh…
-Tôi đã cứu anh ấy thoát chết, sao anh ấy chết tôi lại mừng… Dù sao anh ấy cũng sống thêm được 20 năm nữa.
-Đúng, gần mười năm anh ấy sống chui nhủi – cuộc sống của người có tội, mà không biết mình tội gì. Còn mười năm, anh ấy lăn lộn ở chiến trường đánh Mỹ. Anh ấy đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã hy sinh anh dũng trên con đường từ Tây Ninh về Sài Gòn.
-Anh ấy đã lấy công chuộc tội. Đảng và Cách mạng sẽ ghi công anh ấy…
-Cho đến hôm nay mà anh vẫn còn giở cái giọng ấy ra với tôi à? Tôi hỏi anh, anh ấy tội gì?
-Bây giờ cô lại hỏi tôi cái điều 20 năm về trước cô đã hiểu… Chính cô cũng đã dõng dạc bước ra trước mọi người, chỉ tay vào mặt anh ấy mà gào lên: “Mày là một tên đào tẩu, một tên Việt gian… Mày dụ dỗ tao”.
-Đúng, tôi có nói như thế. Nhưng đấy là sự sắp đặt của anh. Anh đe dọa tôi. Nếu tôi không làm như thế thì cả tính mạng tôi cũng ngàn cân treo sợi tóc.
-Đúng như thế. Tôi yêu cô và tôi không muốn cô phải chết. Tôi đã cứu cô. Và tôi cũng đã cứu anh ấy. Bây giờ cô định trả ơn tôi đấy ư? Cô luôn nói rằng cô là một con người có lương tâm. Người có lương tâm lại lấy ân trả oán…
-Anh vẫn nghĩ như thế chứ?
-Vâng.
-Thế thì anh nhầm. Anh chỉ lừa được tôi hồi ấy thôi. Và bây giờ trở đi tôi không bao giờ công nhận đấy là ân huệ của anh ban phát cho tôi cả. Về phương diện bịp bợm, anh thuộc loại cáo già. Rất tiếc có nhiều đồng chí của anh vẫn còn tin anh, không rõ đấy là thật hay giả.
-Đã gọi là lòng tin, không bao giờ lại giả cả.
-Không phải họ tin anh mà họ vờ đấy thôi, cẩn thận kẻo nhầm.
-Tôi đủ sáng suốt để nhận rõ điều ấy hơn cô. Bây giờ cô muốn gì ở tôi nữa. Cô cứ nói hết đi. Tôi sẽ không từ chối cô điều gì đâu.
-Anh nói lại!
-Đúng như thế. Trước đây tôi đã đối xử với cô như thế và bây giờ tôi cũng sẽ như thế. Thực lòng, tôi vẫn còn yêu cô. Nhưng cô đã phản bội tôi. Không sao! Cô có lương tâm mà… Cô muốn gì, cô cứ nói đi. Đừng ngần ngại gì cả.
-Tôi muốn anh xin ra Đảng.
-Cô không điên đấy chứ? Đảng là lẽ sống, là niềm hy võng cuộc đời tôi, cô biết điều ấy chứ?
-Tôi biết.
-Không có Đảng, một thằng cố nông như tôi làm sao có ngày nay… Đảng là cứu cánh của đời tôi. Thế mà cô ngang nhiên bảo tôi xin ra Đảng, cô không điên thì cũng bị “mát”…
-Tôi hiểu. Đảng là cứu cánh, là hy vọng của nhân dân ta, trừ loại người như anh. Nhờ có Đảng, đất nước ta đã được độc lập, thống nhất. Công ơn của Đảng thật to lớn. Nhân dân ta sẵn sàng dựng tượng, tạc bia cho những nhà lãnh đạo đã hy sinh hết mình cho dân tộc chúng ta. Nhưng Đảng cũng phạm tội lỗi ấy là gì, anh biết không?
-Cô cứ nói tiếp đi.
-Đấy là việc đưa những loại người như anh vào Đảng. Chỗ này thì Đảng nhẩm mà Đảng chưa thấy. Chính vì thế, uy tín của Đảng giảm sút… Nếu những loại người như anh vẫn còn ở trong Đảng, Đảng sẽ mất lòng tin ở dân. Tôi tin thế. Và để bảo vệ Đảng, tôi muốn anh cúi đầu nhận tội và xin ra Đảng… Anh hứa anh không từ chối điều gì cơ mà.
-Nhưng điều này thì tôi không thể chấp nhận được. Tôi không có tội gì cả, ngay trước Đảng, lương tâm tôi vẫn trong sạch.
-Anh làm gì có cái đấy! Nếu có lương tâm, dù là một tí thôi thì anh đã biết sám hối rồi. Tôi sẽ làm tất cả những gì để anh phải sám hối… Anh còn nhớ thằng Linh chứ.
-Tôi đã nhận nó là con trai tôi, tôi đã nuôi nó, cho nó ăn học…
-Và anh cũng đã cho nó vào tù.
-Vu khống!
-Xin lỗi, tôi nhầm, anh đã cho nó vào trại cải tạo vừa học vừa làm.
-Nó là một đứa trẻ hư, cần phải được giáo dục đến nơi đến chốn…
-Đứa trẻ hư ấy đã lăn lộn sống chết ở Trường Sơn và đã bị thương khi cứu đồng đội…
-Công ơn ấy, trước tiên nhờ trại giáo dục của Đảng.
-Anh lại cố tình nhầm nữa… Nhưng thôi, tôi không muốn tranh luận thêm với anh làm gì nữa, vô ích.
-Cô không còn muốn nói thêm gì nữa chứ?
-Có. Điều cuối cùng tôi muốn nói với anh là ngay buổi sáng hôm nay tôi sẽ ra đi. Tôi đi tìm nơi an nghỉ cuối cùng của chồng tôi và, tôi sẽ tạo lập một cuộc đời mới, dù tuổi tác tôi không còn trẻ trung nữa. Nhưng tôi không có con đường nào khác.
-Đối với tôi bây giờ, việc cô đi hay ở cũng thế thôi. Bao nhiêu năm nay chúng ta đã ly thân. Thật tình tôi cũng chằng thấy cần thiết gì ở cô nữa. Nhưng còn hai đứa con?
-Tôi sẽ mang chúng đi.
-Điều ấy thì không thể được. Chúng nó là con chung. Cô biết luật pháp rồi chứ. Trước khi đi, chúng ta sẽ làm đơn ly dị. Và tòa sẽ xử…
-Tòa ở trong tay anh. Tôi hy vọng gì ở cái tòa ấy. Còn việc làm đơn ly dị, anh cứ viết đi, lúc nào tôi cũng sẵn sàng ký.
-Cô bỏ tôi, cô viết đi, sao lại bắt tôi viết.
-Cũng được. Anh cho tôi xin tờ giấy… Còn con, tùy chúng nó. Không nên ép buộc tình cảm của con cái. Tôi nói lại, tôi không đòi hỏi chia chác gì cái gia tài này cả, nên tôi không chờ tòa giải quyết. Tôi sẽ ghi rất rõ, sau khi nhận đơn này tôi coi như không còn là vợ anh nữa, và anh có toàn quyền về bản thân và cà gia tài này. Anh vui vẻ chứ?
-Chẳng có gì là vui vẻ cả. Nhưng như thế nhẹ nhàng hơn…
Đối với Trang, đấy là một buổi sáng thanh thản nhất. Suốt hai mươi năm nay bà đã chuẩn bị cho nó. Và nó đã đến vào đúng lúc bà không còn gì phải che đậy, phải giấu giếm nữa.
Hơn một tháng nay, kể từ ngày bác Phương đến thông báo cho bà biết cái tin chồng bà đã hy sinh và con trai bà… Bà đau đớn tưởng không còn sức đứng dậy.
Bà gắng gượng lên thăm con riêng đã lưu lạc gần bốn năm nay. Nơi ấy cũng là chỗ ẩn náu cuối cùng của chồng bà. Bà cũng muốn tìm lại một đôi dấu vết nào đấy dù là rất nhỏ của ông. Để làm gì, bà cũng không biết nữa. Nhưng tình cảm, con tim cứ thúc bà làm việc ấy.
Bà hiểu từ ngày ông bị bắt và trốn đi, bà sống như một cái bóng, lặng lẽ. Lúc ấy, niềm vui để bà có thể bấu víu sự sống, cắt nghĩa cái sự tồn tại của mình là đứa con riêng của ông ấy.
Cũng có lúc bà cảm thấy mình bị xúc phạm. Thuật đã gõ đúng vào chỗ sâu xa trong tình cảm bà dành cho ông. Những lúc ấy bà không còn giữ được mình nữa. Bà đã trả thù sự xúc phạm lòng chung thủy của mình bằng sự hành hạ chính đứa con riêng của ông ấy. Và rồi, một mình một cõi riêng biệt trong tâm tưởng, bà lại dằn vặt, khổ đau và sám hối… lặng lẽ bà ngồi dậy mặc quần áo lại, nhìn vào gương mặt mãn nguyện của Thuật, nhìn vào cái thân hình trần truồng đến phát buồn nôn của ông ta bên đứa con riêng. Bà ngồi hàng giờ để ngắm thằng bé, tìm lại nơi gương mặt nó, gương mặt thông minh của người chồng cũ. Mặc dù đã hết sức kìm giữ, những dòng nước mắt xót xa và ân hận cứ trào ra như vừa khơi đụng vào mạch nước ngầm dưới lòng đất.
Và rồi, cài hy vọng, cái lẽ sống cuối cùng của bà cũng bị rứt khỏi vòng tay bà; thằng Linh đã phải ra đi trong nhục nhã, trong ánh mắt khinh khi, trong nụ cười mai mỉa của không ít bà con hàng xóm. Tâm hồn bà tan nát. Nỗi đau quằn quại và dai dẳng… Bà cố sống, cố chờ đợi ngày nó trở về. Và nó đã trở về trong vòng tay của bà. Lần này bà nghĩ, bằng mọi cách, bà sẽ bảo vệ nó. Nó là điểm tựa cuối cùng trong tâm hồn bà. Bà chăm lo cho sức khỏe nó hồi phục. Bà chạy xin cho nó vào trường. Bà hiểu đấy là niềm vui của nó và hạnh phúc của đời bà.
Thế rồi, một tai họa nữa lại giáng xuống đời nó. Và sau cái cơn tai biến không gì mới mẻ ấy, bà mang máng nhận ra rằng, có một bàn tay đểu giả nào đấy đã len được vào gia đình bà, phá tan cuộc đời và cõi sâu kín trong tình cảm bà. Hồi ấy bà chưa dám nghi ngờ Thuật. Ông ta có thể có nhiều tính xấu, nhưng xấu đến mức ghen tuông mà hành hạ con bà, ly gián nó ra khỏi bà, bà chưa dám nghĩ.
Cho đến một hôm… Đấy là một đêm tháng mười, đài tiếng nói Việt Nam vừa báo tin cơn bão số ba tràn vào vịnh Bắc bộ, đang thiu ngủ, bà vùng tỉnh dậy. Và bà chợt nhận ra, Thuật vẫn còn thức và đang tiếp khách.
-Xử lý thôi! Tiếng nói Thuật nhỏ nhẹ như đang nói về việc mùa màng, sâu bệnh…
Và giọng người đàn ông kia e ngại.
-Xử lý bằng cách nào?
Thuật:
-Bắt thôi.
Người đàn ông:
-Chứng cớ…
-Chứng cớ trong tay ta chứ đâu mà ngại…
Vốn ghét tò mò, nhưng hôm ấy bà đã lén ngồi dậy, bước lại áp tai vào cửa…
Trang rùng mình. Bây giờ thì bà đã hiểu: “Chứng cớ trong tay ta chứ đâu mà hỏi.”
Đấy là thời kỳ thằng Linh mãn hạn giam mà không trở về với bà nữa. Và ngay sau đấy bà quyết định ly thân. Đúng ra, bà còn phải chịu đựng với con người ấy hàng tuần nữa. Đối với một con người đầy thủ đoạn đang có quyền lực trong tay kia, bà hiểu mình cũng chẳng là cái gì cả, nếu bà dại dột bộc lộ những gì bà nghe được. Ông ta sẽ có “đầy đủ chứng cớ” để cho công an xích tay bà.
Và hơn ai hết, bà hiểu, khi quyền lực ở trong tay những kẻ đểu già thì quyền lực là tội lỗi…
Không may, hôm bà tìm đến nơi thì con trai bà đã ra đi. Bà trách Phương. Giá bác ấy báo sớm cho bà thì có phải bà được gặp cái núm ruột của bà rồi không. Nhưng bà cũng hiểu, phần ông quá bận, phần ông cũng muốn giấu bà. Ông nói, “chính cháu dặn tôi không ẹ cháu biết gì về cháu, mẹ cháu buồn… Thà cứ để mẹ quên…”. Nó cứ tưởng như thế, thật dại dột.
Bà đóng vai một bà mẹ chồng rất đĩnh đạc. Hoàn toàn bà không để lộ một cử chỉ gì cho bà suôi và con dâu biết quan hệ của bà với ông ấy.
Ly nhận ra mẹ chồng. Cô mừng thật sự. Suốt ngày cô xoắn xuýt bên bà, chăm lo cho bà từng món ăn, từng cốc nước. Đêm cô ngủ với bà. Hai mẹ con tâm sự cho đến khuya… Còn bà lại suốt ngày ôm đứa cháu, nhìn ngắm không chán mắt cái gương mặt khôi ngô và bướng bỉnh của nó. “Ôi, sao nó giống anh ấy thế, tựa như cùng một khuôn đúc ra. Cũng vầng trán rộng và cao, rất thông minh. Cũng đôi mày nét ngang hơi vuốt lên phía đuôi. Người ta nói những người có đôi mày như thế, hoặc làm to, hoặc lâm nạn. Bà lo sợ cháu bà rồi cũng như bố nó, như ông nó. Những lúc ấy, khuôn mặt bà sẫm tối ẩn một nỗi buồn sâu thẳm, không che giấu được…
-Mẹ sao thế? Ly phát hiện và kêu lên. Mẹ bị gió, để con lấy dầu…
-Không sao, con ạ. Mẹ hơi váng dầu. Tý thôi, mẹ lại khỏi… Đừng lo gì ẹ…
Và chốc sau bà lại bế thằng bé lên. Bà nhìn thẳng vào mắt nó. Đôi mắt to và thông minh thế kia ư! Bà nhìn kỹ và nhận ra rằng đôi mắt bé có nét gì ấy rất đặc biệt, không giải thích được, nhưng bà cảm thấy: một nét cương trực khác thường. Con người này, khi lớn lên sẽ không ai làm gì được nó, không một kẻ đểu giả nào lọt qua được đôi mắt này của nó đâu – với đôi mắt này nó sẽ tìm đến tận cùng mọi tội lỗi. Ý nghĩ ấy làm bà vừa thỏa nguyện vừa lo sợ…
Bà ở choi với cháu ba hôm và xin phép bà suôi trở về.
-Mẹ không ở chơi với cháu thêm vài ngày nữa ư?
-Mẹ phải về con ạ… Mẹ có việc phải đi… Bà đã kịp giấu cái mục đích của mình sắp tới.
Ly bịn rịn bế con tiễn mẹ chồng ra đến khúc ngoặt con sông Kỳ Cùng. Cô đứng đấy, ngay nơi hôm tiễn chồng, nắm tay con trai giơ lên vẫy chào tiễn biệt mẹ.
-Thỉnh thoảng mẹ lại lên với chúng con nhé. Nhà con chắc cũng gần về rồi đấy mẹ ạ…
Bà mẹ xúc động, cố che giấu hai giọt lệ ứa ra trên hai mi mắt. “Tội nghiệp, nó vẫn tin là như thế. Ôi, cảnh vò võ chờ chồng của nàng Tô thị”.
-Ừ… thỉnh thoảng mẹ lại lên thăm hai con.
Và bây giờ thì bà ra đi theo mục đích của mình. Tìm đến nơi an nghỉ cuối cùng của chồng bà và nơi con trai bà đang ở.
Bà hiểu, bằng tấm lòng người mẹ, lúc này đây, tâm trạng con trai bà đang xáo động, giày vò khổ sở. Nhưng bà tin, dù sao nó cũng từng trải, chắc chắn nó sẽ đủ khôn ngoan để rứt bỏ tội lỗi và tạo lập một cuộc sống khác.
Trước khi đi bà kêu hai con bà vào buồng riêng của bà, căn dặn:
-Mẹ có việc phải đi xa. Hai con ở nha chăm học, đừng chơi bời lêu lổng.
-Mẹ đi đâu hả mạ? Cái Oanh buồn buồn hỏi.
-Mẹ đi tìm bố con. Bà thốt ra một câu mà mãi sau này bà vẫn không hiểu vì sao.
Thằng Nhân giương mắt, ngạc nhiên:
-Còn bố Thuật?
-Đấy không phải là bố con. Các con đừng hỏi thêm gì nữa. Rồi mẹ sẽ nói tất cả cho hai con rõ. Mẹ mong hai con đừng lộ chuyện này ra với bố Thuật.
Cái Oanh đã sà vào lòng mẹ, hai tay ôm cổ bà và khóc. Thằng Nhân vẫn đứng trơ giữa nhà, đôi mắt nhỏ và dài y hệt mắt bố Thuật nó. Nhìn nó, chị vẫn cảm giác có nét gì đấy thiếu trung thực, có thể đấy chỉ là linh cảm của bà. Nhưng bà lại nghĩ, linh cảm của người mẹ bao giờ cũng chính xác.