Phế Đô

Cung Tiểu Ất cũng cảm thấy như vậy, đành phải dẫn Triệu Kinh Ngũ đi sang nhà bố hắn, dỡ ra gần bốn phần năm tác phẩm còn giữ trong nhà. Triệu Kinh Ngũ cũng phát hiện trong nhà Cung Tịnh Nguyên còn một số tranh chữ cổ nổi tiếng, liền bảo:

- Tiểu Ất này, anh còn phải lấy mấy thứ loại này, không phải lấy cho anh, cũng không phải cho Trang Chi Điệp, chúng mình chạy vạy ngày đêm là việc phải làm, nhưng người ở bên cục công an, cậu hai, sư phụ Tuệ Minh, tất cả là bảy người khi nhờ vả họ chuyện này, ai cũng bảo có thể giúp, nhưng Cung Tịnh Nguyên là nhà thư pháp nổi tiếng, thế nào cũng phải cho bọn này mấy tranh chữ. Anh thấy không cho chút gì cũng khó nói, lại phải đề phòng họ để lỡ việc, nhưng bọn họ há to mồm như con sư tử cũng không được, chỉ biếu mỗi người một bức thôi.

Cung Tiểu Ất cúi đầu, suy nghĩ hồi lâu, rồi vẫn lấy bảy bức tranh đưa cho Triệu Kinh Ngũ và Trang Chi Điệp mỗi người một bức, Triệu Kinh Ngũ bảo:

- Chúng mình lấy làm gì, nếu là người khác, có cho chín bức mười cái, thì đừng nói đến chú Điệp sẽ không chịu bỏ công sức ra mà ngay đến anh đây cũng mặc kệ. Nhưng ai đã khiếnó cho bọn mình già lẫn trẻ đều thân quen nhau? Ngày mai anh và chú Điệp của em còn mời một số người ăn một bữa cơm ở khách sạn Tây Kinh, tiêu nhiều tiêu ít, bản thân em cứ để mặc bọn anh.

Cung Tiểu Ất lại cảm động sụt sịt mũi, hắn bảo vĩnh viễn không quên ân tình của chú Điệp và anh Ngũ, chờ khi nào bố hắn trở về, sẽ đến tận nhà cám ơn riêng. Hắn tiễn Triệu Kinh Ngũ ra tận ngoài phố, quay về nhà, hắn thừa cơ cuỗm một số tranh chữ cổ nổi tiếng và tranh chữ của bố hắn đem về nhà riêng.

Có được một lọat tranh chữ của Cung Tịnh Nguyên, cuộc họp báo về cửa hàng tranh đã tổ chức trước thời hạn. Báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, lần lượt đưa tin.

Hôm khai trương cửa hàng tranh, khác hàng tranh nhau đến xem quyển tranh chữ dài của Mao Trạch Đông. Ngày xưa khi vĩ nhân còn sống chỉ được xem quyển sách in thư pháp của người. Bây giờ mắt trợn tròn lên mà nhìn bút tích thật của người gồm một trăm bốn mươi tám chữ to bằng cái miệng bát, ai chẳng thích nhìn cho sướng mắt cơ chứ! Bởi tranh chữ của Mao Trạch Đông mà đổ đến, đến rồi lại phát hiện bày bán tranh chữ danh nhân lung linh ngay mắt, thế là cửa hàng tranh nho nhỏ ở chỗ không có gì là phồn hoa đã có tiếng vang khắp nơi, được nhiều người ở các địa phương khác, thậm chí người nước ngoài cũng tìm đến.

Ngưu Nguyệt Thanh được biết đã lấy được giá nửa tác phẩm quý giá của Cung Tịnh Nguyên, trong lòng lúc nào cũng thắc mắc, chị đã nói một lần tại nhà, Trang Chi Điệp liền bảo vợ câm mồm ngay. Ngay trong hôm khai trương đã bán được mấy bức tranh chữ, Triệu Kinh Ngũ đem cả số tiền bán được đến, Trang Chi Điệp quẳng hết cho Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Đây là việc song toàn cả hai, chỉ cần Cung Tịnh Nguyên ra về, hai tay vẫn còn, thì tiền của anh ấy sẽ chảy vào như nước. Hơn nữa làm như vậy còn triệt được thói xấu của hai bố con, có cám ơn cũng cám ơn không kịp. Người khác còn không nói gì, thì việc gì em phải lo ngay ngáy như thế, nói ra loan truyền đi, người ta cứ tưởng mình thế nào thật thì sao hả?

Ngưu Nguyệt Thanh không nói gì nữa. Hôm nay được biết Cung Tịnh Nguyên đã ra khỏi trại giam, chuẩn bị quà đi thăm, nào ngờ chiều tối nhận được tin Cung Tịnh Nguyên đã chết. Ngưu Nguyệt Thanh hốt hoảng đến cửa hàng tranh báo tin cho chồng. Trang Chi Điệp đang dán những mẩu giấy vào góc dưới tranh chữ, bức nào cũng ghi rõ "một vạn một ngàn đồng đã bán", "năm ngàn đồng đã bán". Thì ra để chào bán được tốt hơn đã đem năm trăm những tác phẩm chưa bán này viết dưới dạng đã bán, nhằm kích thích lòng ham muốn của người mua.

Đường Uyển Nhi cũng giúp việc ở đây, bố trí một quầy công nghệ phẩm mỹ thuật dân gian mới đặt, bên trong có phim đèn chiếu, tranh cắt giấy, mặt gối, đệm tất, cũng có cả vỏ gối la phong đỏ được thêu thùa rất đẹp bằng những sợi chỉ thêu xanh đỏ. Người đàn bà này không chịu nổi lời khen ngợi của mọi người, càng tỏ ra thông minh hăng hái. Chị ta bảo trên đường phố đang lưu hành áo sơ mi văn hoá. Những cái áo sơ mi ấy chẳng qua chỉ viết một hai câu cổ chữ to bằng hạt đậu, thì dáng dấp mới thanh nhã, tất sẽ có người chịu mua.

Mọi người đang nói cười vui vẻ, thì thấy Ngưu Nguyệt Thanh đột nhiên đi vào, báo tin Cung Tịnh Nguyên đã qua đời, ai cũng sợ tới mức hồn bay phách lạc, lại vội vàng gọi điện hỏi Uông Hy Miên và Nguyễn Tri Phi. Hai người cũng nói chỉ nghe tin đồn, song biết rút cuộc như thế nào. Trang Chi Điệp bỏ mặc mọi người kéo Ngưu Nguyệt Thanh vội vàng về nhà, định ăn cơm xong sẽ đến nhà Cung Tịnh Nguyên. Cho dù tin anh Nguyên đã chết chỉ là tin đồn lếu láo, song anh Nguyên đã ra khỏi nhà giam, thì cũng nên đến đấy thăm.

Đang lúc ăn cơm, Cung Tiểu Ất sai người đến báo tin buồn, Ngưu Nguyệt Thanh không nén nổi xúc động đã oà khoác, rồi tất tưởi ra phố mua băng tang. Trang Chi Điệp bảo cho Triệu Kinh Ngũ mua vòng hoa, một bó giấy tiền, hai nắm hương, bốn cây nến to. Triệu Kinh Ngũ sắm sửa từng thứ đem đến. Ngưu Nguyệt Thanh cũng vừa đi phố về, không mua lụa đen mà mua ba trượng len dạ. Triệu Kinh Ngũ hỏi:

- Sao chị mua loại tốt thế này, chị đỉnh để người chết đem xuống âm phủ mặc phải không?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Cung Tịnh Nguyên chết đi, thì chị Nguyên và Tiểu Ất sẽ khổ, biếu lụa đen thì làm gì được, biếu len dạ chính cống này sẽ có ngày may cho hai mẹ con chị ấy một hai bộ quần áo để mặc. Người chết không thể sống lại được, vẫn phải quan tâm đến người còn sống chứ! Chỉ tiếc khi anh Nguyên còn sống, gia đình sống sung sướng quen rồi, bây giờ anh Nguyên chết đi là chết mất ông thần của cải, con người ta từ nghèo đến giàu thì còn được, chứ đang giàu mà xuống nghèo thì khó sống lắm. Không biết từ nay về sau mẹ con nhà ấy sẽ phải chịu khổ đến mức nào!

Chị nói mà nước mắt giàn giụa. Trang Chi Điệp bảo:

- Cô Thanh của cậu làm thế cũng phải. Mình đã hỏi người đến báo táng, trước khi anh Nguyên chết, thần kinh bị rối loạn, đập phá hết mọi thứ trong nhà. Chị Nguyên ở Thiên Tân vẫn chưa về. Tiểu Ất lại như thế, có lẽ trong nhà đang ở trong tình trạng bi đát cần thứ gì cũng chẳng có, sờ đến đâu thiếu đến đó – lại nói với Triệu Kinh Ngũ – Mình vừa nhớ ra một việc, cậu đến nhà Liễu Diệp Tử mua cho Tiểu Ất ba gói thuốc phiện, bố hắn chết, hắn phải đứng ra lo liệu mọi thứ, chắc trong nhà thuốc cũng hết, không có thuốc, thì hắn lo liệu thế nào được?

Triệu Kinh Ngũ lại đi mua ba gói thuốc. Khi ba người đến nhà Cung Tịnh Nguyên, thì trời đã tối lâu lắm rồi.

Đây là một căn hộ bốn mặt là nhà, giữa là sân kiểu cũ được giữ gìn rất nguyên vẹn. Nhà chính ở giữa gồm bốn gian, hai bên là hai căn nhà ngang. Chiếc sân không lớn. Chỗ khoảng trống giữa nhà chính với hồi nhà ngang đều có một cây xuân, to gần bằng miệng thùng. Giữa sân có núi giả giàn hoa. Hai bên lầu cổng đều có một phòng nhỏ, một là nhà vệ sinh, một là bếp lò thủ công sưởi ấm mùa đông. Trang Chi Điệp, Ngưu Nguyệt Thanh và Triệu Kinh Ngũ đi thẳng vào nhà chính. Trong nhà điện sáng, nhưng không có người. Trong bốn gian nhà, hai gian sáng hai gian tối. Phía đông là phòng sách của Cung Tịnh Nguyên, phía tây là phòng ngủ của hai vợ chồng, ở giữa là nơi tiếp khách. Giữa nhà kê gộp hai cái bàn vuông sơn đen, bên trên gắn tấm đá ngọc Lam Điền, bốn bên là vài cái ghế đôn hình trống tròn. Hai bên cửa chính là hai cửa sổ, song cửa hình hoa mai khoá dây kép kiểu cũ. Trên tường treo tám bức tượng người trạm nổi bằng gỗ đỏ, lần lượt là Vương Hy Chi, Vương Hiến Chi, Nham Chân Thanh, u Dương Tuân, Liễu Công Quyền, Trương Húc, Mễ Phất, Vu Hữu Nhậm. Trên tường ngăn ở phía đông và tây mỗi bên treo một tranh chữ của Cung Tịnh Nguyên được đóng khung tử tế, một bên là "Đời người được sống", một bên là chữ "hoà". Triệu Kinh Ngũ hỏi:

- Làm gì có chuyện người chết, không có chỗ để linh cửu, cũng không có tiếng khóc thế nhỉ?

Lúc này mới nhìn thấy một người đầu thắt khăn tang từ nhà ngang đi ra, nói một câu "Có người đến" rồi gọi khách "Ở đây cơ!" Trang Chi Điệp mới rõ linh cửu đặt ở căn nhà ngang phía đông. Ba người từ nhà chính đi ra. Trong ngôi nhà ngang phía đông có ba gian nhỏ thông nhau, giữa nhà có một bức chắn bên trong là chỗ ngủ, bên ngoài kê một cái bàn to, là nơi Cung Tịnh Nguyên viết vẽ hàng ngày. Hiện giờ cái bàn này đã xê dịch vị trí làm nơi đặt xác chết. Đắp trên xác chết không phải là chăn là khăn trải giường, mà là giấy vẽ tranh.

Trang Chi Điệp bước đến lật tờ giấy che mặt Cung Tịnh Nguyên, nhưng chỉ thấy đầu tóc người chết rối tung, khuôn mặt đen sạm, hai con mắt và mồm đều hình như méo xệch, trông dễ sợ vô cùng, Ngưu Nguyệt Thanh ôm mặt khóc rưng rức. Chị hỏi:

- Người nằm trong này sao lại đắp giấy truyện? Thế chăn đâu? Khăn trải giường đâu?

Cạnh bên xác chết là mấy con em thân thích nhà họ Cung đều bảo chăn và khăn trải giường đều bẩn, chẳng thà đắp giấy truyện còn hơn. Ngưu Nguyệt Thanh lại khóc, vừa khóc vừa bước đến vuốt phẳng vạt áo của Cung Tịnh Nguyên. Chị nhận ra đôi giày trên chân vẫn là đôi giày cũ đã nhìn thấy anh đi dạo nào gặp nhau ở miếu Thành Hoàng, liền gục xuống mép giường để xác khóc nức nở.

Trang Chi Điệp đưa tay vuốt mặt Cung Tịnh Nguyên, cũng rân rấn nước mắt, nói:

- Anh Nguyên ơi, sao anh lại chết, sao anh lại chết anh Nguyên ơi!

Lồng ngực anh ngột ngạt khó chịu vô cùng, anh há mồm khóc lạc cả giọng. Những cháu bé cạnh linh cữu vội vàng bước đến dìu họ ngồi sang một bên, rót trà mời uống.

Thì ra sau khi Cung Tịnh Nguyên về nhà, nghe Tiểu Ất kể lại, rất cám ơn Trang Chi Điệp, cảm thấy hối hận ngày thường mình cậy tài kiêu căng, lại say đánh bạc, rất ít tới thăm gia đình Trang Chi Điệp, càng thấy cậu con trai lần này hiếu thảo như vậy, trong lòng hết sức vui vẻ, liền lấy từ trong va li da ở gầm giường ra một bó tiền, rút ra một xấp đưa cho con, bảo con đi mua bốn chai rượu Mao Đài, mười tút thuốc lá thơm núi tháp đỏ, ba gói sợi len và lụa là để đi gặp mặt cám ơn gia đình Trang Chi Điệp. Cung Tiểu Ất thấy bố nhiều tiền như vậy, liền ngẩn người ra hỏi:

- Bố ơi, bao nhiêu là tiền bố cất ở đâu mà để con phải tất bật chạy ngược chạy xuôi mới lo được sáu vạn đồng!

Cung Tịnh Nguyên bảo:

- Tiền bao nhiêu cho đủ để lấp đầy cái hang thuốc phiện của con chứ? Bố không giữ sẵn một ít tiền, ngộ nhỡ có việc gì cần gấp thì sao? Mẹ con đi vắng, chỉ khổ cho con lần này chạy vạy vất vả. Con khá lắm, bố cứ tưởng với cái dáng của con, liệu có ai chịu đóai hoài chọ nào ngờ cũng đi vay được tiền. Con nói thử xem, con đã mượn của ai, ngày mai đem trả người ta.

Tiểu Ất trả lời:

- Con đâu có mượn được ngần ấy tiền hả bố? Công an phạt tiền hạn trong bốn hôm, lửa cháy đến đít rồi, may mà có một người buôn tranh đã mua số tranh cũ trong tủ tường của bố, nên mới bảo đảm cho bố ra an toàn đấy.

Cung Tịnh Nguyên nghe vậy, như sét đánh ngang tai, vội vàng đi mở tủ tường, đã nhìn thấy những tác phẩm mà thường ngày mình yêu chuộng đắc ý cho rằng phải được bảo tồn tử tế đã bị mất chín phần mười, lại lật tìm số tranh chữ cổ nổi tiếng đã bỏ công sưu tầm thu gom trong bao nhiêu năm nay, cũng chỉ còn lại mấy bức, liền đẩy đổ luôn cái bàn, buột mồm chửi toáng lên:

- Thằng ranh con ngỗ ngược chó chết kia, mày bán hết rồi à? Chỉ được có sáu vạn đồng thôi ư? Mày là thằng ngố, thằng ngu. Mày cứu tao thế hả? Mày đã giết tao rồi đấy! Tao bảo mày cứu tao làm gì? Tao có ngồi tù ba năm, năm năm đi chăng nữa, tao cũng không để mày huỷ hoại tao như vậy! Sao mày không bán quách ngôi nhà này đi hả?

Tiểu Ất đáp:

- Bố ơi, bố tức giận làm gì? Thường ngày bố cất giữ tiền chặt chẽ thế, xin bố tám đồng, mười đồng chẳng khác nào xẻo thịt trên người bố. Con đâu biết nhà mình có tiền? Những tranh chữ ấy đã bán rồi, bán đắt bán rẻ ai còn quan tâm đến làm gì, chỉ cần bố được thả ra thôi mà, bố có tay nghề, bố sẽ còn viết ra được cơ mà!

Cung Tịnh Nguyên bước tới, đá con trai ra ngoài cửa, chửi rủa:

- Mày biết cái gì kia chứ? Muốn viết thì viết được sao? Tao có là cái máy in đâu?

Cung Tịnh Nguyên cứ thế chửi mắng đứa con hư hỏng, đồ chó chết luôn mồm. Cung Tiểu Ất sợ quá đứng dậy bỏ chạy. Cung Tịnh Nguyên chửi suốt một buổi trưa, chửi mệt rồi thì ngả người xuống giường, nghĩ ngợi mình sống ngang ngửa nửa đời người, lại có thằng con mất dậy phá phách, hút thuốc phiện tới mức chỉ còn ba phần người bảy phần ma, đầu óc lại dốt nát, mới để xảy ra chuyện này, làm cho của cải trong nhà tẩu tán dần đi, cứ thế này mãi, không biết cái nhà này sẽ đi đến đâu?

Lại nghĩ bản thân đã mấy lần bị bắt, nhiều thì ba ngày, ít thì một hôm, người biết sự việc xét đến cùng cũng chẳng mấy, nhưng lần nầy đồn ầm ĩ cả lên, ai ai cũng chửi mình là con ma cờ bạc lớn.

Có thể cứ ôm mười vạn đồng ngồi đực mặt tại chỗ, anh hận hoàn toàn là do đồng tiền đã kiếm ra dễ dàng, đồng tiền lại hại bản thân và con trai, bỗng chốc thấy buồn vô hạn, chán ngán tất cả, nẩy ra ý định tự sát. Anh lấy dây thừng buộc lên xà ngang, thắt nút dây, nhảy lên ghế, nhưng lại hận kẻ nào đã giúp thằng con hư hỏng tìm kẻ buôn tranh? Con buôn tranh ấy là đứa nào? Anh chửi, thằng ăn cắp trời đánh thánh vật kia, mi lừa Cung Tịnh Nguyên này không có tiền phải không? Hôm nay tao có chết, tao cũng để cho mày xem tao có tiền! Nghĩ vậy, anh liền nhẩy khỏi ghế, lấy hồ dán từng tờ từng tờ một trăm đồng của cả mười vạn đồng lên bốn chung quanh tường buồng ngủ, dán xong cười hì hì, nhưng lại cảm thấy tại sao làm như vậy, làm như thế này chẳng phải là người ta chê cười cho ay sao? Gia đình có bao nhiêu là tiền như thế này, song bố thì vào tù, con thì bán hết của cải gia tài để lấy có sáu vạn đồng thôi ư? Thế là anh lấy mực vẩy lên bốn bức tường, lại lấy cái bồ cào sắt bới than mùa đông cào như điên, cho đến khi những đồng tiền dán kín bốn bức tường bị cào rách nham nhở tới mức mặt tường cũng bị cào rách ra. Quăng chiếc bồ cào đi, Cung Tịnh Nguyên lại ngồi khóc rống lên như con bò già. Anh bảo, hết rồi, bây giờ thì hết cả rồi. Cung Tịnh Nguyên này đã nghèo xơ nghèo xác thật rồi. Anh lại đập nát đôi tay mình trên nền nhà, anh há mồm lấy răng cắn ba cái nhẫn vàng trên ngón tay và quết từng cái một.

Trang Chi Điệp đã uống hết một cốc trà. Lúc này có người đi vào cổng, đang định đứng lên tránh đi thì Uông Hy Miên và Nguyễn Tri Phi bước vào, theo sau còn mấy người nữa, khiêng một hộp quả đặt làm đi tới. Hộp quả làm vô cùng cầu kỳ, bên dưới dùng da sỏ lợn quét màu xếp thành núi vàng đèo bạc, bên trên là các nhân vật nặn bằng bột, có tám vị tiên đi qua biển, có bảy hiền tài ở rừng trúc, mười tám sư tăng ở Thiếu Lâm, mười hai Mỹ Thoa ở Kim Lăng, chế tạo rất khéo léo, hình tượng y như thật.

Sau khi chào hỏi Uông Hy Miên và Nguyễn Tri Phi, Trang Chi Điệp nói:

- Tôi cũng vừa đến, đang dự tính các anh sẽ đến, chúng mình cùng cúng rượu cho anh Nguyên nhé!

Ba người đặt hộp qủa lên bàn thờ, đốt hương, đốt nến, một chân đứng một chân quỳ đốt giấy tiền trong cái chậu sành trước bàn, sau đó mỗi người cầm một ly rượu, ba cúi sáu vái, mồm nói "Anh Nguyên" rồi tưới rượu vào trong ngọn lửa giấy tiền đang cháy. Xong việc, Nguyễn Tri Phi đứng dậy nói:

- Trời tối thế này, cũng không mắc điện ngoài sân, trời tối mò cũng chẳng nhìn thấy các bạn khóc, vắng tanh vắng ngắt có giống người chết? Tiểu Ất đâu? Tiểu Ất đi đâu nhỉ? Cũng không trực bên linh cữu, cũng không có mặt ra chào hỏi người đến thăm viếng?

Mấy đứa con họ hàng kia khóc mấy tiếng lại thôi, có đứa còn ra sân kéo ngọn điện ở nhà ngang phía tây mắc ra cửa, có một đứa đi vào buồng ngủ trong nhà chính gọi Cung Tiểu Ất, lâu lắm không thấy ra, lúc đi ra bảo:

- Anh Tiểu Ất đã lên cơn nghiện!

Mấy người liền đi vào buồng ngủ. Trong buồng ngập ngụa, bốn bức tường nát bét, còn nhìn thấy những đồng tiền bị cào vụn chỉ còn lại một góc hay vết xước. Cung Tiểu Ất nằm co ro trên giường, mồm sùi bọt, chân tay co giật, toàn thân run rẩy như đang dần gạo. Nguyễn Tri Phi bước đến tát cho một cái, chửi:

- Sao mày không chết đi hả? Mày chết đi mới trừ được tai hoạ!

Cung Tiểu Ất không nói gì, chỉ đưa mắt nhìn Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp nói:

- Thôi thôi, có lẽ lại lên cơn nghiện, anh có chửi đánh nó cũng thế thôi. chúng mình xuống nhà ngang ngồi, thử tính xem việc tang lễ ra sao, chỉ dựa vào Tiểu Ất này cũng chẳng làm được việc gì đâu.

Ai nấy đi xuống nhà ngang, chỉ có Triệu Kinh Ngũ còn ngồi bên Cung Tiểu Ất. thấy mọi người đi hết, Triệu Kinh Ngũ móc ra ba gói thuốc phiện bảo:

- Đây là thuốc chú Điệp mua cho em, dự phòng em lên cơn nghiện trong khi đưa đám tang, quả nhiên lên cơn nghiện thật.

Cung Tiểu Ất nói một câu:

- Vẫn là chú Điệp đối xử với em tử tế.

Nói xong châm thuốc hút, tự nhiên tỉnh táo ra. Hắn nói:

- Anh Ngũ cứ ra trước đi, để em nằm một lát đã.

Triệu Kinh Ngũ hiểu rõ căn bệnh của hắn, bảo:

- Lại định trả thù hả?

Cung Tiểu Ất đáp:

- Em cũng chẳng trả thù ai sất. Em đã giết người cả thành phố biết bao nhiêu lần rồi, hãy để em được hưởng thụ tử tế. Em chỉ cần Bồ tát, cần Đức thánh bà, cần nghe nhạc và hát của các bậc thần tiên.

Triệu Kinh Ngũ bảo:

- Em đừng hưởng thụ nữa, hiện giờ có mấy người bạn của bố em đến viếng tang, em là con hiếu không ra chào hỏi, họ đang nổi nóng lên kia kìa, còn định ăn đòn hả? Các bậc cha chú này một khi bực tức bỏ đi hết, mẹ em lại đi vắng, em định để xác bố em đây thiu thối lên hay sao?

Nói xong lôi luôn Cung Tiểu Ất ra nhà ngang. Trong nhà, Trang Chi Điệp, Uông Hy Miên và Nguyễn Tri Phi đã sắp xếp số con em thân thích mỗi người làm một việc, đi mua quần áo tang, đi mua hộp tro xương. Hỏi đã gọi điện báo cho mẹ Tiểu Ất chưa, trả lời đã gọi, sáng sớm mai đáp máy bay về. Liền sắp xếp lúc ấy ai đi đón, đón về rồi, ai đến trông nom, đề phòng quá đau khổ mà có chuyện bất ngờ. Cung Tiểu Ất chỉ đứng nghe một bên, cuối cùng chào mỗi chú một lạy.

Hắn hỏi:

- Mọi việc đều phải chi tiền, kiếm tiền đâu ra mà chi? Ngày mai cháu sẽ bán nốt hai cái bàn vuông mặt ngọc thạch!

Nguyễn Tri Phi mắng:

- Mày còn định bán hả? Mày để bố mày chết đi cũng không được an nhàn hả? chờ mẹ mày về, các chú sẽ bàn với bà ấy. Mày muốn sống hãy quỳ gối xuống đốt giấy tiền cho bố mày đi!

Ba người lại tìm bút mực, nói rằng phải bố trí lại nơi để linh cữu. Khi còn sống, Cung Tịnh Nguyên là nhà thư pháp nổi tiếng. Trong nhà để linh cữu, ngoài tấm ảnh còn để lại chẳng có thứ gì cả để người ta nhìn vào mà đau lòng. Trang Chi Điệp liền viết "Cung Tịnh Nguyên tiên sinh tiên co" dán trên bức ảnh người chết. Hai bên cũng viết câu đối, một bên là "sinh tử một Tiểu Ất", một bên là "tồn vong bốn anh em". Lại viết một câu đối nữa dán ở ngoài cổng, một bên là "Ăn được uống được kiếm được tiêu được sống vui vẻ", bên kia là "viết được vẽ được vào được ra được đi thoải mái".

Nguyễn Tri Phi nói:

- Câu đối này viết hay lắm, rõ ràng cuộc đời anh Cung Tịnh Nguyên. Ai nhìn thấy dám chê cười anh Nguyên được nào? Chỉ có điều câu đối ở nhà để linh cữu thì văn vẻ cao xa quá, tôi không hiểu.

Uông Hy Miên bảo:

- Thế mà cũng không hiểu à? Vế trước anh Nguyên đẻ ra Tiểu Ất lại chết trong tay Tiểu Ất. Vế này giận mà chửi Tiểu Ất. Còn vế sau thì trong thành Tây Kinh ai chẳng biết bốn anh em mình, bây giờ anh Nguyên đã chết, bốn người còn ba, sống đấy mà lại là thỏ chết cáo thương, bầu ơi thương lấy bí cùng, vế này gởi gắm nỗi đau thương của chúng ta. Có phải ý thế không Chi Điệp?

Trang Chi Điệp đáp:

- Hiểu thế nào cũng được mà!

Nói rồi sai người đặt vòng hoa ở cửa, lại chăng một sợi dây thép đem những đồ cúng tế như lụa đen, vải vóc treo lên, trong sân ít nhiều cũng có không khí của đám tang. Nguyễn Tri Phi lại bảo người đi tìm băng nhạc đám ma, cho vào máy cassette phát đi phát lại. Anh bảo:

- Mình phải cùng anh Nguyên sống cho trọn tình vẹn nghĩa. Lúc còn sống bên nhau thường họp mặt ở khách sạn, lần nào chẳng nhờ vào quan hệ của anh ấy, bữa cỗ nào, hễ anh ấy có mặt lại chẳng phải anh ấy đứng ra chi tiền? Nay anh ấy mất, không nói đến cái khác, chúng ta cũng hiếm có những dịp được ăn uống sướng miệng. Anh ấy là người nhiệt tình sôi nổi, một đời, nhưng sinh ra Tiểu Ất một đứa con hư hỏng đã sa vào cảnh ngộ như thế này. Bây giờ ai cũng chạy theo quyền thế lợi lộc, khi anh Nguyên còn sống, người đến xin viết đạp mòn cả bậc cửa, người vừa ngã xuống, chó cũng không đến nữa. May mà còn mấy anh em mình, sao chúng ta không viết thêm mấy chữ đặt trên vòng hoa đeo trên băng tang, một là gửi gắm nỗi buồn thương của chúng ta, hai nữa là cũng để lại danh vọng lần cuối cùng cho anh Nguyên trong con mắt người ngoài, ba nữa cũng là khi chị Nguyên từ Thiên Tân trở về không có cảm giác buồn đau người đi thì trà nguội.

Trang Chi Điệp nói việc ấy rất cần, liền trải giấy bảo Uông Hy Miên viết. Uông Hy Miên nói:

- Mình vốn chẳng có lời lẽ gì trong bụng, vừa đến đây một cái, cũng không nghĩ ra câu nào. Trước kia thường đến nhà anh Nguyên cùng nhau viết chữ vẽ tranh, sau đó chẳng bao giờ có cái cảnh ấy nữa, để tôi vẽ cho anh Nguyên một bức nhé!

Uông Hy Miên cầm bút lên ngậm mực trong miệng, ngồi thừ ra đấy một lúc lâu không động đậy, chợt đặt bút lên mặt giấy, ngoáy tít như rồng bay phượng múa, một khóm hoa lan sống động hiện ra.

Nguyễn Tri Phi vỗ tay reo lên:

- Đẹp! – rồi nói tiếp – khóm lan này lá rậm hoa dầy, chính là thần khí của anh Nguyên. Cuộc đời của anh Nguyên tài hoa ngang ngửa, thoải mái tự do, tuy có người chê trách, nhưng hai bên đường phố Tây Kinh có biển nhà nào không do anh ấy viết? Trong nhà quan lớn quan bé, có nhà nào không treo tranh chữ của anh ấy? Nhưng vẽ cây lan có bao giờ thấy người ta vẽ rễ cây lan đâu, mà anh lại vẽ hẳn một cụm rễ trơ trọi, chẳng có chậu chẳng có đất là thế nào?

Uông Hy Miên đáp:

- Lúc còn sống anh Nguyên anh hào biết chừng nào, cuối cùng hai tay trống không, nghĩ mà rùng mình, cho nên mình vẽ không có chậu không có đất.

Nói xong chua hàng chữ "Khóc anh Nguyên của em ra đi một cách nhởn nhơ" và ký tên "Uông Hy Miên kính viếng" lại móc túi lấy con dấu đóng vào. Đến lượt Nguyễn Tri Phi. Nguyễn Tri Phi hỏi:

- Chữ tôi thiu thối, nhưng tôi không nhờ Trang Chi Điệp viết thay, chỉ có điều lời chưa nghĩ được, còn phải nhờ Trang Chi Điệp giúp.

Trang Chi Điệp bảo:

- Anh cứ viết theo suy nghĩ của mình.

Nguyễn Tri Phi bảo:

- Vậy thì tôi viết một câu đối, cho dù nó có đối hay không cũng mặc.

Liền cầm bút viết "Anh Nguyên ơi anh chết đi giá chữ tất nhiên sẽ tăng giá một thành ba, Tri Phi tìm ai đây trên bàn mạt chược từ tay ba thiếu một".

Quăng bút, bỗng chốc xúc động, không kìm nổi nỗi buồn, nói một câu:

- Tôi về trước nhé!

Bước thẳng ra cửa, trên đường về vừa đi vừa khóc nức nở.

Trang Chi Điệp cầm bút lên, nhưng tay cứ run bần bật. Mấy lần đặt bút, lại dừng, lấy một điếu thuốc châm hút. Điếu thuốc vẫn cháy, lại cầm bút, mồ hôi vã ướt trán.

Uông Hy Miên hỏi:

- Chi Điệp này, cậu ốm đấy à?

Trang Chi Điệp đáp:

- Trong tim tôi cứ rối bời bời, cứ cảm thấy anh Nguyên còn sống đang đứng bên cạnh xem tôi viết.

Uông Hy Miên nói:

- Lúc còn sống anh ấy thích xem cậu viết chữ, vừa khen mạch văn của cậu nhanh nhạy, vừa phê kết cấu giữa khung chữ nào đó, từ nay trở đi cũng hiếm có người bạn như thế nữa.

Trang Chi Điệp nghe vậy, tự dưng đau nhói trong tim, nhắm mắt vào, mấy giọt nước mắt rơi xuống, rồi nhân chỗ nước mắt làm ướt giấy, anh viết luôn, cũng là một câu đối. Vế trên là "Sinh muộn hơn anh, chết sớm hơn em, Tây Kinh tự cổ không giữ khách, gió khóc anh khóc em sống chết bất kỳ", vế dưới là "Anh ở dưới âm, em ở cõi dương, ở đâu đất vàng cũng chôn người, mưa cười anh cười em âm dương khó tách".

Viết xong, nước mắt giàn giụa, lại đến quỳ trước linh cữu, bưng một ly rượu lên cúng, người vừa cúi xuống đã ngất đi. Ngưu Nguyệt Thanh hét lên một tiếng, chạy đến đỡ chồng, bấm huyệt nhân trung, đổ nước sôi để nguội vào miệng mới tỉnh lại.

Mọi người thấy anh có tỉnh hơn, ai cũng cảm động bởi nỗi buồn thương của anh. Uông Hy Miên nói:

- Người ta chết rồi, đừng có đau đớn quá. Anh Nguyên nếu có linh thiêng, biết trong trái tim cậu có anh ấy thì cũng ngậm cười nơi chín suối.

Nói xong giục Trang Chi Điệp đi về nhà nghỉ ngơi, mọi việc ở đây đã có anh lo liệu. Ngưu Nguyệt Thanh và Triệu Kinh Ngũ không nói gì, biết nỗi khổ sở trong lòng Trang Chi Điệp, cũng không tiện nói ra, lẳng lặng ra phố, thuê một chiếc taxi, trông nom anh suốt dọc đường về nhà.

Về đến nhà, Trang Chi Điệp nằm lì suốt ba ngày không dậy, cũng chẳng ăn uống được bao nhiêu, Ngưu Nguyệt Thanh tự biết không dám nói nhiều, chỉ khuyên chồng không đến nhà họ Cung nữa. Trang Chi Điệp cũng không đi gặp mẹ của Cung Tiểu Ất trở về, cho đến khi Cung Tịnh Nguyên hoả táng cũng không đi. Nhưng ngày nào Ngưu Nguyệt Thanh cũng sắm nhiều đồ lễ đem đi, giúp vợ Cung Tịnh Nguyên xử lý công việc linh itnh trong nhà, mấy ngày mấy đêm liền, thâm quầng cả vành mắt.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui