Thỉnh thoảng, Trung Dũng bắt gặp ở bà ánh mắt bất chợt, dáng điệu thẫn thờ, câu nói nửa chừng − tất cả đều ẩn chứa ngôn ngữ riêng biệt thay lời nói và còn mạnh mẽ hơn lời nói. Nó khiến người đàn ông lý tính trong anh bất nhẫn khi che giấu sự thật. Với anh thà đau khổ còn hơn ngờ nghệch với những đau khổ của chính mình. Bà mạnh mẽ và trên hết là người mẹ, bà có quyền được biết − nhưng anh không thuyết phục được cô. Đôi khi cái nhìn của bà như gạn ý nghĩ ra khỏi người anh, vắt kiệt sự cố gắng của anh − như nhìn diễn viên tội nghiệp đang cố diễn tròn vai − vừa đau xót, vừa giễu cợt.
Trung Dũng thấy mình như con rõi trong sự điều khiển của ba người họ − bà, Phương Đàn, Nam Giao và bản năng tự bảo vệ khiến anh lẩn tránh.
− Anh có muốn vào nhà uống tách trà không?
− Không, cảm ơn chị.
− Anh đừng lo. Nếu Nam Giao quay lại, tôi sẽ nhắn có anh đến tìm... Cô ấy còn gửi lại đây rất nhiều vật dụng.
− À, tôi có thể biết chị trả bao nhiêu để mua ngôi nhà này không ạ?
Ngạc nhiên một chút, người phụ nữ đọc con số. Không còn lật qua lật lại nữa, lần này Trung Dũng nhìn sửng vào tờ giấy. Mắt không chớp. Ngực đau như nhận một quả thôi sơn. Gần như cả số tiền nằm ở đây. Cô đáp lễ anh đấy. Người đàn ông cười khan và bước đi. Dáng xiêu vẹo như hình nhân bằng giấy cắt ra từ ngọn đèn kéo quân.
Đường phố vẫn giữ nguyên gương mặt náo nhiệt. Anh cho xe rẽ vào con đường nhỏ ghé vào quán cà phê hôm nọ. Trông nó trang nhã, xinh xắn, ấm cúng khác xa cái vẻ bùi ngùi, nhàm chán của sự mưu sinh mà mưa gió khóac lên trong cái đêm mịt mùng ấy. Ngồi vào chỗ của cô, Trung Dũng gọi tách cà phê. Chạnh lòng nhớ Phương Đàn. Thưở các xưởng may chưa đóng cửa hoặc dời sang các nước Đông Âu vì thuế cao, Frankfurt đầy người Việt. Phương Đàn phụ trách kỹ thuật trông một hãng may lớn, chuyên jacket. Thỉnh thoảng cả hai rủ nhau đi uống cà phê. Có lần Phương Đàn nhắc đến Nam Giao “Mình tệ thật, chẳng biết con bé thích gì. Cứ vào quán là gọi ngay cà phê. Nó hay uống chực của mình”. Phương Đàn tính trầm lặng, khó hiểu nhưng tốt bụng, hay giúp đỡ. Anh đã dừng lại khi trông thấy cô gái da màu khóc ngất ở đồn cảnh sát. Susannah − bạn học cùng lớp với Trung Dũng − tập tễnh đi buôn và bị bắt trên phố cùng với mấy kịên hàng mà đối tác của cô bỏ của lấy người. Chỉ cần cảnh sát thông báp về trường, Susannah bị đuổi học ngay lập tức. Trong cơn hoảng loạn, cô gọi Trung Dũng. Không quen với tình huống này, anh đang nghĩ đến việc nhờ luật sư. Ngay lúc đó, Phương Đàn ngang qua và dừng lại.
− Cô gặp rắc rối với họ à? Tôi có vài người bạn ở đây. Nói xem tôi có thể giúp được gì.
Như vớ được phao, Susannah khóc lóc, kể lể. Phương Đàn nói tiếng Anh sệt giọng Mỹ nên không thể dựa vào lối nói đặc trưng của từng địa phương để biết gã là người Châu Á nào nhưng Trung Dũng tin chắc chắn là người Việt Nam. Chỉ có người Việt mới hay nghĩa hiệp theo kiểu “Thấy chuyện bất bằng” mà dân Tây rất dị ứng − như xọc mũi vào chuyện riêng của người khác. Thú thật, Trung Dũng không tin vào tài xoay sở vặt của mấy tay hợp tác lao động. Cảnh sát Đức cũng không mấy thiện cảm với loại lậu thuế, làm chui, bỏ trốn và hay biểu tình này.
Cuối cùng, cô gái mừng húm khi nhận lại giấy tờ. Với vẻ sợ hãi của người vừa thoát nạn, Susannah lắc đầu quầy quậy khi Phương Đàn bảo có thể lấy lại được hàng nếu cô chứng minh được nguồn gốc. Rời khỏi đồn cảnh sát dù mất sạch nhưng Susannah tươi tắn hẳn lên. Lúc này Trung Dũng lại thắc mắc không hiểu vì lẽ gì gã chịu giúp Susannah? Vì làn da đen bóng đặc thù Cameroon được dòng máu Ý nhuộm thành màu nâu sậm mịn màng ánh lên vẻ nuột nà như thanh chocolate sữa thơm ngọt. Vì bên dưới chiếc mũi thanh tú là đôi môi mọng đỏ, khêu gợi? Đang chờ xem gã bắt đầu thế nào, Trung Dũng bất ngờ khi hắn kết thúc theo kiểu “Thi ân bất cầu báo”. Susannah nằn nì làm quen trước khi Phương Đàn kịp bỏ đi. Họ chia tay trong sự quyến luyến của kẻ thọ ơn. Kể từ hôm ấy, cô bạn mang hai dòng máu Cameroon-Ý tương tư người hung da vàng mũi tẹt chính hiệu. Cô hay rủ anh đến thăm Phương Đàn. Họa hoằn Phương Đàn ghé ký túc xá đáp lễ và Trung Dũng dễ dàng nhận ra vẻ bồn chồn của Susannah vào mỗi cuối tuần.