Nửa Chén Rượu FULL


Ngày Thạch Thu Phong đi, ta cho cậu số tiền còn dư lại sau khi thắng cược từ Tiết Vô Y làm tiền đi đường, cậu không nhận.
“Coi như tiền bồi thường cho cái ghế gỗ lê hoa của chị bị tôi bóp gãy đi.” Cậu nói.
Lúc lên thuyền, Thạch Thu Phong chợt quay người, hỏi ta: “Nhạn Cửu, lúc chị khắc bia đã từng nổi lòng thương xót bao giờ chưa?”
“Chưa.”
“Chưa bao giờ?”
“… Chỉ có một lần.” Lúc khắc bia cho ông cụ.
Cậu bỗng cười như một con thỏ ranh mãnh trộm đào ba hang: “Nếu tôi bỏ mạng dưới kiếm Hoài Vô Nhai, có thể nhờ chị khắc bia đậy quan tài cho tôi không?”
Ta ngẩng đầu nhìn cậu, cậu đứng trên mạn thuyền, thân hình dong dỏng phập phềnh theo nước chảy, chẳng phân biệt buồn vui: “Cậu muốn đến Trường An nữa à?”
“Chị nói xem?” Cậu cười giảo hoạt, “Chị có nhận lời không nào?”
Cậu nhìn ta thẳng tắp.
“Được.” Ta đáp.
Cậu cười: “Bảo trọng, Nhạn Cửu.”
Cây đàn tam huyền trên lưng cậu như thanh kiếm chọc trời.
Tiết Vô Y không tới tiễn.

Lúc ta tìm được hắn, hắn đang ngồi trên nóc nhà xoa đao uống rượu, lại không phải uống rượu mơ mà là rượu hoa điêu.
“Nhạn Cửu, phải mười năm rồi tôi chưa uống rượu mạnh ấy nhỉ.” Tiết Vô Y tay cầm chén rượu, ngửa đầu nhìn trời, mắt mơ màng trong cạn, “Trước kia tôi chỉ thích uống hoa điêu, uống một hớp là nó xộc lên đầu thông cả người, không có rượu mạnh sao sống được.

Sau đó Thu Trì chết, lại cảm thấy rượu mạnh chẳng có mùi vị gì, dẫu uống rượu mạnh nữa, say rồi tỉnh mộng vẫn trống không.

Sau khi Thu Trì chết, tôi uống rượu mơ mười năm, tự cho là tỉnh táo qua ngày, nay mới biết chẳng qua tôi chỉ mơ một giấc hoàng lương mười năm.

Đó giờ vây khốn tôi không phải là rượu mà là chính tôi.”
Ta giữ bàn tay lại định rót rượu của hắn: “Anh say rồi.”
“Tôi không say.” Tiết Vô Y ngước lên nhìn ta, trong ánh trăng, mắt hắn đen láy ngời ngời, nom y như đúc gã thiếu niên áo vải tuyên bố muốn tung hoành thiên hạ lần đầu gặp, “Cô biết, tôi không say.”
Ta nhìn đôi mắt vụt sáng rỡ của hắn, bỗng nảy lòng hoảng hốt: “Chuyện tới giờ, anh còn làm gì được nữa đâu? Mười năm trước anh đã phải biết mình không giết được Hoài Vô Nhai rồi, càng đừng bàn xằng đến báo thù cho Tô Thu Trì.”
Ta đưa mắt sang thanh đao trên đầu gối hắn: “Tôi tưởng rằng anh đã sớm từ bỏ.”
“Mười năm trước, lúc thua trong tay Hoài Vô Nhai, tôi đã từ bỏ.” Nụ cười Tiết Vô Y nhạt nhẽo, “Nhưng Nhạn Cửu, hai năm nay tôi chợt phát hiện ra, đao của tôi không nhanh như trước nữa.”
“Trước đây, một sát khách tiền bối từng nói với tôi, ở các đạo khác, tuổi tác càng cao đạo hạnh càng sâu, sát đạo thì vừa hay ngược lại, sát khách càng già, đao trong tay càng cùn, bởi tuổi càng cao lại càng tiếc mạng.

Sát khách không có sát khí chẳng khác nào chờ chết.” Hắn nói, “Nhạn Cửu, tôi không muốn chết uất ức như vậy.”
Hôm ấy, Tiết Vô Y uống đến nửa đêm, say lăn kềnh trên ngói.
Hắn gần như chưa từng uống say, tửu lượng cực tốt, trước kia một bữa có thể uống sạch rượu quý ta cất giấu ba tháng.

Kể cả khi Tô Thu Trì chết hắn cũng chưa từng say bất tỉnh nhân sự như vậy, đây là lần đầu tiên.
Sau cùng, giữa cơn nửa tỉnh nửa say, hắn hỏi: “Thạch Thu Phong đi rồi?”
Ta gật đầu: “Anh nói xem cậu ta còn đến Trường An không?”
“Có.” Hắn đáp chẳng hề phân vân.

========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1.

Bóng Trăng Phai Tàn Người Còn Đó Không
2.

Ngài Vương, Kết Hôn Nhé!
3.

Ở Trước Mặt Tình Địch A Biến O Sau Tôi Mang Thai
4.

Chỉ Có Thể Là Người
=====================================
Đêm đó, ta mơ thấy mình của hơn mười năm trước, vì mưu sinh mà mặt dày mày dạn cầu xin nông hộ bỏ năm xu ra khắc bia cho nương tử chết bệnh.
Người nọ cáu bẳn đá văng ta ra, lầu bầu: “Ai thừa tiền mà đi khắc bia, quấn chiếu là xong.

Ranh con đâu ra mà bịp bợm khắp nơi, mau về nhà lấy chồng giúp chồng dạy con đi!”
Ta bị đá ngã chổng vó ra đất, không tức không cáu, bò dậy chạy sang nhà tiếp theo.

Cả một ngày chỉ được chừng mười xu, toàn thân lấm lem bụi đất dấu chân, ủ rũ về nhà, bị Tiết Vô Y xách đại đao tổ truyền vừa trở lại cả cười chế giễu.
Ta tức tối liều mạng túm tóc hắn: “Không biết xấu hổ đấy mà cười tôi, anh thì sao? Hôm nay gia chủ nhà họ Hoài đã chịu thu anh làm đồ đệ chưa?”
Nụ cười Tiết Vô Y lập tức tắt ngóm: “Ông ấy vẫn không chịu, ông ấy nói tôi chỉ biết cố sống cố chết, không phải nguyên liệu tốt để tập võ.

Nhưng hồi trước người ở quê đều nói tôi căn cốt ưu việt, nhất định là gia chủ nhà họ Hoài mắt vụng quáng gà.

Hay là ngày mai tôi lại đi khẩn cầu ông ấy? Nói không chừng người khoan dung nhân từ như ông ấy bị tấm lòng ba lần đến nhà tranh của tôi làm cảm động, đồng ý nhận tôi làm đồ đệ thì sao?”
Ta khịt mũi khinh bỉ: “Người ta là kỳ tài ngút trời thiếu niên thành danh, ông ấy mà quáng gà thì gà trống cũng biết đẻ trứng.”
Tiết Vô Y nổi giận, nhào tới lăn lộn đánh nhau túi bụi với ta.
Đúng lúc ấy Tô Thu Trì trở lại, bị dọa cho chết khiếp, vội vàng tới can.

Vừa thấy Tô Thu Trì, Tiết Vô Y bỏ mặc ta ngay, kéo cô ấy cười như chó con vẫy đuôi: “Thu Trì Thu Trì, hôm nay ta gặp trúng một vị cô nương bị đám cướp trấn lột ở thành tây, ta đánh đuổi chúng đi, cô nương ấy trả ta một lượng bạc làm quà cảm ơn đấy.”
Tô Thu Trì cười xoa đầu hắn: “Vô Y thật lợi hại, vừa hay hôm nay em bán được một thanh đao mười lượng bạc, đang định mời chàng uống một vò hoa điêu đây.”
Tiết Vô Y hoan hô, bế cô lên xoay vòng vòng trong nhà.
Khi tỉnh lại, ngoài nhà lại thánh thót mưa rơi.
Ta đứng trước gương đồng, chỉ thấy một gương mặt đờ đẫn vô hồn.
Tiết Vô Y sau lưng say ngã lăn dưới đất, nằm trên tấm đá xanh lạnh băng như chó nhà có tang.

Vò rượu rỗng đổ nghiêng đổ ngả lăn vòng bên người hắn, một vò đùng một tiếng vỡ cạnh chân hắn, rượu ồ ồ thành dòng.
Ánh trăng nhạt rơi lên gò mà xương xương tái nhợt của hắn, tóc mai đã lưa thưa điểm bạc.

Thế mà ta lại chẳng hay, tự lúc nào tóc hắn đã hoa râm.
Cả phòng đêm lạnh như nước.
Khi ấy ta còn một lòng muốn trở thành thợ khắc bia nữ đầu tiên của thành Trường An, Tiết Vô Y thì suốt ngày ba hoa muốn tung hoành thiên hạ, xưng bá võ lâm, Tô Thu Trì tủm tỉm nhìn chúng ta nô đùa, làm thợ đúc đao danh tiếng phất dần.
Chuyện hôm qua đã như cái chết hôm qua.
Sau đêm đó, rất lâu không thấy Tiết Vô Y.

Ta không biết hắn đang mưu đồ gì, có lẽ vì Tô Thu Trì, có lẽ vì chính hắn, có lẽ chẳng vì gì cả.
Nội thành Trường An vẫn phồn hoa như cũ, rộn ràng như cũ, giang hồ cũng yên ả trở lại theo tung tích biệt tăm của Thạch Thu Phong.

Sau hơn nửa năm ầm ĩ, ai nên ra vẻ đạo mạo tiếp tục ra vẻ đạo mạo, ai nên tham sống sợ chết tiếp tục tham sống sợ chết, không khác gì trước đây.
Hàng đồ tể khi trước đổi thành hàng phấn son, rất đắt khách.

Mỗi lần đi tây thành mua đá về, cách thật xa đã ngửi thấy mùi son phấn thoang thoảng.
Có bận ta nhất thời nổi hứng, lại gần xem.
Chủ hàng bán phấn là một người phụ nữ ngoài năm mươi, đon đả mời chào: “Cô nương trông lạ mặt quá, mua Đại Hồng Xuân hay Thạch Lựu Kiều? Chỗ mụ già tôi chất lượng tốt nhất vùng này đấy, chủng loại cũng nhiều, cô nương tùy ý chọn.”
Ta cúi đầu nhìn đỏ thắm ngập mắt: “Bác xem tôi dùng gì thì đẹp?”
“Để tôi xem, cô nương… Ấy, đàn bà con gái sao ra cửa lại không trang điểm thế này, vậy không được! Cô nương còn chưa lấy chồng phải không? Cô để mặt mộc như thế người ta không chịu xem đâu… Mị Hoa Nô hợp với cô đấy, mụ già tôi cũng dùng hộp này, ai cũng khen trẻ ra mười tuổi, cô xem thử xem?”
Ta ngẩng đầu, bị gương mặt trát phấn dày cộm trắng bệch làm hoa cả mắt.
“Tô son trát phấn lâu rồi, đến chính mình cũng nhận không ra.”
Vị hoa khôi lừng danh nửa bầu trời Trường An mấy năm trước từng nói vậy với ta.
Khi ấy, nàng ta bặm nhẹ môi, nhìn bản thân trong gương đồng cười khẽ: “Ấy thế nhưng lại chẳng ai bỏ được nó.

Không có son phấn, đàn bà ảm đạm phai màu, đàn ông mất hết hứng thú.”
“Đôi khi tôi rất hâm mộ cô,” Nàng ta nói, “Không cần leo lên đàn ông, dựa vào mình là có thể sống được.”
Ta biết nàng ta chỉ nói tếu vậy thôi.
Ai cũng có thể dựa vào mình mà sống, không phải không thể mà chỉ là ngại phiền.
Sau đó, nàng ta lớn tuổi, vội vàng cưới một tay buôn.
Lúc đi, nàng ta nói với ta: “Nhạn Cửu, hôm nay tôi lại hi vọng son phấn lừa được người thật, dầu gì cũng giúp tôi lừa được một phu quân.”
Cuối cùng, nàng ta cười nhẹ, trong mắt đong ưu sầu: “Có lẽ phu quân biết cả, chung quy, son phấn cũng chỉ là dối lừa.”
Vài năm sau, nàng ta ốm chết, lúc ta đến nhà chồng nàng ta khắc bia cho nàng, nghe nói đến chết nàng ta vẫn tô son trát phấn hằng ngày.
Từ rất lâu, con người vẫn luôn cho rằng nắm chắc được điều nào đó là có thể có được thứ gì, kết quả là bị món đồ mình liều chết không buông hủy hoại trong khoảnh khắc.
Giống như rượu của ông cụ.

Như đao của Tiết Vô Y.
Phía tây thành có một quán rượu nhỏ làm ăn khá ế ẩm, sắc trời ngoài một song cửa gỗ trong đó hợp ý ta quá chừng, thường đến ngồi từ lúc mới hửng sáng đến khi hoàng hôn đã xâm xẩm.

Sau đó ta không đi nữa, thành nghiện là chuyện nguy hiểm.
Một khi đã thành nghiện, mất rồi sẽ rất đau khổ.

Ai cũng hiểu đạo lí ấy, nhưng ai cũng thi nhau giẫm lên vết xe đổ này.
“Nhạn Cửu, con sống quá tỉnh táo.”
Thi thoảng khi tỉnh táo, ông cụ từng nói vậy với ta: “Sống quá tỉnh táo cũng chẳng tốt lành gì, có lúc còn đau khổ hơn sống mơ sống màng.

Ngoài bản thân ra, con chẳng có bất kì thứ gì để nương tựa.

Nhạn Cửu, rồi sẽ đến một ngày con nổi điên.”
Ta hỏi vặn: “Chẳng lẽ mông muội suốt ngày thì tốt hơn tỉnh táo?”
Ông không đáp, chậm rãi nhấc bầu rượu lên, rót đầy mười mấy chén sứ trắng trên bàn, lại lần nữa uống say như chết.
Ông cụ uống rượu không giống người khác lắm.

Người khác càng uống càng lơ mơ, ông cụ càng uống càng tỉnh táo, đôi mắt được rượu gột sáng trưng.

Say sâu rồi, người mới chợt mơ màng, mắt ngà ngà hơi men.
Chỉ có một lần, ông cụ vừa chạm đến rượu đã chếnh choáng.
Trước khi uống, hai ta gặp được cố nhân của ông.
Người ấy y phục như tuyết, dáng ngọc dong dỏng, sống lưng thẳng tắp, trường kiếm buộc chặt sau lưng, ngồi cùng bàn với ông cụ dơ dáy như ăn mày, nom như hoa rơi xuống bùn.
“… Anh không nên như bây giờ.” Cố nhân của ông nói.
Ông cụ không đáp, chỉ bảo: “Cậu đi đi.”
Người nọ có phần xót xa: “Đã nhiều năm vậy rồi, sao anh còn không chịu tỉnh ngộ? Chẳng lẽ anh cam tâm cứ thế ngu muội ủ rũ sống hết đời?”
Ông cụ hất bàn, trỏ tay ra cửa, trợn mắt trừng y: “Biến đi.”
Người nọ nhìn ông hồi lâu, cuối cùng không nói một chữ, im lặng rời đi.
Đêm ấy, hiếm hoi thay ông cụ chỉ uống ba bát rượu, ôm bầu rượu ngơ ngẩn nhìn giọt mưa tí tách rơi trên mái hiên, trong mắt trống không chẳng in hình vật gì.

Ông cứ thế ngồi một đêm dưới hiên, mặc trước thềm mưa từng giọt đến sáng.
Giữa lúc nửa tỉnh nửa say, ông cụ chợt tóm ống tay áo ta: “Rốt cuộc tỉnh táo đau khổ tốt hơn hay mông muội chết lặng tốt hơn?”
Ông nhìn ta chằm chặp, ánh mắt hung dữ: “Nói ta biết đi chứ!”
Ta không biết xuyên qua ta, ông đã nhìn thấy ai, lại hỏi ai.

Có lẽ là vị cố nhân áo trắng kia, có lẽ là chính ông, có lẽ không ai cả.
Ông cụ lựa chọn mông muội chết lặng, Tiết Vô Y chọn tỉnh táo đau khổ.

Người say rượu không cầm được đao giết người, kẻ giết người không nhặt nổi giấc mộng hoàng lương của ngày hôm qua.
Ta không muốn phải đối mặt với lựa chọn ấy, trừ đao khắc và bia đá xanh, ta không muốn mình bỏ ra tình cảm dư thừa gì khác.

Biết mà tỉnh táo sống tiếp, lòng như nước lặng, vậy là tốt nhất.
Lúc trở về đi ngang qua nha môn, Phương nương tử đang dẫn con cả đến đánh trống kêu oan.
Họ đánh trống suốt một chung trà mới có nha dịch chậm chạp mở cửa xuất hiện, lôi mẹ con họ Phương ra, hùng hổ mắng nhiếc: “Con mụ cô đủ rồi đấy, đã nói bao nhiêu lần với cô rồi, chúng tôi đã lật tung cả thành lên nhưng không tìm thấy tướng công của cô, đoán chừng đụng phải chuyện gì không nên nhìn, bị người ta giết người diệt khẩu rồi.”
Phương nương tử van nài: “Tìm thêm một lần nữa thôi, chỉ một lần nữa thôi!”
Nha dịch không biết làm sao: “Ngày nào cũng có người mất tích, một lần là đã tử tế lắm rồi.”
Phương nương tử bưng một túi bạc vụn lên, dúi vào tay nha dịch: “Cầu ngài…”
“Thêm bạc cũng vô ích!” Nha dịch hất tay chị ta ra.
“Ầm!”
Cửa sắt nặng nề khép lại.
Bạc vụn lăn long lóc đầy đất, ăn mày hóng hớt chung quanh nhào tới như ong vỡ tổ, nhoáng cái đã chẳng còn nửa đồng.
Phương nương tử khóc lóc ngã vật xuống đất.
Ánh trăng lạnh rơi lên gương mặt nhòa lệ của chị ta.

Ta nhớ tới ba bia mộ vô danh ta lập bên bờ Vị Thủy ngoài thành, chẳng biết giờ khắc này, cha mẹ con cái của hai sát khách vô danh còn lại đang tỉ tê nơi nào, cũng có thể chẳng ai buồn nhớ mong, chân chính chết đi không một tiếng động.
Tuyệt vọng đã biết và giãy chết không biết, rốt cuộc cái nào khiến người ta đau khổ hơn.

Ta nghĩ mãi vẫn chưa thông tỏ.
Cô con cả nhà họ Phương đỏ hoe mắt một bên, mấy bận muốn nói lại thôi, sau cùng chỉ lặng câm cúi người đỡ người mẹ khóc gập thân dậy.
Lúc xoay người, mưa to chợt giội, lạnh tê tái tim gan..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui