Phế Đô

Thoáng một cái đã sắp đến tết Trung thu. Thời gian đón tết này năm ngoái, các danh nhân lớn trong thành Tây Kinh đã quen lệ đi thăm nhau. Đàn ông của ba nhà hôm nay dắt vợ con đến chơi nàh này, ngày mai lại ba đàn ông dắt vợ con đến chơi nhà kia, nào chơi bài, đánh cờ, viết chữ, vẽ tranh, nào uống rượu ngắm trăng, vui vẻ đến mấy hôm liền. Ngày mồng chín tháng tám năm nay Nguyễn Tri Phi đã gởi thiếp mời vợ chồng Trang Chi Điệp ngày tết đến nhà gặp mặt. Anh ấy đem từ Tân Cương về khá nhiều nho, vú ngựa và dưa hạ mi, thưởng thức xong, thì thuê xe ngựa đưa mọi người đi xem hội đèn ban đêm ở Tháp Đại Yên, bảo tháp ở Đại Yên mới xây một bức tường dành riêng cho khách du lịch đề từ, một là có thể xem cho vui loại thơ thiu từ thối của những kẻ muốn đăng mà không có chỗ để đăng, hai là cũng viết đại danh của họ lên đó, để trấn an mặt đực đần độn trong chùa. Trong thiếp còn kẹp một món quà, đó là bức ảnh phóng to một tờ đô la, tượng Washington trong đô la, khi rửa trong buồng tối đã được thay bằng đầu của Nguyễn Tri Phi. Trang Chi Điệp cười, cười xong lên tiếng chửi:

- Nguyễn Tri Phi chơi ngông thật đấy, đã chui được vào lỗ đồng tiền, anh ta chửi người khác để từ tháp Đại Yên là thơ thiu thơ thối có lẽ anh ta chỉ biết viết mấy chữ "Đã đến chơi đây" mà thôi.

Trang Chi Điệp liền dặn vợ tết trung thu năm nay anh không thiết đi đâu, ngày mai em gọi điện trả lời từng nhà, cứ bảo anh đã đi xa. Đến ngày mười bốn, Trang Chi Điệp ngồi ở nhà thấy tẻ nhạt đã cảm thấy từ chối lời mời của Nguyễn Tri Phi dường như không thoả đáng, liền kê ra một số món quà, sai Liễu Nguyệt ra phố mua sắm đưa đến từng gia đình. Liễu Nguyệt bảo:

- Chị cả đã thông báo với người ta anh đi công tác xa không về cơ mà. Bây giờ mang quà đến người ta sẽ trách, anh vẫn ở Tây Kinh song không chịu đến.

Trang Chi Điệp bảo:

- Đâu có lấy danh nghĩa anh, cứ bảo đây là ý của chị cả em.

Liễu Nguyệt nhìn bảng kê, của Nguyễn Tri Phi nửa cân trà Long Tỉnh, hai chai rượu Kiếm Nam xuân, của Cung Tịnh Nguyên là một hũ rượu Thiệu Hưng, một cân rưỡi thịt dê ướp, một tút thuốc lá ba con năm, của Uông Hy Miên là một hộp cà phê tổ chim sẻ, một hộp cà phê bạn đời, một gói kẹo cao su, một hộp mỹ phẩm xê si Vĩnh Phương. Liễu Nguyệt bảo:

- Đều là ăn uống, lại biếu Uông Hy Miên đồ mỹ phẩm.

Cô ta liếc nhìn Trang Chi Điệp một cái rồi mỉm cười. Trang Chi Điệp bảo:

- Đàn ông thì không dùng đồ mỹ phẩm à? Em ít thấy nên lạ đó thôi.

Liễu Nguyệt nói:

- Đúng rồi, em ít thấy nên lạ, cái mặt rỗ của anh Uông Hy Miên phải dùng phấn để phủ đi. Em chỉ muốn nói, thầy lo nhiều chuyện quá!

Trang Chi Điệp nói:

- Sao em nhỏ nhen vậy? Cái gì anh chả mua cho em nào? Đi biếu xong về, em cũng mua một xếp giấy tiền, tối hôm nay đốt cho Chung Duy Hiền.

Nói xong trong lòng chua xót, rồi từ Chung Duy Hiền nghĩ tới A Lan, từ A Lan nghĩ tới A Xán, nếu có một món quà…Bất giác thở dài một tiếng, cúi đầu đi vào phòng đọc sách, đọc được một lát thì Chu Mẫn, Lý Hồng Văn, Cẩu Đại Hải lại dẫn năm luật sư đến. Thì ra toà án lại lần lượt thông báo cho Cảnh Tuyết Ấm và Chu Mẫn, thẩm phán Tư Mã Cuang không tiết lộ tin tức có mở phiên toà biện luận lần thứ hai nữa hay không.

Trong lòng Chu Mẫn thấy không yên tâm, liền hẹn mọi người đến cùng Trang Chi Điệp bàn phương án ứng phó phiên toà thứ hai. Bước đầu tiên có mấy vấn đề chưa tranh luận, bên kia lại nêu ra nhiều câu hỏi. Làm thế nào đối phó với các mũi nhọn tấn công ấy, mỗi người lại mỗi anh một ý bàn bạc chán chê, thì Liễu Nguyệt về. Liễu Nguyệt chào hỏi từng người, cầm ấm rót trà cho các vị khách, rồi tựa vào cửa phòng ngủ vẫy tay với Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp đang xem các bản luận chứng của một số nhân sĩ giới văn nghệ cung cấp về quy định trong cách viết văn có tính chất ký sự, đi tới khe khẽ hỏi:

- Có chuyện gì? Biếu cả rồi chứ?

Liễu Nguyệt lùi vào phòng ngủ đáp:

- Biếu cả rồi! Có người tặng trở lại nữa cơ – cô ta móc túi lấy ra chiếc khăn the đội đầu màu vàng nhạt, một cái tẩu thuốc nho nhỏ bảo – chiếc khăn này tặng chị cả, tẩu thuốc này tặng anh. Em không rõ anh hút thuốc lá, xưa nay có bao giờ hút thuốc lào sợi đâu mà lại tặng tẩu thuốc này nhỉ?

Trang Chi Điệp đáp:

- Thế à? – nói xong ngậm tẩu vào miệng hút lia lịa, bỗng chốc nước bọt đầy mồm. – Sao lại không hút? Ngày mai em đi mua một ít thuốc sợi về, sau này anh dùng cái tẩu này để hút.

Liễu Nguyệt nói:

- Bây giờ em hiểu cả rồi, em ngốc quá!

Trang Chi Điệp hỏi:

- Em hiểu cái gì?

Liễu Nguyệt đáp:

- Anh hút bằng tẩu, thì miệng tẩu lúc nào cũng hôn miệng anh!

Trang Chi Điệp bảo:

- Ái chà, Liễu Nguyệt nhà anh mời về đây không phải là người giúp việc, mà rước về một con cáo đã thành tinh! Còn chiếc khăn the em đừng đưa cho chị cả nữa, em giữ lấy sang mùa đông mà dùng.

Nói rồi định đi, Liễu Nguyệt bảo:

- Ồ, sao anh không hỏi em quà này ai tặng lại?

Trang Chi Điệp chỉ cười và đi ra, lại nói chuyện với cánh luật sư.

Đến tối, Ngưu Nguyệt Thanh trở về, giữ mọi người ở lại ăn cơm, bảo Liễu Nguyệt ra quán ăn mua hẳn một chậu to sủi cảo, mọi người vừa ăn vừa bàn. Cuối cùng coi như đã bàn định xong. Khi ra về, Ngưu Nguyệt Thanh còn biếu mỗi người một gói bánh trung thu mới mua. Trang Chi Điệp đề nghị cùng đi đốt giấy tiền cho Chung Duy Hiền, tất cả đều ra cổng, đến đầu phố đốt giấy tiền rồi mới giải tán. Chu Mẫn trả lại Ngưu Nguyệt Thanh hộp bánh trung thu trong tay, anh bảo:

- Cô Thanh ơi, cô mua được bao nhiêu bánh trung thu, đã đem cho hết mọi người. Nhà em đã mua rồi, hộp này xin cô giữ lại.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Người ta lấy cả, sao cậu không lấy hả? Một chút tấm lòng thôi, mấy cái bánh trung thu, thử hỏi thay được mấy bữa cơm cơ chứ?

Trang Chi Điệp bảo:

- Tết trung thu đến rồi không mời anh em lại ăn cơm đoàn viên, cô Thanh đã cho cậu, cậu còn khách sáo làm gì?

Liễu Nguyệt liền đưa túi bánh trung thu cho Chu Mẫn bảo:

- Thầy Điệp đã nói rồi mà anh không lấy à? Anh không ăn thì còn có chị Uyển Nhi!

Chu Mẫn liền xách túi bánh đi. Nhìn Chu Mẫn đi xa rồi, Ngưu Nguyệt Thanh mới bảo:

- Chu Mẫn vừa bảo em, ông Hiền đã qua đời, Lý Hồng Văn càng sợ trách nhiệm đổ hết xuống đầu anh ta, bên toà soạn tạp chí không có ai chủ trì công việc. Nếu mở phiên toà thứ hai, nhất định anh phải có mặt.

Trang Chi Điệp đáp:

- Cứ để đến đó hãy hay.

Nói xong cúi đầu đi về nhà. Mấy ngày liền, Trang Chi Điệp không chuẩn bị bản biện hộ mới, chỉ ru rú trong nhà đọc sách, vừa đọc sách, vừa mở băng nhạc đám ma. Tết trung thu đã trôi qua một cách tẻ nhạt, Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt cũng cảm thấy không hào hứng, động viên mãi mới cùng đi xem triển lãm hoa cúc ở công viên Hưng Khánh Cung, rồi gọi điện thoại hẹn Mạnh Vân Phòng đến nói chuyện. Mạnh Vân Phòng đến ở một ngày, Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt thì sang Song Nhân Phủ. Mạnh Vân Phòng liền đề nghị, vụ kiện này, xem ra không thể kết thúc trong vòng một hai ngày được, cứ nơm nớp thế này cũng chẳng phải kế lâu dài, anh sẽ đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo văn nghệ ở "nhà cầu khuyết", mời Trang Chi Điệp đứng ra chủ trì có được không? Trang Chi Điệp chỉ từ chối, không hào hứng. Cái chết của Chung Duy Hiền đã khiến anh nản lòng chẳng thiết cái gì nữa. Mạnh Vân Phòng khuyên Trang Chi Điệp người khác có thể nói vậy, nhưng anh không thể nói vậy, đã đến danh phận này, nếu anh tiêu cực, thật đáng tiếc đấy. Trang Chi Điệp đấm vào đầu, bảo anh có khá hơn người khác một chút, hơn một chút cũng chỉ là cái tiếng, là danh phận, bây giờ anh đã sống một đời sống khác, cứ để tiếp tục sống như thế. Trong thành Tây Kinh, có được một căn nhà như Nhà cầu khuyết đâu phải dễ, triệu tập bạn bè đến nói trời nói đất, anh có thể tham gia, nhưng bảo anh đứng ra nói cái gì, thì anh chẳng có gì nói được đâu. Mạnh Vân Phòng bảo, chỉ cần buổi nào anh cũng tham gia là được. Quả nhiên đã mời mấy thích huyền học đến nói về khí công. Người nghe cũng cảm thấy người nói chuyện như bị tâm thần, có phần nghi hoặc, cứ tưởng tượng những người này sở dĩ phát được khí công xem được bệnh, dự đoán được tương lai, đều là loại tư duy khác, với người thường dưới trạng thái cuồng điên, cũng cứ để cho họ ba hoa khoác lác, cũng cảm thấy vui vui. Một hôm, lại mời đến một vị "chân nhân tu hành đắc đạo" tự xưng từ Thiên Sơn cử xuống, mới đầu tỏ ra khiêm tốn, bảo là sức công của ông ta còn mỏng, thầy ông ta là người một trăm hai mươi lăm tuổi, nhưng có thể cưỡi gió mà bay, đi đường dài theo mặt đất. Tiếp đó liền bảo thầy ông ta đã từng theo dõi Tây Kinh từ xa, bảo mảnh đất cố đô này nên là nơi hội tụ nhiều con người đặc biệt nhất trong thiên hạ, nhưng âm khí quá nặng, vây kín tầng tầng lớp lớp, không nhìn rõ cụ thể bên trong, liền sai ông ta xuống thăm dò hư thực, đến nơi đã làm quen với tất cả những nhân vật trên đường giang hồ, thậm chí cả pháp sư Trí Tường ở chùa Dựng Hoàng, lại cảm động mà than rằng, cao nhân chân chính như những người thầy của ông ta mà chưa được xuất núi. Mọi người thấy khẩu khí của ông ta rất lớn liền đề nghị ông ta cho biết nhận xét về thế giới tương lai. Ông ta liền thao thao bất tuyệt, nói vung thiên địa, nào là khởi nguồn của trời đất như thế nào, mặt trời mặt trăng, ngày tháng hình thành ra sao, tiến hoá sinh vật của Darwin, sự trùng hợp tự nhiên của Lão Trang, sự khó hiểu của Kim Tự tháp Ai cập, bí mật của tranh đá Văn Quí, ảnh hưởng của trăng tròn trăng khuyết đối với thuỷ triều trên biển cả, phản ứng đối với kinh nguyệt đàn bà do thuỷ triều thay đổi, người Lưu Kỷ lo trời sập, trời quả thật đã từng sập xuống. Mao Trạch Đông đã luyện khí công, cho nên đứng ở Thiên An Môn, chỉ vẫy tay một cái, hàng triệu hồng vệ binh khóc oai oái. Mọi người nghe vậy, tuy cảm thấy hoang đường hết sức, song lại thấy ông ta vo tròn kín kẽ, hơn nữa luôn luôn tung ra nhiều danh từ khoa học kỹ thuật hiện đại, càng không biết ông ta nông sâu đến mức nào. Nhưng ông ta đã đốp chát hỏi luôn:

- Nhà triết học là gì? Nhà văn học các anh là gì?

Không có tiếng trả lời, ông ta cười và bảo:

- Thật ra đơn giản thôi, nhà triết học là người chăn dê tiên sư, tiên giác, thượng đế cử xuống để cai quản chúng sinh. Những người làm văn học các anh, nói đúng ra cũng chỉ là một lũ chó chăn cừu.

Trong người nghe có ai đó bảo:

- Đại sư biết nhiều thế, khác với những người chúng tôi thường gặp hàng ngày chỉ biết ba hoa nói bốc. Thần thánh ma quỷ!

Ông ta đáp:

- Đừng gọi tôi là đại sư, tôi chỉ là đồ đệ của thầy tôi. Hận là hận những bọn gọi là người thuộc giới khí công ngoài xã hội, thật ra chỉ khoe mấy thứ ảo thuật, giở mấy trò vui đánh lừa thiên hạ mà thôi. Có khí công không nhỉ? Có đấy. Nhưng nói toạc ra khí công chỉ là trình độ hạng bét trong nghề này. Học sinh tiểu học gài túi ngực một chiếc bút máy, học sinh trung học gài hai cái bút máy, nhưng có thể nói trí thức càng cao thì bút máy gài càng nhiều được không nào? Làm nhà văn các anh thì không gài bút máy. Mà trong túi gài ba bốn chiếc bút máy là ai nhỉ? Là thợ sửa chữa bút máy chứ gì. Những cái thuộc về truyền thống của Trung Quốc là những cái ưu tú nhất trên thế giới, điều đáng tiếc là trong những người kế thừa truyền thống có một căn bệnh đáng ghét nhất là bốc phét. Ta thường nghe nói tẩm ngẩm tầm ngầm mà đánh chết voi, bậc cao nhân cao thủ thực sự là người có hiểu biết sâu rộng, nhưng cứ giả vờ như ngốc nghếch không biết gì. Trong thành Tây Kinh hiện nay có biết bao nhiêu là túi thần công,dây thắt lưng ma công, trên truyền hình quảng cáo hề giới thiệu thuốc mới gì đó, không bô thận tráng dương đối với đàn ông, thì cũng khử bỏ được chuyện kín khó nói của đàn bà, trong công viên, trên ven sông vây quanh thành phố có những người, nào là đập đầu vào bia đá, nào là đấm gẫy gạch ngói, làm thế liệu có cứu vãn được vấn đề của con người không? Những tròn vặt ấy, bậc đại trượng phu đâu có làm?

Mọi người đưa mắt nhìn Mạnh Vân Phòng, Mạnh Vân Phòng đỏ mặt tía tai xấu hổ liền đáp:

- Thầy nói hay đấy, nhưng xét cho cùng thì cao quá, xa quá chúng tôi người trần mắt thịt, chỉ muốn biết Tây Kinh tương lai như thế nào?

Ông ta không nói gì, dường như bỗng dưng bứt ra khỏi giới hạn như vừa rồi, im lặng một lúc, rồi bảo:

- Chuyện ấy thì trình độ của tôi nông cạn lắm.

Mọi người xuỵt một tiếng, tỏ ra đáng tiếc. Nhưng ông kia lại bảo:

- Nhưng tôi có thể tiếp nhận lời chân thật của người vũ trụ thử xem nhé!

Nói rồi, ông ta liền nhún vai lắc ngực, thư giãn toàn thân cởi giây nới thắt lưng, ngồi xếp bằng, cúi đầu, mười ngón tay bóp nắn bắt dấu tay hình hoa sen, mồm lẩm bẩm một cách hỗn loạn thứ tự các chữ số Ả rập, có đến hơn mười phút, mở mắt ra nói:

- Nước ở Tây Kinh sẽ khô kiệt, có dấu hiệu này chứ?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Đúng thế, trước đây có tám dòng sông vòng qua Tây Kinh, bây giờ chỉ còn có bốn. Một loạt nhà máy ở ngoại ô phía tây, có vấn đề nước đã dừng sản xuất, khu dân cư phía Tây bắc trong thành cả mùa hè không có nước lên nhà gác, nhà ai ở lầu tây hiện đại cũng phải mua chum đựng nước, nửa đêm gà gáy mới có nước mấy phút.

Ông kia mặt mày hớn hở bảo:

- Đây nhé, có sai đâu.

Ông ta lại bảo ai nấy ngồi quay mặt sang hướng bắc, ông bảo không được quay về hướng nam. Phía nam thành phố là núi Chung nam, trong núi tự có chân nhân cao thủ, quay mặt về họ, khí trường sẽ bị nhiễu, sau đó lại tiếp nhận lời của người vũ trụ và nói một câu khiến ai nấy đều sởn tóc gáy. Mấy năm nữa thành Tây Kinh sẽ bị lún! Trang Chi Điệp lúc đầu lắng nghe ông ta nói, thấy ông ta mỗi lúc một huyên thuyên, liền cảm thấy khó chịu, lấy cớ đi ra nhà vệ sinh. Lúc ra thấy hai cô gái ngồi ở cửa gian nhà khác khúc khích cười, liền đi vào gian nhà bỏ không, hỏi:

- Hai cô cười cái gì thế?

Một cô đáp:

- Vị đại sư kia đang lẩm bẩm đọc thần chú, thì Liên Hồng lại đánh một cái rắm, nó sợ có tiếng kêu, nên cố mà thả từ từ, tiếng kêu đã nhỏ hẳn đi, chúng em không nín nổi đã chạy ra đây mà cười.

Cô bé kia liền đỏ mặt, lấy tay bịt mồm cô bé này bảo:

- Thuỳ Linh, mày ăn nói vớ vẩn, lung tung!

Trang Chi Điệp liền nói:

- Tiểu Hồng này, cô sai rồi, đấy chẳng phải một chuyện to bằng cái rắm là gì?

Hai cô gái càng cười dữ hơn, Trang Chi Điệp không cười, liền nghiêm túc nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài kia đêm đã tàn. Hai cô gái cười song cũng đến bám cửa sổ nói:

- Thầy Điệp dí dỏm lắm. Chúng em biết thầy chỉ có điều không dám gần. Hôm nay đến, tưởng được nghe thấy nói về nghệ thuật, ông đại sư kia lại một mình đóng vai bát đơn ca cả buổi.

Trang Chi Điệp nói:

- Tôi nói về nghệ thuật ư? Bản thân các cô đã là tác phẩm nghệ thuật rồi mà!

Anh tựa người vào cửa sổ nhìn cảnh đêm ở bên ngoài, phố to ngõ nhỏ xa xa, đèn điện sáng trưng, tiếng người văng vẳng, còn một khoảnh lớn ở phía trước bên phải, thì tối đen như mực, im lìm vắng vẻ. Cô gái hỏi đó là nơi nào, Trang Chi Điệp đáp đó là am ni cô. Am ni cô ban đêm không có người đến thắp hương, cũng không có lửa đèn, hơn mười ni cô ấy có lẽ cũng đã ngủ từ lâu. Đột nhiên Tiểu Hồng kêu lên:

- Chỗ kia là gì vậy?

Trang Chi Điệp nhìn theo, thì ở chỗ tối om kia cứ lập lòe lúc đỏ lúc tắt. Trang Chi Điệp cũng chẳng biết đó là đâu, hai cô gái đâm lo sợ, bảo đó là ma trơi. Mọi người nghe thấy ra xem, cũng bảo cả vị chân nhân kia ra xem. Ông ấy nhìn rồi hỏi đó là nơi nào? Mạnh Vân Phòng bảo đó là một ngôi chùa, chỗ lập loè kia dường như là ở trong cánh rừng trúc đàng sau chùa thì phải. Nhưng ban đêm cũng không có ai vào cánh rừng trúc. Trong lúc nói chuyện thì không còn đốm đỏ lập loè nữa.

Vị chân nhân kia nói:

- Hôm nay tôi nói ở đây nhiều quá, song không biết ở gần đây có một ngôi chùa. Ngôi chùa này tất phải cũ kỹ rồi. Ở dưới ấy có chôn xương của nhà Phật, nên đã có phản ứng.

Mạnh Vân Phòng bảo ngôi chùa ấy cũ lắm rồi xây từ đời Đường, song không biết đã chôn nhà Phật nào, chỉ biết khi tu sửa lại đã đão được một bia đá của một ni cô tên là Mã Lăng Hư, không biết có phải là linh hồn của Mã Lăng Hư hiện về?

Người kia vội vàng bóp mấy cái dấu in tay, bảo chỗ ấy có thể còn lập loè lửa đỏ, ông ta không thể ở đây lâu liền cáo từ ra về.

Mọi người lại vào trong phòng ngồi tán chuyện. Trang Chi Điệp vẫn cùng Tiểu Hồng và Thuỳ Linh đứng nhìn ở cửa sổ, quả nhiên đốm đỏ kia lại lập loè, Thuỳ Linh nói vị chân nhân kia nói thiêng thật, sợ quá vào cửa sổ. Lại giữa lúc ấy ánh sáng đỏ kia lại lập loè, rồi có một cục đỏ to hơn từ một chỗ khác đi như bay đến, cùng nhập với đốm đỏ, liền nghe thấy tiếng the thé cất lên ở một chỗ:

- Bắt được nhiều không bỏ ra bao nhiêu là công sức rồi?

Lại thấy cục lửa to di động vù vù, có tiếng cười giòn tan của đàn bà. Trang Chi Điệp bảo:

- Linh hồn nhà Phật gì đâu, đó là ni cô đang soi bắt con gì đó!

Mọi người không cười, cùng nhìn nhau, tỏ ra nghi ngờ nhiều, lời nói của vị chân nhân kia không đáng tin. Mạnh Vân Phòng nói:

- Nghe ông ấy nói một hơi như vậy, cũng có tác dụng khêu gợi suy nghĩ đối với chúng ta đấy chứ!

Trang Chi Điệp nói:

- Vậy lần tới anh định mời người nào đến nói chuyện với lũ chó chăn cừu này?

Mọi người cười ồ vui vẻ, sau đó giải tán. Trang Chi Điệp và Mạnh Vân Phòng ngủ tại chỗ. Nằm xuống rồi, Trang Chi Điệp bảo:

- Nói những chuyện như thế này, Tuệ Minh nhất định cũng có hàng mớ, trước đây anh chẳng bảo mời chị ấy đến tâm sự là gì, tại sao về sau không nhắc đến chị ấy một câu hả?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Tôi đã đi tìm mấy lần, lần nào con trai của chủ tịch mặt trận cũng uống trà với chị ấy ở đó, đối xử với tôi không nhiệt tình cũng không thờ ơ. Tôi hỏi chị ta làm sao quen thân được với nhân vật thứ hai trong bốn cậu ác lớn thế? Chị ấy bảo đừng gọi người ta khó nghe như vậy, anh muốn làm quen với cậu cả, cậu ba, cậu bốn, em có thể giới thiệu. Chúng mình quen biết bốn cậu ác lớn ấy làm gì?

Trang Chi Điệp cười bảo:

- Anh húp dấm rồi hả? Thế cũng được, tôi cứ lo anh đến đấy nhiều, Tây Kinh sẽ có một người đàn bà mạnh mẽ và ít đi một tăng ni Phật.

Mạnh Vân Phòng giật dây công tắc điện, cả đêm không nói gì nữa.

Ngày hai mươi hai, Hồng Giang ôm sổ sách đến tìm Ngưu Nguyệt Thanh kết toán thu nhập kinh doanh của gia đoạn trước. Tính đi tính lại tuy không lỗ, song lời lãi chẳng được mấy. Hồng Giang đã nói nhiều khoản phải chờ liên hệ, dự tính tháng sau sẽ khá hơn, rồi lấy ra một súc lụa hàng châu màu vàng nhạt có in hoa nhỏ màu xanh nhạt, hai chai rượu vang, một gói yến sào, một tút thuốc lá thơm bảy sao của Nhật Bản, đặt lên bàn cười hì hì nói:

- Cô Thanh này, tết trung thu em phải đi Hàm Dương mấy hôm, không đến thăm thầy cô được. Hôm nay em đến bù vào. Quà chẳng có bao nhiêu, em nghĩ các thứ đồ hộp, bánh trung thu nàh cô không thiếu, biếu những món ấy cũng không có ý nghĩa gì, gói yến sào này hiếm lắm đấy, đầu năm nay một anh bạn buôn sách ở Quảng Châu đến Tây Kinh, em đã giúp anh ấy lấy được một ký hiệu tên sách, anh ấy cảm động lắm đã biếu em. Em cũng không ăn được thứ tươi mới này, đem biếu cô để bồi dưỡng sức khoẻ cho thầy Điệp.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Cậu làm gì thế hả? Mở hiệu sách này, thầy Điệp của cậu bỏ mặc không quản, tôi cũng chẳng hiểu bao nhiêu, việc gì chẳng qua tay cậu vất vả kia chứ. Chúng tôi cảm ơn cậu, tết nào lễ nào cậu cũng đem quà đến biếu làm gì hả. Chỗ anh em tốt với nhau, cậu làm thế này là coi như người ngoài đấy!

Hồng Giang đáp:

- Sao cô lại nói thế. Tuy em buôn bán có khá hơn thầy cô, song nếu không có thầy cô em làm gì được, chẳng phải mở cái quán con con bán xâu thịt dê nướng đó sao? Số quà này cũng chẳng phải là tấm lòng của em mà còn có một người nữa.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Ai vậy? Người ngoài càng không được như vậy! Cậu cũng đã biết, thầy Điệp của cậu là văn nhân, biết được văn, chứ có biết làm cái gì khác đâu? Bạn bè đến chơi như Mạnh Vân Phòng đích thân phải mò tủ lật hòm tìm thức ăn, như thế mới gần gũi, nếu là người ngoài chắc là yêu cầu anh ấy làm việc gì đó, anh ấy làm cho người ngoài được việc gì cơ chứ, làm không được còn oán trách tôi là đàng khác.

Hồng Giang nói:

- Chẳng phải làm việc gì đâu, lại còn mời thầy cô đi ăn cơm đấy.

Khi Ngưu Nguyệt Thanh cầm lụa Hàng Châu lên xem thì trên đó có cái thiếp in chữ vàng. Mở ra thì có dòng chữ, được luật hôn nhân của nhà nước cho phép, chúng em sẽ kết nghĩa vợ chồng, chung sống trăm năm. Để tỏ lòng cám ơn sự ưu ái của quan tâm nhiều năm nay, xin kính mời đến dự hôn lễ tổ chức vào lúc mười giờ sáng ngày hai mươi tám tháng này. Dưới cột người mời là Hồng Giang và Lưu Hiểu Kha. Ngưu Nguyệt Thanh trợn tròn mắt bảo:

- Hồng Giang, thế này là thế nào, cậu chẳng phải đã co vợ có con rồi sao? Ly hôn bao giờ vậy? Cô Lưu Hiểu Kha này là ai thế? Kết hôn đột ngột vậy!

Hồng Giang cười trả lời:

- Việc này đột ngột quá, một là không dám quấy rầy thầy cô vì chuyện của em. Mấy lần, em định thưa chuyện, nhưng thấy vụ kiện căng thẳng, thầy cô lo nghĩ sốt ruột, nên lại thôi. Cô cũng đã biết em và con vợ cũ cãi cọ nhau luôn, chẳng lúc nào được yên, quả thật không thể chung sống nổi, hai đứa bảo chia tay là chia tay luôn. Em cứ bảo chia tay rồi, chẳng bao giờ lấy vợ nữa, sống một mình thôi nhưng mấy đứa bạn nó bảo cậu suốt ngày chạy vạy buôn bán chỗ này chỗ nọ, sinh hoạt chẳng có nề nếp quy luật nào cả, nếu ai không lập gia đình, mấy năm nữa sức khoẻ sẽ suy sụp, tính tình cũng sẽ thay đổi. Mặt khác, người ngoài không biết còn bảo anh bạn có căn bệnh về sinh lý mới làm cho chị vợ cũ đòi ly dị. Do đó bọn nó bảo cứ lấy quách cô gái chúng mình thuê ở hiệu sách. Em nghĩ đi nghĩ lại, vậy thì lấy luôn, được cái cô ấy cũng ở hiệu sách của mình, trông nom bảo nhau cũng tốt, thế là vội vàng đi đăng ký. Cái hay là Hiểu Kha nhà con một, lại có nhà ở, em cứ trông hết vào người ta. Tết trung thu chúng em đi thăm nhà bà ngoại cô ấy ở Hàm Dương, cậu của Hiểu Kha công tác ở Tứ Xuyên, vừa hay đem về hai chai rượu này cho chúng em. Hiểu Kha cứ một mực bảo phải kính biếu cô Thanh. Cô không uống được rượu mạnh nhưng rượu này thì phải uống.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Lưu Hiểu Kha à? Ba cô trông hiệu sách, tôi cũng chưa rõ là cô nào.

Liễu Nguyệt đứng bên cạnh nghe, chỉ cười khì khì, nói xen vào:

- Biết rồi, cái cô xương xương, vai gầy gầy ấy phải không?

Nói rồi gí ngón tay vào mặt Hồng Giang, Hồng Giang cười đáp:

- Liễu Nguyệt rặt đóan mò, cái cô dáng cao chân dài ấy mà!

Liễu Nguyệt hỏi:

- Lại thay rồi sao?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Liễu Nguyệt, em không biết thì cũng đừng nói lung tung…mấy cô mình thuê đó, cô nào cũng xinh đẹp, tôi cũng không phân biệt rõ. Chuyện đã như vậy, thì tôi và thầy Điệp cậu xin chúc mừng. Chỉ có điều hai việc lớn một trước một sau như thế, mà cậu giữ kín như bưng, thì tôi trách cậu đấy!

Hồng Giang nói:

- Thế thì cái thiếp đầu tiên đã viết mời thầy cô tới ngày ấy, nhất định thầy cô phải đến dự. Liễu Nguyệt cũng đến nhé, đến làm phù dâu đấy.

Liễu Nguyệt bĩu môi bảo:

- Tôi không làm phù dâu cũng không đi. Tôi xấu như ma đây này, anh bảo tôi đi, lấy xấu xí để tôn người đẹp kia của anh lên chứ gì?

Hồng Giang bảo Liễu Nguyệt mới đến có mấy tháng mà ăn nói có trình độ đáo để, sau này chưa biết chừng còn viết được sách báo đấy. Ba người nói chuyện một lúc, thì Hồng Giang ra về. Trước khi về còn dặn thêm hôm đó phải đến, thầy cô mà không đến, thì không phá cỗ đâu, cứ chờ cho bằng được


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui