Phải lấy người như anh

Nắng hửng và quãng đường năm cây số trên xe đạp làm Thanh vã mồ hôi. Cơn sốt dường như cũng dịu đi đôi chút. Chàng rẽ vào khu phố cổ. Những khung cảnh dường như không thay đổi so với ngày hôm trước, vẫn chừng ấy đồ đạc, chừng ấy hoạt động, ngay cả con chó béo nằm ở một cái hiên nhà cũng vẫn giữ nguyên tư thế như khi chàng nhìn thấy nó lần đầu. Chiếc đồng hồ cũ bị nước vào, điện thoại hết pin, chàng chẳng rõ đã mấy giờ, chỉ thấy có cảm giác thời gian bỗng nhiên chựng lại vì nỗi thanh thản bao phủ trên từng nếp nhà thấp ngói ngả màu sẫm và con phố hẹp quanh co thưa người. 
Phố cổ không có vỉa hè, chỉ có những thềm nhà cao thấp khác nhau. Thanh dựng xe bên ngoài gallery mang cái tên khó hiểu T.C, tối qua chàng không nhìn rõ tấm biển, cũng quên để ý số nhà, đành phải lấy mốc là dàn hoa leo không tên màu đỏ hồng trắng lẫn lộn. Thật may cho chàng là ở Hội An người ta không có thói quen phá bỏ nhà cửa cây cối chỉ sau một đêm như ở Hà Nội hay những nơi đang đô thị hoá điên cuồng. Còn đang ngửa cổ nhìn lại cái lan can và cửa sổ, chàng thấy một giọng tiếng Anh chuẩn nhưng không có ngữ điệu cất lên nhắc chàng để xe hẳn lên hiên nhà kẻo vướng đường đi của mọi người. Chủ nhân của giọng nói là một người phụ nữ trung tuổi tóc ngắn uốn quăn kiểu tỉnh lẻ, chị mặc áo bà ba màu trứng sáo, túi áo phồng lên vì một cuộn len, tay vẫn đang cầm que đan thoăn thoắt. 
Thanh mỉm cười vì nhớ lại lời giới thiệu về một giọng nói sexy của anh chàng người Ý, chàng nhấc xe để hẳn vào phía dưới mái hiên. Chẳng buồn lấy chiếc áo khoác đang vắt ở giỏ xe, chàng bước vào, ngắm nghía. Căn nhà nhỏ không thật sự cổ vì có rất nhiều chi tiết xây bằng gạch nhưng vẫn có nét cũ kỹ xa xưa nhờ những cánh cửa, hàng cột gỗ và một cái gọi là cửa sập thông tầng trệt với không gian phía trên. Thanh đoán là để lấy ánh sáng và thông gió cho gác xép. 
Những bức tranh treo thưa vừa phải tạo khoảng trống để người xem có thể ngẫm nghĩ và thư giãn. Kiểu bài trí này khác hẳn với lối xếp tranh la liệt không hở ra một centimét trống nào của những gallery hàng chợ xung quanh. Và tranh ở đây cũng khác.
Một vài bức thuốc nước khổ nhỏ vẽ hoa, quả hay trẻ em chơi đùa, màu sắc tươi sáng, đường nét không quá tỉa tót nhưng các chi tiết đều sinh động và gọn gàng chừng mực. Hai bức sơn dầu phong cảnh khổ lớn một vẽ phố cổ tĩnh lặng trong đêm trăng một vẽ thị xã chìm trong biển nước lũ, màu sắc mạnh, nét cọ và dao phết màu thô ráp, dữ dội. Một trong hai bức đã được gắn mảnh giấy có chữ sold (đã bán). Bức còn lại đề 888$, nữ hoạ sĩ này quả là biết cách đặt giá cho tranh. 
Ở cuối phòng, bốn bức tranh theo kiểu tố nữ được dựng thành một chiếc bình phong ngăn gian trong. Tranh sơn mài, phong cách siêu thực, những tố nữ trong tranh có gương mặt và thân hình dài méo mó hoặc gấp khúc đến dị dạng, người trong bức thứ nhất cầm cọ tô màu xanh lên chính chiếc áo trắng của mình, người trong bức thứ hai cầm ly rượu đổ lên vai áo khiến nó biến từ màu xanh sang trong suốt, người thứ ba ghì chặt một bông hoa hồng vào ngực khiến máu loang đỏ chiếc áo trong suốt, người thứ tư thì đứng giữa đêm đen và đang dùng ngọn lửa đèn lồng đốt cháy tay mình. 
Thanh không hiểu nhiều về hội hoạ, ngắm bức tranh, chàng lờ mờ thấy một cảm xúc rất mạnh mẽ hay một điều gì đó quen thuộc lắm nhưng không thể cắt nghĩa được. Quay lại nhìn người phụ nữ trung tuổi đang mải miết với những que đan, chàng cất giọng khàn khàn hỏi về thứ “đặc sản” của gallery mà đôi vợ chồng người Ý đã hết lời ca ngợi. Chị trố mắt vì ông khách Việt “tưởng đâu người Hàn Quốc” một lát rồi nhìn quanh quất như tìm kiếm: 
- Tranh vẽ Vespa hả, có… ủa mà… cha trời, bữa ni lại không còn bức nào.
- Bán hết rồi hả chị?
- Mần chi mà gấp rứa! - chị lẩm bẩm giơ hai bức tranh cỡ 40x30 đã được bọc giấy báo và nylon xốp chống va đập - Chú thông cảm nhe. Chiều qua tui còn thấy ba bức, chừ chỉ còn hai bức mà cũng vô bao hết rồi. Con nhỏ em tui đang đau không có vẽ tiếp được… 
- Vậy không phải chị vẽ tranh? 
- Không, là em gái tui - chị chỉ vào chiếc ghế tre có đệm kẻ carô đặt cạnh tấm bình phong tố nữ - Bữa ni con nhỏ đau chớ ngày thường ngồi vẽ tới khuya. Chừ nằm nghỉ trên gác. Hay chú để lại yêu cầu, mai con nhỏ hết bệnh nó vẽ gấp cho.
Thanh còn chưa kịp trả lời thì có tiếng reo: - Anh Thanh ở đây hả? Dứt lời, Uyên cầm chiếc áo khoác mà vừa nãy chàng bỏ ở giỏ xe tới bên chàng, giọng trách móc nhưng vẫn ngọt ngào như hát: 
- Anh phải giữ sức khoẻ để đi thi đó. Còn không mặc áo vô đi? 
Thanh mỉm cười độ lượng, chàng cầm chiếc áo khoác vào người. Uyên lại nhăn mũi nũng nịu: 
- Áo anh hôi quá à! 
- Anh đi mưa mà. 
- Trời đất ơi, đi mưa mà không thay áo đi? Hèn chi giọng như con mèo ướt rồi kìa. Rồi mai làm sao thi? 
- Để Khanh nói thay anh cũng được. 
- Nhưng lên nhận giải thì anh phải phát biểu đó. 
Thanh lắc đầu, giơ mấy bức tranh khổ nhỏ như bưu thiếp vẽ mèo và chó lên lật xem. Uyên vẫn lanh chanh: 
- Tranh mèo ở gallery nào cũng giống nhau hết, chán thấy mồ, anh xem một lát rồi sang chọn vải may đồ với em nghe! Có nhiều mẫu veston đẹp ghê lắm, họ nhận may cả váy cưới nữa. 
Cô gái Sài Gòn chạy ào ra ngoài, có một hiệu vải khá lớn ở bên đường. Thanh nhìn theo, chẳng vui chẳng buồn, chỉ khẽ lắc đầu. Uyên có kiểu quan tâm và bày tỏ khiến đôi lúc người ta cảm thấy hơi phiền, nhưng cũng chưa đến mức bực mình. 
Người phụ nữ trông gallery thấy chàng cầm mãi bức tranh nhỏ vẽ con mèo mướp béo đang nằm trên mái ngói xa xa là chùa Cầu, chị liền gợi chuyện: 
- Con nhỏ em tui vẽ mèo độc nhất vô nhị ở Hội An chứ không phải ba cái thứ tranh nhái Trung Quốc mô. Con mèo mẫu ni là mèo nhà tui nuôi. 
- Anh Thanh ơi… - Uyên ở bên đường vẫy tay gọi rối rít. 
Thanh định mua luôn bức tranh nhỏ nhưng bỗng sực nhớ ra là mình chưa đi rút tiền. Bức tranh có giá chưa tới 100 ngàn đồng nhưng thậm chí 1/4 số ấy bây giờ chàng cũng không có đủ. Đặt bức tranh mèo xuống, Thanh nói với người phụ nữ, giọng thoáng vui vui vì sự đãng trí của mình: 
- Xin lỗi chị, tôi phải đi, tôi sẽ quay lại sau. 
Cùng với dáng đi hơi hấp tấp của chàng ra phía ngoài, trên gác xép có một tiếng ho, rất khẽ.
* * * 
Vân quàng lại chiếc khăn, cố ghìm tiếng ho. Khi “vị khách” vừa ra khỏi gallery, nàng quay về giường, gập người ho từng đợt rũ rượi, cảm giác như hụt hơi, đau nhói ngực. Mai nghe tiếng ho vội trèo lên gác, vừa sờ trán nàng vừa lẩm bẩm:
- Răng uống thuốc rồi mà càng lúc càng ho dữ rứa? Vẫn sốt, bỏ cái nhiệt kế ra coi, cha trời, 38 độ 8… Vô bệnh viện nghe Vân… Bị như ri không chừng viêm phổi.
Vân chẳng còn hơi sức để nói lời phản đối, nàng chỉ lắc đầu quầy quậy và nhìn Mai với ánh mắt van vỉ. Chị vỗ vỗ lên người nàng như trấn an, một lát sau mới khẽ lắc đầu: 
- Sợ tới mô cũng phải quý cái mạng mình hơn chớ! 
Vân không trả lời, nằm ngay ngắn lại, nhắm hờ mắt, cố gắng thở sâu đều đặn. Để mặc gallery ở dưới không ai trông, Mai lấy khăn dấp nước lạnh đắp lên trán Vân rồi ngồi bên giường mải miết đan len, thỉnh thoảng chị dừng tay nhìn về phía người đang nằm thiêm thiếp, ánh mắt trìu mến. 
- Chị ơi, chị xuống đóng cửa đi. 
- Mi đồng ý đi bệnh viện rồi hả? 
- … 
- Răng đóng? Để đó hại chi mô.
Vân không nói thêm mà quay mặt vào vách vờ ngủ. Mai là người chất phác, chị không thể đoán ra người khách vừa rồi là ai, càng không thể hiểu được những xáo trộn trong lòng nàng từ tối qua đến giờ. Hai năm qua, nàng và người đàn bà hồn hậu này nương tựa vào nhau ở cái thị xã nhỏ bé ven sông Thu Bồn. Nếu không có Mai cùng kiến thức của một y sĩ công tác ở vùng sâu của chị, chắc Vân đã chẳng còn cơ hội rời khỏi cái sân ga đìu hiu ấy… 
* * * 
Tàu đến ga Đồng Hới thì đã gần 8 giờ sáng. Những tia nắng mùa đông xuyên qua lớp màn cửa mỏng trên tàu. Cơn đau ê ẩm ở lưng dường như càng lúc càng nặng hơn, Vân rời khỏi giường ra cửa nhìn quang cảnh buồn bã của nhà ga tỉnh lẻ, vài quầy hàng nhỏ tạm bợ bày những đồ ăn thức uống rẻ tiền, một tấm biển vệ sinh tắm giặt làm bằng bìa phất phơ trong gió. Vân nhìn tấm biển, cảm giác chòng chành váng vất thôi thúc bước chân của nàng. Nhà vệ sinh trên tàu không bẩn nhưng thứ tiếng ồn phát ra từ đường ray phía dưới như thể một cái máy nghiền thịt công nghiệp của nó khiến nàng không thể chịu nổi. Xuống tàu mua một hộp sữa tươi và mấy quả chuối tây còi cọc, nàng đi về phía tấm biển. Nhưng mới chầm chậm bước được nửa quãng đường ngắn, Vân khuỵu xuống. Một đám trẻ con nô nghịch mải đuổi nhau đã va phải nàng. Trong âm thanh lơ mơ của tiếng loa gọi khách ổn định chỗ ngồi để tàu tiếp tục chuyển bánh, nàng lịm đi.
Vân tỉnh lại trong một căn phòng sáng sủa của trạm xá nhà ga. Người đã đưa nàng vào đây không phải y sĩ nhà ga mà là một bác sĩ đang đợi tàu về Đà Nẵng. Chị gầy, khó đoán tuổi vì vẻ khắc khổ cằn cỗi, đống túi làn lỉnh kỉnh dàn hàng ngang dưới sàn. Thấy Vân định ngồi lên, chị vội chồm dậy ấn nàng trở lại giường, nói vừa đủ nghe:
- Nằm nguyên nớ! Vừa bỏ thai chui phải không? 
- Sẩy, không sót rau. 
- Thằng cha lang băm nào nói không sót rau! 
Gương mặt khắc khổ vụt trở nên phẫn nộ, chị quay ngoắt ra bảo cô y tá trẻ măng: 
- Tiêm một ống Oxytoxin 10 đơn vị rồi trông chừng…
- Chị ơi – Vân nhổm dậy. 
- Đã nói nằm nguyên mà. Tui đi gọi xe chở em vô viện. 
Bệnh viện đa khoa Đồng Hới kết luận Vân bị sảy thai nhiễm khuẩn. May là Mai đã xử trí kịp thời nên nàng nhanh chóng cầm máu và không phải cắt bỏ tử cung. Không thể đi tiếp vào Sài Gòn như đã định, hành lý ở trên tàu chưa biết có thể lấy lại hay không, Vân chỉ còn biết nhờ vào lòng tốt tự nhiên như hơi thở của Mai. Cứ như vậy, chị lo lắng đùm bọc Vân tới lúc nàng ra viện. Và hai người đàn bà bất hạnh tựa vào nhau mà sống qua hơn 700 ngày mưa nắng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui