1.
Nixon đắc cử ngày 5-11 nhưng còn 2 tháng nữa mới bắt đầu nhậm chức tại Nhà Trắng. Cơ hội trở thành tổng thống hòa bình rõ ràng đang tuột khỏi tay Johnson.
Noel năm 1968, Thiệu tổ chức một lễ Giáng sinh thật tưng bừng. Y coi là vận hạn của mình trong năm Mậu Thân sắp qua. Thiệu lại bắt tay vào việc củng cố quyền lực.
Từ ngày nhận chức phó tổng thống, Kỳ đã lập ra tổ chức Phong trào thanh niên trừ gian, gây rối cho Thiệu và những kẻ đang dựa vào chức quyền mặc sức tham nhũng. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân của ta, Kỳ lại tổ chức thêm cái gọi là tổ chức Cứu trợ nạn nhân chiến tranh, được Mỹ cấp tiền và hàng cứu trợ, Kỳ đi khắp nơi ban phát ân huệ và gây uy tín cho mình, khiến Thiệu rất khó chịu. Nhân lúc Kỳ không có mặt ở Sài Gòn, Thiệu xúi Hương giải tán luôn cả hai tổ chức này.
Với lệnh tổng động viên năm 1968, Thiệu bắt thêm được 20 vạn lính. Quân ngụy phối hợp cùng quân Mỹ mở những cuộc phản kích đẩy lực lượng ta ra xa những vùng đô thị, đặc biệt là vùng chung quanh Sài Gòn. Chúng ráo riết tiến hành bình định cấp tốc tại vùng tạm chiếm. Trong chiến dịch này, địch huy động toàn bộ lực lượng chủ lực và địa phương quân, phối hợp với những lực lượng chìm của CIA, tình báo, công an, cảnh sát và bọn đầu hàng, phản bội để chống lại ta. Chúng triển khai nhiều biện pháp, thủ đoạn về quân sự, chính trị, kinh tế, kết hợp cả với hành chính, phân tuyến, phân vùng, chà đi xát lại hòng tiêu diệt hoặc đẩy lùi lực lượng ta ra xa. Ở vùng địch tạm kiểm soát, chúng thay đổi thẻ căn cước, kiểm tra tờ khai gia đình, vừa để bắt lính đôn quân, vừa để phát hiện và triệt hạ cơ sở cách mạng.
Tại Sài Gòn, lực lượng công an, cảnh sát chiến đấu phân khu vực, hành quân rà xét từng gia đình, tổ chức nhiều trạm kiểm soát cố định cũng như lưu động để ngăn ngừa ta ra vào thành phố. Chúng phối hợp chặt chẽ những hoạt động giữa các lực lượng CIA, tình báo, công an, mật vụ, chiêu hồi, sử dụng lại một số mật vụ từ thời Diệm. Trong những cơ quan đầu não, chúng thẩm tra lại cán bộ nhân viên hòng phát hiện cơ sở nội tuyến của ta.
Ở vùng ven Sài Gòn, quân Mỹ ủi phá địa hình, thả chất độc hóa học làm trụi lá cây nhằm tiêu hủy những căn cứ lõm của ta. Địa bàn đúng chân của Cụm tình báo bị đánh phá ác liệt và liên tiếp.
Tuy vậy, bước sang năm thứ 14 công tác trong vùng địch, lưới của Hai Long đã có vị trí vững vàng và khá lý tưởng để đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ.
Anh ngày càng trở thành người tin cẩn của Khâm sứ Palmas. Những tin tức Hai Long cung cấp rất sớm cho Tòa khâm sứ, được ông đánh giá là đóng góp lớn cho giáo hội. Ông thường bổ sung tình hình và phổ biến kịp thời ý đồ của Vatican để Hai Long vận động Thiệu làm theo. Thiệu chậm chấp nhận hòa đàm với Mặt trận Giải phóng khiến Palmas lo lắng. Ngày đầu năm 1969, giáo hội sẽ tổ chức lễ cầu nguyện "Hòa bình cho Việt Nam". Palmas đã đề nghị với Vatican, nhân ngày đó, ban phép lành và cầu nguyện cho Hai Long.
Biết rõ mối cảm tình của Khâm sứ với Hai Long, nên cha Hoàng tiếp tục nhờ anh báo cáo hoặc thăm dò Khâm sứ về những chủ trương, dự định của mình. Nhiều việc do ông tự nghĩ ra, cũng có những việc cáe cha cố Mỹ vận động ông làm. Có lần cha Hoàng đã nói với Khâm sứ:
- Tên thánh của con là Phao-lồ[1], tên thánh của thầy Nhã là Phê-rô[2]. Phao-lồ có Phê-rô ở bên thì trí óc thêm minh mẫn, tai mắt thêm tinh thông, tay chân thêm mạnh mẽ...
Hai Long đề nghị Khâm sứ thỉnh cầu Vatican trợ cấp một ngân khoản đặc biệt để xây dựng nhà thờ xứ Phát Diệm của linh mục Trần Ngọc Nhuận và nhà thờ Bình An của cha Hoàng. Khâm sứ đồng ý và đề nghị được Tòa thánh chấp thuận. Những viện trợ của CARITAS, của Công giáo Mỹ cho Công giáo Việt Nam, Hai Long đều dành ưu tiên cho hai xứ đạo nghèo là Phát Diệm và Bình An. Anh cũng vận động riêng Thiệu đóng góp vào việc xây dựng lại hai nhà thờ này. Trước mỗi việc Hai Long giúp cho mình, Thiệu thường tế nhị trả công bằng cách góp thêm một số tiền cho hai xứ đạo này xây dựng nhà thờ. Hai Long không bao giờ trực tiếp nhận tiền của Thiệu mà báo cho cha Nhuận và cha Hoàng cử người tới nhận. Những quyền lợi vật chất Hai Long thu về cho hai xứ đạo Phát Diệm và Bình An rất đáng kể.
Trọng đã được Thiệu mời tới làm việc thêm nhiều lần. Những tin tức Trọng đưa về cùng với sự nhận định, phân tích sắc sảo của anh làm cho Thiệu hài lòng. Trong Phủ Đầu Rồng có nhiều tin đồn Bernard Trọng sắp thay thế già Hương đã hết thời. Hướng cũng bắt đầu ganh tị với Trọng, không còn trông chờ chiếc ghế mà Thiệu đã hứa hẹn trước đây. Hai Long hy vọng ngày Thiệu đưa Trọng lên làm thủ tướng không còn xa.
2.
Bốn bên tham chiến đã có mặt đầy đủ ở Paris, dấy lên những đợt sóng hoạt động chính trị ở Sài Gòn. Chính phủ liên hiệp trở thành một cơ hội hấp dẫn đối với các đảng phái và những người làm chính trị. CIA đã tung tiền khuyến khích thành lập nhiều tổ chức chính trị để dễ bề lũng đoạn chính quyền. Những tổ chức này vẫn nằm im, nay cảm thấy đã tới lúc làm ăn. Lại thêm nhũng tổ chức mới xuất hiện.
Trên chính trường công khai cũng như bán công khai bắt đầu hình thành 3 khuynh hướng. Thứ nhất là khuynh hướng chống Cộng, thân chính quyền Sài Gòn. Thứ hai là khuynh hướng lừng chừng và đối lập. Thứ ba là khuynh hướng tán thành hòa đàm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho miền Nam, được gọi là Lực lượng thứ ba.
Ngày 20-1-1969, Nixon nhậm chức. Y công bố chính sách mới đối với Việt Nam, kiên quyết triển khai chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, và cam kết bảo vệ chiếc ghế tổng thống cho Thiệu.
Thiệu cảm thấy vững chân. Y bắt đầu bộc lộ không che đậy tính cách tham lam, độc đoán. Tất cả những người thân Kỳ trong chính quyền, quân đội ở cấp trung ương và vùng chiến thuật đều lần lượt bị thay thế. Những người đã có công giúp Thiệu trước đây, dù là thân tín, chỉ cần bộc lộ dấu hiệu không đồng tình với việc làm hoặc cách đối xử của Thiệu cũng bị gạt. Họ được thay thế bằng những tên tay sai mới, nằm trong bọn giàu có, xu nịnh, và nhất là những kẻ có thể giúp Thiệu làm giàu. Thiệu thâu tóm mọi quyền lực cho gia đình, họ hàng mình một cách không dè dặt. Chị Sáu khéo léo, ngọt ngào, chiều chồng, cũng rất khéo léo, ngọt ngào khi giành giật những áp phe có lời lớn và nhận những khoản hối lộ.
Trước phong trào chính trị phức tạp và sôi động ở Sài Gòn, Thiệu vội vã nghĩ cách xây dựng lực lượng chính trị làm hậu thuẫn cho mình. Lực lượng Tự do dân chủ của Nguyễn Văn Hướng quá yếu ớt. Thiệu bắt Hướng liên kết lực lượng này với Hiệp hội công nông của Trần Quốc Bửu thành một tổ chức mới, với tên gọi là Liên minh dân tộc xã hội cách mạng. Thiệu dự kiến thành lập một mặt trận gồm tất cả những đảng phái chống Cộng, thân chính quyền do mình trực tiếp cầm đầu. Thiệu cho rằng trước kia chưa có lực lượng, nên phải dựa vào Thiên chúa giáo để lên cầm quyền, nhưng nay đã củng cố được quyền lực, thì cần mở rộng ảnh hưởng để giành được đa số nếu phải đi vào một cuộc đấu tranh chính trị.
Trong Thiên chúa giáo cũng xuất hiện xu hướng phải có một tổ chức chính trị của giáo dân đủ mạnh để đáp ứng với tình hình mới. Một số giáo sĩ và giáo dân đã đề xướng chủ trương này. Họ cho rằng đảng Cần lao - Nhân vị thời Diệm, Nhu đã tan rã, mặc dù một số người đã tập hợp lại dưới cái tên đảng Nhân xã, do Trương Công Cừu cầm đầu, và được giám mục Nguyễn Văn Thuận là cháu Ngô Đình Diệm đỡ đầu. Còn lực lượng Công dân Công giáo Đại đoàn kết do cha Hoàng lập nên năm 1964, nhưng lại giao cho Nguyễn Gia Hiến làm chủ tịch, Hiến đã bán đứng lực lượng này cho Nguyễn Cao Kỳ vì mưu đồ quyền lợi và địa vị cá nhân. Cả hai tổ chức này đã mất tín nhiệm trong giáo dân, và gây tai tiếng cho Thiên chúa giáo. Cần phải tập hợp tín đồ Công giáo vào một đoàn thể chính trị mới, và trao cho một người có tài đức, rất thánh thiện lãnh đạo.
Từ tháng 11 năm trước, dựa vào thánh chỉ về cuộc vận động hòa bình của giáo hoàng Paul VI, cha Hoàng nhân danh chủ tịch Mặt trận các tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành...) đã tổ chức một đại hội nhân dân toàn quốc thảo luận về vấn đề hòa bình và dân tộc. Đại hội này đã kiến nghị hai bên tham chiến ở Việt Nam ngồi lại thương lượng chấm dứt chiến tranh, và dân Việt Nam tự quyết vấn đề Việt Nam. Tòa thánh La Mã đã khen ngợi cha Hoàng. Nhưng cha Hoàng lại chống việc đặt Việt Nam cộng hòa ngang hàng với Việt Cộng. Theo ông, Sài Gòn phải thương thuyết với Hà Nội, và Mỹ thì thương thuyết với Liên Xô (!). Hai Long đã mang ý kiến của cha Hoàng nói với Khâm sứ. Khâm sứ lập tức mời cha Hoàng lên, và giải thích:
- Muốn có hòa bình ở Việt Nam thì hai bên tham chiến tại chỗ phải trực tiếp giải quyết với nhau, chớ không thể nhờ người khác giải quyết thay!
