Ô Cửa Nhỏ Màu Trắng


Có tiếng gõ cửa rất nhẹ, không quay lại Trung Dũng vẫn nhận ra viên trợ lý của mình. Người phụ nữ có dáng vẻ rón rén, tinh anh, mềm mại và khôn ngoan của loài mèo. Thời gian học ở Đức, đám sinh viên nước ngoài kháo nhau như thế. Mặc kệ cái lũ lắm điều, dở hơi, chơi nhiều hơn học ấy, hằng ngày, Mẫn Nhi kênh kiệu đi lướt qua chúng nó, hoc lướt qua chúng nó. Từ chối lời cầu hôn của vị giáo sư nổi tiếng người Mỹ và chiếc thẻ xanh − Green Card − vốn hấp dẫn với không ít cô gái khao khát cuộc sống xứ người, Nhi về nước.
Không tìm được công việc hợp với chuyên môn, chị chuyển sang kinh doanh và thường cười cợt khi có ai hỏi đến: “Nếu tôi không thể làm những việc vĩ đại thì tôi sẽ làm những việc nhỏ một cách vĩ đại”. Việc nhỏ và vĩ đại của Mẫn Nhi là sau thời gian dài làm đối tác, chị sang lại cơ sở cho Trung Dũng và nhận chân trợ lý. Ai cũng bảo Nhi dại nhưng chỉ anh hiểu Nhi vẫn đau đáu nhớ về công việc yêu thích và vị giáo sư đáng kính ấy. Trong chừng mực nào đó, Trung Dũng hiểu và cảm phục người bạn kém tuổi hơn nhưng lúc nào cũng rướn lên để ngang tầm cân sức với người khác. Chỉ cần gật đầu Nhi sẽ có tất cả nhưng đầu óc kiểu Mỹ đã vận vào cả lời cầu hôn bằng một mệnh đề thực dụng “Nếu em... thì tôi”. Chị cảm thấy như mình bị lừa một vố thật nặng − vét sạch một cú trắng tay. Tung hê tất cả, chị về nước. Bạn bè bảo Nhi dại, tội gì phải thế. Mỹ mà! Thay vì giải thích dông dài rằng chị muốn trả lại cho tình yêu sự trong sạch, vô tư, bình đẳng, không vụ lợi, Nhi chỉ cười “Dàn giao hưởng cũng có thính giả của nó chứ, lo gì”.
− Chưa về à?
− Đang định về đây. Cuộc hẹn ngày mai thế nào?
− Vẫn vậy.
− Anh có nghĩ chúng ta sẽ thành công không?
Trung Dũng quay lại:
− Tất nhiên là có vì lần này do Nhi chủ trì mà.
− Tôi chủ trì thì có gì khác?
− Sao lại không? Vì đàn ông vốn rất thiên vị phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ xinh đẹp.
Nhi bật cười:
− Anh đang nói đến vị trưởng đoàn phải không? Theo kinh nghiệm của tôi, nên cẩn thận với những gã đàn ông nhỏ con vì một người nhỏ con phải thông minh hơn mới có thể tồn tại được, bằng này ông ta lại là một người rất thành đạt nữa đấy.
Trung Dũng ngồi xuống, ánh mắt đượm vẻ giễu cợt:
− Vì cuộc sống không ưu đãi bất kì ai cho nên biết cách tận dụng ưu thế của mình có gì sai? Có vặn đầu bẻ cổ ai đâu, chúng ta chỉ dung một chút thủ thuật để làm trơn các bánh xe mà thôi.
Mẫn Nhi vẫn tiếp tục câu chuyện theo hướng cũ, làm như không nhận ra Trung Dũng đang nói đến một người khác, một việc khác. Đã khá lâu không thấy cô ấy đến. Vị khách có đôi mắt biết nói.
− Lắm lúc tôi cứ nghĩ lẩn thẩn về mình. Mới mấy chục tuổi đầu mà đầu óc đã quanh quẩn những đường ngang, nẻo dọc như mụ già bần tiện, nhưng xem ra tôi không phải là người duy nhất như thế.
Như sực tỉnh, Trung Dũng cười gượng gạo:
− Tôi chỉ đùa.
− Tôi cũng thế
− Uống gì không?
− Không. Tôi về đây. Tôi còn nhiều việc phải làm lắm.− Nhi cười khi nhớ đến người đàn ông thấp bé có ánh mắt sắc nhọn và vầng trán hói như quả trứng luôn bóng nhẫy mồ hôi − Thú thật là tôi cũng nhìn thấy vài ánh mắt, vài cử chỉ thân thiện nhưng tôi không lạc quan đến nỗi tin rằng chỉ dựa vào ánh mắt và vài cử chỉ thiện cảm tôi có thể xoay chuyển được tình thế.
Ra đến cửa, chị khựng lại nhưng vừa nhớ ra:
− À, tuần trước anh có một thư báo. Tôi bảo thư kí để vào hồ sơ bên tay trái. Tôi nghĩ anh vẫn chưa xem qua.
Phía tay trái là “Trình xem”. Chỗ của những thứ không vội và ít quan trọng nhưng thái độ của Mẫn Nhi có vẻ lạ nên Trung Dũng chú ý. Trái với bề ngoài thản nhiên, anh gật:
− Hình như thế. Cảm ơn Nhi, tôi sẽ xem ngay.
Không phải chỉ tính hiếu kỳ muốn mục kích phản ứng của Trung Dũng giữ Mẫn Nhi đứng đấy mà vì anh nói như thể anh đã đọc qua loa, hờ hững như thể anh đọc tờ báo lá cải nhàu nhĩ nào đấy vớ được trong tiệm cắt tóc vậy. Để rồi xem, Nhi cười. Một cách cố ý, nụ cười được đúc bằng vẻ bí ẩn, tinh ranh của một tay tình báo mới vào nghề. Trung Dũng nghĩ thầm, mấy gã thất tình quả không sai khi nói rằng người ohụ nữ này giấu sự khôn ngoan bên dưới những móng vuốt.
Như cái máy, Trung Dũng lật ngang lật dọc tờ giấy cố tìm lời giải đáp đằng sau những con số. Từng con số nhảy múa và gương mặt Nam Giao hiện ra. Anh lao xuống nhà thật nhanh. Nhanh hơn cả sự bàng hoàng của chính mình.
Khoảng tối nhấp nhô khập khiễng trong lòng biến con đường bằng phẳng thành đồi cao, vách dựng, núi lô xô. Trung Dũng vượt qua khoảng tối ấy bằng sự lo lắng, linh cảm, khao khát và cả những tình cảm được đánh thức sau giấc ngủ ngộ nhận kéo dài.
Đứng hiền lành trong quầng sáng màu vàng nhạt, ngôi nhà như chốn bình yên, độ lượng dang tay đón vị khách kênh kiệu − chưa một lần bước vào với tấm lòng rộng mở, bao dung.
Trung Dũng dự đoán nhiều tình huống, nhưng tình huống anh gặp lại không có trong dự đoán. Đôi mắt lạ thẩm định anh qua lằn cửa he hé. Dường như nhận được dấu hiệu tốt lành, lương thiện nên mở rộng hơn. Lần này lộ cả gương mặt − gương mặt phụ nữ nôn nóng chỉ chực nói với người đối diện rằng − anh đang làm một việc vô ích.
− Tôi muốn gặp Nam Giao.
− Cô ấy không còn ở đây nữa. Tôi đã mua ngôi nhà này.
Đột nhiên người Trung Dũng lạnh toát − không phải vì những làn gió quật ràn rạt vào người mà là cái lạnh từ bên trong. Cái lạnh thấu xương tỏa ra từ nỗi bất an thấm vào cỏ thể khiến Trung Dũng không nghe được âm thanh của chính mình.
− Chị có biết họ chuyển đến đâu không?
− Không. Tôi không nghe cô ấy nói.
− ............
− Nhưng có nhiều thứ vẫn còn gửi lại đây. Nếu Nam Giao quay lại, tôi sẽ bảo có anh đến. Cô ấy biết tìm anh ở đâu, phải không?
Trong ngăn kéo của ký ức, hình ảnh cuối cùng anh nhớ về cô là mảnh lưng gầy hình chữ l, rướn người theo vòng quay của bánh xe rồi hòa vào đám đông. Giờ đây cảm giác không bao giờ tìm thấy cô trong cái dòng chảy không ngừng ấy khiến anh sợ hãi. Vẻ kỳ lạ của Trung Dũng khiến người phụ nữ ái ngại.
− Rất tiếc, không thể giúp được anh.
− Họ đã đi bao lâu rồi ạ?
− Đã hơn một tháng.
Trung Dũng gượng gạo:
− Cám ơn chị.
− Chào anh.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui