Vừa dứt lời, không cho tôi câu phản kháng hay giải thích thì anh ta đã bình thản bước đi.
Lúc này cái Ngân cũng từ ngoài xồng xộc chạy tới, sốt sắng nói:
– Tao thấy ông Huy đi ra được một lúc rồi mà chưa thấy mày ra.
Sao rồi? Nhìn mặt ông Huy có vẻ bực bội lắm.
– Ừ, kết thúc rồi, xong rồi.
– Kết thúc rồi là chia tay rồi ấy hả?
– Ừ.
Xem như 3 năm qua tao mù nên yêu phải một thằng tồi.
– Đm, thế là nó phản bội mày, dẫn gái vào khách sạn đ.ụ nhau à? Vậy mà vừa nãy tao đã hi vọng chỉ là hiểu nhầm gì thôi.
Tôi nhìn cái Ngân, đưa tay lau những giọt nước mắt vẫn còn vương trên má, cười nhạt bảo:
– Thôi bỏ qua đi, vẫn còn may là chưa kết hôn, chứ kết hôn rồi còn khổ hơn.
– Đúng rồi.
Thôi đi về!
Nói xong cái Ngân ngoái mắt về hướng người đàn ông vừa nãy bước đi, nó tò mò hỏi:
– Người vừa nãy là ai vậy?
– Tao không biết, sao thế?
– Tao tưởng người quen của mày.
Đẹp trai vãi.
– Từ ngày tao lên trên này học, mày cũng biết ngoài mày tao quen quái ai đâu.
– Ờ nhỉ? Nhìn thấy trai đẹp tao lại ngu ngu haha.
– Bố tổ đồ mê trai.
Lúc tôi và cái Ngân bước ra khỏi khách sạn thì trời cũng tối hẳn.
Cái Ngân có rủ tôi đi ăn nhưng với tâm trạng đang tồi tệ như lúc này tôi không có tâm trí gì ăn uống cả, với lại ở nhà trọ tôi còn em gái, tôi cũng muốn về nhà sớm với nó.
Hà Nội về đêm, thành phố lên đèn, phố xá nhộn nhịp, từng dòng người lướt qua đông vui biết mấy, vậy mà trong lòng tôi là một màu đen vô tận.
Những con đường này tôi và Huy đã đi qua mòn gót, càng nghĩ tôi lại càng thấy lòng bức bối.
Cái Ngân dừng xe trước cửa nhà trọ tôi đang ở, chắc nó sợ tôi buồn nên còn động viên một câu trước khi ra về:
– Thôi đừng suy nghĩ nhiều nhé, hãy vui lên vì thoát được một thằng không ra thể thống cống rãnh gì.
Mày phải nghĩ nó là một cuộc chơi, thua cuộc chơi này mình kiếm cuộc chơi khác, sao phải xoắn!
Tôi cười cười đáp:
– Tao biết rồi.
Yên tâm đi, cuộc chơi sau phải kiếm một anh cao to đẹp trai cho bõ cái công yêu.
– Đấy, nghĩ được vậy là tốt rồi đấy.
– Thôi tao vào nhà trước đây, cơm nước xong còn soạn giáo án, thứ hai đi làm rồi.
– Ừ, cố lên cô giáo!
Tôi mỉm cười gật đầu nhưng mắt đã sớm đỏ hoe.
Tôi bước vào trong nhà thấy cái Ly vẫn chưa về, dạo gần đây con bé đi sớm về khuya suốt, không biết là bận học thêm hay làm gì tôi cũng chẳng rõ.
Nói đến việc học của con bé tôi mới nhớ, cũng sắp đến hạn đóng học phí nữa rồi.
Tôi mệt mỏi ngồi phịch xuống chiếc ghế gỗ đã cũ kỹ, lấy ra số tiền ít ỏi ở trong túi xách đếm đi đếm lại được 3 triệu 900 ngàn đồng.
Với số tiền này, làm sao để trụ được tới ngày lấy lương đây khi tiền nhà sắp tới, tiền học phí của cái Ly sắp tới, rồi tiền ăn uống xăng xe đi lại.
Càng nghĩ tôi càng cảm giác như cuộc đời đang muốn bức tôi vào đường cùng.
Mẹ tôi ở dưới quê đổ bệnh mấy năm nay, trước kia cái Ly chưa lên trên này học, tiền tôi đi làm thêm cũng coi như tạm đủ sống.
Ngày cái Ly chuẩn bị thi đại học mẹ tôi đã ý định cho nó nghỉ học sớm vì hoàn cảnh và vì học lực của nó nhưng tôi nghĩ như vậy sẽ rất thiệt thòi cho em nên đã xin mẹ cho em tiếp tục được đi học.
Khi ấy tôi cũng đang chuẩn bị ra trường, nghĩ tiền lương đi dạy và tiền lương đi làm thêm sẽ ổn.
Nhưng cuộc sống này quá khắc nghiệt, mọi thứ chẳng như tính toán của bản thân.
Hoá ra, đau khổ vật vã chia tay một người mình từng yêu cũng chẳng đáng sợ bằng cái cảnh không tiền mà sống ở giữa một thành phố xa hoa tráng lệ.
Tôi thở dài một hơi rồi đứng dậy pha một gói mì tôm, ăn xong thì tôi thay đồ đi tắm.
Tối đó tôi soạn giáo án đến 10 giờ 15 phút vẫn chưa thấy cái Ly về.
Tôi sốt ruột lôi điện thoại bấm số gọi cho nó, cuộc gọi vừa đổ chuông thì tiếng cạch cửa vang lên, cái Ly khuôn mặt mệt mỏi từ ngoài bước vào:
– Em tưởng chị ngủ rồi?
– Chị vừa soạn giáo án xong.
Mày đi đâu mà bây giờ mới về thế hả?
– Em đi học.
– Học gì mà đến giờ này?
– À…nay em học thêm nên về muộn.
Mà thôi em đi tắm đây, xong nghỉ sớm dậy sớm còn đi học.
Chị cũng đi nghỉ đi.
Tôi nhìn cái Ly, nhíu mày đáp:
– Mày đi học quên cả ngày thứ hả em? Mai chủ nhật thì học gì?
Sắc mặt cái Ly thoáng sững sờ mất vài giây rồi lúng túng đáp:
– Đấy thế có chết không, dạo này bài vở nhiều lu bu quá mà em quên mất.
Nói xong con bé vội vàng bước đi, khi lướt qua tôi, một mùi men rượu thoang thoảng xộc thẳng vào hai hốc mũi khiến tôi như chết lặng trong giây lát.
Con bé này uống rượu sao? Tôi hoảng hốt liếc mắt nhìn về phía cái Ly đang vội bước, gọi lớn lại:
– Ly, tối nay mày uống rượu hả?
Bàn chân đang bước của cái Ly khựng lại, nó không dám quay lại đối diện với tôi ngay, giống như kiểu đang chuẩn bị tâm lý cho thật tốt đã.
Sau đó nó cười cười đáp:
– À, tối nay lúc đi học thêm về cái Lan có rủ em đi ăn.
Hôm nay là sinh nhật nó, nó mời em rượu vang nên em cũng thử một hai ngụm.
Khiếp mũi chị thính thế, em uống có chút ít mà chị đã phát hiện ra rồi.
– Dù là sinh nhật ai đi nữa thì cái tuổi đang đi học như em không nên uống rượu.
Ngộ nhỡ em uống say có chuyện gì xảy ra thì sao, rồi khi đó chị biết ăn nói thế nào với mẹ.
– Một hai ngụm rượu thôi mà chị cứ nói quá lên thế.
– Em còn trẻ, không hiểu được đâu, ở đây có quá nhiều cám dỗ, và đã rất nhiều người sa chân vào những cám dỗ đó rồi đấy.
– Trời ạ, cái Lan là bạn thân em, chị cũng biết mà, có phải ai xa lạ đâu mà chị cứ lo.
Mà thôi em không tranh cãi với chị nữa, quan điểm của chị với em lúc nào cũng khác.
Nói xong thì cái Ly giận dỗi bước đi.
Tôi biết ở cái tuổi nông nổi này suy nghĩ lúc nào cũng khác, lúc nào cũng khó bảo hơn, chắc có lẽ tôi phải từ từ chỉ bảo cho nó hiểu chứ không thể một chốc một lát là xong được.
Sau đó tôi cũng mệt mỏi trở về giường nằm, tôi nằm nghĩ miên man đủ thứ chuyện, cuối cùng mệt quá mà thiếp đi.
Trong giấc ngủ chập chờn tôi thấy mình vẫn nhỏ, tôi và cái Ly hai đứa nằm hai bên mẹ, được mẹ ôm vào lòng kể cho những câu chuyện cổ tích, khoảng thời gian đó thật đẹp và bình yên.
Thế nhưng…giấc mơ đẹp đẽ ấy cũng vội tan biến khi chuông điện thoại của tôi vang lên tin nhắn được gửi đến.
Là tin nhắn của Huy, bây giờ mới 3 giờ sáng mà thằng cha điên khùng này đã nhắn tin cho tôi một tin nhắn dài như bức tâm thư.
Tôi mắt nhắm mắt mở mơ màng đọc dòng tin nhắn, anh ta nói rất nhiều, nhưng chốt một câu đại loại là “ Phải làm thế nào em mới tha thứ cho anh”.
Tôi đang trong cơn ngái ngủ, lại vẫn đang bực bội về anh ta nên nhắn lại một câu rồi chặn liên lạc:
– Anh đi c.h.ế.t luôn đi đồ tồi!!!
Nhắn xong, chặn liên lạc xong, tôi cứ tưởng mọi thứ xong xuôi mình có thể yên tâm ngủ ngon được.
Nhưng cuối cùng tôi lại rơi vào trạng thái mất ngủ, nằm thao thức mãi tôi cũng không thể ngủ lại được nữa.
Tôi mò vào album ảnh trong điện thoại, ở đó có rất nhiều bức ảnh kỷ niệm của tôi và Huy trong suốt 3 năm yêu nhau, tôi lần lượt xoá từng bức ảnh một.
Cho đến bây giờ, nói không đau không buồn không tiếc chỉ là tôi dối lòng mà thôi.
Dù sao anh ta cũng là mối tình đầu của tôi, là một phần thanh xuân của tôi, là người đầu tiên cho tôi cảm giác ấm áp và cảm giác được che chở.
Tôi không hối hận vì những kỷ niệm đã qua, chỉ hối hận vào những năm tháng hoa mộng vô tư nhất, vào thời thanh xuân ngông cuồng nhất, đã gặp sai người, yêu sai người và tin tưởng sai người.
Nước mắt tôi lần nữa lại rơi…ướt đẫm một góc gối!!!
Tôi nằm đó chờ cho đến khi trời sáng hẳn thì dậy đi chợ mua đồ nấu ăn sáng cho cái Ly trước khi nó thức giấc.
Trong lúc tôi vẫn còn đang cặm cụi loay hoay trong bếp thì bên ngoài tiếng bà chủ trọ đã vang lên:
– Con Nhi với con Ly dậy chưa? Dậy rồi thì ra đóng tiền nhà cho tao đi.
Nay đến hạn tiền nhà rồi đấy, chúng mày chẳng ý thức đếch gì, tháng nào cũng để tao nhắc là thế quái nào.
Tiếng bà chủ trọ vang lên the thé khắp căn phòng.
Mới sáng ra, hôm nay mới là ngày đầu tiên đến hạn đóng tiền nhà mà bà ta đã rối rít lên vậy rồi.
Bà chủ trọ nổi tiếng ghê gớm chanh chua nhưng được cái giá nhà bà ta cho thuê hiện tại rẻ nhất khu này nên dù có lúc bị bà ta mắng như tát nước vào mặt thì tôi cũng phải ráng nhịn.
Tôi vặn nhỏ lửa bếp ga rồi vội vàng chạy ra ngoài:
– Cháu đây cô, hôm nay mới là ngày đến hạn, vả lại sáng sớm cháu chưa chạy sang đưa tiền cô được.
Chứ không phải là cháu không nhớ.
– Mày nhớ thật không hay lại cố tình quên như tháng trước.
– Không cô ơi, tháng trước là do cháu kẹt tiền thật nên mới khất cô cho cháu đóng chậm mấy hôm.
Chứ cô thấy từ trước đến giờ cháu trả tiền nhà đều đúng hẹn mà.
– Ờ thì tao cứ nhắc trước như thế.
Chứ mày thấy dạo này tiền điện tiền nước lên giá mà tao vẫn lấy mày giá cũ là biết tao sống tình nghĩa cỡ nào rồi đó.
Tao chỉ cần chị em chúng mày đóng tiền đúng hẹn cho tao, vì cái tính tao không thích lằng nhằng.
– Dạ vâng, cháu biết mà, cô yên tâm đi.
Cô đợi ở đây một lát, cháu chạy vào lấy tiền đóng cho cô luôn đây.
Thấy tôi có tiền đóng ngay nên sắc mặt bà chủ trọ cũng giãn nhẹ ra.
Tôi vừa xoay người bước vào trong nhà thì cái Ly cũng bước ra, nó làu bàu:
– Khiếp, mới sáng sớm mà cô đã la làng nước lên thế, cứ như là bọn cháu trốn cô đến nơi.
Thế tiền nhà cháu hết bao nhiêu, thích thì cháu đóng cho cô 3 tháng luôn này.
Khi nghe cái Ly nói thế, không chỉ tôi kinh ngạc mà bà chủ trọ cũng há hốc mồm kinh ngạc.
Sau đó bà ta bĩu môi bảo:
– Mày có tiền đóng không mà sĩ thế.
– Cô cứ nói đi, hết bao nhiêu?
Nói xong cái Ly rút trong túi quần ra một sấp tiền mỏng đủ mệnh giá, nhưng sương sương chỗ đó cũng phải chục triệu.
Nhìn thấy tiền trong tay cái Ly bà chủ trọ liền há hốc mồm.
Sau đó hơi cười cười đáp:
– 7 triệu 3 tháng.
Nhưng thôi chị em mày khó khăn nên tao bớt cho 200 ngàn đấy.
Đưa tao 6 triệu 8 là được.
Cái Ly đếm tiền đưa bà chủ trọ nhận lấy, vẫn chưa hết kinh ngạc bà ta hỏi:
– Mà hình như mày vẫn đang sinh viên mà.
Tiền đâu thế?
Cái Ly lập tức cứng miệng lại, bà chủ trọ thấy vậy cũng không quan tâm nữa mà vui vẻ cầm tiền bước đi.
Sau khi đợi bà chủ trọ đi khuất hẳn rồi tôi mới vội vã hỏi:
– Ly! Mày lấy tiền đâu ra mà nhiều thế hả?
Cái Ly ngước mắt nhìn tôi, sắc mặt thoáng tái đi, tôi thấy nó ấp úng không nói lên lời lại càng sốt ruột quát lên:
– Nói đi, số tiền đó ở đâu ra?
– Số tiền này là do em tự kiếm được, không ăn trộm ăn cắp của ai đâu mà sợ.
– Tự kiếm được? là kiếm bằng cách nào?
– Thì…thì em đi làm thêm.
– Em làm thêm gì? Sao lại giấu chị, chị đã bảo em thế nào hả?
– Em thấy chị đi làm vất vả mà cũng có dư đâu.
Với lại ngày trước chị cũng vừa học vừa làm đó thôi.
– Nhưng chị khác, mày khác.
Chị cho mày đi học thêm là để cố gắng học tốt hơn.
Đi học mà lực học đuối hơn các bạn sẽ rất thiệt thòi, sau này ra trường bằng không tốt cũng khó xin việc.
Mày hiểu chưa?
– À ý chị là chị học giỏi nên không cần học nhiều, em học dốt nên phải học nhiều đúng không? Đúng vậy, em học dốt nên phải phấn đấu cũng mệt lắm.
– Chị không có ý đó.
– Chị nói thẳng ra như vậy rồi còn không có ý đó gì nữa.
– Chị chỉ mong mày học tốt cho chị là được.
Ra trường rồi sau kiếm việc sau, mày cứ chểnh mảng việc học là mọi thứ thành công cốc.
– Em chẳng cần, dù sao con đường học cũng không phải con đường duy nhất.
Có khi làm nhà nước còn nghèo hơn mấy đứa đi làm tự do.
– Ly…em nói thế mà cũng nói được à? Nếu thế ngay từ đầu sao em không nói luôn vậy đi cho đỡ khổ.
– Em có nói với mẹ đấy, nhưng chị cứ mong muốn em được học hành đàng hoàng nên em mới phải ráng học đấy chứ.
Kể chị đừng mong em đi học thì thời gian đó đến giờ em đã kiếm ối tiền rồi.
Chị thấy chị làm giáo viên lương ba cọc ba đồng cuộc sống có khổ không? Từ giờ em chẳng giấu diếm chị nữa, em không đi học thêm nữa, em sẽ đi làm thêm, chị cũng đừng sĩ bọ sẽ lo được cho em, chị cứ lo tốt thân chị là em mừng rồi.
Từng lời cái Ly nói như những cái gai vô tình đâm nhọn đâm sâu vào từng thớ da thớ thịt trên cơ thể tôi, khiến nó đau nhức nhối không thể diễn tả thành lời.
Tôi làm tất cả mọi thứ là vì ai, là vì muốn tốt cho nó, vậy mà hôm nay nó lại bảo tôi sĩ bọ, câu nói này như cái tát thật mạnh ráng xuống mặt tôi vậy, vừa tủi thân vừa ức, cuối cùng tôi đã không kiềm nén được quát lớn:
– Nếu như mày mà với cái suy nghĩ đó thì đừng gọi
tao là chị nữa.
Khi đó mày muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm tao cũng không quản.
Cái Ly nhìn tôi, mặt phụng phịu đáp:
– Thế càng tốt.
Nói xong nó hậm hực bước vào trong nhà, nhưng chỉ độ vài phút thì nó đã đi một mạch ra ngoài cổng, trên người không mang theo thứ gì ngoài chiếc túi xách.
Tôi bất lực nhìn theo nhưng cũng không thèm hỏi nó đi đâu vì tôi nghĩ trong lúc nóng giận nó muốn ra ngoài hóng gió một lúc mà thôi.
Nhưng cuối cùng, cả ngày hôm ấy nó cũng không về nhà.
Sốt ruột quá chiều hôm đó tôi gọi cho nó rất nhiều cuộc, điện thoại cứ đổ chuông một hồi dài rồi tự tắt.
Đúng lúc này số của mẹ tôi cũng nhấp nháy hiện lên cuộc gọi đến trên màn hình, tôi phải hít một hơi thật sâu cho bình tĩnh lại mới dám nghe máy:
– Dạ mẹ, con nghe đây ạ.
Giọng mẹ tôi từ trong điện thoại vọng ra:
– Hôm nay là chủ nhật mẹ biết con không phải đi dạy nên gọi điện hỏi thăm hai chị em ở trên đó thế nào, có ổn không?
– Dạ bọn con ổn lắm mẹ, mẹ không phải lo đâu nhé.
– Ừ ổn là tốt rồi.
Thế cái Ly đâu, nó có chịu khó học hành không đấy?
Tôi không dám nói cho mẹ biết chuyện của cái Ly nên đành nói dối:
– À nó vừa chạy ra chợ mua đồ ăn mẹ ạ.
Con bé học hành chăm chỉ, mẹ cứ yên tâm.
– Con thì mẹ yên tâm rồi nhưng còn cái Ly tính khí bốc đồng nông nổi nên con phải cố gắng bảo nó.
Mẹ giờ ở xa không sát sao được, mọi quyền hành dạy dỗ mẹ giao hết cho con đấy.
– Dạ vâng, con biết rồi.
Mà mẹ có khỏe không ạ?
– Mẹ vẫn thế, con không phải lo cho mẹ.
Mẹ đang nuôi được đàn gà 30 con, ít nữa hai đứa về quê giỗ bố thì mẹ thịt cho mấy con mang trên đó ăn dần.
– Mẹ nuôi được thì cứ để đó xem ai hỏi thì bán lấy tiền rau dưa mẹ ạ.
Bọn con trên này cũng có thiếu gì đâu.
– Gà nhà nuôi ngon không phần cho hai đứa thì phần cho ai.
Tiền rau dưa mẹ vẫn có, con không phải lo.
Một mình ở nhà ăn uống đáng bao nhiêu, gà vịt thì nuôi được, rau cỏ thì trồng được.
– Mẹ mua thêm thuốc bổ uống nữa.
– Yên tâm, mẹ vẫn đủ.
Thế thôi làm gì làm đi, mẹ cúp máy đây.
Vừa dứt lời tôi thấy mẹ ho sặc sụa vài tiếng, chưa kịp hỏi thăm thì mẹ đã tắt máy.
Tôi biết tính mẹ, lúc nào cũng lo lắng cho con cái, sợ con cái lo cho mình nên dù ốm đau hay vất vả cũng không kêu ca nửa lời.
Cả đời mẹ đã vất vả vì chúng tôi…biết bao giờ tôi mới có thể lo cho mẹ được một cuộc sống tốt nhất đây?
Buổi tối tôi nấu cơm xong mà cái Ly vẫn chưa về, gọi điện hay nhắn tin nó đều không phản hồi.
Tôi chờ cơm đến 9 giờ tối thì đi ăn trước.
Vừa rửa bát xong thì cả khu trọ bị mất điện.
Điện thoại lúc này cũng chỉ còn vài phần trăm pin, hôm nay trời lại oi bức không một ngọn gió, tôi gọi điện rủ cái Ngân đi dạo thì nó bận, cuối cùng chỉ còn mình tôi chạy xe lang thang mấy con phố vừa hóng gió vừa cho tâm trạng bớt ngột ngạt.
Tôi cứ lang thang trên con đường Hà Nội, cũng không biết bao nhiêu lâu mới trở về nhà.
Khi tôi về thì thấy cả khu đã bật điện sáng trưng.
Vừa mở cửa nhà, đập vào mắt tôi không phải là xung quanh ngôi nhà, mà là một vũng máu lớn.
Người nằm trên vũng máu đó không ai khác chính là bạn trai cũ của tôi – Vũ Nam Huy.
Mới đầu tôi cứ tưởng là anh ta quái thai tới mức bày trò giả c.h.ế.t với mình, nhưng khi tôi tiến lại gần đưa tay run run sờ lên mũi anh ta thì đã không còn hơi thở, lồng ngực vẫn âm ỉ chảy máu vết dao đâm.
Anh ta….anh ta c.h.ế.t thật!
Trong phút chốc, tôi cảm thấy sinh khí mình bị mất hết, tôi muốn chạy nhanh ra ngoài thoát khỏi cảnh kinh dị trước mắt, thế nhưng hai chân tôi như bị đông đá, không hề có một chút cảm giác, ngay cả chút hơi sức để thở cũng gần như kiệt quệ!.