CUỐI CÙNG MÌNH CŨNG CÓ EM TRAI RỒI.
Ngọc Tỷ bị cha ruột véo mặt xong, về giả vờ khóc lóc với mẹ mình: “Cha bảo con lo nghĩ quá nhiều thì không lớn nổi nữa ạ.” Tú Anh thấy trên mặt bé chả có lấy một giọt nước mắt, biết bé đang giở trò, nhưng không véo mặt mà vo đôi má phúng phính của bé lại thành một cục, vê mấy cái, miệng bảo: “Sắp làm chị người ta rồi, ai nói không lớn nổi?”
Ngọc Tỷ bĩu môi làm mặt quỷ, nhìn cái bụng còn chưa to lên của Tú Anh, cẩn thận hỏi: “Em trai trông thế nào hả mẹ?”
Tú Anh không đáp, cuối cùng nhịn không nổi mới nói: “Con nít con nôi, đừng hỏi lung tung! Cả ngày toàn suy nghĩ tầm xàm thôi!”
Ngọc Tỷ nhướng mày: “Biết thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết, mỗi khi người lớn không trả lời được lại bảo trẻ con không được hỏi nhiều. Thầy từng nói, người thông minh hiếu học, không ngại học hỏi kẻ dưới, học mà không suy nghĩ sẽ hóa khuôn sáo, phải suy nghĩ đặt câu hỏi xem chúng có liên hệ gì…” Vừa nói vừa đi lùi, co cẳng lên chạy, để lại Tú Anh dậm chân cười mắng: “Thầy không biết muốn dạy đứa khỉ con như mầy thì phải dùng thước khẽ tay hả!”
Ngọc Tỷ chạy về phòng mình, Tiểu Trà đã trải sẵn giấy, mài xong mực cho bé, hiện đang bưng trà đến. Đóa Nhi bưng mâm đựng hai ba đĩa bánh ngọt, theo ngay sau Tiểu Trà, từ sau hôm Tiểu Trà trách mắng nó, Đóa Nhi khó chịu vài ngày, lúc làm việc lại thấu tỏ hơn vài phần, cũng bắt đầu thân thiết với Tiểu Trà hơn.
Hai người thấy Ngọc Tỷ về, gấp rút buông đồ trong tay ra. Tiểu Trà thưa: “Mực đã mài xong, tiểu thư luyện chữ đi ạ, chúng em ra ngoài quét sân một lúc rồi về mài thêm mực cho tiểu thư.”
Ngọc Tỷ bảo: “Chuyện ấy không vội, các em thỉnh thoảng cũng theo ta nghe giảng, bây giờ chắc cũng biết được vài chữ rồi nhỉ?”
Tiểu Trà đáp: “Một ít thôi ạ, nhớ không được nhiều, chỉ biết được vài chữ thường gặp, văn vẻ thì càng không biết.” Đóa Nhi trả lời: “Em ngơ, không nhớ nổi bao chữ.” Ngọc Tỷ nói: “Chỗ ta có sách cũ, các em cầm đi mà đọc, không biết thì đến hỏi ta, ta dạy các em một chút.”
Tiểu Trà thưa: “Thế sao được ạ? Chúng em đến đây làm thị nữ, không phải đến để học.” Nó khá hiểu chuyện, biết rằng việc gia đình giàu có dạy học cho thị nữ chưa hẳn là chuyện tốt. Thứ nhất, chủ nhân có lòng bồi dưỡng, không chừng còn có mục đích gì đó khác, có người dạy thơ từ nhạc khúc, đàn ca hát xướng rồi thu lấy, dùng xong thì tặng người khác, đổi mấy lượt chủ, kẻ mạng cứng trụ lại nổi chỉ khoảng hai ba trên mười người, phần nhiều là tặng tới tặng lui, tặng đến mất tung tích. Thứ nhì, có kẻ ỷ mình biết vài con chữ, đàn hát tốt thì sẽ sinh sự, sơ sẩy cái là tự đào hố chôn mình. Thà rằng ngu ngơ một chút mà có thể sống bình an. Đóa Nhi thì lại không để mấy chuyện này trong lòng.
Ngọc Tỷ đáp: “Ta hiểu mà, cũng không bảo em thi trạng nguyên, ấy là việc của cha ta! Biết chữ, biết tính tiền, đặng giúp ta một tay.” Tiểu Trà thế mới vui vẻ nói: “Tiểu thư coi trọng chúng em rồi.” Tiện tay kéo Đóa Nhi, cả hai cùng tạ ơn. Ngọc Tỷ bèn rút sách ra, lấy thêm vài tờ giấy mấy cây bút, đưa tất cho hai người: “Ta đọc một lần, dạy các em một vài thứ, thời gian rảnh mỗi ngày thì các em tự ôn tập. Chỗ mợ Lý ta sẽ báo lại sau.”
Ngay sau đó dạy một số chữ, Tiểu Trà biết được nhiều chữ hơn Đóa Nhi, Đóa Nhi mới nói: “Chị Tiểu Trà biết là được, không làm lỡ mệnh lệnh của tiểu thư. Tiểu thư bận rộn, đừng vì em mà nhỡ mất.” Tiểu Trà thưa: “Về phòng em sẽ dạy lại cho con bé, ngày mai tiểu thư kiểm tra, nếu kết quả kém cứ phạt em là được. Tiểu thư đừng để nhỡ việc của mình, còn không luyện chữ thì mực sẽ khô mất.”
Từ đó, mỗi ngày Ngọc Tỷ dành ra hai khắc dạy chữ cho hai đứa, lại cho học vè học tính, mấy năm sau, chúng nó cũng khá được việc. Hồng Khiêm mời bạn bè hàng xóm đến lầu Thái Phong đãi tiệc, Ngọc Tỷ tính toán thu chi, cũng đem hai đứa đi cùng. Thế mà Tiểu Trà lại tính không nhanh không chuẩn được như Đóa Nhi, cũng chẳng biết vì sao.
•••••
Tàn tiệc ở lầu Thái Phong, trong thành Giang Châu, những ai nên biết đều đã biết chuyện Hồng Khiêm lập hộ. Vì bây giờ Hồng Khiêm không làm ăn nữa, cũng chỉ một số người biết thôi. Bấy giờ ngõ Hậu Đức xảy ra một chuyện không lớn không nhỏ, là chuyện lão an nhân nhà họ Triệu ở sát vách Trình gia lại bệnh, bà cụ này đã cao tuổi, thỉnh thoảng bệnh một chập, do người già ba nhà Dương, Liễu, Trình liên tiếp mắc bệnh qua đời, lão an nhân Triệu gia thường bảo: “Chẳng biết hôm nào lại đến lượt ta.” Vậy mà chẳng xảy ra chuyện gì, chỉ lâu lâu bệnh một hồi rồi thôi.
Đừng bảo ốm lâu con bỏ, ngay cả chòm xóm dù không phải chăm nom bà, cũng đã chịu hết nổi. Mới đầu còn hai hồi ba bận đến thăm, lâu rồi thì chỉ phái tôi tớ đến biếu đĩa trái cây hỏi thăm một tiếng. Lần bệnh này lại cực kỳ nặng, vừa qua Đoan Ngọ*, trời nóng như đổ lửa, những ngày lạnh nhất nóng nhất trong năm là lúc mà người già và trẻ con dễ qua đời nhất, ai nấy đều sợ bà không chịu nổi, chòm xóm không thể không đến thăm hỏi.
[*Mùng 5 tháng 5.]
Nhà họ Trình vì từng có khúc mắc với Triệu gia, lại thêm cụ Lâm đã già, Tú Anh có mang, bèn cử Tố Tỷ dắt Ngọc Tỷ đi thăm. Bà cháu hai người tay nắm tay, không thuê kiệu xe, chỉ đi bộ sang, thị nữ và mợ nuôi theo hầu. Cửa lớn Trình gia mở đánh “két” một tiếng, bà cháu hai người chân chưa bước qua bậc cửa, mợ Lý đi đầu mở cửa đã đổi sắc mặt. Chỉ thấy ngoài ngõ cũng có một nhóm khác đi đến, là mẹ con Lục thị từng gây sự với Ngọc Tỷ năm xưa, họ cũng đến thăm lão an nhân nhà họ Triệu.
Từ lúc hai nhà ngồi uống trà với nhau dạo nọ, đã ngần ấy năm không nói chuyện, Lục thị có lòng giảng hòa, nhưng vừa nhìn đến Niệm Lang, lời ra đến miệng lại nuốt xuống, chỉ ép Niệm Lang học, không cho kết bạn. Nhà họ Trình thì căm ghét họ hơn cả, nào có chuyện để ý đến cặp mẹ con này? Ngày thường hai nhà liếc khỉnh nhau chẳng biết bao lần, lén phỉ phui vài câu, mắng mỏ mấy tiếng. Khiến chòm xóm ngõ Hậu Đức đánh hơi ra cả. Niệm Lang đang được mẹ dắt tay, nghe tiếng mở cửa bèn ngước mắt lên nhìn một cái, rồi ghét bỏ xoay mặt đi. Lục thị và Tố Tỷ gật đầu chào nhau, đoạn thị kéo Niệm Lang đến cửa nhà họ Triệu trước.
Vào nhà họ Triệu, Tố Tỷ và Lục thị tách ra thăm bà cụ, để Ngọc Tỷ, Niệm Lang ở lại chơi với Văn Lang và em trai bên nội là Nhị Lang bảy tuổi, Sơn Lang sáu tuổi, em gái bên nội là Hạnh Tỷ cũng bảy tuổi. Triệu gia biết khúc mắc giữa hai nhà, cũng không dám tiếp đãi qua loa, Lâm thị đích thân trông bọn nhóc chơi đùa, thấy Ngọc Tỷ ngày một xinh đẹp, Hồng Khiêm lại có gia nghiệp, Tú Anh đã có mang lần nữa thì khá hối hận, nếu lúc trước không có chuyện, thì giờ mình đã có dâu thảo rồi.
Con cháu nhà họ Triệu cũng khá đông, nếu chia gia sản thì sẽ bên nhiều bên ít, có một đứa con dâu như vậy giúp đỡ lại vừa khéo. Lại nghĩ chuyện năm xưa đã là chuyện cũ, hai bên trước đây còn hòa thuận, Hồng Khiêm vừa lập hộ, căn cơ chưa vững, không như Triệu gia ở Giang Châu này đã lâu, có lẽ vẫn còn cơ hội nhỉ? Thế là ân cần hơn với Ngọc Tỷ. Nhưng không thể bỏ mặc Niệm Lang được, bèn để nó chơi cùng bọn anh em Văn Lang: “Các con đều đã đi học, cùng nói xem đã học được những gì đi.”
Ngọc Tỷ cũng thắm thiết thím ơi thím à với Lâm thị —– Điều này lại khiến Niệm Lang tức tối, nó chắp hai tay ngắn tũn ra sau lưng, nghểnh cổ, sải mấy bước tập tễnh rồi ngâm vài câu thơ, chợt đọc đến câu “Gà mái gáy sáng”.
Tiểu Trà đến nhà họ Trình, nhận được vài đĩa trái cây mén từ chỗ mẹ mình là mợ Viên, thường bưng sang biếu lại mợ Lý, lại ngọt mồm gọi vài tiếng mợ ơi, nịnh đến độ mợ kể tất các chuyện chòm xóm của cái ngõ này cho nghe. Từ đó biết được ân oán giữa Ngọc Tỷ và Niệm Lang. Thấy chuyện đang diễn ra, Tiểu Trà kéo Đóa Nhi, tay vê khăn, cười giễu: “Lật đà lật đật, khéo làm sao lại y con vịt, không biết khi nào mới lên thớt vào lò đây.”
Lần này không chỉ là vì muốn ra mặt thay chủ nhân, Tiểu Trà cũng chết cha không anh em trai, thường ngày có không ít người xem thường, nó là thân tôi tớ, hoàn cảnh thua Ngọc Tỷ rất nhiều. Cũng không ai dám quá đáng ngay trước mặt Tú Anh, nhưng bên phía mợ Viên thì lại có kẻ không ngại gì Tiểu Trà, thường lên giọng dè bĩu —– Tiểu Trà từ bé đã ghét loại người này nhất.
Niệm Lang thấy nhột, nghe thế thì đỏ mặt, chõ Tiểu Trà: “Con tiện tỳ nhà mày bảo cái gì đấy?” Lâm thị muốn giảng hòa nhưng Tiểu Trà lại nhanh miệng hơn, chỉ chú ý khăn tay mà không để ý đến Niệm Lang, nói với Đóa Nhi: “Chị đã bảo em thêu không giống mà.” Trên chiếc khăn này vốn thêu chim khách, tay nghề của Đóa Nhi khá ổn, thành thực đáp: “Giống vịt chỗ nào? Rõ ràng là chim khách.”
Tiểu Trà nói: “Nhìn ngang nhìn dọc gì cũng chỉ là một con vật mới mọc lông, dù có vỗ cánh lực hơn cũng chả bay lên nổi, chả có tiền đồ lại hay phách lối, đúng là cái thứ chết tiệt thích gợi đòn.” Vừa nói vừa đưa mắt ra hiệu, Đóa Nhi định tranh luận với nó, thấy ánh mắt ấy thì không khỏi ngây ra, cũng ngậm miệng lại.
Ngọc Tỷ lại hỏi Lâm thị: “Thím định đền cháu cái gì đây?”
Lâm thị đang mong ai đó sẽ chuyển chủ đề, bèn hỏi ngược lại: “Sao ta phải đền cháu?”
Ngọc Tỷ cười đáp: “Người của cháu bị kẻ khác mắng chửi ngay chỗ thím đây, cháu có cha có mẹ dạy dỗ, biết rằng nên giữ mặt mũi cho chủ nhà, mới không tranh cãi, lẽ nào thím không định đền cháu cái gì sao?” Nụ cười khiến Lâm thị nổi gai ốc đầy lưng, liếc sang Niệm Lang, vẻ mặt thằng nhóc này như đang chuẩn bị xông đến đánh nhau tới nơi.
Lâm thị thầm mắng, cái thằng khờ này, thế mà không chống nổi một đứa con gái! Phải biết rằng dưới mười ba mười bốn tuổi thì con trai và con gái suýt soát nhau, tầm vóc chưa chắc ai hơn ai, sức lực cũng thế. Có đánh lộn thì cũng chẳng lường trước được thắng thua thật. Mà thằng nhóc Niệm Lang này, lúc bé đã từng bị Ngọc Tỷ “dạy dỗ”, giờ lành thương lại quên đau, thích khiêu khích gợi đòn cơ.
Thực ra thì Lâm thị nghĩ oan cho Niệm Lang rồi, nó được Lục thị dạy dỗ, cũng biết “Quân tử động khẩu bất động thủ”, cũng học nhiều hiểu rộng, biết đánh không lại người thì ta nhịn, ta chửi cho nó tức là được, tức tới khóc càng tốt! Ai ngờ đến chửi cũng chửi không lại người ta.
Lâm thị vội vã tách hai đứa ra, sai người bưng trà bánh lên, may mà bên kia đã thăm bệnh xong, bà nhà họ Triệu không chịu nổi nữa mà nghiêng đầu chợp mắt, bậc bề trên hai nhà chào thối lui.
•••••
Chủ tớ Ngọc Tỷ dè bĩu Niệm Lang ở Triệu gia, trẻ con hai nhà về đến nhà mình, đều kể lại cho trưởng bối nghe. Tố Tỷ bảo: “Cái thằng nhóc kia chỉ giỏi được cái miệng, nhưng cũng chẳng chiếm được hời, cháu cứ xem như nghe chó sủa thôi. Người tốt không tranh hơn thua với chó, để ý nó làm gì?”
Ngọc Tỷ cười đáp: “Bà ngoại trước giờ tốt bụng, giờ cũng đã bảo biết nó không tốt rồi đấy.”
Khiến Tố Tỷ đỏ mặt: “Cháu cũng vậy, một đứa con gái, đừng lẻo mép quá. Sau này không gả được cho mối tốt bây giờ.” Ngọc Tỷ nghe đến câu cuối, cúi đầu không đáp nữa.
Cụ Lâm nói: “Cứ nhịn mãi mới khiến người ta coi thường, chúng ta không dây vào ai, nhưng ai rớ đến mình, ta không thể để nó được hời. Nha đầu thị nữ nên ra mặt tranh luận cho chủ tử, cháu cũng đừng để tụi nó làm việc vô ích.” Đoạn thưởng cho Tiểu Trà một đĩa trái cây mén.
Lục thị thì rầy Niệm Lang: “Đã bảo con đừng động vào nó, con lại không nghe, con để ý nó làm gì? Con chỉ cần chăm học, sau này làm quan! Nó thì có sức để làm gì? Trước sau gì cũng sẽ phải gả cho một thằng nào đó. Trong khi bản lãnh con thế nào, tiến than được bao xa, đều trông vào mình cả. Còn nhà nó thì neo người, gia đình khá khẩm ai thèm cưới? Đến khi con thành tài, cưỡi ngựa to về dạo một vòng, con ranh ấy chẳng không ghen tị đến đỏ mắt ấy? Con lại cãi nhau với nó, ấy là đã chọn cách thấp kém rồi.”
Trước nay ý trời trêu ngươi, như nhà họ Trình, mấy chục năm liền đều sinh con gái, muốn có mống con trai cũng không được. Lại như Lục thị, vừa bảo gia đình Ngọc Tỷ neo người, tháng chín Tú Anh ấy vậy mà sinh ra được một thằng cu! Đến độ hai nhà Trình, Hồng vui mừng quá đỗi, người đỡ đẻ lần này không phải bà Vương mà là một bà đỡ khác trong thành Giang Châu, người ta gọi là mụ Mễ, mụ Mễ được thưởng năm lượng bạc một thỏi vàng, thêm một rổ rau củ cơm canh một bầu rượu, hí hửng về nhà.
Ở nhà họ Trình, Tố Tỷ dâng hương kính Phật tổ, cụ Lâm thắp hương cho cụ Trình, Ngọc Tỷ đang nói chuyện với nhũ mẫu Hồ thị mà bà Tiết mới tiến cử, Hồng Khiêm thì ngẩn ngơ bế con trai. Xong xuôi mọi chuyện, cụ Lâm nhớ chuyện Hồng Khiêm từng bảo sẽ để đứa con trai đầu lòng cho Trình gia đổi lấy Ngọc Tỷ, nhưng cụ thấy tự mình nhắc đến thì không hay, thế là bèn bảo Hồng Khiêm đặt tên cho con.
Hồng Khiêm đáp: “Chị thằng bé tên Ngọc Tỷ, thì nhóc này gọi là Kim Ca đi, đại danh thì chờ lớn hơn tý, cân nhắc kỹ rồi đặt. Thằng bé còn nhỏ, cứ để vợ chồng cháu nuôi, lớn hơn tý thì cho về nhà này. Tháng giêng năm sau, chỗ lý chính sắp xếp hộ tịch, Ngọc Tỷ và Kim Ca ai về chỗ nấy.”
Cụ Lâm mừng rỡ đến độ nước mắt lã chã, suýt nữa thì bái lạy cả Hồng Khiêm: “Nhà họ Trình có hậu rồi cháu ạ.”
Ngọc Tỷ ngắm em trai, vừa đỏ vừa nhỏ xíu, bọc trong tã lót, cũng không trông rõ là giống ai, nhưng càng ngắm càng vui, cuối cùng mình cũng có em trai rồi. Lúc mới sinh Kim Ca khóc một trận, mụ Mễ đút chút nước ấm cho bé, Hồ thị sang dỗ một lúc, chờ bé ngừng khóc mới mớm ít sữa, giờ đã ngủ rồi. Ngọc Tỷ ngắm một lúc, sờ sờ mặt, hỏi Tiểu Trà: “Có phải ta quên mất chuyện gì không? Vốn bảo chờ Kim Ca ra đời sẽ làm ấy.”
Tiểu Trà đáp: “Chẳng phải tiểu thư đã làm một cái yếm rồi ư? Còn muốn làm gì nữa? Tiểu thư thương em trai, thêu thùa may vá một chốc còn được, người có phải là tú nương đâu ạ. Người cần gì làm mãi?” Sau đó vẫn nhờ Đóa Nhi nhớ ra: “Người muốn sửa nhà cho quan nhân ạ.”
Ngọc Tỷ reo lên: “Đúng! Là chuyện này.”Tác giả có lời muốn nói: “À há, làm chị rồi. Không chỉ ngự tỷ khó chọc vào, đến cả tay chân của ngự tỷ cũng chả dễ động vào đâu nhé! Spoil chương sau, cha ngự tỷ bắt đầu lên đời ~