Thuyền ngày một xa bờ.
Cuối cùng, tiếng vó ngựa dồn dập cũng vang lên sau Lương Diệp.
"Chủ tử!" Sung Hằng khạc mạnh ra một ngụm máu: "Giải quyết xong xuôi cả rồi ạ."
Lương Diệp quay người xuống ngựa, lạnh nhạt rút thứ bẩn thỉu ghim vào lòng bàn tay ra.
Sung Hằng nhìn trái ngó phải một vòng, không thấy bóng dáng Vương Điền đâu.
Cậu lập tức hiểu rằng chủ tử mình không đuổi kịp người ấy.
Hồi chuông báo động reo lên trong lòng cậu ta, Sung Hằng hết sức thận trọng nhìn Lương Diệp.
Lương Diệp cúi đầu, lấy mảnh vải tỉ mỉ quấn quanh lòng bàn tay, rủ mi mắt nói: "Vương Điền ném một phong thư xuống nước, cho người nhặt về đây."
"Dạ." Sung Hằng vung tay lên.
Ngay sau đó, có mấy tên ám vệ đằng sau nhảy thẳng xuống lòng sông lạnh giá.
Qua khoảng mười lăm phút, có người mang theo một phong thư đã bị ngâm nước đến không còn hình dạng ban đầu.
Từng giọt nước nhỏ tí tách từ phong thư xuống đất, Lương Diệp ngước lên nhìn vết mực hoen ố trên phong thư.
Hắn vươn tay cầm lấy phong thư, máu thấm khỏi mảnh vải, nhuốm đỏ một góc phong thư.
Lương Diệp nhìn chằm chằm phong thư ướt sũng hồi lâu rồi thản nhiên vứt nó xuống đất.
Hắn quay đi, nhảy lên lưng ngựa và nắm lấy dây cương.
"Về cung."
Sung Hằng không khỏi cúi đầu nhìn phong thư đang nằm dưới đất.
Tuy nhiên, chẳng mấy mà nó đã bị vó ngựa giẫm nát bét, hòa vào bùn đất.
Theo như thời gian dự kiến sẵn, đáng lẽ họ phải khởi hành về Đại Đô từ hai hôm trước.
Song, do chủ tử đã đuổi đến Vân Thủy nên họ đành phải giục ngựa nhanh hơn.
Hành trình mười ngày ban đầu rút ngắn còn năm ngày.
Mấy con ngựa trong đoàn đã chết vì kiệt sức.
Trên đường về cung, Lương Diệp im lặng lạ thường, tựa hồ không cho ai dòm ngó được bất kỳ cảm xúc nào.
Điều ấy trái lại khiến Sung Hằng càng thêm lo.
Về đến Đại Đô vừa đúng vào ngày mười lăm.
Các triều thần nhìn Lương Diệp ngồi trên long ỷ với đôi mắt đỏ ngầu giăng đầy tơ máu, không dám hỏi tại sao lại hủy bỏ đại điển phong hậu, thậm chí chẳng có gan hỏi lý do hắn biến mất suốt nhiều ngày qua.
Dù sao thì mười ngày Văn thái phó giám quốc cũng trôi qua êm đẹp, không nảy sinh chuyện gì to tát...!ngoài việc Lâu Phiền và Đông Thần tuyên chiến.
Cả triều đình Đại Lương và dân chúng đồng lòng giữ vững thái độ chung với sự việc này: Các ngươi thích đánh sao cứ đánh, bọn ta kiên quyết không can dự vào.
Dân chúng không mong muốn chiến tranh xảy ra, bởi suy cho cùng, những người chịu khổ vẫn là họ.
Khắp nẻo triều đình cũng không mong muốn điều đấy, bởi quốc khố thực sự không tài nào chi nổi bạc.
Kỳ Minh - Thượng thư Bộ Hộ mới nhậm chức bận bù đầu.
Trên thực tế, vào sáng sớm ngày mùng một, y bỗng dưng nhận được thánh chỉ phong mình làm Thượng thư Bộ Hộ.
Lúc ấy, y ngẩn tò te, vì mới hôm qua y còn đi chầu cùng Vương Điền, thậm chí hẹn tan triều hôm ấy cùng nhau tới phố Ưng Tô phẩm trà.
Chẳng qua, mệnh lệnh hoàng gia là thứ không thể làm trái.
Tuy lòng đầy hoang mang nhưng y cũng ngoan ngoãn tiếp chỉ.
Sau đó, y tới tìm người thầy Văn Tông của mình để dò la tình hình, Văn Tông lại giữ kín như bưng, chỉ dặn dò y làm việc tử tế.
Có điều, chuyện này xảy đến đột ngột quá.
Mặc dù trước đây y đi theo Vương Điền suốt, song tác phong hành xử của Vương Điền khác một trời một vực so với quan viên bình thường.
Vương Điền luôn dốc lòng dạy y, tiếc rằng y ngu dốt, chỉ học được nửa vời.
Dự định ban đầu của y là mời Vương Điền tới giao lưu thêm mười mấy hai mươi ngày nữa.
Nào ngờ cả Bệ hạ lẫn Vương Điền đều mất hút.
Tóm lại, y không nắm bắt nổi những gì Vương Điền thu xếp cặn kẽ trước đó.
Số bạc thì vơi đi bằng tốc độ mắt thường thấy được.
Không thầy đố mày làm nên, thành thử cứ đến giờ Mão điểm danh vào làm hằng ngày là y lại hận không thể từ chức.
Hiện giờ, ánh mắt của Lương Diệp và toàn bộ quan lại trong triều đều tập trung tại y.
Dù cõi lòng chênh vênh, Kỳ Minh vẫn hắng giọng, nghiêm mặt nói: "Hồi bẩm Bệ hạ, bạc của Bộ Hộ chỉ gồng lên cứu trợ được cùng lắm hai quận thôi ạ."
"Tính riêng phía Bắc Đại Đô đã có năm quận, mấy chục huyện gặp nạn bão tuyết." Trung thư lệnh - Thôi Vận lên tiếng: "Nếu triều đình không thể phát lương thực cứu trợ kịp thời thì số lượng dân chúng lưu lạc ắt sẽ gia tăng.
Đến lúc đó, họ mà di dời xuống phía Nam thì chắc chắn sẽ gây ra loạn lạc."
Bầu không khí trong triều bỗng chốc trở nên nặng nề.
Lương Diệp ngồi trên long ỷ nhíu chặt lông mày, mọi người phía dưới cũng không tiện kêu khóc inh ỏi.
Xét cho cùng, Bệ hạ đã lấy toàn bộ ngân lượng dự toán cho đại điển phong hậu đắp tạm vào lỗ thủng rồi, ít nhất chừng ấy đủ để cung cấp đồ mặc mùa đông và lương thực cho quân đội biên cương.
...!Số bạc khổng lồ này vẫn là tài sản tịch thu từ nhà họ Thôi và nhà họ Giản.
Hôm đó, từng chiếc xe nối đuôi nhau vận chuyển ra ngoài, quốc khố còn không chứa xuể, thế mà giờ tiền ra như nước.
Độ này những năm trước, phía Bắc Đại Lương luôn gặp thiên tai.
Tuy nhiên, hồi Thôi Ngữ Nhàn nắm quyền, bà ta thường chỉ đưa ra chút xíu bạc mang tính tượng trưng, trong đó phần lớn đã bị tầng tầng lớp lớp quan liêu cắt xén bớt từ trên xuống dưới, cuối cùng người dân gặp nạn chỉ nhận được vài đồng ít ỏi.
Lúc đó, bọn họ căm giận, bất bình, không cam...!thế nhưng giờ đây, khi quyền lực cuối cùng cũng về tay ngoại triều, tình hình vẫn chẳng thay đổi được là bao.
Cũng có thuế ruộng.
Tại Đại Đô, các thế gia huân quý và quan lớn quý nhân chiếm phần đông, nhà ai mà chẳng tiền bạc rủng rỉnh.
Tuy nhiên, bàn bạc nghiêm túc thì ai lại chịu giao tiền nhà mình ra?
Nói một cách chân thành tình cảm, đòi tiền còn khó hơn đòi mạng.
Lương Diệp hờ hững nhìn chúng thần tử tranh cãi đến mức ba hoa chích chòe thì biết ngay sứ giả Đông Thần chưa đến.
Chờ sứ giả Đông Thần đến, ép Bắc Lương tham chiến mới là tiêu đời thật.
Cục diện rối như mớ bòng bong này còn nát hơn cả lá thư Vương Diệp ném xuống nước.
Tan triều, Vân Phúc và Dục Anh cẩn thận tiến lên nghênh đón.
Vân Phúc cởi long bào giúp hắn, để lộ xiêm y dính đầy máu lẫn bùn bên trong.
Về gấp quá, hắn chưa kịp thay đồ, cứ thế mặc luôn long bào vào triều.
Lương Diệp tựa lên thành bể tắm, mệt mỏi nhắm mắt.
Hắn nhấc tay, day mạnh huyệt Thái Dương và ấn đường.
Bỗng, hành động của hắn khựng lại.
Lương Diệp bỏ tay ra, nhìn chăm chú khuôn mặt phản chiếu trên làn nước với biểu cảm nặng trĩu.
Không riêng gì hành vi giống Vương Điền, mà ánh mắt hắn lúc này cũng chẳng khác mấy Vương Điền khi mỏi mệt.
Trong vô thức, hắn đã học rất nhiều điều từ Vương Điền.
Lương Diệp nhìn chằm chằm khuôn mặt ấy hồi lâu, đoạn nở nụ cười âm u quái đản.
**
Hôm sau, tại điện Nghị Sự.
Mười mấy vị quan đại thần đang thảo luận cách đối đáp với sứ giả Đông Thần sắp đến.
Mục đích cuối cùng chính là từ chối ý đồ hiểm độc của đối phương sao cho thật kiên quyết và khéo léo, đồng thời xây dựng hình tượng Đại Lương hùng mạnh giàu có, không sợ đánh nhau với ngươi.
Kỳ Minh ở dưới nghe các vị đại thần nói phải tổ chức yến hội càng xa hoa càng tốt, còn phải ban thưởng cho đối phương bao nhiêu vàng bạc châu báu thì con tim như rỉ máu.
Đằng sau y là mấy Thị lang đang mặt ủ mày chau cầm bút lông ghi chép.
Y hận không thể tóm hội bô lão chỉ nói là giỏi này lắc cho họ tỉnh táo chút.
Lương Diệp nhíu mày, cất lời: "Không cần phải ban thưởng vàng bạc châu báu.
Đông Thần muốn đưa Thân Nguyệt Lệ về thì mang vàng bạc đến đổi."
Điện Nghị Sự rơi vào thinh lặng, Văn Tông vuốt chòm râu, chầm chậm gật đầu: "Tuy hơi mất phong độ nhưng cũng khả thi."
Hữu Bộc xạ - Yến Trạch đứng cạnh ông cụ ngập ngừng định nói rồi lại thôi.
Có điều ngẫm kỹ thì dù hơi vô liêm sỉ tí nhưng vàng bạc hoàng kim là hàng tươi thóc thật, không thể cứ cho không thế được.
Trung thư lệnh Thôi Vận còn thật thà hơn: "Vẫn còn một mảnh đất của Đại Lương ta ở quận Hoa Đông đang bị Đông Thần chiếm đóng, chi bằng nhân cơ hội này bắt bọn họ nhả ra?"
Vừa nhắc đến chuyện này, mấy bô lão lập tức lên tinh thần, hùng hồn dốc cả bụng mưu ma chước quỷ, hận không thể lột một lớp da của Đông Thần.
Kỳ Minh đứng trong một góc khóc không ra nước mắt, cất lời: "Các vị đại nhân à, nguồn tiền trong quốc khố của chúng ta có hạn, hay là mình cứ tính trước vấn đề không tham chiến đi."
"Đây là cơ hội ngàn năm có một, sao bỏ lỡ cho được?" Có người đập bàn: "Dù gì đi chăng nữa, chúng ta cũng phải giành lại mảnh đất ở quận Hà Đông.
Tuy quận đó chỉ có bốn huyện nhưng sản sinh ra lượng bạc không kém cạnh gì Đại Đô.
Chúng ta có vài mỏ vàng liền tại đấy.
Hồi trước, Thôi Ngữ Nhàn bán nước cầu vinh, giờ sao chúng ta có thể tiếp tục mang nặng nhịn nhục thế được?!"
Lương Diệp lên tiếng: "Chưa đến lúc giải quyết chuyện bên quận Hà Đông.
Thân Nghiêu đâu phải đồ ngốc.
Chỉ một mình Thân Nguyệt Lê không đủ bắt ông ta trả đất."
Suy cho cùng, chẳng qua họ chỉ lấy việc đổ tội danh tạo phản ám sát lên đầu Thân Nguyệt Lệ làm lợi thế, lấp kín miệng Đông Thần bằng những lời lẽ dẫn chứng thuyết phục, để bên đó không cách nào mở lời yêu cầu Bắc Lương dẫn quân ra trận, tiện thể hốt ít bạc.
Tuy nhiên, muốn Thân Nghiêu trả đất thì dẫu có mười Thân Nguyệt Lệ, ông ta cũng không chịu.
Kỳ Minh gật đầu tán thành, nghiến răng nói: "Số bạc của Bộ Hộ đã chạm đáy.
Quốc khố dựa hết vào khoản trợ cấp tại kho riêng của Bệ hạ.
Đây quả thực không phải kế lâu dài, kính xin các vị đại nhân hãy mau mau nghĩ cách kiếm ra tiền, ấy mới là điều quan trọng."
Cách đơn giản nhất để thêm tiền chính là tăng thuế.
Có điều vấn đề ở đây là dân chúng cũng sắp hết sống nổi rồi.
Bọn họ cần tiền vốn để cứu trợ bá tánh chống chọi qua mùa đông này.
Tăng thuế khác nào rơi vào vòng tuần hoàn ác tính đâu?
Điện Nghị Sự một lần nữa lặng ngắt như tờ.
Đúng lúc này, giọng Sung Hằng bỗng vọng ra từ ngoài điện Nghị Sự: "Bẩm chủ tử, thuộc hạ có chuyện quan trọng cần bẩm báo."
Cửa lớn điện Nghị Sự mở ra rồi đóng lại, Lương Diệp liếc qua Sung Hằng với ánh mắt đạm nhiên: "Trẫm đang họp triều."
"Thuộc hạ biết tội." Sung Hằng vội quỳ xuống nhận lỗi.
Quy tắc Lương Diệp đặt ra chính là cấm quấy nhiễu cuộc họp tại điện Nghị Sự...!nhưng việc này thực sự rất quan trọng, cậu ngoái đầu về sau khẽ vẫy tay.
Hai ám vệ ghìm chặt một người đàn ông trung niên mặt mũi bầm dập tiến lên.
Đối phương khóc đến độ nước mắt nước mũi tèm lem.
Nhìn thấy Lương Diệp, đôi chân người này mềm oặt, quỳ 'uỵch' xuống đất, run như cầy sấy, sợ đến mức không nói nổi một câu hoàn chỉnh.
Lương Diệp thờ ơ nhìn thoáng qua ông ta: "Ai đây?"
Người quỳ dưới đất òa khóc, bắt đầu run rẩy dập đầu thùm thụp.
Vẻ thiếu kiên nhẫn nhoáng lên sâu trong đôi mắt Lương Diệp, Sung Hằng thấy thế vội lên tiếng: "Thưa chủ tử, hôm qua chúng thuộc hạ bắt được người này ở phủ đệ của Vương Điền.
Ông ta lén lút ôm theo thứ gì đó chạy ra ngoài nên ám vệ bắt luôn.
Theo lời ông ta thì mấy ngày nay ông ta giấu mình tại một căn phòng bí mật trong phủ.
Căn phòng ấy cực kỳ kín đáo, chúng thuộc hạ lục soát phủ mà chưa phát hiện ra."
Lương Diệp im lặng một lát, hỏi: "Vương Điền giấu một người như vậy trong phủ làm chi?"
Lá gan nhỏ hơn cả chuột nữa.
Sung Hằng sút một chân vào người ông ta, giận dữ quát: "Người trước mặt ông chính là Tử Dục đại nhân, còn không mau giao thứ Vương Điền đưa cho ngươi ra đây?"
Đại phu kia sớm đã bị dọa đến điếng hồn, run rẩy lấy một phong thư dúm dó ra từ bên hông, thở hồng hộc nói: "Đây...!đây là thứ Vương công tử dặn...!dặn tiểu nhân mang theo bên mình...!Nếu bị người...!người ta bắt thì chỉ khi giao cho...!Tử...!Tử Dục đại nhân mới...!mới..."
Lương Diệp thiếu kiên nhẫn giật phăng lá thư.
Phong thư nhàu nhĩ, nét mực trên giấy đã khô ráo, chắc chắn nó được viết khá lâu rồi.
Trong lúc mở thư, hắn nghe Sung Hằng bên cạnh nói: "Theo lời tên này, Vương Điền đã đưa thư cho ông ta từ hơn nửa tháng trước, dặn dò ông ta chỉ được ra khỏi căn phòng bí mật kia từ ngày mười sáu tháng này.
Vương Điền tìm ông ta đến để cứu một người sắp chết, thuộc hạ đã cho người vẽ thành tranh dựa vào mô tả của ông ta..."
Lương Diệp liếc thấy bốn chữ "Thân gửi Tử Dục" lớn trên phong thư.
Nét chữ quen thuốc khiến y bất giác khẽ nhướng mày thích thú.
Xấp giấy thư nặng trĩu bên trong rất đáng quan tâm.
Hắn cười nhạo một tiếng, rút lấy xấp giấy ấy và mở ra.
Ngay sau đó, Sung Hằng và mọi người xung quanh cứ thế chứng kiến khóe môi tủm tỉm của Bệ hạ dần dần phẳng lại.
Đôi con ngươi vất vả lắm mới ánh lên nét cười tối sầm đến đáng sợ.
Khí thế quanh thân còn lạnh lẽo hơn tuyết tháng Chạp tại Đại Lương đôi phần.
Một phong thư dày cộp bao gồm mấy chục tờ giấy, đầu thư thậm chí chẳng có xưng hô, chỉ thấy một dòng tiêu đề xinh đẹp, còn chứa ký hiệu chỉ tựa đề mà Vương Điền từng nói qua:
《 Bàn giao chi tiết công việc Thượng thư Bộ Hộ 》
Mục đích được thể hiện quá đỗi thẳng thừng.
Lương Diệp chưa từ bỏ, lật tiếp về sau.
《 Kế hoạch phát triển 5 năm của hãng buôn Vương Thị 》.
Phụ lục: Xin hãy xem xét qua các mục công việc liên quan đến đội tàu, chớ nên nóng lòng bước vội.
Xem trang 17 để biết chi tiết về đội tàu Hà Tây.
《 Bản phân tích lợi nhuận và kế hoạch đầu tư tài chính núi Thập Tải 》
《 Làm rõ mạng lưới thông tin tại quán rượu Tam Sinh, Minh Vân, Trường Vận 》
《 Tình hình hệ thống nhân viên tổ chức tuyến ngầm trong hoàng cung 》.
Ghi chú: Mong rằng tận dụng được tối đa, lỗi do Vương Điền, đừng lạm sát người vô tội.
《 Danh sách các dự án đã sinh lời và có thể huy động tiền 》.
Ghi chú: Dùng khi quốc khố báo động.
《 Bảng lương của bản thân 》.
Ghi chú: Toàn bộ số tiền thần mang đi đều là tiền lương và vốn liếng chính thần kiếm được.
Tài sản riêng thuộc về quyền cá nhân, không tiện kể rõ.
...
Vài chục trang giấy chi chít nét chữ, phân tích cặn kẽ từ việc lớn như sản nghiệp phân bổ khắp các nơi và kế hoạch góp thêm vào quốc khố ra sao; đến việc nhỏ như tiêu từng ngân lượng Lương Diệp cho anh vào chỗ nào.
Thậm chí đến việc anh qua mắt ám vệ chạy khỏi cung, mời những thầy dạy kia cho Lương Hoàn, bao nhiêu sách đã đọc, cũng như đạt thành thỏa thuận gì và bằng cách nào với Thôi Kỳ...!cũng được trình bày rành mạch rõ ràng.
Từ trang thứ mười trở đi là phương pháp anh thấy khả quan để cấp cứu nước Lương trước tình cảnh hiện nay, bao gồm cả những gì họ đã tranh chấp trước đây.
Thậm chí, Vương Điền còn cân nhắc cẩn thận về cách cải thiện rồi liệt kê các bước thực thi.
"...!Đây chỉ là ý kiến riêng của thần, kính mong bệ hạ xem xét.
- Vương Điền."
Lương Diệp vẫn chưa từ bỏ, lật tiếp ra sau và chẳng thấy thêm gì nữa.
Không biết Vương Điền đã viết ra mấy chục trang giấy này trong bao lâu.
Thế nhưng từng câu, từng chữ đều bàn việc công, sắp xếp mọi chuyện gọn gàng ngăn nắp, thậm chí nghĩ đến cả Lương Hoàn và các cung nữ, thái giám trong cung.
Ngoài hai chữ "Bệ hạ" ra thì không còn một chữ nào khác nhắc đến Lương Diệp.
Dòng thân thiết nhất ấy thế mà lại là bốn chữ "Thân gửi Tử Dục" tại bìa thư.
Lương Diệp đứng trước điện Nghị Sự, trông ra hoàng cung nguy nga hùng vĩ và Đại Đô sầm uất ngắm không thấy điểm cuối, xấp giấy thư trong tay dày nặng là vậy nhưng cũng nhẹ tênh.
Tựa hồ chẳng thể níu giữ được bất cứ thứ gì..