Thực ra lúc ấy Văn Thời rất ư là dính người.
Nhưng nó sẽ không nói mà cũng không quấn quít Trần Bất Đáo để đòi hỏi gì.
Nó không cần ôm, không cần dắt.
Cách dính người của nó chính là lặng lẽ đi gần người nọ.
Như thể nơi nào có Trần Bất Đáo mới có thể khiến nó an tâm nán lại.
Tuy Trần Bất Đáo là người đặt cái tên Văn Thời này, nhưng hắn chưa gọi thế đàng hoàng bao giờ, luôn lấy biệt danh cho Văn Thời.
Nếu Văn Thời rầu rĩ không hé răng, Trần Bất Đáo sẽ gọi nó là ‘cậu bé câm’.
Nếu Văn Thời nhắm mắt theo đuôi mình tới nhiều nơi hệt như một nắm tuyết, Trần Bất Đáo đã gọi nó là ‘cái đuôi nhỏ’.
Bệnh hay quên của đứa nhỏ này cũng nặng lắm, chỉ cần không nhắc đến những chuyện không vui nữa, nó sẽ nhanh chóng ném chúng ra sau ót.
Ban đầu Văn Thời cũng như thế này ——
Trần Bất Đáo ngâm thuốc cho nó mấy ngày, sương đen trên tay dần ẩn xuống, cũng đã có thể ngủ ngon tới hừng đông, thế là nó lại cảm thấy có vẻ như đó cũng không phải chuyện gì to tát cả.
Thực ra đó là do nó đã khỏe lên từ cơn cảm lạnh, tâm trạng mới yên ổn.
Nhưng nó không biết, cứ tưởng thể chất của mình đã thay đổi, mấy thứ núp trong người nó cũng ít đi.
Năm đó có lẽ là năm mà Văn Thời có ít gánh nặng nhất.
Nó còn mang cả Kim sí Đại bàng xuống núi dạo chơi nữa.
Nhưng nó chơi một cách rất có kiềm chế, cũng rất ư là an tĩnh.
Người dưới chân núi vẫn kêu nó là ác quỷ.
Khi thấy nó, bọn trẻ sẽ chọi đá tới từ đằng xa hoặc quay đầu chạy mất, như là ở lâu thêm nữa sẽ bị nó lột da ăn thịt vậy.
Bởi thế nên Văn Thời chưa từng đi tới những nơi nhộn nhịp, hay chọn những chỗ không người, ví dụ như khe núi, rừng cây, và khe nước.
Riết rồi điều này cũng trở thành bản tính của nó.
Chắc do nó không quá hoạt bát, nó thích những thứ còn sống và linh hoạt.
Đỉnh núi Tùng Vân thì quá lạnh, nên không có nhiều vật còn sống cho mấy.
Nó mà thấy một ổ thỏ, vài chú rùa và hai con cá thì cũng có thể đứng ngắm rất lâu.
Khi làm tổ trong mảnh rừng nọ, thỉnh thoảng nó sẽ gặp phải một bà cụ đi hái thuốc.
Mối quan hệ giữa bà cụ và nó cũng khá sâu xa.
Lúc trước nó được Trần Bất Đáo mang về và để nuôi dưới chân núi trong nhà bà cụ đó.
Nuôi không được bao lâu, vả lại đứa nhỏ cũng chưa biết nhớ, tình cảm cũng không mấy sâu đậm.
Nhưng bà cụ ấy là người duy nhất hết lòng thể hiện thiện ý với nó trong số đám người sống dưới chân núi.
Mỗi lần thấy nó tại cánh rừng, bà luôn nhét cho nó chút đồ.
Đôi lúc là trái cây đã được rửa sạch, có khi sẽ là bánh chưng nhà tự làm.
Trái cây thường quá chín mềm, bánh thì hơi khô, cũng không phải món ăn ngon gì đối với một đứa con nít.
Nhưng Văn Thời luôn ngồi xếp bằng ở bên đó và ăn sạch sẽ trước ánh nhìn của bà cụ.
Không lâu sau, nó còn học được cách đáp lễ.
Cuối đông đầu xuân năm thứ hai ở đó, dưới chân núi lại đang là lúc giỗ tổ, đón giao thừa, trừ tà và cầu phúc, tưng bừng suốt nhiều hôm.
Văn Thời bớt xuống đó một khoảng thời gian.
Ngoại trừ lần Trần Bất Đáo dẫn nó ra ngoài, nó chưa từng xuống núi một mình nữa.
Sau khi cơn náo nhiệt giảm bớt, nó lại tới cánh rừng ở chân núi, đi liên tiếp mấy ngày cũng không gặp được bà cụ đi hái thuốc kia.
Cảm thấy mình không thể chờ đực mặt mãi nữa, nó ôm lấy Kim sí Đại bàng của mình, vừa bóp miệng chim không cho nó phát ra tiếng, vừa mò đến ven thôn.
Sau đó, nó nhìn thấy cờ hồn trắng tinh treo trên sào trúc bên nhà và giấy tiền vàng mã rơi đầy dưới đất.
Họ hàng người nhà sống cùng thôn mặc áo tang, Văn Thời nghe láng máng họ bảo rằng bà cụ đã mất.
Bà ăn cơm no sau đêm giao thừa rồi qua đời khi đang ngủ.
Bà không đau không bệnh, sống thọ và chết ngay tại nhà.
Nhiều đứa con nít còn nhỏ nên không hiểu được ý nghĩa của cái chết, chỉ cảm thấy càng nhiều người càng sôi nổi, trưởng bối bắt dập đầu thì sẽ dập đầu, sau đó lại đuổi đánh chơi đùa ầm ĩ.
Nhưng Văn Thời thì hiểu.
Nó biết rằng từ nay về sau, dù nó đi tới cánh rừng ấy vào mùa xuân hạ thu hay đông, cũng sẽ không ai đeo gùi, cười tủm tỉm nhét trái cây và bánh ngọt vào lòng nó nữa.
Tối đó, Văn Thời lại thấy được giấc mơ kia.
Nhưng lần này, trong mơ không chỉ có một quỷ thành cùng với núi xác và biển máu, mà lại có thêm một bà cụ hái thuốc, bước loạng choạng trên con đường dài tối tăm ấy, dù có gọi như thế nào cũng không ngoảnh đầu lại.
Mà những tiếng quỷ khóc kia lại chui, khoan, ghìm chặt vào đầu nó tựa như lưỡi dao đang đâm thọc, hô hoán làm đầu nó đau đến nỗi sắp nứt ra, nhưng nó lại không có đường thoát.
Văn Thời giằng co với mấy thứ trong mơ kia suốt một thời gian dài.
Đợi đến khi cuối cùng cũng mở mắt ra, nó phát hiện mình không nằm trên giường, mà lại đứng trước cửa phòng của Trần Bất Đáo, sương đen phủ đầy tay phình to ra như đao, như đang muốn đâm vào bên trong.
Nó sửng sốt trong nỗi kinh hoàng một lúc lâu, rùng mình sợ hãi một cái rồi mới quay đầu chạy đi, sau đó nó không dám nhắm mắt nữa.
Kim sí Đại bàng không sợ sương đen, Văn Thời biết điều này.
Nó không trở về phòng, mà ngồi xếp bằng trên bệ luyện công tại vách đá, bứt lông đầu xù xù của Kim sí Đại bàng, nhìn con chim này vẫn tràn đầy sức sống dưới sự bao vây của sương đen, nó mới có thể cảm thấy dễ chịu hơn chút đỉnh.
Không biết ngồi suốt bao lâu, nó chợt nghe sau lưng có âm thanh sàn sạt.
Đó là tiếng quần áo đảo nhẹ qua nhánh tùng phủ tuyết.
Nó biết rằng Trần Bất Đáo đã đến, nhưng lại buồn rầu không ngoảnh đầu lại.
Bởi chỉ cần nó nghĩ đến việc đêm qua mình đã đứng trước cửa phòng của Trần Bất Đáo một cách quỷ mị như thế, một cảm xúc khó chịu không nói nên lời lại trỗi dậy.
Lúc ấy, nó không hiểu vì sao mình lại thấy khó chịu, lâu sau mới ngộ ra được đó là một kiểu sợ hãi.
Sợ rằng hôm đó mình không thể kiểm soát mà làm hại đến người mình không muốn tổn thương nhất.
Dù nó biết, chỉ cần Trần Bất Đáo có bố trí sẵn vài thứ để đề phòng, nó sẽ không thể làm gì đến hắn cả.
“Sao cái đuôi của ta lại bị rơi ở đây thế này?” Trần Bất Đáo cúi người xuống tới từ sau lưng, bàn tay nâng cằm nó lên để nó ngẩng đầu.
Chắc do đôi mắt của nó quá đỏ, Trần Bất Đáo thấy thế mà hơi sửng sốt, lau đi giọt nước mắt vươn trên cằm nó rồi xoay người nó lại.
Văn Thời giơ một bàn tay ra và nói: “Mấy thứ kia lại tuôn ra nữa.”
Trần Bất Đáo gật đầu: “Ta thấy rồi.”
Văn Thời tưởng hắn sẽ hỏi “Đã xảy ra chuyện gì?”, ai dè lại nghe hắn nói: “Có thấy đau không?”
Thực ra thì đau đó, đau lắm lắm luôn.
Đó là một nỗi đau đâm vào đầu, xuyên qua tim, sâu trong thân thể, bám chặt lên linh tướng, dù có làm sao cũng không thể thoát khỏi nỗi đau ấy.
Nhưng chắc vì đã tỉnh từ lâu, Trần Bất Đáo vừa hỏi thế, nó lại cảm thấy cũng không đến nỗi, vì thế lắc đầu lẩm bẩm: “Không đau.”
Trần Bất Đáo khom lưng nhìn đỉnh đầu của nó, lát sau mới nói: “Mới đã bao nhiêu đâu mà lại học được cách lừa gạt thế này.”
Văn Thời nhíu mày, ngửa mặt hỏi: “Sao ngươi biết ta lừa gạt?”
Trần Bất Đáo: “Vì ta là sư phụ.”
Hắn ngồi xuống bệ đá, Văn Thời nhìn sương đen trên người mình, lẳng lặng nhích xa khỏi hắn.
Nó tự cho rằng nếu nhìn sít qua cẩn thận thì sẽ không bị người nọ chú ý, thực ra tất cả động tác của nó đều đã lọt hết vào mắt của Trần Bất Đáo mất tiêu.
Đối phương lặng im rất lâu mới nói: “Cho con xem một thứ.”
Văn Thời vẫn giữ khoảng cách, chỉ trợn tròn mắt tò mò nhìn hắn.
Trần Bất Đáo mở lòng bàn tay ra với nó, bàn tay đó rất sạch sẽ và ấm áp, đẹp hơn so với bất cứ bàn tay nào Văn Thời từng thấy.
Nó nhìn chằm chằm một lát, nhịn không được giấu tay mình ra sau.
Ai ngờ vừa giấu xong, nó đã thấy một làn sương đen từ từ tràn ra khỏi bàn tay không nhiễm bụi trần kia của Trần Bất Đáo hệt như trường hợp của nó, sau đó chúng dần trở nên cuồn cuộn liên tiếp…
Văn Thời hết hồn đến nỗi quên nói.
Trần Bất Đáo giải thích rằng chiến loạn và thiên tai năm đó vẫn không hề dừng lại.
Hắn từng đi qua rất nhiều nơi, hầu như chỗ nào cũng là những chiếc lồng được tạo nên bởi mấy chục ngàn người hợp lại.
Gần như không có cách nào để làm tan rã những oán sát đó, chỉ có thể đè ép trước rồi từ từ xử lý sau.
Trần Bất Đáo nắm tay lại, mấy áng sương đen đó lập tức ngoan ngoãn biến mất, không có vẻ đáng sợ như vừa rồi nữa.
Hắn bảo: “Bởi con xem đi, ta cũng giống như con thôi.”
Bắt đầu từ hôm đó, Văn Thời mới biết rằng thì ra không chỉ có một mình nó bị như thế trên thế gian này, mà còn có cả Trần Bất Đáo nữa.
Đây vốn phải là một tâm bệnh, lại chợt biến thành một mối liên kết bí ẩn.
Ngoại trừ hai người họ, không ai biết được nữa hết.
“Vậy sao ngươi lại không trở nên cuồng dại?” Văn Thời hỏi.
“Bởi vì tâm định.” Trần Bất Đáo nói.
Người bình thường có những áng sương đen đặc sệt, không giải được mà tránh cũng không thoát kia cũng do oán hờn ghét tụ hợp với nhau, vì thất tình lục dục, yêu hận buồn vui, vì có quá nhiều lo ngại dính líu tới ai khác.
Trần Bất Đáo từng gặp rất nhiều kẻ trải qua cảnh núi xác và biển máu như Văn Thời.
Hắn đưa không biết bao nhiêu người rời khỏi trần thế trong trạng thái sạch sẽ, bởi vậy mà trần duyên người ta để lại cho hắn còn nhiều hơn cả Văn Thời nữa.
Nếu không thể bị tan rã trong chốc lát, mấy thứ đó sẽ dần tích lũy và ẩn núp trong cơ thể.
Khi tâm định, chúng sẽ lặng lẽ ở trong đó như vừa tìm được một chốn yên ổn, lẳng lặng ký gửi, bặt hơi, thậm chí còn không có tung tích.
Nhưng chỉ cần một tia dao động dẫn đến việc nứt khe thôi cũng khiến chúng vùng lên điên cuồng.
Đó là thất tình lục dục nồng đậm nhất thế gian, đủ để trở thành chấp niệm, dễ tác động đến tinh thần của một người.
Kẻ buồn thì rầu rĩ lắm, kẻ vui thì mừng như điên, ngay cả người vô cảm cũng sẽ trở nên bồn chồn và nóng ruột.
Nếu đã bất cẩn thì ắt sẽ biến thành một kẻ khác dưới sự ảnh hưởng của tâm ma lúc đó.
Đây cũng là lý do vì sao Trần Bất Đáo nhất định phải theo đuổi đường tu tuyệt vọng nhất ấy.
Đó là bởi bản thân hắn thầm đeo trên lưng quá nhiều trần duyên, chỉ hơi vô ý chút thôi cũng phải đối mặt với khó khăn trút ào ào lên đầu.
Nhưng khi đó, Trần Bất Đáo chưa nói thế bao giờ.
Nói đúng ra, hắn chưa từng đề cập về chuyện đó.
Hắn chỉ chìa tay ra với Văn Thời và nói: “Đi thôi, ta dẫn con đến một nơi.”
Đó là lần đầu tiên Văn Thời được dẫn vào lồng, lồng của bà cụ hái thuốc.
Khi ấy, nó chỉ mới luyện được những kỹ năng cơ bản, vừa không biết rối thuật vừa không hiểu bùa chú và trận pháp, chẳng thể làm gì trong lồng, chỉ biết đi theo Trần Bất Đáo.
Nhưng đáng lẽ vướng bận của người bình thường sẽ không kinh thiên động địa quá mức.
Cái lồng ấy nhỏ xíu, không cần tốn công cũng giải được.
Trần Bất Đáo dẫn nó theo chỉ để nó có cơ hội gặp lại bà cụ kia thôi.
Lúc đó Văn Thời cảm thấy như là Trần Bất Đáo có thể nhìn thấu tất cả tâm tư của nó.
Rõ ràng là nó chưa hề nói gì, nhưng Trần Bất Đáo lại biết hết mọi thứ.
Sau khi thoát khỏi lồng, Trần Bất Đáo lại dẫn nó về lại đỉnh núi, rút một tia trần duyên ra từ giữa ngón tay rồi bảo: “Bà cụ đó để lại cho con chút thứ.
Con muốn gì? Thỏ? Cá? Chim?”
Văn Thời hỏi hắn: “Con gì cũng có thể sống mãi hết hả?”
Trần Bất Đáo nói: “Bất cứ vật sống nào cũng phải có cuối đời hết con.”
Văn Thời xòe con chim trong lòng ngực ra: “Rõ ràng ngươi đã nói Kim sí Đại bàng có thể cơ mà.”
Trần Bất Đáo nhướng mày nói: “Con cũng thông minh ghê đấy.”
Đương nhiên là hắn sẽ không biến đồ vật mà một cụ già để lại thành một con rối phải chịu kiểm soát bởi người khác, cũng sẽ không chỉ vào Kim sí Đại bàng rồi nói là con chim nhỏ đã chết đi sống lại như trước kia.
Dù sao thì hiện giờ tiểu đồ đệ đã lớn thêm một chút, khó lừa hơn rồi.
Hắn dẫn tia trần duyên mà bà cụ hái thuốc đã để lại tới hồ suối trên đỉnh núi và hình thành một con cá chép gấm đỏ vàng.
Đó là lần đầu tiên Văn Thời thực sự hiểu rõ ý nghĩa tồn tại của Phán Quan —— đưa những người đã qua đời rời đi rồi để lại giùm họ chút điều trên hồng trần cố hương này.
Văn Thời ngồi xổm bên cạnh hồ suối, hỏi: “Cá sẽ sống được bao lâu?”
Trần Bất Đáo trả lời: “Phải xem con nuôi nó như thế nào.
Nếu con nuôi tốt, loài cá này có thể sống tới bảy, tám chục năm, đủ một đời người thường.
Nếu con nuôi dỡ, mai sau nó sẽ lật bụng trôi lênh đênh.
Con nhớ cẩn thận nhé.”
Văn Thời nhìn hắn chăm chú, không rõ vì sao hắn lại phải tỏ vẻ nguy hiểm như thế.
Bên cạnh hồ suối có một cây mai trắng, giờ cũng đang là lúc ra hoa, nguyên cây trắng tuyết.
Văn Thời chỉ vào cái cây và nói: “Nó mấy tuổi?”
Trần Bất Đáo nghĩ rồi nói: “Chắc cũng không thua gì ta đâu, già lắm rồi.”
Khi đó, trong mắt Văn Thời, Trần Bất Đáo là một vị tiên khách, sẽ không già hoặc chết đi.
Vì thế nó ngồi xổm cạnh bờ hồ, vừa ngắm cá, vừa khẽ lẩm bẩm, đợi sau này khi đã có thể giải lồng, nó phải biến mọi trần duyên đó thành cây.
Trần Bất Đáo trêu nó: “Con định trồng nhiều cây như thế ở đâu? Cây cối cũng đâu biết mở miệng nói chuyện.”
Văn Thời: “Cá có biết nói không?”
Trần Bất Đáo dựa lên thân cây nhìn nó, cười nhẹ và nói một câu: “Đừng nhìn nó rồi thấy nó không thích nói chuyện, lúc hung dữ lên hình như còn biết trả lời nữa đấy.”
Văn Thời cắm đầu nhìn xuống hồ suối và bắt đầu xếp đá, không thèm để ý tới hắn nữa.
Xếp được một lát, nó lại cảm thấy cái hồ suối này rộng thênh thang, chỉ có một con cá thôi thì hơi lẻ loi.
“Con cứ hở tí là im lìm suốt nửa buổi, giờ lại sợ cá sẽ buồn chết à?” Trần Bất Đáo nhướng mày, cảm thấy khá lạ lẫm.
Một lát sau, hắn gật đầu rồi đứng thẳng người dậy và rời đi.
Không lâu sau, hắn cầm một thứ gì đó về đây, khom lưng đặt vào trong hồ suối, bảo rằng: “Ta mới tìm được một thứ tới chơi với nó thay con.”
Văn Thời nhìn kỹ mới thấy đó là một con rùa nhỏ.
Nó ngẩng đầu mắt chạm mắt với Trần Bất Đáo một lúc lâu, song cũng ngoảnh đầu bước đi.
Ít lâu sau, nó cầm một con rùa khác về đây và ném một phát vô hồ.
Trần Bất Đáo liếc con rùa đó: “Rồi con này thế ai?”
Văn Thời cũng không hề ngẩng đầu lên: “Ngươi.”
Trần Bất Đáo cười một tiếng, khẽ mắng: “Nghịch thiên.”
(*) cụ Trần mắng cu Văn nghịch thiên vì dám đặt hắn ngang hàng với vương bát đản.
Sau này khi nhớ lại, Văn Thời phát hiện hồi nhỏ anh cũng đâu có ít nói, nhưng đã để lại một ấn tượng với bọn Bốc Ninh rằng mình không hay phản ứng với họ, có thể là do câu nào anh cũng nói cho Trần Bất Đáo hết trơn.
Sau hôm ấy, Văn Thời nghiêm túc học luyện những bản lĩnh của Phán Quan, không còn học vì mưu cầu một nơi ở lâu dài nữa.
Bản thân Trần Bất Đáo cũng biết nhiều thứ.
Hắn là tổ tông trên mọi mặt trận, dù đó có là rối thuật, bùa chú hay trận pháp đi chăng nữa.
Nếu buộc phải chỉ ra khoản còn thiếu sót, thì có lẽ đó là quẻ thuật, vì quẻ thuật nghiêng nhiều về vế nhìn trời tạo quẻ hơn.
Bốc Ninh là người trời sinh đã thích hợp để học quẻ thuật.
Hắn chỉ cần bất cẩn nhập tâm vào những thứ mình ắt phải thấy thôi, khác hẳn những người phải cầm theo đủ loại công cụ và phải bày trận này nọ từ sáng đến tối.
Nhưng hắn cũng có khuyết điểm.
Thể chất của hắn là loại nằm lưng chừng giữa người và linh vật.
Linh tướng bất ổn bẩm sinh, tựa một lớp nước nằm trên chiếc đĩa cạn, đẩy nhẹ một cái cũng có thể vơi đi một nửa.
Nếu vào lồng, hắn cực dễ bị cám dỗ, bị bám lên người, hoặc nhiễm phải ít thứ.
Với một kiểu người ngay cả bản thân cũng bất ổn như thế, rối thuật tuyệt duyên với hắn.
Bởi vậy hắn học trận pháp, có cả quẻ thuật chống đỡ.
Hễ có việc gì, hắn chỉ cần chiếm thế chủ động trước, ngăn chặn đại trận, thế thì sẽ không thành vấn đề.
Chung Tư học bùa chú vì y linh hoạt.
Đôi khi y có thể mượn bùa chú để lập trận, có lúc có thể mượn bùa chú để hóa vật, điều này tương đương với việc y biết một phần ba trận pháp và một phần ba rối thuật.
Thông thường nếu không có việc gì, y còn có thể trấn trạch định linh, đuổi đi yêu tà và tai hoạ.
Lúc đánh lộn, y có thể đập một cái làm người ta trở tay không kịp, đánh úp bất ngờ các kiểu.
Y là người có tính tình hướng ngoại, thích chọc ghẹo người khác, lại hơi lỗ mãng.
Trận pháp và quẻ thuật quá yên lặng, rối thuật lại vừa phải cương quyết vừa phải khéo léo.
So ra mà nói, bùa chú vẫn khá phù hợp với y.
Trang Dã giỏi việc kết bạn, điểm cáu nhất là không cáu bao giờ.
Chỉ mới nhỏ xíu mà hắn đã thể hiện khả năng dung chứ(*) mọi thứ, làm gì cũng được, nhưng cái nào cũng chỉ phát triển đến một điểm nhất định rồi ngừng, không học thuật gì cho ra trò, nên hắn trở thành một kẻ tu tạp.
(*) khả năng dung chứa: nguyên văn là hải nạp bách xuyên, mang ý nghĩa bao dung, nhưng ở đây có nghĩa là kiểu người biết sơ sơ tất cả mọi thứ.
Văn Thời lại chưa từng ‘nhảy ngành’.
Từ khi có Kim sí Đại bàng, nó đã nhận định mình phải học rối thuật.
Giới hạn dưới của ngưỡng cửa rối thuật này thì thấp trũng, nhưng giới hạn cao nhất thì lại cực cao.
Bất cứ ai đã nhập môn cũng có thể vê ra một hoặc hai thứ nhỏ bé gì đó.
Nhưng muốn học một cách tinh thông thì lại có rất nhiều yêu cầu —— phải đủ bình tĩnh, đủ thận trọng, đủ bền bỉ, linh thần hùng mạnh nhưng không thể quá cứng nhắc.
Mỗi lần thả một con rối ra ngoài tương đương với việc cắt mổ một bộ phận trên cơ thể mình cho đi, đã phải áp chế mà còn phải làm cho nó và linh thần của mình tương hợp với nhau nữa.
Thực ra cảm giác này rất là kỳ cục, muốn thích ứng thì hoàn toàn phải dựa vào khổ luyện.
Bởi thế, Văn Thời vẫn luôn là người chăm luyện công nhất trong đám sư huynh đệ, dù rằng mắt thường cũng có thể thấy được nó đang ngày một lợi hại hơn.
Nó luôn là người rời giường sớm nhất nhưng lại ngủ trễ nhất.
Bọn Bốc Ninh từng không tin việc quỷ quái này, thử liều một lần với nó.
Kết quả họ bò dậy vào giờ nào cũng có thể nhìn thấy chú chim của Văn Thời đang đứng chải lông trên bệ luyện công.
À không, chú chim này không được xem là chim của Văn Thời, nói đúng ra là Kim sí Đại bàng của Trần Bất Đáo mà chính hắn đã để cho Văn Thời nuôi lớn.
Lúc Kim sí Đại bàng xoay mặt nhìn sang, mấy đứa bọn họ luôn vừa hâm mộ mà cũng vừa áy náy, sau đó xụ mặt chạy đến bên cạnh sư đệ và cùng nhau luyện công.
Sau năm lần bảy lượt, họ hỏi Văn Thời rất nghiêm túc: “Rồi cuối cùng đệ có ngủ chút nào hay không?”
Văn Thời nhìn họ bằng một ánh mắt ngờ vực, biểu cảm trên mặt sáng chói mấy chữ: Các huynh đang nói nhảm gì thế?
“Luyện rối thuật mà lại khổ đến thế à?” Chung Tư vểnh chân ngồi trên cây tùng, vỗ lá bùa nghe bộp bộp và nói: “May là huynh không có học.”
Trên thực tế, Văn Thời thức khuya dậy sớm như vậy không chỉ để học rối thuật, mà còn mò mẫm sách vở trong phòng Trần Bất Đáo hòng thử tẩy linh cho mình.
Trần Bất Đáo cũng không cho rằng đám đồ đệ này phải tu cùng đường với hắn, dù sao chỉ cần đang ở trên thế gian thì phải hoàn toàn không vướng mắc, không ngại khó khăn thôi.
Tẩy linh chẳng qua chỉ là một cách có thể giúp, tương đương với việc đâm vài đao lên linh tướng của mình.
Lâu ngày dài tháng, làm thế mãi cũng không dễ chịu gì.
Hắn đã sớm dự tính xong xuôi.
Đợi lúc Văn Thời tới tuổi, đã luyện rối thuật một cách thành thạo và có thể chịu đựng, hắn sẽ tách hàng trăm ngàn oán sát khí kia khỏi linh tướng của Văn Thời rồi tự ôm đồm gánh hết mọi thứ.
Hắn chưa từng kể về điều này.
Mỗi lần Văn Thời hỏi tới, hắn đều giải thích rằng đây chỉ là một cách khác trông có vẻ dịu dàng và không gây ra thiệt hại hơn mà thôi.
Nhưng thực ra thì Văn Thời biết hết.
Nó biết rõ tất cả mọi chuyện.
Nó không muốn chuyển những thứ mà mình phải gánh vác sang cho Trần Bất Đáo, nên đã bắt đầu lén tẩy linh từ đời kiếp nào.
Nó biết Kim sí Đại bàng sẽ cáo trạng, bởi thế lúc đầu toàn trói chú chim này lại bằng dây rối.
Sau đó lại dùng chiêu thức trắng để giám sát và giảng (hâm) bài (dọa), làm chú chim kia đứng về phía mình.
Nó không giỏi nói dối, toàn nhờ có Lão Mao chống lưng.
Trần Bất Đáo không ngờ rối của mình lại có thể bị nó lôi kéo đến nỗi tạo phản.
Đợi đến khi hắn phát hiện ra, Văn Thời đã tu được rất nhiều năm.
Bé người tuyết hở ra là co lại một cục đã trở nên cao ráo bảnh bao, gầy thẳng kiên cường.
Năm ấy Văn Thời mười bảy tuổi tuổi.
Vì thường tẩy linh mà lại tu theo con đường không vướng mắc, không trở ngại, trông Văn Thời trông càng lạnh nhạt và khó thể thân cận hơn lúc nhỏ.
Trong suốt quá trình trưởng thành như một thiếu niên, cậu đã trở nên sắc sảo, không còn cái kiểu chọt một cái thì lún thành hố như khi còn nhỏ, dần có chút mùi bén.
Thế nên mấy sư huynh muốn trêu nhưng lại hơi sợ cậu.
Chỉ nhìn vào khí chất thôi, cậu mới đúng là người già dặn nhất.
Mấy năm đó, trần thế luôn loạn lạc.
Trần Bất Đáo không hay có mặt ở núi Tùng Vân, Văn Thời thường không gặp được hắn suốt một khoảng thời gian.
Lứa thiếu niên sẽ có nhiều biến đổi về suy nghĩ nhất vào giai đoạn mười mấy tuổi, chúng mẫn cảm mà lại lơ lửng bất định.
Dù theo đuổi đường tu không vướng mắc không trở ngại, Văn Thời vẫn còn thiếu chút điêu luyện, không thể hoàn toàn là một ngoại lệ được.
Cậu ngoài mặt thì lạnh như băng, nhưng cũng không phải không có chút cảm xúc thế tục nào, nhất là khi đối tượng gợi ra nó là Trần Bất Đáo.
Khi cậu còn nhỏ, Trần Bất Đáo luôn có dáng vẻ kia.
Cậu trưởng thành trong thấm thoát, Trần Bất Đáo vẫn là dáng vẻ ấy.
Biến hóa của bản thân cậu tiến triển cực nhanh, Trần Bất Đáo lại luôn dựa lên thân cây mai trắng một cách lười nhác và cười mắng cậu là một kẻ ‘nghịch thiên cậy sủng mà kiêu’.
Điều này mang đến cho cậu một cảm xúc mâu thuẫn vỡ vụn.
Có vẻ trong khi cậu vẫn trưởng thành trong núi, Trần Bất Đáo lại bày ra bóng dáng thỉnh thoảng ngoảnh đầu sang đây.
Không như trưởng bối, nhìn hắn giống khách tới thăm hơn.
Có lần Trần Bất Đáo cách mấy tháng mới về, đeo chiếc mặt nạ mà hắn thường đeo khi gặp người ngoài.
Hắn bước đi trên đường núi, tà áo bào trắng tuyết lướt qua đá xanh như áng mây, song lại được áo khoác đỏ phất nhẹ.
Vừa khéo Văn Thời đang đi lên từ khe núi bên kia, thì bỗng ngừng bước lại ngay khi thấy hắn từ xa.
Khoảnh khắc ấy, cậu chợt cảm thấy người đứng tít đằng đó có phần lạ lẫm.
Đúng ra họ phải thân cận với nhau lắm, nên nói là gần gũi hơn bất cứ kẻ nào trên thế gian này.
Giữa họ còn có một bí mật chung, đó là đống trần duyên thế tục kia đang ẩn núp trong linh tướng của cả hai.
Nhưng ngoài những thứ đó ra, họ lại khá xa lạ với nhau.
Không phải hờ hững và xa cách, mà là bỗng có một khoảng cách nhỏ bé chen vào giữa hai người họ.
Cảm giác này biến động một cách thầm lặng, trỗi dậy không hề có nguyên do, Văn Thời vẫn chẳng thể nghĩ rõ.
Mãi đến giữa xuân của hai năm sau, bọn Văn Thời mới phá xong một cái lồng và trở về núi Tùng Vân, nghỉ ngơi không bao lâu đã đi lên bệ luyện công ở sườn núi.
Dù có dáng người gió thổi sẽ ngã, Bốc Ninh vẫn là một người lắm điều thích lo nghĩ, vừa bày trận dọc theo núi đá vừa bảo: “Hôm đó đệ nghe sư phụ nói đợi sư đệ tới tuổi, chúng ta sẽ có thể xuống núi, đi du lịch khắp nơi, thu nhận đồ đệ và bước vào hồng trần.
Nhưng đệ và các huynh đã quen ở chung một chỗ, đi một mình thì lại thấy cô đơn.
Không thôi chúng ta kết bè đi?”
Chung Tư cầm bùa chú quạt gió loạn, vừa quấy rối trận hình mà Bốc Ninh mới bày xong vừa đáp: “Được đấy.
Cơ thể mỏng manh của đệ mà xuống núi một mình thì chắc sẽ không sống nổi mấy bữa đâu.”
Bốc Ninh chỉ vào y từ xa, cảnh cáo y mà chẳng có chút khí thế nào: “Huynh lại quạt nữa ha? Huynh có sợ sẽ có một tai họa khủng khiếp ập xuống vào sáu ngày sau không?”
“Không sợ, cùng lắm thì huynh không xuống núi thôi.” Ngoài miệng thì Chung Tư nói thế, nhưng bàn tay quấy rối đã dưa về, ngoảnh đầu hỏi hai người còn lại.
Trang Dã có biệt danh là ‘Trang Được Được’, vì hỏi gì hắn cũng trả lời là ‘được được được’, người nguội tính nhất trong cả đám.
Bởi vậy, Chung Tư chủ yếu là đang hỏi Văn Thời, dù sao thì vụ cược lớn nhất mỗi ngày của họ luôn là cược xem sư đệ lạnh băng này có đang vui hay không.
Tiếc là lúc này đúng dịp Văn Thời đang không vui.
Từ giờ tới ngày trưởng thành (20) còn một năm, cậu đã nghe Trần Bất Đáo nói câu đó được vài lần.
Nhưng mỗi lần chỉ cần nghĩ tới việc ‘xuống núi’, có lẽ rất lâu sau đó cũng không trở về, cậu sẽ có một cảm giác nặng nề và bực bội không nói nên lời.
Lúc đó, Trang Dã đang cái được cái không tập luyện độ chuẩn trong việc sử dụng dây rối, cầm một sợi bông mảnh quất chim, quất cá, quất lên cánh hoa đang rơi xuống, đánh bay con côn trùng đang bay qua.
Tiếng gió thổi vù vù nghe rất ư là rợn óc.
Văn Thời lại không hề tránh né, rủ mí mắt hơi mỏng xuống, dựa người lên thân cây, mím môi đặt ngón tay mình lên dây rối.
“Đệ nghĩ sao?” Chung Tư hỏi sang hướng Văn Thời đang đứng.
Văn Thời cũng không ngước mắt lên, uể oải nói: “Sang năm hẵng nói.”
“Sư đệ, sao lực tay khi vứt ra dây rối lại nhanh được thế?” Trang Dã hỏi hùa một câu.
Văn Thời vẫn không tỏ vẻ hứng thú cho mấy.
Cậu chỉ vừa lúc nghe thấy tiếng động trên đường núi, thuận tay làm mẫu cho Trang Dã một lần.
Ai ngờ vừa ném dây rối ra, cậu đã trở nên ngơ ngác.
Bởi người đang đi dọc theo đường núi quẹo tới đây lại là Trần Bất Đáo.
Rối thuật của Văn Thời khi đó đã không còn cách đỉnh cao bao xa.
Dây rối quét qua với một góc độ xảo quyệt, tốc độ nhanh lẹ mà cũng có lực, thị phạm mà không hề giữ lại chút sức.
Vì thế, mấy sợi dây rối đó bị Trần Bất Đáo giơ tay túm lại và nắm trong lòng bàn tay.
Sợi bông trắng tuyết vòng qua dáng xương ngón trỏ thon dài của hắn, sau đó lại quấn quanh ngón áp út rồi lòng thòng xuống đất.
Đó là lần đầu tiên Văn Thời biết được mối liên kết giữa dây rối và rối sư sâu đậm tới cỡ nào.
Khoảnh khắc đó, mí mắt đang nửa buông của cậu chợt run rẩy, cứ như những ngón tay mảnh khảnh và sạch sẽ đó không chỉ đang nắm chặt mấy sợi bông kia, nó còn đang len lỏi vào tới linh tướng của cậu nữa.
Ngón tay banh dây rối của cậu hơi cuộn lại, ngước mắt nhìn người trên đường núi.
“Mới không gặp một thời gian mà đã dùng dây rối để đánh lén ta rồi phải không?” Trần Bất Đáo cũng không bực, cười hỏi cậu một câu rồi buông lỏng các ngón.
Dây rối tuột xuống từ trên ngón tay của hắn, mấy người còn lại vội vàng cung kính thưa “sư phụ”, chỉ có mình Văn Thời là không hé răng, nghiêm mặt thu dây rối về.
Đêm đó, Văn Thời lại mơ thấy giấc mơ lâu rồi chưa gặp kia.
Vẫn là tòa thành núi xác và biển máu, vẫn là tiếng quỷ khóc vang đầy trời.
Nhưng mà bọn yêu ma quỷ quái đó đều trở nên mơ hồ lẫn lộn, tựa những hình bóng tà ác méo mó.
Tiếng quỷ khóc cũng chợt gần chợt xa, như ẩn như hiện, nghe như tiếng thở dài và than nhẹ.
Cậu đứng tại không đường giữa sự bao vây của quỷ ảnh, mười ngón quấn lấy dây rối đang buông nhẹ.
Dây rối ướt nhẹp, không biết là máu hay mồ hôi đang chảy dọc theo sợi dây, sau đó nhỏ giọt xuống đất và tích lũy thành một vũng nước bên chân cậu.
Chợt nghe thấy tiếng động sau lưng, cậu đột ngột xoay người rồi căng chặt dây rối.
Song cậu lại thấy Trần Bất Đáo đứng chân trần ở đó, tà áo bào trắng tinh đang rủ xuống lung tung.
Ánh mắt sâu thẳm của hắn rơi xuống từ con ngươi đang nửa buông.
Hắn nhìn Văn Thời một cái rồi nâng tay lên, ngón cái vuốt qua từng dây rối đang bị banh siết của cậu, lau sạch vết nước trên đó.
Văn Thời nhìn dây rối bên dưới ngón tay của hắn rồi liếm lên đôi môi đã phát khô của mình.
“Thưa hỏi.” Đối phương giơ một sợi dây rối của cậu lên, nói khẽ.
Văn Thời nhắm mắt lại, môi thì mấp máy: “Trần Bất Đáo.”
Cậu lập tức tỉnh dậy sau khi nói ra ba chữ ấy.
Dây rối chưa gỡ khỏi ngón tay vô thức bị ném ra, quất ngã giá đứng cho chim mà Lão Mao đang dừng chân, leng keng một tiếng rơi xuống đất.
Cậu nhíu mày ngồi trên giường, cơ thể căng chặt lại, bộ đồ trắng tuyết lỏng lẻo và lộn xộn hệt như trong mơ cũng dính đầy mồ hôi không biết đã toát ra từ khi nào.
Không ai hay ngoài trời đổ mưa lúc từ bao giờ, nước dột nghe róc rách, lúc từ mái hiên nhỏ giọt xuống đất thì sẽ phát ra tiếng vang dính nhầy mập mờ.
Văn Thời mím môi, gò má trắng thuần ánh lên dưới tia sáng, từ từ hít vào thở ra.
Cửa phòng bỗng nhiên bị ai đó gõ hai tiếng ‘cốc cốc’ rồi đẩy ra khẽ khàng.
Văn Thời ngẩng đầu thấy Trần Bất Đáo cầm đèn đứng phía cửa.
Con ngươi của hắn hàm chứa ánh nến sáng tỏ, giọng nói hơi khàn vì cơn buồn ngủ còn chưa biến mất: “Sao thế?”
Văn Thời nhìn hắn nhưng không trả lời.
Một trận sấm rền chợt vang lên ngoài phòng, dọa đám côn trùng trong núi sợ đến mức giật bắn.
Ánh mắt của Trần Bất Đáo hơi liếc xuống và dừng lại trên tay cậu.
Văn Thời cúi đầu thấy sương đen của mình đang lượn lờ, trần duyên đang quấn thân.
Đó là ái hận buồn vui và thất tình lục dục dày đặc của thế gian.
▓▒░(°◡°)░▒▓
Chú thích nhẹ:
(*) Kinh trập (tên chương) là khoảng thời gian bắt đầu từ ngày 5-6 tháng 3 và kết thúc khoảng ngày 20 hoặc 21 tháng 3, đánh dấu sự bắt đầu của tiết phân xuân (giữa xuân).
HẾT CHƯƠNG 51 („• ֊ •„).