Chương có nội dung bằng hình ảnh
Edit: Ryal
Dương Châu, phủ Công chúa.
Mưa phủ kín chân trời, gõ xuống lá sen nghiêng ngả. Đám cá chép náu mình bên dưới bơi tán loạn, chỉ để lại cái bóng đo đỏ mờ mờ giữa dòng nước.
Có tiếng bước chân vang lên nơi con đường nhỏ gần đó. Làn váy hồng nhạt tung bay theo gió thổi, đôi giày trắng thoăn thoắt trên lớp đá xanh.
Đi qua chín khúc hành lang, tỳ nữ dẫn khách vào phòng đợi, gấp ô dựng cạnh cửa. Nàng ta đứng trước một tấm bình phong thêu phượng hoàng mà cung kính khom lưng: "Bẩm điện hạ, tiểu thư nhà họ Cù đã đến".
"Vào đi". Một giọng nữ đầy kiêu hãnh và lạnh nhạt vọng ra đáp lời.
Cù Thải Lan đứng trước cửa chỉnh lại quần áo và búi tóc, thấy mọi thứ đều đã chỉn chu thì mới cất bước đi vào. Sau tấm bình phong là ba bậc thang dẫn tới một căn phòng sách xây theo lối mở.
Trong phòng có đốt hương an thần, chiếc bàn rộng choán nửa không gian, giường mềm được đặt ngay cạnh đó. Một người phụ nữ đang tựa lưng nơi đầu giường, y phục trắng, đôi chân trần, tay cầm sách, nét mặt uể oải.
Cù Thải Lan nâng váy hành lễ: "Tham kiến Công chúa điện hạ".
"Thải Lan à, giữa ta với cô không cần lễ nghĩa khách sáo". Người phụ nữ đứng dậy. Suối tóc dài đen như mực được buộc hờ sau ót bằng một dải lụa mong manh, ý cười hiện lên trong đôi mắt phượng đẹp lộng lẫy.
Không son không phấn nhưng nàng vẫn diễm lệ hút hồn người, đường nét bẩm sinh đã quý phái kiêu sa.
Cù Thải Lan hốt hoảng: "Điện hạ, ngoài trời mưa to, điện hạ mặc ít thế này coi chừng nhiễm cảm mất".
Công chúa Lâm Ngu cười: "Ta còn đang thấy nóng đây".
Nàng bước xuống thảm bằng đôi chân trần, ngồi xuống, tiện tay đặt cuốn sách qua một bên. "Thải Lan à, mau nếm thử trà này đi".
Cù Thải Lan cũng ngồi xuống.
Công chúa Lâm Ngu đốt lò than nhỏ cạnh bàn, đặt lên đó chiếc ấm tử sa đựng đầy nước suối trong, lại lấy một bánh trà ra khỏi hộp, dùng những ngón tay gầy bẻ một miếng nhỏ thả vào trong cối, cẩn thận nghiền nát.
Từng cử chỉ của Công chúa Lâm Ngu đều từ tốn và tao nhã, nét mặt bình thản điềm đạm, dường như nàng đang rất tận hưởng những công đoạn này.
Đến khi lá trà đã được nghiền thành bột mịn thì nước trong ấm cũng bắt đầu sôi.
Công chúa Lâm Ngu rót một chút nước vào trong chén, thêm bột, dùng chổi đánh đến khi đặc lại như cao, cuối cùng vừa rót thêm nước sôi vừa khuấy nhẹ.
Tiếng mưa rơi hòa cùng tiếng nước chảy, căn phòng chìm vào tĩnh lặng.
Trà đã pha xong, phía trên là một lớp bọt trà lơ lửng trắng như màu tuyết, không chỉ đẹp mắt mà còn thơm ngát lạ thường.
Cù Thải Lan khẽ nhấp một ngụm, ngợi khen: "Tay nghề của điện hạ lại tốt hơn rồi".
Công chúa Lâm Ngu cười mỉm: "Ta thích nhất là trà, cô biết đấy".
"Dĩ nhiên ạ". Cù Thải Lan đáp. "Mấy hôm trước bạn của Hồng Triết từ Vân Nam về, có tặng cho nó chút trà Phổ Nhị. Thằng bé nhớ Công chúa thích trà nên không dám uống mà nhờ cậy tôi mang đến dâng cho Công chúa dùng".
Công chúa Lâm Ngu buông cây chổi pha trà, cười mím môi: "Hồng Triết đã có lòng thì ta xin nhận".
"Nó là đứa bé ngoan, có gì tốt cũng nhớ tới các chị. Nhưng...". Vành mắt Cù Thải Lan đỏ ửng, cô ả cúi đầu dùng khăn tay chấm nhẹ lên khóe mắt. "Nhưng giờ nó phải chịu ấm ức, tôi là chị ruột nó mà chẳng thể đòi lại công bằng cho em".
Công chúa Lâm Ngu thoáng cụp mắt: "Thải Lan à, ta đã nghe về chuyện của em cô".
Cù Thải Lan lập tức ngẩng đầu: "Điện hạ...".
"Chuyện này khá phiền phức, bởi người mà Hồng Triết trêu chọc lại là con trai của Thị lang bộ Lễ". Công chúa Lâm Ngu nói thật chậm. "Hồi ở kinh thành ta nghe nói Dung Thị lang nuông chiều vợ bé, không thích vợ cả, cũng không thương yêu gì đứa con dòng đích này".
"Nếu y không được thương yêu...". Đôi mắt Cù Thải Lan đầy vẻ mong đợi.
"Nhưng Dung Thị lang rất coi trọng mặt mũi. Nhà họ Cù các cô chỉ là hạng thương nhân, Hồng Triết sỉ nhục con lão ta như thế, với lão ta thì đó là một sự xúc phạm sâu sắc". Công chúa Lâm Ngu vỗ nhẹ lên mu bàn tay cô ả như muốn trấn an. "Dù ta có mở miệng cũng chẳng ích gì. Ta rời kinh đến nay cũng được gần bốn năm, có khi những người ở kinh đô chẳng còn nhớ được dung nhan ta nữa".
"Thải Lan, điều quan trọng nhất bây giờ là không được làm to chuyện. Hãy bảo người nhà cô tới nhà họ Dương xin lỗi tử tế đi, ta cũng sẽ khuyên nhủ phía ấy để họ không quá quắt, tóm lại đừng kéo nhau lên quan phủ".
Đến tận lúc này Cù Thải Lan mới nhận ra mức độ nghiêm trọng của sự việc. Thế nhưng cô ả không cam lòng: "Điện hạ, người vẫn chưa nhìn thấy Hồng Triết. Miệng nó bị khâu lại, giờ nó không ăn nổi cơm, ngày nào cũng kêu rên trong đau đớn. Người bảo tôi đi xin lỗi ư... Sao tôi có thể nín nhịn được?".
Dù miệng Cù Hồng Triết đã được tháo chỉ thì đôi môi vẫn sưng vù, chi chít toàn lỗ kim, cứ mỗi lần cử động là lại rướm máu. Cả ngày gã chỉ biết khóc lóc, thét gào, rồi đập phá đồ đạc.
Trong nhà chẳng được yên, Cù Thải Lan và cha cùng đau lòng vì cảnh ấy, cô ả đành tìm tới chỗ Công chúa Lâm Ngu nhờ giúp. Ai mà ngờ được mọi sự lại thế này.
Công chúa Lâm Ngu nói: "Thải Lan à, chuyện này ta thực sự không giúp được cô. Ta chỉ có thể nói cho cô biết... đừng làm lớn chuyện".
Dạo gần đây vườn trồng và xưởng chế Thần Tiên Túy liên tiếp bị phóng hỏa, chẳng biết vì sao Vu Hồng lại theo dõi chuyện này mãi mà không chịu buông tha, nàng đang quay cuồng bận rộn, còn đâu tâm trạng mà xử lí chuyện con con của nhà họ Cù nữa.
Cù Thải Lan quay về, hồn xiêu phách lạc.
Mưa bên ngoài càng lúc càng to. Một người hầu bước theo che ô cho cô ả đến tận cửa lớn.
Xa xa có một bóng dáng cao gầy trong bộ đồ xanh nhạt đang một mình bung ô ngắm con sông dài. Chiếc ô giấy dầu lung lay như sắp vỡ tan vì cơn mưa xối xả, dáng người y lại thẳng tắp, tựa cây trúc mảnh khảnh mà quật cường giữa tiết trời gió bão.
Mưa vẫn rơi.
Cù Thải Lan về bằng đường khác mà vẫn quay đầu nhìn: "Đó là Tống Tri châu phải không?".
Người hầu đáp vâng, rồi lại thản nhiên nói: "Là Phò mã ạ".
"Phải rồi, là Phò mã". Cù Thải Lan cười mỉa.
Phủ họ Dương.
Mặc Thư mở cửa sổ, nước mưa đập vào ván gỗ nghe rả rích.
"Cơn mưa dần nhỏ lại nhưng cũng rơi được năm ngày rồi".
Nó bước tới cạnh giường: "Dậy thôi nào ca nhi. Hôm nay cậu phải cùng cụ lớn tới chùa Từ An thắp hương đấy ạ, bà Trần đã tới giục kia kìa".
Mặc Thư cúi người, toan xốc mành lên, bỗng một cánh tay rắn rỏi vươn ra kéo tấm mành lại.
Dung Ngọc ngồi khoanh chân trên giường, áo trong vẫn còn nghiêm chỉnh; chủ nhân của cánh tay kia thì vẫn mặc chiếc áo phanh ngực lả lơi, tựa vào đầu giường, tay còn lại khoác trên lưng cậu.
Mặc Thư cau mày: "Hôm qua ta gác đêm cơ mà? Ngươi leo lên lúc nào đấy?".
Sở Đàn ngáp một cái, biếng nhác trả lời: "Lúc ngươi đang ngủ".
"Ngươi thì giỏi nhất là trèo lên giường rồi!". Mặc Thư lườm hắn, không rảnh cãi nhau, vội vàng bưng chậu nước tới hầu Dung Ngọc rửa mặt.
Vì phải đi chùa nên nó chọn cho Dung Ngọc một bộ y phục thuần trắng, vấn tóc cậu bằng cây trâm bạch ngọc, bên hông lại đeo thêm một túi thơm sáng màu, tôn lên gương mặt trắng trẻo, tạo nên ấn tượng về khí chất lịch sự mà tao nhã.
Xong xuôi, họ tới Thọ An Đường thỉnh an bà cụ rồi xuất phát đến chùa Từ An.
Chùa Từ An là ngôi chùa nổi tiếng nhất Dương Châu, rất linh nghiệm cả khi cầu phú quý, cầu bình an lẫn cầu duyên phận.
Bức tượng Phật trong phòng bà cụ cũng là do bà nhờ cậy các cao tăng ở chùa Từ An giúp khai quang rồi mới thỉnh về nhà thờ cúng.
Mưa vẫn còn rơi lác đác nhưng trời đã hửng nắng, mang lại chút sức sống cho thành Dương Châu đã rơi vào cảnh xám xịt được vài ngày.
Vì thế mọi người đổ dồn về chùa Từ An bái Phật.
Xe ngựa đến chân núi thì dừng, vì phải tự bước bộ lên núi mới thể hiện rõ sự thành tâm.
Sở Đàn cõng Dung Ngọc, Mặc Thư đành vác theo xe đẩy của công tử nhà nó. Bà cụ có Dương Hoài Cẩn và Dương Hoài Diệp đỡ hai bên, tất cả cùng bước lên núi từng bước một.
Đa số các vị khách hành hương mang theo một cái thúng nhỏ đựng nhang đèn và đồ cúng. Những nhà giàu thì đưa bạc, cũng là cách trực tiếp cung phụng hương khói cho chùa.
Bà cụ chính là một trong những "nhà giàu hương khói" của chùa Từ An, mỗi năm quyên góp hơn mấy ngàn vạn lượng.
Một chú tiểu đứng đợi sẵn, thấy người nhà họ Dương thì chắp tay trước ngực chào: "Dương lão phu nhân ạ. Sư phụ cháu đợi người đã lâu".
Chú tiểu dẫn họ tới điện thờ lớn để dâng hương cho Phật Tổ trước, sau đó mới chuyển sang một thiền điện tĩnh mịch vắng vẻ.
Người hầu phải đứng đợi bên ngoài, chỉ có bà cụ, Dung Ngọc, Dương Hoài Diệp và Dương Hoài Cẩn được phép vào trong.
Một nhà sư khoác pháp phục màu xám đang đứng cúi đầu trước tượng Phật.
"Sư phụ, con dẫn Dương lão phu nhân cùng người nhà tới rồi đây". Chú tiểu lên tiếng.
Nhà sư quay đầu, không phải một cụ già tuổi cao sức yếu như những gì Dung Ngọc đã tưởng tượng, gương mặt người này rất trẻ. Những đường nét của ngài không có gì đặc biệt, chỉ riêng đôi mắt đen láy lạ thường, như thể ngài thấu suốt vạn vật thế gian.
"Sư phụ Minh Đăng". Bà cụ chắp tay vái chào.
Những người khác của nhà họ Dương cũng cùng hành lễ. Minh Đăng chào lại họ, đôi mắt đen như đá vỏ chai nhìn sang Dung Ngọc đang ngồi xe lăn.
"Đây là cháu ngoại tôi, tên Dung Ngọc, sắp đến sinh nhật thằng bé nên tôi dẫn nó tới cầu phúc". Bà cụ nói.
Minh Đăng đáp: "Vậy lá bùa bình an lão phu nhân xin từ ba tháng trước cũng là dành cho cậu ấy nhỉ".
Bà cụ cười: "Sư phụ nói phải ạ".
Minh Đăng cầm lấy lá bùa trước bức tượng Phật, nhưng không đưa cho bà cụ mà chỉ đi tới chỗ Dung Ngọc rồi xòe tay.
Bùa bình an được xâu một sợi dây đỏ. Dung Ngọc giơ tay nhận lấy: "Cảm tạ sư phụ".
Minh Đăng lại bảo: "Để bần tăng giải một quẻ xăm cho cậu nhé".
Đôi phần hoang mang hiện lên trong mắt Dung Ngọc, bà cụ thì mừng rỡ. Ai ai ở Dương Châu cũng biết rất khó để được sư phụ Minh Đăng giúp giải xăm, hễ người nào có vinh dự ấy là coi như có thể khám phá chướng ngại sâu trong tâm hồn, trừ tai giải hạn.
"Ngọc nhi, mau đồng ý đi con, may mắn lắm mới được như thế đấy!". Bà cụ vui vẻ nói.
Dung Ngọc gật đầu: "Vậy thì xin phiền sư phụ".
Minh Đăng lấy ra một ống xăm, bên trong chứa đầy những quẻ xăm vót bằng tre trúc có viết những câu kinh văn rất khó hiểu. Ngài đưa ống xăm cho Dung Ngọc: "Chỉ cần một quẻ là được".
Dung Ngọc lắc lắc, một quẻ xăm bằng trúc rơi xuống.
Minh Đăng khom lưng nhặt nó lên rồi cụp mắt đọc kinh văn. Bà cụ và Dương Hoài Cẩn hồi hộp nhìn ngài, không dám xen ngang, Dương Hoài Diệp đứng bên dìu bà cụ với nét mặt vô cảm.
Tượng Phật trang nghiêm lẳng lặng quan sát nhân gian giữa hương khói lượn lờ.
Ánh mắt của Minh Đăng nhanh chóng dời khỏi quẻ xăm mà chuyển hướng sang Dung Ngọc. Khi đối diện với đôi mắt ấy, cậu chợt phát hiện chúng không hẳn chỉ tuyền một màu đen. Sâu trong đáy mắt là chút ánh sáng vàng le lói khó mà nhìn ra được.
Không vui, không buồn, như thần như Phật trên cao – hờ hững với chúng sinh, mà cũng thương xót chúng sinh.
Ngài nhìn Dung Ngọc: "Nhân của kiếp trước, quả của kiếp này, duyên trần thế chẳng được bao, mong người đừng cố chấp".
Ryal's note: Cảm ơn mọi người đã quan tâm mình nha, gần đây thi xong mình vẫn đang đi chơi khá nhiều 🌷 Chỉ là có đôi khi mình thấy stress và khó tập trung hơn một chút. Có lẽ mình sẽ tìm gì đó học để cân bằng lại cuộc sống.
Btw, bức comm này hợp gu mình quá nên mình tính giếm luôn lúc nào có full thì đăng một thể. Cơ mà hôm nay mở ra ngắm tự dưng thấy nôn nao nên đăng sketch luôn vậy (❤️'艸`❤️) Nhận sketch được hơn nửa tháng rồi mà mỗi lần nhìn là một lần ưng mắt.
Artist: Đặng Huyền