Phế Đô

Bà già liền đặt mông đè lên cái hộp nhỏ làm gối, luôn gối ở dưới đầu. Trang Chi Điệp chỉ cảm thấy buồn cười, đang định nói câu gì thì ở ngoài Ngưu Nguyệt Thanh đã nói:

- Anh cứ ở trong đó nói chuyện ma quỷ với mẹ. Nói xong anh bỏ đấy anh đi, làm em sợ hú viá còn dám bước vào nhà nữa hay không?

Trang Chi Điệp đi ra, bảo:

- Những sự việc mẹ nói cũng lạ, có lẽ là một loại cảm ứng tâm linh. Ngày mười chín tháng sáu là ngày sinh của bố, tuy đã mười năm không tổ chức ăn mừng, năm nay đến ngày ấy đừng quên mua một xấp giấy tiền đốt cho bố.

Liền hỏi Triệu Kinh Ngũ có việc gì. Triệu Kinh Ngũ nói:

- Xét ra thì cũng không có việc gì lớn, định mời anh đến nhà em xem xem. Nhà em xây bốn mặt kiểu cũ, thị trường có quyết định xây một cung thể dục thể thao ở chỗ chúng em, một loạt nhà phải dỡ hết, nếu anh không đi xem, thì chẳng bao giờ xem được nữa.

Trang Chi Điệp nói:

- Cứ bảo đi, rồi cũng chẳng có thời gian mà đi. Nhưng mình vẫn phải nhắc cậu, cậu bảo sẽ tặng mình mấy cái đồ cổ đấy nhé!

Triệu Kinh Ngũ đáp:

- Không thành vấn đề, tuỳ ý lấy ở gầm giường một thứ gì đó cũng sánh được với hòn gạch tường thành của anh. Hôm nay chị không phải nấu cơm trưa, em đăng cai, chúng mình đi ăn món "quả bầu", em còn nói với anh một chuyện quan trọng.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Trời nắng chang chang ăn sao được quả bầu, hôi xì xì, tôi không đi đâu!

Trang Chi Điệp nói:

- Thế là em không hiểu rồi. Món ăn quả bầu là số một trong các quán ăn bình dân ở Tây Kinh. Tuy là lòng gà với bánh bao, nhưng gia vị khác, nên mùi vị cũng khác. Trước đây em ăn ở "Phúc Lai Thuận" Cửa Đông đương nhiên là kém rồi, chính cung là phải kể đến "Xuân Sinh Phát" ở cổng Nam Viện, nghe đâu ông nội có được liều thuốc thật của Tôn Tư Mạc, ăn vào khác hẳn. Em táo bón kinh niên, là vì ruột có bệnh, ăn thứ gì bổ thứ ấy, nên ăn đi.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Ăn thứ gì bổ thứ đó, vậy thì Triệu Kinh Ngũ không ăn được!

Trang Chi Điệp hỏi:

- Kinh Ngũ sao cơ?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Kinh Ngũ vừa kể cho em nghe nỗi oan uổng. Cậu ấy nhằm trúng một cô phố Trung Đường Phường, song xấu hổ không dám nói toạc với người ta. Ngày nào cũng ra đầu đường chờ cô ấy đi ca về ca. Tương tư một tháng nay, ba hôm trước ra đầu phố nghe tiếng pháo nổ giòn tan, lại gần xem, thì mới biết cô ấy đã lấy chồng, chàng rể đâu phải là cậu ấy. Kinh Ngũ được mọi mặt, chỉ không biết tỏ tình thôi. Đã có hai cái óc lợn, lại còn đòi đi ăn lòng lợn làm gì?

Trang Chi Điệp hỏi:

- Kinh Ngũ thất tình à? Ăn gì bổ đấy, vậy thì ăn đàn bà.

Triệu Kinh Ngũ cười ha ha, cậu ta bảo sẵn sàng sống độc thân, đứng dậy kéo Trang Chi Điệp đi. Ngưu Nguyệt Thanh ngăn lại bảo:

- Hượm đã, việc của em làm xong, các anh đi ba ngày ba đêm cũng mặc.

Trang Chi Điệp hỏi:

- Việc gì thế?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Sớm hôm nay em ra cửa hàng bách hoá Chu Tước mua cho mẹ một cái tay gãi, mẹ cứ bảo trên người có rận, làm gì có rận cơ chứ! Người già thì da hay ngứa. Mua về rồi thì ngờ đâu bà Vương cạnh nhà cũng kính biếu mẹ một cái tay gãi, cái của bà Vương hay hơn cái em mua, em định đem trả lại cái mình mua, chỉ e người ta không cho trả lại, các anh thử cho biết xem nên trả bằng cách nào?

Trang Chi Điệp bảo:

- Một cái tay gãi đáng mấy đồng, phí tổn tâm tư!

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Anh rộng rãi gớm nhỉ, anh đâu phải là Cung Tịnh Nguyên chứ!

Triệu Kinh Ngũ nói:

- Chị sống cặn kẽ tử tế đấy!

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Đàn ông làm ra tiền, đàn bà không biết dành dụm chi tiêu cũng bằng không. Huống hồ anh ấy là cái bừa không răng, cái ví tôi đâu dám không có đáy? Kinh Ngũ này, tôi định ra cửa hàng, đương nhiên phải khen trước, khen tay gãi chất lượng tốt, đầy công phu, tôi thành tâm mua về, nào ngờ bố cháu cũng mua cho mẹ già một cái, lại đều là hàng ở đây cả. Bạn thử nghĩ xem, một bà già gài ngứa, dùng làm gì những hai cái cơ chứ? Chúng tôi đều là người ăn lương, một xu cũng khó kiếm, mua thêm một cái để đấy, chẳng phải lãng phí ư? Cho nên mong được trả lại một cái. Nếu người ta khăng khăng không nhận trả, thì nói lý, nói mua bán phải công bằng sòng phẳng, bây giờ Đảng viên thậm chí có thể xin ra khỏi Đảng, mà mua một đồ dùng cũng không trả lại được sao? Nhân viên bán hàng hiện nay đều trẻ, người ta nghe cái lý ấy họ quay ra cài nhau thì làm thế nào? Vậy thì mình cãi, anh nói thử xem, nếu cãi nhau thì dùng ngôn ngữ sách vở hày dùng lời thô tục?

Trang Chi Điệp hỏi:

- Em thử cho anh nghe, ngôn ngữ sách vở chửi như thế nào?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Các người cãi lấy được, đồ hỗ nó, ranh con bị cắm sừng, loài súc vật chơi cái con mẹ mày!

Trang Chi Điệp nói:

- Em chửi tục thì xuôi, nói ngôn ngữ sách vở thì càng nói càng chệch. Chơi cái con mẹ mày, nên nói là chơi mẫu thân nhà mày sẽ văn minh hơn.

Ngưu Nguyệt Thanh tức tới mức phải nói:

- Kinh Ngũ, cậu xem đấy, thầy giáo Điệp nhà cậu là loại đàn ông thế đó, xưa nay chưa bao giờ che mưa chắn gió cho vợ!

Triệu Kinh Ngũ nói:

- Ra ngoài thầy giáo Điệp là hình tượng mà cánh thanh niên sùng bái đấy chị ạ!

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Tôi lấy chồng chứ không lấy hình tượng. Cánh trẻ ở ngoài cứ nuông chiều làm hư hỏng anh ấy. Bọn họ đâu có biết thầy giáo Điệp bị nâm chân, sâu răng, ngủ thì nghiến răng ken két, ăn cơm thì đánh rắm um ủm, vào nhà xí thì ngồi xổm đọc hết tờ báo mới đi ra.

Triệu Kinh Ngũ chỉ cười hì hì, nói:

- Em xin mách nước cho chị, nếu quay ra cãi nhau vẫn không ăn thua thì chị cứ tìm lãnh đạo của họ, không gặp được lãnh đạo thì gọi điện thoại dành riêng cho chủ tịch thành phố.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Thế thì tôi phải đi ngay. Các anh chờ tôi về hẵng đi nhé?

Bà già nghe thấy Ngưu Nguyệt Thanh sắp sửa đi, cứ nhất định đòi Ngưu Nguyệt Thanh phải son phấn hoá trang rồi mới đi. Ngưu Nguyệt Thanh không thích bôi phấn sáp lên mặt, mặc kệ mẹ cứ thế đi luôn. Bà già nằm trong giường luôn mồm ca cẩm, bảo đeo mặt nạ không đeo, ngay đến son phấn cũng không nốt, bộ mặt thật của mình sao lại để người ngoài nhìn thấy cơ chứ?

Ngưu Nguyệt Thanh vừa đi ra, thì Trang Chi Điệp nói:

- Mình đi ra ngoài thì tiền hô hậu ủng, về nhà thì cuộc sống như thế đấy!

Triệu Kinh Ngũ nói:

- Chị ấy thế là phải, trình độ văn hoá hơi non, nhưng nết thảo hiền thì hơn hẳn mọi người.

Trang Chi Điệp nói:

- Bà ấy mà cáu tiết lên, thì đá cũng đau đầu, khi đã tốt với cậu thì chẳng khác gì cầm bánh nướng, cậu đã ăn no cứ khăng khăng bắt nhét vào mồm.

Trang Chi Điệp bảo Triệu Kinh Ngũ cứ ngồi chờ đây, còn bản thân thì phóng xe máy đưa hòn gạch tường thành đến nhà riêng ở Hội văn học nghệ thuật.

Vừa quay về, chưa uống hết một chén trà, thì Ngưu Nguyệt Thanh đã bước vào cổng, xách một gói bánh bao nhân thịt vừa hấp xong còn nóng sốt, bảo mẹ mau mau ăn trước đi. Khuôn mặt ửng hồng lên, phơi phới chị nói:

- Các anh đoán thử xem, kết quả thế nào?

Triệu Kinh Ngũ nói:

- Về nhanh thế, chắc người ta không cho trả lại?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Trả lại rồi!

Triệu Kinh Ngũ nói:

- Chị được đấy, đi ra ngoài xét cho cùng giỏi ra trò, mạnh đấy!

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Đâu có mạnh, tôi đến đó cứ đứng cạnh quầy hàng, người bán hàng hỏi mua gì, tôi úp úp mở mở không nói rõ, người ta liền cười, hỏi, trả lại hàng chứ gì! Tôi lập tức trả lời vâng, xin trả lại. Người ta nhận lại và trả tiền, thế là xong.

Triệu Kinh Ngũ ngạc nhiên:

- Xong rồi ư?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Chẳng phải xong rồi sao, dễ dàng thế đấy, tôi đâm ra xấu hổ.

Cả ba người đều im lặng, Trang Chi Điệp nói:

- Bọn mình thường nghĩ quá ư đơn giản những việc phức tạp, nhưng cũng thường nghĩ quá ư phức tạp những chuyện đơn giản.

Ngưu Nguyệt Thanh bĩu môi:

- Nhà văn lại giảng bài cho tôi đấy!

Bà già ăn bánh bao còn chê nhạt, liền lấy bát múc dấm trong vại để ở buồng ngủ của bà. Vại to lắm, tháo vải mở nắp đậy, mùi toả ngào ngạt khắp nhà. Triệu Kinh Ngũ hỏi:

- Mùi gì thơm nồng thế nhỉ?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Mẹ ơi, mẹ mở vại dấm đấy à?

Ủ dấm ngày nào cũng phải lấy que sạch khuấy lên, bà già đáp:

- Không khuấy nữa, nhuyễn rồi.

Triệu Kinh Ngũ hỏi:

- Gia đình chị tự làm dấm ư?

Ngưu Nguyệt Thanh trả lời:

- Thầy giáo Điệp của anh có tật lạ, không ăn dấm hun ở phố, chỉ ăn dấm trắng, tôi ủ hẳn một vại tương, mùi vị sạch lắm, múc cho anh một can nhé?

Triệu Kinh Ngũ nói:

- Em không kén như thầy giáo Điệp, ăn được mọi thứ, nếu có dưa muối, dưa ướp. Hôm nào em nếm thử.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Vậy thì cậu tìm đúng chỗ rồi đấy, nhà chị có dưa muối, dưa ướp, tỏi ngọt, ớt, chỉ cần cậu thích ăn.

Lập tức lấy túi ny lông, gắp mỗi thứ một ít để khi đi Triệu Kinh Ngũ đem theo.

Trang Chi Điệp nói mấy câu, gia đình anh có khẩu vị của người nhà quê, đột nhiên nhớ đến chuyện đôi giày, liền lấy trong túi ra đưa cho Ngưu Nguyệt Thanh, Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Anh mua cho em à?

Trang Chi Điệp không nói Nguyễn Tri Phi tặng. Vợ anh ghét Nguyễn Tri Phi, chửi là "đồ lưu manh", liền bảo hôm qua ở nhà Mạnh Vân Phòng, Hạ Tiệp gởi tặng. Ngưu Nguyệt Thanh nhìn thấy một đôi giày mũi nhọn bằng da trâu màu đen cao gót nho nhỏ, liền bảo:

- Trời ơi, gót cao như thế này à, đâu phải là giày, mà là cái cùm chân.

Trang Chi Điệp nói:

- Anh rất ớn em nói thế, nếu cùm chân, thì đàn bà đầy đường đầy phố đều là phạm nhân à?

Ngưu Nguyệt Thanh vừa tháo giày cũ ra thử, vừa nói:

- Anh cứ mong em chưng diện theo mốt, đi đôi giày này chẳng làm được việc gì nữa, anh có hầu hạ em được không?

Đưa được chân vào, thì mũi giày phồng lên, đứng dậy một cái liền kêu đau. Chân Ngưu Nguyệt Thanh to lại rộng, thường đi giày đế bằng, vì thế Trang Chi Điệp thường than vãn, bảo chân đàn bà là quan trọng nhất, chân không đẹp thì mười phần đã đánh mất ba, ngay lúc ấy Ngưu Nguyệt Thanh đã buồn buồn nói:

- Em đi giày cao gót, chỉ đi được loại Bắc Kinh sản xuất, không đi được mác Thượng Hải!

Trang Chi Điệp đành phải thu lại, bảo, vậy thì trả lại người ta để khỏi mất lòng. Thế là cùng với Triệu Kinh Ngũ đi ra, cái túi đựng đôi giày treo vào xe máy.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui