Ô Cửa Nhỏ Màu Trắng


Uy Vũ rẽ vào quán cà phê nhỏ. Quán vắng, nhạc không lời văng vẳng như vọng lại từ cõi xa xôi nào đó. Nam Giao tập trung vào ly nước trước mặt, làm như không nhận ra vẻ trầm ngâm của người đối diện. Dường như có điều không phải khi anh và cô ngồi bên nhau thế này.
Uy Vũ ngắm gương mặt trông nghiêng của Nam Giao. Tất cả đều nhẹ nhàng, hàng mi khép rũ, tay se sẽ đặt trên đùi, ly nước lay lay. Nếu ví vẻ đẹp là hương thơm thì Nam Giao phảng phất như mùi hương đượm chất men. Không say nhưng khiến người ta ngây ngất. Chẳng biết từ lúc này, anh hay so sánh Phúc với Giao rồi đặt Phúc vào thế thua kém hơn.
Phúc cũng lạ. Không ai khiến Phúc thể hiện con người thật của cô ngoài thằng bé. Có vẻ như Phúc chỉ chia sẻ con trai mình với anh. Phúc không tin ai ngoài anh. Sự tín nhiệm lạ lùng của cô khiến anh ngạc nhiên và cảm động. Uy Vũ lý giải vì mất Nhật Văn − Mất người đàn ông mạnh mẽ của riêng mình một cách vô thức Phúc có khuynh hướng hướng về những gì tương tự như thế.
− Theo anh, trong cuộc sống gia đình, trong việc giáo dục con cái bên cạnh nét dịu dàng, tận tuỵ của người mẹ không thể thiếu cái mạnh mẽ quyết đoán của người cha, người đàn ông trụ cột. Đó là yếu tố quan trọng bậc nhất. Vì thế ngoài tình thương, anh thấy mình có trách nhiệm với thằng bé.
Nam Giao im lặng vì hình như anh đang nói với chính mình, không phải với cô. Hoàn cảnh cả hai khá giống nhau. Cha mất, anh trai cô thay vào vị trí đó. Uy Vũ không có anh trai − hoặc chính anh phải đóng thế vai trò này. Quả nhiên Uy Vũ nói vào vấn đề cô đang suy nghĩ. Lối im lặng đáng ngại của Nam Giao khiến những điều lý giải của anh trở nên dông dài, may rủi như người mù nghe hướng gió.
− Cha mất lúc anh đã bước vào tuổi trưởng thành, có thể tự lo liệu, tự quyết định lấy cuộc sống của mình nhưng anh vẫn thấy thiếu vắng, trơ trọi khi mất đi chỗ dựa quan trọng nhất trong cuộc đời. Vì thế rất khập khiễng khi phụ nữ phải đóng thay vai trò của người đàn ông hoặc ngược lại.
Xem cái nhướng mày rất khẽ của Nam Giao như một lời phản đối, Uy Vũ nhấn mạnh nhưng chậm rãi như nói thành lời suy nghĩ của mình:
− Cho nên ngoài những trường hợp cá biệt hoặc bất khả kháng thì những khác biệt giới tính phải tuyệt đối tôn trọng. Mọi cố gắng phủ nhận dù nhân danh giải phóng phụ nữ để họ góp mặt với đời hoặc phá vỡ cân bằng xã hội khi khuyến khích mô hình người mẹ độc thân, cải cách hôn nhân, bình đẳng… tất cả đều viển vông tai hại bởi chúng chống lại nhân loại bằng xương bằng thịt nhân danh một thứ chủ nghĩa nhân văn siêu hình.
Nam Giao lờ mờ nhận ra điều khác thường ở Uy Vũ. Không phải về quan điểm mà là cách anh trình bày quan điểm. Hình như anh đang giải thích sự quan tâm mà anh dành ẹ con Phúc và cả sự quan tâm mà Phúc dành cho anh. Rất chính đáng nhưng chính đáng quá lại thấy có điều không ổn.
Dù Uy Vũ cố gắng nhưng thoáng phân tâm ở anh dẫn đến không khí gượng gạo giữa hai người vì thế điều mong ước bỗng trở thành nhạt nhẽo, vô duyên. Như người lạc đường ngay lúc gấp gáp, trong khi Uy Vũ loay hoay tìm lối ra thì Nam Giao lại khác. Sự im lặng khiến cô hiểu nhanh hơn mọi lời vòng vèo. Trong vài giây Nam Giao nhìn anh chăm chú, thoáng cười. Sau đó cái nhìn trở nên xa xôi.
− Em điện thoại bảo chị Ca đừng đợi. Tối nay, anh sẽ đưa em về.
Uy Vũ vừa dứt thì điện thoại reo. Mặt xám ngắt, không một lời giải thích anh lao ra khỏi quán như mũi tên. Nam Giao hốt hoảng chạy theo.
Không ai ngẩng lên khi họ đến gần. Phúc nhìn hút vào đứa bé, ghì chặt vào lòng như đang bế sự sống của chính mình trên tay. Nó sút đi rất nhanh như quả cam bị vắt kiệt. Phúc nhớ tiếng cười nắc nẻ của con trai mỗi khi hai mẹ con đùa với nhau. Cười toe toét phô hàng lợi trống trơn chưa có cái răng nào. Nước miếng chảy ướt ngực áo. Hai hôm nay, cu Bờm sốt, biếng ăn rồi đột nhiên lã đi. Hơi thở đứt đoạn, gần như mê sảng. Chưa bao giờ và chưa có điều gì khiến Phúc sợ đến thế. Cuống cuồng mang con đến bệnh viện, phúc không dám rời thằng bé nửa bước, không giao nó cho ai. Mê man trong cơn sốt, người thằng bé hầm hập. Và Phúc cũng mê đi như người mộng du. Cần đi thì đi, cần đứng thì đứng và cảm thấy lờ mờ trong sâu thẳm của tiềm thức đây chỉ là giấc mơ và nhất định sẽ đến lúc mình tỉnh lại.
Uy Vũ đón Cu Bờm trong tay Phúc, dỗ dành:
− Con đang rất nóng. Phải hạ sốt. Em đặt con xuống giường đi.
Mắt Phúc nhìn anh như van lơn anh hãy cứu nó. Uy Vũ trấn an Phúc như trấn an chính mình:
− Không sao đâu. Con sẽ khỏi thôi. Không sao đâu em.
Đáp lời Uy Vũ, cu Bờm cựa quậy trong tay anh. Mắt Uy Vũ mở to khi nhận ra điều bất thường. Thằng bé uốn người, co giật, mắt trợn trừng, máu từ mũi từ miệng trào ra ướt đẫm ngực áo. Thét lên một tiếng lớn, như con thú trúng tên, Phúc ngã khuỵu xuống. Luống cuống, Nam Giao đỡ lấy Phúc. Mặt cắt không còn giọt máu, Uy Vũ hét cô:
− Gọi bác sĩ, nhanh lên!
Hốt hoảng, Nam Giao buông Phúc ra. Màu đỏ trên tay Uy Vũ làm cô tối tăm mặt mày. Ngày trước anh Viên Đàn cũng thế, cũng ói từng bụm máu tươi rồi mất trong cơn mê sảng. Nam Giao cuống cuồng chạy trên hành lang, cố trốn cảm giác sắp ngất đang vươn đôi tay dài chạm vào ý thức. Cô nhủ mình bằng cách nghiến mạnh vào môi, không phải lúc này, không phải lúc này. Đến khi cu Bờm được đưa vào phòng thì sức lực của Nam Giao chảy ra như ngọn nến cháy đến tận gót chân. Ai đó nhặt hộ cô đôi dép. Họ nhập vào đám đông rũ rượi ngoài hành lang.
Thời gian chậm chạp trôi qua. Phòng cấp cứu mở cửa vài lần nhưng chỉ điệp khúc “Chúng tôi đang theo dõi. Chúng tôi rất biết ơn nếu quý vị hợp tác bằng cách cho chúng tôi thời gian làm việc. Chúng tôi sẽ thông báo kịp thời khi cần thiết”. Không ai để ý đến cô. Uy Vũ ngồi giữa hai người phụ nữ: mẹ và Phúc. Giờ anh là chỗ dựa duy nhất của họ. Cô muốn làm điều gì đó chia sẻ với anh. Không để ý đến ngón chân sưng phồng, tứa máu vì va phải các bậc thang, Nam Giao gượng đứng dậy mang nước và thức ăn đến. Dù cố ép nhưng không ai đụng đến. Cái lắc đầu từ chối và ánh mắt của họ khiến Nam Giao cảm giác hành động lý trí của mình xúc phạm đến nỗi đau của người khác. Tủi thân, cô thu dọn mọi thứ rồi đứng lẩn quẩn đấy. Có tiếng thì thầm:
− Hôm qua đến giờ đã hai ca thế này rồi. Không đứa nào qua khỏi. Bác sĩ bảo sốt độ 3…
Nam Giao nhìn quanh, mơ hồ cảm nhận sự hiện diện của thần chết. Lão đã có mặt ở đây và không trông thấy cô. Lão đi lại, thỉnh thoảng nhón gót nhìn vào bên trong, thở dài trước những đứa trẻ không ngang tầm cân sức, bé bỏng, ngây thơ trước lưỡi hái. Làn hơi lạnh ngắt trùm lấy Nam Giao. Cô rùng mình, chẳng lẽ định mệnh xoay đúng một vòng và đang trở lại.
Cửa phòng mở rất nhanh:
− Ai là thân nhân của cháu…
− Dạ, tôi…
Như bị thần chết gọi tên, mặt Phúc tái xanh, lưỡi ríu lại.
− Bác sĩ muốn trao đổi với chị vài điều. Mời chị vào đây.
Trong khi Phúc tách ra khỏi đám đông, run rẩy đứng không vững thì Nam Giao lặng lẽ rời khỏi chỗ đứng, chòng chành đi qua hành lang dài hun hút, nặng nhọc bước xuống từng bậc thang. Bóng cô bị thềm đá lạnh cắt thành từng đoạn lồi lõm, dị hình. Thần chết vẫn lởn vởn bên ngoài, điềm nhiên chờ xong việc. Ý nghĩ vụt qua đầu khiến Nam Giao bước hụt bậc cuối cùng. Mặt phẳng dưới chân trôi đi, cô có cảm giác bị đẩy ra khỏi quả đất rơi tuột vào không gian tối đen bên ngoài. Sợi xích vẫn cột chặt cô giờ trở nên nặng nề hơn, nghiệt ngã hơn. Vừa buông người xuống mặt ghế lạnh ngắt, bóng đêm lập tức ùa đến bao lấy Nam Giao như cái kén dầy. Úp mặt vào tay, cô gọi Nhật Văn trong thổn thức và tuyệt vọng. Xin lỗi anh, Nhật Văn. Tại tôi… tại tôi cả… Nếu anh không chết sự thể đã không tồi tệ thế này…
Thời gian trườn qua từng khắc một. Lời của Uy Vũ vang bên tai “Cô vô tình trong cái chết của Nhật Văn − tôi tin, nhưng cái chết của đứa trẻ − nếu việc này xảy ra thì cô cũng có phần đấy. Cô đã giết nó”. Đầu váng vất như người ốm nặng, trong bóng đêm, Nam Giao cầu nguyện khẩn thiết rồi thiếp đi trong mòn mỏi.
Đêm cạn đáy như ngọn đèn cháy hết dầu và lụn bấc. Thời gian vốn thế chẳng đợi chờ kẻ chậm trễ, chẳng thiên vị kẻ vội vàng. Ánh sáng yếu ớt của ngày mới khẽ vén bức màn đêm, đánh thức Nam Giao. Không còn bóng tối bảo vệ, cô ngơ ngác mất mấy giây. Cảm giác trơ trọi, yếu đuối, sợ hãi lập tức tuôn vào như nước đổ từ trên xuống. Nam Giao bật dậy, bao nhiêu giờ đã trôi qua và… và thần chết đã làm xong nhiệm vụ khi cô thiếp ngủ.
Cửa phòng cấp cứu đóng kín. Y tá trực nhìn cô gái sầm sập lao đến như cơn giông. Đã quá quen với vẻ hoảng hốt, bơ phờ, nhợt nhạt của thân nhân người ốm nhưng nét khẩn thiết, van lơn của người phụ nữ đang đứng trước mặt khiến chị chú ý và thầm mong mình sẽ mang đến cho người này tin tốt lành.
− Chị làm ơn cho hỏi cháu…
Mắt chị lướt trên quyển nhật ký. Tim Nam Giao bóp nghẹt lồng ngực. Tiếng thở phào thoảng nhẹ qua giọng nói ân cần:
− Hiện cháu ổn định. Chúng tôi đã chuyển xuống trại, phòng…
Nụ cười yếu ớt điểm trên môi cô gái:
− Cảm ơn chị.
Người phụ nữ cùng phòng đon đả chào Nam Giao:
− Cô là gì của cháu? Vậy à. Thật quý hoá quá. Tôi trông giúp một lúc để bố mẹ cháu ra ngoài tìm cái gì ăn, tranh thủ nghỉ ngơi vài phút cho nhẹ đầu nhẹ óc. Thật tội nghiệp, mặt cô ấy xanh mét, đi không vững. Ở trong này cứ sờ nắn thằng bé mãi đâm quẫn trí cô ạ. May mà không sao. Bệnh này “ghê” lắm. Với trẻ con chỉ cần sơ sểnh một tí là nó “bập” vào ngay.
Cầm bàn tay nhỏ xíu của cu Bờm, Nam Giao quẹt nước mắt.
− Cô đừng lo, chỉ vài ngày là như xưa thôi. Con nít mau lại sức lắm. Tôi nuôi con, tôi biết. Vậy mà ông nhà tôi cứ mắng tôi không biết trông con, chỉ được cái mắn đẻ, mắn… nói. Xưa nay đàn bà dễ dạ thì thiệt thân, ông ấy có chăm chúng đâu mà biết. Đem tiền về là xem như xong trách nhiệm, mặc tôi xoay xở với lũ vịt giời nay ốm mai đau này…
Chị càng nói càng hăng, như ấm nước đang sôi cứ phun hơi phì phì:
− Chồng người ta ân cần thế, chu đáo thế. Nghĩ đến chồng mình lại thấy tủi phận ghê gớm. Thuở đời, vợ đau để mà mặt ông ấy xanh như chàm đổ, chạy loanh quanh như gà mắt tóc. Lúc vợ vào phòng sanh phải có người xốc nách ông ấy mới đứng vững, người cứ bần bật như bị cắt tiết vậy. Đưa con vào đây là biệt tăm biệt tích luôn. Người như thế chả trách lúc nào cũng thong thả, an nhàn. Dù cho nhà rách nợ đòi − phong lưu vẫn cứ giữ nòi phong lưu cô ạ.
Chị thở dài sườn sượt:
− Cái thân đàn bà kể ra còn vất vả gấp mấy lần đàn ông. Suốt ngày cứ đắm đắm đuối đuối với lũ con như mụ chim mái xù lông bảo vệ cái tổ đôi khi xơ xác như mớ giẻ rách, không biết trời cao đất rộng là gì cả.
Với giọng nói đầy chất công tố, chị kết luận:
− Giờ tôi chẳng nô lệ cho con trống nào dù đó là chim ưng hay phượng hoàng đi nữa.
Có tiếng động ngoài cửa. Một người đàn ông bước vào. Dáng thấp đậm tay ngắn, chân ngắn không phải phượng hoàng hay chim ưng, trông anh giống chim cánh cụt hơn. Rúm ró trước cặp mắt soi mói của vợ. Anh lách qua chị như tránh cú phát vào mông. Chiếc giỏ mang bên người đập bồm bộp theo nhịp phục phịch của thân hình. Giọng chao chát luôn mai phục lại được dịp vóng vót lên nhưng không giấu được vẻ âu yếm:
− Cô xem, giờ lão mới vác xác đến. Là một người toàn vẹn đấy cô ạ, vừa bệnh lại vừa tật. Vào trông con cho tôi một lúc để tôi xem thằng bé bên kia thế nào.
− Mình ăn gì chưa? Tôi có mang vài thứ ình đây.
− Ối dào, chờ ông thì tôi đói rã họng. Lũ trẻ ở nhà thế nào rồi? Ông có nhớ cho chúng nó ăn không đấy?
− Cái Ty nhớ mẹ khóc cả đêm mình ạ. Tôi dỗ đến khó. Cứ vác lên vai mãi thôi. Sáng nay lại đòi theo bố nhưng tôi không cho. Mang con vào đây nhỡ nó ốm thì khổ, mình nhỉ?
Giọng xót con, thẽ thọt của anh lại khiến chị vợ ầm ĩ lên:
− Rõ vẽ chuyện. Đừng có na con bé vào đây. Nó mà ốm thì toi. Ông làm ơn đừng rước thêm rắc rối cho tôi nữa. Tôi đã có một đống rồi đây này. Chỉ nay mai là mẹ con tôi về nhà thôi.
Ngược đời, giọng chao chát của người phụ nữ mắn… nói này lại khiến thần kinh Nam Giao dịu đi.
− Thằng bé đổ mồ hôi nhiều. Nó đang giảm sốt đấy. Cô dùng khăn ấm lau mình rồi thay cho cháu bộ quần áo khác. Lúc thức dậy nó sẽ đói ngấu và đòi vú mẹ ngay cho cô xem.
Gượng nhẹ, Nam Giao thay quần áo rồi dùng bông ướt lau vệt máu khô trong mũi cu Bờm. Nước mắt chảy ra khi nhớ đến gương mặt thanh thản và đôi mắt khép kín của Nhật Văn khi cô nâng anh lên. Anh nhìn xem, thằng bé kháu khỉnh và giống anh thế này. Vậy mà tôi…
− Cô chú đã về rồi à? Có khách đến thăm đây này. Tôi vô phép nhờ cô ấy thay quần áo và lau mình cho cháu. Tôi…
Nam Giao hấp tấp rời thằng bé như có lần rụt tay ra khỏi tấm ảnh Nhật Văn. Người phụ nữ im bặt khi thấy hành động lạ lùng của Nam Giao cùng cái nhìn dần toả sáng từ đôi mắt ấm của người đàn ông. Chỉ những người có ngọn lửa tình yêu trong tim mới có được đôi mắt và ánh nhìn ấy. Luồng rung động mạnh mẽ chạy qua khiến người chị nổi gai. Ngay lúc ấy hình ảnh chồng chị vác con bé Ty trên lưng, chân ngủng ngẳng dài đến gối bố khiến chị xấu hổ lạ lùng. Cảm giác xấu hổ khiến chị tỉnh táo. Cảm giác tỉnh táo lại khiến đầu óc nhanh nhạy hay suy diễn của chị nảy ra hàng trăm câu chuyện hình thành từ hàng ngàn giả thiết. Cách anh chăm sóc con, dỗ dành vợ khiến chị cảm động nhưng giờ ánh mắt anh nhìn cô gái khiến chị thấy có điều không ổn. Nó da diết, khắc khoải khiến người khác đau đớn như… như gì nhỉ? Ừ, như bị rứt từng miếng thịt nhỏ trên cơ thể vậy. Chắc nhân tình nhân ngãi, vợ lẽ vợ mọn gì đây hay chí ít cũng mối tình tay ba thầm lặng. Mẹ thằng bé lại ít lời. Kiểu người không dằn vặt, đay nghiến, chỉ cần lạnh nhạt hờ hững cũng đủ làm thiên hạ thất điên bát đảo. Chà, rắc rối thật. Chẳng thà ruột ngựa phổi bò hay quang quác như vợ chồng chị lại hoá hay.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui