CHƯƠNG 1
Tôi sinh ngày bốn tháng Giêng năm 1951. Tuần đầu tiên của tháng đầu tiên của năm đầu tiên của nửa sau thế kỷ hai mươi. Ngày sinh có ý nghĩa này khiến tôi được đặt trước tên Hajime, có nghĩa là khởi đầu. Ngoài đó ra, không có sự kiện đáng kể nào gắn liền với sự ra đời của tôi. Bố tôi làm ột hãng môi giới, mẹ tôi là một người nội trợ bình thường. Bố tôi, được huy động đi lính trong một lứa quân dịch toàn sinh viên, đánh nhau bên Singapore. Cuộc chiến kết thúc, ông bị nhốt một thời gian trong một trại tù binh chiến tranh. Nhà của gia đình mẹ tôi bị bom B29 thiêu rụi vào năm cuối cùng của cuộc chiến. Thế hệ bố mẹ tôi phải chịu đựng rất nhiều từ cuộc xung đột dài dặc này.
Tuy thế, khi tôi sinh ra, không còn dấu vết nào của giai đoạn đau khổ đó nữa: không có những đống gạch đã đổ nát gần nơi chúng tôi sống, cũng không còn quân đội chiếm đóng. Chúng tôi sống ở một thành phố nhỏ tỉnh lẻ yên bình, trong một ngôi nhà do hãng của bố tôi phân cho: một ngôi nhà xây trước chiến tranh, hơi cũ kỹ nhưng khá rộng rãi. Trong vườn có một cây thông lớn, và có cả một cái ao nhỏ xung quanh có hang đèn bằng đá.
Khu phố chúng tôi ở là đại diện hoàn hảo ột vùng ngoại ô dân cư dành cho các tầng lớp trung lưu. Bạn học của tôi, những người tôi có quan hệ thật mật – không nhiều lắm – đều sống ở những ngôi nhà riêng khá đỏm dáng. Chắc chắn chúng khác nhau về kích cỡ nhưng nhà nào cũng có lối vào giống nhau và một khu vườn trồng cây. Bố của các bạn tôi thường là nhân viên văn phòng hoặc làm việc trong các hãng thương mại. Các bà mẹ đi làm là một hiện tượng hiếm. Phần lớn các gia đình có nuôi một con chó hoặc một con mèo. Thời đó, tôi không quen ai sống ở căn hộ hết. Sau này, chúng tôi chuyển đến một thành phố khác, không xa lắm, và tình hình vẫn tương tự. Chính vì thế, cho đến khi vào đại học và đến sống ở Tokyo, tôi vẫn tin rằng người bình thường là phải đeo cà vạt, làm việc ở các văn phòng và sống trong những ngôi nhà riêng. Mọi cách sống khác với tôi đều là không thể, và vượt qua các giới hạn trí tưởng tượng của tôi.
Phần lớn các gia đình trong khu phố của chúng tôi có hai hoặc ba con: đó là con số trung bình của thế giới nơi tôi sống. Khi nhớ lại vài người bạn đã từng đi cùng tôi thời thơ ấu và thiếu niên, tôi thấy tất cả đều có một hoặc hai anh chị em. Những gia đình có sáu hoặc bảy con khá hiếm, con một lại càng hiếm hơn.
Thế nhưng tôi lại là con một. Suốt hồi còn bé lúc nào tôi cũng có mặc cảm thấp kém. Tồn tại của tôi có một điều đặc biệt: tôi bị tước mất một thứ mà những người khác có và coi là bình thường.
Khi còn nhỏ, tôi không chịu nổi khái niệm “con một”. Mỗi khi nghe thấy từ đó, tôi liền ý thức được ngay điều mà mình thiếu. Nó giống như là một ngón tay chỉ vào tôi mà nói: “Mi là một thằng người không hoàn chỉnh”.
Trong cái thế giới nơi tôi sống, mọi người đều chắc chắn rằng bọn con một là một lũ được nuông chiều quá mức, yếu đuối, và thất thường đến khủng khiếp. Cái đó giống như một thứ quy luật thần thánh và tự nhiên, theo cùng lối với những quy luật như “Bò sữa cho sữa” hoặc “Càng lên cao áp suất không khí cảng giảm”. Chính vì vậy tôi rất ghét bị hỏi về gia đình. Tôi biết thừa là ngay khi nghe câu trả lời của tôi, người kia sẽ tự nhủ: “A, hóa ra là một đứa con một; thế thì chắc chắn nó phải được nuông chiều quá mức, yếu đuối, và thất thường đến khủng khiếp”. Những phản ứng trăm lần như một đó làm tôi cảm thấy bị tổn thương, tôi biết chúng quá rõ, đến mức ngán ngẩm. Nhưng điều tôi chán nhất là những người nói xấu tôi đó hoàn toàn có lý: không nghi ngờ gì nữa, tôi được nuông chiều quá mức, yếu đuối, và thất thường đến khủng khiếp.
Tại trường, những đứa con một hiếm đến mức trong suốt sáu năm cấp một tôi chỉ gặp một người. Thế nên tôi giữ một ký ức đặc biệt sống động về cô (đó là một cô bé). Chúng tôi nhanh chóng trở thành hai người bạn thân thiết nhất. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều. Chúng tôi hiểu nhau rất rõ. Thậm chí tôi còn nghĩ mình đã đem lòng yêu cô.
Cô tên là Shimamoto-san. Cô hơi kéo lê chân trái, hậu quả của chứng bại liệu mắc phải khi còn bé. Cô đến học ở lớp tôi vào cuối năm lớp năm sau nhiều lần chuyển trường trước đó. Hẳn là cô phải chịu đựng nhiều đau khổ hơn tôi rất nhiều. Nhưng, mặc cho cái gánh nặng đó trên vai, cô là đứa con một mạnh mẽ và ý thức rõ ràng về tình thế của mình hơn tôi rất nhiều. Không bao giờ cô than thở, lời nói và khuôn mặt cô không bao giờ để lộ những dằn vặt và, dù lâm vào hoàn cảnh nào, cô cũng giữ được cái vẻ hết sức thoải mái. Hoàn cảnh càng khó khăn, cô càng rạng rỡ hơn. Nụ cười đẹp của cô tùy trường hợp mà an ủi hoặc khích lệ tôi. “Mọi viêc sẽ ổn thôi, vành môi của cô như muốn nói; kiên nhẫn một chút thôi, sắp kết thúc rồi.” Sau này, mỗi khi nhớ đến cô, điều đầu tiên hiện ra trong tâm trí tôi bao giờ cũng là nụ cười đó.
Shimamoto-san đạt điểm cao ở trường và dễ chịu với mọi người, không chút phân biệt. Thế nên thường thì cô là học sinh nổi bật nhất trong lớp. Xét ở khía cạnh đó, cô là đứa con một rất khác tôi. Tuy nhiên tôi không tin là các bạn học của cô dành cho cô một sự trìu mến vô điều kiện. Chắc chắn là không ai hành hạ hay châm chọc cô, nhưng, ngoài tôi ra, cô không có người bạn thật sự nào khác.
Hẳn là với họ cô quá ngoại giao và khép mình. Có thể một số người nghĩ đó là tính lạnh lùng hoặc tự phụ. Về phần mình, tôi nhận ra được toàn bộ sự nồng ấm và nhạy cảm che giấu đằng sau vẻ ngoài của cô. Ở tận sâu con người cô còn che giấu cả một kho báu sống động, nằm đó chờ đến ngày được phát hiện, giống như một đứa trẻ chơi trò trốn tìm nhưng lại mong được tìm thấy. Thỉnh thoảng tôi thấp thoáng nhìn thấy được bóng dáng kho báu đó, nhờ vào một câu nói hay một cách dùng từ.
Vì công việc của bố, Shimamoto-san thường xuyên phải chuyển trường. Tôi không còn nhớ chính xác ông làm gì nữa. Một hôm cô đã nói với tôi nhưng, cũng giống phần lớn những đứa trẻ xung quanh, tôi không mấy quan tâm đến các hoạt động của người lớn. Tôi chỉ còn nhớ đó là một công việc chuyên môn hóa liên quan đến ngân hàng hay thuế má hay phục hồi công ty thua lỗ gì đó. Chỗ ở được phân cho gia đình cô là một ngôi nhà xây theo lối phương Tây khá lớn, sân được bao quanh bởi một bờ tường bằng đá tuyệt đẹp cao ngang người tôi, cùng một hàng rào cây nhỏ lúc nào cũng xanh tươi, xen với những cái khe để lộ một khu vườn có thảm cỏ.
Shimamoto-san có những đường nét khuôn mặt đều đặn, và khá cao so với một cô bé, gần cao bằng tôi. Trong vài năm nữa, cô sẽ trở thành một cô gái đẹp thu hút mọi ánh mắt nhìn. Nhưng, vào quãng thời gian khi tôi gặp cô, vẻ ngoài của cô còn chưa hé lộ hết những phẩm chất của cô: một vẻ mất cân bằng rất khó diễn tả khiến cho hầu hết mọi người đều thấy cô không có chút hấp dẫn nào. Theo tôi, điều đó là do phần đã trở thành người lớn của cô không phát triển theo cùng nhịp điệu với phần còn lại là trẻ con. Hẳn sự thiếu cân bằng đó đã làm những người gặp cô cảm thấy bối rối.
Vì nhà chúng tôi ở rất gần nhau (nhà cô chỉ cách nhà tôi một quãng ngắn), cô được xếp ngồi cạnh tôi vào tháng đầu tiên khi chuyển đến lớp. Tôi nói cho cô mọi thông tin cô cần về cuộc sống ở trường: đồ dùng, kiểm tra hàng tuần, chương trình học, lịch trực nhật và lịch căng tin. Đó là một trong những nội quy cơ bản của trường: người nào nhà gần một học sinh mới nhất sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn. Ngoài ra, vì Shimamoto-san bị tật, thầy giáo đã gọi riêng tôi lên để nhờ tôi giúp cô trong thời gian làm quen với môi trường mới.
Thoạt đầu, chúng tôi không cảm thấy thoải mái lắm. Vẫn thường như vậy giữa một cô bé và một cậu bé ở tuổi đó. Nhưng, khi biết cả hai đều là con một, những câu chuyện giữa chúng tôi nhanh chóng trở nên sống động và thân mật. Đó là lần đầu tiên cả hai chúng tôi gặp được một đứa con một khác. Chúng tôi bắt đầu say sưa nói về chuyện đó. Cả hai chúng tôi đều có rất nhiều điều để nói về chủ đề này. Chúng tôi có thói quen chờ nhau vào giờ tan học để cùng về. Vừa chậm rãi đi hết một cây số ngăn cách với nhà chúng tôi (phải đi chậm vì chân cô bị tật), chúng tôi vừa bàn luận về mọi chuyện, điều này cho phép chúng tôi phát hiện rất nhiều điểm chung giữa hai đứa. Cả hai chúng tôi đều thích sách, nhạc, mèo, đều thấy khó khăn khi phải diễn đạt những nỗi xúc động, cùng có một danh sách dài những món ăn không thích, không gặp khó khăn nào khi học những môn mà mình thích nhưng rất ghét phải cố gắng học những môn không thích. Khác biệt lớn nhất giữa chúng tôi là cô có ý thức hơn tôi rất nhiều về việc ẩn mình trong một cái mai rùa để tự bảo vệ khỏi thế giới bên ngoài. Dù sao cô cũng cố gắng học những môn không hấp dẫn và vẫn đạt điểm tốt, còn tôi thì không làm được thế. Nếu ở căng tin người ta phục vụ một món mà cô không thích, cô vẫn lấy và ăn hết, còn tôi thì không. Nói cách khác, bức tường phòng vệ mà cô dựng lên quanh mình cao hơn và vững chắc hơn bức tường của tôi. Nhưng những gì nằm sau bức tường đó lại giống một cách đáng ngạc nhiên với những gì có ở trong tôi.
Với Shimamoto-san, tôi không cảm thấy căng thẳng như khi có mặt những cô bé khác. Với tôi đó là một điều mới mẻ. Tôi thích đi học về cùng với cô. Cô bước đi, chân hơi khập khiễng một chút. Đôi khi, chúng tôi ngồi xuống một cái ghế băng trong vườn hoa để nghỉ mà không làm vướng bận đến ai. Tôi thấy vui vì bằng cách đó đường về được kéo dài ra.
Càng ngày chúng tôi càng hay đi với nhau, và tôi không hề nhớ các bạn của chúng tôi lấy đó làm đề tài để trêu chọc không. Thời đó, chuyện này không làm tôi chú ý lắm, nhưng nhiều năm sau này khi nghĩ lại, tôi thấy cũng lạ, vì ở tuổi đó bọn trẻ con rất hay chế ghép đôi một cậu bé và một cô bé thân thiết với nhau. Hẳn nguyên nhân nằm ở tính cách của Shimamoto-san. Có điều gì đó ở cô làm cho những người tiếp xúc với cô cảm thấy hơi căng thẳng. Bầu không khí cô tạo ra xung quanh mình dường như chặn lối những suy nghĩ ngu xuẩn. Ngay cả cái tật ở chân của cô không? Không lúc nào có ai nghĩ là nên trêu chọc cô, và qua đó cũng không trêu chọc tôi, và tôi thích điều này.
Cô được miễn học môn thể dục. Những ngày đi chơi xa hoặc leo núi, cô không đến trường. Mùa hè, cô cũng không tham gia các lớp học bơi hoặc thể thao ngoài trời. Ngày hội thể thao của trường, cô có vẻ không thoải mái. Nhưng, ngoài những chi tiết đó ra, cô sống cuộc đời của một học sinh bình thường. Không bao giờ cô nói đến cái chân. Ít nhất là trong ký ức của tôi, cô chưa lần nào làm vậy. Ngay cả khi đi học về, cô cũng không bao giờ nói, chẳng hạn: “Thứ lỗi ình vì mình đi chậm quá”, và không hề biểu lộ chút khó nhọc nào. Tôi hiểu rõ là cô không bao giờ nói đến những khó nhọc đó chính vì chúng gây ra nhiều vấn đề cho cô. Cô không thích đến nhà những đứa trẻ khác chơi, vì sẽ phải cởi giày để ở cửa. Cô đi đóng giày riêng, đế hai bên không dày bằng nhau, và ghét phải trưng chúng ra trước cái nhìn của các bạn. Khi về đến nhà, lúc nào cô cũng bắt đầu bằng việc xếp chúng vào tủ giày.
Một dàn nhạc stereo đời mới nhất nằm trong phòng khách nhà cô, và tôi thường đến nhà cô để nghe nhạc. Đó là một cái máy khá xịn, thậm chí còn hơi quá xịn so với bộ sưu tập đĩa của bố cô, chỉ có vào khoảng mười lăm cái bốn mươi lăm vòng, phần lớn là những bản nhạc cổ điển dành cho người mới nghe. Tôi nghe đi nghe lại chúng không mệt mỏi, nhiều đến mức cho đến nay tôi vẫn nhớ chúng rất rõ.
Shimamoto-san là người phụ trách đống đĩa: cô rút một cái từ vỏ ra, dùng hai tay cẩn thận đặt nó lên máy quay, chăm chú để các ngón tay không chạm vào những đường rãnh, phủi bụi đầu đọc bằng một cái bút lông đặc biệt, chậm rãi đặt kim lên mặt đĩa. Khi đĩa dừng, cô xịt nước chống bụi vào, lau bằng một miếng khăn mềm, đặt lại đĩa vào trong vỏ, rồi sau đó để nó về chỗ ở trên giá. Cô hoàn thành toàn bộ tiến trình học được từ bố với một vẻ nghiêm trang đầy ấn tượng. Mắt nhíu lại, cô cố kìm giữ hơi thở. Còn tôi, ngồi trên sofa, tôi ngắm nhìn cô. Khi đã xong việc, cô mỉm cười quay sang tôi, và lần nào tôi cũng tự nhủ: “Như thể không phải bạn ấy đang đang bật một cái đĩa nhạc, mà là đang nâng niu một linh hồn yếu ớt đựng trong một cái bình thủy tinh mỏng manh vậy”.