Kinh văn: “Lực trang nghiêm cố, chúng oán tận diệt, vô năng hoại giả”.“Lực” này là nói “ngũ lực”.
Phía trước đã nói qua “ngũ căn”.
Ngũ căn tăng trưởng thì liền sinh ra sức mạnh, nên gọi là “ngũ lực”.
Năm điều này, tên gọi cùng ngũ căn là giống nhaulà “Tín - Tấn - Niệm - Định - Huệ”.
Mỗi một điều chúng ta đều phải có trình độ nhận biết tương đối, còn phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập, như vậy mới có thể đạt được thọ dụng.Điều thứ nhất là “Tín căn”.Hiện tại tôi ở đây giới thiệu qua với các vị, giáo trình là lấy từ nơi “Giáo Thừa Pháp Số”.
Gần đây dường như “Giáo Thừa Pháp Số” đã được in ra rồi, quyển này rất lý tưởng, các đồng tu mỗi một người đều có thể lấy một bộ.
Phía trước quyển này sắp xếp thứ tự lời tựa kém một chút.
Đây là vì ban đầu tôi không chú ý đến, đều là do xưởng in làm.
Một quyển sách vừa mở ra, thiên thứ nhất phải là lời tựa (đó là lời văn của Ung Chánh, nên dùng màu đỏ để in), thiên này phải để ở phía trước, sau lời tựa mới là phần xếp mục lục.
Hiện tại tôi xem thấy quyển này mục lục xếp ở trước, lời tựa xếp ở phía sau, thứ tự này bị đảo lộn rồi.
Đây là thường thức, chúng ta phải nên biết.
Người đọc sách làm gì nói không có cái thường thức này? Vậy thì nói không thông.
Hiện tại in ra số lượng không nhiều, chỉ có một ngàn quyển, để chúng ta dùng, không lưu thông bên ngoài.
Mọi người phải nên biết, về sau khi muốn in sách, phải lưu ý, không nên để người xem thấy, họ sẽ cười.Ngũ căn, thứ nhất là “Tín căn”, thứ hai là “Tấn căn”, tiếp theo là “Niệm - Định - Huệ”.
Tín căn tăng trưởng, thành tựu là do lực.
Giải thích của tín lực là “tín căn thêm lớn thì có thể phá nghi chướng”, tín thì không hoài nghi.
Ngày nay tín của chúng ta có lực hay không? Không có lực! Không chỉ không có lực, có thể ngay đến căn đều không có.
Chúng ta đối với thế xuất thế gian tất cả pháp đều hoài nghi, làm sao có thể thành tựu? Người xưa nói được rất hay, thế nhưng chúng ta không tin tưởng.
Bạn xem, thế giới này động loạn, lòng người hư xấu.
Trước đây không có, trong lịch sử tương lai là một thời đại loạn.
Căn nguyên của động loạn là do đâu? Nếu như không tìm ra được nhân tố, không tìm ra được căn nguyên của động loạn để tiêu trừ, thì xã hội này làm sao an định, thế giới làm sao có hòa bình? Căn nguyên này, người xưa dùng một câu nói thì liền thấy ra được.
Chúng ta không những không tin tưởng, mà ngày ngày đọc lời nói này cũng không nghĩ đến.
Trung Quốc thời cổ đại, trẻ nhỏ học “Tam Tự Kinh”, câu thứ nhất của Tam Tự kinh chính là căn bản trị loạn của thế gian.
Ai tin tưởng? Đó đều là tinh hoa, là tiết lục giáo huấn tinh yếu của thành hiền nhân.
“Nhân chi sơ, tánh bổn thiện.
Tánh tương cận, tập tương viễn”, đây chẳng phải đã đem căn nguyên của trị loạn nói ra hết rồi sao? “Thiện” của “tánh bổn thiện” không phải là thiện của thiện ác.
Viễn ly hai bên, không ở nơi giữa, đây gọi là “chí thiện”, là chân thiện, là tánh đức viên mãn, cho nên nói “tánh tương cận”.
Tánh là giống nhau, tất cả chúng sanh bổn tánh đều như nhau.
Trong bổn tánh đầy đủ trí tuệ viên mãn, đầy đủ đức năng viên mãn, cho nên “sanh - Phật không hai”, chúng sanh cùng Phật không hề khác biệt chút nào.
Tại vì sao có khác biệt? Câu tiếp theo là “Tập tương viễn”.
Tập là tập quán, đó là tập tánh, không phải bổn tánh.
Tập tánh thì không giống nhau, cái gọi là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, do đó con người không thể không tiếp nhận giáo dục.Mục đích của giáo dục là gì?Mục đích của giáo dục là dạy chúng ta thân cận thánh hiền.
Tập tánh của chúng ta, nếu như thân cận thánh hiền thì người bất tri bất giác cũng liền biến thành thánh hiền.
Đó là huân đào của giáo dục.
Chúng ta ngày ngày cùng ở chung với Phật, bất tri bất giác liền thành Phật; ngày ngày cùng ở chung với Bồ Tát, bất tri bất giác liền thành Bồ Tát; ngày ngày cùng ở chung với ác đạo, bất tri bất giác liền biến thành ác đạo.
Cõi quỷ là tâm tham, địa ngục là sân hận, súc sanh là ngu si, ngày ngày ở chung với họ sẽ nhiễm tham sân si, liền biến thành ác đạo.
Do đó, giáo dục là vô cùng quan trọng.Chúng ta xem thấy giáo dục của xã hội ngày nay, ở nhà, cha mẹ dạy những gì? Ở trường học, thầy giáo dạy những gì? Ở xã hội, bạn ngày ngày xem báo chí, tạp chí, truyền hình, phim ảnh (đây là giáo dục xã hội), những thứ này dạy bạn cái gì? Lại xem qua tôn giáo, tôn giáo là giáo dục thánh hiền, hiện tại trong tôn giáo dạy những gì? Chúng ta liền biết được, liền tìm ra được căn nguyên động loạn của thế gian này.
Đối trị thì phải từ nơi cội gốc mà bắt tay vào.
Đây là vấn đề của giáo dục! Chúng ta trong lúc giảng kinh thường hay nói, đây không phải vấn đề chính trị, chính trị không giải quyết được; đây cũng không phải là vấn đề quân sự, vũ lực không giải quyết được; đây cũng không phải vấn đề kinh tế, cũng không phải vấn đề khoa học, đều không thể giải quyết được, mà là vấn đề của giáo dục.
Cho nên thánh triết, thánh nhân, thần nhân trong ngoài xưa nay, họ làm cái gì? Làm giáo dục.
Ở thế gian này họ không chọn các nghề nghiệp khác, mà họ chọn lấy giáo dục.
Vì sao vậy? Cứu đời, cứu người.
Chúng ta ngày nay ở thế gian chọn lấy nghề nghiệp này là chúng ta dùng tâm gì, chí hướng gì để chọn lựa? Nếu như vì danh vọng lợi dưỡng, vậy thì con đường bạn đi là ba đường ác, hơn nữa rất là nghiêm trọng.
Vì sao nói rất là nghiêm trọng? Vì bạn đem giáo học của thánh hiền vặn cong đi, đem giáo huấn của thánh hiền dùng sai rồi, làm tất cả chúng sanh ngộ nhận, đây là tội chồng thêm tội.
Nghề nghiệp này là nghề nghiệp thần thánh, là ngành nghề của đại thánh đại hiền.
Chúng ta phải rõ ràng điều này.
Chúng ta chưa làm tốt, thì chúng ta chính là tội nhân của Phật Bồ Tát, quả báo khẳng định ở A Tỳ Địa Ngục.
Cho nên, phàm hễ là người có trí tuệ, quyết định sẽ không khuyên người xuất gia.
Khuyên người xuất gia, nếu như tương lai họ tu không được tốt, mang vào người lớp áo của Phật pháp, làm những việc tham sân si mạn, tự tư tự lợi, tương lai đọa A Tỳ Địa Ngục, người mà khuyên người đó xuất gia cũng phải gánh trách nhiệm nhân quả, vậy ai dám làm việc này? Chỉ có người ngu si vô trí mới dám làm.
Người có đầu óc tỉnh táo, quyết định không dám khuyên người xuất gia, chỉ có thể khuyên người học Phật.
Bạn xem lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam, cả đời khuyên người học Phật, khuyên người quy y, quyết định không khuyên người thọ năm giới, vậy xuất gia thì càng không cần phải nói, tuyệt đối không khuyên người.
Nếu bạn muốn phát tâm xuất gia, thầy hỏi: “Vì sao anh muốn phát tâm xuất gia?”.
Khuyên người quay đầu, quá khó rồi!Xuất gia chính là làm Phật, xuất gia chính là hy sinh chính mình để cứu độ tất cả chúng sanh.
Vì vậy người xuất gia phải làm tấm gương tốt cho chúng sanh, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là mô phạm cho trời người.
Người xuất gia được gọi là “Thiên Nhân Sư”, không chỉ là thầy của nhân gian, mà còn là thầy của chư thiên trong sáu cõi, người thầy làm gương mẫu tốt nhất, tấm gương tốt nhất, để thiên vương xem thấy đều phải học tập.
Ta có thứ gì để cho họ học tập?Cho dù bạn xuất gia với động cơ gì, hiện tại bạn đã xuất gia rồi, hiểu được những đạo lý này, thì bạn phải nỗ lực chăm chỉ tu học.
Người xuất gia cả đời làm hai sự việc là hoằng pháp và hộ pháp.
Hoằng pháp là gánh vác việc giáo học giảng kinh nói pháp.
Hộ pháp chính là làm công việc hành chánh trong đạo tràng, công việc tạp vụ.
Chúng ta không có mời người bên ngoài đến làm, mà chính mình phải tự làm.
Hoằng - Hộ là một thể.
Người hộ pháp chăm sóc đồng tu hoằng pháp, ở phương diện công việc, tận lượng giảm nhẹ lượng công tác của họ, để họ có thời gian đọc sách, đọc kinh, để tiến tu, ở nơi công việc lao động sự vụ, người hộ pháp gánh vác nhiều một chút, đây là nội hộ.
Giống như trong trường học, người hoằng pháp là giáo viên, phụ trách lên lớp, còn người hộ pháp là viên chức.
Địa vị của giáo viên cùng viên chức là bình đẳng; giáo viên và viên chức là một thể.
Quan hệ luôn phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận.Người xưa dạy chúng ta: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”, phần đầu của “Tam Tự kinh” có, chúng ta có tin tưởng hay không? Chúng ta không chịu chuyên nhất, không chịu chuyên công, xem thấy người khác học rất nhiều thứ, chỉ sợ ta không bằng người khác, vậy là sai rồi! Nếu bạn chuyên công, bạn sẽ nổi bật lên, người tạp tu chắc chắn không thể nào so sánh được với bạn.
Người chuyên công thì đầy đủ Giới - Định - Huệ tam học; người tạp học thì Giới - Định - Huệ tam học triệt để bị phá hỏng, họ làm sao có thể thành công?Giáo học của Phật học viện ngày nay thật đáng lo, mô phỏng theo phương pháp giáo học, theo sắp xếp giáo trình của một số trường học, cho nên Giới - Định - Huệ tam học đều không.
Không chỉ tín lực không có, mà tín căn cũng không có.
Đây là hoàn toàn khác với giáo học của người xưa.
Người xưa đích thực là “quý dĩ chuyên”, bạn theo lão sư học tập, quyết định chỉ học một môn, quyết định không thể nào đồng thời cùng học hai môn.
Lão sư Lý Bĩnh Nam cả đời giảng kinh, dạy học ở Đài Trung, đối với việc này thầy hạn chế rất nghiêm khắc, học trò chỉ có thể học một môn; người có thiên phú, người có năng lực đích thực mới được phép đồng thời học hai môn, quyết định không được học đến ba môn.
Hơn nữa, nếu đồng thời học hai môn thì hai môn này nhất định phải tương bổ tương thành cho nhau, chắc chắn hai môn này không được trái ngược nhau.
Đây là nguyên tắc.
Thế nhưng người hiện tại không tin tưởng, xem thấy người khác học nhiều thứ đến như vậy, đọc nhiều sách đến như vậy, cho nên họ không tin.
Tôi thường nói: “Không nghe lời người xưa, chịu thiệt ngay trước mắt”.
Họ không tin, vậy thì còn cách nào? Mỗi một câu trong “Tam Tự kinh” không phải chỉ một người nói, mà là tích lũy kinh nghiệm giáo huấn của cổ thánh tiên hiền từ vô lượng kiếp.
Ở Trung Quốc, mấy ngàn năm đến nay, tổ tổ truyền nhau chỉ một nguyên tắc như vậy.
Ngày nay “Tin” của chúng ta không có gốc thì làm gì có lực? Tin có lực thì phá nghi, phá chướng.
Chúng ta ngay trong quá trình tu học chắc chắn không có nghi hoặc.“Chướng” là cái gì? Bên ngoài đến chướng ngại, cũng chính là ngày nay nói “bị ảnh hưởng tất cả người và sự vật”, liền sanh ra chướng ngại.
Quyết định không bị ảnh hưởng của ngoại lực, đây là trừ chướng, đạo đức, học vấn của chính mình ngày ngày đang thêm lớn.
Bài khóa có thể định mấy môn, phải từng môn, từng môn mà học, không được đồng thời học nhiều môn.
Chúng ta vì các đồng tu thường trụ đạo tràng của mình mà chọn ra bảy môn bài khóa.
Bảy môn bài khóa này, không phải là đồng thời dạy bạn học, bạn phải học từng môn, từng môn.
Quý là ở chuyên tinh.
Học môn nào trước, việc này không hề gì, bạn có thể chọn lựa.
Thứ tự các môn học, cá nhân chính mình có thể chọn lựa, không cần phải giống nhau.
Chúng ta định ra bảy môn, bạn ưa thích kinh Vô Lượng Thọ thì có thể chuyên công một bộ kinh này trước.
Bộ kinh này học xong rồi, thì học tiếp bộ thứ hai.
Nếu bộ này chưa học chưa xong thì không được học bộ thứ hai.
Thế nào gọi là “học xong”? Tiêu chuẩn của lão sư Lý là bạn có thể lên đài giảng qua một lần mới được xem là bạn đã học xong; bạn chưa lên đài giảng qua một lần thì không tính.
Tiêu chuẩn của Ngài là tiêu chuẩn ở mức thấp nhất, phải lên đài giảng qua một lần từ đầu đến cuối mới xem là học xong.
Năm xưa tôi cùng học với thầy, ở ngay trong kinh nghiệm, tôi sâu sắc cảm nhận được rằng, chỉ giảng qua một lần không đủ.
Trong lớp học, tôi cũng giống như một lớp trưởng vậy, các bạn đều rất tôn trọng đối với tôi.
Tôi nêu ra với lão sư, tôi phải giảng mười lần mới xem là học xong (đây là ý của tôi, tôi không thể yêu cầu người khác).
Lão sư Lý gật đầu.
Học một bộ kinh giảng một lần không đủ, phải liên tục không ngừng giảng qua mười lần.Lần trước, cư sĩ Khai Phong Sử, Hà Nam đến bên đây tìm tôi xin xuất gia và muốn tôi thế phát cho ông.
Tôi không còn cách nào từ chối, muốn thoái thác cũng không được.
Tôi yêu cầu ông một điều kiện là trong một năm, ông đem “kinh Vô Lượng Thọ” giảng mười lần thì tôi sẽ thế phát cho ông.
Tuần trước, ông gọi điện thoại cho tôi, ông nói, ông đã giảng qua năm lần rồi, trong một năm nhất định ông có thể giảng xong.
Tôi nói: “Được, ngay trong một năm, ông có thể đem kinh Vô Lượng Thọ giảng mười lần, ông đến tìm tôi, tôi thế phát cho ông”.Chúng ta phải biết đạo lý căn bản này, phải có tín tâm, từng loại từng loại mà học.
Ngay trong một đời này, ta chỉ cần học xong một bộ là thành tựu.
Chỉ sợ ngay trong một đời này, học một bộ cũng không xong thì rất hổ thẹn, không thể thành tựu.
Đồng tu tại gia lão thật niệm Phật có thể cầu vãng sanh; đồng tu xuất gia học một bộ kinh luận cũng không học xong thì có lỗi với Phật Bồ Tát, có lỗi đối với sự cúng dường của đại chúng.
Tín đồ tại gia cung cung kính kính cúng dường tứ sự là vì cái gì? Thành thật mà nói, ngày nay đồng tu xuất gia chúng ta, ba độc phiền não quá nặng, tâm tham quá nặng, tâm si, đố kỵ, sân hận không hề buông xả, cho nên lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền nghe không lọt vào tai, không chịu một môn thâm nhập, không cam tâm học một thứ.
“Người khác hiểu được nhiều như vậy, ta phải hiểu nhiều hơn so với họ”, kết quả sau cùng không thông được thứ nào, không hiểu được thứ gì.
Người xưa đã nói: “Một kinh thông, tất cả kinh thông”, nhưng họ không tin tưởng.
Chân thật là một kinh thông rồi, tất cả các kinh khác thảy đều quán thông, thế xuất thế gian pháp vừa tiếp xúc liền thấu hiểu, không cần phải học tập.
Những lời của cổ thành tiên hiền đã nói là chân lý.
Người hiện tại không tin tưởng đây là chân lý, họ nhận giả, không nhận thật, vậy thì không còn cách nào.
Cho nên nghi chướng vĩnh viễn không thể phá được, công phu làm sao có thể có lực? Chúng ta nói đến “ngũ căn”, thực tế mà nói, “ngũ lực” vẫn là ở trên “ngũ căn” mà dụng công.
Có căn thì sau đó mới có lực.
Căn đều không có thì làm gì có lực?************Chúng ta tiếp tục nói qua “tín căn, tín lực” trong “ngũ căn, ngũ lực”.
Vấn đề này, tại vì sao phải dùng nhiều thời gian đến như vậy để thảo luận? Vì nó có quan hệ quá lớn đối với bản thân chúng ta.
Then chốt thành bại của thế xuất thế gian pháp đều là ở tín tâm, cho nên, nếu không thể xây dựng được tín tâm, có thể nói là không thành được việc gì.Chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ, trong ba tư lương của Tịnh Tông, điều thứ nhất chính là “tín”.
Thẳng đến sau khi vãng sanh thế giới Cực Lạc vẫn phải từ ngũ căn, ngũ lực mà tu, vậy thì bạn liền biết được, khóa mục này quan trọng đến dường nào.
“A Di Đà kinh” của Đại sư La Thập dịch nói rõ cho chúng ta biết, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc vẫn phải tu ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần.
Do đây có thể biết, ba khóa mục phía trước nhất định là ở ngay trong đời này của chúng ta phải hoàn thành.
Điều này rất rõ ràng, không có nền tảng của ba khóa phía trước, vãng sanh là không đáng tin.Người chân thật niệm Phật vãng sanh thì quyết định phải đầy đủ “tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc”.
Chúng ta phía trước đã giảng qua, tứ niệm xứ là nhìn thấu, tứ như ý túc là buông xả, tứ chánh cần là đoạn ác tu thiện.
Nếu chúng ta không ở trên những chỗ này mà chân thật hạ công phu, thì niệm Phật không thể vãng sanh.
Mọi người vạn nhất không nên nghĩ “đới nghiệp vãng sanh” là quá dễ dàng.
Tổ sư đại đức nói, đây là “đạo dễ hành”, nhưng đạo dễ hành là so với các pháp môn khác thì nó là dễ dàng nhất.
Nếu bạn đem nó xem thành quá dễ dàng, thì có thể bạn ngay đời này bị lỡ dịp.
Do đó bạn nhất định phải lão thật, phải thành thật học tập.
Trong “A Di Đà Yếu Giải”, đại sư Ngẫu Ích nói rất hay (tán thán của Đại Sư Ấn Quang đối với Ngài là chính xác, không quá đáng chút nào), Ngài nói, thứ nhất: “Phải tin tưởng chính mình”.
Tin tưởng chính mình điều gì? Tin tưởng chính mình có Phật tánh, tin tưởng chính mình có thể làm Phật, đây là điều kiện đầu tiên.
Chính mình không tin tưởng chính mình có thể làm Phật, vậy thì bạn chắc chắn không thể thành được Phật.“Tam Tự Kinh” là một quyển sách rất quan trọng.
Từ xưa, trẻ nhỏ ba, bốn tuổi đã bắt đầu học.
Câu nói đầu tiên là “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”.
“Tánh bổn thiện” này là ý nghĩa gì? Tin tưởng chính mình có thể làm Phật.
Phật là tánh vốn thiện.
Điều đầu tiên là cho chúng ta lòng tin, chúng ta có thể làm thánh nhân, có thể làm thần nhân, có thể làm Phật, có thể làm Bồ Tát.
Bạn không muốn làm thì không có cách nào.
Cho nên tín tâm là từ chỗ này mà xây dựng.
Sau đó, bạn lại nghĩ đến giáo dục ngày trước của chúng ta, toàn thế giới không thể so sánh.
Dạy trẻ nhỏ, câu đầu tiên chính là dạy chúng cái này, dạy chúng phải cố gắng ghi nhớ.
Tại vì sao bạn có thể biến thành người bất thiện? Phía sau đã nói rõ, nó sanh ra biến hóa, “tánh tương cận, tập tương viễn”.
Tánh là bổn tánh.
Chúng sanh cùng Phật là như nhau, không có khác nhau.
Tập quán thì cách ly rất xa.
Tập tánh, người xưa gọi là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, đây là nói tập tánh.
Bạn thường hay ở chung với thánh nhân, thì bạn liền sẽ thành thánh nhân; bạn thường hay ở chung với người ác, thì bạn thành người ác; bạn thường hay ở chung với người tà tri tà kiến, bạn liền biến thành người tà tri tà kiến, đạo lý chính là như vậy.Hôm qua các vị đồng tu có câu hỏi rất hay, hiện tại mọi người đều có vi tính, ngày ngày ở trên mạng, những thứ ở trên mạng thì rất là phức tạp, hay nói cách khác, duyên của mười pháp giới đều ở ngay trong đó, chỉ xem bạn thân cận những gì.
Ở trong đó có Phật, có Bồ Tát, cũng có yêu ma quỷ quái, cũng có địa ngục, súc sanh, xem bạn chính mình thân cận thứ nào.
Nếu mỗi ngày bạn chỉ mở một môn học Phật, bạn nhất định thành Phật.
Ngoài việc học Phật ra, bạn vẫn muốn thân cận yêu ma quỷ quái thì khẳng định bạn không thể thành được Phật.
Vì sao vậy? Phiền não tập khí của bạn rất nặng, yêu ma quỷ quái có thể làm thỏa mãn sở thích của bạn, có sức mạnh mê hoặc rất lớn, bạn chắc chắn sẽ đi theo họ.
Bạn đi theo họ đến nơi nào vậy? Đi đến địa ngục, đi đến ngạ quỷ, súc sanh, cõi thiện chắc chắn sẽ không có phần của bạn.
Tất cả đều ở một niệm tín tâm của bạn, bạn xem, tín tâm này của bạn có quan trọng hay không?Tôi giảng kinh thường hay phụng khuyến các vị: “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”.
Không có nền tảng này, bạn muốn không bị những tà tri, tà kiến, tà hạnh của xã hội này mê hoặc thì e rằng không có người nào làm được, trừ khi bạn là Phật Bồ Tát tái sanh; nếu bạn không phải là người tái sanh, bạn không thể nào thoát khỏi bàn tay của ma, bạn chắc chắn sẽ đọa vào ma đạo.
Do đó, giáo học là phương tiện cứu độ tất cả chúng sanh tốt nhất.Mở đầu của Tam Tự kinh là “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”.
Nếu bạn không y theo đạo của thánh nhân, đạo của Phật Bồ Tát giáo huấn, thì bạn chắc chắn sẽ biến đổi, sẽ bị lôi cuốn bởi làn sóng của xã hội.
Ngày nay thiện căn của chúng ta tuyệt nhiên không phải là sâu dày.
Người có thiện căn sâu dày thì chân thật có thể làm được “mắt không xem tà sắc, tai không nghe lời ác”.
Điều này ngày nay chúng ta làm không được.
Càng là giảo ngôn tà ác thì càng ưa thích nghe, không chỉ ưa thích nghe mà còn đi nghe ngóng, còn đi tìm kiếm.
Từ ngay chỗ này mà xem, liền biết được con người này không có thiện căn, đi con đường tà, cách mức độ thấp nhất của nhà Nho là Quân tử rất xa.Bạn xem, tiêu chuẩn giáo học của nhà Nho là “Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác ngôn”.
Đây là khi hai người bạn có ý kiến bất hòa, trở mặt, đoạn kết giao, nhưng chắc chắn họ không nói một câu nói xấu nào đối với đối phương.
Mức độ thấp nhất của nhà Nho là quân tử, hiện tại trên thế giới không còn.
Tại vì sao nhà Nho dạy người như vậy? Giúp cho an toàn xã hội, giúp cho thế giới hòa bình.
Thật là cừ khôi! “Bất xuất ác ngôn” công hiệu lớn đến như vậy!Ác ngôn, dèm pha sanh sự, hậu quả nhỏ thì phá hoại gia đình người ta, làm cho cả nhà người ta bất hòa; lớn là phá hoại đoàn thể, làm đoàn thể bất hòa, nếu như là đoàn thể Phật giáo, thì tội của họ tương lai chắc chắn đọa A Tỳ Địa Ngục.
Vì sao vậy? “Phá hòa hợp tăng”, đây là tội ngũ nghịch thập ác.
Các vị đọc qua kinh Địa Tạng, kinh Địa Tạng mọi người đều rất quen thuộc, ngày trước chúng ta cũng đã giảng qua “Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh”, mọi người đều đã xem qua, tội ngũ nghịch là giết phụ thân, giết mẫu thân, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng, năm điều này là tội nghiệp của A Tỳ Địa Ngục.
Người có một chút trí tuệ, đầu óc rõ ràng, làm gì mà chịu làm những việc hồ đồ này! Địa ngục rất dễ dàng bước vào, nhưng đi ra thật khó.Phần tử trong đoàn thể này có xấu hơn là việc của họ, nhân quả của mỗi người, mỗi người tự gánh lấy, ta tuyệt đối không nói một câu.
Không có quan hệ gì với ta, ta không tạo cái nghiệp này.
Chúng ta phải tin tưởng giáo huấn này của Phật.
Tại vì sao người khác tạo bất thiện, ta lại muốn đem cái bất thiện của họ để vào trong tâm của ta, đem cái tâm của mình biến thành bất thiện? Tổn thất này quá lớn, đây là người ngu si nhất của thế gian.
Phật ở trong “Thập Thiện Nghiệp Đạo kinh” vừa mở đầu liền dạy bảo chúng ta (chúng tôi cũng đã tốn rất nhiều thời gian đặc biệt giảng nói cho các đồng tu nghe): “Không để một chút gì bất thiện xen tạp”.
Câu nói này của Phật quan trọng, phải dưỡng cái tâm thuần thiện của chính mình, không nên nói lỗi lầm của người khác.Chúng ta không thể nói lỗi lầm của người, không thể đem nó để vào trong tâm, hay nói cách khác, ở trong tâm của ta không lưu lại dấu vết về lỗi lầm của bất cứ người nào thì chúng ta thành công, chúng ta là người đại thiện.
Vì sao chúng ta đem lỗi lầm của người khác để vào trong tâm của chính mình, làm cho tâm của chính mình hư đi? Tâm của mình giống như cái kho rất thanh tịnh, bạn đem chứa rác rưởi của người khác, bạn nói xem, có oan uổng hay không? Đem những tội lỗi, phải quấy của người thế gian không liên quan để vào trong cái kho chứa thanh tịnh của chính mình, tâm của chính mình biến xấu rồi.
Loại người này chân thật là hồ đồ hết chỗ nói.
Tại vì sao họ có thể làm như vậy? Thật đáng thương, họ không nhận qua giáo dục, không có người dạy họ.Ngày nay chúng ta có thể tiếp nhận giáo huấn của thánh hiền, đây là thiện căn phước đức nhân duyên ở trong đời quá khứ.
Thế nhưng có hiệu quả hay không thì rất khó nói.
Tại sao vậy? Ô nhiễm bên ngoài quá nghiêm trọng, chúng ta ở vào thời đại này, ô nhiễm bên ngoài so với ngày trước nghiêm trọng hơn ngàn lần, vạn lần cũng chưa vừa.
Vào thời xưa, không cần nói quá lâu, khoảng một trăm năm trước, phong khí xã hội đều thuần hậu.
Khoảng năm mươi năm trước, chúng ta đến Đài Loan, người Đài Loan rất thuần hậu, chúng ta vừa mới đến, tìm bạn bè, không biết đường đi, hỏi người bày bán ở hai bên đường, người ta rất nhiệt tình, ngưng việc buôn bán lại, dẫn chúng ta đi, phổ biến đều là như vậy.
Hiện tại, bạn đến hỏi đường, ngay đến ngó bạn, người ta cũng không thèm ngó, hiềm bạn phiền phức, hiềm bạn lôi thôi, phong khí hoàn toàn khác.
Cho nên ở vào xã hội này, chính mình có thể giữ gìn được là thiện căn của bạn rất sâu dày, chắc chắn không phải là người thông thường.
Chúng ta không có năng lực này thì phải huân tập.
Chính tôi là một thí dụ, tôi cũng không phải là người có thiện căn phước đức nhân duyên sâu dày, nhưng tôi có thể bồi dưỡng, không bị tập khí ác của xã hội tiêm nhiễm, đó là chính tôi phát tâm ở bên cạnh lão sư Lý mười năm.
Thầy yêu cầu tôi tuân thủ giáo huấn của thầy năm năm, tôi tăng thêm năm năm, tôi theo thầy mười năm.
Mười năm cắm gốc, tôi có năng lực phân biệt chân vọng, có năng lực phân biệt tà chánh, có năng lực phân biệt phải quấy, cho nên mới có thể gìn giữ mà không bị ô nhiễm, tâm địa ngày một được thanh tịnh hơn.
Việc này tôi nghĩ, đồng tu có tâm có thể thể hội được.
Từ chỗ nào mà thể hội được? Từ ngay trong ngôn hạnh của tôi mà thể hội, ngày ngày bạn nghe lời nói của tôi, nhìn thấy cử chỉ hành vi thường ngày của tôi.
Bạn nhìn không ra, thể hội không được, đó là bạn không có học vấn này, bạn không có lương tri, lương năng.
Người thế gian, thậm chí đến tất cả chúng sanh đều có mặt thiện, cũng đều có mặt ác, thiện ác hỗn tạp, mức độ thấp nhất cũng phải học với cư sĩ Hứa Triết.Cư sĩ Hứa Triết năm nay 102 tuổi rồi, người thanh niên 102 tuổi, tại vì sao bà có thể giữ được khỏe mạnh như vậy? Lý do rất đơn giản là tâm thanh tịnh.
Chúng ta cũng thường nói, tâm thanh tịnh thân liền thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh hoàn cảnh của bạn liền thanh tịnh, “hoàn cảnh” này, hiện tại người ta gọi là “từ trường”.
Từ trường của bạn tốt, khi người khác tiếp xúc với bạn, họ cảm thấy rất là dễ chịu.
Vì sao bà Hứa Triết có thể giữ được tâm thanh tịnh? Không gì khác hơn, chính bà đã nói với chúng ta rất rõ ràng, bà tuyệt đối không đem lỗi lầm của người khác để ở trong tâm của mình.
Điểm này bà rất cừ khôi.
Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà, vậy bà xem thấy những lỗi lầm của người khác, người khác tạo tác những việc ác, thì bà làm sao? Bà nói: “Tôi không hề xem thấy, khi tôi xem thấy những người đó tạo ác, tôi không lưu ý.
Cũng giống như tôi đi trên đường, trên đường nhìn thấy rất nhiều người, cũng có nghe họ nói chuyện, nhưng trong lòng không có ghi nhớ, không để lại các ấn tượng”.
Thí dụ này hay! Vì sao vậy? Không hề đem nó để ở trong tâm.
Xem thấy được, nghe thấy được, nhưng không chứa nó vào trong tâm, nên trong tâm không có.
Sau khi qua rồi, nếu bạn không nhắc đến thì bà tuyệt đối không có ấn tượng.
Khi nhắc đến thì nhớ, có một người như vậy, dường như ta gặp được ở trên đường.
Bạn không nhắc đến, chắc chắn không nhớ đến, không lưu lại ấn tượng.
Chúng ta phải học công phu này.
Không phải học không được, vì sao bà có thể học được, ta học không được? Bà không phải là tín đồ Phật giáo, không phải đệ tử của Phật.
Bà quy y lúc 101 tuổi, trước đó 100 năm bà đều không hiểu.
Tại vì sao bà đến quy y? Bà có trí tuệ, có năng lực phân biệt tà chánh.
Phật pháp là chánh giáo, Phật pháp là thuần thiện, bà hoan hỉ, bà đến quy y, phát tâm làm đệ tử tốt của nhà Phật.
Bà vẫn chưa phát tâm trì giới, nhưng khi quy y, ngay chứng thư năm giới tôi cũng phát cho bà, vì sao vậy? Bà thực hiện đầy đủ, viên mãn rồi.
Cả đời ăn trường chay, không sát sanh, không có chút ý niệm tổn hại người khác, giới không sát sanh viên mãn rồi.
Cả đời không có ý niệm tổn hại người khác, chỉ có thành toàn người khác, giúp đỡ người khác, chắc chắn không chướng ngại người khác, đây là giới không sát sanh làm được viên mãn rồi.
Cả đời không có ý niệm chiếm tiện nghi của người khác, giới không trộm cắp viên mãn.
Bà cả đời giữ thân thanh tịnh, bà chưa từng kết hôn, không cần nói là tà dâm, không dâm, giới điều này bà cũng viên mãn.
Không vọng ngữ, không uống rượu, bà cả đời đều phụng hành.
Bà đã làm được năm giới viên mãn, vì vậy chứng thư năm giới chúng ta đương nhiên phải phát cho bà.
Đây là người thông thường thọ qua tam quy ngũ giới đều không làm được, còn bà đã làm được viên mãn rồi.
Nếu cho điểm số thì bà tròn đầy một trăm điểm.
Bà ở Singapore vì chúng ta hiện thân nói pháp, chúng ta làm sao có thể không tin? Tam chuyển pháp luân của Phật pháp thì “thị chuyển”, “khuyến chuyển” chúng ta đang làm, bà đang làm điều sau cùng là “tác chứng chuyển”, bà làm chứng minh cho chúng ta.
Bạn xem, bà cả đời sống được tự tại, an vui như vậy, bà trải qua đời sống của Phật Bồ Tát, đời sống của thần tiên, không hề rời khỏi đô thị.
Đây là tấm gương tốt nhất để chúng ta tu học.Singapore là đất phước.
Phước ở chỗ nào vậy? Có người chân thật tu hành, người chân thật làm thiện, Phật Bồ Tát chân thật ở trong đời này.
Đây là chúng sanh có phước.
Nếu chúng ta hiểu rõ đạo lý, ở ngay chỗ này sanh ra tín tâm, quyết định tin tưởng giáo huấn của Phật Bồ Tát, đặc biệt là “Thập Thiện Nghiệp Đạo kinh”.
Tôi đã nói với các vị, “Thập Thiện Nghiệp Đạo kinh” là “Hành kinh” (kinh có bốn loại là “Giáo – Lý – Hành – Quả”), đây là dạy chúng ta tu hành, tu sửa hành vi sai lầm của chúng ta.
Trong tu hành quan trọng nhất là phải tu khẩu nghiệp.
Bạn xem, kinh Vô Lượng Thọ giảng đến “Thiện hộ tam nghiệp”, đem khẩu nghiệp để ở điều thứ nhất: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”.
Thông thường chúng ta hay nói “Thân – Khẩu – Ý”, trên kinh Vô Lượng Thọ là “Khẩu – Thân – Ý”, như vậy mà xắp xếp.
Dụng ý trong đây rất sâu rất rộng.
Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều phải tương ưng với mười thiện thì bạn mới được xem là người thiện.
Cho nên Phật dạy chúng ta: “Thường niệm thiện pháp” (tâm thiện); “Thường tư duy thiện pháp” (tư tưởng thiện); “Thường quán sát thiện pháp” (hành vi thiện), vậy mới làm một người thuần thiện.
Đây là đại căn đại bổn cho chúng ta tu thân dưỡng tánh, chúng ta bắt tay vào từ chỗ này.
Lìa khỏi mười thiện, chắc chắn đọa ba đường ác.
Đối nhân xử thế tiếp vật phải dùng tâm thuần thiện mà làm.Tốt rồi, thời gian đã hết.A Di Đà Phật!.