Cha Hoàng buộc phải rút lui ý kiến của mình. Gần đây, ông rất muốn tổ chức một đoàn thể chính trị mới nhằm tập hợp đông đảo giáo dân, dưới cái tên là Đoàn Vệ sĩ Công giáo Việt Nam.
Tình hình chính trị ở Sài Gòn sôi động. Nội bộ các phe nhóm, đảng phái, đoàn thể phân hóa, đấu đá nhau kịch liệt, kể cả thanh toán lẫn nhau. Nhiều vụ mưu sát xảy ra. Thủ tướng Trần Văn Hương, thượng tọa Thích Thiên Minh, linh mục Mai Ngọc Khuê may mắn thoát chết qua những vụ mưu sát. Đồng thời, diễn ra những vụ án sinh viên, vụ án FULRO. Dư luận xôn xao nhiều về vụ mưu sát linh mục Mai Ngọc Khuê. Linh mục Khuê trước đây là phụ tá của Ngô Đình Nhu, người đã kích dộng giáo dân di cư biểu tình tại Bộ Tổng tham mưu chống trung lập, đòi Cabot Lodge cút về nước.
Trong giáo dân lan rộng một tin đồn: Bốn người áo đen là Mai Ngọc Khuê, Trần Đức Huynh, Vũ Ngọc Tấn và cha Hoàng sẽ bị giết! Bốn linh mục này đều là những nhân vật nổi tiếng chống Cộng. Nhiều người nói đó là âm mưu Mỹ. Một số người thì cho đó là chủ trương của Thiệu. Cũng có kẻ đổ cho Việt Cộng.
Hai Long đã quen với những cơn sốt chính trị ở Sài Gòn. Nó thường bùng lên khi có một sự kiện chính trị châm ngòi, và cũng tắt đi rất nhanh. Sau ngày Diệm đổ, chưa xuất hiện một nhân vật chính trị nào có sức hấp dẫn đối với quần chúng. Những đám lửa rơm này sẽ chẳng tồn tại bao lâu. Nhưng đã lại có những dấu hiệu đáng lo ngại cho sự an toàn của lưới.
Tú Uyên không liên lạc với anh từ sau khi Tá Đen bị bắt. Luật sư Tường đôi lần tìm gặp anh. Anh khuyên Tường nên tổ chức một đoàn thể chính trị đón thời cơ hơn là tham gia chính quyền trong hiện tình. Anh có thể giúp Tường kiếm được trợ cấp của Mỹ. Anh gợi ý xa xôi cho Tường về triển vọng của lực lượng thứ ba trong chính phú liên hiệp tương lai. Anh nói mình không muốn Tường cộng tác với Thiệu, vì gần đây tính tình Thiệu thay đổi nhiều, và sắp tới chính quyền Nam Việt Nam sẽ có nhiều biến động. Tường tỏ ra bình thản để giấu sự cụt hứng. Cuối tháng Giêng, Tú Uyên đột ngột tới tìm anh tại nhà Hòe. Chị nói nhân đi ngang, ghé vào hỏi thăm sức khỏe của anh. Chị kể chuyện Tá Đen mới tới gia đình mình.
Hai Long báo cho Hòe và Thắng kiểm tra lại tin này. Hai người dò hỏi, biết đích xác, Thiệu vừa ra lệnh thả tất cả những kẻ bị y bắt hồi tháng 10 năm trước. Chắc Thiệu cho rằng biện pháp phòng ngừa lúc này không còn cần thiết. Hai Long rất suy nghĩ. Một khi Tú Uyên phải tới tìm anh báo tin, chắc chị biết có sự nguy hiểm đang đe dọa anh.
Một buổi đang ngồi trao đổi, Thiệu bỗng nói:
- Tay Bernard Trọng rất khó xài! Tài cán đã hơn ai mà lại có thái độ kiêu căng, hỗn xược.
Hai Long cho rằng nhiều lời gièm pha Trọng đã tới tai Thiệu, và Trọng có thể đã có những cử chỉ, lời lẽ không khéo trong khi tiếp xúc với Thiệu. Anh mang chuyện này trao đổi lại với Trọng.
Trọng nói:
- Vì nhiệm vụ anh trao, tôi đã nhẫn nhục với ổng rất nhiều. Ổng cứ nghĩ mình là tổng thống thì mọi lời mình nói đều là lời phán bảo của Chúa! Khi tôi làm bộ trưởng dưới thời Bảo Đại thì Nguyễn Văn Thiệu mới là một anh trung sĩ quèn, bây giờ mình lại phải cúi đầu cho hắn sai bảo!
Hai Long hiểu rằng quan hệ giữa Trọng và Thiệu đã trở nên xấu. Một con người như Trọng khó có thể chấp nhận tư cách của Thiệu. Anh khuyên Trọng vì nhiệm vụ nên ráng bình tâm, hết sức tránh làm mất lòng Thiệu, và bàn với Trọng những công việc cần làm trong trường hợp Thiệu trở mặt.
Đầu tháng 3, trên đường đèo Hai Long về nhà, Hòe nói:
- Anh ghé qua tôi chút xíu, có chuyện cần xin ý kiến anh.
Tới nhà, Hòe đưa anh vào phòng riêng, kể lại:
- Hôm qua, Nguyễn Văn Hướng mời tôi tới chơi nhà với thái độ không bình thường. Y nói chuyện vòng vo một lát rồi khuyên tôi nên xin từ chức công cán ủy viên của Phủ tổng thống.
- Vì lý do chi?
- Hắn nói: Anh làm việc cùng một lúc ở nhiều nơi, mà phòng tổng thư ký thì theo chỉ thị của tổng thông cần củng cố lại. Tôi đáp mình cần suy nghĩ trước khi trả lời và phải xin ý kiến của giáo hội. Hắn lại bảo tôi tới cơ quan bảo vệ Phủ tổng thống làm thủ tục về hồ sơ cá nhân, vì từ ngày vô đây tới nay tôi chưa làm thủ tục này.
Câu chuyện của Hòe khiến Hai Long băn khoăn nhiều.
3.
Cụm trưởng Năm Sang đã qua được những đợt kiểm tra gắt gao của địch.
Hai Long đi gặp Cụm trưởng báo cáo những hiện tượng đe dọa an toàn của lưới đã xuất hiện. Anh nhận định:
- Tình hình không bình thường có liên quan trực tiếp tới cả ba người trong lưới. Chúng ta phải tính cách đối phó kịp thời. Tôi đã kiểm điểm lại mọi hoạt động của từng người, chưa thấy có gì sơ hở. Hiếu và Tá Đen chú ý tôi vì chúng nắm được một phần quá khứ của tôi. Anh Trọng không có gì để chúng phải nghi ngờ. Anh vẫn giữ cái thế của Tòa đại sứ Mỹ mà Hướng đã trực tiếp chứng kiến. Riêng anh Hòe, đáng ngại hơn, vì đã có lần bị bắt, và lại là người tôi trực tiếp giới thiệu với Thiệu. Tôi muốn để anh Hòe rút êm khỏi Phủ tổng thống, trở về Tổng đoàn Công kỹ nghệ. Anh Trọng sẽ không rút lui. Chưa chắc Thiệu đã dám bãi miễn anh. Đến nay, chính anh Trọng cũng không biết là đang làm việc cho ta. Có thể Thiệu sẽ không tiếp tục trao việc cho anh Trọng. Nhưng anh Trọng vẫn cứ quan hệ với Tòa đại sứ Mỹ như trước. Và anh Trọng sẽ đi sâu vào khối đa số ở quốc hội của Đặng Văn Sung. Sung là người của CIA. Đi với Sung, anh Trọng sẽ củng cố thêm thế đứng của mình. Anh Hòe cũng sẽ xâm nhập vào khối này, vì anh vốn quen biết Sung và được Sung rất trọng nể.
- Đồng chí phán đoán vì sao lưới của mình lại bị địch chú ý? - Năm Sang hỏi.
- Tôi vẫn nghi ngại về những hoạt động của Cụm ta trong hai đợt tổng tiến công. Đồng chí Thắng có quan hệ mật thiết với anh Trọng. Ta đã cắt quan hệ giữa anh Trọng và đồng chí Thắng từ lâu, nhưng bọn địch vẫn có thể lần ra. Một nhược điểm lớn mà Trung tâm đã lưu ý, là số đông những người trong Cụm đều đã có lần bị chúng bắt giữ dưới thời Diệm. Bây giờ CIA sử dụng lại những tên mật vụ cũ của Nhu, là một vấn đề đáng lo ngại.
- Đồng chí Thắng đã được nhận vào làm tham chánh văn phòng bộ Chiêu hồi.
- Đó là điều đáng mừng, nhưng vẫn phải hết sức đề phòng những ngón đòn của bọn mật vụ. Riêng về đồng chí, tôi thấy đồng chí ở trong này đã quá lâu ngày. Anh em trong Cụm đều sống hợp pháp. Riêng đồng chí sống bất hợp pháp, tôi rất lo. Đồng chí cần báo cáo gấp và xin chỉ thị của Trung tâm.
Năm Sang kết luận:
- Đồng ý những biện pháp đối phó như đồng chí đã đề nghị. Giữ vững quy tắc bí mật trong mọi hoạt động. Cụm sẽ có kế hoạch diệt trừ bọn phản bội đe dọa an toàn của lưới khi cần. Dự phòng một kế hoạch rút ra khi có nguy cơ bị bắt. Việc này tôi sẽ báo cáo gấp về Trung tâm để xin chỉ thị.
Năm Sang nắm chặt tay Hay Long hồi lâu trước khi hai người chia tay.
Cả Trọng và Hòe đã nhanh chóng gây được ảnh hưởng trong quốc hội. Đặng Văn Sung là một nghị sĩ thân chính quyền, nồng nhiệt đón nhận sự cộng tác của ông phụ tá Phủ tổng thống và ông công cán ủy viên Phủ tổng thống (Sung không biết Hòe đã rời khỏi chức vụ này). Hòe được Sung đề cử vào làm ủy viên của Hội đồng kinh tế quốc gia, một cương vị còn cao hơn chức vụ của anh trước đây ở Phủ tổng thống. Hạ nghị viện có 4 khối. Khối độc lập của Thiên chúa giáo vẫn do Hai Long nắm. Trọng nắm được thêm khối Xã hội dân chủ của Đặng Văn Sung. Hòe nắm được Nguyễn Mậu, trưởng khối Thống nhất. Thiệu chỉ còn nắm khối Dân tộc qua viên phụ tá Nguyễn Cao Thăng. Hai Long thấy nên thử sức những lực lượng này trong dịp Thiệu định đưa người nhà của mình làm đại sứ tại Lào. Nguyễn Cao Thăng vung tiền mua phiếu ủng hộ người của Thiệu trong quốc hội. Hai Long bàn với Hòe và Trọng cùng mình vận động cho một nhân vật khác là luật sư Hoàng Cơ Thụy. Khi bỏ phiếu, 3 trong 4 khối bỏ phiếu cho Hoàng Cơ Thụy, người của Thiệu bị rớt. Phía thân chính quyền lép vế. Sau đó, mỗi lần có đầu phiếu, Nguyễn Cao Thăng đều phải chạy tới nhờ Trọng và Hòe vận động giúp mình.
Nhưng những dấu hiệu đe dọa sự an toàn của lưới vẫn tiếp tục xuất hiện.
Trọng băn khoăn nói với Hai Long:
- Gần đây, có mấy tên lạ mặt thường thay nhau đi theo tôi. Tôi cảm thấy vì những tin đồn tôi sẽ làm thủ tướng mà có kẻ định ám hại mình chăng?
Hai Long khuyên:
- Anh nên cẩn thận đề phòng. Không phải có kẻ định ám hại anh, mà nó đang theo dõi mọi hoạt động của anh. Khi tình hình có gì bí, ta sẽ xử trí theo phương án dự phòng. Còn hiện nay, cách đối phó tốt nhất là không để sơ hở gì, tiếp tục củng cố thế lực của anh ở Tòa đại sứ Mỹ và trong khối nghị sĩ, hướng họ dùng sức mạnh đa số làm áp lực với Thiệu. Chừng đó, Thiệu muốn làm gì cũng phải nể.
Thắng cũng phát hiện một hôm anh cùng với Năm Sang về nhà thì có người đi theo. Vợ Thắng nói thỉnh thoảng lại có một tên lạ mặt lảng vảng trước nhà.
Hai Long rất mừng khi đdược Trung tâm thông báo cụm trưởng đã rút ra cứ an toàn. Nhưng trách nhiệm của anh lại nặng hơn, vì nhiệm vụ chỉ huy Cụm được trao lại cho anh.
Nguyễn Văn Hướng trực tiếp gặp cha Nhuận và Hai Long, đề nghị khuyên Trọng nên từ chức phụ tá Phủ tổng thống, vì cách làm việc của Trọng không hợp với Thiệu.
Hai Long bàn với cha Nhuận:
- Ông Thiệu gần đây bộc lộ nhiều nhược điểm, hễ ai nói trái ý thì dù người đó có công đến mấy với mình cũng tìm cách đẩy đi cho rảnh mắt. Bernard Trọng là giáo dân, có quan hệ rất tốt với Mỹ, là người đã góp phần đưa ông Thiệu lên ghế tổng thống, lại vừa củng cố địa vị của ông Thiệu qua chuyến công du Mỹ vừa rồi. Công chưa được trả, bây giờ chỉ vì đôi lời thất thố mà bị đẩy đi! Thiệu không muốn trực tiếp nhúng tay vào việc để tránh tiếng thiếu thủy chung, mà gạt trách nhiệm cho cha con ta! Con sẽ không làm việc này. Phụ tá đặc biệt Phủ tổng thống là do sắc lệnh của tổng thống bổ nhiệm, ông Thiệu thấy cần loại bỏ thì ông Thiệu cứ ra sắc lệnh bãi miễn, can chi tới mình!
Cha Nhuận sầm nét mặt:
- Tôi cũng thấy ông Thiệu thay đổi nhiều, nhiều lời đàm tiếu. Việc để hoặc bỏ ông Trọng, mặc ông Thiệu và ông Hướng tôi không dính vô!
Tháng 5, Hai Long bất ngờ nhận được thư của De Jaegher. Từ tháng 10 năm trước, Hai Long đã gởi cho De Jaegher mấy lá thư, nhưng ông linh mục hoàn toàn giữ im lặng. Quan hệ giữa hai người coi như cắt đứt. Tại sao De Jaegher lại gửi thư cho anh vào dịp này. Trong thư, De Jaegher thanh minh là không tới gặp anh trong dịp viếng thăm Sài Gòn vì một điều khó nói, Thiệu muốn ông chỉ cần gặp mình là đủ. Ít lâu nay, ông ta vẫn liên lạc trực tiếp với Thiệu hoặc qua trung gian của Kiểu. Ông thấy cần tiếp tục mối quan hệ thân tình và hữu ích với Hai Long như trước đây... Sự thật đúng như thế chăng? Hay CIA đã nhận thấy sai lầm vì yêu cầu ông linh mục cắt đứt quan hệ với anh, nên khuyên ông nối lại, cho chúng tiếp tục giăng bẫy và sập bẫy?
Hai Long quyết định chuyển lá thư cho Thiệu. Mọi lần nhận được thư hoặc sách của De Jaegher, anh thường trực tiếp đưa Thiệu xem. Lần này, anh nhờ cha Nhuận chuyển cho Thiệu. Nếu lý do của De Jaegher đưa ra là bịa đặt, thì đúng đây là một mưu kế của CIA. Nếu đó là sự thật, thì cũng nhắc nhở cho Thiệu là kẻ xấu chơi. Cha Nhuận nói Thiệu im lặng sau khi đọc thư. Như vậy, có thể De Jaegher đã nói đúng sự thật. Nhưng cũng vẫn không loại trừ khả năng cả hai nhân vật chống Cộng này cùng thống nhất với nhau để đưa anh vào bễy...
4.
Những dòng chữ hiện lên trên mảnh giấy nhỏ sau khi được xử lý qua dung dịch. Nét chữ của đồng chí cụm trưởng.
"Gửi A.22
Theo những hiện tượng đồng chí báo cáo, lưới của đồng chí đang bị địch bám sát, có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Cần hết sức thận trọng trong khi di chuyển, bằng mọi cách không để địch bắt cóc bất ngờ không ai biết, hoặc địch thủ tiêu.
Sẵn sàng rút ra căn cứ tùy theo diễn biến tình hình, và do đồng chí quyết định.
Yêu cầu cung cấp tin tức về hội nghị Midway về Việt Nam hóa chiến tranh.
(Cụm trưởng ký tên)"
Hai Long và Hòe ngồi nhìn nhau.
Hai Long mỉm cười:
- Mình được dành quyền tự quyết định.
- Không thể rút bây chừ vì cấp trên còn trao nhiệm vụ.
- Ta chỉ rút khi có nguy cơ trực tiếp sắp bị bắt. Cũng có thể là vào lúc đó... không còn điều kiện. Nhưng rút ra được cũng như bị địch bắt không khác nhau, đều có nghĩa là kết thúc cuộc chiến dấu.
Ý nghĩ phải kết thúc sự nghiệp chiến đấu này giữa chừng chợt khiến lòng anh đau như cắt.
5.
Trong tháng 5, sáu đảng phái chống Cộng liên kết với nhau thành Mặt trận quốc gia dân chủ xã hội đứng về phe cầm quyền (trong đó có lực lượng Đại đoàn kết của Nguyễn Gia Hiến và Việt Nam Nhân xã đảng của Trương Công Cừu), do Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch.
Cùng lúc, liên minh đối lập cũng hình thành. Trong liên minh này, những lực lượng đáng kể là Mặt trận công dân các tôn giáo của cha Hoàng, Mặt trận nhân dân cứu nguy dân tộc của Trần Văn Đôn, Phong trào quốc gia cấp tiến của Nguyễn Văn Bông.
Tòa Tổng giám mục và Tòa Khâm sứ tán thành việc tổ chức một đoàn thể lớn, tập hợp đông đảo giáo dân đáp ứng với tình hình mới, nhưng không đồng ý đặt tên là Đoàn vệ sĩ Công giáo Việt Nam, khuyên nên đổi là Đoàn nghĩa sĩ công lý Việt Nam. và khuyến cáo đưa Hai Long làm chủ tịch. Ý kiến này được nhiều linh mục tán thành. Cha Hoàng từ lâu vẫn rắp tâm muốn đưa Hai Long thành người kế tục mình, khuyên anh nên nhận lời. Mặt khác, tin đồn lan truyền về chuyện mưu sát 4 linh mục làm nhiều cha cố e ngại, không muốn xuất đầu lộ diện trong một tổ chức lớn của Công giáo sắp thành lập với mục đích rõ ràng là đấu tranh chính trị.
Hai Long nhận lời. Anh cần khẳng định vai trò trong Công giáo để bọn CIA phải e dè khi định đụng tới mình. Cuộc vận động tiến hành sôi nổi với sự yểm trợ của giáo hội. Đại hội thành lập được quyết định vào tháng 7-1969, nhân dịp ngân khánh 25 năm của linh mục Trần Ngọc Nhuận.
Cha Hoàng, cha Nhuận, cha Lãm đều lo lắng cho sự an toàn của Hai Long, khuyên anh nên hết sức đề phòng. Các cha bàn nhau cử một nhóm vệ sĩ giáo dân luôn luôn đi sát để bảo vệ cho anh. Anh kiên quyết khước từ:
- Con đã suốt đời giữ mình trong sạch, chỉ làm điều lành, không làm điều dữ, không hề gây thù oán với ai. Con đã nguyện tử vì đạo, bây giờ đi tới đâu cũng có người bảo vệ lo cho mạng sống của mình, e trước mắt giáo dân, sẽ không còn là người trước sau như nhất. Đã phó mặc hồn xác nơi Chúa, nếu có bị bắt bớ giam cầm cũng là do ý Chúa, nếu bị giết hại là được trở về nước Chúa.
Các cha đều tỏ ra cảm phục trước tinh thần quên mình vì giáo hội của Hai Long.
Giữa tháng 5, cha Nhuận chuyển lời cha Hoàng nhắn Hai Long về gấp nhà thờ Bình An có việc cần.
Hai Long nhờ Hòe lấy xe của Trọng đưa anh vào Bình An. Theo chỉ thị của Cụm, đề phòng bị địch bắt cóc hoặc sát hại bất ngờ, gần đây Hai Long hết súc tránh đi một mình và xuất hiện ở những nơi vắng vẻ. Khi ở Phủ tổng thống về khuya, anh dùng xe của Thiệu với đội bảo vệ. Những lúc khác, bao giờ cũng có Hòe ở bên. Hòe cao lớn, có dáng người chơi thể thao, cũng làm bọn côn đồ phải e dè. Điều quan trọng vẫn là tránh trường hợp bị bắt cóc hoặc thủ tiêu mà không có người biết.
Cha Hoàng gặp Hai Long với vẻ đặc biệt lo lắng và khẩn trương:
- Hôm qua có hai tên Mỹ tới đây, hỏi mình về thầy rất nhiều. Bọn hắn đề nghị mình tả hình dáng rồi hỏi về khả năng, đạo đức, vị trí trong Thiên chúa giáo, mối quan hệ giữa thầy với mình. Cuối cùng, chúng đề nghị mình đánh giá về thầy. Cũng đã có nhiều anh tới hỏi mình về những người quen biết nhưng không ai như mấy tay Mỹ này... Thầy thấy Thiệu có gì khác ý không?
- Thiệu đối với con vẫn như trước. Nhưng có thể bên trong còn có điều gì mà con chưa nhận ra, vì Thiệu là người thâm hiểm.
- Sau khi mình đứng vào Liên minh đối lập, Thiệu nói gì?
- Thiệu có than phiền với con về chuyện đó. Nhưng con giải thích: cha Tổng làm như vậy để nắm lực lượng này, giúp ông được nhiều hơn.
- Thầy cần coi chừng Thiệu. Thiệu không có cái đức của Diệm, cái tài, cái chí của Nhu, cái hiếu của Cẩn, Thiệu chỉ có tham lam và thâm hiểm, bạc nghĩa, bạc tình, nên làm ăn với Thiệu rất khó. Kỳ tuy lố lăng, cao bồi nhưng về con người vẫn còn hơn Thiệu.
- Con phải cộng tác với Thiệu vì quyền lợi của giáo hội. Con đã nhận thấy Thiệu là người thiếu thủy chung, nhưng vẫn lấy nhân nghĩa đãi Thiệu, chỉ làm lợi cho Thiệu mà không cần trả ơn để cảm hóa Thiệu. Gần đây, Thiệu đã quay mặt với nhiều người. Nhưng với con, Thiệu còn chưa thay đổi, vì Thiệu vẫn cần con. Suy cho cùng, Thiệu cần mình, chứ mình cần gì ở Thiệu! Chỉ cần Thiệu hơi khác ý, là con lập tức trở về Bình An với cha.
- Thày hiền lành, thánh thiện quá nên không hiểu hết lòng dạ kẻ dữ! Kẻ dữ không phải chỉ không trả ơn, mà còn muốn hại người làm ơn cho mình... Bây giờ quay lại chuyện hai thằng Mỹ. Thoạt đầu, mình cứ để chúng hỏi, coi chúng muốn tìm hiểu về thầy những gì, xem chúng là ai. Mình trả lời chúng, thầy là người có nhiều công lao với giáo dân Phát Diệm, là phụ tá của cha Lê cai quản giáo khu Phát Diệm từ trước hồi di cư 1954, nay là cố vấn của mình, cố vấn của tổng thống Thiệu, là một lãnh tụ Thiên chúa giáo, là chủ tịch Đoàn nghĩa sĩ công lý Việt Nam sắp ra mắt quốc dân. Từ ngày di cư vào Nam, thầy đã cộng tác với mình như bóng với hình. Thầy là người đạo đức, thánh thiện, dễ cảm hóa người chung quanh, được đồng bào cảm mến, các cha tin yêu, và riêng cá nhân mình thì rất trọng nể, tín nhiệm... Chúng hỏi có phải những văn bản của mình đều do thầy viết ra không? Mình nói có cái mình phác ra ý kiến cho thầy viết, có cái mình viết rồi đưa thầy góp ý kiến. Chúng lại hỏi sao thầy có nhiều tên như vậy? Mình nói: Vũ Đình Long là tên cha mẹ đặt, Vũ Ngọc Nha là tên thầy tự đặt, Hoàng Đức Nhã là tên mình đặt cho thầy theo họ của mình, còn Hoàng Long là tên gia đình ông Diệm đặt khi thầy làm cố vấn cho Ngô Đình Nhu... Cuối cùng, mình truy lại chúng, vì sao lại tới hỏi mình về thầy như vậy? Một thằng trả lời, bọn hắn có nhiệm vụ tìm hiểu kỹ về những người có tiếng tăm trên chính trường Việt Nam cộng hòa trong lúc đang tìm một giải pháp chính trị cho Việt Nam. Mình nói: Một người như giáo sư Nhã cũng hiếm có! Chúng cảm ơn mình rồi ra về. Qua cung cách bọn này thì trăm phần trăm là CIA. Thầy thấy sao?
- Con muốn được nghe nhận định của cha trước.
- Mình thấy, một là, biết ta sắp cho ra đời một đảng Công giáo rất lớn, nên Mỹ cho đi điều tra về người cầm đầu; hai là, Thiệu thấy mình khác ý với nó, đứng về phía đối lập nên nó kiếm cách hại thầy. Nó lo ta xây dựng lực lượng chính trị để gạt nó trong giải pháp chính trị sắp tới nên nó vu cáo cho thầy điều gì đó, mượn tay CIA hãm hại. Thầy cần dò xét và hết sức tỉnh thức!
- Con nhất trí với sự phân tích và phán đoán của cha. Rõ ràng đang có những âm mưu nhắm vào những nhân vật đứng đầu phong trào Công giáo. Trước là các cha, bây giờ thì với con. Có thể do Thiệu, như ý kiến cha. Cũng có thể do chính CIA chủ động làm. Vì Nixon đang có quyết tâm bảo vệ Thiệu. Nhưng cũng có thể do những phe phái, những phần tử đố kỵ, bầy trò vu cáo như trước đây chúng đã làm, lần này chúng chuyển sang vu cáo chính trị để mượn tay CIA hại con. Rồi đây mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Cha Hoàng lo lắng:
- Vậy mình có nên tổ chức sớm đại hội không?
- Con thấy lại cần phải xúc tiến nhanh. Nếu mình lùi, nó biết mình sợ, càng làm tới. Chỉ có sức mạnh của toàn thể giáo dân mới làm chúng chùn tay.
- Nhưng chúng sẽ dồn cả sự chú ý vào thầy?
- Chắc chắn như vậy. Không thể vì sự đe dọa đối với con mà ảnh hưởng tới cuộc đấu tranh của cả giáo hội. Nếu con có mệnh hệ nào, thì sẽ có người khác thay con. Dù có con hay không có con thì cũng phải tiến hành đại hội...
Hai ngày sau đó, lại đến lượt cha Nhuận kể lại với Hai Long hai tên Mỹ đã tới nhà thờ Phát Diệm gặp mình, hỏi về anh những điều đúng như chúng đã hỏi cha Hoàng.
6.
Truớc khi vào Phủ Đầu Rồng, Hai Long ghé qua Nha tuyên úy Hải quân Mỹ. Hai ông linh mục không còn giữ vị trí quan trọng như hồi Johnson đang tại chức. Nhưng họ vẫn là những người rất am tường mọi tin tức.
Anh báo tin mình được đề cử làm chủ tịch một đảng Công giáo lớn sắp thành lập. Hai vị linh mục đều tỏ vẻ vui mừng, nói chủ trương này được đề ra rất đúng lúc.
Anh nói tiếp:
- Thiệu lại lo mất ăn mất ngủ về hội nghị Midway! Thiệu hỏi tôi đi liệu có trở về nữa không, hay là đi luôn như mấy ông tổng thống châu Phi?
- Người bạn của O⬙Connor mỉm cười:
- Nói theo kiểu người Á châu thì Thiệu là một con sư tử có trái tim của con chuột nhắt. Giáo sư nói cho Thiệu yên tâm, là Nixon sẽ bảo vệ Thiệu như bảo vệ con đẻ của mình. Tại hội nghị sẽ không có gì khác ngoài những điều chính Thiệu cũng đã biết. Nixon sẽ cụ thể hóa chủ thuyết về Việt Nam của mình, là chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đưa quân dội Việt Nam cộng hòa làm nhiệm vụ chính trong chiến tranh thay thế cho quân Mỹ rút dần. Mỹ sẽ cam kết tăng cường viện trợ kinh tế và trang bị cho quân lực Việt Nam cộng hòa để đẩy mạnh công tác bình định. Tóm lại là giải quyết chiến tranh địa phương bằng lực lượng bản xứ với cố vấn và viện trợ Mỹ...
Đã hai ngày Hai Long không vào dinh. Anh nhờ cha Nhuận chuyển cho Thiệu bản cương lĩnh của Đoàn nghĩa sĩ công lý Việt Nam. Thiệu đọc xong nhận xét: "Đoàn này giống như đảng Dân chủ Thiên chúa giáo ở Tây Đức". Thiệu nhắc anh hôm nay vào dinh để trao đổi về hội nghị Midway.
Vợ Thiệu đã lo chuẩn bị cà phê, bánh ngọt và trái cây cho chồng tiếp khách.
Thiệu ngước cao mặt hỏi Hai Long với vẻ vừa than vãn vừa tự mãn:
- Anh giáo đã thăm dò giùm tôi cái hội nghị "nửa đường nửa đoạn" này là cái gì chưa[3]? Hay là gặp gỡ giữa đường rồi "anh đi đàng anh, tôi đi đàng tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi!"[4].
- Theo tôi biết thì anh đi chuyến này sẽ gặp nhiều thuận lợi...
Hai Long nói với Thiệu những điều mình đã nghe về nội dung hội nghị.
Thiệu tươi tỉnh:
- Nghe anh nói, tôi cũng an lòng. Vừa qua, nhờ mấy thầy coi tướng ông Nixon, thì đều nói đây là một tay gian hùng và cuộc đời ông này còn gian truân lắm. Không biết mình cộng tác với ông ta liệu có bền không?
- Không lâu bền thì cũng phải hết nhiệm kỳ bốn năm...
Cha Nhuận nói:
- Ông giáo thường nắm tình hình không sai. Tổng thống cứ vững lòng mà đi phó hội. Ở nhà, các cha sẽ cầu nguyện cho tổng thống...
Thiệu chỉ ở Midway vài ngày. Khi trở về, vẻ mặt hớn hở. Y đưa những vật kỷ niệm đem từ hòn đảo này về tặng cha Nhuận và Hai Long
Thiệu hí hửng khoe ngay:
- Nội dung hội nghị không có gì khác ngoài những điều anh giáo đã dự đoán. Nhưng mình phải giành cơ hội tốt để lấy điểm với Nixon, ăn thua là điểm cao hay thấp. Thấy trong bản tuyên bố chung của Nixon dự thảo có câu "quân đội Mỹ rút lui", tôi đề nghị sửa là "quân đội Việt Nam cộng hòa sẽ thay thế quân Mỹ triệt thoái". Như vậy là quân đội ta đủ mạnh để thay thế quân đội Mỹ rất mạnh, ta thay thế quân Mỹ vì ta đủ sức chứ không phải vì Mỹ thua mà phải rút lui. Nghe tôi lý giải, Nixon khoái quá, xoa tay bằng lòng, rồi đứng ngay dậy bắt tay tôi để tán thưởng và cảm ơn tôi. Thấy Nixon đắc ý với câu này, tôi mới ngoắc ông ta vào cái thế phải cam kết tăng cường quân đội Việt Nam cộng hòa đủ sức mạnh thay thế quân đội Mỹ, không có vấn đề liên hiệp với Cộng sản, hiến pháp của Việt Nam cộng hòa sẽ được tôn trọng. Nixon cam kết ba điều này là phải giữ gìn tôi còn gì! Ông Nixon còn hứa giúp đỡ về bình định và phát triển kinh tế.
Thiệu vui vẻ kể thêm vài câu chuyện về cá tính của Nixon. Rồi y cho gọi viên thiếu tá Tôn Thất Ái Chiêu, một người bà con được chọn làm cận vệ thân tín của Thiệu. Thiệu ghé tai Chiêu nói nhỏ điều gì. Chiêu đi một lát rồi quay lại với hai bọc tiền lớn, mỗi bọc một triệu đồng.
Thiệu nói với cha Nhuận và Hai Long:
- Để bày tỏ lòng biết ơn Chúa và các cha đã cầu nguyện cho con, con có một số tiền nhỏ tiếp tục góp vào việc xây dựng hai nhà thờ Phát Diệm và Bình An, xin cha nhận số tiền này và nhờ ông giáo chuyển số tiền này cho cha Hoàng.
Đây là thói quen mỗi lần Thiệu giành được một thắng lợi.
Hai Long gặp Bùi Diễm, người cùng đi hội nghị Midway với Thiệu kiểm tra lại những điều Thiệu đã nói, rồi làm báo cáo gửi về Trung tâm.---
[1] Paul
[2] Pierre
[3] Thiệu chơi chữ. Midway có nghĩa là "nửa đường". Hòn đảo này nằm giữa Thái Bình Dương.
[4] lời một bài hát