Nửa Đời Thanh Tình

Bên trong Sư Tử Lâm rất lớn với các kiến trúc như điện đường, đình viện, núi giả, suối hồ. Thậm chí còn có cả mỏm núi và kênh rãnh, diện tích phải mấy trăm mẫu. Hết thảy đều đều đẹp một cách tự nhiên thanh tú, xung quanh chỉ là những tảng đá cao cao nhưng lại tạo thành bức tường bao quanh, bên ngoài bức tường là bờ sông và đồi núi xanh rì, khiến cho Vân Yên ngẩn ngơ ngắm nhìn một hồi lâu.

Nàng lấy tất cả quần áo và đồ dùng hằng ngày thấm đẫm mùi mưa dầm Giang Nam đi giặt, giặt cho đến khi phía tây mặt trời xuống núi, nàng mới phơi quần áo trong mảnh sân nhỏ bên cạnh thiên điện. Thật ra khi ở Giang Nam, trong thời tiết mưa to ở các nơi, nàng vẫn cố chịu cơn đau tái phát của vết thương cũ một năm trước, nàng đã nhịn rất lâu rồi.

Tối muộn, Dận Chân và Niên Canh Nghiêu mới trở về Sư Tử viên

Khi Vân Yên và Tiểu Thuận Tử đến cửa nghênh đón chàng, thì đúng lúc nhìn thấy chàng giơ tay ra hiệu miễn lễ với binh lính gác cửa, tư thế ung dung đó không nhìn ra một chút gì là mệt mỏi khi đi đường dài. Thật ra, đã nhiều ngày liên tiếp chàng chỉ ngủ được hai ba canh giờ.

Vân Yên cùng chàng đi vào phòng, vẻ mệt nhọc của chàng trong nháy mắt hiện lên tất cả. Chàng vừa ngồi xuống thì ngả người xuống giường, nhắm hờ hai mắt, cánh tay trái nâng lên xoa trán.

Vân Yên không nói gì, đi đến nhẹ nhàng cởi giày cho chàng, rồi giúp chàng cởi cúc áo dưới cổ. Có lẽ Dận Chân đã quen khi Vân Yên làm vậy, chàng vẫn không tỉnh lại, hơn nữa còn từ từ chìm vào giấc ngủ. Vân Yên dùng khăn nóng lau mặt, lau chân, rồi lấy chăn mỏng đắp ngang bụng cho chàng. Dận Chân ngủ càng thêm sâu giấc.

Ngày hôm sau, Dận Tường tới Sư Tử Viên ngồi một lát. Thấy Vân Yên thì cau mày nói, ngươi gầy hơn trước đây rồi. Vân Yên chỉ mỉm cười. Ngược lại diện mạo Dận Tường ngày càng trưởng thành chín chắn hơn. Anh và Dận Chân hai người tập trung bàn về công việc, nói lại từ đầu đến cuối vụ ám sát.

Dận Chân đến Nhiệt Hà, ở trong Sư Tử Viên, chưa từng có giây phút được nhàn hạ. Mấy hôm mới đến, thời gian chàng nghỉ ngơi trong viên còn được coi là khá nhiều, sau này thì đến tối muộn, thậm chí là nửa đêm chàng mới trở về. Buổi sáng phải dậy rất sớm, dường như ngày nào cũng đi sớm về khuya.

Vân Yên không biết chàng bận những gì làm những gì, cũng không bao giờ chủ động hỏi. Mỗi khi chàng trở về đều rất mệt mỏi, hai người nói chuyện không nhiều. Dận Chân thỉnh thoảng bất chợt hỏi, mỗi ngày khi ta không về ăn cơm được, nàng có ăn cơm không? Vân Yên sững lại nói có ạ. Chàng cau mày, ôm nàng lên, hài hước nói, hình như chẳng béo lên chút nào cả, có phải do đầu bếp làm cơn không ngon không? Vân Yên vội vàng lắc đầu nói không phải.

Trừ chuyện đó ra, phần lớn thời gian này mỗi ngày trong Sư Tử Viên Vân Yên đều sống một mình.

Tiểu Thuận Tử, thị vệ, Niên Canh Nghiêu đều được sắp xếp vào mấy căn phòng sau điện. Niên Canh Nghiêu càng xuất quỷ nhập thần hơn, thường xuyên không ở trong viện. Trừ Tiểu Thuận Tử, Vân Yên và mấy người họ rất ít khi gặp mặt nhau.

Trong Sư Tử Viên vắng vẻ, Vân Yên thích nhất là một điện nhỏ và vài căn phòng không lớn giống như Tứ Nghi Đường nằm ở phía đông bắc điện chính, hơn nữa có thể kề sát bên bức tường bao quanh cao cao nhìn sông núi ngoài kia, nghe tiếng chim hót véo von trên cành cây. Còn cung điện chính to lớn được Khang Hi tự tay ngự đề “Lạc Sơn Thư Viện” thì quá trống vắng. Chỉ có khi Dận Chân quay trở về, Vân Yên mới chờ ở đó.

Một ngày, khi Vân Yên đang giúp Dận Chân thay áo thì vô tình nhìn thấy một chiếc khăn lạ mắt trong ống tay áo chàng, góc khăn thêu một đóa phù dung nho nhỏ màu tím hơi lộ ra.

Bức tường bao xung quanh Sư Tử Vên so với trong Tứ phủ cao hơn, mỗi sáng sớm sau khi tiễn Dận Chân ra ngoài, Vân Yên sẽ bắt đầu thu dọn phòng ốc, giặt quần áo. Sau buổi trưa, nàng luôn an tĩnh ngồi dưới gốc cây đọc sách. Vân Yên giở từng trang giấy của mấy quyển sách nàng mang từ trong phủ đến.

Khi đọc Gia Cát truyện ký, trong đó viết Khổng Minh thời trẻ rất thích mang đàn theo người, khi trèo đến đỉnh núi cao, ông sẽ ôm gối hát Lương Phủ Ngâm (1). Đây là khúc ca thấm đẫm sự đau buồn tang thương, nhưng lại là khúc ca ông thích nhất.

Vân Yên không biết hát Lương Phủ Ngâm, thỉnh thoảng trong đêm khuya thanh vắng nàng chỉ ôm gối ngồi dưới tán cây trong mảnh sân nhỏ, khe khẽ ngâm vài câu trong Kinh Thi, là những câu mà Hoằng Huy thích nhất. Trước đây, khi Hoằng Huy còn nhỏ luôn kéo nàng vào thư phòng nhỏ của cậu nhóc, vừa đọc thuộc câu thơ, vừa ngâm nga, cậu nói thế này học thuộc mới nhanh.

Hoằng Huy từ nhỏ thích “Kiêm Hà”(2) và “Kỳ Úc”. Còn số lượng các bài thơ Vân Yên nhớ được không nhiều lắm, chỉ thích “Tử Khâm”, hoặc nói thể đây là đoạn nàng đặc biệt thích trong “Đoản Ca Hành” của Tào Tháo.

Ánh trăng của vùng tái ngoại dường như không giống ở bất cứ nơi nào, trăng sáng vằng vặc nhưng thanh khiết.

Rất nhiều tối, Vân Yên ngẩng đầu, ôm gối co tròn người lại. Ánh trăng rọi lên bả vai, cơ thể dường như cũng trở nên mông lung, phai nhòa giống như một hình vẽ phác họa dưới bóng trăng. Tâm trí nàng hờ hững yên tĩnh, ảo giác như nàng không thuộc mảnh đất này thời gian này.

Nàng khe khẽ ngâm nga, dịu dàng và tự nhiên, giống như chỉ mình nàng mới có thể nghe hiểu.

Thanh thanh tử khâm

Du du ngã tâm.

Đãn vi quân cố

Trầm ngâm chí kim. (3)

Đêm dần sâu, Dận Chân vẫn chưa trở về. Đầu Vân Yên vẫn gác trên đầu gối. Đầu óc mơ màng buồn ngủ bất chợt tỉnh lại, đang định đứng lên, bỗng nhiên cảm thấy bồn chồn trong lòng, liền quay đầu lại nhìn...

Một vóc dáng cao lớn đứng chếch trước cửa, nét mặt lạnh lùng cương nghị trong ánh đèn dần dần hiện rõ, trên khuôn mặt không có bất cứ biểu cảm gì.

Vân Yên giật mình, từ từ quay đầu trở về, vịn tay vào đầu gối đã tê rần chầm chậm đứng dậy, lễ phép gọi một tiếng:

- Niên đại nhân.

Niên Canh Nghiêu không nói gì, ánh mắt nhìn bước chân của nàng hơi loạng choạng. Vân Yên không cho rằng lảo đảo một cái rồi mỉm cười là hành động biểu thị mình hành lễ chuẩn bị trở lại chính điện. Khi đi qua y, y bỗng nhiên mở miệng:

- Đông Kỳ vẫn khỏe, nó nhờ tôi gửi lời thăm đến cô. (*Đông Kỳ là cậu bé va phải Vân Yên được Niên Canh Nghiêu nhận nuôi ở

Vân Yên sững sờ, bước chân ngừng lại. Hóa ra y vẫn đưa cậu bé nàng gặp trong trại cứu nạn năm ấy đi.

Vân Yên gật đầu, nhẹ nhàng khàn khàn nói:

- Đa tạ Niên đại nhân, ngài, thật sự là một người tốt.

Thái độ của nàng không hề xiểm nịnh, thản nhiên và ung dung. Nàng hành lễ, rồi bước đi, bước chân không nhanh, còn hơi loạng choạng. Dần dần, bóng hình gầy gò nhỏ bé biến mất nơi khúc ngoặt, dưới ánh đèn của cung điện.

Vân Yên chầm chậm bước vào cửa điện, cảm thấy hơi lạnh. Mùa nóng nhất hình như sắp trôi qua rồi.

Cửa điện vang lên tiếng thỉnh an, Dận Chân đã trở về. Hôm nay sớm hơn so với mọi ngày.

Không biết tại sao, nhiều ngày qua, thái độ chàng vẫn luôn ẩn hiện sự nghiêm nghị không xa không gần. Nhưng ở trong phòng, chàng vẫn tùy ý như mọi ngày.

Vân Yên im lặng đón chàng trở về. Giống như những đêm trước, nàng gọi Tứ gia, chuẩn bị giúp chàng thay quần áo. Chàng dựa người trên ghế tựa, vừa nhắm mắt, vừa nắm bàn tay Vân Yên, ngón tay nàng hình như hơi run lên không rõ, rồi tiếp tục cởi cúc áo cho chàng.

- Sao tay nàng lại lạnh thế này? Ra gió à?

Giọng nói của chàng trầm thấp, mỗi chữ đều là châu ngọc.

Vân Yên mỉm cười, hờ hững đáp:

- Không sao cả đâu, có thể là do trời lạnh thôi ạ.

Dận Chân nghe xong xoa nhẹ ngón tay nàng rồi đặt nó trên môi, đôi môi chàng hơi nóng.

- Sao không mặc thêm áo vào? Mấy ngày nay bận quá, chúng ta sắp trở về kinh rồi.

Vân Yên nghe thấy, nhẹ nhàng vâng một tiếng.

* * * * *

Công việc của Dận Chân càng ngày càng bận, Cuộc đi săn mùa thu sắp diễn ra nhưng chàng không tham gia, phần lớn những a ca trẻ tuổi đều đi theo Khang Hi, Thập Tam a ca đương nhiên không nằm ngoại lệ. Cuối tháng bảy khi Vân Yên và mọi người về đến kinh thành, những ngày hè nóng nhất đã trôi qua.

Người xưa nói, tháng bảy sao Đại Hỏa mọc thấp, tháng tám thay áo ấm cho dễ mặc (4). Ý chính là, tháng bảy bắt đầu hạ nóng dần, tháng tám cần phải mặc thêm quần áo. Đương nhiên, cách nói này tính theo âm lịch.

Trên đường từ hành cung Nhiệt Hà trở về kinh, bọn họ cùng ngồi chung trên một chiếc xe ngựa. Có lẽ đây là quãng đường dài hiếm hoi mà lúc nào Dận Chân cũng ngồi bên, kể cả khi là ban ngày, nàng từ lúc đi đến giờ vẫn cuộn tròn người ngồi trong một góc xe ngựa, gò má so với lúc đi góc cạnh hơn, cơ thể cũng gầy đi nhiều.

Khi Dận Chân đọc công văn, nàng vẫn luôn dựa người trong một góc xe ngựa, thỉnh thoảng thì từ từ ngủ thiếp đi, nhưng không bao giờ lên tiếng.

Khi Dận Chân tới ôm nàng, Vân Yên rõ ràng hơi hờ hững. Dân Chận đặt công văn trong tay xuống, mạnh mẽ ôm eo nàng kéo tới trước người mình. Đôi đồng tử của Vân Yên trong chớp mắt có một sự hoang mang đang xoay chuyển.

Một tay Dận Chân đỡ lấy cổ nàng, ngón tay cái đeo nhẫn ngọc màu xanh biếc giữ chặt lấy sau lưng nàng nhẹ nhàng vuốt ve, cơ thể mẫn cảm của Vân Yên trong phút chốc co rúm lại.

Dận Chân khẽ thở dài một tiếng:

- Ở Nhiệt Hà ta quá bận, đã lâu rồi chưa ôm nàng thật chặt.

Trong giọng nói của chàng có cả sự mệt mỏi và thân mật.

Vân Yên trong lòng chàng không nói gì, để mặc cho chàng ôm, rất lâu sau cơ thể mới thả lỏng.

Dận Chân giơ tay nâng hai má nàng lên, ngón tay vuốt nhẹ bờ môi nàng.

- Lần này ở Nhiệt Hà không có thời gian đưa nàng đi thăm thú xung quanh, sang năm ta sẽ đưa nàng đi chơi.

Chuyến đi mất ba tháng, khi bọn họ về tới kinh thành, trên dưới Tứ phủ đều long trọng nghênh đón Dận Chân. Cuối cùng sau bữa gia yến hình thức hóa, Dận Chân lại bắt đầu đi sớm về trễ, trễ đến mức ngay cả hậu viện cũng không có thời gian tới thăm.

Một đêm khi chàng về đã rất muộn, Vân Yên giúp chàng thay áo thì nhận ra ngọc bội buổi sáng đeo trên bên trái eo chàng đã chuyển sang bên phải

Khi Dận Chân không ở trong phủ, Vân Yên thường mê mải trong phòng làm việc của chàng, nơi đó giống như một kho châu báu, nàng thường tìm ở đó mấy quyển sách rất thú vị.

Vân Yên muốn nghe ngóng tình hình của Phúc Nhi, lại gặp được Tiểu Thích làm chân sai vặt trong nhà bếp. Y rất sảng chủ động sảng khoái nói có thể giúp đỡ nàng. Không lâu sau đó y tới tìm nàng, mang tới một tin tức rất tốt. Bệnh của Phúc Nhi đã khỏi hoàn toàn. Bát gia trong lúc vô tình nói muốn mở rộng nhà ấm trồng hoa, quản gia liền chuyển Phúc Nhi và Bích Nguyệt khỏi chái phòng tồi tàn bên trong nhà ấm, đến ở phòng mới dành cho hạ nhân. Bọn họ đều rất khỏe.

Từng ngày trôi qua, hoa quế bắt đầu nở. Vân Yên vô tình nghe thấy lời đồn đại dạo gần đây to nhỏ trong phủ.

Tứ gia sáng tối không ở trong phủ, là bởi vì một vị mỹ nhân tuyệt sắc mới quen ở bên ngoài, nhưng mà thân phận nàng ta lại không thể bước chân vào Tứ phủ.

(1) Lương Phủ Ngâm – Gia Cát Lượng:

(Lương Phủ là một ngọn núi nhỏ dưới chân núi Thái Sơn)

Bộ xuất Tề thành môn,

Dao vọng đãng âm lý.

Lý trung hữu tam phần,

Luỹ luỹ chính tương tự.

Vấn thị thuỳ gia trủng,

Điền Cương, Cổ Dã Tử.

Lực năng bài Nam sơn,

Văn năng tuyệt địa lý.

Nhất triêu bị sàm ngôn,

Nhị đào sát tam sĩ.

Thuỳ năng vi thử mưu,

Quốc tướng Tề Án Tử.

Bản dịch:

Ra khỏi cửa thành Tề đi bộ

Dõi nhìn làng lấp ló xa mờ

Giữa làng trơ trọi ba mồ

Giống nhau tưởng đã đắp gò chồng lên

Hỏi: nằm đó tuổi tên ai nhỉ ?

Điền, Cổ, Cương, đích thị ba ngài

Núi Nam lật đổ, hùng tài

Văn chương âu cũng chuyển xoay đất trời

Một khoảnh khắc nghe lời nói dại

Hai trái đào giết hại cả ba

Mưu thâm kế hiểm ai mà ?

Án Tề tướng quốc thì ra là người

(2) Bài thơ “Kiêm Hà” (Lau sậy) của Đỗ Phủ.

Tồi chiết bất tự thủ,

Thu phong xuy nhược hà.

Tạm thì hoa đới tuyết,

Cơ xứ diệp trầm ba.

Thể nhược xuân phong tảo,

Tùng trường dạ lộ đa.

Giang hồ hậu dao lạc.

Diệc khủng tuế tha đà.

Bản dịch của Phạm Doanh

Chẳng lo phòng gẫy gục,

Nhỡ gió thu thì sao.

Hoa phủ tuyết tạm bợ,

Lá chìm sóng chỗ nào.

Sức yếu gió xuân sớm,

Bụi cao sương đêm nhiều.

Trải qua cơn vất vả,

Lại ngại năm lêu bêu.

(3) Một đoạn trong bài thơ “Đoản ca hành” – Tào Tháo. Bản dịch của Lệ Chi Sơn:

Tuổi đi học áo xanh cổ cứng

Mà lòng ta bịn rịn hôm mai.

Nhưng thôi nhắc mãi làm chi.

Tuổi xanh quá vãng vì mi ta buồn.

(Hai câu đầu Tào Tháo lấy từ bài "Tử Khâm" trong Kinh Thi)

(4) Một đoạn của bài “Thất Nguyệt 1” trong Kinh Thi. Bản gốc trong thơ là tháng chín, chứ không phải là tháng tám. Dịch giả dịch theo truyện.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui