Tối khuya, mưa rơi rả rích. Trời sụp lạnh. Bảo kéo chiếc chăn mỏng đắp hờ lên bụng, nằm nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn, nghĩ mông lung về bản thảo cuốn tiểu thuyết vừa mới gửi cho anh Thế Phương ở công ty sách, về những tấm bưu thiếp, về những chiếc máy ảnh “cổ lỗ sĩ” và cuối cùng là chủ nhân của những chiếc máy ảnh. Năm Bảo học lớp mười, anh học lớp mười hai, hai khối học cùng buổi nên Bảo thường xuyên được gặp anh. Nói là gặp nhưng có mấy khi bắt chuyện đâu. Anh là bí thư Đoàn trường, năng động và học cực siêu. Tuần nào, Bảo cũng nghe giọng anh vang vang trên loa thông báo hoạt động Đoàn, kêu gọi quyên góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt… Hồi đó Bảo chưa chơi thân với Đại, cô thân với đám đầu gấu trong trường, nhuộm tóc, mang dép lê hay bị thầy giám thị gọi lên văn phòng trường ngồi uống nước trà, viết bảng kiểm điểm vì vi phạm nội quy. Những lần đó, Bảo hay thấy Hải Anh ngồi với bí thư các lớp nên thường liếc sang nhìn trộm anh. Anh có bạn gái, một chị cũng năng động như anh, là thành viên của đội văn nghệ. Nhóm của Bảo hay bị thầy bắt đi nhặt rác sân trường, nhiều lần cô nhìn thấy hai anh chị ngồi truy bài trên ghế đá dưới tán phượng loe hoe lá. Bảo còn thấy anh hôn chị nữa. Rồi những cuộc vui lại cuốn Bảo đi, chẳng có chỗ cho những cảm xúc chưa kịp gọi tên.
Lãng đãng buồn, Bảo nằm ôm con vịt bông vào lòng. Tình yêu đến với Bảo rồi tan biến cùng với những lời yêu thương thắm thiết như những hạt mưa rơi từ trời xuống hòa tan vào trong lòng đất. Yêu và được yêu khó đến vậy sao? Sao Bảo cứ yêu người rồi toàn bị người đá đi như đá một quả bóng. Giờ gặp được người khiến mình say nắng lần nữa thì anh cũng chẳng yêu mình.
***
Ngoài trời mưa rả rích. Lúc này đã hơn một giờ sáng nhưng căn hộ chung cư của Hải Anh vẫn sáng đèn. Sau một hồi lọ mọ với chai lọ lỉnh kỉnh trong phòng tối, cuối cùng anh cũng kẹp xong mấy tấm ảnh trắng đen treo trên dây. Ảnh màu chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số thì chỉ cần đem ra hiệu lab. Nhưng với những cuộn phim trắng đen chụp bằng máy ảnh phim, anh vẫn thường tự tráng phim, rửa ảnh bằng phương pháp thủ công. Bởi vì đó là niềm đam mê khó bỏ khi đã trót gắn bó với máy ảnh phim. Từ khi còn nhỏ, ông nội anh đã cho anh tập mày mò sử dụng những máy ảnh cổ mà ông có. Dần dà, anh thấy thích thú và say mê với những chiếc máy ảnh lúc nào không hay kiểu như “xa là nhớ, gần là thương”. Chúng đóng một vị trí quan trọng trong lòng anh. Những khi ngồi lau máy, tra dầu, anh luôn có cảm giác như ông nội đang ngồi bên cạnh chỉ anh cách sử dụng. Thời đại kỹ thuật số phát triển rầm rộ nhưng anh chỉ thích đi ngược về quá khứ mê mẩn với những thứ công nghệ cổ lỗ sĩ. Cảm giác thật đặc biệt khi sử dụng những thao tác lấy nét, chỉnh tay, đo sáng mà ở máy ảnh số chẳng bao giờ có được.
Bước ra phòng khách ngồi xuống ghế sofa, Hải Anh bắt đầu săm soi chiếc Voiglander mới mua lại của thằng bạn. Màn hình điện thoại đặt trên ghế nệm chợt sáng lên. Anh đặt máy ảnh xuống cầm điện thoại đọc tin nhắn được gửi tới bởi “Vịt bông”.
“Anh ngủ chưa?”
Hải Anh lưu số điện thoại của Bảo là “Vịt bông” vì nếu lưu là “Bảo” thì rất dễ nhầm với thằng bạn cũng tên Bảo. Cái tên “Vịt bông” đọc cũng dễ thương, sau khi lưu vào điện thoại mỗi lần lục danh bạ tìm số đập thẳng vào mắt giữa những cái tên khác.
“Anh chưa ngủ.” Hải Anh nhắn tin trả lời.
Gửi tin nhắn đi rồi, Hải Anh dựa lựng vào ghế nệm nhìn chằm chằm vào màn hình chờ xem Bảo nhắn gì tiếp theo. Không thấy tin nhắn trả lời, anh bỏ điện thoại xuống cầm máy ảnh lên nheo mắt chụp thử mấy kiểu. Với những người chơi máy ảnh cổ, một trong những điều quan trọng là phải nắm được nguyên lý hoạt động của máy bởi vì chúng đều rất khó sử dụng. Có máy ống ngắm trên xuống, cái khác lại ngắm từ bên hông, rồi cách bấm cò cũng khác bởi vì mỗi dòng máy có kiểu dáng thiết kế khác nhau. Chơi máy ảnh cổ cũng lắm công phu.
Màn hình điện thoại chợt tự động sáng đèn. Tin nhắn lần này của Bảo dài ngoằng.
“Em hồi hộp ghê! ^o^ Không biết những tấm ảnh chụp bằng máy ảnh của anh trông như thế nào. Đây là lần đầu tiên em nảy ra ý tưởng cho bìa sách của mình nên rất trông chờ, nhất là mấy tấm ảnh đen trắng.”
Rất nhanh sau đó, Hải Anh gửi tin nhắn cho Bảo.
“Tối mai mình gặp nhau đi. Anh mang ảnh cho em.”
***
Bảo làm bốn ly bánh kem đào đưa má một ly, để dành một ly cho bé Trúc, còn hai ly mang sang nhà Hải Phượng để cùng ăn. Hải Phượng mới về Bến Tre ăn giỗ, mang lên Sài Gòn đủ thứ trái cây và quà cáp. Bến Tre được mệnh danh là “thủ phủ dừa” của cả nước với nhiều loại dừa như dừa ta, dừa dâu, dừa cả, dừa sáp… Món kẹo dừa ngon khỏi nói, vị ngọt thanh đậm đà và béo ngậy. Bảo vừa mò mặt sang liền được Hải Phượng đưa ột đống kẹo dừa. Cô nghĩ kiểu này chắc tối nào cũng nhai chóp chép.
- Chị cho em nhiều quá. - Bảo hí hửng ôm bịch kẹo. - Hì hì, em cám ơn.
- Mẹ chị mua để làm quà cho bạn bè. - Phượng nói.
Phượng xúc một muỗng bánh kem ăn, ngồi nhìn mấy chậu cây cảnh xanh mướt. Sở dĩ cây xanh tốt được như vậy là nhờ có Huy tới tưới nước khi cô đi vắng. Khẽ thở dài, mặt Phượng buồn thiu.
Dẹp đống kẹo qua một bên, Bảo ngồi bệt xuống chiếu dè dặt hỏi:
- Bánh kem không ngon ạ?
Phượng trút bầu tâm sự với Bảo:
- Không phải. Tại chị đang nhớ lại mấy câu mẹ chị dặn bữa qua. Chị kể với mẹ về anh Huy rồi. Mẹ phản đối tụi chị dữ lắm. Mẹ nói ảnh không có nhà cửa tử tế, ảnh đang lợi dụng chị thôi. Coi hình của ảnh, mẹ nói mấy thằng đẹp trai thường đểu, coi chừng giống con Út Ròm, con bé Bốn trong xóm lấy phải mấy thằng chỉ được cái mã còn lại chẳng được tích sự gì toàn đi lang thang đá gà, cá độ, gái gú, rượu chè… Mẹ sợ chị sẽ khổ.
Bảo chợt nghĩ tới nhà hàng sang trọng mà lần trước Đại chở cô tới đó ăn tối. Dĩ nhiên, nó nằm trong chuỗi nhà hàng của gia đình Huy. Nghe nói Huy mới tậu một căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng, chắc chắn vượt xa tiêu chuẩn “nhà cửa tử tế” của mẹ Hải Phượng.
- Ở trong xóm có một anh bác sĩ rất thích chị. Cả nhà chị ai cũng quý ảnh. Hai nhà đều muốn cả hai thành đôi, chỉ cần chị ưng một tiếng là bên đó đem trầu cau qua liền. Mẹ chị nói một là chị phải bỏ anh Huy, hai là không mẹ con gì nữa hết. Chị buồn từ qua giờ nè.
Bặm môi, Bảo ngồi im ru. Bây giờ là lúc nào mà Huy còn chưa chịu nói cho Hải Phượng biết mọi chuyện. Chuyện của hai anh chị đang rối tinh rối mù lên như nùi mỳ xào. Huy bị ba mẹ bắt phải lấy một người mà anh không yêu, mẹ Hải Phượng phản đối chuyện tình yêu của hai người, rồi thêm anh bác sĩ sẵn sàng đem trầu cau qua hỏi vợ bất cứ lúc nào. Một trong những điều tồi tệ trong tình yêu là dối lừa nhau. Nếu Hải Phượng biết anh chàng nhà quê Lê Huy thực ra là con nhà giàu và cái bộ dạng “nghèo nàn” mà anh đang đóng vào người chỉ là giả thì chắc chắn Phượng sẽ rất giận. Còn cả trò cá cược giữa anh và Hải Anh nữa, chẳng có cô gái nào muốn bị đem ra làm trò đùa như vậy.
***
Về nhà, Bảo gọi điện nói cho Huy biết chuyện ở quê nhà Bến Tre của Hải Phượng rồi loay hoay với tủ quần áo có số nhiều là đồ “second-hand”. Hải Anh hẹn cô bảy giờ rưỡi tại quán cà phê Gõ Cóc Cóc nhưng mới hơn sáu giờ cô đã lo thử đồ. Cuộc hẹn này đơn thuần chỉ là để đưa ảnh cho Bảo nhưng cô tự nhủ với lòng mình rằng cô đang hẹn hò với anh. Bảo chẳng thể dối lòng được nữa bởi trái tim cô luôn đập những nhịp đập khác thường trước anh.
Bảo nhét earphones vào tai nghe Ở lưng chừng hạnh phúc - Anh Khang ft Hamlet Trương. Một trong hai ca khúc không phải rock có trong list nhạc. Ngoài ca khúc này còn có bài hát I won’t give up do thằng nhóc bé Trúc thích cover lại.
“Ở lưng chừng hạnh phúc, biết không thuộc về nhau…”
Thà chấp nhận thứ hạnh phúc ở lưng chừng còn hơn bị trượt dốc không phanh. Bảo từng hơn một lần mở lòng mình ra nhưng rốt cục vẫn nghèo nàn tình yêu. Nhiều lúc ngồi buồn cô tự nhủ: “Tình yêu thật xa xỉ”.
Bảo quyết định mặc áo sơ mi trắng và quần skinny xanh dương sau một hồi thử đủ xì tai. Mất hơn nửa tiếng hết búi tóc rồi lại thả ra, hết cột túm lại trở về tóc thả, Bảo mở hộc bàn lấy ống thủy tinh có chiếc lá khô hình trái tim nhét vào túi quần. Sau đó cô xuống nhà dắt xe máy ra khỏi quán, lái thẳng đến công viên 30.4 trút chiếc lá ra khỏi ống thủy tinh.
***
Bảo lên tầng trên của quán cà phê đã thấy Hải Anh ngồi bàn cạnh cửa sổ bên những bụi hoa màu trắng bé li ti. Nhoẻn cười, cô bước lại rối rít chào anh rồi ngồi xuống nệm. Anh gọi cà phê còn cô gọi yaourt trái cây và một dĩa bánh. Sau đó cả hai cùng nhìn nhau cười.
- Anh tự rửa ảnh trắng đen, còn chi phí rửa ảnh màu cũng không đáng kể lắm - Hải Anh đưa cho Bảo bao ảnh đã rửa. - Cho nên, em không cần phải trả lại tiền cho anh.
- Em cám ơn anh. - Bảo cười lấp lánh.
Rồi cô trút ảnh ra bàn tíu tít khen:
- Đẹp quá!
Bảo thấy mình ăn ảnh chưa từng thấy. Đường phố Sài Gòn qua những bức ảnh trắng đen đẹp tuyệt vời. Không có gì để chê.
Hải Anh cầm cốc cà phê nhân viên quán vừa mang tới đưa lên miệng uống một ngụm. Anh vẫn còn một xấp ảnh chụp Bảo ở nhà, đang định chọn tấm đẹp nhất phóng to treo trong phòng ngủ thay thế cho bức ảnh chụp cô nàng Jessica của SNSD, dù sao trong phòng cũng có nhiều poster của nhóm nhạc này. Anh sẽ cho Huy bức ảnh Jessica đem về treo trong căn biệt thự mới mua.
- Em thích không? - Hải Anh hỏi Bảo.
- Dạ, thích. - Cô mỉm cười.
Bảo gom ảnh vào trong bao giấy:
- Em sẽ gửi ảnh cho công ty sách. Hai cuốn tiểu thuyết đã xuất bản đều có ảnh của em ngay chỗ bìa gấp. Lần này sẽ là bức ảnh trắng đen. Hihi.
Hải Anh là người chụp Bảo đẹp nhất. Sẽ thật ngượng nếu cô đề nghị anh: “Lần sau chụp em nữa nha!”. Bởi vì lẽ tất nhiên anh luôn thích chụp cho người yêu của mình hơn là một cô gái gần như lạ hoắc lạ huơ, bạn của em trai hay một danh xưng xa lạ nào đó. Bảo đặt bao ảnh ngay ngắn trên bàn. Như thế này cô cũng đã vui lắm rồi. Chờ nhiều tháng nữa viện lý do nhờ anh chụp ảnh bìa tiểu thuyết rồi xin chụp ké vài kiểu thu trọn nụ cười của mình trong ống kính của anh. Nụ cười của hạnh phúc khi được ở bên người con trai mình thích và thần tượng. Nhiều năm gặp lại hóa ra hình bóng của anh vẫn ở mãi trong tim, cứ như chưa từng bị di dịch. Trên môi anh vẫn là nụ cười ấy, nụ cười giống Miroslav Klose tỏa nắng khiến Bảo thấy nóng bừng hai má. Và nụ cười chẳng thể là của riêng cô.
Nếu cô là bạn gái của Hải Anh, cô sẽ nói anh chỉ cười đẹp như vậy với một mình mình, đừng cười kiểu đó với những cô gái khác. Có kiểu cười bằng mắt và môi chỉ hơi cong lên thôi mà. Bảo vui vẻ nghĩ, cắt bánh mời Hải Anh nhưng anh từ chối và lại nở nụ cười. Anh không biết rằng nụ cười của mình có thể khiến Bảo tối nay mất ngủ.
***
Leo lên căn gác, rút điện thoại để lên bàn, Bảo mới nhìn thấy hơn chục cuộc gọi nhỡ của Đại và tới năm tin nhắn thoại.
“Bà đang ở đâu vậy? Tôi qua rủ bà đi chơi mà không có bà ở nhà!”
“Sao bà không nghe máy?”
“Bảo, bà đang ở đâu vậy?”
“Bảo…” Kèm theo đó là tiếng thở dài.
“Tôi nhớ bà!”
Điện thoại để ở chế độ yên lặng từ sáng hèn gì Bảo chẳng nghe thấy gì. Cô mở cửa bước ra ban công bấm số của Đại.
- Alo. - Giọng nói bực bội vang lên bên kia đầu dây.
- Tôi đây. Xin lỗi. Tôi để chế độ yên lặng nên không biết ông gọi.
- Ừ! Giờ bà đang ở đâu?
- Ở nhà!
- Nãy giờ bà đi đâu?
- Đi đâu kệ tôi mắc mớ gì tới ông.
- Ừ, không liên quan tới tôi nhưng tôi vẫn muốn hỏi vì tôi sợ bà đi với thằng nào đó.
- Ông đừng như vậy nữa được không? Tôi với ông…
- Dừng! - Đại cắt ngang. - Tôi cúp máy đây. Ngủ ngon.
Thế rồi, Đại cúp máy cái rụp. Bảo cầm điện thoại quay lưng lại dựa vào lan can. Cô không muốn đón nhận tình cảm của Đại. Vì trái tim cô đã thuộc về người khác mất rồi