Phán Quan

Khi đó Văn Thời không trả lời, may mà Chu Húc cũng không để ý điều này cho lắm.

Có vẻ nó thật sự rất thích hóng chuyện và kể chuyện, hoặc là ngầm thừa nhận Văn Thời gõ chữ chậm, lề mà lề mề, thế là tiết lộ luôn hết cả thân phận của Tạ Vấn, hận không thể kể rõ ba đời nhà anh ta.

Văn Thời nhìn đoạn mở đầu và độ dài, lập tức cảm thấy Chu Húc hì hục gõ chữ lúc đó hoặc là nhàm chán, hoặc là kìm nén dữ dội lắm.

Chu Húc nói: Anh từng nghe về mẹ của Tạ Vấn bao giờ chưa? Cũng là người nhà họ Trương, nghe nói trước kia rất nổi tiếng, mười mấy tuổi đã vô cùng trâu bò, nếu so với bây giờ thì chính là thiếu nữ thiên tài đó, tên là Trương Uyển Linh, cùng thế hệ với mẹ của em, đều thuộc đời có chữ ‘Linh’ trong tên, thực ra chú nhỏ Trương Nhã Lâm nhà em cũng vậy, nhưng chú ấy cho rằng cái tên Trương Nhã Linh ẻo lả quá nên tự sửa lại tên. Dì nhỏ thì thôi khỏi bàn, cứ thế bỏ luôn chữ ‘Linh’.

Chu Húc: Nhưng nếu anh gióng cái tên đứng trước tên Tạ Vấn trên bức danh phả thì sẽ tìm được một cái tên Trương Uyển phía bên trên nhánh đó, đó chính là mẹ của anh ta, mỗi tội chữ ‘Linh’ đã bị xóa bỏ. Tình huống của dì ấy không giống như dì nhỏ của em, mặc dù dì nhỏ và chú nhỏ có vai vế khá lớn nhưng tuổi còn trẻ, luôn đi ngược với số đông, không thích tên giống người khác nên mới đổi. Mẹ của Tạ Vấn thì lại khác, năm đó dì ấy bị đuổi khỏi nhà chính nên chữ ‘Linh’ cũng bị thu hồi.

Chu Húc:  Nghĩ lại thì cũng là một người đặc biệt, mặc dù về sau ai cũng bảo…

….

Mặc dù về sau rất nhiều người đều bảo Tạ Vấn chỉ là người thuộc nhánh phụ tầm thường của nhà họ Trương. Nhưng nếu ai sống ở nhà chính họ Trương và từng nghe một vài chuyện thì đều biết rằng sự thật không phải thế.

Mỗi một thế hệ ở nhà chính dường như đều có hai người giống như chị em Trương Lam và Trương Nhã Lâm. Hiện tại người đảm nhiệm vị trí gia chủ là Trương Chính Sơ, chính là ông nội của Trương Lam và Trương Nhã Lâm.

Dựa theo quy củ nhà họ Trương, khi người lên thay 35 tuổi thì vị trí gia chủ sẽ được chuyển giao xuống dưới. Quy tắc này được tuân thủ nghiêm ngặt từ xưa tới nay, nhưng đã bị phá bỏ bởi Trương Chính Sơ.

Trương Chính Sơ có hai người con trai, con cả tên là Trương Ẩn Sơn, từ nhỏ đã được dạy dỗ để trở thành gia chủ đời tiếp theo—–vì để không quên cội nguồn tổ tông, gia chủ các đời nhà họ Trương đều là người tu tạp.

Đáng tiếc Trương Ẩn Sơn lại phụ sự kỳ vọng của mọi người, cách tu tạp của hắn thật sự rất tạp nham, mỗi thứ học một ít nhưng chả làm được trò trống gì. Tư chất kém cỏi, còn chẳng bằng mấy người bên nhánh phụ.

Ngược lại con thứ là Trương Yểm Sơn được thả tự do từ bé, trái học một ít phải học một ít, trở thành một tạp tu tài năng xuất chúng, trận pháp và bùa chú đều xuất sắc, ngay cả quẻ thuật phải xét thiên tư và thuật con rối phải hao tổn linh thần nhất cũng như hạc giữa bầy gà.

Trương Chính Sơ cũng không quá rầu rĩ về chuyện này, con thứ trưởng thành chưa bao lâu liền được ấn định trở thành người kế tục chức gia chủ đời tiếp theo.

Đây vốn là một chuyện tốt, ai ngờ nửa đường xảy ra chuyện ngoài ý muốn.

Năm đó Trương Yểm Sơn 32 tuổi, trong lúc giải quyết một xoáy lồng khổng lồ đã bất cẩn đi nhầm vào khu vực chết. Mặc dù xoáy lồng đó sau này đã được mọi người hợp lực giải quyết nhưng hắn cũng rơi vào kết cục hồn phi phách tán, linh tướng bị phá hủy, hoàn toàn ra đi và để lại hai đứa trẻ mới bi bô tập nói là Trương Lam và Trương Nhã Lâm.

Vốn là nỗi đau mất con, lại cộng thêm mất đi người kế nghiệp, Trương Chính Sơ bị giáng một đòn đả kích nặng nề, trong vòng một đêm dường như già thêm chục tuổi, từ đó về sau ít xuất hiện hơn và trở thành trạng thái nửa quy ẩn.

Tuy nói là nửa quy ẩn nhưng chuyện cần quản thì ông ta vẫn phải quản, ví dụ như người kế nhiệm mới.

Trương Yểm Sơn qua đời để lại đứa con quá nhỏ. Theo lý thì vị trí gia chủ tự nhiên sẽ thuộc về người anh Trương Ẩn Sơn.

Nhưng Trương Chính Sơ không làm vậy.

So với con cả thì ông ta ưu ái đứa con gái của con cả hơn. Cô bé không hề giống cha mình, tuổi còn nhỏ đã có biểu hiện xuất sắc, mười mấy tuổi đã vượt xa hầu hết thế hệ cùng lứa, đến hai mươi tuổi thì càng có tư thái của người đứng trên đỉnh cao.

Cô bé ấy chính là Trương Uyển Linh.

Trong mắt rất nhiều người, thật ra nhà họ Trương có phần bảo thủ cứng nhắc, không biết có phải là tật xấu của các gia tộc lớn hay không—–nhà khác thỉnh thoảng sẽ có nữ gia chủ, nhưng nhà họ Trương tồn tại cả nghìn năm mà chẳng có một nữ gia chủ nào.

Trương Yểm Sơn vừa qua đời cũng là lúc sự nghiệp của Trương Uyển Linh đang trên đà hưng thịnh, rất nhiều người đều nói nhà họ Trương không chừng sắp phá lệ rồi.

Nhưng quy tắc này cuối cùng vẫn không bị phá bỏ.

Năm thứ 2 sau khi Trương Yểm Sơn qua đời, Trương Uyển Linh cãi nhau một trận ầm ĩ với gia chủ. Không ai biết là vì chuyện gì, chỉ biết về sau Trương Uyển Linh bị đuổi ra khỏi nhà chính và thu hồi chữ ‘Linh’ mà thế hệ cùng lứa đều có, hoàn toàn không còn dính líu gì tới nhà chính nữa.

Chu Húc: À phải rồi, nói đến chuyện này. Anh có biết vì sao tất cả các nhà phán quan đều treo một bức danh phả không? Dì nhỏ em nói hiện giờ rất nhiều tiểu bối không biết ngọn nguồn, cho rằng treo đó cho đẹp hoặc vì thứ hạng. Nhưng thật ra là phòng khi xảy ra chuyện lớn có thể triệu tập những phán quan khác. Dù sao cụ thể như nào thì em cũng chưa từng thấy, chỉ biết có lời đồn như vậy thôi.

