Gương mặt mẹ hiện ra, vằng vặc trong trí nhớ. “Đây là bạn của anh Phương Đàn. Anh ấy đến thăm và mang quà anh Đàn gửi ẹ. Anh con vẫn khoẻ mẹ à”. Hạnh phúc đẩy lùi đau đớn. Mẹ cười. Nụ cười âu yến, ngọt ngào dành cho đứa con ở xa dù bệnh tật hành hạ, bào mòn cả thể xác vẫn không dập tắt được. Lúc ấy nỗi xót xa luồn vào tận cùng những ngõ ngách nhưng nét cảm thông, thương xót, khích lệ từ ánh mắt Trung Dũng an ủi Nam Giao phần nào. Dù sao đó vai diễn kéo dài và nhàm chán nên chưa đến cuối cùng anh đã bỏ cuộc.
Giờ đối diện với Nam Giao là gương mặt đau khổ, ân hận cùng vòng tay ôm riết của người mẹ mất con cộng thêm vẻ chờ đợi của người đàn ông như chỉ cần cô gật đầu ưng thuận là mọi đau khổ trên đời này chấm dứt. Tất cả diễn ra trong im lặng nhưng hiệu nghiệm hơn mọi lời thuyết phục. Người đàn ông bước đến gỡ tay mẹ, dỗ dành:
− Mẹ đừng lo. Nam Giao đã hứa với con rồi.
− Phải vậy không con? Phải không con?
Trong đơn độc, Nam Giao nhận lấy vai diễn của mình. Con đường phía trước hiện ra dài hun hút, quanh co như đi trong lòng ống dẫn đến một nơi nào khác. Cố nuốt khan những cơn nghẹn trào từ ngực chèn kín cổ, cô nói một cách tuyệt vọng, nghe giọng mình vỡ vụn như của người nào khác.
− Dạ.
− Cảm ơn con. Bác cảm ơn con nhiều lắm.
Như người nói mê, giọng bà ríu vào nhau. Uy Vũ nhìn cô gái thu người trong lòng mẹ anh − mảnh như sợi tơ. Không phải để được bảo vệ, được chở che mà vì vòng tay. Như thể chạm vào người sẽ làm cô đau đớn. Bóng mờ màu xám nhạt phủ lên đôi mắt đen mềm. Nụ cười… cảm giác như cô dốc cả lòng để chỉ phung phí một nụ cười vì ánh mắt thăm thẳm kia u uẩn một cách kỳ lạ.
o0o
Phong Châu nhìn vào kính chiếu hậu. Vẫn gương mặt ấy − đã qua mấy con đường − lặp lại hành động của anh như cái máy: chậm, nhanh, dừng… Đột ngột Phong Châu cho xe quay ngoắt lại. Cô gái giật mình, loạng choạng.
− Tại sao cô đi theo tôi?
Mái tóc rối tung khẽ lắc, cô gái yếu ớt phủ nhận:
− Tôi không có.
Phong Châu chậm rãi:
− Tôi biết cô đã theo tôi đoạn đường khá dài. Có việc gì không? Cô nói đi, tôi nghe − Anh xua tay − Nhưng nói xong rồi thì đừng theo tôi nữa nhé. Nguy hiểm lắm. Tôi đã chạy khá chậm đấy. Nếu tôi đi với tốc độ bình thường cô cũng không đuổi kịp đâu.
Chắc người đàn ông đã trông thấy cô vất vả lao qua mấy cái ngã tư thế nào để không lạc mất anh. Cô ấp úng:
− Tôi muốn biết nhà anh.
Kinh nghiệm thường giúp Phong Châu nhận diện, đánh giá được người tiếp xúc một cách nhanh chóng và khá chính xác nhưng cô gái trước mặt có vẻ gì rất khó đoán. Phong Châu quan sát. Mảnh mai đến tiều tuỵ, mái tóc bị gió thổi tung, đôi tay gầy với những ngón thon dài không sơn, da trắng xanh nhưng không phải cái nhợt nhạt của làn da quen son phấn. Trông cô như đứa trẻ lạc đường đang tìm sự giúp đỡ.
− Tôi muốn biết nhà anh. Tôi chỉ theo anh về đến nhà thôi.
Lần này thì sai bét. Phong Châu lắc đầu, ngao ngán. Sao cô lại chọn công việc này? Nếu bật thành câu hỏi, chắc chắn anh sẽ nghe được bài hát khác lời nhưng công thức y chang nhau − nghèo nàn và thiếu sáng tạo. Đại loại nhà em nghèo, mẹ em chết, ba em bệnh nan y, em út đông… Những cái lý lịch não lòng nghe rất thật. Thật đến nỗi đôi khi tác giả lầm tưởng đó là cuộc đời thật của chính mình.
Anh thấy tiếc cho cô. Như thế này thì thánh cũng làm giả được.
− Tôi không có nhu cầu.
Cô đứng yên như không hiểu, Phong Châu nói thêm:
− Thật đấy, tôi không có nhu cầu. Chỉ mất thời gian của cô thôi.
− Tôi không sợ mất thời gian. Tôi muốn trông thấy anh an toàn về đến nhà. − Ngừng một lúc, cô nói thêm − Tôi không làm hại anh đâu, tôi hứa.
Lúc này thì cô có vẻ mặt của người điên muốn chứng tỏ mình… điên. Phong Châu phì cười. Ở đời phải biết bỏ chạy và có khi bỏ chạy đúng lúc còn được xem là bậc thức thời. Việc mình cần làm lúc này là dĩ đào vi thượng.
− Không ai làm hại được tôi cả. Giờ cô về nhà đi. Nhà cô ở đâu?
Nhìn gương mặt ngây ngây của người đối diện, anh chắc lưỡi:
− Tôi sẽ đưa cô về nhà. Nào!
Cô vội vã lắc đầu, gần như sợ hãi:
− Không… không cần đâu. Anh về đi. Cho tôi số điện thoại của anh là đủ rồi − Cô xoa mặt − … chỉ để tôi chắc chắn anh đã về đến nhà thôi. Tôi không làm phiền anh đâu.
Phong Châu nheo mắt, lạ lùng:
− Cô có nhầm lẫn tôi với ai không? Tôi không phải là diễn viên X, ca sĩ Y, đạo diễn Z đâu. Tôi không mang theo ảnh và không tặng chữ ký.
Cô nói nhỏ:
− Tôi không nhầm lẫn. Có thể anh thấy việc này rất kỳ dị nhưng mà tôi…
− Việc tôi về đến nhà an toàn quan trọng với cô đến thế sao?
Xác nhận bằng cái gật đầu mạnh mẽ và cương quyết, có vẻ như cô sẵn sàng đứng cả đêm để đôi co. Nhìn đồng hồ, Phong Châu lắc đầu:
− Về nhà đi cô bé.
− Nhưng…
Kiên nhẫn bị đẩy lùi về số 0, anh xua tay chịu thua:
− Thôi được, tôi sẽ gọi điện cho cô để… để làm gì nhỉ?
− … để tôi biết anh đã về nhà an toàn.
Cho tay vào túi áo, Phong Châu lôi ra mảnh giấy:
− Được rồi. Ghi số điện thoại của cô vào đây.
Cái nhìn dán vào anh như đo lường sự thành thật rồi cúi xuống cắm cúi viết. Phong Châu ngán ngẩm, sao mình lại dính vào chuyện ngớ ngẩn này nhỉ? Nhét bừa vào túi, anh khoát tay:
− Xong rồi. Giờ cô về đi. Đừng theo tôi nữa nhé.
Cô gái nhìn ngực áo Phong Châu, ngần ngại. Chứng tỏ hành động qua loa vừa rồi không qua được mắt cô. Phong Châu thở hắt ra. Đi rong rong thế này chắc không đến nỗi điên, có thể tự về nhà được. Rút mảnh giấy khỏi túi, à không, ngờ nhìn kỹ Phong Châu mới biết nó là namecard của chính anh. May mà không trao nó cho cô. Một cách cường điệu, Phong Châu cẩn thận đặt vào ngăn nhỏ.
− Ok. Tôi sẽ để nó ở đây. Giờ cô an tâm rồi chứ? Thôi, về đi nhé.
Lần này giọng chân thành của cô lại không có vẻ gì là điên cả:
− Có thật là anh sẽ gọi cho tôi không?
− Thật chứ. Tôi hứa.
− Anh không hiểu điều này đối với tôi quan trọng thế nào đâu. Anh nhớ nhé. Cảm ơn anh rất nhiều.
Phong Châu đứng yên chờ cô gái đi khỏi.
Nam Giao đợi cả đêm nhưng anh không gọi.