TA MONG MẤY CHỤC NĂM RỒI, CHỈ MONG CÓ THỂ CHUẨN BỊ CỦA HỒI MÔN CHO MẤY ĐỨA CON GÁI NÀY RỒI TIỄN NÓ ĐI, MÀ TIỄN HOÀI KHÔNG ĐƯỢC
Địa chủ không phải nghề dễ làm, tuy ăn no mặc ấm nhưng lại phải phiền lòng tốn sức, không riêng gì việc tỏ rõ cái uy của mình với tá điền mỗi bận thu tô thuế. Tá điền mà khó ở, địa chủ cũng chẳng thoải mái gì. Ví dụ trước mắt đây này, ông Trình vừa mất, trong đám tá điền có một số kẻ không chịu an phận, muốn nhân cơ hội Trình gia đổi chủ, khốn khó trăm bề để moi đôi phần lợi ích.
Theo lệ mà Trình lão thái công đặt ra, mỗi đầu năm sẽ khảo sát tá điền một lần, những người gặp thiên tai nhân họa, vô cùng khó khăn thì sẽ giúp đỡ du di một hai phần, đám lười biếng thì không cấp đất cày nữa. Luật này ông đã bày cho Trình Khiêm từ lâu, Trình Khiêm cũng không định đổi, chẳng ngờ chàng không định đổi, người khác lại muốn đổi một phen.
Nhà họ Trình không phải dạng bóc lột ăn bớt, mà bởi con cháu hiếm hoi nên lại càng muốn tu thiện tích đức, rộng rãi hơn gia đình khác đâu chỉ một hai phần. Chẳng ngờ lòng người không biết đủ, có người nhớ cái ơn khoan dung của Trình gia, mong mình có thể thuê đất cày cấy lâu dài cho họ, cũng có kẻ thích đục nước béo cò. Bởi có suy nghĩ: “Trình gia nhà giàu, cũng không tiếc gì vài lượng bạc chỗ mình. Một cọng lông tơ họ nhổ ra còn to hơn eo mình, nộp ít thuế lại, nhà cũng dư dả hơn.” Trong lòng lại có ý nghĩ không thể nói rõ ra khác nữa: Nhà họ Trình giờ đã thành nữ hộ, một người đàn ông ở rể, quản gia không thỏa, lại không thể trở thành chủ nhân, còn lại toàn đàn bà, sao dám làm căng?
Nhà mình chỉ vừa đủ ấm no, sơ sẩy chút thì chết đói; nhà người lại béo mập thành đàn; có hời mà không tranh, là ngu!
Nhưng muốn kiếm chuyện cũng phải có lí lẽ, khéo cái ông Trình vừa chết, cứ mượn danh ông già ấy ra mà nói, khéo thay một câu chết không đối chứng! Bèn ăn xằng nói xiêng, đưa tay chỏ quản ruộng: “Lão thái công lúc sinh thời từng bảo nhà tôi khó khăn, muốn giảm thuế cho. Ông không biết chuyện, đừng chõ mồm lắm lời. Tôi chỉ nói chuyện với chủ hộ ấy thôi, mặc xác cái thằng ở rể kia.”
Quản ruộng này được xưng là quản ruộng, nhưng khác với quản ruộng của những gia đình vừa có tiền vừa có thế khác, chẳng qua chỉ có cái danh, thu thuế thay, chuyển lời giúp, khác hoàn toàn với đám “cò đất”. Không thể không chạy tới Giang Châu một chuyến, dịu dàng thuật lại lời này cho nhà họ Trình.
Trình Khiêm cười lạnh: “Ta biết ngay là có cái ngữ không dằn nổi lòng mà.”
Quản ruộng đáp: “Cô gia, lão đây cậy mình nhiều tuổi xin thưa một câu, cái ngữ khốn nạn kia, mình dây vào không được. Nó thuộc dạng bí quá làm liều rồi. Nếu đồng ý, chỉ sợ có người bắt chước. Còn mà không đồng ý thì nó quậy ầm lên, lại nhục nhã mặt mũi quý phủ.” Lão nói liên thiên một hồi, lại chẳng có câu nào là bày kế cho Trình Khiêm.
Trình Khiêm nói: “Ta biết rồi. Bổng Nghiên đưa cụ vào bếp dùng cơm, rồi biếu cụ một mạch tiền thuê xe về nhà.”
Quản ruộng nhìn nhìn Trình Khiêm, chẳng biết ý chàng thế nào, muốn nói lại thôi, cuối cùng theo Bổng Nghiên xuống bếp. Lão cũng thắc mắc trong lòng, cũng muốn quan sát xem sau khi ông Trình qua đời, Trình gia sẽ thay đổi thế nào nên chỉ thưa chuyện chứ không nêu ý kiến, ngoảnh mặt làm thinh. Nếu có thể đứng vững được, lão sẽ hết lòng giúp đỡ ứng phó, nếu không yên, lão cũng tiện nhân lúc còn sớm mà tìm một nhà chủ khác, trước khi đổi chủ thì nhắc nhở Trình gia đôi lời, nếu không canh tác nổi thì cứ bán quách ruộng đi, mua vài cửa hàng trong thành rồi cho thuê, dầu gì cũng ngay trước mắt, dễ bề trông nom. Bằng không, tuy ruộng tốt nhưng kẻ chăm sóc chẳng có lòng, dăm ba năm sau cũng hoang tàn cả thôi.
Trình Khiêm về nhà thuật chuyện lại cho cụ Lâm và Tú Anh, cụ Lâm bèn nói: “Chỗ nào cũng có người tốt kẻ xấu, tội gì bực tức với một hai tên khốn khiếp này, chủ hộ há lại là người nó muốn gặp thì gặp được? Tố Tỷ phải thủ hiếu, sao có thể tùy tiện ra ngoài? Hai đứa cháu đi một chuyến xuống đấy, dứt điểm nó đi. Đưa cả Ngọc Tỷ theo, con bé cũng nên hiểu chuyện rồi.”
Tú Anh nhếch môi, nhìn thoáng qua cụ Lâm, thấy cụ bạc trắng mái đầu, khóe mắt đầy nếp nhăn, nghĩ cụ đã từng tuổi này rồi mà vẫn phải nhọc lòng vì con cháu, bèn không chửi mắng ngay trước mặt để cụ khỏi thêm phiền hà, bèn chỉ nói: “Bọn cháu về quê, trong nhà chỉ còn bà và mẹ, còn muốn gọi thợ ngõa đến xây sửa nhà cửa, làm sao mà giám sát cho nổi?”
Lâm lão an nhân đáp: “Đi cả đi, đi cả đi, bà biết cháu lo chỗ mẹ mình, nhưng có bà ở đây, cháu còn sợ gì nữa? Nó còn phải thủ hiếu ba năm, còn phải nghe lời bà ở yên trong Phật đường nhỏ tụng kinh ba năm cho cha mình kia kìa! Nghĩ lại thì ông cháu mỗi ngày nhìn nó tụng kinh, biết nó không ra ngoài kiếm chuyện, cũng yên lòng rồi.”
Lập tức quyết định, một nhà ba người Trình Khiêm về quê công tác, vẫn ở nơi mà lần trước ở. Đến nơi, tạm không xử lý công việc, Trình Khiêm bàn với Tú Anh: “Cứ tạm phơi đám khốn khiếp ấy cho khô đã, xử lý chuyện chính cho xong.” Tú Anh đáp: “Chàng bảo sao thì là vậy.” Trình Khiêm không khỏi liếc Tú Anh thêm một cái, với tính tình của nàng, nên gạt hết tất cả mọi chuyện khác, gọi cái ngữ khốn khiếp kia đến mắng một hồi mới đúng.
Tú Anh rốt cuộc cũng nhịn không nổi: “Chàng nhìn ta làm gì? Chuyện chỗ này vốn do chàng lo, chàng hẳn sẽ hiểu rõ hơn ta. Ta cũng không phải loại đàn bà dốt nát, có muốn làm gì cũng không vội lúc này. Lúc thái công còn sống cũng từng dạy ta, lo xong việc chính mới là thỏa đáng, trên đời này thể nào người tốt cũng nhiều hơn, chỉ cần có những người này thì chuyện chẳng chạy đi đâu được, phải ổn định lòng người, có xảy ra chuyện gì cũng không động vào đại cục.”
Trình Khiêm cười đáp: “Nương tử nói phải.”
Tú Anh phẩy tay, đứng dậy nói: “Mồm mép tép nhảy. Ta qua chỗ Ngọc Tỷ đây, nhà Đóa Nhi ở đây, con nha đầu ấy nhất mực đặt chữ trung lên đầu, ta vẫn muốn để nó theo hầu Ngọc Tỷ thật lâu. Nhưng nhà nó lại không tốt, chung quy cũng nên nghĩ cách dập hậu họa, tránh liên lụy đến Ngọc Tỷ.”
Trình Khiêm đáp: “Chuyện này thì có khó gì? Dạy con bé biết cha mẹ nó là người thế nào, dù có cốt nhục tình thâm thì cũng chẳng đến mức vì cái ngữ cha mẹ ấy mà bán chủ.”
Tú Anh hừ một tiếng: “Nói thì dễ rồi, ta vẫn phải đi xem sao.”
Sau đó ai làm việc nấy, Trình Khiêm gọi quản ruộng đến, xác thực tình trạng gia đình và chủ hộ từng nhà tá điền một, Tú Anh thì đến chỗ Ngọc Tỷ. Ngày hôm sau, Trình Khiêm gọi những tá điền trung thành đến trước, nói với bọn họ: “Chúng ta còn trẻ, lại chịu tang, sau này phải nhờ vào chư vị cả, mọi thứ vẫn căn cứ theo lệ lúc lão thái công còn sống, ta không tăng một phần nào. Nếu gia đình các vị gặp khó khăn thật sự, cũng có thể nói với ta. Nếu không còn ý kiến gì khác, chúng ta cứ thế mà làm.”
Sau đó là dân làng chất phác riêng rẻ thưa vâng, Trình Khiêm dàn xếp ổn thỏa với họ, mỗi mẫu ruộng thu bao nhiêu tô, phần còn dư thì để họ tự giữ. Cuối cùng mới gọi những kẻ đòi giảm tô đến, bảo chúng nói rõ lý do: “Đừng lấy lão thái công ra làm lá chắn, thái công đã đặt lệ, mỗi năm một buổi thảo luận, là do sợ năm ấy thời tiết xấu, các ngươi lo lắng vì không đủ tô để nộp, xem mùa màng thế nào để bàn bạc mức tô. Bây giờ trong tay ngươi không có văn khế, ta lại không phải con nít ba tuổi để ngươi lừa bịp qua chuyện, nếu có giấy làm chứng thì mau đem đến đây, nếu không vẫn y lệ cũ mà làm, còn không chịu nữa thì mời đến nhờ cậy chỗ tốt hơn.”
Quản ruộng bấy giờ mới nói xen vào: “Lão thái công lúc sinh thời đối xử không tệ với mọi người, cụ vừa mới mất, các ngươi lại khinh rẻ con cháu người ta, ấy không phải cách làm người.”
Trình Khiêm không quan tâm đám người ấy có xuôi theo hay không, chỉ nói với quản ruộng: “Trước sau chẳng qua chỉ là ba mươi mẫu ruộng, ta cũng chẳng để ý gì số này, nếu không ai muốn canh tác thì lão tìm cò đất bán đi, chờ xem điền chủ mới có ‘hiền’ thế này không.”
Trước nay mềm thì sợ cứng, cứng lại sợ kẻ liều mạng, Trình Khiêm giở thói lưu manh, dồn ép đến nỗi chúng chẳng còn gì để nói, chúng cũng biết nhà họ Trình thu tô thấp hơn người khác, nếu không cũng chẳng có ít người làm ầm lên với chàng như vậy, thực ra là sợ Trình Khiêm đuổi hết cả đám, không tìm được địa chủ nào khoan dung đến thế nữa. Sau cùng quản ruộng đứng ra hòa giải, chúng dập đầu tạ Trình Khiêm, tự vả mình hai ba cái: “Tiểu nhân bị mỡ heo lấp lòng* rồi, đại quan nhân người ngay xin đừng chấp kẻ hèn này, mong được khoan thứ.” Lại chờ lập hợp đồng với Trình Khiêm, đoạn cúi thấp đầu quay về.
[*Mất lương tâm, câu nói xuất phát từ Hồng Lâu Mộng.]
Trình Khiêm thầm nhủ, tạm ép xuống lần này, nhưng sớm muộn gì cũng phải đuổi cái ngữ không chịu an phận này mới được!
•••••
Phía bên kia, Tú Anh lòng suy tính một vòng, sai Tiểu Hỉ: “Đi lấy hai khối bạc và một mạch tiền đến đây.” Đoạn đưa cho Đóa Nhi một khối hơn một lượng: “Ngươi tới nhà ta bao ngày đều trung thành hầu hạ tiểu thư, khối bạc này cho ngươi mang về nhà gửi cha, cũng để ông ấy biết ngươi chưa từng chịu khổ khi hầu cạnh tiểu thư, dễ bề yên lòng, không đòi ngươi về nữa.”
Đóa Nhi đỏ căng mặt: “Con không về!” Nó hãy còn nhớ trận ồn ào năm ngoái cha mình gây ra, sắc mặt rất tệ. Gần đây nó theo Ngọc Tỷ đến lớp, nghe thầy Tô giảng thế nào là trung nghĩa nhân tín, cũng biết việc cha mình làm là không phải đạo.
Tú Anh bảo: “Nói nhảm cái gì! Dù có bán ngươi thì cũng vẫn là người một nhà, có ai rảnh rỗi sinh nông nổi mà bán con trai bán con gái mình không?”
Đóa Nhi đỏ bừng mặt, lúng túng nói: “Mỗi tháng nương tử thưởng con một mạch tiền, con vẫn để dành cả, nếu phải đưa thì con cũng có một số tiền.”
Tú Anh cười mắng: “Cũng học được ngón miệng dẻo cơ đấy! Cho thì ngươi cứ nhận,” Đoạn cầm một khối bạc khoảng ba lượng lên, bỏ cả hai khối vào một túi tiền nhỏ, “Khối bạc to hơn này để đấy sửa sang lại mộ mẹ ngươi, còn phần tiền lương tháng thì trích một ít đến quán sân vườn đầu thôn mua bầu rượu, vài đĩa trái cây, thức ăn, nến thơm, đi dập đầu lạy mẹ đi. Mợ Lý đi theo nó, chớ để bị người ta lừa.”
Rồi đưa túi tiền cho Đóa Nhi: “Giữ cho kỹ, làm mất thì ta không đắp vào hộ đâu! Cho ngươi nghỉ một ngày, hôm nay tiểu thư ở với ta, ngươi chỉ cần lo liệu chuyện nhà mình thôi.”
Đóa Nhi dập đầu tạ Tú Anh, lại bái biệt Ngọc Tỷ, Ngọc Tỷ thấy mẹ làm thế, cũng lấy hai viên châu bạc trong hà bao mình ra: “Em cầm cả cái này đi, có việc cần thì dùng. Không nhận ta giận đấy.”
Đóa Nhi cảm động vô vàn, cầm bạc vào nhà. Mẹ kế thấy nó đến, thế mà lại tươi cười mấy độ, lão cha thấy nó ăn mặc chỉnh tề đâu ra đấy, lại có một mợ giúp việc đi theo, cũng được vài phần thể diện, bèn cảm thấy ý tưởng của vợ mình hoàn hảo thật. Dùng tay áo lau qua loa ghế, bảo hai người ngồi xuống. Tuy mợ Lý xuất thân nghèo khó nhưng đã hầu hạ nhà họ Trình được vài năm, tầm mắt cũng cao hơn đôi chút, dẫu xem thường hai kẻ kia song vẫn cho Đóa Nhi thể diện, lập tức ngồi xuống, nhưng không uống nước nhà chúng.
Chỉ nói: “Nương tử và tiểu thư bảo Đóa Nhi xa nhà đã lâu, sai nó về thăm. Sợ nó còn bé không lo nổi, ta bèn được lệnh đưa về.” Đoạn đưa mắt nhìn Đóa Nhi.
Đóa Nhi lấy túi tiền ra, nhặt khối bạc nhỏ đưa cho cha: “Cha, đây là bạc nương tử bảo con mang đến nhà, con sống rất tốt ở đấy, gia đình họ cũng hòa thuận, người đừng…” Nó dẫu sao cũng sợ cha mình, không nói tiếp nữa.
Cha Đóa Nhi siết chặt quả đấm mà không sợ cộm khối bạc trong tay, cũng chẳng nghe kỹ lời Đóa Nhi nói, chỉ cười bảo: “Con gái ngoan, hầu hạ gia đình chủ nhân cho tốt. Nhớ về thăm nhà thường xuyên, bảo mẹ con làm cơm nấu bánh trôi cho mà ăn.” Lại rướn mắt nhìn vào túi tiền trên tay Đóa Nhi, lão và vợ thấy trong cái túi ấy rành rành còn thứ gì đó, nghe rõ ràng tiếng loong coong, hẳn là bạc chạm vào nhau phát ra tiếng động.
Mợ Lý nhướng mày, mẹ ghẻ Đóa Nhi quả nhiên tươi cười hỏi nó: “Con đang cầm gì trong tay đấy? Còn tiền thừa đúng không? Chắc sống rất tốt ở gia đình ấy nhỉ, biết con hạnh phúc, chúng ta an tâm rồi. Nhớ về nhà thăm em trai em gái con thường xuyên nhé, bọn nó nhớ con kia kìa, gặp ai cũng bảo chị mình được vào thành ở, về nhà còn cho chúng tiền mua kẹo xơi.”
Mợ Lý tằng hắng một tiếng, ngầm bảo ta vẫn đang ở đây mà các ngươi còn dám lừa tiền trẻ con à. Đóa Nhi lấy một mạch tiền ra, bảo: “Chỗ này cho em con mua kẹo xơi.” Cha Đóa Nhi thấy con gái không lấy bạc ra thì hơi sốt ruột, đưa mắt nhìn vợ mình, mẹ ghẻ nó lại tiếp tục đưa lời lừa gạt.
Đóa Nhi nói: “Ấy là bạc nương tử cho con để tu sửa mộ mẹ, không đưa cho hai người được.”
Mẹ ghẻ Đóa Nhi bảo: “Đưa cho mẹ nào, mẹ mướn người tu sửa hộ con. Con nít như con, sao mà lo liệu cho nổi? Con thể nào cũng phải đi theo hầu hạ tiểu thư, làm gì theo dõi tiến trình được? Mợ bảo xem, ta nói có đúng không?”
Mợ Lý cau mày đáp: “Tiền này là để sửa mộ cho người đã khuất, kẻ tham lam sẽ tổn hại âm đức đấy.” Mẹ ghẻ nói: “Ta đương nhiên sẽ coi sóc kỹ càng.” Giật mạnh túi tiền trong tay Đóa Nhi, vừa thò tay vào đã cười tít cả mắt lại.
Mợ Lý bảo: “Bây giờ chưa đến vụ xuân, mọi người đang rỗi rãi, có người ra tiền trả công thì chẳng ai lại không chăm chỉ làm việc, chắc chỉ tu sửa một hai ngày là xong. Ngày kia ta thưa với nương tử, dắt Đóa Nhi đến thăm mộ mẹ nó. Ba khối bạc này dễ cũng phải sáu bảy lượng, mộ dưới quê mất khoảng hai ba lượng là cùng, ngươi thừa đến năm lượng, nhớ phải chuẩn bị chỉnh chu nhang đèn trái cây!”
Dứt lời bèn đưa Đóa Nhi về bẩm với Tú Anh, nàng nghe xong, mắng mẹ ghẻ nó một trận đã đời, bảo mợ Lý: “Hỏi rõ tiền công, bọn chúng mà thâm hụt vào, ta sẽ bỏ tiền ra sửa mộ cho mẹ nó. Ta thấy chưa chắc bọn chúng đã tận tâm chuẩn bị nhang đèn đâu, nếu chỉ gom góp mấy thứ rách nát lại cho đủ số thì tệ quá, mợ lấy thêm một lượng bạc, chuẩn bị nhang đèn trái cây chỉnh chu vào.” Ngọc Tỷ chăm chú theo dõi cách làm việc của mẹ mình.
Mợ Lý làm lần lượt từng việc một, chỉ hai lượng bạc đã xong việc, lại ngày ngày đốc thúc nhà Đóa Nhi. Mẹ ghẻ Đóa Nhi lấy được tiền thì cất đi: “Để dành cho đại lang cưới vợ.” Chỉ nhín ra mấy chục đồng sửa mộ cho mẹ Đóa Nhi, mua trái cây cúng. Sửa mộ cũng chẳng mướn người mà sai cha Đóa nhi cầm xẻng ra đắp thêm đất lên mộ, nhang đèn trái cây mà mụ chuẩn bị cũng chẳng bì được so với phần của Tú Anh.
Đến ngày viếng mộ, mợ Lý cắp làn đựng nhang đèn, vàng mã, gà, thịt, rau, đậu phụ, màn thầu các món, và cả trái cây. Tới nơi, mẹ ghẻ Đóa Nhi cũng xách một cái làn đến, mở nắp ra, cũng mấy thứ như vậy nhưng không so nổi với làn của mợ Lý.
Đóa Nhi biết mợ Lý chi tiền, lại nhìn sang mộ phần được sửa chẳng ra làm sao, thức ăn cũng không tươm tất thì nước mắt đảo quanh hốc mắt, mợ Lý bày đồ cúng ra hộ nó. Mẹ ghẻ thì đẩy anh em nó lên: “Phải là đàn ông trong nhà ra cúng thì dưới ấy mới dùng được.”
Đóa Nhi mặt đỏ gay, tự sắp đồ cúng, nghĩ thầm đồ cúng lão thái công cũng chỉ do lão an nhân, nương tử, tiểu thư sắp xếp, làm gì phải kỹ như thế?!
Xong việc, mợ Lý dắt Đóa Nhi về, Tú Anh nghe mợ bẩm: “Chắc chắn đã giấu tịt bạc của Đóa Nhi đi rồi, bọn chúng thu xếp chẳng ra cái ôn gì.” Tú Anh bèn nói: “Đừng đứng trước mặt con cái họ mà bảo cha mẹ không tốt, ta xuất thêm phần tiền, tu sửa mộ mẹ nó cho đàng hoàng.”
Ngọc Tỷ đứng bên nghe thế bèn bảo: “Để con ra tiền.” Tú Anh đáp: “Cũng được.”
Đêm ấy Tú Anh kể tất cho Trình Khiêm nghe, chàng nói: “Thế cũng được, cái ngữ bọn chúng chẳng lương thiện gì, biết sớm thì đỡ phải qua lại, cũng tốt cho Đóa Nhi.”
Tú Anh bảo: “Chẳng thế chứ lại, nếu thực sự tốt với con bé, sao có thể bán nó? Chẳng qua chỉ là do trong lòng bọn chúng, Đóa Nhi không bằng những đứa con khác thôi, xảy ra chuyện thì vứt nó ra chết thay trước. Rời khỏi nhà đó càng sớm càng hay.”
Trình Khiêm đáp: “Có được tôi tớ trung thành thế này cũng may cho Ngọc Tỷ, nàng không biết đấy thôi, tôi tớ hết lòng với mình rất khó tìm, lúc nguy cấp có thể cứu mạng, không bao giờ cãi lệnh.”
Tú Anh tiếp: “Ta biết chứ, chờ xong chuyện Đóa Nhi rồi, chúng ta có thể về thành rồi nhỉ?”
Trình Khiêm đáp: “Ừ.”
•••••
Trình Khiêm Tú Anh lo xong chuyện dưới quê bèn dắt Ngọc Tỷ về nhà, vừa đến đầu ngõ đã thấy đồ tang trắng xóa một màu, hai người không khỏi kinh hãi, sai người dò hỏi mới hay lão thái công nhà họ Dương qua đời, đang làm đám. Không thể không về nhà bẩm một tiếng với bà Lâm, chạy đến Dương gia một chuyến.
Có lẽ là do chuyện nhà họ Liễu ầm ĩ khắp nơi, khiến chòm xóm chê cười nên tuy Dương gia cũng chia gia sản, lại chia vô cùng hòa hảo yên bình, làm đám xong, mỗi người mang một phần sản nghiệp đi tìm nhà khác mà ở. Nhà cũ họ Dương chẳng còn ai.
Bà Lâm bèn bảo Trình Khiêm: “Ta biết trong tay cháu có một số bạc, để đấy cũng uổng, nhà họ Dương đang rao bán, chi bằng cháu mua lại. Chẳng mấy chốc mà cháu phải quy tông, khi ấy Ngọc Tỷ hãy còn bé, các cháu lại có thêm con trai con gái, cũng phải để lại một đứa họ Trình, con nhỏ không rời được cha mẹ. Chi bằng mua một căn nhà gần đây, xem như sản nghiệp họ Hồng của cháu, cháu thấy thế nào?”
Trình Khiêm vốn không muốn động vào số tiền ấy, chỉ chờ lúc tống đi, giờ nghe lão an nhân bảo thế, cúi đầu ngẫm nghĩ, để không vậy cũng uổng, chi bằng mua nhà, bèn đáp: “An nhân dạy phải.”
Bà Lâm nói: “Tòa nhà ấy họ chỉ ra giá một nghìn năm trăm lượng, là hàng xóm với nhau, xin bớt một hai trăm lượng, dành tiền ấy mà tu sửa lại nhà cửa. Đừng lo rỗng túi, chờ cháu quy tông, ta và Tố Tỷ lo đồ cưới hoàng tráng, coi như trong nhà cũng có của để.”
Trình Khiêm đáp: “Vợ con của mình, cháu tự chăm được.”
Bà Lâm bảo: “Từ lúc sinh mẹ vợ cháu, ta mong mấy chục năm rồi, chỉ mong có thể chuẩn bị của hồi môn cho mấy đứa con gái này rồi tiễn nó đi, mà tiễn hoài không được, cháu cứ xem như mình hoàn thành tâm nguyện cho ta đi.” Dứt lời bèn rơi nước mắt.
Trình Khiêm chẳng thể làm gì hơn, đáp: “Nghe lời an nhân cả.”Tác giả có lời muốn nói: Sau đây sẽ đẩy nhanh tiến độ, đến phần Ngọc Tỷ, mọi người chuẩn bị xong chưa?