Chu Húc: Dì nhỏ em từng kể, khi đó ông cụ triệu tập người ở những nhà khác tới, Tề gia, Lý gia, còn cả Chung gia và Trang gia lâu đời, những nhà ở gần và thường xuyên qua lại đều tới cả. Bọn họ cùng nhau tu sửa danh phả một chút, thuận tiện thông báo với các nhà rằng Trương Uyển Linh bị trúng tà, toàn nói mấy lời khùng điên đại nghịch bất đạo, từ nay về sau không còn quan hệ gì tới nhà chính, không được nhắc tới nữa.

Vừa trải qua nỗi đau mất con lại gặp phải chuyện bất hòa trong gia đình. Nghe nói Trương Chính Sơ tổn thương nguyên khí, hoàn toàn không xuất đầu lộ diện nữa, có việc gì cũng đều bàn giao cho người khác đi làm. Sau này Trương Lam và Trương Nhã Lâm trưởng thành, không phải chuyện lớn thì cũng không dám quấy rầy Trương Chính Sơ.

Nhưng cho dù là ai xuất hiện đi chăng nữa thì người khác vẫn phải nể mặt nhà họ Trương. Gia chủ nói không có người tên Trương Uyển Linh, những nhà khác cũng coi như người này không tồn tại. Thỉnh thoảng chỉ lén nhắc tới một hai câu, không bao giờ nói thẳng trên bàn tiệc.

Bởi vậy Trương Uyển Linh….à không, Trương Uyển dường như bị cô lập bởi hầu hết người cùng nghề đời này, hệt như một người không có ràng buộc, một mình vào lồng và thoát khỏi lồng ở những nơi mà mọi người không nhìn thấy.

Nhưng vẫn có mấy người giữ liên lạc với cô ấy ngoài tầm mắt mọi người. Ví dụ như mẹ của Chu Húc là Trương Bích Linh.

Chu Húc: Mẹ em nói dì ấy đi rất xa nên không thấy quá đau lòng nữa. Dù sao em cũng không hiểu rõ cho lắm, đã đoạn tuyệt quan hệ với ông nội mà vẫn vui vẻ hài lòng được. Nhưng đôi khi ngẫm lại thì cũng khá ngầu.

Điều này thằng trẻ trâu thấy vô cùng mâu thuẫn.

Nó từ nhỏ đã nghe người ta nói Trương Uyển bất nghĩa bất hiếu, vừa cảm thấy cô ấy sai theo số đông, cũng vừa sùng bái khí thế coi chuyện bị người nhà ‘đoạn tuyệt quan hệ’ như nước chảy mây trôi của cô ấy.

Hình như nó vẫn lẩn quẩn một hồi, hai đoạn tin nhắn cách nhau một khoảng thời gian ngắn, sau một lúc mới tiếp tục nói: Nghe nói năm thứ hai sau khi dì ấy đi thì có con, chính là con ma ốm Tạ Vấn kia. Mẹ em lúc ấy có liên lạc bằng thư từ với dì ấy, sáng nay em hết sốt rảnh rỗi không có chuyện gì làm, tâm huyết dâng trào lật mấy quyển sách ở nhà xem, thế mà lục được mấy bức thư kia.

Thằng nghé này khoe khoang: Ấy đúng rồi! Anh từng thấy hình dáng khi còn bé của ma ốm bao giờ chưa? Hôm nay em vừa mới thấy, trong thư kẹp hai tấm hình.

“….”

Ngón tay Văn Thời vuốt tới đây lập tức cảm thấy khó chịu.

Mặc dù hắn biết nếu Tạ Vấn có thể ‘biến thành’ một phán quan bị gạch tên của nhà họ Trương, nhiều năm như vậy cũng chẳng có ai nghi ngờ thì chắc chắn đã lo liệu chu toàn những chuyện trước kia, không chừng còn nặn ra một con rối có dáng vẻ của bản thân khi còn bé, sau đó để nó chậm rãi lớn lên giống như đại bàng Kim Sí.

Đó có lẽ không phải là bản thân Tạ Vấn nhưng Văn Thời vẫn rất khó chịu.

Đến mức hắn vốn đang tựa ở đầu giường lại dứt khoát chống người ngồi dậy cạnh mép giường.

Đèn bàn tỏa ra ánh vàng ảm đạm, hắn ngồi khom lưng dưới ánh đèn, cầm chiếc điện thoại bị trưng dụng, ngón cái trượt trên bàn phím viết: Thư đâu?

Tin nhắn gửi đi, giao diện nhảy xuống dưới cùng. Phía trên hai chữ này của hắn hiển thị thời gian gửi tin là 3 giờ 12 phút rạng sáng.

Văn Thời giật mình trong chốc lát, lúc này mới nhận ra giờ đã khuya, sợ rằng Chu Húc ngủ từ sớm nên sẽ không trả lời được tin của hắn. Mà cho dù trả lời thì cũng không hiểu được suy nghĩ của hắn thông qua hai chữ này.

Hắn buông lỏng tay cầm điện thoại im lặng một hồi sau đó xoay màn hình, vuốt ngón tay cái lên trên xem tiếp tin nhắn ban nãy của Chu Húc.

Chu Húc nói: Cha của ma ốm là một người bình thường, không có tên trên danh phả, cũng không phải nhân vật lợi hại gì. Dù sao mọi người không ai biết người đó tên là gì và làm nghề gì. Chuyện phổ biến nhất về chú ấy là bị ma ốm hại chết. Nhưng dì nhỏ em nói rằng những tin đồn sớm nhất không phải như vậy đâu.

….

Lời đồn sớm nhất kể rằng người đàn ông xui xẻo đó bị Trương Uyển và con trai cô ấy hại chết. Khi đó Tạ Vấn còn chưa phải là nhân vật chính trong lời đồn này.

Năm đó chắc Tạ Vấn đã 10 tuổi, Trương Uyển và anh ta cùng tiến vào một cái lồng. Người đàn ông kia cũng có mặt, mỗi tội không bị cuốn vào cùng một chỗ.

Thật ra chỉ cần đi vào cùng nhau là được, ít nhất trong lồng, hắn vẫn ở trong tầm mắt của Trương Uyển và Tạ Vấn, đáng tiếc là mọi chuyện không như vậy.

Lúc Trương Uyển giải lồng xảy ra sự cố bất ngờ dẫn tới sương đen rò rỉ ngay khi đó.

Chỗ đó vốn là một vùng xoáy lồng, hệt như một cái đầm lầy sủi bọt khiến những người ở bên cạnh bị trần duyên chồng chất, rất dễ sinh ra lồng mới. Thế là khoảnh khắc Trương Uyển giải lồng, chồng cô bị quấn vào trong một cái lồng khác, một bước lọt vào khu vực chết.

Sự việc này ở một mức độ nào đó thì giống hệt như người vốn nên trở thành gia chủ nhà họ Trương lại mất sớm là Trương Yểm Sơn. Có người móc nối hai chuyện này với nhau, nói rằng mệnh Trương Uyển không tốt, xung khắc người thân, tình duyên khó được dài lâu.

Vì gia chủ nhà họ Trương là Trương Chính Sơ từng nói phải coi như Trương Uyển không tồn tại. Thế là lời đồn đứt quãng, không ai dám nhắc tới công khai nên cũng dần trở nên mai một.

Mãi đến mấy năm sau, lúc Tạ Vấn mới trưởng thành, Trương Uyển lại nối gót chú và chồng mình bước vào khu vực chết ở một lần vào lồng nào đó.

Kể từ đó Tạ Vấn trở thành người cô độc trên cõi đời này, mà lời đồn được lưu truyền lén lút trong các gia tộc cũng từ ‘mệnh cách của Trương Uyển không tốt’ chuyển thành ‘mệnh Tạ Vấn xung khắc người thân, là mệnh Thiên Sát’.

Ban đầu có người tin, đương nhiên cũng có người không tin. Dù sao loại chuyện như số mệnh quá mơ hồ, chỉ có một bộ phận người tu quẻ thuật mới thích treo ở bên miệng.

Nhưng về sau có một số chuyện khiến bọn họ không thể không tin.

Đầu tiên là một ngày nọ trên danh phả xuất hiện một vệt bút son như vết máu cắt ngang qua cái tên Tạ Vấn biểu thị người này không nên tồn tại ở đây.

Nói cách khác là anh ta đã bị xóa tên.

Về sau có người chuyên tu bùa chú mượn bùa nhìn linh tướng của Tạ Vấn thì phát hiện anh ta bị nghiệp chướng quấn thân, đúng là mệnh Thiên Sát, mà còn đậm đặc hơn mọi người rất nhiều. Người không biết còn cho rằng bản thân đã thấy ác quỷ địa ngục khắp mười phương ấy chứ.

Người như vậy đúng là không nên dính dáng tới, bị xóa tên cũng là đáng đời.

Thế là từ đó về sau, Tạ Vấn liền trở thành người bị tất cả mọi người tránh xa, bị xếp ngoài phạm vi những phán quan còn sống.

Chu Húc nói: Trước kia Tạ Vấn vẫn luôn không ở Ninh Châu, rất nhiều người như em đều được nghe lời đồn của anh ta từ bé tới lớn nhưng chưa bao giờ được gặp tận mặt. Điều này cũng dễ hiểu thôi, dù sao mẹ anh ta cũng bị đuổi khỏi nhà rồi, bản thân anh ta cũng không được chào đón, tới Ninh Châu chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng không ngờ năm ngoái anh ta lại chuyển qua đây, còn mở tiệm Tây Bình Viên kia.

Chu Húc: Nói thế có hơi buồn cười, lúc anh ta tới Ninh Châu em không thấy ai công khai thảo luận tới chuyện này, nhưng chỉ mới vài ngày thì mọi người đều biết Tạ Vấn mở một cửa tiệm tên là Tây Bình Viên.

Chu Húc: Nhưng cái tiệm cũng lười biếng lắm, em nghi ngờ anh ta chẳng kiếm được xu nào. Chưa kể dăm ba hôm lại không thấy bóng dáng anh ta đâu, mẹ em bảo đi tìm anh ta mười lần thì phải đến tám lần không ở tiệm, luôn bảo là ra ngoài có việc, chẳng biết đi đâu làm gì, lần nào quay về cũng là dáng vẻ bệnh tật héo hon.

….

Ngón cái Văn Thời vô thức xê dịch, phát hiện bản thân vuốt tới cuối rồi. Chu Húc kể chỗ này một tí chỗ kia một tí khá lộn xộn rối rắm nhưng hắn cũng đúc kết được chút ngọn nguồn.

Hắn đang định tắt màn hình thì điện thoại khẽ rung.

Dưới cùng giao diện nhảy ra một hàng chữ: Thư gì cơ?

Văn Thời hơi ngạc nhiên, lẳng lặng nhìn thời gian, 3 giờ 45 phút sáng….

Người hiện đại đều không ngủ à?

Hắn đang kinh ngạc thì Chu Húc lại gửi thêm một tin: À, ý anh là đống thư liên lạc giữa mẹ em và Trương Uyển ấy hả?

Văn Thời viết một chữ: Ừ.

Chu Húc: Khi đó nhà dì ấy chưa xảy ra chuyện lớn gì, nội dung trong thư khá bình thường. Dù sao em cũng không thấy có gì đặc biệt nên cảm giác Trương Uyển có hơi lải nhải.

Văn Thời:?

Chu Húc: Chính là kể một số chuyện sâu xa khó hiểu, gì mà “nơi đây là đất lành của em, em vốn nên tới đây.” Hoặc “Duyên nợ cõi trần mấy đời nối tiếp nhau nên có hồi kết rồi.”

Chu Húc: Mấy người chuyên tu quẻ thuật nói chuyện hay có tật xấu này, nhà họ Trương cũng có không ít người tu quẻ thuật, theo em thấy thì chẳng có mấy người đáng tin cậy, còn không chính xác bằng giác quan thứ sáu của em đâu.

Nó nói chuyện dường như còn kèm theo biểu cảm, hất cái cằm chê bai người khác.

Chê bai xong nó lại tiện thể khoe khoang chú nhỏ nhà mình một chút: Đếm tới đếm lui cũng chỉ có con rối của chú nhỏ nhà em là đáng tin nhất, trông chững chạc lắm.

Văn Thời dứt khoát ngó lơ lời khoe khoang của nó rồi hỏi: Cô ấy nói đất lành là ở đâu?

Dựa theo lời Chu Húc, những lá thư giữa Trương Uyển và Trương Bích Linh đều là trước và sau khi Trương Uyển có con, cũng chính là khoảng thời gian trước và sau khi có Tạ Vấn.

Vì quen biết Bốc Ninh nên Văn Thời không cảm thấy quẻ thuật là thứ vô dụng, ngược lại rất hữu dụng trong nhiều trường hợp, mỗi người mỗi khác mà thôi.

Lời này của Trương Uyển như thể đã tiên đoán hoặc là lường trước được điều gì đó. Văn Thời muốn biết vì sao cô ấy lại nói như vậy.

Chu Húc trả lời: Sao em biết được đất lành ở đâu?

Văn Thời: Địa chỉ lá thư.

Chu Húc: Lá thư hình như bị dính vào mấy thứ khác nên em không nhìn thấy, có vẻ là Thiên Tân hoặc đâu đó.

Chu Húc: Ui dời, anh hỏi thế làm em cũng tò mò theo. Em bây giờ cứ như không giải được đề bài, mắt thao láo không ngủ được ấy. Ngày mai em về nhà xem thử.

Văn Thời:?

Từ khi hắn nhận ra bản thân gõ chữ không nhanh bằng đối phương thì dứt khoát lược bỏ từ ngữ tới mức đối đa nhất….hoặc là để mỗi dấm chấm câu. Cũng may Chu Húc lanh lợi hiểu được nên trả lời: Em bây giờ đang bị nhốt ở nhà chính nè.

Văn Thời thật ra không có hứng thú với chuyện nó ở đâu cho lắm, nhưng nhìn thấy chữ ‘nhốt’ thì vẫn có tình người hỏi một câu:?

Chu Húc: Vụ này kể ra thì dài….

Văn Thời:?

Chu Húc: Ê anh cài chế độ trả lời tự động đấy à?

Chu Húc: Về phần vì sao em bị nhốt ở nhà chính, em hỏi anh một chuyện. Hôm nay anh xem qua danh phả chưa?

Văn Thời: Chưa.

Chu Húc: Thôi tạm biệt.

Văn Thời sửng sốt một hồi, cảm thấy nó nói đột ngột quá, nhưng hắn không có thói quen và kiên nhẫn tán dóc với người khác cho nên chấp nhận lời tạm biệt này, cũng nhấn tắt màn hình.

Hắn vứt điện thoại sang một bên xong lại không ngủ được, trong đầu quanh quẩn những việc Tạ Vấn từng trải qua. Hắn ngồi bên giường một hồi rồi mở cửa phòng đi ra ngoài.

Trong phòng khách không đến mức tối đen thùi lùi, ánh trăng chiếu vào phòng xuyên qua cửa sổ thủy tinh, lạnh lẽo như vũng nước. Trong phòng cũng không hoàn toàn yên tĩnh, thấp thoáng nghe thấy được tiếng ngáy của Hạ Tiều, có lẽ do hai ngày trước quá mệt mỏi.

Văn Thời lấy đồ uống từ trong tủ lạnh rồi bật nắp uống một ngụm. Sau đó cầm theo lon nước lạnh buốt vặn mở cửa thủy tinh đi ra sân sau.

Cây mai trắng Thẩm Kiều để lại rất có linh khí, hoặc là do Hạ Tiều chăm sóc tốt nên đã nhú mầm non.

Hắn đứng một lúc bên sân, bỗng nhiên nghe thấy cửa sổ tầng hai trên đầu bị ai đó gõ nhẹ hai lần.

Văn Thời ngửa đầu nhìn lên, trông thấy Tạ Vấn mở cửa sổ cúi đầu hỏi hắn: “Sao vẫn chưa ngủ thế?”Erale: Văn Romeo và Tạ Juliet chúc mn có một ngày nghỉ quốc khánh vui vẻ nha 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui