Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh


Kinh văn: “Long vương! Cử yếu ngôn chi, hành thập thiện đạo, dĩ giới trang nghiêm cố, năng sanh nhất thiết, Phật pháp nghĩa lợi, mãn túc đại nguyện”.Công đức lợi ích mà từ đây trở về sau nói chính là điều thứ nhất phía trước chúng ta đã đọc đến “hành thập thiện, bố thí, dĩ thí trang nghiêm cố”, được lợi ích là “thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt”.

Đây là nói lợi ích tổng quát, từ đoạn kinh văn này trở xuống đều là nói tổng quát, chứ không nói tỉ mỉ từng điều, từng điều nữa.Phần trước Phật đã khai thị cho chúng ta biết, người ở thế gian này như ngạn ngữ thường nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”.

Cái ý này quả thật là sâu rộng vô hạn.

Quả báo một đời của chúng ta cũng vô cùng phức tạp, sự việc nhỏ cực kỳ vi tế không có gì không phải có nhân từ trước.

Qua đây chúng ta liền biết được sự phức tạp của cái nhân này.

Cùng là hành bố thí, trong bố thí bất kể là lớn nhỏ, xả một đồng cũng tốt, xả ức vạn tiền cũng tốt, bất luận là bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, thập thiện đầy đủ thì cái phước báo đó là viên mãn, không một mảy may khiếm khuyết.

Nếu trong thập thiện có một điều khiếm khuyết, thì quả báo này liền không viên mãn.

Xem ở trong quả báo của bạn, bạn còn có những việc nào bất như ý thì bạn liền biết ngay là trong tu nhân có chỗ nào đó đã có khiếm khuyết, cho nên quả báo không viên mãn.

Từ chỗ này chúng ta mới thật sự có thể thể hội được sao gọi là “nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”, sao gọi là “tự làm tự chịu”, chúng ta mới đích thực hiểu rõ.

Nhân quả này quả thật mà nói nó quá chi li, chỉ có thật sự thể hội được, thật sự hiểu được đạo lý này thì tâm mới thật sự yên định được, tuyệt đối sẽ không oán trời trách người.

Tại sao vậy? Động một ý niệm oán trời trách người là chúng ta lại tạo nghiệp bất thiện rồi, chiêu đến bất như ý cho đời sau.

Đây là chân tướng sự thật.Phật trong kinh ở phần trước nêu lên ví dụ này chỉ là nói một cách sơ lược, chưa có cặn kẽ.

Đại sư Thiên Thai thì giải thích cặn kẽ cho chúng ta trong “Bách Giới Thiên Như”.

Tại sao vậy? Chúng ta học Phật đến bây giờ mới hiểu được đạo lý này, chỉ riêng trong một việc bố thí là đầy đủ thập thiện, bạn có biết không? Trong mỗi một điều mục của thập thiện, ví dụ như trong điều mục không sát sanh có không sát sanh của không sát sanh, không sát sanh của không trộm cắp, không sát sanh của không tà dâm, thậm chí là không sát sanh của không tham, không sát sanh của không si.

Bạn vừa quan sát như vậy thì thấy quá tỉ mỉ rồi.

Phương pháp quan sát này, đại sư Thiên Thai khi giảng kinh Pháp Hoa dạy chúng ta xem thập pháp giới, trong mỗi một pháp giới đều đầy đủ mười pháp giới.

Trong pháp giới Phật, có pháp giới Bồ-tát trong pháp giới Phật, có pháp giới Thanh Văn ở trong pháp giới Phật, thậm chí là có pháp giới địa ngục ở trong pháp giới Phật.

Trong pháp giới người, có pháp giới Phật trong pháp giới người, có pháp giới thiên trong pháp giới người, cũng có pháp giới súc sanh trong pháp giới người.

Mỗi một pháp giới đều đầy đủ mười pháp giới, tổng cộng là 100 pháp giới.

Đây là nói một cách sơ lược.

Ở trong mười pháp giới, mỗi một pháp giới lại đầy đủ 100 pháp giới.

Ai hiểu được cái đạo lý này? Ai có thể có năng lực này để quan sát vi tế? “Chư pháp thực tướng” nói sao dễ dàng! Chúng ta ngày nay dùng ngôn ngữ đơn giản để nói là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, hoặc giả nói chân tướng của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới.

Cho dù chúng ta có thể ở trong một pháp giới thấy mười pháp giới vẫn là thấy ở ngoài da, vẫn không thể thâm nhập.

Thâm nhập quan sát thì không có bờ mé, không có cùng tận.

Cái tột cùng nguồn pháp này, căn nguyên là không có ngọn nguồn, không có bờ mé.

Phải làm thế nào mới có thể khế nhập cảnh giới này vậy? Cổ đức thường nói với chúng ta: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”.

Chúng ta từ câu nói này giống như rập khuôn công thức trong toán học: “Hữu tâm không bằng vô tâm”.

Pháp Thân Đại Sĩ là vô tâm.

Trong mười pháp giới, pháp giới bốn thánh vẫn là hữu tâm.

Hữu tâm làm thiện không bằng vô tâm làm thiện.

Hữu tâm là rơi vào trong ý thức; vô tâm chính là chân tâm, chính là chân như bản tánh.

Chúng ta phải tỉ mỉ hướng vào trong đây mà thể hội.Kinh văn trở xuống đều là nói những điều quan trọng, không cần nói kỹ như ở phần trước.

Phần trước hiểu được rồi thì phần sau bạn tự mình có thể thể hội được.“Hành thập thiện đạo, dĩ giới trang nghiêm cố”.

Đem thập thiện thực tiễn vào trong trì giới.

Chúng ta cũng phải tư duy giống như ở phần trước là “lìa sát sanh mà trì giới”.

Phía dưới nói tổng quát, tức là “năng sanh nhất thiết, Phật pháp nghĩa lợi, mãn túc đại nguyện”.

Phía dưới chỉ nói riêng cái biệt báo “ly sát sanh”.

Phật ở chỗ này tỉnh lược rồi, để chúng ta tự mình suy nghĩ.

Lìa trộm cắp mà trì giới, quả báo chung là giống nhau, biệt báo chúng ta cần phải nên nghĩ ra cho được, bạn hãy tư duy thật kỹ từng điều một thì bạn sẽ khai ngộ.

Từ chỗ này chúng ta liền có thể thể hội được, thập thiện nghiệp là căn bản của tu hành, lìa thập thiện nghiệp không những không thể sanh tất cả Phật pháp, mà tất cả thiện pháp thế gian cũng không thể sanh.

Ở chỗ này chúng ta liền nghĩ đến tại sao Thế Tôn vừa mở đầu bộ kinh này liền nói với chúng ta: “Không cho phép mảy may bất thiện xen tạp”.

Câu khai thị này là quan trọng.

Nếu có mảy may bất thiện xen tạp ở trong đó thì không phải Phật pháp.

Quí vị phải biết rằng, Phật pháp là pháp thuần thiện.

Cái gì là Phật pháp vậy? Nhất chân pháp giới là Phật pháp.

Tại sao lại có thập pháp giới vậy? Do tu tất cả thiện pháp xen tạp bất thiện.

Trong mười pháp giới xen tạp bất thiện, xen tạp bất thiện càng ít thì càng đi lên, càng nhiều thì càng đi xuống, chẳng phải là việc như vậy hay sao? Xen tạp bất thiện nhiều thì đây là súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.

Lẽ nào người ở trong địa ngục chưa từng tu thiện, chưa từng có khởi niệm thiện hay sao? Đây là điều không thể.

Tất cả chúng sanh tâm tưởng, tạo tác đều là thiện ác lẫn lộn, hãy xem họ là thiện nhiều hay là ác nhiều.

Thiện nhiều, ác ít là phước báo nhân thiên trong lục đạo; thiện ít, ác nhiều là khổ báo của ba đường ác.

Cho dù là ở pháp giới bốn thánh vẫn còn là thiện nhiều, ác ít, họ vẫn chưa có hoàn toàn lìa ác.

Cái gì là ác vậy? Vọng tưởng, phân biệt là ác.

Ác cực kỳ vi tế, chính là trong kinh nói mảy may bất thiện, cái bất thiện đó của họ thật sự là chỉ có mảy may.

Bất thiện rất nhẹ cũng có chướng đạo, chướng ngại bạn không thể nhập nhất chân pháp giới.

Chúng ta không hiểu đạo lý này, cho nên trong đời sống thường ngày lơ là sơ ý, còn cho rằng giới rất nhỏ có thể bỏ, bất thiện rất nhỏ không sao cả, chỉ cần trên đại thể tốt là được rồi, chúng ta thường hay tự an ủi mình như vậy.

“Đại thể rất tốt”, xin thưa với quí vị là đối xử với xã hội, đối xử với người khác, yêu cầu người khác không được phép quá nghiêm khắc, ngay cả Phật pháp cũng không được phép.

Tại sao vậy? Vì yêu cầu quá nghiêm khắc thì họ không đến nữa.

Giảng đường giảng kinh không phải trường học, họ thích đến thì đến, không thích thì không đến, cho nên không được phép quá nghiêm khắc.

Mặc dù hiện nay chúng ta nói cộng tu với nhau nhưng cũng không được phép quá nghiêm khắc.

Đạo tràng tu hành nghiêm khắc đích thực vào thời xưa đại đức các Ngài làm được rồi, họ thật giống như giờ lên lớp vậy, báo danh tham gia.

Không phải nói là bạn thích đến thì đến, thích đi thì đi, không phải vậy.Tịnh tông chúng ta năm xưa, Lô Sơn Viễn Công là liên xã đầu tiên tại Trung Quốc, đạo hữu đồng tu có 123 người.

Đây là số người cố định, tuyệt đối không phải bạn muốn tham gia thì đến tham gia, bạn muốn rời khỏi thì rời khỏi.

Đây là chí nguyện thật của mọi người, chí đồng đạo hợp, cùng với nhau cộng tu niệm Phật, 123 người đó đều thành tựu.

Đây là đạo tràng tu hành chân chánh thời xưa.

Niệm Phật đường của chúng ta ngày nay mở cửa rồi, đây là gì vậy? Đây là đạo tràng tiếp dẫn.

Tiếp dẫn quảng đại quần chúng thì không thể yêu cầu nghiêm khắc như vậy.

Có một số người trong đạo tràng tiếp dẫn đại chúng có thiện căn phước đức nhân duyên chín muồi rồi thì có thể yêu cầu nghiêm khắc (Chín muồi là thật sự muốn vãng sanh).

Thử xem có bao nhiêu người, số người nhiều ít chẳng có quan hệ gì.

Bồ Tát Giác Minh Diệu Hạnh đã nói trong “Tây Phương Xác Chỉ” là họ tổng cộng có 12 người chí đồng đạo hợp.

Mười hai người ở trong một cái đạo tràng nhỏ tiến tu, chỉ một phương hướng, một mục tiêu, chí đồng đạo hợp nên 12 người này đều thành tựu.

Số người ít nhất, lấy một tăng đoàn để nói là bốn người, hay nói cách khác, bốn người trở lên là được rồi.

Đem sự việc này làm thật rõ ràng, làm thật sáng tỏ, bốn người chúng ta kiên định quyết tâm cầu sanh Tịnh Độ, mọi thế duyên thế gian này thảy đều buông xả.

Có đạo tràng nhỏ như thế thì được, chân thật là làm được lục hòa kính một cách rất viên mãn.

Bốn người chí đồng đạo hợp không dễ gì tìm.

Hai người ở chung với nhau còn muốn cãi nhau, còn muốn ý kiến bất hòa rồi, bạn còn có cách gì được.

Bạn mới biết rằng bốn người đồng tâm là việc khó khăn biết bao.

Sau đó nghĩ đến Viễn Công năm ấy còn tại thế, thành tựu 123 con người thật là bất khả tư nghì.

Vào thời xưa, những đạo tràng đó có lẽ Bồ-tát thị hiện làm gương cho chúng ta, làm mẫu cho chúng ta thấy, hy vọng chúng ta có thể học tập.

Đây là hành thập thiện nghiệp (nhấn mạnh ở chữ “Hành”).

“Hành” chính là thực tiễn, thực tiễn vào trì giới.“Giới trang nghiêm”.

Trang nghiêm, dùng cách nói hiện nay để nói là tốt đẹp, viên mãn không có khiếm khuyết, ý nghĩa là viên mãn.

Chúng ta trì giới mới có thể viên mãn.“Năng sanh nhất thiết, Phật pháp nghĩa lợi”.

“Nghĩa” là đạo lý, đối với tất cả đạo lý của Phật pháp hiểu rõ rồi.

“Lợi” là lợi ích, là thọ dụng.

Trì giới ở chỗ này là nghĩa rộng chứ không phải nghĩa hẹp, bởi vì lục độ là tiêu chuẩn hành vi của Bồ-tát.

Trì giới, dùng cách nói hiện nay của chúng ta mà nói chính là giữ luật nghi.

Người, bất luận là độc cư hay là chung sống với đại chúng, đều phải có luật lệ.

Đặc biệt là chung sống với đại chúng, nhất định phải tuân thủ luật nghi, nhất định tuân thủ lời giáo giới của Phật Đà, cho nên không nhất định là những giới điều đó.

Phàm là trong kinh nói những giáo huấn này thì đều là giới pháp, khuyên răn, do đó ý nghĩa phải hiểu rõ, hành vi phải tuân thủ.

Ngoài cái này ra, như hiến pháp, pháp luật, quy định của quốc gia đều phải tuân thủ.

Vào trong nhà của người ta, cái gọi là “nước có phép nước, gia có gia quy”, chúng ta phải tuân thủ lễ nghi ở trong gia đình người.

Lễ nghi của mỗi gia đình không giống nhau, như đạo tràng Phật giáo chúng ta, đạo tràng nhiều như vậy, mỗi một đạo tràng đều có qui củ riêng của nó.

Chúng ta xem, mỗi một đạo tràng họ đặt ra quy ước thường trụ đều không giống nhau.

Chúng ta trước tiên phải đi xem thử, không biết thì trước tiên phải hỏi.

Ở trong đạo tràng có tri khách, họ chính là người quản lý việc này, phải thỉnh giáo ở nơi họ.

Đặc biệt là chủng tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau.

Hôm kia Ấn Độ Giáo nói với chúng ta về lễ nghi phổ thông được coi trọng nhất của Ấn Độ Giáo, bất kể là bạn biếu tặng họ cái gì, hoặc giả họ biếu tặng bạn vật gì, nhất định phải dùng tay phải.

Họ tặng quà mà bạn nhận bằng tay trái là đại bất kính.

Chúng ta thì chẳng sao cả, nhưng ở chỗ họ thì không được.

Bạn tặng quà cho họ, nhất định phải đưa bằng tay phải.

Họ tặng quà, bạn nhất định phải dùng tay phải để nhận, không được phép dùng tay trái.

Chúng ta phải biết mới có thể “mãn túc đại nguyện”.

“Mãn túc đại nguyện” chính là chúng ta thường nói hữu cầu tất ứng, chúng ta cầu nguyện đều có thể đạt được như ý.

Đây là thập thiện thực tiễn vào trong giới.Tại sao tuân thủ luật lệ là có thể như ý vậy? Quí vị phải biết rằng, một người tuân thủ luật sẽ được đại chúng tôn kính hoan nghênh, được nhiều người giúp đỡ.

Bạn thường hay không tuân thủ luật nghi thì người ta không có tín tâm đối với bạn, khi bạn cần sự giúp đỡ thì người khác sẽ không giúp đỡ bạn, bạn làm việc gì cũng có rất nhiều chướng ngại, thành tựu sẽ khó khăn.

Cho nên Phật đem tuân thủ luật nghi xếp ở thứ hai, bố thí đặt ở hàng đầu.

Bố thí phải thật sự buông xả.

Tại sao vậy? Bạn thật sự buông xả, bạn mới có thể tuân thủ luật nghi.

Từ bỏ sự phân biệt, chấp trước của mình, bạn liền có thể tuân thủ luật nghi.

Ta không thể từ bỏ thành kiến của mình, không thể từ bỏ sự chấp trước của mình thì không thể tuân thủ luật nghi.

Cho nên trình tự sáu Ba-la-mật không thể đảo lộn được, mắt xích này gắn liền với mắt xích kia.

Không thể bố thí thì không thể tuân thủ luật nghi; không thể tuân thủ luật nghi thì chắc chắn không thể nhẫn nhục; không thể nhẫn nhục thì bạn chắc chắn sẽ không có tiến bộ; cái này gắn liền cái kia.Kinh văn: “Nhẫn nhục trang nghiêm cố, đắc Phật viên âm, cụ chúng tướng hảo”.Đây là nói hành thập thiện nghiệp đạo, thực tiễn vào trong nhẫn nhục Ba-la-mật.

Hai câu phía trước của đoạn kinh văn này “cử yếu ngôn chi, hành thập thiện đạo” xuyên suốt toàn bộ tất cả kinh văn dưới đây.

Ở chỗ này chính là lấy “Nhẫn nhục trang nghiêm cố, đắc Phật viên âm, cụ chúng tướng hảo”.

Cách đọc như vậy thì ý nghĩa sẽ rất hoàn chỉnh.

Đây là người kết tập kinh tạng đã tỉnh lược về mặt văn tự, cách tỉnh lược này là mỹ hóa văn chương.

Người Trung Quốc bất luận là ở văn tự hay ở ngôn ngữ, đều chú trọng “giản yếu tường minh”, tức là đơn giản thiết yếu, còn phải tỉ mỉ, rõ ràng.

Phù hợp với tiêu chuẩn này là văn chương hay, ngôn ngữ hay.

Vì vậy phiên dịch kinh Phật cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc này.

Chúng ta đọc tụng, nghiên cứu, giảng giải nhất định phải hiểu được nghĩa thú viên mãn đầy đủ mà trong bài văn đã hàm chứa, đều là nói ra nghĩa chính yếu.“Nhẫn nhục” là việc rất khó làm, đặc biệt là bị lăng nhục.

Ở trong Phật pháp Đại thừa, sáu Ba-la-mật, Phật chỉ nói một chữ “Nhẫn” chứ hoàn toàn không phải nói nhẫn nhục.

Sau khi Phật pháp truyền vào Trung Quốc, pháp sư dịch kinh đem điều này đặc biệt thêm vào chữ “Nhục”.

Nguyên nhân là gì vậy? Trung Quốc cổ đại, người có học chúng ta gọi là giai cấp sĩ đại phu, dùng cách nói hiện đại thì chính là phần tử trí thức.

Người Trung Quốc vô cùng tôn kính phần tử trí thức.

Có thể nói Trung Quốc lập quốc 5000 năm nay, phần tử trí thức giữ địa vị vô cùng quan trọng, bất luận là thay đổi triều đại như thế nào, không ai không tôn trọng phần tử trí thức, cho nên có câu nói “chọn người hiền tài”.

Trước đây giai cấp sĩ đại phu có câu: “Sĩ khả sát, bất khả nhục”.

Ở Trung Quốc, người có học xem việc bị lăng nhục là vô cùng nghiêm trọng, đây là điều không thể chịu đựng được, chém đầu cũng chẳng sao cả, còn có thể chịu được, chứ bị lăng nhục là không thể chịu được.

Pháp sư dịch kinh nhìn thấy giai cấp sĩ đại phu có sự chấp trước nghiêm trọng như vậy, cho nên thêm chữ “nhục” vào phía sau chữ “nhẫn”.

Nếu như nhục cũng có thể nhẫn thì đương nhiên không có gì là không thể nhẫn được, mọi cái đều có thể nhẫn được, cho nên đặc biệt dùng chữ “nhẫn nhục”.

Chúng ta phải hiểu danh từ này.

Trong nguyên văn kinh Đại thừa; kinh điển tiếng Phạn hoặc giả ngày nay kinh điển tiếng Ba-li, kinh điển tiếng Tạng đều không có cái nghĩa “nhẫn nhục” này, chúng ta phải biết.Không thể nhẫn, đây là điều chúng ta có thể tưởng tượng được.

Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều người, thậm chí kể cả chính mình, bạn thử xem, khi bạn không nhẫn được thì cái đức tướng đó nó sẽ như thế nào? Thử soi vào kiếng liền biết ngay, hiện nay có thể ghi hình thì càng rõ hơn, bạn thử xem cái hình ảnh đó thế nào? Chắc chắn không thể khiến người khác nhìn thấy sinh tâm hoan hỷ, mà khiến người khác nhìn thấy sợ hãi, mệt mỏi, xa rời bạn, không dám đến gần.

Tình trạng này, bất luận là thế pháp hay Phật pháp đều là phá hoại chứ không phải thành tựu.

Nếu chúng ta muốn có được thành tựu viên mãn trong pháp thế xuất thế gian thì nhẫn là công phu, nhẫn là mấu chốt.

Trong ngạn ngữ Trung Quốc thường nói: “Việc nhỏ không nhẫn thì hư việc lớn”.

Phật trong kinh Kim Cang Bát Nhã (đây là bài kinh mọi người đọc rất thuộc), đã nói một câu danh ngôn: “Tất cả pháp đắc thành ở nhẫn”, thế xuất thế gian bất kể việc lớn, việc nhỏ, bạn muốn thành tựu đều phải xuất phát từ nhẫn.“Nhẫn”, cái ý nghĩa này sâu rộng vô tận.

Điều quan trọng nhất là thực tiễn trong đời sống thường ngày, vì con người chắc chắn không thể thoát khỏi xã hội để tồn tại độc lập, mà con người nhất định phải dựa vào đại chúng.

Dựa vào đại chúng, sống chung với đại chúng, không thể nhẫn thì làm sao được? Nhất là trong thời đại Mạt Pháp hiện nay, thời đại này phiền phức rất nhiều.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, Thế Tôn vô cùng cảm thán nói với chúng ta: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả”.

Chúng ta từ nhỏ không được tiếp nhận nền giáo dục tốt đẹp nên đã dẫn đến biết bao nhiêu tập khí bất thiện, thật không dễ dàng sống chung với đại chúng, điều này thật khó! Chúng ta thử xem pháp thế xuất thế, phàm là người có thành tựu, sự nghiệp làm được càng lớn, địa vị càng cao thì càng khiêm tốn, càng hòa kính, như vậy họ mới được người khác tôn kính, được người khác ngưỡng mộ, họ làm một việc có thể khiến bạn cả đời cảm ơn không hết.

Trước đây khi còn trẻ, tôi từng làm nhân viên công vụ nhỏ.

Khi công việc không nhiều, chúng tôi ở trong văn phòng xem báo chí, đọc sách, đây là việc thường hay xảy ra.

Vì có tập khí xấu, tôi ngồi ở trên ghế không ngồi cho đàng hoàng, lưng dựa vào ghế ngửa ra, để hai chân ghế phía trước hổng lên, nằm ngửa ra rất thoải mái.

Thủ trưởng của tôi từ phía sau đi đến, vỗ vỗ lên vai tôi.

Tôi vừa thấy liền đứng dậy ngay.

Ông không hề khiển trách tôi, ngược lại còn nói rất nhỏ nhẹ, từ tốn: “Anh ngồi như vậy sẽ dễ bị té ngã, dễ bị tổn thương”.

Ông không nói gì khác, một lần dạy bảo cả đời không quên, cái tật xấu này vĩnh viễn được sửa đổi rồi.

Nếu như ông mắng tôi một trận, lên lớp một trận, thì khi ông đi rồi tôi vẫn ngồi hổng kiểu như vậy, không phải mến phục từ nội tâm.

Đạo lý này chúng ta phải biết.

Ông chỉ dạy chúng tôi chẳng khác gì đã cho chúng tôi một giờ học, tôi hiểu được rồi.

Nếu như ta làm thủ trưởng, ta phải đối xử với cấp dưới của mình như thế nào để có thể được sự ủng hộ chân thành của cấp dưới, cẩn thận phụ trách thay ta làm việc? Đều ở một từ khiêm kính, khiêm tốn, có thể cung kính người khác.

Từng giây từng phút chỉ cần chúng ta lưu ý thận trọng, tất cả mọi nơi, mọi lúc đều là chỗ học của chúng ta.Trước đây đại sư Thái Hư đề xướng “Bồ Tát học xứ”, trước tiên chúng ta phải học chung sống với đại chúng.

Chung sống với đại chúng điều quan trọng nhất là phải kết thành một khối với đại chúng.

Ngày nay Phật giáo chúng ta không bằng Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo, nguyên nhân là chúng ta không thể kết thành một khối với người nghèo khổ nhất, không thể sống cuộc sống nghèo khổ.

Hôm qua có hai vị nữ tu Thiên Chúa giáo đến thăm tôi, cho nên thời gian giảng kinh của chúng ta đã chậm trễ nửa giờ.

Tôi tiếp kiến họ, họ ở châu Phi xây một bệnh viện.

Họ đã làm việc ở bên ấy 12 năm rồi.

Họ nói với tôi là người châu Phi vô cùng đáng thương, bệnh viện, trường học rất ít, cho nên bệnh nhân đi khám bệnh phải đi quãng đường rất xa mới có thể đến phòng khám của họ.

Họ hy vọng có được một chiếc xe cấp cứu, nên họ đến tìm tôi.

Chúng tôi nghe thấy vô cùng cảm động, nên tôi nhận lời tặng họ một chiếc xe.

Ở những nơi đó, người ở trong Phật giáo chúng ta đều không muốn đi, còn họ chịu đi, và có thể chịu khổ giống như dân ở đó vậy, không hề có mảy may than vãn, kết thành một khối với người ta, toàn tâm toàn lực chăm sóc những người này, giúp đỡ những người này.

Nữ tu Hứa Triết của Singapore chúng ta cả đời cũng làm như vậy.

Trong mắt bà chỉ có chúng sanh khổ nạn, người già, người bệnh.

Xưa nay bà chưa từng nghĩ đến bản thân, luôn kết thành một khối với những người này.

Đây là hy hữu hiếm có, đây là việc mà chúng ta rất cần phải noi theo, rất cần phải cảnh giác.Thế pháp, Phật pháp, cổ thánh tiên hiền chỉ dạy chúng ta là trong cương vị công tác nào thì nhất định phải làm tốt công việc bổn phận của mình.

Mỗi người đều có thể làm tốt công việc bổn phận của mình thì thế giới này hòa mục kiết tường.

Mọi người cần phải hỗ trợ hợp tác, không có công phu nhẫn nhục thì không thể thành tựu.

Nhẫn nhục nhất định phải được áp dụng trong đời sống thường ngày của chúng ta, mọi việc đều phải nhẫn.

Phật dạy chúng ta phải tùy duyên, nếu không nhẫn được thì không thể tùy duyên.

Nhất định muốn tùy theo ý của mình, tùy theo sự ưa ghét của mình là khó rồi.

Đâu biết rằng sự ưa ghét của mình là phiền não làm tâm không thanh tịnh.

Có thể buông xả sự ưa ghét của mình, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, thì cái công đức đó chính là nhẫn nhục Ba-la-mật.“Trang nghiêm” chính là làm đến tận thiện tận mỹ.

Bạn tu nhẫn nhục đến mức độ tận thiện tận mỹ thì bạn được quả báo.Hai câu trên là nói tổng quát.“Đắc Phật viên âm”.

Phật dùng nhất âm thuyết pháp, chúng sanh tùy loài đều hiểu được, cái âm này mới là viên âm.“Cụ chúng tướng hảo”.

Nhân tố của tướng hảo quả thật rất nhiều.

Trong biết bao nhiêu nhân tố, nhân tố đứng đầu là nhẫn nhục.

Bồ-tát tu thành Phật còn phải đặc biệt dùng thời gian 100 kiếp (đây không phải là thời gian ngắn) để tu 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.

Một trăm kiếp này tu pháp môn gì vậy? Xin thưa với quí vị, vẫn là lục Ba-la-mật, nhưng trong lục Ba-la-mật lấy nhẫn nhục Ba-la-mật làm hàng đầu.

Chúng ta muốn hỏi, tại sao các Ngài phải tu tướng hảo vậy? Vì chúng sanh ưa thích tướng hảo.

Chúng sanh ưa thích tướng hảo nên Phật dùng tướng hảo nhiếp thọ chúng sanh.

Sự thật tướng hảo của Phật đã độ không biết bao nhiêu chúng sanh.

Chúng ta xem thấy ở trong kinh điển, A Nan là một ví dụ rõ rệt nhất.

Tại sao A Nan xuất gia và học với Phật Thích Ca Mâu Ni? Chính là nhìn thấy tướng hảo của Ngài.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật hỏi A Nan: “Tại sao con phát tâm xuất gia?”.

A Nan đáp: “Vì ngưỡng mộ tướng hảo của Phật”.

Phật nói cái tướng hảo này không phải do cha mẹ sinh ra, đây là do Ngài tu được.

Cho nên A Nan phát tâm học Phật, không học gì khác là muốn học tướng hảo.

Như vậy bạn mới biết được tướng hảo nhiếp thọ chúng sanh, cái sức mạnh này mạnh biết bao.

Thành thật mà nói, Phật Thích Ca Mâu Ni đã sớm chứng được quả địa cứu cánh viên mãn, Ngài còn cần tu tướng hảo không? Ngài làm ra cho phàm phu sáu cõi chúng ta xem.

Phàm phu sáu cõi có người nào không muốn mình có tướng hảo? Người nào cũng muốn có tướng hảo, bất kể bạn thuộc dân tộc nào, bất kể bạn tin tôn giáo nào, có người nào không muốn mình có thân thể khỏe mạnh, tướng mạo xinh đẹp? Phật thị hiện là nói cho bạn biết, mong muốn này của bạn có thể toại nguyện, chỉ cần bạn tu nhẫn nhục Ba-la-mật thì nguyện của bạn sẽ đạt được.Nhẫn được mọi việc, nhẫn được mọi lúc, nhẫn được mọi nơi, nhẫn nhục Ba-la-mật viên mãn chính là tướng hảo quang minh viên mãn.

Cho nên quí vị đồng tu phải biết, nhẫn nhục là tiền phương tiện cho thiền định.

Một người không thể nhẫn sẽ không cách gì tu định được.

Định là Phật pháp, bất luận Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, đó là mấu chốt, thảy đều tu thiền định.

Tám vạn bốn ngàn pháp môn là tám vạn bốn ngàn loại phương pháp khác nhau, cách thức khác nhau nhưng thảy đều tu thiền định.

Nhẫn nhục còn làm không được thì thiền định không cách gì tu.

Cho nên, Phật đối với Bồ-tát nói sáu điều nguyên tắc tu hành này là có thứ lớp, dứt khoát không được đảo lộn.

Điều thứ nhất là bố thí, là dạy bạn buông xả.

Nếu bạn không thể buông xả thì bạn sẽ không giữ luật nghi (giữ luật nghi là trì giới).

Bạn không thể giữ luật nghi thì bạn chắc chắn không thể nhẫn nhục.

Bạn không thể nhẫn nhục thì bạn chắc chắn sẽ không có tiến bộ (tiến bộ là tinh tấn).

Không có tiến bộ thì làm sao có thể đắc thiền định? Cho nên sáu điều này giống như lên sáu tầng lầu vậy.

Không có tầng phía dưới thì nhất định không có tầng phía trên.

Chúng ta phải tu như thế nào đây? Phải tu từ bố thí.

Thật sự buông xả được, thật sự giữ luật nghi, thủ pháp.

Tuyệt đối không được phép nhồi nặn bản thân thành một nhân vật đặc thù, đó là sai rồi.

Tại sao vậy? Vì xa rời quần chúng.

Xa rời quần chúng sẽ không được quần chúng giúp đỡ, hay nói cách khác, bạn bị cô lập rồi.

Nếu bạn cô lập thì bất luận pháp thế gian hay xuất thế gian, thảy đều thất bại.

Cho nên chúng ta hãy quan sát tỉ mỉ, xưa nay trong ngoài và nước, người thành công chắc chắn là được đại chúng ủng hộ, được đại chúng yêu thích, nhất là hiện nay xã hội dân chủ tự do mở cửa, tranh cử, ứng cử, bỏ phiếu bầu.

Bỏ phiếu thì trông chờ vào sự yêu thích, sự ủng hộ của quần chúng đối với bạn.

Bạn ngày thường không quan tâm người khác thì ai chịu giúp đỡ bạn? Cho nên chung sống với đại chúng là một môn học lớn nhất.

Chung sống với đại chúng là phải bố thí, trì giới, nhẫn nhục.

Ba điều này làm được rồi, trong nhà Phật nói là pháp duyên của bạn thù thắng, vô lượng công đức.Tốt rồi, hôm nay chúng ta chỉ giảng đến đây.A Di Đà Phật!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui