Ngày Thạch Thu Phong quay lại, quạ đông kêu quang quác.
Ta bị tiếng quạ quấy nhiễu ngủ không yên giấc, dứt khoát rời giường, lấy chổi lấy hốt ra ngoài quét tuyết.
Mở cửa, đập vào mắt là nụ cười của Thạch Thu Phong.
Gió rét buốt xương, thổi cửa gỗ vang kẽo kẹt.
Ta nhất thời ngẩn ngơ.
Cậu gầy đi, đen hơn, mệt mỏi phong trần.
Nụ cười vẫn rạng rỡ, ánh mắt vẫn sáng rực như xưa.
Ta tưởng rằng Thạch Thu Phong có tới Trường An lần nữa thì ít nhất cũng phải dăm ba năm sau.
Ta tưởng rằng dẫu có trở lại, ánh sáng trong mắt cậu ắt sẽ mờ đi không ít, nụ cười ắt sẽ pha tạp đắng cay, dung mạo ắt sẽ nhuốm màu mệt mỏi.
Ta tưởng rằng thanh đao sắc bén khó khăn lắm mới ra khỏi vỏ này ắt sẽ bị hồng trần cuồn cuộn nhanh chóng mài mòn góc cạnh, chìm vào trần thế.
Nhưng cậu đứng đó, vẫn đeo trên lưng cây đàn tam huyền của cha cậu, và bên hông là thanh đao mi tiêm của sư phụ cậu.
Mặt mày rắn rỏi, mắt giấu mũi nhọn.
Cái duy nhất không giống với lần đầu gặp là tay áo trái rỗng không của cậu.
Thạch Thu Phong cười: “Nửa năm không gặp đã không nhận ra rồi à?”
Ta cúi đầu nhìn mũi giày bị tuyết tan làm ướt: “Đến khi nào?”
“Giờ Mão một khắc.” Cậu đáp.
Thành mở cổng vào giờ Mão, hiện giờ là giờ Mão ba khắc.
Cổng thành vừa mở cậu đã vào thành, vào thành rồi là tới chỗ ta ngay.
Cùng đi ăn sáng, ngay tại quán rượu nhỏ nơi hai ta gặp mặt lần đầu.
“Quay lại xem thử xem.” Thạch Thu Phong nói.
Xưa nay con người vẫn mau quên đến đáng sợ, buồn vui liên quan đến mình hay không cũng phai nhòa trong thoắt chốc, trở thành đau khổ vô can.
Mặt đất đá xanh nhuộm máu nửa tháng trước đã sớm bị tuyết lớn bao phủ, quán rượu nhỏ vẫn đắt khách như thường, tửu khách cụng ly đổi chén, tiệc tùng linh đình, tiếng chơi đố số dậy lên bốn bề, cười to vang dội.
Không ai nhớ những người đã chết trước quán rượu hôm nào, cũng không ai nhớ từng có cậu thiếu niên rút đao trong mưa, lại buông tha đệ tử chính đạo phục kích cậu, cậu nói, kẻ đáng chết là đám môn chủ.
Bản lĩnh tự chữa khỏi của con người cũng lợi hại xưa nay, dù là ai đùa bỡn giang hồ long trời lở đất mấy phen, đợi đến khi gió êm sóng lặng, giang hồ vẫn là giang hồ đấy, chỉ là người trong đó đã thay mới rồi thôi.
Bây giờ, thiếu niên này lại trở lại.
Cậu không rút đao nữa, nhưng ta biết, cậu tới là để rút đao.
Thạch Thu Phong gọi mấy món tủ của quán rượu, kèm một vò thiêu đao tử.
Tiểu nhị vừa trông thấy thanh đao mi tiêm cậu đặt trên bàn đã run lên, ánh mắt dè chừng, gọi đồ xong lập tức chạy biến.
Thạch Thu Phong lấy làm lạ: “Nơi này có thiếu gì người giang hồ đâu, sao chỉ sợ mỗi tôi thôi vậy?”
Ta liếc thanh đao mi tiêm của cậu: “Lệ khí trên người cậu quá nặng.”
Đối diện quán rượu là sạp nhỏ Thẩm đại phu hành nghề chữa bệnh, người xếp hàng dài, rất yên tĩnh, mùi thuốc lan xa.
Phương Hàn Hoa đang bận bịu sắc thuốc chỗ khác, y phục trắng xóa, người ngâm trong hơi nước, tựa một tiên nữ không nhiễm bụi trần.
Lúc biết Thẩm đại phu chữa trị cho dân chạy nạn không lấy tiền, Tiết Vô Y giễu cợt ông nửa ngày: “Hồi trước ông lấy tiền chữa bệnh của tôi cao vậy là để làm đại thiện nhân à?”
Thẩm đại phu nhấc chân đá hắn ra cửa: “Cút!”
Tiết Vô Y cười hềnh hệch ngoái lại: “Ngài thật đúng là gừng càng già càng cay.”
Thẩm đại phu giận đến rung rinh chòm râu bạc.
Hồi trẻ, Thẩm đại phu hành y tứ phương, nhàn tản thoát tục nửa đời, cuối cùng dừng chân ở Trường An, làm bạn với vợ già, chữa bệnh phải xem tâm trạng, nổi tiếng cáu kỉnh.
Hai đứa con trai vừa cập quan đã bị ông đuổi ra khỏi nhà, chưa thấy cậu lớn bao giờ, cậu bé thì từng gặp hai lần, hôm nay chẳng biết đang kiếm sống trong ngõ ngách nào.
Mười năm trước Tiết Vô Y xảy ra chuyện, không ai dám cứu hắn, chỉ có Thẩm đại phu.
Khi đó chòm râu của ông còn chưa trắng hết, ngày ngày kéo vợ già ngồi đầu hẻm phơi nắng, một tay phe phẩy quạt sắc thuốc, một tay bẻ cành liễu chọc con chó vàng trước nhà, khoan thai như thần tiên sống.
Tiết Vô Y chưa từng quen biết ông, lúc ta cùng đường cầu tới cửa cũng chưa từng nghĩ ông sẽ cứu người.
Thần tiên không cứu người phàm.
Phật tổ độ chúng sinh, rốt cuộc là độ chúng sinh để độ chúng sinh hay độ chúng sinh vì chúng sinh, cũng như Thẩm đại phu là một ông tiên rảnh rỗi hay một ông lão quái gở, ta chưa bao giờ nghĩ thông.
Có người to gan hỏi ông, vì sao cứu sát thần này.
“Ta thích ánh mắt của thằng nhóc này.” Ông nói.
Người tới trợn mắt: “Chỉ thế thôi?”
Thẩm đại phu thổi râu: “Chỉ thế thôi.”
Một chén sứ trắng đặt lên bàn gỗ, tiếng va chạm lách cách.
Trong chén là thiêu đao tử, màu rượu mát rượi, soi được bóng người.
Đa phần rượu mạnh đều thuần sắc, trong suốt thấy đáy, chỉ rượu nhẹ mới lắm hoa lắm vân, chọc người ta hoa mắt.
Ta tỉnh táo lại, ngẩng đầu, thức ăn đã được dọn lên: “Tôi không uống rượu.”
“Tôi nhớ,” Thạch Thu Phong nói, “Thử một lần có mất gì đâu.”
Ta cúi đầu nhìn chén rượu đầy: “Có một số cái không thể thử được.”
Cậu cười: “Không thử sao biết.”
Một chén rượu mạnh xuống bụng, cổ họng đau xé như bị đao cứa, miệng ngập tràn cay rát.
Ta bị sặc rượu, ho sù sụ rỉ cả nước mắt.
Thạch Thu Phong hỏi: “Thế nào?”
Ta lau nước mắt, đẩy chén rượu: “Chẳng thế nào cả.”
Cậu phá ra cười.
Lúc trở về đi ngang qua một nhà giàu có, thấy một thằng bé áo xanh ném một con mèo con toàn thân đen tuyền ra ngoài cửa.
Con mèo còn chưa mọc đủ lông, cứ thế bị vứt vào trời đông rét mướt, chẳng mấy chốc sẽ chết cóng.
Thạch Thu Phong “ớ” một tiếng, lại gần hỏi: “Sao lại ném con mèo này đi?”
Thằng bé áo xanh đang cúi đầu quét tuyết, chẳng buồn ngẩng lên, đáp một câu lấy lệ: “Mèo mẹ là mèo thuần chủng trắng tuyết, đẻ một ổ con con đều toàn thân trắng tuyết, chỉ có một hai đứa là dính chút tạp sắc, mỗi con này đen thui một màu, phu nhân chê nó xúi quẩy, sợ là điềm không lành.”
Nói xong ngẩng đầu lên thấy Thạch Thu Phong, mặt tức thì biến sắc, vung chổi lên đuổi như đuổi ruồi: “Ăn mày đâu ra? Ở đây không có đồ ăn, cút cút cút, chớ làm bẩn mặt đất trước cửa!”
Cửa son “ầm” một tiếng khép lại.
Ta sung sướng cười to.
Thạch Thu Phong ngạc nhiên nhìn lại mình: “Tôi giống ăn mày chỗ nào?”
Cách đó không xa là dân chạy nạn co cụm sưởi ấm, dân lưu lạc tới xin cơm quá nhiều, Thạch Thu Phong cả người phong trần, chẳng trách bị nhận lầm là ăn mày.
Mỗi ngày dân chạy nạn chết đói chết rét vô số, tựa như con mèo con bị phu nhân nhà quyền quý chê là xui xẻo vì màu lông này.
Ta cúi đầu nhìn con mèo nhà có tang bị vứt bỏ kia.
Nó co ro trong tuyết, tựa sát vào nửa bụi cỏ khô duy nhất có thể sưởi ấm cho mình, bộ lông đen trong tuyết vô cùng chói mắt.
Nó không nhìn cánh cửa son đóng chặt sau lưng, lại nhìn chằm chằm vào hai người bọn ta.
Nó đã không còn là mèo nhà có tang nữa mà là mèo hoang.
Chung quanh, dân tị nạn bước đi tập tễnh hãy còn đang “đùng đùng” gõ cửa son đóng chặt, thảm thiết kêu gào quỳ gối cầu xin vị phu nhân lão gia đang chọc mèo trong cửa có thể đại phát thiện tâm thưởng cho miếng cháo loãng.
Có lúc, người sống mấy chục năm còn chẳng bằng con mèo con chưa dứt sữa.
Thạch Thu Phong tặc lưỡi: “Con mèo nhỏ này có vẻ thú vị ghê.”
Cậu nhặt nó lên đặt trước cửa son, cầm chân nó chạm nhẹ vào cửa, lại giơ tay chỉ chỉ vào trong.
Mèo con nhìn ngón tay Thạch Thu Phong, lại nhìn ta rồi quay đầu nhìn cánh cửa son gần trong gang tấc, chân mèo dừng trước cửa son một chớp mắt, lại hạ xuống.
Nó xoay người, không nhìn cửa son nữa mà ngồi xổm trên bậc thang nhìn chúng ta chằm chằm.
Lần này khác với lần trước, mắt nó không đảo qua đảo lại giữa ta và Thạch Thu Phong nữa mà chỉ nhìn ta.
Thạch Thu Phong vỗ tay cười to: “Con mèo này thú vị thật, đã là lúc nào rồi mà còn dám cáu kỉnh.”
Mèo con cóng đến run rẩy, cứ thế nằm trong tuyết một chung trà, bọn ta không đi, nó cũng không đi.
Nó không chạy tới cọ chân ta, cũng chẳng định nhảy vào lòng ta – không hề làm bất kì một động tác lấy lòng người nào mà một con mèo con có thể làm.
Nó chỉ gắt gao nhìn chằm chằm ta như nhìn cọng rơm cứu mạng cuối cùng.
Bây giờ nghĩ lại, thứ chân chính khơi dậy lòng trắc ẩn chẳng sót lại bao nhiêu của ta là ánh mắt này.
Khiến ta liên tưởng đến ánh mắt của Hoài Ngọc khi ngồi xe lăn nhìn lên thinh không trên tháp Đại Nhạn, ánh mắt của Phương nương tử khi túm chặt nha dịch, ánh mắt của Phương Hàn Hoa khi quỳ trong tuyết ngửa đầu nhìn ta – đều khát khao mà tuyệt vọng như vậy.
Đôi lúc ta sẽ nghĩ, rốt cuộc năm đó nhặt ta ở bãi tha ma, ông cụ đã có tâm trạng gì, là tâm huyết dâng trào hay chợt nổi từ bi.
Ta tiến lên bế con mèo con, lông nó còn chưa mọc đủ, ở trong tuyết cóng một hồi đã không chịu nổi nữa, run bần bật trong khuỷu tay ta, băng vụn kết trên lông lộp bộp rơi xuống.
Ta quay đầu nhìn Thạch Thu Phong, cậu lại đã quay sang chỗ khác.
“Đặt tên gì?” Ta hỏi.
“Chị nhặt mà.”
“Cha cậu là thư sinh.”
Thạch Thu Phong cười: “Vậy đặt là Cục Đá đi.”
Ta trừng cậu: “Khó nghe.”
“Tôi thấy hay mà, chị xem, con mèo này tính tình thối hoắc như đá trong hố xí ấy.” Thạch Thu Phong giơ tay định vuốt con mèo con, lại bị nó dùng chân đẩy ra, “Chao, dỗi tôi thật đấy à?”
Ta phì cười.
Vừa đến giờ lên đèn thì Tiết Vô Y tới.
Hơn mười ngày không gặp, sắc mặt hắn càng nhợt nhạt hơn, ánh mắt lại sáng bóng như gột, sắc bén rực sáng như thuở từng thiếu niên.
Ta bưng một vò thiêu đao tử, một vò rượu mơ lên.
Tiết Vô Y xua tay: “Tôi muốn uống hoa điêu.”
Thạch Thu Phong hơi ngạc nhiên: “Nhan Cửu nói anh thích uống rượu mơ mà.”
“Đó là trước đây.” Tiết Vô Y đáp.
Đêm đó họ uống đến nửa đêm, cụng ly đổi chén, say mèm mới ngơi.
Ta ôm Cục Đá đứng trước song, nhìn bóng người chập chờn trên giấy cửa sổ, tiếng cười lớn loáng thoáng tràn qua khe cửa.
Đã rất nhiều năm Tiết Vô Y không cười lớn như vậy.
Khi còn trẻ, nụ cười của hắn cởi mở sảng khoái, cười một tiếng choáng ngợp bao thiếu nữ.
Về sau, đa phần hắn cười như không cười, không thì cũng là nhếch mép cười khẩy.
Gần đây hắn cười nhiều hơn, nhiều lúc ta không phân biệt được trong đó rốt cuộc chứa thứ gì.
Hai người đàn ông uống cạn sạch đống rượu ta cất giữ mười năm, đến giữa giờ Sửu thì nghiêng ngả nhoài người ngủ trên bàn, vò rỗng lăn lông lốc khắp đất.
Ta không biết họ đã nói những gì, cũng có thể chẳng nói gì hết.
Nhưng ta biết, sau đêm nay, tất thảy đều lắng xuống.
Ta ôm Cục Đá ngồi trơ trên thềm đá lạnh lẽo một đêm, nghe tiếng ngáy của hai người đàn ông trong nhà, nghe tiếng tuyết rơi, nghe tiếng nước lăn từ mái hiên xuống, rơi lên thềm đá, tí tách cả đêm.
Cục Đá rúc trong lòng ta, vừa tắm xong cho nó, thân mình đen tuyền cuộn tròn bé bỏng.
Ban đêm là lúc nó hoạt bát nhất, cặp mắt màu hổ phách sáng ngời như châu ngọc trong bóng tối, linh động đảo tròn ngó khắp nơi.
Có lẽ là nhờ chén rượu mạnh ban sáng mà lúc này, trong dạ giữ hơi ấm sực.
Ta nhớ đến vô số đêm khuya của rất nhiều năm trước, ông cụ cũng như vậy, ôm bầu rượu trong lòng, trân trân nhìn giọt mưa đứt đoạn rỉ rả tới sáng, quay mặt về đêm tối yên ắng trống rỗng, nghênh đón gió mạnh thổi rít hò, say bí tỉ.
Rốt cuộc khi ấy ông tỉnh táo hay say thật, hay lúc say cũng tỉnh, lúc tỉnh cũng say, ta chưa từng nghĩ thông.
Lúc ban mai lấp ló, Thạch Thu Phong tỉnh lại.
Cậu ôm cây đàn tam huyền ngồi xuống cạnh ta trên thềm đá: “Dậy lúc nào vậy?”
Ta đáp: “Giờ Mão một khắc.”
Thạch Thu Phong dựng cây đàn lên: “Tôi đàn chị nghe một khúc nhé.”
Ta kinh ngạc nhìn cậu: “Không phải cậu không biết chơi à?”
Cậu cười ranh mãnh: “Tôi về Mạc Bắc một chuyến, tìm người học.”
Cậu đàn cũng chẳng hay ho gì cho cam, cánh tay duy nhất khó nhọc gảy dây, động tác uốn éo quái dị, tiếng đàn đứt quãng.
Âm sắc đàn tam huyền vốn khô khốc, như một người nói lắp đang cuống quít học vẹt.
Một khúc dứt, lưng áo Thạch Thu Phong mướt mồ hôi, bàn tay vững như đá tảng lúc rút đao hơi run run.
Cậu siết chặt miếng gảy, tai đỏ như nhỏ máu, ấp úng nói: “Nhạn Cửu, đây… đây là lần đầu tiên tôi đàn tam huyền cho người khác nghe… Tôi…”
Ta cười: “Khúc nhạc này tên gì?”
Thạch Thu Phong sững lại, màu đỏ trên tai dần rút đi: “Ngựa sắt gió thu.”
Ngựa sắt gió thu.
Ngựa sắt gió thu băng Đại Tán.
Ánh mắt Thạch Thu Phong thấp thỏm, ta nhịn cười khen: “Rất hay.”
Ánh mắt cậu vụt sáng bừng: “Thật à?”
Ta gật đầu: “Thật.”
Nụ cười cậu dần phóng đại, toét miệng không khép lại nữa.
Thạch Thu Phong thu lại đàn tam huyền, hai ta ngồi sóng vai trên thềm đá, đợi xem mặt trời mọc.
Sắc trời dần sáng, bầu không trắng nhờ.
Đêm lạnh rút lui, ban mai ló rạng, mặt trời đỏ ối dâng lên, nắng sớm từng tấc xé tan bầu trời đen như gỗ mun.
Tảng sáng.
Lúc nắng mai chiếu khắp, Thạch Thu Phong nói: “Sau này chị cẩn thận chút, đừng để mất Cục Đá, mèo con dễ chạy lắm.
Có Cục Đá bên cạnh, chị sẽ không cô độc nữa.”
Ta quay sang nhìn cậu, mặt mũi cậu được bao phủ trong ánh mặt trời, mơ hồ không rõ, có thể thấy loáng thoáng đường nét góc cạnh: “Cậu cảm thấy tôi rất cô độc?”
Cậu không đáp, nhìn ra đằng trước.
“Lần đầu tiên thấy chị, chị đi vào quán rượu nhỏ, thu ô giấy dầu, áo đen buông rủ, chân trần guốc gỗ, sau lưng chị mưa như trút nước.
Trong thoáng chốc ấy, mắt mày, tư thái chị cực kì giống…”
Cậu ngửa đầu nhìn tuyết rơi lặng lẽ trong sân nhà.
“Cực kì giống một con mèo con màu đen.”.