Nữ Hộ

CHẲNG KHÁC GÌ TRONG MƠ.

Lại nói, dù đêm hôm qua Cửu Ca ngủ có ngon hay không thì ấy vẫn là một giấc mộng đẹp, lỡ mất giờ rời giường, Thân thị lo cho y nên đích thân đến thăm, lại bị cậu chàng mặt đen này chặn họng, dở khóc dở cười. Đúng là “Con trai lớn phải tránh mẹ”, Thân thị vừa giận vừa buồn cười, lại không an tâm nên mới ra gian ngoài ngồi.

Cửu Ca có riêng một viện, viện không lớn lắm, tọa phía bắc trông về hướng nam, gồm ba gian phòng chính, hai bên là vài gian sương phòng, Cửu Ca ở nhà giữa, phòng không lớn lắm. Thân thị ngồi ngoài, nghe tiếng sột soạt bên trong, chẳng mấy chốc, Cửu Ca đã gọi: “Thư Đồng.”

Thân thị nghe y gọi Thư Đồng, lại cười. Phàm những gia đình khá giả, các công tử thường có thư đồng, hoặc hầu bút mực, hoặc cùng chơi đùa. Lúc Cửu Ca lên năm lên sáu, Thân thị đã chuẩn bị trước một thư đồng hầu hạ y rồi dần cho nhũ mẫu thôi việc, đến lúc y tám, chín tuổi đã cho thêm hai ba tôi tớ. Thân thị hãy còn nhớ lần đầu tiên bảo y đến nhận thư đồng, bảo: “Con không nên lúc nào cũng dính lấy nhũ mẫu, ta cho một thư đồng đến hầu con.”

Khi ấy, Cửu Ca vẫn gương mặt bầu bĩnh, gật đầu. Thân thị hỏi y chọn ai, y đáp: “Tùy mẹ chọn.” Thân thị tặng y một tiểu thư đồng, nói: “Vậy cho con thư đồng này nhé.” Cũng chẳng biết tại sao, từ bấy Cửu Ca đã mặc định tên của thư đồng này là “Thư Đồng”, sau này cũng chẳng thèm sửa.

Thân thị cười trộm, chợt nghe bên trong rì rầm nhưng không rõ tiếng, sau đó lại có cả tiếng lục rương lục tủ, ban nãy vừa nhớ đến chuyện lúc Cửu Ca còn bé nên mềm lòng, nghe tiếng lại không an tâm, bèn bước vào nhìn thử. Lại thấy Cửu Ca đang để trần cặp giò trắng muốt, đứng dưới đất, dưới chân giường còn nhét một thứ gì đó, Thư Đồng đã chồm hơn nửa người vào tủ quần áo, lẩm bà lẩm bẩm: “Cái quần kia màu ngà, hôm nay mặc áo xanh, phải tìm quần phối tiệp màu mới được…”

Thân thị bước vào, Cửu Ca cố gắng giữ bình tĩnh, một tay chộp chăn che trước người, mở miệng hỏi: “Sao mẹ lại đi vào ạ?” Thư Đồng vội chui ra, lại vì gấp quá mà đụng đầu, tầm mắt thế mà hướng đến chân giường. Thân thị đã sớm ngờ ngợ, phòng thằng bé Cửu Ca này là gọn gàng sạch sẽ nhất, trước giờ chưa từng vứt đồ lung tung, giờ ngay chân giường sao lại đùn một đống thế kia? Lia mắt sang đấy, thị nữ Tiểu Huệ của bà bèn giở cục màu ngà kia ra, ấy lại là một cái quần.

Cửu Ca quýnh quáng, cũng đâu thể mặc quần ướt ra ngoài! Để người ta thấy thì kỳ cục biết bao?! Bèn bảo Thư Đồng tìm quần mới. Ai mà ngờ Thân thị lại bước vào? Nếu bà vào một mình thì thôi, đằng này lại dắt theo cả thị nữ. Cửu Ca không mặc quần, không tiện làm gì trước mặt thị nữ, bèn quấn chặt chăn, trốn tới trốn lui. Tiểu Huệ nín cười đưa quần lên cho Thân thị xem.

Thấy Thân thị xem xét cái quần ướt của mình, Cửu Ca đỏ rực cả tai. Thân thị nhìn một lượt, thầm ngạc nhiên, khịt mũi ngửi thử, chợt vui mừng vô cùng, cười to phất tay, bảo Tiểu Huệ đưa quần cho Thư Đồng cầm, rồi sai thị ra ngoài. Tự lấy một cái quần mới trong tủ ra, cười nhìn Cửu Ca: “Đây là chuyện tốt. Con lớn rồi, có thể cưới vợ rồi.”

Cửu Ca không phải con nít mít đặc mà chỉ đang mơ màng, vì mộng đẹp cả đêm chợt bị mẹ bắt dậy, nhất thời hoảng hốt, mới lầm đó là tè dầm. Nhưng Thân thị biết, thằng con này đã mười ba tuổi rồi, khi y lên ba đã không còn tè dầm nữa! Cười bảo: “Mau mặc quần áo đi, trong bếp để phần cháo rau cho con đấy. Còn chuyện này, ta sẽ bảo anh con đến giảng giải cho.” Dứt lời bèn gọi Tiểu Huệ, vịn tay thị ra ngoài.

Cửu Ca như bị sét đánh. Thân thị đã nói tới đó, thì sao y còn không hiểu cho được? Bắt đầu đau thương tột độ: Đúng là đoạn tụ thật rồi, mơ thấy thiếu niên xinh đẹp, mơ tới bắn ra ngoài…

Thư Đồng mờ mịt một lúc cũng đã ngộ ra, nhưng thấy Cửu Ca mặt mày lạnh toát, đành lén cười đôi tiếng, nhưng không dám bước tới chúc mừng.

•••••

Lại nói, vì Cửu Ca “trưởng thành” mà Thân thị vui mừng vô cùng, nghĩ lại thì Cửu Ca và Ngọc Tỷ cùng tuổi, giờ đã thế này, dạo tới sẽ thử nhắc Tú Anh. Trước đó, đương nhiên phải báo trước Lệ Ngọc Đường một tiếng. Sai mợ Tần gọi Ngũ Ca đến, không đích thân nói mà bảo mợ Tần bóng gió với Ngũ Ca. Ngũ Ca nghe rồi cũng cười: “Cửu Ca lúc nào cũng già dặn, lại nghiêm nghị, có thể xấu hổ một lần cũng tốt. Cứ giao chuyện này cho con, con đi nói chuyện với đệ ấy.”

Thân thị để Ngũ Ca đi, nhìn mợ Tần, cả hai cùng cười. Mợ Tần dợm hỏi: “Hai năm nữa Cửu Ca có thể lấy vợ rồi, nương tử đã ưng ai chưa ạ?” Thân thị đáp: “Rồi, nhưng không nên để nó dính vào chuyện trai gái quá sớm, hại thân, đính hôn trước, đợi thêm ba bốn năm, để nó đọc thêm sách, hiểu chuyện hơn, khi ấy mới thành thân.” Mợ Tần cười thưa: “Vâng ạ. Nhưng hẳn phải nói với phủ quân trước.” Thân thị bảo: “Chứ gì nữa?”

Chủ tớ hai người đang vui vẻ, Lệ Ngọc Đường lại đến tìm Thân thị bàn bạc. Vì chuyện cưới gả của Lục Ca mà ông vẫn chưa hết ấm ức, càng nghĩ càng bực mình, bèn đến bàn với Thân thị. Thân thị thấy ông đến, đứng dậy đón: “Sao lại không vui thế này? Hay là còn vấp váp vụ án lúc trước?” Lệ Ngọc Đường nói: “Vụ đó thì có gì mà vấp váp? Nhân chứng vật chứng đều có cả.”

Lại nói: “Bọn họ ngày càng lung tung rồi, phải mau mau đính hôn cả cho đám con, để người trong kinh kia đỡ phải ghép bậy.” Thân thị biết ông bất mãn với hôn sự của Lục Ca, nhưng không vuốt giận cho ông, dù sao đi nữa vợ Lục Ca sẽ sống trước mặt mình, chẳng cản trở gì Lệ Ngọc Đường.

Trở tay bảo: “Con gái có phong tước, không lo người trong kinh sắp bậy sắp bạ. Trai tốt thành Giang Châu, hai đứa tốt nhất đã trở thành con rể mình, đám còn lại thì đều mắc míu đâu đó. Không quyết được, thôi thì kéo thêm hai năm, để xem nhiệm kỳ sau mình được điều đến đâu rồi tính. Có điều mấy thằng con nhà mình, đều không còn nhỏ nữa.”

Thân thị bèn mượn thời cơ nói chuyện Cửu Ca Ngọc Tỷ, Lệ Ngọc Đường vui vẻ đáp: “Ta thường nghe người ta bảo con gái giống cha, con gái của Hồng Khiêm hẳn sẽ không kém. Mình đã bảo con bé tốt, vậy cứ chọn nó đi.”

Thân thị nói: “Vậy nhé. Ta phải báo trước một tiếng cho nương tử Hồng tú tài, rõ ràng mọi chuyện, chờ Thất Ca Bát Ca xong mới tiện tính tiếp. Cũng không thể để em trai cưới sớm hơn anh mình.” Lệ Ngọc Đường đáp: “Đúng là thế, mọi chuyện giao cả cho mình.” Thân thị bảo: “Nói gì thế? Chẳng có nhẽ chỉ mỗi ta đi gặp thông gia à?” Lệ Ngọc Đường vuốt râu cười: “Mọi chuyện theo lời mình sai bảo.”

Thân thị muốn nói với Tú Anh theo kiểu tế nhị, chuẩn bị vài món kỷ vật, lại lật tung rương hồi môn của mình, muốn chọn một món quà quý tặng Ngọc Tỷ. Xem xét vài ngày vẫn không ưng ý, cuối cùng mới tìm được một chiếc hộp sơn son mạ vàng, mở ra coi thử, trên lớp vải nhung đỏ là hai chiếc trâm vàng đầu phượng, thiết kế trong cung, đá quý làm mắt, trổ vàng làm lông, mỗi con phượng ngậm một viên châu to, thân trâm khắc vân mây lành tinh xảo. Thân thị càng nhìn càng thích, đúng thứ này rồi.

Đến lúc muốn hẹn gặp Tú Anh lại trông thấy Cửu Ca, thấy y rệu rã, cố làm mặt tươi cười, người thì hốc hác khốn khổ. Không khỏi hoảng hốt: “Thế này là sao?” Đám Ngũ Ca biết rõ tình hình, lại không dám nói ngay lúc này, vì Cửu Ca bảo: “Chưa hết hạn một tháng đâu.” đành tạm nhịn thêm vài ngày.

Thân thị thấy con trai tinh thần không tốt, hỏi y, y cũng chỉ đáp là không sao. Ép Cửu Ca khám bệnh, được chẩn là suy nghĩ quá nhiều. Hỏi Cửu Ca, lại hỏi không ra. Thân thị nghĩ lại, lúc trước Tú Anh từng nhắc đến chuyện phải lên chùa cầu nguyện cho Hồng Khiêm, còn bảo chùa này rất linh, hòa thượng cũng là cao tăng đắc đạo.

Thân thị vung tay, dắt Cửu Ca đến chùa Từ Độ. Lại nghĩ vợ chồng Ngũ Ca sắp phải về kinh, Lục Ca còn chưa biết mặt mũi vị hôn thê của mình ra sao, đám con còn lại thì chưa cưới gả gì, bèn ra lệnh Lục Ca phải đi cùng, Thất Ca cũng phải đi cùng, Bát Ca đương nhiên đi cùng nốt, cầu nhân duyên cho bọn nó, lại dắt con dâu con gái, sai Ngũ Ca tháp tùng theo kiệu.

Khéo thay hôm ấy Tú Anh cũng lên chùa. Chùa Từ Độ vốn do Tú Anh bày cho Thân thị, lại là nơi hai họ Hồng Trình hay đến, mọi người đều chọn ngày lành, tắm rửa thay áo, cũng vội vàng dâng hương, sao lại không gặp nhau cho được? Vì sắp đến ngày thi của Hồng Khiêm, Tú Anh dạo này ngày càng thành khẩn, có ý năng đến chùa Từ Độ hơn. Lại còn tự chép kinh, bảo cả Ngọc Tỷ cùng chép, trong lòng lại cầu nhân duyên cho Ngọc Tỷ.

Hai nhà Trình, Hồng neo người, thu vén xong kiệu xe là lên đường ngay. Nhà họ Lệ lại đông, nữ quyến cũng nhiều, thế nên hơi lộn xộn, Hồng gia tới trước. Đến chùa thì khỏi trùm đầu, sư sãi ấy à, người đời thường vứt họ ra ngoài vòng dan díu trai gái. Ngọc Tỷ dìu cụ Lâm, Tú Anh đi cùng Tố Tỷ, Hồng Khiêm dắt con trai Kim Ca, dọc đường giảng giải đủ thứ cho cậu nhóc, thương yêu vô vàn.

Thầy Tô cũng đi theo, chắp tay sau lưng, thong dong dợm bước. Vì thầy thường đi lạc, số dặm thầy đi hơn người bình thường rất nhiều, sức chân cũng tốt cực, từng bước vững vàng, đi bộ lên núi.

Đến nơi, tăng nhân trong chùa đương nhiên biết gia đình này, họ nhiều năm liền quyên tặng nhiều thứ, lại thành tâm. Mỗi lần tới đây, lại hay dắt theo một ông thầy họ Tô, thường khiến phương trượng gọi trời không thấu gọi đất không thưa, phải tụng thêm vài câu “Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục“, mới có thể làm bộ vững vàng đón tiếp ông thầy này. Mỗi lần tới lúc ấy, đám tiểu sa di tụ tập lại cười trộm, sư phụ sẽ không răn dạy, vì họ cũng đang bận cười.

Quả nhiên, vị sư tiếp khách đón cả nhà vào, Tô tiên sinh đi thẳng ra sau tìm phương trượng, Hồng Trình hai họ dâng hương. Cụ Lâm ngăn lại, bảo Hồng Khiêm bái trước: “Hôm nay cháu là chủ.” Hồng Khiêm không bướng với cụ được, bèn dập đầu ba cái trước, mọi người chẳng ai biết chàng cầu cái gì.

Tăng nhân đưa ống xăm đến cho chàng lắc, chàng lại bảo: “Trước đó đã xin xăm, giờ lại xin nữa thì mất linh.”

Tiếp theo là cụ Lâm, cụ cầu hai nhà bình an, Kim Ca lớn lên khỏe mạnh, rạng danh nhà họ Trình; Hồng Khiêm đỗ đạt, vợ con ngồi mát bát vàng; Tú Anh có thêm con trai, để nhà họ Hồng vững căn cơ; Ngọc Tỷ có nơi chốn tốt, vợ chồng quang vinh. Rì rầm thật lâu, suy đi nghĩ lại rồi mới xin xăm, lại được đại cát.

Tố Tỷ không muốn lắc nữa. Tú Anh trông tình hình, cũng ngừng lại. Hai người đều nghĩ, lão an nhân đã xin được xăm thượng thượng, mình hưởng ké là được, xin nữa làm chi? Ngọc Tỷ chỉ giao kinh Phật chứ không xin xăm, trong lòng lại nghĩ, xăm đầu tiên mình xin không tệ, xin nữa chỉ sợ mất linh.

Cụ Lâm đi giải xăm. Tú Anh thêm tiền nhang đèn, lại đưa tiền biếu chú tiểu đốt hương, xin tụng kinh. Đương lúc giải xăm, bên ngoài tiếng người ồn ã, là gia quyến Lệ phủ quân đến dâng hương. Sư tiếp khách vào trong thưa với sư phụ: “Các công tử nhà phủ quân tháp tùng theo xe, nữ quyến đều đến cả. Vì có khách nam, nữ quyến trong này xin hãy lánh mình đi trước.”

Tố Tỷ nghe bèn dắt Ngọc Tỷ đi ra sau phướn. Phàm những ngôi chùa lớn, trong điện thường không xây tường ngăn, chỉ treo những lá phướn cỡ to trên xà nhà, hai mặt thêu hoa sen. Dập dềnh, cũng như rèm che. Nghe nói trong số khách đến có đàn ông, tuy Tú Anh và Thân thị quen nhau, cũng đành phải tránh sau phướn. Hồng Khiêm biết có cả nữ quyến, cũng theo vợ lánh đi. Lại vì hai bên quen biết, không tiện tránh không gặp, chờ Lệ gia lễ Phật xong, thì đàn ông chào đàn ông, phụ nữ tán chuyện phụ nữ.

•••••

Đám Thân thị cũng nghe sư tiếp khách thưa: “Bên trong có gia đình Hồng tú tài đang bái Phật, có cả nam lẫn nữ, xin chờ tiểu tăng vào báo, chớ để nam nữ hai bên chạm mặt nhau, không khéo.” Thân thị ấy mới hỏi: “Hồng tú tài nào?” Sư tiếp khách thưa thật, Thân thị nghĩ, chẳng phải gia đình Hồng Khiêm đấy ư? Khéo thật!

Bên kia Cửu Ca nghe “Có cả nam lẫn nữ” thì tim đã thót lên cổ họng, nhưng nếu trốn đi thì không ổn. Bát Ca đứng sát bên trái y, chỉ cảm thấy tay áo Cửu Ca rục rịch, bèn liếc y một cái. Thân thị nói: “Đã thế, chúng ta cũng nhanh nhanh chóng chóng thôi. Lễ Phật xong, ta cũng tiện nói đôi lời với nương tử chàng ta.” Lại sai anh em Cửu Ca đến chào Hồng Khiêm: “Ông ấy là người mà cha mấy đứa coi trọng, cũng thực sự có tài, không như đám môn khách kia, phải kính trọng.”

Ngũ Ca cười đáp: “Chúng con đã gặp Hồng tú tài, là người thông tỏ, mẹ yên tâm.” Đoạn dặn thê tử Tề thị, phải chăm sóc mẹ và em gái thật tốt. Tề thị vâng dạ: “Mẹ chu đáo đến mức nào cơ chứ, thiếp chẳng qua chỉ theo học vài điều.”

Dứt lời thì vào lễ Phật. Nữ quyến dâng hương trước, Thân thị dẫn đầu, sau đó mới là đám con trai. Nữ quyến bái xong, tăng nhân dẫn đường, dắt Hồng Khiêm ra trước, Kim Ca còn nhỏ, để lại bên mẹ.

Khung cảnh sau phướn lờ mờ, hẳn là nữ quyến Hồng gia, Thân thị đã đi đến đằng ấy, hai bên thì thầm trò chuyện. Cửu Ca vừa khéo xếp ngay sau cùng, lòng y rối cực, nhưng nghe tiếng tăng nhân niệm kinh, lại dần bình tĩnh lại. Ngẩng đầu nhìn Phật Tổ, trong lòng đã rơi lệ, thầm nhủ, nếu ngày ấy không rời thành thì đỡ biết mấy, cũng không khó xử như hôm nay, nhưng soi xét lại, bụng dạ thế mà chẳng một chút hối hận nào. Chợt nhớ đến giấc mơ kia, sau khi bừng tỉnh khỏi cơn mộng ấy, y lúc nào cũng nghĩ đến, lại thầm khẩn cầu: Ta biết lòng dạ mình không tốt, nhưng không thể quản nổi trái tim mình, Phật Tổ từ bi, nếu thiếu niên hôm ấy là con gái thì tốt biết mấy… Đáy lòng cũng biết đấy là mơ mòng, nhưng ý nghĩ ấy không xuất hiện thì thôi, manh nha rồi thì như trở thành cọng rơm cứu mạng, cầu khấn hết lần này đến lần khác.

Lại nói, Thân thị muốn nhắc chuyện Ngọc Tỷ với Tú Anh, để mào đầu, Thân thị đã đơm lời: “Ngọc Tỷ đúng là đứa bé ngoan, chẳng biết cậu chàng nhà ai có phúc mới cuỗm được.”

Tú Anh đáp: “Em còn đang cầu phúc cho nó đây, chỉ mong nó có thể gả vào gia đình hòa thuận thôi.”

Thân thị nói: “Ta thấy con bé nên được hơn thế.” Tề thị chợt bảo: “Mẹ, con và Lục Tỷ, Thất Tỷ đều mới đến đây, muốn ra ngoài ngắm cảnh.” Lại hỏi Tú Anh: “Hẳn Đại Tỷ thường đến chùa này, vẫn mong muội ấy bầu bạn cùng chúng con, chẳng hay thím có cho phép?”

Tú Anh bụng bảo dạ, Tề đồng tri ngụ Giang Châu cũng đã năm sáu năm, cô bảo cô chưa từng đến chùa này, ai tin? Nhưng lại cười: “Sao lại cho hay không? Muốn đi thì cùng đi đi.” Tim không khỏi đập như trống dồn, chẳng có nhẽ? Ngước mắt nhìn Thân thị, lại thấy bà tươi cười.

Kim Ca còn nhỏ, Tú Anh sợ nhóc tự dưng bức bối quậy phá lung tung, lại sợ trẻ con không kín miệng, đồn bừa ra ngoài, không tốt cho Ngọc Tỷ, dỗ thằng bé ra chỗ Hồng Khiêm.

Bên này Ngọc Tỷ và chị em dâu Tề thị men theo phướn đi ra sau điện, bên kia Cửu Ca không tiện đưa mắt nhìn theo nữ quyến, lại trông sang Hồng Khiêm —– Ngũ Ca đang chào hỏi ông —– Lòng lại lạnh lẽo, thấy Hồng Khiêm lại nhớ đến thiếu niên kia. Y biết Hồng Khiêm có một trai một gái, thấy Hồng Khiêm cũng khá hiền hậu với mình, y lại thèm muốn con trai nhà người ta, còn trơ tráo hơn chuyện thèm muốn con gái nhà người ta nữa. Sai sai! Đàn ông nhà họ Hồng chẳng phải đều đến cả à? Thiếu… Thiếu niên ấy đâu?

Đương khi suy xét, cuối cùng không kìm nổi nhìn sang bên cạnh Hồng Khiêm. Ngước đầu lên, lại trông thấy một bé con kháu khỉnh bụ bẫm, tóc chải ra sau đầu. Mặc áo yếm đỏ thẫm viềng mép, lại nghe nhóc gọi Hồng Khiêm là “Cha.”

Cửu Ca ngơ ra, đầu óc đặc lại như hồ dán. Y biết Hồng Khiêm có một trai một gái, con gái lớn, con trai nhỏ, còn cặn kẽ hơn thì, lúc đầu không ưa dò hỏi chuyện nhà người ta, nghe để đó, không rõ cũng mặc —– Cũng chả liên quan đến y. Sau này muốn biết lại ngại, sợ gây phiền phức cho thiếu niên kia.

Thằng bé trước mắt gọi ông ấy là cha, vậy… Ngoại thành năm ngoái, người gọi Hồng Khiêm là cha là ai? Khó nhọc bò dậy khỏi đệm quỳ, Cửu Ca đỡ trán, vẫn luôn không dám tin, nếu y chưa hoàn toàn ngu ngốc thì, thiếu… thiếu niên mà y thương nhớ hơn nửa năm trời, lại là một cô gái?!

Cửu Ca ngẩng đầu nhìn Phật Tổ, Phật Tổ cười không đáp.

Bấy giờ lại nghe tiếng bước chân vội vã, một tiểu sa di chạy đến tìm Ngọc Tỷ, ngăn mọi người ở cửa sau: “Thí chủ, lệnh sư…” Chưa dứt lời, đám Tú Anh đã cười rộ lên. Ngọc Tỷ hỏi: “Tiên sinh lại trò chuyện đến là vui vẻ với phương trượng rồi nhỉ?” Cái đầu bóng loáng của tiểu sa di đỏ cả lên, chắp tay gật đầu. Ngọc Tỷ bèn nói với đám Tề thị: “Tiên sinh nhà ta thích nhất việc ôn chuyện với phương trượng ở đây, luôn phải có người đi khuyên đôi lời, mới không đến nỗi lưu lại đây làm pháp sư.”

Tiểu sa di thấy Ngọc Tỷ có người đi cùng, khó xử hồi lâu mới thưa: “Sau núi có cảnh đẹp, nếu thí chủ không ngại, xin đi theo tiểu tăng.” Tới đây thì nên ngăn mấy người này lại, để vẻ khốn quẫn của phương trượng đỡ lọt vào mắt nhiều người. Mấy cô gái đồng ý, cùng đi ra ngoài. Lục Tỷ, Thất Tỷ quen với Ngọc Tỷ, lại trò chuyện tiếp về màn thêu đợt trước, Tề thị quan sát phong phạm Ngọc Tỷ, cũng hài lòng. Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, mẹ chồng đã thế kia, đây chắc là em dâu tương lai rồi, hẳn phải xinh đẹp tốt tính thì mới dễ ở chung.

Đại điện trong chùa đều thế này cả, có hai cửa trước sau, cửa trước bước vào là tượng Phật, đi vòng ra sau tượng Phật mới là cửa sau. Chẳng ngăn được lời lọt vào tai Cửu Ca, giọng Ngọc Tỷ là giọng nói y nghe trăm ngàn lần trong mộng, chẳng phải giọng nàng thì là gì? Cửu Ca làm sao không vui cho được?

Cửu Ca dập đầu bình bịch mấy cái thật vang, thành khẩn mừng rỡ khôn xiết. Phật Tổ hiển linh rồi! Lại hứa hẹn, đến khi ta có năng lực, sẽ đúc kim thân cho ngài!

Bên kia, đám Tú Anh nghe lời Thân thị đã nói, ai nấy đều không dám tin vào tai mình nữa! Tú Anh bảo: “Nương tử không phải đang đùa với em đó chứ?” Thân thị đáp: “Chuyện này sao đùa được? Dù ta có lấy con trai ra đùa, cũng đâu dám đem con gái nhà người khác ra đùa, đúng không nào?” Ba đời bà cháu cụ Lâm đưa mắt nhìn nhau, đều mừng rỡ. Cuối cùng cụ Lâm nói: “Chuyện này phải hỏi cha tụi nhỏ.”

Thân thị đáp: “Quan nhân nhà cháu đã đồng ý từ lâu, ông ấy ưu ái quan nhân quý phủ, thích ai thích cả đường đi ạ. Bây giờ quan nhân quý phủ đang ở ngoài kia, Cửu Ca nhà cháu cũng vậy, hay là sai người ra báo tin, lại chào hỏi một lần? Nếu ưng thì quyết luôn, chúng ta về thành bàn chuyện tụi nhỏ. Còn nếu không ưng Cửu Ca thì là thằng bé không may, thế nào? Nơi đây đất Phật thanh tịnh, không có kẻ xằng bậy, dù không thành cũng chẳng ai lời ong tiếng ve.”

Tú Anh cân nhắc một lúc rồi sai Tiểu Hỉ gọi Hồng Khiêm, Thân thị cũng đánh mắt ra hiệu mợ Tần, bảo mợ đi nhắc Cửu Ca. Hồng Khiêm vén phướn đi vào nhưng không đến gần, vì tránh Thân thị. Tú Anh bước tới, khẽ nói ý của Thân thị. Hồng Khiêm đã bụng bảo dạ sẽ tìm một thằng rể tốt cho Ngọc Tỷ, giờ tự dưng lại bị gõ một cái, nhất thời mờ mịt, ngẩn ra một lúc mới nói: “Thằng bé ấy cũng ổn. Nhưng lúc đầu không xét tới nó, giờ đột nhiên nhắc đến, hơi vội vàng.”

Tú Anh bèn về nói với Thân thị: “Vợ chồng em trước đây quả thực chưa từng nghĩ đến chuyện với cao, giờ bỗng nghe nhắc thì mừng rỡ ngẩn ngơ, chẳng hay công tử…”

Thân thị nói: “Ta gọi nó tới, bọn em cứ việc soi xét, hỏi thăm, còn thiếp canh bát tự của nó ta sẽ về chuẩn bị, muốn kiểm bài vở hay thái độ làm người của nó đều được, về rồi sẽ có thời gian. Còn hôm nay chẳng qua chỉ nhắc em một tiếng, sợ đứa trẻ ngoan như Ngọc Tỷ bị người ta giành mất, ấy chẳng phải mất mát lớn của Cửu Ca?” Mình tuy là tộc Thiên tử, nhưng cầu hôn con gái nhà người, ít nhiều gì cũng phải đẩy Cửu Ca ra trước mặt để họ xem xét kiểm tra một hồi.

Tú Anh an tâm bảo: “Em đi nói với chàng.” Lại đi chuyển lời. Hồng Khiêm bấy giờ mới rõ, hóa ra là nói trước một tiếng, lại hơi ấm ức, Thân thị này đã lật ngược lật xuôi Ngọc Tỷ nhà chàng chẳng biết bao lần, trước đó chàng còn chưa soi kỹ Cửu Ca kia đâu. Chàng vốn cũng cảm thấy Cửu Ca ổn, bèn gật đầu.

Ngoài kia Cửu Ca được mợ Tần kéo lại thì thầm chuyện, đúng là vui như lên trời, mặt mày cũng sinh động hẳn lên, gương mặt vốn chẳng xám xịt gì lại trở về vẻ lạnh lùng, ngày càng nghiêm trang, chỉ mong để lại ấn tượng tốt cho cha mẹ vợ tương lai.

•••••

Đằng sau, Ngọc Tỷ còn chưa hay biết gì đã bị hứa gả cho người ta, đi chưa được nửa đường đã đụng phải phương trượng. Ngọc Tỷ lấy làm lạ: “Phương trượng mạnh giỏi, tiên sinh nhà con đâu ạ?”

Hóa ra thầy Tô trông thấy một tờ kinh cũ chỗ phương trượng, nghe đồn là giấy viết tay của bậc thầy triều trước, mê mẩn nét chữ người ta. Phương trượng thoát được một kiếp, Ngọc Tỷ bụm miệng cười. Bọn Tề thị thấy đường đường một vị phương trượng lại chạy trối chết như thế, cũng bật cười. Ngọc Tỷ bứt ra đi tiếp, bụng bảo dạ thầy Tô chả tốn công sức gì đã chọc phương trượng phải khóc rồi.

Bên ngoài, Hồng Khiêm đã quen Cửu Ca từ sớm, xót thằng bé hiểu chuyện, lại xót y có một người cha thích bàn chuyện đứng đắn nhưng chẳng đứng đắn tý nào như Lệ Ngọc Đường, Lệ Ngọc Đường thích Hồng Khiêm, Hồng Khiêm cũng thường đến nhà Lệ Ngọc Đường làm thượng khách, ông ta coi trọng con đích, có khách đến thường sai ra bồi cùng, phong phạm thì khỏi phải xét nữa, thường ngày cũng chẳng nghe có chuyện gì không tốt. Chàng biết Lệ Ngọc Đường đã bứt ra khỏi phủ Ngô vương, gia đình này cũng hòa thuận, khoản này cũng đồng ý. Vốn cho rằng Cửu Ca còn nhỏ mà nghe chuyện cưới gả lại mặt mày tỉnh bơ, hơi không tốt, nhưng đến lúc thấy Cửu Ca đi đường huơ tay nhấc chân cùng phía, mới bật cười.

Thân thị nghe tiếng cười khẽ này đã biết chuyện thành hơn nửa. Lại trông sang Tú Anh, Tú Anh nhìn Cửu Ca là mẹ vợ nhìn con rể càng nhìn càng vui, hẳn cũng thấy tướng đi cùng phía của y. Hai người này đã thích thì cụ Lâm và Tố Tỷ cũng chẳng còn gì để nói, vả lại Cửu Ca cũng tướng mạo đường đường.

Thân thị thấy thế thì hài lòng lắm, rồi ra hiệu hỏi Tú Anh: “Được không?”

Tú Anh lại nhìn sang Hồng Khiêm, Hồng Khiêm gật đầu. Khóe môi Cửu Ca khẽ nhếch, lại gắng kìm lại. Thân thị phẩy tay: “Các trưởng bối đang ở đây, con lại lanh chanh bước vào, mau ra ngoài cho ta.” Cửu Ca hơi lảo đảo, xoay hẳn một vòng, chân lướt ra ngoài nhanh như gió, lại đứng dưới chân Phật Tổ cầu khấn ngàn lần.

Thân thị bèn thăm dò, nếu sự đã thành thì có thể gọi Ngọc Tỷ đến tạm trao đổi lễ vậy không. Còn chuyện lục lễ thì về thành đến nhà thăm viếng mới ổn. Hồng Khiêm thấy Thân thị chu đáo, cũng gật đầu. Ngọc Tỷ vừa khéo cũng về đến, phương trượng đi cùng nàng, vị phương trượng này vốn nghĩ, nếu ông ở cùng Ngọc Tỷ thì dù Tô tiên sinh có đuổi tới nơi, cũng đã có bùa hộ mạng rồi. Mợ Tần đã già nhưng mắt vẫn sáng, xa xa đã trông thấy, cười thưa: “Khéo thật, đang nhắc tới thì họ đã về.”

Lại nói vị phương trượng kia ra đến ngoài, vừa khéo gặp hỉ sự, phương trượng là người xuất gia, lại vừa mới thoát khỏi ma trảo của thầy Tô lần nữa, cũng khó tránh khỏi nhiễm bụi một chút: “A Di Đà Phật, trước Phật kết duyên, hai nhà đúng là có duyên phận.” Hai bên sực nghĩ đến, chẳng thế còn gì?! Cũng mừng rỡ. Vì sự đã định, Thân thị nhẹ nhàng sai vén phướn lên.

Tiểu Huệ khẽ vén phướn lên, Ngọc Tỷ lách người tránh vài bước, đứng bên Tú Anh. Bên ngoài đám Ngũ Ca đã biết chuyện này, còn sợ Cửu Ca có gì đó không thỏa, lại thấy trên mặt cậu khờ này toét loét một nụ cười, khiến bốn thằng anh sợ nhũn cả chân. Cửu Ca có thể phá lệ bước vào nhưng mấy người họ lại không, phải chờ ở bên ngoài, liếc mắt nhìn nhau, thấy có vẻ không phải giả bộ vui vẻ, lại ngước lên nhìn Phật Tổ, những mong Phật có thể giảng giải cho.

Bên trong, tuy Ngọc Tỷ biết hôn nhân đại sự là lệnh cha mẹ lời mối mai, nhưng gấp gáp thế này, thực sự hơi lúng túng. Trong lòng lại trăm ngàn cảm xúc, đành phải cúi mặt không để ai thấy, hòng che giấu nỗi tủi thân ngờ vực nơi đáy mắt. Cha trước giờ thương nàng, tuy bảo lệnh cha mẹ, nhưng nàng vẫn luôn cho rằng cha mẹ sẽ không đến nổi chẳng hỏi mình một câu như vậy, trong lòng khó tránh khỏi khó chịu. Ra sức siết chặt tay, treo một nụ cười lên mặt.

Bên kia Cửu Ca lại vui như được mùa, có điều gương mặt trời sinh kia, trong lòng thực sự coi trọng Ngọc Tỷ, nhưng mặt mày lại cứng ngắc. Thân thị nhìn mà tiếc nỗi không thể cấu má y, nặn thành một nụ cười. Cửu Ca ngắm Ngọc Tỷ, thấy nàng quả thực đang mặc áo váy màu xanh nhạt, váy nở rợp hoa đào, cổ đeo khóa vàng, tóc đen thắt thành hai búi, chẳng khác gì trong mơ. Nhất thời kích động.

Tú Anh đưa tay chọt Ngọc Tỷ, Ngọc Tỷ đành phải ngẩng đầu lên. Ngọc Tỷ trông thấy Cửu Ca cũng kinh hãi vô cùng, bụng bảo dạ, Sao mình chỉ giành một con thỏ béo với y, giờ lại phải đền cả chính bản thân cho y rồi? Y là công tử nhà phủ quân thì sao chứ? Họ Lệ thì sao chứ? Cũng chẳng thể ngang ngược như này. Lại bật cười, có lẽ cha mẹ không vô lý tới vậy đâu. Nàng không cười thì may ra, vừa cười, Cửu Ca càng ngây ngẩn, mặt ngơ ra như khờ. Thân thị đúng là hận nỗi không thể nhét y lại vào bụng, đỡ mất mặt.

Vì đã quen mặt trước đó, nên khi Ngọc Tỷ nhìn Cửu Ca lần nữa, thấy hai tai y đỏ hồng, chẳng biết vì sao cũng cảm thấy má mình hây nóng.

Sau đó rút trâm ngọc trên đầu Cửu Ca ra, trao đổi với khóa vàng trên cổ Ngọc Tỷ. Lục Tỷ, Thất Tỷ cùng cười: “Bọn ta thường bảo nói mãi không hết chuyện với muội, muốn giữ muội trong nhà vài ngày, để cùng trò chuyện với nhau. Giờ thì tốt rồi.”

Định duyên trước Phật, nếu sự thành phải về hoàn duyên, phương trượng mỉm cười: “Là duyên phận hai nhà các con đã đến. Tệ tự không dám kể công, chỉ cần trong lòng thường niệm có Phật, năng tụng vài quyển kinh là được.”

Hai nhà ai nấy rời đi, Thân thị vốn có ý bảo Cửu Ca tiễn thông gia xuống núi, nhưng Tô tiên sinh hãy còn đóng đinh đằng sau, đành phải để nhà họ Lệ về trước, Hồng Khiêm đi lôi thầy Tô ra: “Con gái ta mới vừa định thân rồi.” Thầy Tô xém nữa đã ngã xuống đất. Sau mới biết là nhà phủ quân, mới bảo: “Cũng tốt.” Lại tụng niệm liên hồi bên tai Ngọc Tỷ, bảo Hồng Khiêm chẳng phúc hậu gì cả.

Hồng Khiêm cũng mặc kệ thầy, chỉ chăm chú ôn bài chuẩn bị đi thi. Bên kia Thân thị lại khá bận, tiễn vợ chồng Ngũ Ca về kinh xong, phải trong thời gian hai ba tháng đính hôn cho Thất Ca cùng con gái huyện Mai trực thuộc Giang Châu, lại hứa gả con gái Tiền giáo dụ cho Bát Ca. Vừa xong thì kỳ thi cử nhân vừa đến.

Hồng Khiêm lại đỗ hạng hai, Thân thị nghe tin liền gọi người làm mai, thu xếp ổn thỏa lễ vật, đến nhà họ Hồng đề thân. Người làm chứng đàng trai là thông gia Tề đồng tri, bên đàng gái thì Kỷ chủ bộ vốn muốn đứng ra nhận. Tô tiên sinh giận dỗi hồi lâu với Hồng Khiêm, nhưng vẫn tiếc rẻ Ngọc Tỷ, cũng muốn đứng ra làm chứng. Đám Tú Anh vui vẻ không thôi, đương nhiên theo ý thầy Tô, Hà thị đến hỏi thăm, biết Tú Anh đã có ý thì không nhắc đến nữa, chỉ bàn với Tú Anh chuyện của hồi môn của Ngọc Tỷ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui