Vào giờ phút ấy, thế giới cũng như dừng lại ở khoảnh khắc này.
Trong đầu tôi toàn là tiếng ong ong khó tả, trong hô hấp dường như tràn ngập mùi máu tanh, trước mắt cũng toàn là máu.
Mồ hôi chảy dài sau lưng, truyền khắp toàn thân khiến tôi ngồi mà lạnh toát cả người, không kiềm chế nổi mà run rẩy.
Tại sao Huy lại c.h.ế.t, c.h.ế.t ngay trong căn nhà của tôi thế này? Rồi bất chợt tôi nhớ đến tin nhắn đêm qua, trong lúc nóng giận tôi đã bảo anh ta đi c.h.ế.t đi.
Liệu có phải vì vậy mà anh ta đã c.h.ế.t thật? Không…chắc chắn không thể như vậy được.
Yêu nhau 3 năm tôi hiểu con người Huy, anh ta đâu có điên tới mức tự làm hại mình, càng không thể vì tôi mà tình nguyện c.h.ế.t như vậy được.
Nước mắt tôi bắt đầu lã chã tuôn rơi, những giọt nước mắt như xé tan cõi lòng.
Giọt nước mắt của sợ hãi, giọt nước mắt của bàng hoàng và cả giọt nước mắt của đau đớn.
Tôi không muốn tin những gì xảy ra trước mắt, càng không muốn tin Huy đã chết thật rồi.
Lấy hết can đảm tôi đưa tay chạm xuống thân thể toả ra hơi lạnh ngắt từ anh, tôi gào:
– Vũ Nam Huy, anh tỉnh dậy ngay cho tôi, sao anh lại c.h.ế.t thế này, lại c.h.ế.t trong nhà tôi nữa.
Tinh thần hoảng loạn, tôi nói mãi mới thành một câu hoàn chỉnh.
Mãi về sau khi tiếng động từ đâu vang lên tôi mới có thể bình tĩnh lại để rút điện thoại ra báo cảnh sát.
Nhưng chưa kịp bấm số, một đám người mặc đồng phục cảnh sát ập vào, ngay lập tức phong tỏa hiện trường.
Một nhân viên cảnh sát bước đến trước mặt tôi, khi tôi còn chưa kịp nói gì thì anh ta đã giơ ra chiếc thẻ ngành:
– Chào cô, tôi Nguyễn Tiến Đạt, trực thuộc cảnh sát hình sự thành phố Hà Nội.
Chúng tôi nghi ngờ cô đã g.i.ế.t anh Vũ Nam Huy vì trước đó hai người có xảy ra xung đột.
Do đó, mời cô theo chúng tôi về cục cảnh sát để hợp tác điều tra!
Ngay sau đó, anh ta lập tức lôi ra một bộ còng tay sáng loáng.
Tôi choáng váng đến nỗi đứng đờ ra mất vài giây rồi rất nhanh liền bừng tỉnh, khôi phục lại phản ứng:
– Không, tôi không g.i.ế.t anh ta, sao các anh lại đòi bắt tôi.
Lúc…lúc tôi đi chơi về đã thấy anh ta nằm giữa nhà tôi c.h.ết rồi, tôi không biết gì hết.
– Chúng tôi cũng chỉ làm việc theo trình tự mà thôi.
Mời cô phối hợp điều tra, đừng chống đối người thi hành công vụ.
Mọi lời nói của cô sẽ nói tại cục cảnh sát.
Nói xong anh ta chủ động cầm tay tôi để còng lại.
Tôi kinh hãi nhìn xuống tay mình, tim đập nhanh đến mức như sắp bắn tung ra khỏi lồng ngực.
Cả đời này tôi chưa bao giờ có thể ngờ rằng chiếc còng số 8 siết trên tay mình.
Tôi như một kẻ mất hồn được cảnh sát áp giải đi, ai nói gì, ai làm gì xung quanh tôi đều không biết nữa, chỉ biết mình như bị thôi miên ngồi lặng yên trên chiếc xe thùng.
Cũng không biết qua bao nhiêu lâu thì chiếc xe dừng lại ở cục cảnh sát, tôi được đưa vào trong phòng chờ thẩm vấn.
Cánh cửa phòng đóng sập lại, tôi nhìn xung quanh căn phòng, một cảm giác lạnh lẽo ập tới khiến cả cơ thể tôi cứng đờ như bị khối băng lớn đóng lại.
Hình ảnh Huy nằm trên vũng máu cứ loanh quanh xuất hiện trong tâm trí tôi, siết chặt lồng ngực tôi.
Tôi không thở nổi, nước mắt tuôn ra như thủy triều ập đến, cả người run lên từng đợt.
Cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa thể chấp nhận được hiện thực rằng anh ta đã c.h.ế.t.
Dù anh ta phản bội tôi, làm điều có lỗi với tôi nhưng tôi không muốn âm dương cách biệt thế này.
Những kỷ niệm tôi và anh từng đó lần lượt như thác nước chảy về, tôi cảm giác như mình không còn thở được, có ai đập những nhát búa vào đầu, vào cơ thể tôi và vào cả trái tim đang chảy máu.
Mãi cho đến khi cửa phòng thẩm vấn mở ra, hai người mặc quân phục cảnh sát đi tới.
Trong đó có một người chính là người đàn ông điển trai tôi gặp ở khách sạn hôm ấy.
Tôi giương to đôi mắt ngây ngô nhìn anh ta, ánh mắt không tự chủ được nhìn xuống dòng tên trước ngực “ Phạm Thiếu Quân”.
Hai người kéo ghế ngồi xuống đối diện tôi, Quân là người lên tiếng hỏi trước:
– Cô cho biết, mối quan hệ giữa cô và anh Vũ Nam Huy là như thế nào?
Lúc này tôi vẫn chưa hết run nên lúng túng đáp:
– Tôi và anh Vũ Nam Huy là người yêu cũ của nhau.
Chúng tôi đã từng có 3 năm hẹn hò nhưng mới chia tay cách đây 2 ngày do tôi phát hiện ra anh ta phản bội mình.
– Sau khi thấy anh ta phản bội mình, cô cảm thấy như thế nào?
Tôi ngơ ngác nhìn Quân, câu hỏi này có liên quan gì đến chuyện kia sao? Thấy tôi chần chừ, người cảnh sát ngồi bên cạnh anh ta lên tiếng nhắc nhở:
– Yêu cầu cô trả lời!
Tôi hít một hơi thật sâu đáp:
– 3 năm yêu nhau xong phát hiện mình bị phản bội, tất nhiên là tôi đã rất đau lòng và lúc đó tôi thật sự rất hận anh ta vì anh ta đã đối xử với mình như vậy.
– Vì hận anh ta nên trong lúc tức giận cô đã không kiềm chế được mà ra tay sát hại anh ta?
Tôi nghe xong liền kinh ngạc lắc đầu:
– Không có, tôi không hề g.i.ế.t anh ta, dù thế nào tôi cũng không muốn anh ta c.h.ế.t.
Quân nhíu nhẹ hàng lông mày nhìn tôi, sau đó đặt xuống trước mặt tôi chiếc điện thoại, trên màn hình hiển thị đoạn tin nhắn giữa tôi và Huy nhắn với nhau lúc đêm qua.
Tôi đã nhắn “ Anh đi c.h.ế.t đi đồ tồi”.
Tôi nhìn thẳng vào Quân, lấy hết sự bình tĩnh vốn có mà đáp, vì tôi biết lúc này tôi cần phải tỉnh táo hơn lúc nào hết, lời khai ban đầu rất là quan trọng:
– Đây đúng là tin nhắn tôi nhắn cho anh ta, nhưng là do trong lúc nóng giận tôi đã nói vậy chứ không có ý gì hết.
Hơn nữa, lúc xảy ra vụ án tôi khẳng định mình không có mặt ở hiện trường.
– Cô có chứng cứ gì chứng minh mình ngoại phạm không?
Tôi lúc này bắt đầu chậm rãi kể từng việc cụ thể từ lúc bắt đầu chập tối tới lúc mất điện, lúc tôi ra ngoài và lúc tôi trở về nhà, kể rất chi tiết cho hai người cảnh sát nghe.
Nghe xong, người cảnh sát kia lên tiếng:
– Vậy là cả khu bị cúp điện nên cô đã đi ra ngoài?
– Đúng rồi.
Sau khi tôi trở về đã thấy anh ta c.h.ế.t trong nhà mình.
Tôi là người đầu tiên phát hiện ra anh ta c.h.ế.t, lẽ ra tôi là nhân chứng chứ sao tôi có thể trở thành nghi phạm được.
Các anh…các anh nghe kỹ lời tôi nói đây, nếu các anh xác định người vô tội là nghi phạm thì điều tra bước đầu tiên sẽ lộn xộn hết.
Nghi phạm thực sự là người khác thì các anh phải tìm cho ra người đó.
Nhưng nếu các anh giam giữ người vô tội như tôi thì nghi phạm thực sự sẽ như thế nào? Tất nhiên là sẽ bỏ trốn đó.
– Trên con dao đâm nạn nhân có vân tay của cô.
Cô giải thích sao?
– Vân…vân tay?
Tôi nghe xong đột nhiên cảm thấy toàn thân nổi da gà.
Tại sao trên con dao của hung thủ có vân tay của tôi, đến bản thân tôi cũng chẳng rõ.
Bây giờ tất cả mọi thứ dường như tất cả chống lại tôi, khiến tôi cảm giác dù có nhảy xuống mười tám tầng địa ngục cũng không thể rửa hết tội.
Giữa lúc tôi đang không biết trả lời thế nào thì đột nhiên Quân gấp cuốn sổ lại, anh ta nói:
– Cuộc thẩm vấn tạm thời kết thúc ở đây.
Ngày mai chúng ta tra hỏi tiếp.
Người cảnh sát kia khó hiểu nhìn Quân:
– Đồng chí Quân, sao anh lại làm vậy?
Quân không trả lời, chỉ lạnh lùng liếc mắt nhìn tôi một cái rồi đứng dậy bước đi.
Giữa hàng ngàn nỗi sợ, giữa những hoang mang vô tận, chẳng hiểu sao khi nhìn ánh mắt anh ta lại cho tôi một niềm tin vô hình nào đó.
Cánh cửa phòng đóng sập lại, tôi được áp giải về phòng tạm giam.
Đêm đó, từng giây từng phút trôi qua dài như một thế kỷ, tôi ngồi ôm chân bó gối trong một góc phòng, mọi cảm xúc thống trị khiến cơ thể tôi tê liệt đã chẳng còn cảm giác gì, khi tôi nhìn xuống chân tay mình đã chằng chịt nốt đỏ muỗi đốt.
Vào giờ khắc này, tôi thậm chí đã chẳng còn hơi sức đâu mà gào khóc kêu oan.
Đột nhiên, tôi nhớ đến mẹ và cái Ly, nỗi sợ trong lòng tăng lên gấp bội phần.
Tôi sợ người ta điều tra xong sẽ kết luận tôi có tội.
Mẹ tôi sức khỏe đã yếu, làm sao chịu nổi cú sốc này.
Còn cái Ly nữa, với tính khí của nó thì làm sao nó dám đến trường học tập tiếp.
Tôi gục đầu xuống hai gối, toàn thân bải hoải giống như đã bị rút hết sạch khí lực, ngay cả hơi sức để thở cũng cảm thấy khó khăn.
Cứ như vậy cả một đêm kinh hoàng đã trôi qua, chút ánh sáng từ bên ngoài hắt vào căn phòng qua khe nhỏ, hoá ra chút ánh sáng mỏng manh đó chính là một khát khao mãnh liệt của tôi lúc này.
Những thứ bình thường ngày thường lại trở thành điều xa xỉ!
Vì tôi vẫn đang ở trong phòng tạm giam nên cơm nước hay đồ dùng cá nhân phải được người nhà gửi vào.
Mà ở cái đất Hà Nội này, ngoài cái Ly ra thì người thân của tôi chỉ còn cái Ngân.
Giờ phút này nó biết chuyện chưa tôi cũng chẳng rõ.
Cả sáng hôm đó tôi không thấy động tĩnh gì, cũng không ai vào tra hỏi tôi cả.
Cổ họng tôi khô không khốc cảm giác không muốn ăn bất cứ thứ gì nhưng chiếc bụng thỉnh thoảng lại kháng nghị, lại réo lên ồng ộc vì đói.
Cả ngày hôm qua tôi ăn rất ít, mỗi bữa được vài miếng cơm, lại trải qua một đêm kinh hoàng khiến tôi kiệt quệ.
Buổi trưa khi chiếc bụng tôi đang dồn dập réo lên thì cánh cửa phòng tạm giam mở ra, ánh sáng từ bên ngoài hắt vào khiến tôi chói mắt.
Một bóng dáng cao lớn xuất hiện, ánh nắng chiếu rọi xuống thân hình ấy lại long lanh một cách lạ kì.
Quân nhìn tôi, ánh mắt sắc bén và sâu sắc của anh như đang muốn nhìn thấu tâm can tôi vậy.
Dưới cái nhìn chăm chú của anh, cuối cùng tôi cũng không chống chọi được nữa, hốc mắt ngốc nghếch ngước lên, ngập ngừng hỏi:
– Đến giờ thẩm vấn rồi sao?
Quân không nói gì, sau đó thở dài đưa cho tôi một túi đồ.
Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp:
– Đây là…???
– Cầm lấy!
Tôi cứ như một con rô bốt nghe theo sự chỉ đạo của anh, sau khi cầm túi đồ tôi mới biết đó là một hộp phở bò.
Cảm giác đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi chính là không sao tin được.
Nói gì thì nói, tôi và anh cũng chỉ là hai người xa lạ từng gặp nhau, vậy mà anh lại mua phở bò mang đến cho tôi.
Chỉ là một món đơn giản ngày thường thôi mà nay bỗng chốc nó khiến tôi xúc động tới nghẹn ngào, sống mũi cũng bất giác cay xè.
Dường như không thể tin nổi tôi vẫn hỏi lại:
– Anh mua cho tôi sao?
Gương mặt đẹp trai của Quân bỗng hiện lên vài tia phức tạp, anh thờ ơ đáp:
– Ở đây ngoài cô và tôi, còn có ai khác sao?
– Nhưng….
Tôi còn chưa nói hết câu thì anh đã cắt ngang:
– Không ăn thì đưa đây.
– Không, tôi ăn chứ…ăn chứ.
Nói xong tôi vội vàng mở lắp hộp phở bò ra trước mặt anh, sau đó ăn vội ăn vàng như một kẻ đã bị bỏ đói ngàn năm.
Chắc có lẽ cả đời này tôi cũng không thể quên được vị phở bò ngày hôm nay, không đơn giản là nó ngon mà là vì cảm giác ấm áp tình người.
Từ đáy lòng tôi như có dòng nước ấm chầm chậm chảy qua, cứ thế, thấm đượm vào trong tim.
Khi thấy Quân chuẩn bị xoay người rời đi, tôi đã lấy hết can đảm gọi:
– Này anh…anh có tin tôi g.i.ế.t người không?
– Tôi chỉ tin vào bằng chứng!
– Tôi thật sự không có g.i.ế.t người.
Tôi thật sự đang thấy rất hoang đường và sợ hãi.
Hà Nội không phải quê hương của tôi, anh là người duy nhất đem lại niềm tin cho tôi.
Tôi xin anh, hãy giúp tôi!
Chắc có lẽ Quân cũng không ngờ tôi lại chủ động nói ra những lời này, anh trầm ngâm mất vài giây rồi chậm rãi hỏi ngược lại tôi:
– Chỉ vì một bát phở bò mà cô đã đặt niềm tin vào tôi? Cô có thấy mình quá dễ dãi không?
– Không, không phải vì bát phở bò này.
Mà khi gặp anh ở đây tôi đã có niềm tin anh sẽ giúp được tôi.
– Cô đặt niềm tin sai người rồi!!!
Một câu nói như một con dao vô tình chặt đứt hết mọi hi vọng của tôi, nhưng tôi vẫn kiên quyết cố chấp nói:
– Không, tôi tin vào cảm giác của mình.
Tôi tin anh, tin anh là một người cảnh sát liêm chính!
Sắc mặt đang trầm ngâm suy nghĩ của anh đột nhiên hơi biến đổi, ánh mắt sắc bén tập trung quan sát khuôn mặt tôi, chuyên nghiệp đúng kiểu cách làm việc của một người đang điều tra tâm lý tội phạm, sau đó đầu mày lập tức cau lại:
– Ăn đi!
Nói xong thì anh cũng rời đi luôn.
Tôi ngồi đó, cố gắng ăn hết bát phở bò, dù cảm thấy bụng đã no nhưng vẫn nhồi nhét cho bằng hết, vì càng những lúc thế này tôi càng phải ăn, càng phải trân quý đồ ăn, vì biết đâu đây là bữa ăn duy nhất của ngày hôm nay.
Hai đêm liên tiếp mất ngủ, trải qua khoảng thời gian dài dằng dặc với những nỗi sợ, bây giờ toàn thân tôi mệt mỏi rệu rã, chỉ muốn tìm một góc nằm xuống nghỉ ngơi.
Cuối cùng, mặc kệ nền đất bụi bặm, tôi lẳng lặng nằm xuống nhắm mắt lại.
Rồi rất nhanh tôi đã thiếp hẳn vào giấc ngủ.
Có lẽ chỉ khi mệt, khi cảm thấy cơ thể gần như kiệt quệ tôi mới có một giấc ngủ ngon như lúc này, giấc ngủ không còn những nỗi sợ bủa vây.
Tôi cũng không biết chính xác mình ngủ bao nhiêu lâu, đến khi tôi tỉnh giấc là do tiếng gọi của một đồng chí cảnh sát:
– Cô Hà Tiểu Nhi, có người nhà vào thăm.
Tôi nghe vậy cả người liền bừng tỉnh.
Cái Ngân từ ngoài bước vào, sắc mặt trắng như tờ giấy.
Vừa nhìn thấy tôi, nó vội vã lao về phía tôi, sốt sắng hỏi:
– Nhi, mày không sao chứ?
– Tao…tao không sao, nhưng tao lo quá.
Mà sao mày vào được đây?
– Mới đầu xin vào thăm mày cũng khó khăn không được, cuối cùng tao phải nhờ đến ông chú tao làm trong bộ công an nói giúp một câu.
Mà sao tự nhiên lại dính vào việc như thế này?
Tôi lại bắt đầu kể tỉ mỉ mọi chuyện cho cái Ngân nghe.
Cái Ngân nghe xong khẽ chửi thầm:
– Bố tổ, c.h.ế.t rồi vẫn ám người ta, c.h.ết ở đâu không c.h.ế.t, lại đi c.h.ế.t trong nhà mày.
Điên đếch chịu được.
– Ừ thôi dù sao anh ta cũng mất rồi.
Điều quan trọng bây giờ là tao phải làm sao chứng minh mình trong sạch.
– Tao vừa hỏi mấy đồng chí cảnh sát, họ nói vẫn đang trong gia đoạn điều tra nên chưa thể nói được gì.
Có điều….
Nói đến đây thì cái Ngân thở dài một cái, sắc mặt đầy lo lắng, thậm chí sự lo lắng đó còn hằn rõ trong ánh mắt.
Tự nhiên tôi cảm thấy có điều gì đó chẳng lành nên liền hỏi:
– Có điều làm sao? Mày cứ nói đi.
– Trong quá trình yêu, mày có biết ông Huy là con trai của một vị quan chức cấp cao không?
Câu nói này của cái Ngân như một tia sét đánh xuống bầu trời quang đãng, nhất thời khiến tai tôi ù đi, trong đầu toàn là tiếng ong ong rất khó chịu.
Ngày xưa yêu nhau tôi chỉ biết gia đình Huy có điều kiện, nhưng chuyện anh là con trai của một vị quan chức cấp cao thì tôi không biết, cũng chưa bao giờ nghe thấy anh đả động đến vấn đề này.
Gương mặt tôi ngơ ngác nhìn cái Ngân, ngốc nghếch lắc đầu:
– Tao…tao không biết.
– Thế mới khổ.
Cái vấn đề ở đây là thân phận ông Huy không bình thường như những người khác.
Tao cũng đã tìm thuê luật sư cho mày, nhưng những luật sư có tiếng không ai người ta nhận vụ này cả.
Cái Ngân vừa nói vừa ngập ngừng, tôi cảm giác như nó vẫn còn biết chuyện gì đó nghiêm trọng hơn nhưng nó không dám nói thẳng vì sợ tôi nên lo lắng.
Mà từ giây phút nghe tin Huy là con trai của một vị quan chức cấp cao là tôi cũng thầm hiểu chuyện của mình không còn đơn giản nữa.
Mặc dù rất lo lắng nhưng tôi vẫn cố gắng trưng vẻ mặt thản nhiên đáp:
– Thôi đừng lo, tao tin chính nghĩa sẽ luôn thắng, người vô tội sẽ được trong sạch.
Cảnh sát, công an nước mình rất giỏi, họ sẽ điều tra ra thôi.
– Ừ.
Cố gắng lên, tao sẽ nhờ bố tao giúp nữa xem sao.
Mong là sớm tìm được luật sư giỏi biện hộ cho mày.
– Cảm ơn mày nhiều nhé, lúc nào cũng tốt với tao.
– Ơn huệ gì, hâm quá, ai bảo mày là bạn tao.
À mà trưa nay mày ăn gì, tao có mang quần áo với chăn gối cho mày đây.
Tối thì tao sẽ mua đồ ăn rồi gửi mấy đồng chí cảnh sát mang cho mày.
– Trưa nay tao được một người cảnh sát mua phở bò cho ăn.
Mà mày biết người cảnh sát đó là ai không?
– Ai cơ?
– Chính là cái người ở khách sạn hôm đấy mày khen đẹp trai đó.
– Ôi vãi.
Có duyên thật ấy.
– Duyên kiểu này tao cũng sợ!
Tôi vừa dứt lời thì một đồng chí cảnh sát thông báo hết giờ thăm.
Trước khi cái Ngân ra về tôi chỉ kịp dặn dò nó thêm một điều, giúp tôi để ý tới cái Ly.
Cái Ngân đáp:
– Giời ạ, mày cứ lo cho mày đi đã.
Cái Ly nó lớn rồi, nó còn biết lo thân nó hơn là mày đấy.
Thế rồi hai ngày tiếp theo lại trôi qua, hai ngày này tôi được dẫn đi thẩm vấn mấy lần, trong mấy lần này đều không có mặt Quân, từ bữa đó tới giờ tôi cũng không gặp anh ta nữa.
Đồ ăn thức uống của tôi thì vẫn được cái Ngân gửi từ ngoài mang vào.
Cho tới ngày thứ 4, cả ngày hôm đó tôi không thấy ai mang đồ ăn thức uống cho mình nữa.
Buổi tối tôi đang ngồi trong một góc phòng thì cánh cửa mở ra, một đồng chí cảnh sát bước vào, tôi cứ nghĩ là người ta mang đồ ăn tới, nhưng không, họ dẫn tôi tới một căn phòng khác với căn phòng mọi lần tôi được đưa đến.
Lúc tôi bước vào, thấy hai người cảnh sát ngồi sẵn ở bàn, hai người này rất lạ, tôi chưa gặp bao giờ, sắc mặt người nào người nấy đều rất khó coi.
Một người cảnh sát bắt đầu nói:
– Theo như lời khai của cô, thì buổi tối hôm ấy cô rời khỏi nhà, sau khi về nhà đã thấy anh Vũ Nam Huy c.h.ế.t giữa nhà cô?
– Đúng vậy thưa đồng chí cảnh sát.
– Tối hôm đó cả khu bị cúp điện, camera an ninh không thể hoạt động, như vậy đồng nghĩa với việc không có bất kỳ điều gì chứng minh cô rời khỏi nhà tại thời điểm đó.
– Nhưng…
Khi tôi chưa nói hết câu thì anh ta đã cáu gắt cắt ngang:
– Chúng tôi chỉ cần bằng chứng, không cần lời giải thích hay biện hộ nào của kẻ g.i.ế.t người!
– Tôi không g.i.ế.t người!
– Vậy cô có bằng chứng gì chứng minh mình không phải hung thủ không?
– Nếu bây giờ tôi có bằng chứng thì đã không phải ngồi đây.
Vì vậy tôi mới cần đến các đồng chí cảnh sát.
– Chúng tôi biết rất rõ hoàn cảnh của cô, biết rất rõ chuyện anh Vũ Nam Huy phản bội cô.
Thường cảm xúc của một người sau khi phát hiện mình bị phản bội sẽ rất cay cú nên có thể trong lúc nóng giận cô đã ra tay g.i.ết anh Vũ Nam Huy.
Nếu cô thành thật khai nhận sớm, sẽ có lợi với cô trước pháp luật.
Sao càng nói tôi càng cảm giác như cuộc thẩm vấn hôm nay muốn buộc tội tôi vậy? Tôi vẫn tỉnh táo kiên quyết bào chữa cho bản thân và không thừa nhận.
Cuối cùng sau một hồi dài không được câu trả lời như mong muốn, người cảnh sát đó đã quyết định dùng hình phạt để tra khảo tôi.
Tôi bị đánh ù cả tai, những cái tát giáng xuống mặt tôi, những cái roi quất xuống từng thớ da thớ thịt tôi khiến tôi đau buốt.
Những kẻ đàn ông vô tình máu lạnh, mặc kệ tôi là phận con gái chân yếu tay mềm vẫn dùng hết sức mình, vừa đánh vừa hỏi tôi có khai nhận không? Tôi dù đau muốn chết đi sống lại cũng kiên quyết không nhận tội.
Tôi đã từng xem rất nhiều bộ phim ngày xưa về các hình phạt với các phạm nhân, nhưng ngàn vạn lần tôi không nghĩ bản thân có ngày rơi vào hoàn cảnh này, có ngày lại được trực tiếp cảm nhận rõ sự đau đớn tột cùng và nỗi nhục ê chề.
Phải chăng, đây có được gọi là địa ngục giữa chốn trần gian không? Tôi cố gắng gồng mình lên để giảm bớt đau đớn nhưng dường như nó chẳng thấm thía là bao.
Tôi yếu ớt lắc đầu, dù còn hơi thở cuối cùng tôi vẫn phải nói một câu tròn vành “TÔI KHÔNG G.I.Ế.T NGƯỜI”.
Một người cảnh sát bóp lấy miệng tôi, trước sự cố chấp của tôi anh ta khẽ thở dài:
– Chúng tôi khuyên cô sớm nhận tội để giảm ảnh hưởng đến thể xác và tinh thần.
Tôi ngước mắt lên nhìn người cảnh sát ấy, yếu ớt lắc đầu:
– Không, tôi không có tội.
Tôi xin các anh, đừng đánh nữa!!!
Một người cảnh sát còn lại sắc mặt trước sau vẫn như một, vẫn kiên quyết ra lệnh cho người kia đánh tiếp.
Tôi bị đánh thêm vài phát nữa thì đột nhiên anh ta dừng lại nói:
– Đồng chí Quốc, hôm nay tra khảo như vậy đủ rồi.
Đưa nghi phạm về lại phòng đi.
Tôi không biết khi ấy có phải trong lúc lỡ mồm không mà anh ta đã đáp:
– Đồng chí Quang, đồng chí quên nhiệm vụ của chúng ta à? Nếu cô ta không nhận tội thì….
Nói đến đây thì anh ta dừng lại, tôi lờ mờ hiểu trong đầu hình phạt ngày hôm nay là do có người chỉ đạo xuống, và người đó chắc chắn là người nhà của Huy.
Sau đó tôi được đưa về phòng, cánh cửa nhà giam lần nữa đóng sập lại che hết đi khoảng sáng bên ngoài.
Tôi ngồi đó, vừa đau cả thể xác vừa đau trong lòng.
Nước mắt tôi cũng bắt đầu rơi, giọt nước mắt trong suốt hoà cùng giọt máu ở khoé môi tạo thành thứ dung dịch hồng hồng, khi chảy vào trong miệng vừa mặn vừa tanh, từ đáy tim xông lên cảm giác đau đớn như xé toạc cả bầu trời xanh.
Tôi nghĩ nếu như bản thân mình mà không rửa được tội, không được minh oan thì thà tôi c.h.ế.t quách đi cho rồi.
Rồi tôi lại nghĩ tới mẹ và em gái mình, nếu như tôi c.h.ế.t thì hai người họ sẽ như thế nào? Cả đêm đó, tôi nằm không chợp mắt được dù chỉ một giây.
Cái đói, cái khát, cái đau đớn bủa vây khiến tôi chỉ biết nằm co quắp một góc nhà mặc kệ cho thời gian trôi!
Ngày hôm sau tôi lại tiếp tục được đưa đến căn phòng hôm qua.
Vẫn hai người cảnh sát hôm qua chờ sẵn, họ bắt đầu đặt những câu hỏi chủ yếu để dồn ép tôi nhận tội.
Dưới sự kiên quyết của tôi, những trận đánh đập như ngày hôm qua bắt đầu tái diễn lại lần nữa.
Vết thương cũ còn chưa kịp khô, vết thương mới lại đè chằng chịt lên, tôi thấy mình như tan nát xương thịt, cả người rũ rượi mềm như cọng bún.
Tại sao? Tại sao lại vô tình như vậy với một người con gái trẻ? Càng bị đánh tôi lại càng ước ao có một thiên sứ đến đón tôi lên thiên đường, rời xa khỏi hoàn cảnh khốn cùng này.
Tôi bị đánh đến lúc gần như không chịu nổi mới giãy giụa kêu gào nhưng liền bị giữ chặt lại.
Tôi không giãy nổi chỉ có thể đứng yên, phó mặc tất cả cho số phận.
Thứ cảm giác đau đớn kinh khủng liên tục truyền đến, có những lúc tưởng chừng hơi sức để thở cũng không còn.
Khi tôi được đưa về phòng đã trong trạng thái rũ rượi, các khớp chân mềm nhũn đứng chẳng vững.
Tôi nằm mệt nhoài xuống nền đất, giá như bây giờ trước khi c.h.ế.t được ăn vài thìa cơm, uống một ngụm nước tôi cũng cam lòng.
Tôi ngước mắt nhìn trân trân lên trần nhà, nước mắt mặn đắng chảy xuống miệng.
Tôi cứ nằm như thế, cái đói cái khát khiến tôi hoa mắt chóng mặt rồi dần lả đi.
Hai ngày rồi…hai ngày tôi đã chẳng được ăn uống.
Trong lúc mơ màng, tôi đã mơ đến mâm cơm có bát canh cua mẹ nấu, có mấy quả cà mẹ muối.
Bữa cơm đơn giản nhưng thật ngon và ấm áp, nó khiến khoé miệng tôi nở ra nụ cười hạnh phúc.
Sau đó, trong một giây phút không biết mơ hay thật, tôi bỗng thấy có một hương thơm nước hoa thoang thoảng xộc thẳng vào hốc mũi tôi, hương thơm này còn mang cho tôi cảm giác yên tâm đến lạ thường.
Rồi cả một vòng tay ôm lấy tôi vào lòng, trước khi mất đi hoàn toàn ý thức tôi chỉ kịp nghe thấy năm chữ từ một giọng nói khá quen:
– Này…tỉnh lại cho tôi!.