1.
Cuộc đấu tranh của giáo dân mấy tháng qua đã đưa cha Hoàng lên vị trí người cầm đầu phong trào với kết quả là đã phần nào phục hồi uy tín của Công giáo bị sứt mẻ sau đảo chính Diệm. Cha Khổng Tiến Giác, người thay mặt Khiêm giữ liên lạc với nhà thờ Bình An, đã vui vẻ nói với Hai Long, những linh mục tuyên úy trong quân đội lại tiếp tục làm lễ misa cho tín đồ binh sĩ. Từ khi nổ ra cuộc đấu tranh của Công giáo, lần nào Hai Long, tới gặp Khâm sứ, trước khi ra về, ông đều "chúc lành". Khâm sứ không còn nghi ngờ gì, anh đúng là một tín đồ sẵn sàng "tử vì đạo". Đầu tháng 4, Cabot Lodge bị gọi về nước. Người sang thay là Maxwell Taylor, một tướng chỉ huy quân sự thuần túy. Không riêng cha Hoàng hỉ hả ra mặt, mà Khâm sứ cũng rất vui. Khẩu hiệu của cha Hoàng đua ra đã giành được thắng lợi rất rõ ràng. Đã thành lệ, mỗi lần Hai Long tới báo cáo, Khâm sứ lại ban thưởng cho một hai chai rượu lễ đem về cùng cha Hoàng nhấm nháp với mấy hột đậu phộng, để tâm hồn phiêu diệu nơi thiên đàng.
Cha Hoàng đã có danh nghĩa hẳn hoi, là chủ tịch trung ương Khối Công dân Công giáo đại đoàn kết. Nhưng mọi người đều biết đứng sau ông là Hai Long. Ông không ngừng dấn mình vào cuộc đấu tranh, nhưng ông đã chú ý lùi về phía sau, đưa Hai Long ra những cuộc tiếp xúc công khai. Nhiều người cũng chủ động tìm tới Hai Long, vì thấy giải quyết mọi vấn đề với anh nhanh chóng và dễ dàng hơn với cha Hoàng. Tất nhiên mọi việc anh đều báo cáo với ông, và khi giải quyết anh đều nói mình đã "xin ý kiến của cha", hoặc là "theo ý của cha thì nên làm như vậy".
Giữa tháng 8, Trần Thiện Khiêm tới nhà thờ Bình An, tìm Hai Long với vẻ mặt tư lự, âm thầm.
Hai Long mang rượu lễ ra mời Khiêm, rồi nói:
- Gần đây gặp Khâm sứ, lần nào ngài cũng hỏi thăm về tình hình các tướng lãnh trong Hội đồng. Khâm sứ rất lo ngại vì đã nhiều tháng qua mà chính quyền miền Nam vẫn chưa ổn định.
Khiêm thở dài:
- Tôi cũng rất lo. Cứ tiếp tục như vậy thì chỉ có lợi cho Việt Cộng.
- Ông Khánh kiêm tới từng ấy chức thì làm sao cho xuể! Có tài năng mấy cũng không thể ôm đồm nhiều quá như vậy.
- Mà ông Khánh đâu có nhiều tài năng! Lại còn phải tính tới cái đức nữa chớ. Đâu chỉ có giáo dân, có người xứ Huế bất bình vì việc hành quyết ông Cẩn? Mà cũng không riêng chỉ có chuyện ông Cẩn! Muốn đưa ông Thơ ra khỏi chính phủ thì chỉ cần có lời mời ông Thơ ra, can chi mà phải trói tay người ta điệu vô Bộ Tổng tham mưu. Tham gia đảo chánh chậm nhất là ông Khánh, nhưng khi đòi thăng thưởng thì nhanh nhất lại là ông Khánh. Ông chạy tuốt từ Nha Trang về tư dinh ông Thơ, năn nỉ ông Thơ đề nghị với tướng Minh, rồi lại mua lon, tự mang vô nhà ông Thơ, xin ông Thơ gắn cho mình đang khi ông Thơ còn mặc đồ ngủ. Vậy mà chơi ông Thơ như vậy đó!
- Người Mỹ quá tin Khánh nên tập trung quyền hành vô một tay ông ta.
- Họ bắt đầu nhận ra rồi, tuy quá muộn.
- Anh tin là như vậy ư?
- Tôi biết rõ điều đó.
- Nếu không sớm có sự cải tiến trong chính quyền thì chúng tôi rất lo. Vừa qua cha Tổng vừa đụng độ với ông Khánh ở Đà Lạt.
- Tôi còn biết thêm là sau đó, ông Khánh đã quyết định xa rời Công giáo để chạy theo các thầy.
- Tôi đã hẹn sẽ thu xếp mọi chuyện ổn thỏa, giúp ông Khánh, chả lẽ lại có chuyện như vậy?
- Tôi lấy danh dự nói đó là điều có thiệt, và không lạ đối với ông Khánh.
- Nếu vậy thì ông Khánh sẽ bị thiệt hại chứ không phải là giáo dân.
- Quá đúng!
Khiêm uống tiếp một hớp rượu lễ, mặt dần dần đỏ hồng. Hai Long biết đây mới là phần đầu câu chuyện do mình gợi ra. Khiêm đặt ly rượu xuống bàn, đánh diêm châm thuốc hút rồi nói:
- Từ ngày vô Bình An tới nay, đối với cha Tổng và anh giáo, tôi không giấu giếm điều chi. Tôi không phải là người đi hàng hai, hàng ba. Tôi biết rõ mọi việc trên chính trường miền Nam muốn thành đạt đều phải dựa vô Thiên chúa giáo. Tôi chủ trương làm cuộc chỉnh lý với ý định tốt, nhưng đã bị ông Khánh làm đổ bể. Bây giờ buộc phải tiếp tục. Lần ngày, tôi không chỉ đề nghị cha Tổng và anh giáo ủng hộ, mà cùng tham gia vô. Cục diện chiến trường miền Nam đang chuyển biến rất xấu từ sau ngày đảo chính, 2/3 các ấp chiến lược mà ông Nhu và Bình An đã tốn bao công sức xây dựng, đã bị phá tan. Một phần ba còn lại cũng chỉ là cái vỏ, xanh vỏ đỏ lòng. Cha Tổng và anh giáo đều là người am tường quân sự, tôi đề nghị anh giáo lãnh nhận cho một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và khó khăn. Tôi tha thiết xin anh giáo lãnh cho chức Tư lệnh địa phương quân, trước mắt là với quân hàm đại tá. Riêng vấn đề này, tôi đã tham khảo ý kiến ông Khánh, ông hoàn toàn nhất trí. Đây là bước mở đầu để anh giáo cùng tham gia chấp chính. Tôi sẽ hết sức yểm trợ anh giáo hoàn thành công vụ khó khăn này. Mong anh giáo nhận lời cho.
- Vấn đề anh vừa nêu, đối với tôi quá đột ngột. Trong hiện tình, tôi nghĩ là một nhiệm vụ như vậy vượt quá sức mình.
- Tôi cần thưa thiệt là đã cân nhắc nhiều trước khi đưa ra lời đề nghị với anh giáo. Nhiệm vụ này đòi hỏi một người am tường nhiều mặt về cả quân sự và chính trị. Anh giáo đã làm việc cho Tổng bộ, lại từng có nhiều năm ở trong quân đội Bắc Việt và quân đội Pháp. Kế hoạch ấp chiến lược lại được hoạch định ngay tại nhà thờ Bình An. Như vậy về quân sự, không tìm đâu ra người hơn anh giáo. Về chính trị, anh rất hiểu Cộng sản, đã làm cố vấn chính trị cho ông Ngô Đình Nhu, lại còn là một nhà lãnh đạo của giáo dân. Anh giáo có những điều kiện tối ưu để đảm dương công việc này. Còn về mặt cấp bậc, như tôi đã nói, đó chỉ là bước đầu...
- Mong anh đừng hiểu lầm tôi về mặt địa vị, chức tước. Trước đây, khi nhiệm vụ cần tôi có mặt trong quân đội Bắc Việt, quân đội Pháp, tôi đã nhận những chức tước chẳng to lớn gì! Nhưng quả là hiện tình chiến sự tại Việt Nam cộng hòa làm tôi rất lo lắng. Lực lượng Việt Cộng đã quá lớn mạnh, quân lực Việt Nam cộng hòa không còn ở cái thế 20 chọi 1 như thời kỳ đầu chiến tranh. Tình hình chính trị lại quá rối ren. Vì vậy tôi mới nói nhiệm vụ anh vừa nêu ra đối với tôi quả là quá nặng.
- Tôi hoàn toàn tán đồng sự đánh giá của anh. Quân lực Việt Nam cộng hòa dù có được tăng cường thêm nhiều cũng không còn đủ sức chiến thắng Việt Cộng. Bắc Việt Nam đang cho quân xâm nhập Việt Nam cộng hòa với một mức độ ghê gớm. Nhưng nhất định họ sẽ thất bại như Bắc Hàn đã thất bại ở Nam Hàn trước đây, vì chúng ta có đồng minh Mỹ. Không lâu nữa, quân đồng minh với toàn bộ những vũ khí tối tân của họ, sẽ cùng chiến đấu ở bên cạnh chúng ta.
- Gần đây, tôi đã nghe nói nhiều về chuyện đó, nhưng với thể chế dân chủ của Mỹ, chính phủ Mỹ không dễ gì đưa quân chiến đấu Mỹ tới Việt Nam cộng hòa. Còn chỉ với máy bay và xe tăng do chính quân Mỹ lái, thì chúng ta đã từng chứng kiến những thất bại ngay từ thời tổng thống Diệm.
- Về vấn đề này thì... anh giáo bỏ lỗi cho, tôi phải nói là anh đã lầm. Mỹ chưa đưa quân chiến đấu sang Việt Nam cộng hòa không phải do chính thể dân chủ ở Mỹ, mà do chính tại chính quyền Việt Nam cộng hòa. Cũng vì vậy mà ông Diệm, ông Nhu đã phải trả giá đắt. Chỉ cần một chính quyền Việt Nam thân hữu với đồng minh, và tương đối ổn định, là người Mỹ có thể đưa ngay quân vào. Việc này họ và ta đang làm. Tất nhiên với chính thể dân chủ ở Mỹ, người cầm quyền cũng phải tạo ra một cái cớ nào đó. Chuyện này dễ ợt, và đã được giải quyết rồi: Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết vịnh Bắc Bộ ngày 7 tháng 8 vừa qua. Đó...! Anh giáo nhận lời tôi đi!
Khiêm tươi cười nâng cao ly rượu.
Hai Long cũng vui vẻ rót rượu cho mình, nâng ly và nói:
- Tôi xin tri ân anh vì sự đánh giá cao và những cảm tình tốt đẹp với cá nhân tôi. Tôi là một giáo dân đã phó thác hồn xác nơi Chúa, trước đây vì hoàn cảnh đặc biệt có tham gia một số năm binh nghiệp, nhưng trong thâm tâm vẫn không muốn cảnh đầu rơi máu đổ, chỉ mong được toàn tâm nghiên cứu về giáo lý, thần học, nhiều lắm là tham gia vào những hoạt động xã hội của giáo hội, vì vậy mà tôi đã trở thành người của giáo hội. Nay nếu một phen nữa, vì nhiệm vụ đối với quốc gia, mà lại rơi vào nghiệp chướng thì trong lòng chẳng thanh thản, vui vẻ gì. Tôi cần xin ý kiến của cha Tổng và Tòa Khâm sứ trước khi chính thức trả lời anh.
Hai Long giơ ly rượu về phía Khiêm. Khiêm tranh thủ nói:
- Tôi sẽ gặp cha Tổng để xin cha ủng hộ lời đề nghị của chúng tôi.
Đôi bên cùng cụng ly.
Những ngày sau, Lâm Văn Phát, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Chiểu tới tấp chạy tới nhà thờ Bình An. Những câu chuyện xoay quanh âm mưu gạt Khánh mà Trần Thiện Khiêm đã nói, Hai Long thuật lại với cha Hoàng. Ông cau mặt:
- Không để làm chi cái tên ma giáo này!
Hai Long nói:
- Chưa chắc Khiêm đã làm gì được Khánh ngay. Bề ngoài, cha cứ giữ hòa khí với Khánh, không tỏ ra là ta đã nắm được tim đen của hắn. Hắn còn nắm quyền lực, không dại gì ta đẩy hắn đối đầu với ta, làm hại giáo dân. Nếu hắn chạy theo các thầy, thì ta liên minh chặt chẽ với các thầy, đề nghị cả Phật giáo và Công giáo cùng sát cánh đấu tranh với Hội đồng quân sự, đòi bảo đảm quyền lợi của các tôn giáo. Phật giáo đã có sự liên minh lâu dài với Công giáo, không dễ gì lại bỏ ta, đi theo một kẻ hoạt đầu. Nhưng lần này, đối với cánh Khiêm, ta sẽ đặt thẳng thừng những điều kiện của ta. Khiêm dù sao cũng đỡ lươn lẹo hơn Khánh.
Hai Long nhờ Phạm Xuân Chiểu nói với Khánh, anh đã quyết ổn thỏa về vụ giáo dân biểu tình ở Bộ Tổng tham mưu, chỉ cần Khánh chú ý tới vấn đề bồi thường thỏa đáng cho những nạn nhân và gia đình.
Anh cũng thuật lại với cha Hoàng chuyện Khiêm đề nghị với mình ra làm tư lệnh địa phương quân. Anh bàn nên lấy cớ Tòa thánh không đồng ý để khước từ. Cha Hoàng nói:
- Mời làm tướng cũng chả thèm nữa là cái anh đại tá!
Khiêm tỏ ý rất tiếc là đề nghị của mình không được chấp nhận.
Trung tâm đã chỉ thị cho Hai Long, trong tình hình lộn xộn hiện thời, chỉ nên củng cố bình phong, không vội chui vào chính quyền địch.
2.
Hai Long báo cáo đều đặn với Trung tâm về tình hình rối ren nội bộ của ngụy quyền và ngụy quân, dự kiến những cuộc đảo chính với quy mô nhỏ nhằm tranh giành quyền lực sẽ còn kéo dài, và Mỹ đang gấp rút xây dựng một ngụy quyền ổn định để đưa quân Mỹ, kể cả quân một số nước chư hầu, vào Nam Việt Nam.
Trung tâm chỉ thị cần theo dõi thật sát âm mưu, kế hoạch và tiến trình Mỹ đưa quân vào, và yêu cầu anh cung cấp gấp một bản Kế hoạch bình định của Mỹ-ngụy, cùng với một bộ bản đồ trên toàn miền Nam, tỷ lệ 1/50.000.
Hai yêu cầu sau làm anh lo lắng. Kế hoạch bình định nằm ở nha Bình định. Tại đây, anh chưa có quan hệ. Còn bản đồ thì ở cơ quan của Bộ Tổng tham mưu. Điều khó khăn nhất là phải tìm ra cái cớ vì sao mình cần có những thứ này cho thật hợp lý. Tiếc là trung tâm đề ra yêu cầu này sau khi anh đã chính thức khước từ lời đề nghị của Khiêm. Nếu biết trước, anh sẽ nói với Khiêm mình cần hiểu tình hình quân sự trước khi trả lời, và bảo Khiêm cho mình xem bản Kế hoạch bình định 2 năm của Mỹ và Việt Nam cộng hòa. Nhưng cơ hội này đã lỡ.
Anh nghĩ đến Hòe.
Sau khi ở cứ về, anh đã gặp Hòe, thông báo quyết định của Trung tâm tiếp nhận Hòe vào lưới của mình. Lần đầu, anh chính thức nói với Hòe về nhiệm vụ, tự nhận mình là trưởng lưới được phân công phụ trách Hòe về công tác cũng như về mặt Đảng. Hòe đã kiên nhẫn chịu đựng mọi thử thách suốt mấy năm qua, Hòe nhìn anh nước mắt rưng rưng: "Con thơ khát sữa anh à, bây chừ mới được mẹ cho bú". Anh cũng thấy cay cay ở khóe mắt. Đôi lúc anh vẫn còn tự hỏi, một viên chức lâu năm của chế độ cũ, có một gia đình ổn định như Hòe, sao lại thiết tha từ bỏ cuộc sống êm ấm của mình, dấn thân vào cuộc chiến đấu cực kỳ hiểm nghèo này?
Anh có thêm một sức mạnh mới, một sự hỗ trợ về tinh thần không nhỏ. Anh không còn lẻ loi, cô đơn giữa lòng địch, lần đầu cảm thấy ấm áp vì đã có người cùng chia sẻ khó khăn, chia sẻ những tâm tư, tình cảm mà trước đây không biết nói với ai.
Hòe đã lặng lẽ chuẩn bị cho công tác được nhiều hơn anh tưởng. Trong thời gian qua, tuy chưa được trao nhiệm vụ, Hòe đã chủ động tạo thêm nhiều mối quan hệ trong chính quyền và quân đội. Hai Long nhìn thấy Hòe có khả năng đáp ứng nhiều yêu cầu công tác. Anh hướng dẫn Hòe siết chặt thêm một số mối quan hệ trước mắt cần khai thác. Anh bàn với Hòe cứ tiếp tục làm việc tại Tổng đoàn Công kỹ nghệ Việt Nam, chuẩn bị ra một tờ báo về kinh tế để mở rộng quan hệ xã hội, rồi tìm cách chui sâu vào chính quyền. Nếu ra được tờ báo, Hòe sẽ xóa được khoảng thời gian bị bắt trước đây để làm việc lâu dài.
Hai người trao đổi, về cái tên của tờ báo như cặp vợ chồng trẻ bàn nhau đặt tên cho đứa con đầu lòng. Cuối cùng, họ chọn cái tên "Vừng Đông", để gửi gắm vào đó niềm hy vọng. Số báo đầu tiên sắp ra mắt bạn đọc.
Thấy Hai Long tỏ vẻ băn khoăn khi phổ biến những yêu cầu gấp về tài liệu của trung tâm, Hòe mừng rỡ nói:
- Những việc lớn anh Hai lo rồi, mấy chuyện này, anh Hai dành cho tôi. Đã quá lâu ngày tôi chưa đóng góp được việc chi cho cách mạng.
Hai Long hỏi:
- Anh định làm cách nào để kiếm ra những của độc này?
- Tôi quen với Bửu Chương hồi cùng bị bắt với nhau ở Tòa khâm. Bửu Chương là đảng viên Đại việt, nguyên là sĩ quan. Chương được tha về, không kiếm ra công ăn việc làm. Vừa qua, Nguyễn Tôn Hoàn mới ở Pháp về, được chọn làm phó thủ tướng. Khánh phân công cho Hoàn phụ trách công tác bình định. Hoàn lưu vong đã lâu, không biết mô tê chi, nhờ tôi kiếm người giúp việc. Tôi giới thiệu Chương, Hoàn ưng ngay vì Chương cùng là Đại Việt, lại là sĩ quan. Hoàn bố trí Chương làm phó giám đốc nha Bình định. Bửu Chương khá thân với tôi.
- Như vậy thì thuận lợi lắm rồi đó. Nhưng anh định kiếm cớ gì để xin Chương những thứ này?
Hòe lúng túng:
- Để tôi suy nghĩ, có cách nào hay nhứt, sẽ báo lại anh sau. Kế hoạch bình định thì chắc chắn là ở nha Bình định rồi, nhưng có thể nằm trong tay Hoàn. Nếu Hoàn giữ thì Chương mượn của Hoàn cũng không khó.
- Còn bản đồ, liệu ở đó có không?
- Chính tôi đã nhìn thấy loại bản đồ này ở nhà Bửu Chương mà! Nhưng nếu muốn lấy suốt từ vĩ tuyến 17 trở vô thì phải khoảng tới 200 bản.
Hái Long suy nghĩ rồi nói:
- Nếu không tìm ra lý do nào hay hơn, thì anh thử nói với Chương, có một tổ chức chính trị Công giáo sắp ra nắm chính quyền, họ cần tìm hiểu mọi mặt tình hình đất nước, muốn xem những tài liệu này. Biết đâu người của Công giáo sắp tới lại không thay chính Nguyẫn Tôn Hoàn phụ trách công tác bình định. Anh cũng có thể nói Khiêm đang tới xin người của Công giáo ra làm tư lệnh địa phương quân... Riêng bản đồ, anh nhờ Bửu Chương kiếm giúp hoặc mua giúp.
- Phải xin thôi anh Hai à! Cách mạng nghèo, kiếm đâu ra tiền để mua hết từng ấy bản?
Hai Long nhìn người đồng chí nở một nụ cười thương mến:
- Xin được thì còn gì hơn! Nhưng nếu cần mua thì cũng phải đề nghị Trung tâm cho tiền mua. Mua được đã là quá tốt!
Không đầy một tuần sau, Hòe đưa tới cho Hai Long những cuốn phim chụp bản kế hoạch bình định toàn miền Nam, cùng một số tài liệu mật khác liên quan trực tiếp tới công tác bình định. Tất cả những tài liệu này đều lấy từ tay Nguyễn Tôn Hoàn.
Hòe nói:
- Toàn bộ bản đồ đã nằm ở nhà Bửu Chương rồi. Hai trăm bản! Làm sao chuyển đi?
- Phải đưa vào nhà thờ, rồi chờ Trung tâm có kế hoạch chuyển ra vùng giải phóng. Bửu Chương có nghi ngờ gì không?
Hòe cười rất tươi:
- Y chỉ nói, nếu sau này quan bác lên chức phó thủ tướng thì đừng có quên thằng Chương!
Hòe vui như đứa trẻ nhỏ, nhất định mời Hai Long ghé qua nhìn để cụng ly mừng chiến công đầu tiên của anh từ ngày được trở về với cách mạng.
3.
Ngày 7 tháng 9 diễn ra cuộc thỏa hiệp tạm thời giữa "tam đầu chế" đang nắm quyền hành ở Nam Việt Nam. Nguyễn Khánh buộc phải rút khỏi các chức: chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng, thủ tướng và Tổng tư lệnh quân đội. Một ủy ban quốc gia tạm thời thành lập gồm ba người, vẫn la Minh Lớn, Khánh và Khiêm.
Cuộc chỉnh lý đã đưa Khánh bỗng chốc trở thành người nắm hầu hết quyền lực ở Việt Nam cộng hòa. Nhưng sự tham lam quá đáng cùng với năng lực rất hạn chế trong việc điều hành guồng máy chính quyền, quân đội, và tư cách cá nhân của Khánh đã không cho phép Khánh củng cố được vây cánh. Ai cũng ngại Khánh lật lọng, tráo trở. Minh Lớn tuy là quốc trưởng bù nhìn, nhưng còn ở vị trí này, đối với Khánh vẫn là người bề trên. Cá nhân Minh lại được một số người trọng nể, nên bị Khánh coi như cái gai nhức nhối cần phải nhổ mà chưa nhổ được. Địch thủ chủ yếu của Khánh lúc này lại là Khiêm. Khánh đã tìm mọi cách hạn chế Khiêm, không trao cho Khiêm chức vụ gì quan trọng, và gạt hầu hết những người thân với Khiêm trong Hội đồng quân sự. Nhưng Khiêm vẫn làm Khánh phải e ngại, vì Khiêm được nhiều tướng trẻ có cảm tình. Những tướng này có quân trong tay. Khiêm lại thâm hiểm hơn Khánh, và không phải không được Mỹ chú ý. Đưa Khánh lên vị trí số 1 của chế độ ngụy, Mỹ đã phạm một sai lầm là thổi bùng ngọn lửa tham vọng trong đám tướng trẻ ở miền Nam. Nhiều kẻ thấy mình còn xứng đáng hơn Khánh nhiều, nếu được đặt vào vị trí đó.
Chưa đầy một tuần sau cuộc thỏa thuận giữa "tam đầu chế", ngày 13 tháng 9, một cuộc đảo chính mới lại nổ ra ở Sài Gòn. Lâm Văn Phát, bộ trưởng bộ Nội vụ, cùng với Dương Văn Đức, trung tướng tư lệnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cầm đầu cuộc đảo chính.
Hôm đó là chủ nhật, Khánh đi nghỉ cùng với gia đình tại Đà Lạt. Trong buổi sáng, quân của Đức đã chiếm Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh và kiểm soát hầu hết những vị trí quan trọng tại Sài Gòn.
Buổi trưa, Lâm Văn Phát công bố trên Đài phát thanh Sài Gòn lý do phải tiến hành lật đổ chính quyền quân sự thối nát của Khánh.
Ở Đà Lạt khi được tin, Khánh rất hốt hoảng. Khánh không hiểu có những tướng nào và những đơn vị nào đã làm đảo chính. Khánh gọi điện thoại cho Dương Văn Minh, hỏi tình hình, và đề nghị Minh nắm lại quyền kiểm soát thành phố. Minh từ chối, nói Khánh nên về Sài Gòn, tự mình làm lấy việc đó. Khánh lo Nguyễn Cao Kỳ đã tham gia lực lượng đảo chính và Kỳ râu, với tác phong ngổ ngáo của y, có thể tự lái máy bay tới Đà Lạt, oanh tạc vào dinh 2, là nơi Khánh đang ở. Khánh vội vã cho cho gia đình di tản sang biệt thự của Cao Văn Viên, đồng thời điều lực lượng cao xạ phòng không tới bố trí chung quanh nơi mình ở.
Cũng buổi sáng hôm đó, Kỳ đưa người vợ trẻ chưa cưới đi chơi ngày chủ nhật. Tới Biên Hòa, Kỳ được tin Sài Gòn có đảo chính. Kỳ lấy một chiếc trực thăng ở Biên Hòa, quay về ngôi nhà mình tại căn cứ sân bay Tân Sơn Nhất. Quân đảo chính của Dương Văn Đức đã chiếm Bộ Tổng tham mưu ở gần đó, nhưng chưa chiếm sân bay. Buổi trưa, Kỳ nghe Phát tuyên bố trên đài. Phát hết lời mạt sát Khánh. Trong lời lẽ của Phát có hơi hướng những triết thuyết của Diệm trước đây mà Kỳ vốn không ưa. Kỳ cầm máy gọi điện thoại cho Dương Văn Đức ở Bộ Tổng tham mưu:
- Trung tướng đã hành động theo một kiểu cách mà tôi không thể nào ủng hộ được! Giải pháp khôn ngoan nhất là trung tướng nên quay về đồng bằng sông Cửu Long.
Đức tức giận, điều xe tăng tới bao vây sân bay Tân Sơn Nhất. Kỳ dọa nếu xe tăng tiến vào sâu nữa, Kỳ sẽ lệnh cho máy bay ném bom. Xe tăng của Đức phải dừng lại bên ngoài sân bay.
Sáng hôm sau, Kỳ lại gọi điện thoại cho Đức:
- Đã tới lúc trung tướng nên từ bỏ ý định của mình. Đây là lời nói cuối cùng của tôi. Nếu trung tướng không rút lui, tôi sẽ ném bom xuống bộ chỉ huy của trung tướng.
Phát và Đức đã nhận thấy Tòa đại sứ Mỹ không muốn đẩy cuộc đảo chính đi tới cùng. Họ chỉ cần một đòn cảnh cáo, buộc Khánh phải chấp thuận cải tổ bộ máy chính quyền miền Nam, chứ chưa muốn loại bỏ Khánh. Có thêm lời đe dọa của Kỳ, Phát và Đức đành bỏ cuộc đảo chính.
Kỳ gọi điện thoại cho Khánh, yêu cầu trở về giải quyết những công việc ở Sài Gòn. Vốn tính đa nghi, sợ bị đánh lừa, Khánh ở lỳ tại Đà Lạt. Chỉ tới khi Tòa đại sứ Mỹ cử hai nhân viên lên Đà Lạt thuyết phục, Khánh mới chịu quay về Sài Gòn. Maxwell Taylor tới Việt Nam được một tháng đã nhìn thấy những nhược điểm của Khánh, nhưng chưa thể bỏ rơi ngay con bài của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, người đã được các giới chức ở Sài Gòn gọi là "con nuôi của McNamara".
Ngày 26 tháng 9, trước áp lực của Taylor, Khánh buộc phải chấp thuận việc thành lập Thượng hội đồng quốc gia để soạn thảo hiến pháp mới, coi như một bước tiến tới chế độ dân sự.
Khánh thấy mình đang trở nên cô độc, lại chạy tới nhà thờ Bình An nối lại quan hệ với cha Hoàng. Có lúc y cử Albert Nguyễn Cao vào mời cả cha Hoảng và Hai Long cùng tới dinh Gia Long thương nghị. Trong những lần gặp gỡ, Khánh tập trung vào vấn đề nhân sự. Khi thì Khánh hỏi nên đưa thêm ai vào Thượng hội đồng, mà Khánh cho rằng phần lớn là những người thuộc phe cánh của Minh. Khi thì Khánh hỏi nên chọn ai làm thủ tướng chính phủ sắp thành lập. Khánh làm ra vẻ tự tin, luôn luôn khoe là mặc dù Maxwell Taylor mới sang, nhưng đã thông cảm với y, làm việc với Taylor còn dễ hơn làm việc với Cabot Lodge vì Taylor là tướng quân sự. Khánh tiếp tục dèm pha Khiêm, nói là Khiêm sắp mất quyền kiểm soát về quân sự.
Ngược lại, phe cánh của Khiêm tung tin, sự tồn tại của Khánh chỉ còn tính từng ngày.
Một tháng sau khi thành lập Thượng hội đồng, Taylor lựa chọn xong một chính phủ mới với những nhân vật dân sự. Phan Khắc Sửu, một ông già gần 90 tuổi, được chỉ định làm quốc trưởng. Dương Văn Minh mất chức, xin sang Thái Lan sống lưu vong. Chức thủ tướng từ tay Nguyễn Khánh chuyển sang Trần Văn Hương, một cựu đô trưởng của Sài Gòn, cũng đã ngoài 60. Khánh và những tướng trẻ đều bất mãn với phương án này. Dưới sự đạo diễn của Taylor, Khánh được các tướng trẻ bầu làm tổng tư lệnh quân đội.
Cách làm độc đoán của Taylor đã dồn những tướng trẻ vào một cục để chống lại Thượng hội đồng. Họ thường gặp nhau ở nhà Nguyễn Cao Kỳ, cũng có lúc tại nhà Nguyễn Chánh Thi hay nhà Nguyễn Hữu Có. Khánh luôn luôn có mặt với vai trò người lãnh xướng.
Trung tuần tháng 10, trong một buổi tối, tụ tập ở nhà Nguyễn Cao Kỳ, Khánh chọc giận những tướng trẻ:
- Mấy ông già Thượng hội đồng vẫn chưa thỏa mãn! Các ổng đang âm mưu thu tóm tất cả mọi quyền hành, gạt ráo anh em mình.
Nguyễn Chánh Thi nổi sung:
- Mấy ổng tưởng mình là cái chi?
Một người hét to:
- Hốt tất cả đi là xong!
Mọi người đều giơ cao tay tán đồng.
Nguyễn Hữu Có nhìn đồng hồ rồi nói:
- Muộn rồi! Đã tới lúc lùa bò, gà vô chuồng!...
Cuộc đảo chính giải tán Thượng hội đồng nổ ra vào ngày 20 tháng Chạp. Tất cả những ủy viên của Thượng hội đồng đều bị lính quân cảnh, do những sĩ quan trẻ chỉ huy, tới nhà bắt vào lúc nửa đêm. Họ bị đưa về doanh trại của Bộ Tổng tham mưu, nơi các tướng trẻ cùng với Khánh đã tập trung ngồi chờ đợi kết quả. Khánh quyết định, ngay ngày hôm sau, Nguyễn Cao Kỳ sẽ đích thân lái máy bay đưa tất cả những bô lão lên Pleiku quản thúc bí mật tại đó.
Vừa lúc ấy, tiếng chuông điện thoại réo. Khánh cầm máy nghe. Mặt Khánh tím dần lại, Khánh hầu như không nói năng gì, chỉ lặp đi lặp lại mấy tiếng "Yes[1]" hoặc "No[2]"gọn lỏn.
Khánh buông máy nói với mọi người:
- Đại sứ Taylor yêu cầu gặp tất cả chúng ta ngay bây giờ tại đại sứ quán. Tôi sẽ không đi. Trong các vị, có ai đại diện cho tôi không?
Tất cả đều im lặng. Không ai muốn gặp ông thầy mà họ đều biết là nóng tính và thô bạo.
Khánh ngoảnh về phía Kỳ:
- Anh Kỳ, anh là người lãnh đạo nhóm tướng trẻ, anh nên đi!
- Được thôi.
Kỳ trả lời với vẻ nghênh ngang.
Ba tướng trẻ khác tình nguyện đi với Kỳ. Đó là Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Chánh Thi và Chung Tấn Cang.
4.
Taylor chờ các tướng trẻ ở tòa đại sứ với bộ thường phục màu trắng, nét mặt giận dữ.
Khi họ vừa ngồi vào bàn, Taylor lập tức hỏi bằng giọng rất xẵng:
- Tất cả các ông đều nói được tiếng Anh đấy chứ?
Cả bọn, trừ Nguyễn Cao Kỳ, đều kém về tiếng Anh. Họ biết là Taylor nói tiếng Pháp rất thạo. Khi thấy một đôi người rụt rè gật đầu, Taylor nói tiếp luôn:
- Được rồi! Trong bữa ăn tối ở nhà ông Westmoreland, tôi đã nói với các vị, người Mỹ chán ngấy những cuộc đảo chính rồi. Quả thật tôi đã phí lời vô ích!
Cách đây chừng một tháng, William C. Westmoreland, người mới sang thay tướng Paul Harkin phụ trách Bộ tư lệnh yểm trợ quân sự Mỹ cho Việt Nam, mở một cuộc chiêu đãi thịnh soạn nhiều vị tướng của Việt Nam cộng hòa. Đại sứ Mỹ Taylor bữa đó cũng có mặt. Những lời hăm dọa sẽ đảo chính lật đổ Thượng bội đồng của Nguyễn Khánh đã tới tai ông ta. Taylor không bỏ qua dịp này, lên lớp một hồi cho các tướng, là cần phải hiểu về nhiệm vụ của quân đội đối với chính trị, không được phép liên tiếp tổ chức những cuộc đảo chính làm rối loạn tình hình chính trị ở Nam Việt Nam v.v... Nhiều câu nói của Taylor rõ ràng là nhằm vào Khánh. Taylor tin vào sức mạnh của những lời cảnh cáo đó. Nhưng Taylor chưa biết khi chạm tới quyền lợi và sự tự ái của Khánh thì y cũng không phải là một ké dễ bảo. Và trong thực tế, Khánh đã bất chấp lời dạy của Taylor.
Kỳ làm ra vẻ ngây ngô:
- Nhưng bữa ăn đó thật là tuyệt mà!
Taylor sửng sốt nhìn Kỳ, rồi lờ đi, lặp lại:
- Tôi nói với các ông là chúng tôi đã chán ngấy những cuộc đảo chính. Tôi đã phí lời vô ích. Bữa đó tôi nói bằng tiếng Pháp một cách rành lắm mà, nhưng các vị vẫn không hiểu. Tôi nghĩ rằng tôi đã trình bày rõ tất cả mọi kế hoạch quân sự của chúng ta đều tùy thuộc vào sự ổn định của chính phủ. Bây giờ quý vị đã làm nát bét hết cả rồi. Tôi không thể nào yểm trợ quý vị mãi được, nếu các vị cứ làm ăn kiểu này!... Người nào đại diện cho nhóm này đây?... Các vị có một người phát ngôn không?
Kỳ rồi Thiệu cố gắng giải thích vì sao các tướng trẻ buộc phải có hành động như vừa rồi. Taylor vẫn tiếp tục nói như nói với những kẻ thuộc cấp có lỗi và cứng đầu:
- Các vị đã đập vỡ quá nhiều đĩa rồi, bây giờ chúng tôi phải làm cách nào để sắp xếp lại tình trạng hỗn độn này đây?
Cuộc gặp kết thúc trong một tình trạng gần như đổ vỡ.
Khi ra xe, Thiệu nổi cáu:
- Phải triệu tập ngay gay một cuộc họp báo. Nói cho thế giới biết một ông đại sứ Mỹ đã đối xử với những tướng lãnh cao cấp Việt Nam như là những đứa bé đần độn!
- Không nên làm như vậy! Sẽ chẳng đi tới đâu hết, chẳng có lợi gì cả! - Kỳ khuyên Thiệu.
Ngày hôm sau, dường như sợ các tướng trẻ về không truyền đạt được với Khánh tinh thần những lời nói của mình, Taylor lại gọi điện trực tiếp cho Khánh.
Viên đại sứ mở đầu câu chuyện giống như đêm hôm trước:
- Ngài hiểu tiếng Anh đấy chứ? Bữa tối đó tại nhà Westmoreland, tôi đã nói với các ngài rằng, nước Mỹ không còn muốn tha thứ cho bất kỳ một ý đồ nào làm cho tình hình mất sự ổn định nữa...
Khánh vờ nói:
- Thưa ngài đại sứ, tôi chuưa nghe rõ, đề nghị ngài nhắc lại cho.
Cùng lúc, Khánh bấm nút thu máy ghi âm.
Toàn bộ câu chuyện giữa Khánh với vị đại sứ Mỹ trong lúc nóng giận, được ghi trọn trong một cuốn băng.
Khánh đã hậm hực với Taylor từ khi thấy vị đại sứ mới dùng Khiêm và những tướng trẻ làm sức ép, buộc mình phải từ bỏ mọi chức tước, chỉ còn là một trong số ba người trorng Ủy ban lãnh đạo quốc gia. Tiếp đến Lâm Văn Phát và DươngVăn Đức tổ chức cuộc đảo chính nửa vời, rồi viên đại sứ Mỹ cho người lên Đà Lạt gọi Khánh về, yêu cầu phải chấp nhận việc thành lập Thượng hội đồng, đặt Sửu, Hương vào vị trí những người đứng đầu chính phủ. Khánh biết mình đã thực sự bị gạt ra ngoài chính quyền. Khánh quyết định đánh trả lại Taylor khi mình còn nắm được một số tướng trẻ. Taylor đang tái diễn cái trò này trước đây các vị đại sứ Mỹ đã chơi với Diệm - Nhu. Khánh thấy mình không thể lùi bước.
Cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện qua máy điện thoại lập tức trở thành một vũ khí lợi hại trong chiến dịch tuyên truyền trên đài phát thanh và báo chí, tố cáo, lên án đại sứ Mỹ đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của đồng mình Việt Nam cộng hòa.
Ngài đại sứ, một viên tướng Mỹ có hạng, đã từng lập nên chiến tích trong Thế chiến thứ hai ở châu Âu và những năm qua tại Triều Tiên, lần đầu làm công tác ngoại giao, đã bị Khánh cho một vố đau. Nhưng Khánh cũng biết rằng mình sẽ không bao giờ được Taylor tha thứ.
5.
Tuy vậy, trước phản ứng gay gắt của Taylor, Khánh phải tạm lùi một bước, chỉ gạt bỏ các ủy viên trong Thượng hội đồng, vẫn để Phan Khắc Sửu và Trần Văn Hương ở ghế quốc trưởng và thủ tướng.
Trung tuần tháng 1-1965, để mở đầu cho một năm mới, Khánh dàn xếp với Sửu, Hương cùng mình ra một bàn thông cáo chung, tuyên bố những mối bất hòa giữa giới quân sự và dân sự đã được giải quyết thỏa đáng. Nhân địp này, Khánh đưa thêm vào chính phủ 4 tướng trẻ đã từng gắn bó với mình, trong đó có Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ.
Ngày 28 tháng Giêng, nhân dịp Taylor đi Viêng Chăn, Khánh cầm đầu nhóm tướng trẻ làm một cuộc đảo chính mới, loại trừ Trần Văn Hương và lật luôn cả nội các của Hương. Khi trở về, Taylor đứng trước một việc đã rồi.
Ngày 12 tháng 2, Khánh giật dây việc thành lập chính phủ mới do Phan Khắc Sửu làm quốc trưởng, Phan Huy Quát làm thủ tướng. Khánh đã thay Hương bằng một người của Đại Việt. Khánh vẫn là tổng tư lệnh quân đội. Trong quá trình Khánh trao đổi với cha Hoàng chọn người làm thủ tướng, cha Hoàng lúc đầu không đồng ý Quát, vì ông vốn ghét Đại Việt. Nhưng sau đó, ông tạm chấp nhận khi Khánh chịu đưa vào chính nhủ mới 4 người của Công giáo.
Với những thay đổi về tổ chức, lực lượng của Khánh được củng cố. Khánh cho rằng mình đã xoa dịu Taylor với việc giữ nguyên bộ mặt dân sự cho chính quyền. Nhưng Taylor đã coi Khánh là một kẻ bất trị.
Tai họa đang chờ giáng xuống đầu Khánh.
Một tuần sau khi thành lập chính phủ mới, Lâm Văn Phát lại làm một cuộc đảo chính thứ 2. Lần này, Phát không chờ Khánh đi vắng, mà chọn đúng lúc Khánh có mặt ở Sài Gòn. Mục tiêu chủ yếu của quân đảo chính là lùng bắt cho được Khánh.
Lúc 11 giờ 30 ngày 19 tháng 2, Khánh đang ở Bộ Tổng tham mưu, được tin Phát đưa xe tăng tới nhà riêng tìm bắt mình. Đồng thời một số nơi báo cáo về, có rất nhiều xe tăng đang đi chuyển trong thành phố. Khánh vội gọi điện thoại cho Kỳ, báo tin lại có đảo chính, giục Kỳ ra nhanh sân bay. Khánh nhảy lên chiếc xe Mercedes có cắm cờ lệnh, chuồn khỏi Bộ Tổng tham mưu.
Tới cổng sân bay Tân Sơn Nhất, chiếc Mercedes phải dừng lại vì hàng chục chiến xa đang tiến vào sạn bay. Khánh chợt nhìn thấy Kỳ đứng phía trong cổng, bên một chiếc xe Jeep.
Kỳ cũng đã nhận ra chiếc xe mang cờ lệnh của Khánh, giơ tay ra hiệu cho Khánh bỏ xe, vào với mình. Khánh đành nhảy xuống, đi liều vượt qua những xe tăng đang án ngữ trước mặt. Cũng may, Khánh không bị ai ngăn lại.
Tới được chỗ Kỳ, Khánh nói:
- Phát hầu như làm chủ đô thành, anh có cách nào đưa tôi đi khỏi Sài Gòn?
- Khó lắm! Xe tăng đã ở trong sân bay, không phi công nào tới được chỗ để máy bay. Trung tướng muốn đi đâu?
- Bất cứ đi dâu, miễn là rời khỏi đây.
- Thôi được, nếu cần thì phải đi mau.
Kỳ đã rất chán Khánh. Cách đây ít ngày, nhân lúc Khánh đi kinh lý đồng bằng sông Cửu Long, Kỳ bàn với một số tướng trẻ lật Khánh luôn, nhưng họ thấy chưa nên làm. Vào giờ phút này, Kỳ nghĩ tới chuyện cứu Khánh vì tưởng rằng cuộc đảo chính do Nguyễn Chánh Thi cầm đầu, một người không ăn cách với Kỳ.
Khánh theo Kỳ nhảy vội lên chiếc xe Jeep. Kỳ lái xe chạy vòng lối sau, tới gian nhà để chiếc DC-3 dành riêng dùng trong trường hợp khẩn cấp. Kỳ giục Khánh lên máy bay rồi cho nổ máy lăn ra vị trí cất cánh. Cuối đường băng, đã có khoảng 20 chiếc xe tăng đang tiến vào. Kỳ mở hết tốc lực của máy bay, cất cánh lướt trên đầu tháp pháo của những chiếc xe tăng.
Chiếc máy bay rời khỏi bầu trời Sài Gòn an toàn. Khánh thở phào nhẹ nhõm. Nhưng Khánh chưa thực sự yên tâm vì số phận đang nằm trong tay Kỳ. Kỳ vẫn có thể đưa Khánh trở về trả cho quân đảo chính. Khánh đề nghị với Kỳ:
- Có lẽ tôi muốn anh đưa tôi lên Đà Lạt. Tôi không biết làm gì bây giờ. Đưa tôi tới đó rồi anh trở về tự do hành động theo ý của anh.
Kỳ im lặng. Khánh lại nói:
- Tôi dành cho anh toàn quyền giải quyết vụ này.
Kỳ thả Khánh xuống sân bay Đà Lạ, rồi bay trở về hướng nam, hạ cánh xuống sân bay Biên Hòa. Tại đây, Kỳ triệu tập một cuộc họp nội các và Hội đồng quân lực. Kỳ không ngờ có tới hơn 40 người kéo đến theo sự triệu tập của mình. Số đông tỏ ra lo lắng nếu còn để Khánh tiếp tục cầm quyền. Kỳ ra lệnh đưa một chiếc máy bay lên Đà Lạt đón Khánh về Biên Hòa. Vừa tới nơi, thấy không khí cuộc họp, biết số phận của mình đã được quyết định, Khánh lấy khăn tay chấm nước mắt năn nỉ:
- Cho tôi trở về Đà Lạt. Xin để anh Kỳ và tất cả các vị quyết định điều chi cần phải làm, các vị ủng hộ Phát hay tôi, hay bất kỳ người nào khác cũng được.
Không ai mời Khánh ở lại. Khánh vội vã rời phòng họp. Kỳ tiễn Khánh ra máy bay. Khánh rầu rĩ nói:
Nếu anh muốn làm chuyện chi, tôi không thể cản anh. Nhưng anh cũng đừng quá hấp tấp, và cũng đừng quên chúng ta là bạn, đừng quên những lúc chúng ta đã sống bên nhau.
Khánh quay về Đà Lạt với bộ mặt thiểu não của kẻ cam chịu thất thế. Khánh gặp lại Trần Văn Đôn, tác giả của cuộc đả chính Diệm, nguời đã bị Khánh bắt và quản thúc suốt gần một năm qua. Gần đây, Khánh đã giao cho Đôn tham gia vào nhóm dự thảo một số quy chế về nhân sự mới cho quân đội, trong đó có một điểm do Khánh nêu: "cho về hưu tất cả những tướng lãnh đã phục vụ tại ngũ 25 năm.". Với việc áp dụng quy chế mới này, những người như Minh Lớn, Đôn, Kim, Xuân đều sẽ phải ra khỏi quân đội. Khánh muốn quy chế này phải do chính tay họ thảo.
Khánh bỗng trở nên một người thực thà. Y kể lại những chuyện đã diễn ra mấy tháng qua, đặc biệt thích thú với những đòn chơi lại Taylor, nhưng cũng thú nhận tất cả thất bại của mình. Y tỏ vẻ ăn năn vì đã gieo rắc tội lỗi trên khắp đất nước này. Y ngỏ lời xin lỗi Đôn vì những đau khổ mà mình đã đem lại cho Đôn và các bạn. Cuối cùng, Khánh nói:
- Mình muốn về Sai Gòn, nhưng không thể đi máy bay, vì không muốn bị phát hiện. Các tướng trẻ đều đã chống lại mình, kể cả tướng Kỳ là người đã cứu mình.
- Vậy ông định đi bằng cách nào? - Đôn hỏi.
- Có thể đi bằng xe ca.
Đôn nhìn bộ mặt sầu não và hài hước của Khánh, mỉm cười:
- Nếu muốn vậy thì tốt nhất là nên cắt bộ râu dê đi!
Lúc bấy giờ mới thấy Khánh cười. Chắc Khánh cũng vừa nhớ lại cảnh Tào Tháo bị quân Thục đuổi đánh, phải quăng mũ và cắt râu chạy trốn.
Sau khi Khánh rời khỏi Biên Hòa, các tướng trẻ đã quyết định gạt Khánh khỏi chức chủ tịch Hội đồng quân lực. Cũng như lần trước, cuộc đảo chính của Phát phải dừng lại nửa chừng. Taylor đã đạt được mục đích loại bỏ Khánh.
Mỹ đã rút kinh nghiệm không để tái diễn cảnh Diệm, Nhu năm trước. Khánh được cử làm đại sứ lưu động ở nước ngoài, và phải đi ngay lập tức. Ngày 25 tháng 2, một lễ tống tiễn Khánh diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khánh kết thúc vai hề trên sân khấu chính trị miền Nam một cách khá đạt khi cúi xuống bóc một nắm đất cạnh đường băng bỏ vào túi áo rồi lên máy bay. Kỳ tiễn Khánh vào tận khoang máy bay. Khánh rời khỏi Sài Gòn và không bao giờ trở lại. ---
[1] Có
[2] Không