Quân vừa dứt lời, hai người đàn ông liền tiến tới lôi tôi xềnh xệch ra bên ngoài, mặc cho tôi vùng vẫy hay xin cũng không còn tác dụng.
Tôi không hiểu sao hôm nay thái độ của Quân lại thay đổi quá đỗi, chẳng còn là người cảnh sát toả ra những tia ấm áp hôm nào tôi từng biết.
Thậm chí sự thay đổi đó khiến tôi còn đặt giả thiết liệu người kia không phải là anh, mà là một người anh em sinh đôi có ngoại hình và tên giống anh không? Sau khi vất tôi qua cánh cửa thì hai người đàn ông mặt lạnh như tiền quay lưng đi vào bên trong.
Tôi ngồi dậy, vừa bước lên một bước thì người bảo vệ đưa tay chặn lại, cau mày quát:
– Đi chỗ khác, thích c.h.ế.t à?
Tôi biết mình không còn cơ hội nào nữa nên đành lững thững đi xuống ven đường.
Tôi không về ngay vì tôi phải đợi khi nào cái Ly ra khỏi đây mới thôi.
Đèn đường vàng le lói chiếu xuống, bóng tôi đổ dài dưới nền đất.
Tôi nhìn đường Hà Nội tấp nập nhưng lại thấy mình cô đơn và lạc lõng vô cùng.
Nghĩ đến cái Ly mà tôi chỉ biết ứa nước mắt.
Có phải tôi đã sai, sai khi mong muốn cho nó đi học hành tử tế trong khi nó không thích.
Hà Nội quá nhiều cám dỗ, tôi đã chẳng thể quản nổi nó nữa rồi.
Thời gian mỗi lúc lại trôi qua nhanh, chẳng mấy chốc nhìn xuống đồng hồ đã là 11 giờ đêm, tôi cứ đứng yên một chỗ như vậy, đứng cho đến khi cảm giác chân sắp tê liệt vẫn không thể quay lưng rời đi.
Càng về muộn, người vào bar thì nhiều chứ người ra khỏi đếm trên đầu ngón tay.
Điện thoại tôi đổ chuông, tôi đã hi vọng là cái Ly gọi đến, nhưng không, là số của cái Ngân:
– Sao rồi? Mày lôi nó về nhà chưa?
– Tao đến bar tìm nó nhưng không thấy đâu.
Gọi nó từ tối giờ đều thuê bao, tao lo quá.
– Thế mày đang ở đâu?
– Tao đang đứng ven đường cách quán bar một đoạn đây.
– Mẹ mấy giờ rồi còn đứng đây, thôi về nhà đi, kệ mẹ nó, nó có chân đi thì phải có chân về.
– Tao cũng nghĩ thế đấy nhưng không lỡ lòng rời đi được.
Tao chỉ sợ nó sa ngã thì mẹ tao biết sống sao.
– Thế giờ mày đứng đấy đợi nó thì cũng giải quyết được gì.
– Bắt sống tại trận cho nó không cãi được.
Chứ con này nó giỏi cãi lắm.
– Ở khu đấy phức tạp, nhớ cẩn thận.
– Tao biết rồi.
Thế nhé, có gì tao gọi sau.
– Ok.
Tắt điện thoại xong khi tôi quay đầu nhìn về phía cửa quán bar thì bỗng thấy xe cảnh sát từ đâu đi tới rất nhiều.
Một lực lượng lớn cảnh sát từ trong xe bước xuống ập vào quán cùng lúc, đám người bên trong chạy tán loạn ra ngoài nhưng đều bị cảnh sát bao vây lại.
Tôi không thể nghĩ nổi gì vì lo cho cái Ly, sợ nó còn ở trong đó nên định tiến tới xem tình hình thì chợt thấy xe cứu thương đến.
Rồi rất nhanh, mấy người y tá từ trong khiêng cáng chạy ra, một người cảnh sát ra lệnh:
– Mau lên, mau đưa đồng chí Quân đến bệnh viện.
Tôi nhìn lên cáng, đôi chân bủn rủn khi thấy Quân sắc mặt nhợt nhạt nằm trên đó, đôi mắt anh nhắm nghiền.
Chiếc áo sơ mi đen anh mặc không lộ ra vết đỏ của máu nhưng khi nó thấm xuống lớp vải trắng thì chiếc cáng đã nhuộm màu đỏ tươi.
Mới đầu một chòm nhỏ nhưng càng lúc càng lan dần, lan dần.
Tôi nhìn Quân, hoảng loạn, sợ hãi, toàn thân không còn chút sức lực nào, cảm giác lo lắng cứ như anh là người thân của mình vậy.
Cả người tôi đờ đẫn, bàng hoàng cho đến khi chiếc xe cứu thương lăn bánh tôi mới bừng tỉnh.
Điện thoại tôi lúc này lại đột nhiên đổ chuông, là số của cái Ly gọi đến nhưng tôi lại chẳng có nhiều cảm xúc gì:
– Chị làm gì mà gọi em nhiều thế?
– Mày đang ở đâu?
– Em đang ở phòng trọ đây.
– Mày đừng có mà nói dối, tao đi tìm mày suốt buổi tối nay đấy.
– Ơ chị lên trên này rồi à?
– Mày nói ngay cho tao, mày đang ở đâu?
– Thì em đi chơi vừa mới về đây, không tin chị gọi video đi.
– Tao về đến nhà mà không thấy mày thì đừng trách tao.
Nói xong tôi liền tắt máy.
Khi tôi chuẩn bị ra về thì một người cảnh sát tiến tới hỏi tôi:
– Cô đứng đây làm gì?
Tôi quay lại nhìn người cảnh sát, ấp úng đáp:
– Dạ tôi…tôi chỉ là người qua đường thôi.
Người cảnh sát nhìn tôi một lượt, chắc có lẽ thấy cách ăn mặc của tôi nên không nghĩ gì thêm, liền nói:
– Chỗ này không phận sự của cô, mời cô ra về.
– Dạ vâng.
Tôi xoay người bước đi, đằng sau nghe mang máng hai người cảnh sát nói với nhau:
– Có 3 đồng chí bị thương, nhưng đồng chí Quân là bị thương nặng nhất.
– Khổ thân đồng chí Quân, nhiệm vụ cuối cùng của anh ấy mà lại như thế này.
Mà xe cứu thương đến đâu rồi?
– Gần đến viện Việt Đức rồi.
Trên đường lái xe trở về nhà, không hiểu sao lòng tôi cứ nóng rực như có ngọn lửa đang bùng cháy trong đó.
Nghĩ đến những việc Quân từng giúp mình, giờ thấy anh bị thương tôi không lỡ lòng nào xem như không biết chuyện gì.
Tự nhiên, một thứ gì đó thôi thúc tôi, vang vọng trong đầu tôi, nhắc nhở tôi phải quay xe đến bệnh viện.
Lúc tôi đến thấy trước cửa phòng cấp cứu có mấy người cảnh sát đứng ở đó.
Bọn họ mải nói chuyện với nhau nên cũng không ai để ý đến tôi, với lại đây là bệnh viện, một người đứng trước hành lang cũng là điều bình thường.
Tôi nghe được mấy người cảnh sát nói với nhau rằng hôm nay là triệt phá đường dây buôn bán ma t.u.ý và ổ m.ạ.i d.â.m ở bar, đường dây này Quân theo đã lâu, anh bị người ta bắn một phát vào ổ bụng.
Những lời nói của cảnh sát mới khiến tôi lờ mờ hiểu ra thái độ khác lạ của anh tối nay là vì gì.
Bên trong trưởng khoa vẫn đang cấp cứu cho anh.
Khi nhìn thấy anh qua ô cửa sổ nhỏ, không hiểu sao tôi thấy tim mình đập rất nhanh.
Thời gian chầm chậm trôi qua, ngồi rất rất lâu mà cánh cửa phòng vẫn đóng, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng bước chân bên trong, cửa phòng cũng mở ra.
Người y tá chạy vội vàng trên nền đất, mấy người cảnh sát lao đến nhưng chưa kịp hỏi gì cánh cửa lại khép vào.
Sau đó, cả hành lang bệnh viên rất đông y tá và bác sĩ chạy đến tập trung.
Mấy người y tá thi thoảng lại chạy từ trong phòng cấp cứu ra lấy mấy bịch máu.
Tôi đứng dậy ngước mắt nhìn vào bên trong, bất chợt dấy lên một linh cảm bất an vô cùng.
Một người cảnh sát kéo cô y tá lại hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
– Bệnh nhân bị xuất huyết đang bị mất máu khá nhiều, máu dự trữ trong bệnh viện có hạn, trong đây ai cùng nhóm máu O thì đi theo tôi.
Mấy người cảnh sát khuôn mặt thất thần nhìn nhau nói:
– Không có ai có nhóm máu O cả.
Bố mẹ đồng chí Quân chắc có nhưng hiện tại ông bà không ở Việt Nam.
Tôi nghe xong liền nói lớn:
– Tôi…tôi có nhóm máu O.
– Vậy thì tốt quá rồi, cô mau đi theo tôi.
Người y tá bước đi trước, tôi bước theo sau, lúc này tôi đã chẳng nghĩ được gì nhiều, chỉ mong bản thân có thể giúp ân nhân của mình bình an vượt qua kiếp nạn.
Quân, anh là người tốt, người tốt như anh nhất định sẽ được ông trời thương, anh phải cố gắng lên biết chưa?
Người y tá đưa tôi vào một căn phòng, lấy bao nhiêu máu tôi cũng không rõ, chỉ đến khi đứng dậy tôi thấy choáng váng vô cùng.
Bước được vài bước tôi thấy phía trước là một con đường đen tối, khi tôi đang cảm giác mình sắp đứng không vững nữa thì bất chợt có một bàn tay đỡ lấy tôi, giọng nữ vang lên:
– Vừa lấy máu xong sẽ bị choáng, tôi đưa cô vào phòng nghỉ ngơi.
Tôi được dìu vào phòng kế bên.
Mới đầu bị choáng tôi cứ tưởng cô ấy là y tá, nhưng khi nằm xuống giường ổn định tôi mới biết cô ấy không phải.
Tôi lên tiếng nói:
– Cảm ơn chị.
– Là tôi phải cảm ơn cô mới đúng.
Vì cô đã góp phần cứu sống chồng tương lai của tôi.
“ Chồng tương lai của tôi” thì ra cô ấy là người yêu của Quân.
Tôi vô thức không tự chủ được ngước mắt lên quan sát cô ấy một chút.
Cô ấy rất xinh, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng, từ ngoại hình tới cách ăn mặc đều toát lên sự sang trọng.
Tôi không khỏi thốt trong lòng rằng” một cặp trời sinh, trai tài gái sắc!”
Nói với tôi thêm vài câu nữa thì cô ấy bước đi.
Tôi nằm đó cứ tưởng mệt mỏi sẽ khiến mình thiếp đi vào giấc ngủ nhanh chóng, nhưng tự nhiên lại cảm giác một đêm nay quá dài.
Đôi mắt tôi ráo hoảnh nhìn lên trần nhà rồi lại nhìn ra ngoài cửa sổ.
Tôi không biết chính xác mình nằm đó bao nhiêu lâu, chỉ đến khi cảm thấy ổn rồi mới ngồi dậy để ra ngoài.
Tôi đang bước trên dãy hành lang đi về phía phòng cấp cứu thì nghe được giọng bác sĩ vang lên:
– Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, ca phẫu thuật đã thành công, bây giờ bệnh nhân sẽ được đưa về phòng chăm sóc đặc biệt.
Nghe đến đây lòng tôi nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng lớn.
Rõ ràng chỉ là mối quan hệ giúp đỡ – trả ơn thôi mà tôi lại xúc động như chính người thân của mình vừa trải qua ca phẫu thuật ấy.
Tôi lặng lẽ quay đầu rời khỏi bệnh viện.
Trời lúc này cũng hửng sáng, tôi lái xe về thẳng phòng trọ.
Cái Ly lúc này vẫn nằm giường ngủ say nên tôi không tiện gọi nó dậy nói rõ mọi chuyện.
Tắm táp rửa ráy xong xuôi tôi cũng leo lên giường nghỉ một chút.
Tôi nhìn cái Ly, ngày xưa con bé ngoan ngoãn bao nhiêu thì bây giờ lại khó bảo là ương bướng bấy nhiều.
Cái độ tuổi mắng chẳng sợ, đánh chẳng sợ, một mình một suy nghĩ chẳng giống ai.
Tôi không biết mình có thể dìu dắt được em hoàn thành con đường học tập này không nữa.
Tôi nằm suy nghĩ miên man, cuối cùng mệt quá mà thiếp đi.
Đến khi tôi tỉnh dậy thấy mặt trời đã lên cao, cái Ly cũng đã đi học.
Pha gói mì tôm ăn xong tôi lấy số tiền ít ỏi trong túi ra đếm lại, mấy ngày về quê không phải tiêu đến tiền nên cũng may số tiền lương gần như vẫn còn nguyên, nhưng để chống chọi thêm thời gian nữa thì chẳng ổn vì chẳng mấy sẽ đến hạn đóng tiền nhà.
Nghĩ vậy tôi lại nhanh chóng thay bộ đồ chạy xe ra ngoài tìm việc.
Đất Hà Nội đông đúc thế này, tôi không tin mình không tìm được một công việc.
Trời mùa này tuy đã là cuối mùa hè nhưng vẫn còn nắng gắt.
Tôi lượn xe qua mấy con đường và mấy con ngõ mà mảng áo sau lưng đã thấm đẫm mồ hôi.
Trong lúc đang ngó nghiêng đọc tấm biển tuyển nhân viên bán hàng ở một shop quần áo nam thì đột nhiên điện thoại trong túi quần tôi vang lên, màn hình hiển thị số của thím ba dưới quê.
Bình thường chẳng bao giờ thím gọi cho tôi, bấm điện thoại nghe mà tôi hơi chột dạ.
Giọng nói thím ở đầu dây bên kia gấp gáp vọng ra:
– Nhi, cháu đang ở đâu? Đến ngay bệnh viện Việt Đức được không?
Nghe giọng thím ba rất nghiêm trọng, toàn thân tôi cũng khẽ run lên hỏi lại:
– Có chuyện gì vậy thím?
– Mẹ mày chẳng biết đi đứng kiểu gì mà ngã đập đầu xuống đường.
Bác sĩ ở tuyến dưới này giới thiệu lên bệnh viện Việt Đức.
Đến nhanh nhé.
Nghe xong, tôi không nghĩ được gì vội vàng phóng xe đi.
Suốt quãng đường trên xe, tôi rất sợ…sợ mẹ mà xảy ra chuyện gì bản thân tôi không sống nổi mất.
Dù cố gắng bình tĩnh nghĩ đến những điều tích cực nhưng rốt cuộc vẫn không bình tĩnh nổi.
Chuyện cũ chưa qua, chuyện mới đã ập đến, tôi làm sao để chống chọi nổi giữa cuộc đời khắc nghiệt này?
Khi đến bệnh viện, tôi vội vàng chạy lên phòng cấp cứu.
Lúc này thím ba cũng đang ngồi ở dãy ghế ngoài hành lang.
Tôi lo lắng hỏi:
– Thím ba, mẹ cháu đâu rồi?
– Mẹ cháu đang ở bên trong, các bác sĩ đang thăm khám.
Chú thì đang đi làm thủ tục nhập viện cho mẹ cháu.
Thím ba vừa dứt lời thì cánh cửa phòng mở ra, một vị bác sĩ trung tuổi bước ra ngoài nói:
– Qua kết quả thăm khám và chụp chiếu thì bệnh nhân bị tụ máu đông quanh đầu.
Bây giờ chúng tôi phải tiến hành mổ để lấy máu đông.
Mời người nhà theo tôi về phòng trực nói chuyện và ký vào giấy đồng ý mổ.
Hai bàn chân tôi nặng nề như kéo theo cả tảng đá ngàn cân phía sau.
Vào đến phòng trực bác sĩ trao đổi kỹ hơn với tôi về tình hình của mẹ và số tiền phải đóng cho ca mổ này.
65 triệu đồng…con số đó cứ lảng vảng trong đầu tôi nên hai tai tôi ù đi.
Có thể 65 triệu với mọi người không quá lớn nhưng với tôi thì nó lại lớn như bầu trời bao la, mãi mãi không thể chạm đến.
Tôi lấy lý do xin phép bác sĩ cho mình ra ngoài bàn bạc với thím ba nhưng thực tế là để mượn tiền.
Thế nhưng tôi vừa mở lời thì thím ba giọng đã hơi ngập ngừng nói:
– Mày cũng biết chú thím ở quê chăn nuôi, năm vừa rồi dịch cúm gia cầm lứa gà c.h.ế.t gần hết, lỗ mất cả trăm triệu.
Năm nay vẫn phải đang vay vốn để nuôi nhưng đã thu được đồng nào đâu.
Không phải là thím không muốn cho vay, trước khi đến đây vét cả nhà cả cửa còn 7 triệu vừa ứng tiền viện phí cho mẹ cháu rồi đấy.
Nói đến đây thím ba khẽ thở dài, mặt cúi xuống đầy ấy náy.
Tôi nhìn thím, lẽ ra người áy náy là tôi chứ không phải thím.
Tôi biết rõ hoàn cảnh nhà thím cũng chẳng khá giả gì, vậy mà trong lúc vào đường cùng vẫn có thể mặt dày mở lời mượn tiền được.
Tôi cố nở ra nụ cười méo mó đáp:
– Số tiền chú thím vừa ứng đóng viện phí cho mẹ cháu, có cần gấp không ạ.
Nếu không thì cho cháu nợ vài bữa cháu thu xếp trả cho chú thím.
Thím ba lắc đầu đáp:
– Số tiền đó cháu để đó đi, khi nào trả chú thím cũng được.
Bây giờ trước mắt lo tiền phẫu thuật cho mẹ đã.
Cái gì có thể chậm trễ chứ cái này không chậm trễ được đâu.
– Dạ vâng, cháu cảm ơn chú thím nhiều.
Nghĩ đi nghĩ lại người bạn thân thiết lúc này của tôi chỉ có cái Ngân, dù đang còn nợ tiền nó nhưng cuối cùng tôi vẫn mặt dày gọi điện cho nó.
Cái Ngân nghe xong liền thở dài nói:
– Khổ, sao cuộc đời mày éo le thế nhỉ? Thế giờ cần nhiều không?
– 65 triệu mày ạ.
– Hả? 65 triệu á?
– Ừ.
– 65 triệu thì tao không có vì tao vừa mới mua xe xong, dốc hết cả tiền tiết kiệm rồi.
Giờ giỏi lắm tao còn khoảng 10 triệu, mày cầm đỡ nhá.
À để tao bắn tài khoản cho, tao đang đi công tác một hai hôm nữa mới về rồi tao vào thăm bác sau.
Đối với tôi một đồng lúc này tôi cũng vô cùng trân quý.
Vì tôi biết chẳng ai dễ dàng gì cho một đứa chẳng có cảnh gì như mình mượn tiền.
Sống mũi tôi bất chợt cay xè vì cảm động, suốt bốn năm đại học nếu không nhờ nó giúp đỡ thì có lẽ tôi đã bỏ học lâu rồi.
Ngày tôi bắt đầu vào đại học mới quen cái Ngân nhưng nó là đứa hoà đồng nhanh chóng thân thiết với tôi, không chê bai hoàn cảnh gia đình tôi như những người khác.Tôi rối rít nói:
– Cảm ơn mày nhiều nhé.
– Không có gì, ai bảo mày là bạn tao.
Sau đó không còn cách nào khác, bí quá tôi đã gọi hết cho tất cả những người dù không thân thiết để hỏi mượn tiền.
Biết trước kết quả rất khó nhưng khi nghe người ta lần lượt nói hai từ “không có” vẫn khiến tôi không tránh khỏi hụt hẫng, cảm giác càng lúc càng chạm gần tới địa ngục.
Một tháng nay không một phút giây nào tôi không ở trong trạng thái mệt mỏi rã rời.
Đến hiện tại tôi luôn tự nhủ vì mẹ mà cố gắng.
Thế nhưng giờ phút này mẹ nằm đó, nếu không có tiền cứu mẹ thì mẹ sẽ không khác gì người nằm chờ c.h.ế.t, tôi cảm thấy mình không sao chống đỡ nổi, hoàn toàn bất lực và kiệt sức.
Hoá ra ranh giới giữa sự sống và cái c.h.ế.t lại mong manh như thế, chỉ cách nhau một chữ “TIỀN”.
Tôi ngồi phịch xuống một góc khuất ở hành lang bệnh viện.
Mệt mỏi, bất lực, kiệt quệ thấy mình như muốn buông xuôi tất cả.
Nhưng rồi nghĩ đến mẹ tôi lại không cho phép bản thân mình làm vậy.
Tôi gục đầu xuống gối rồi lại ngước mắt lên trần nhà, buông rơi những giọt nước mắt bị giam cầm trong hốc mắt.
Tiếng cô y tá vang lên:
– Người nhà bệnh nhân Tô Thị Mừng đâu rồi?
Nghe đến tên mẹ mình, tôi đưa tay quệt vội vàng những giọt nước mắt đang rơi, hít một hơi lấy lại sự bình tĩnh rồi bước ra ngoài nói:
– Dạ tôi đây ạ.
– Cô là con gái bà Tô Thị Mừng?
– Dạ vâng.
– Thế có đồng ý phẫu thuật cho mẹ không thì ký giấy rồi đi thanh toán nhanh lên.
Tình trạng bệnh nhân mổ càng sớm càng tốt mà người nhà không nói gì thế?
Lời cô y tá nói khiến lòng tôi đau như cắt.
Tôi ngập ngừng đáp:
– Chị, chị cho em hỏi bệnh viện có thể mổ trước cho mẹ em được không? Số tiền mổ này quả thực quá lớn với nhà em.
Em…em tạm thời chưa xoay kịp.
Chị y tá sau khi nghe tôi nói vậy liền nhìn tôi bằng ánh mắt đầy thương cảm.
Sau đó chị bảo:
– Đợi tôi một lát.
Nói rồi chị y tá đi vào phòng giao ban, một lúc sau thì quay ra gọi tôi vào phòng gặp vị bác sĩ vừa nãy.
Tôi ngồi xuống, thật thà kể hết hoàn cảnh của nhà mình cho bác sĩ nghe.
Bác sĩ thở dài nói:
– Ở đây chúng tôi cũng gặp rất nhiều hoàn cảnh giống nhà cháu.
Ai cũng vậy thì chúng tôi làm sao giúp hết được.
Bây giờ gia đình cháu có bao nhiêu rồi?
Tôi tính lại số tiền mình có mà số tiền vay được cái Ngân, tổng 19 triệu.
Tôi lí nhí đáp:
– Dạ cháu vay hết các chỗ cũng chỉ được 19 triệu thôi ạ.
– Ít nhất cháu phải ứng trước 50% chi phí ca mổ.
19 triệu làm sao đủ, mà với tình hình của mẹ cháu không để lâu được đâu, càng mổ sớm càng tốt.
Tôi nghe đến đây chợt không kiềm chế được mà bật khóc.
Vừa rơi nước mắt tôi vừa chắp tay xin:
– Cháu xin bệnh viện cố gắng giúp mẹ cháu được mổ sớm.
Cháu xin hứa sẽ trả đầy đủ trước khi mẹ cháu được xuất viện ạ.
Nhà cháu chỉ có 3 mẹ con, bố cháu mất sớm, mẹ là chỗ dựa tinh thần duy nhất của hai chị em cháu, cháu không thể để mất mẹ được ạ.
Khuôn mặt bác sĩ trầm ngâm nhìn tôi, sau một hồi thở dài thườn thượt cuối cùng bác sĩ nói:
– Thôi được rồi, tôi phá lệ lần này.
Tôi đồng ý mổ cho mẹ cháu, nhưng số tiền viện phí này là tiền túi của tôi ứng ra giúp mẹ con cháu.
Cháu cũng chỉ bằng tuổi con gái tôi, vợ tôi cũng mất rồi nên tôi phần nào hiểu tâm trạng của cháu.
Tuy nhiên việc nào ra việc nấy, tiền long phải rõ ràng, tôi cho cháu vay thì phải có giấy trắng mực đen.
Thời gian cho vay đến ngày mẹ cháu ra viện, cháu phải trả tôi.
Tôi nghe vậy trong lòng tràn đầy cảm kích, chỉ cần mẹ tôi được cứu ngay bây giờ thì sau đó bằng mọi cách tôi cũng sẽ chạy trả chú ấy, kể cả là bán thân lấy tiền tôi cũng tình nguyện.
Tôi gật đầu đáp:
– Dạ cháu hiểu rồi ạ.
Cháu đội ơn chú…đội ơn chú rất nhiều.
– Mong tôi không nhìn sai người!
– Dạ vâng ạ.
Sau khi tôi ký giấy vay nợ và giấy đồng ý mổ xong thì chỉ một lúc sau mẹ tôi được đẩy ra dãy hành lang bệnh viện rồi đưa vào phòng mổ.
Từng giây từng phút trôi qua tôi thấy mình như bị treo lơ lửng giữa không trung.
Tôi sốt ruột đi đi lại lại mấy vòng thì thím ba bảo tôi ngồi xuống.
Cuối cùng tôi chỉ biết chắp tay cầu nguyện cho mọi thứ được tốt đẹp.
Bên trong không biết diễn ra những gì, cửa phòng vẫn đóng im lìm.
Khoảng chừng gần 4 tiếng sau thì cánh cửa phòng mới mở ra, bác sĩ thông báo:
– Người nhà có thể yên tâm rồi, ca mổ đã thành công.
Tôi thở phào nhẹ nhõm nói lời cảm ơn bác sĩ.
Sau khi bác sĩ đi khỏi rồi thì thím ba bảo tôi:
– Mẹ cháu đã mổ xong rồi thì chú thím cũng yên tâm để về rồi.
Cháu và cái Ly cố gắng ở trên này chăm sóc mẹ nhé.
Thông cảm cho chú thím chẳng thể ở.
Ở nhà còn mấy trăm con gà và đàn lợn không gửi ai trông nom giúp được.
– Dạ vâng cháu hiểu rồi, được chú thím giúp đến giờ phút này là quý lắm rồi.
Vậy chú thím về cẩn thận nhé, lần nữa cháu cảm ơn chú thím nhiều.
– Ừ, cố gắng lên, có gì thì gọi về cho chú thím.
– Dạ vâng.
Chú thím đi khỏi một lúc thì mẹ tôi được chuyển sang phòng hồi sức.
Tôi về dưới phòng bệnh dọn dẹp lại giường.
Sau đó tôi lấy điện thoại gọi cho cái Ly nói tình hình của mẹ rồi bảo nó mang phích nước với đồ qua viện.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, mẹ tôi nằm viện cũng đã được một tuần, không ngày nào mẹ không đòi xuất viện về sớm vì sợ tốn kém, những lúc mẹ hỏi tôi lấy tiền đâu mổ cho mẹ mà tôi lại nghẹn lòng.
Chẳng còn mấy ngày nữa là xuất viện, vậy mà bây giờ tôi vẫn chưa tìm được cách kiếm được số tiền trả bác sĩ kia.
Trong lúc túng quẫn tôi đã nghĩ tới trường hợp bán máu.
Sáng hôm sau đợi cô y tá tới thay bình truyền dịch cho mẹ tôi xong, tôi liền kéo cô y tá ra một góc hành lang hỏi nhỏ:
– Chị ơi, em hỏi chút.
– Ừ, em hỏi đi.
– Ở bệnh viện mình…có m.u.a máu không chị? Em…em muốn b.á.n m.á.u.
Cô y tá nghe tôi nói xong liền kinh ngạc nhìn tôi rồi đáp:
– Chị nói thật nhìn em bây giờ sắc mặt lẫn dáng vẻ tiều tuỵ lắm, chị còn đang sợ em không đủ máu nuôi bản thân em nữa ấy.
Tiền thì quan trọng thật nhưng đừng đánh đổi sức khỏe như thế em ạ.
Nói xong thì chị y tá bước đi, giờ phút này tôi thấy bất lực lắm rồi.
Sáng nay khám cho mẹ tôi xong bác sĩ cũng nói tầm 2 ngày nữa là mẹ tôi được xuất viện, và bác cũng nhắc ý đến số tiền kia tôi phải lo trả trước khi xuất viện.
2 ngày nữa…vậy tức là ngày mai tôi bắt buộc phải có tiền trả chú ấy.
Người ta đã tốt bụng giang tay giúp đỡ mình lúc khốn khó nhất, tôi làm sao dám thất hẹn bây giờ?
Buổi tối hôm ấy đợi mẹ ngủ say tôi mới rời khỏi phòng bệnh, đi lang thang dãy cuối hành lang bệnh viện.
Nhìn xung quanh khuôn viên bệnh viện, cảnh vật im lìm buồn bã tới nặng nề, có khác gì lòng tôi lúc này.
Tôi đứng nghĩ đủ thứ cách, nghĩ đến trường hợp bán t.r.i.h như cái cách mà các cô gái khi lâm vào bức đường cùng hay làm.
So với sức khỏe của mẹ, tấm màng mỏng kia chẳng là cái thá gì có đúng không? Nghĩ vậy nhưng nước mắt tôi vẫn chảy dài.
Đứng một lúc tới khi chân sắp tê cứng thì tôi mới xoay người bước vào phòng.
Thế nhưng vừa đi được 3 bước thì tôi gặp Quân.
Tôi thoáng chút ngây người nhìn anh, còn anh nhìn tôi rất chăm chú, rất lâu.
Ánh mắt sâu thẳm của anh tựa như đưa chúng tôi đến một thế giới tĩnh mịch, chỉ có hai chúng tôi.
Sau đó anh lên tiếng hỏi trước:
– Lại là cô à?
Tôi cười nhạt đáp:
– Tôi cũng không nghĩ chúng ta có duyên gặp nhau thật đấy.
Mà thôi cũng muộn rồi, tôi về trước đây.
Nói xong tôi bước qua anh thì bất ngờ cánh tay tôi bị Quân kéo lại, anh hỏi:
– Có chuyện gì?
Tôi nhất thời không hiểu câu nói này của anh cho lắm, không biết nó mang ý gì vì dù sao tôi với anh cũng chỉ là hai người xa lạ.
Tôi lắc đầu đáp:
– Không, có chuyện gì đâu.
– Nói đi, giúp được tôi sẽ giúp.
Tôi nhìn anh, định đáp lại hai từ “không cần”.
Thế nhưng trong một hoàn cảnh đang ở mức đường cùng thì sĩ diện hay liêm sỉ cũng nhanh chóng biến mất, trong đầu tôi bỗng loé lên suy nghĩ vô liêm sỉ chính là mượn tiền anh.
Tôi chậm rãi nói:
– Vậy anh có thể cho tôi mượn ít tiền được không?
Quân nghe đến đây, ánh mắt loé lên tia ngạc nhiên cùng cái cau mày khó hiểu.
Anh hỏi lại:
– Tại sao tôi phải cho cô mượn tiền?
Tôi lúc này như một người mất sạch hết liêm sỉ và tự trọng rồi.
Bí quá không tìm được lý do mà tôi đã nói ra cái lý do ngu ngốc vô cùng:
– Vì mấy ngày trước tôi đã hiến máu cho anh.
Nếu không có máu của tôi thì làm sao anh được khỏe như bây giờ.
Bàn tay Quân bất chợt buông thõng ra khỏi người tôi, dường như đó là một câu trả lời khiến anh thất vọng vô cùng!!!.