Nữ Hộ

ĐÔNG CON NHIỀU CÁI CHƯA HẲN ĐÃ TỐT

Cũng chẳng biết tại sao mà thầy Tô lại rất thích chỉ trích Hồng Khiêm, Hồng Khiêm trông có vẻ như ngoan ngoãn nghe lời, mỗi lần đều chẳng nói năng chi, chỉ dùng ánh mắt phẳng lặng nhìn đã có thể khiến thầy Tô giận đến nỗi ăn thêm hai bát cơm. Hai người cả ngày thầy tới trò lui ghét bỏ nhau, mọi người từ cụ Lâm trở xuống mới đầu đều kinh hồn bạt vía, lâu dần lại chẳng thèm để ý nữa, dẫu sao có muốn ngăn cũng ngăn không nổi, cũng chỉ có Ngọc Tỷ, ngày ngày kẹp giữa hai người, mới thỉnh thoảng nói vun vào được hai câu.

Hồng Khiêm đỗ tú tài, cũng tự thấy hả hê đôi phần. Tuy nói Giang Châu là vùng đất thiêng người tài, một trăm tám mươi tú tài, có đến hai ba chục người sống trong thành Giang Châu, cử nhân không mười cũng tám, từng có năm tiến sĩ —– nhưng đều rời quê nhậm chức rồi. Dù gì cũng thi bằng năng lực của chính mình, trên đời có biết bao nhiêu người đọc sách, năm nào cũng đi thi, nhưng đến tận lúc tóc bạc trắng cả vẫn không đậu tú tài. Ai dè đâu lại bị thầy Tô hắt ngay cho một chậu nước lạnh, lại cầm sách lên nổi cáu muốn thi cử nhân.

Tú Anh Ngọc Tỷ thấy thế cũng không cản chàng, mẹ con hai người chụm đầu lại, tính số ruộng mới mua. Giấy tờ đã nộp lên nha môn sang tên, vì xây mới lại nhà và phải để lại tiền phòng khi cần gấp, tính toán xong xuôi chỉ mua được tám mươi mẫu ruộng nước, tốt là ở chỗ liền thành một mảnh, trồng trọt gì cũng tiện, chia ra cho ba hộ thuê. Tú Anh lại muốn mua tôi tớ, Ngọc Tỷ nói: “Hôm trước con nghe bà cố nói, muốn cho mẹ tất cả tôi tớ có trong nhà, mình không cần lo nghĩ nữa. Người sống chẳng bằng vật chết, nhiều quá cũng phiền.”

Tú Anh đáp: “Mới bảo con thông minh, con lại lơ tơ mơ rồi, chúng ta đã đủ người chạy việc, nhưng gác cửa, đứng bếp thì ai làm? Đã ở riêng hai nhà, thì phải làm sao coi cho được.”

Ngọc Tỷ nói: “Bếp thì chỉ cần mua hai nha đầu nhóm lửa là đủ, mợ Viên đi theo chúng ta mà. Nhà càng ít người thì càng đỡ xảy ra chuyện.”

Tú Anh cầm bút lên tính, Hồng Khiêm đã có sai vặt thư đồng là hai người Bổng Nghiên, Lai An, mình có hai nha đầu Tiểu Hỉ Tiểu Lạc cũng đã đủ, bên chỗ Ngọc Tỷ thì nhũ mẫu thị nữ tổng cộng ba người, đến cả Kim Ca cũng đã có một nhũ mẫu là Hồ thị, bếp đã có mợ Viên. Chỉ thiếu gác cổng và dăm ba người quét tước làm việc nặng. Tính xong đâu đấy, mua khoảng bốn năm người là đủ, chỉ có gác cổng là phải chọn người khôn lanh một chút, còn lại chẳng cần hàng thượng đẳng, tổng chắc cũng chưa đến hai mươi xâu tiền.

Bèn gọi bà Tiết đến, hỏi mua người. Bà Tiết mong đợi vâng một tiếng, vỗ ngực bảo: “Cứ để bà già này lo.” Tú Anh nói: “Bà đừng khoác lác nữa, lần trước mua thị nữ cho đại tỷ nhà ta, nói thì hay, bà xem mình mấy năm mới tìm được?”

Bà Tiết cười vuốt đuôi: “Nương tử tú tài nhìn mà xem, hai mẹ con nhà họ Viên được việc không? Dù chậm trễ đôi chút, cũng phải tìm được hàng tốt.” Tú Anh mắng: “Hừ, bà chỉ được cái miệng! Lần này chỉ mua để làm việc nặng, không tốn bao công của bà, lúc chuyển nhà cần tới, đừng làm lỡ chuyện của ta, lỡ rồi thì đừng hòng bước qua bậc cửa nhà này nữa.”

Bà Tiết vội hỏi ngày tháng, Tú Anh đáp: “Hôm nay mùng hai tháng ba, cho bà mười ngày, tìm được người không?”

Bà Tiết tính thử: “Nói thực nương tử nghe, dăm ba tên vụng về thì có, nhưng cổng nhà quý phủ không thể để kẻ khờ canh gác, e khó mà đúng hẹn.” Tú Anh đáp: “Thôi, gác cửa không cần đến bà, ta tự tìm.” Bà Tiết nói: “Vậy được, cần gì đến mười ngày, chỉ dăm bảy ngày sau tôi đưa năm sáu tên đến cho nương tử chọn.”

Lần này bà Tiết thế mà lại giữ lời, tuyển người cực nhanh, bạn bảo xem là vì sao? Hồng Khiêm đã là tú tài, Tú Anh lên chức vợ tú tài, mọi người đương nhiên đối xử với nàng khác xưa. Với cả cũng không cần người lanh lợi khôn khéo, thành thật được việc là ổn. Ngày xuân là dịp tốt để mua người, lúc này vụ mới chưa tới thức cũ đã hết, quả thật khó sống qua ngày, phải bấm bụng bán con bán cái hay tự bán mình.

Dăm ba ngày sau, bà Tiết đã dắt mười mấy người đến nhà, dọa Tú Anh một trận: “Bà tính giở trò gì đấy?” Bà Tiết thưa: “Là nương tử gặp thời, gia đình nhà phủ quân sắp dọn đi nên bán tôi tớ, sai già này bán hộ, già này nghĩ ngay đến nương tử, tùy ngài lựa chọn.” Chuyện này thì Tú Anh đã hay tin, bèn cười bảo bà Tiết: “Bà thế mà càng già càng cay, nhà phủ quân cũng tin dùng cơ đấy.” Bà Tiết đáp: “Lại chẳng nhờ phúc nương tử còn gì? Nương tử vừa muốn mua người, trời xanh liền giao vào tay ta rồi.”

Nịnh hót khiến Tú Anh vui vẻ hẳn, bảo Tiểu Hỉ bưng trà quả lên mời bà Tiết xơi, bà ta ăn hai quả, uống sạch hai chén trà, mới nói: “Quý phủ chuyển nhà, cũng cần vài tên gia đinh cường tráng trông cửa, chỗ này có bốn năm gã đàn ông, nương tử xem xem thế nào?”

Tú Anh đáp: “Gọi tiểu nha đầu đến ta xem trước đã.” Bên ngoài có sáu bảy bé gái cùng bước vào, mặc đồ giống nhau, áo vải bố không chắp vá, xếp hai hàng cũng khá ngay ngắn, xem ra đã được dạy dỗ sơ. Tú Anh cân nhắc hồi lâu, thầm nhủ, cũng chỉ làm việc nặng dưới bếp, không cần lanh lợi gì lắm, bèn nhìn tứ chi bọn chúng, chọn ra hai đứa tay chân chắc khỏe. Hai đứa bé này tầm tám chín tuổi, mặt mày trông có vẻ khờ khạo, bà Tiết mới nói: “Hai đứa này chỉ biết xuống bếp nhóm lò, không làm việc khác được đâu ạ?”

Tú Anh đáp: “Đúng là ta đang thiếu nha đầu nhóm lửa, cứ chọn hai đứa này vậy.” Sau đó chọn đến bà hầu, Tú Anh hỏi bà Tiết: “Những người này, trước đây làm nghề gì?” Nghe bà ta trả lời xong, bèn mua hai bà hầu trước đây làm việc quét tước sân vườn, hai người đều là đàn bà góa không con cái gì, tầm ba bốn chục tuổi, bán cũng chẳng được bao tiền. Sau đó nữa mới đến đàn ông, Tú Anh sai người mời Hồng Khiêm đến, để chàng chọn.

Hồng Khiêm nhìn một lượt từ đầu xuống chân bọn chúng, rồi lại soi một lượt từ chân lên đầu, chọn ra hai người, kiểm tra sức vóc rồi giữ lại.

Mấy thằng hầu có tên, một người Trương Tam người kia Lý Tứ, cũng chẳng đổi làm gì. Bà hầu thì cũng gọi bừa là Vương Gia Triệu Gia, hai con nha đầu lúc trước cũng chả được chủ cũ đổi tên, cứ gọi Nhị Nha Hoa Ni, Tú Anh bụng bảo dạ chúng nó chỉ làm việc nặng, cũng chẳng cần tên hoa hòe văn vẻ, bèn để im như vậy, bớt việc. Cụ Lâm thấy vợ chồng nàng mua người, nhưng vẫn thiếu gác cổng, bèn cho thêm một nhà hai người vào số tôi tớ bồi giá. Là Trình Thực – con trai của Trình Phúc và Điền thị – vợ hắn. Gọi cả đến dập đầu với một nhà ba người Hồng Khiêm, lại sai đi xem trước nhà cửa họ Hồng.

Thoắt cái đã đủ người, lập tức bắt tay vào việc chuyển nhà, cụ Lâm muốn cả thế giới biết cháu gái mình đã gả đi được, dù đã bái đường từ lâu nhưng vẫn chuẩn bị bốn mươi tám rương của hồi môn thật hậu, đi vòng khắp hai ba con đường trước sau ngõ Hậu Đức, sau đó mới khiêng vào nhà họ Hồng.

Tiệc xông đất gộp với cả cỗ mừng đỗ tú tài, vừa khéo tổ chức ngay tại nhà mới, lại bế Kim Ca ra mắt mọi người, Kỷ chủ bộ gọi đùa là tam hỉ lâm môn.

Mâm cỗ đã đặt lầu Thái Phong chuẩn bị từ sớm, mợ Viên và bọn Nhị Nha, Hoa Ni nấu canh giải rượu dưới bếp, chặt gà chia dê dọn đĩa. Khách của Hồng Khiêm ngoài hàng xóm ra thì còn có mấy tú tài cùng đỗ đợt này, mỗi nhóm một bàn, trí thức ra trí thức, hàng xóm ra hàng xóm, bạn bè thân thích bên cụ Lâm một đằng, còn một nẻo thì gồm đám lưu manh côn đồ như Hầu Tứ, Lại Tam và quản sự những cửa hàng năm xưa Hồng Khiêm từng quen biết. Mỗi bên nô nức niềm vui riêng.

Trên mâm Kỷ chủ bộ ngồi cao nhất, hài lòng lắm thay, bụng bảo dạ mình đúng là có mắt nhìn người, để ý biết được Trình Khiêm không ký khế ước chết với nhà họ Trình, bấm tay tính, ngày Trình Khiêm rời Trình gia vừa khéo trên dưới ba mươi, vẫn còn trẻ, nếu bắt đầu đọc sách, chưa biết chừng lại có triển vọng, cũng dễ đỡ đần báo đáp mình. Giờ thì xem ra, mình vẫn còn đánh giá thấp người ta.

Con trai nhà Kỷ chủ bộ chưa thi tú tài, ông cũng chẳng gấp gáp lắm, vì con trai mình còn trẻ, chưa được hai mươi. Hồng Khiêm đã gần ba mươi rồi.

Người hài lòng nhất chắc là cụ Lâm, được cháu dâu đằng ngoại và các cô các bà hàng xóm vây quanh xu nịnh, vui vẻ vô cùng.

•••••

Tàn tiệc mọi người về cả, tôi tớ dọn bát đĩa, Tú Anh bèn giữ đám cụ Lâm lại nghỉ ngơi: “Khuya lạnh, có men trong người đừng ra đón gió. Kim Ca để lại cháu chăm, trời ấm lên sẽ bồng sang thăm bà.”

Cụ Lâm tức khắc tỉnh ba phần rượu, bấu tay Tú Anh nói: “Giờ đã ra riêng, cháu đã là người nhà người ta, đừng tùy hứng nữa nhé. Với cả, hai người đàn bà góa là ta và mẹ cháu lại ở trong một tòa nhà lớn thế kia, đã cuống tới cuống lui, cháu đừng để bọn ta phải lo lắng thêm. Cháu cứ an tâm chăm Kim Ca, nơi này ta đã xem qua, tất cả đồ gia dụng chỗ Ngọc Tỷ đều mới sắm, phòng cũ ở nhà ta vẫn còn để cho con bé, cháu cũng không chăm được gì nhiều, cứ để nó về nhà vài hôm, ở chơi với ta, ta cũng tiện bề dạy nó một ít chuyện con gái.”

Tú Anh đáp: “Ngọc Tỷ cũng thưa với chồng cháu rồi, không nỡ xa nhà, bảo nhà mình chỉ còn hai người già, cô đơn lắm. Chồng cháu bảo, mỗi ngày nửa buổi sẽ học với thầy Tô, nửa buổi rảnh rỗi sẽ đến thăm bà. Đêm thì về đây ngủ. Mà bà với mẹ, rảnh cũng cứ tới đây chơi, được không?”

Cụ Lâm nói: “Vậy thì tốt, mấy ngày nữa là đến sinh nhật Ngọc Tỷ, trời ấm hơn, lên chùa Từ Độ dâng hương lễ tạ đi.”

Tú Anh đáp: “Vâng, vợ chủ bộ vừa bảo, phủ quân mới sắp đến, lúc ấy phải gặp mặt tú tài, hẳn còn phải tiệc tùng văn thơ, chưa biết là ngày nào, nhân lúc người ta chưa đến, chúng ta đi dâng hương trước vậy.”

Đã muốn dâng hương, cụ Lâm rất thành kính, bèn có ý ăn chay trước, không ba thì một ngày, tắm gội thay đồ, thuê kiệu, thầy Tô thì nhớ thương buổi luận đạo với phương trượng ngày ấy, thuê ngựa, Ngọc Tỷ sợ Tiểu Trà và Đóa Nhi còn quá nhỏ không đi bộ nổi, xin Hồng Khiêm thuê một chiếc xe để mình ngồi cùng hai đứa và mợ Lý. Đội hình cũng khá hoành tráng, đi thẳng đến chùa Từ Độ. Để mợ Viên và Nhị Nha Hoa Ni ở lại chuẩn bị cơm canh, chỉ chờ chủ nhân quay về, sẽ mở tiệc sinh nhật chín tuổi của Ngọc Tỷ tại nhà mới.

Giữa đường chợt gặp một gia đình đi đưa tang, cụ Lâm bụng bảo dạ xúi quẩy làm sao, mụ Ngô khuyên: “Gặp quan thì phát tài, là điềm lành, cô gia nhà ta ra cửa gặp tang, chẳng mấy chốc sẽ đậu cử nhân làm tiến sĩ, đến cả nương tử cũng sẽ được ngũ phẩm cáo mệnh luôn.” Cụ Lâm bấy giờ mới vui vẻ bảo: “Đúng thế đúng thế!”

Bên kia xe, Ngọc Tỷ nghe người ta rì rầm bảo là gia đình một người đậu tú tài chung với Hồng Khiêm. Thì ra ông cha hai người nhà này, cộng lại cũng phải đọc sách mấy chục năm, tóc đã bạc trắng vẫn công cốc, thế mà lại sinh được một thằng con thông minh, năm nay mười ba tuổi đã đậu tú tài, thành Giang Châu trước nay chưa từng có người đậu tú tài ở tuổi này, dễ cả nước cũng chẳng có tú tài nào trẻ tuổi hơn cậu. Lại còn đậu hạng nhì, khiến ông nhà mình mừng hết lớn, mừng tới chết luôn.

Ngọc Tỷ vén một góc rèm xe lên, nhìn ra từ lỗ hổng, đồ tang trắng xóa một màu, chẳng rõ ai là ai. Người ta còn chen nhau để nhìn mặt tú tài trẻ tuổi, Ngọc Tỷ xem không được thì mất hứng lắm, buông rèm xuống.

Cả đoàn đến chùa Từ Độ, Hồng Khiêm bồng Kim Ca, bọn lão an nhân cũng xuống kiệu, cả nhà từng bước lên thềm, vào chùa dâng hương. Hồng Khiêm mang theo một hộp giấy viên vo tròn bỏ trong tay áo, đứng dưới chân Phật bốc một viên, mở ra xem, là chữ “Huyền”.

Thầy Tô thì tự đi tìm phương trượng, tiểu sa di vừa thấy thầy đến đã vọt đến chỗ phương trượng, nhanh như một làn khói: “Sư phụ, vị tiên sinh kia lại đến rồi!” Chẳng ngờ thầy Tô khỏe mạnh, thường ngày còn luyện bắn tên, nâng gạch, lại hay lạc đường khắp nơi nên chân bước chẳng chậm hơn cậu là bao, tiểu sa di chưa báo động xong, thầy Tô đã mò đến.

Phương trượng hơi xấu hổ, buộc phải pha chén trà thơm đãi khách, luận bàn đến mức đầu bóng loáng đổ đầy mồ hôi mà thầy Tô còn chưa thỏa mãn, đến tận khi Ngọc Tỷ tìm tới. Ngọc Tỷ bảo muốn tìm Tô tiên sinh, tiểu sa di chỉ mong lời này, niềm nở dẫn đường. Ngọc Tỷ vừa dẫm lên bậc cửa, chợt nghe phương trượng trong kia nói: “Tiểu tăng tu hành chưa đến chốn, nếu tiên sinh muốn tìm người thông hiểu lĩnh hội căn nguyên, tiểu tăng cũng từng vân du tu hành, cũng có chút ít gọi là quen biết với Ngộ Đạo thiền sư – trụ trì của chùa Tướng Quốc trong kinh. Tiểu tăng có thể viết một bức thư, tiến cử tiên sinh.”

Ngọc Tỷ đạp hụt một bước, nhìn thầy Tô như nhìn quỷ, mặt mày đầy vẻ không tin tưởng nổi —– Một mình thầy mà đi, chẳng biết kiếp sau có đến được kinh thành không nữa là? Phương trượng bị thầy dồn tới cùng đường, muốn giết người đốt xác rồi kìa!

Trong phòng, Tô tiên sinh cũng xanh cả mặt, nhớ năm xưa thầy lên kinh đi thi, cha thầy đã phải đi cùng, chính vì sợ thầy lạc mất. Thầy đến Giang Châu cũng ngoài ý muốn, chỉ cứ thế lạc tới nơi thôi, giờ bảo thầy lên kinh, không ai đi cùng, đường lại dài, chẳng biết sẽ còn lạc đến nơi nào.

Ngọc Tỷ vội vàng lên tiếng: “Quấy rầy đại sư rồi, thầy, ngoài kia mọi người đang xin xăm, thầy cũng xin một quẻ cho gia đình đi? Cũng là ‘Vì mẹ dựng đàn tràng’.” Phương trượng không khỏi mỉm cười, bụng bảo dạ cô bé này thú vị ghê. Người đọc sách có “Tử bất ngữ”*, nhưng vẫn có điều “Không thể buông”, thế thì cứ đem lão an nhân ra làm cớ, bảo là “Vì mẹ dựng đàn tràng”. Bèn cười mỉm, buông lời: “Thế thì bần tăng không ngăn tấm lòng phụng dưỡng của người nữa.” Chả dễ gì mà tiễn được vị sát tinh này ra khỏi cửa.

[*Bốn điều Khổng Tử không nói (không tín), đó là quái lực loạn thần. Ở đây tác giả ý bảo tuy mấy mọt sách không tín đạo, nhưng phải thủ hiếu, bởi vậy vẫn phải tới chùa dựng tràng cúng mẹ vân vân.]

•••••

Lần này về nhà, chừa thầy Tô ra thì ai nấy đều vừa lòng thỏa ý. Vào đến ngõ, lại gặp Lục thị cũng vừa bước từ trên kiệu xuống, dắt tay Niệm Lang. Niệm Lang hừ một tiếng, bị Lục thị túm, bèn cúi đầu đi.

Tuy gặp người khiến mình mất vui, hai họ Hồng Trình đều chẳng để bụng, xuống kiệu, trả tiền trả kiệu xe ngựa. Về tổ chức sinh nhật cho Ngọc Tỷ, lúc ăn mì trường thọ, Hồng Khiêm bèn ở trước mặt mọi người đặt đại danh cho Ngọc Tỷ, là “Hồng Thành Huyền”.

Không chỉ Ngọc Tỷ mà cả Hồng Khiêm nghe ra cũng thấy không tốt. Nếu vẫn họ Trình, gọi là Trình Ngọc Tỷ thì không sao, chứ cái tên Hồng Ngọc cùng âm vớiHồng Ngọc*, vừa khéo giống tên nha hoàn. Thôi thì đổi, viết rất nhiều chữ bỏ đầy cả hộp, ngay dưới chân Phật rút thăm, lại là chữ “Huyền”. Nghe như tên con trai, nhưng còn hơn như nha hoàn.

[*Họ Hồng của Ngọc Tỷ là 洪, còn Hồng trong Hồng Ngọc là 红]

Ngọc Tỷ vui lắm thay, đọc thầm ba chữ “Hồng Thành Huyền” một lượt, nói: “Con thích cái tên này!” Do trong tên có chữ “Thành”* nên đám Tú Anh cũng vui vẻ, bụng bảo dạ thái công cưng nhất là Ngọc Tỷ, tuy bé phải quy tông nhưng có một chữ để tưởng nhớ vẫn tốt. Thầy Tô cũng cười, cúi đầu uống cạn rượu trên tay.

[*Thành và Trình cùng âm đọc.]

Ngọc Tỷ có tên mới, càng ra sức học tập, thành ra ép Hồng Khiêm phải chăm chỉ cùng bé, sợ mình học dở hơn con gái —– Nếu Ngọc Tỷ ngồi ngay ngắn mà Hồng Khiêm lại sơ sẩy cử động, ánh mắt thầy Tô sẽ bắn tới như phóng đao. Cứ thế vài ngày, tân phủ quân đã đến nhậm chức, muốn gặp trí thức trong thành, thế mới độ được một kiếp này cho Hồng Khiêm.

Kỷ chủ bộ ấy vậy mà lại đích thân đến tìm Hồng Khiêm: “Tân phủ quân thuộc hoàng tộc, dắt cả đại gia đình tới đây, người ta có tiền có quyền, dò hỏi mới biết vị phủ quân này năm nay bốn mươi lăm, đưa phu nhân và mấy công tử, tiểu nương tử đến cùng.”

Hồng Khiêm bèn hỏi: “Có biết được thuộc chi nào không?”

Kỷ chủ bộ đáp: “Ta đang định nói đây, nghe ra thì là anh em chú bác với Quan gia, là con trai của Hoàng thúc Ngô vương. Ngô vương con đàn cháu đống, vị phủ quân này xếp thứ tư trong số hai mươi ba anh em, nhà có chín trai bảy gái, tiểu nương tử thì không dò ra được, nhưng cửu công tử nhỏ nhất năm nay cũng đã lên chín. Con đàn cháu đống như vậy, thật là đáng mơ ước!”

Kỷ chủ bộ có cả con trai con gái, nhưng cũng chỉ là nhi nữ song toàn mà thôi, không thể sinh thêm nữa, trông người ta con cái thành đàn mà ngưỡng mộ không thôi. Hồng Khiêm khẽ mỉm cười, bụng bảo dạ, đông con nhiều cái chưa hẳn đã tốt.Tác giả có lời muốn nói: Không kìm nổi đã cho Ngọc Tỷ mắng thầm thầy mình lần này, ấy mới là con gái của Hồng Khiêm chứ! Mọi người đoán ra được ai là nam chính, ai là nam thứ, ai là pháo hôi hem?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui