Mấy ngày tiếp theo, tôi vẫn vừa học vừa làm thêm công việc ghi chép số liệu cho Phong, rỗi rãi thì lên mạng thử tìm các trường cấp 3 đang tuyển học sinh, nhưng đúng như Phong nói, trường công thì chỉ tiêu rất ít, còn trường tư thì học phí đắt đến giật mình.
Tôi không dám tiêu nhiều tiền nên cứ đắn đo mãi, đến khi bà Hoa biết được mới bảo:
– Đắt thì đắt chứ.
Đắt nhưng chất lượng học ổn thì cứ thế mà học.
Ông Phong đồng ý cho mày đi học rồi còn gì.
– Vâng, nhưng mà học phí khiếp lắm, một kỳ hơn 30 triệu chị ạ.
Lấy đâu ra tiền mà học.
Hàng tháng còn tiền gửi về quê nữa, giờ vào năm học mới mấy đứa nhà em phải nộp nhiều khoản lắm.
– Khiếp, 30 triệu á? Thế không còn trường nào rẻ hơn à?
– Có nhưng xa nhà anh Phong, sáng, trưa, tối em còn phải nấu cơm cho anh ấy ăn nữa.
Đi học xa thì không kịp nấu cơm.
Chị Hoa sờ sờ cằm ngẫm nghĩ một lúc:
– Ừ, thế cũng nan giải phết nhỉ? Mấy khi được đi học, phải tranh thủ chứ.
– Vâng, em cũng nghĩ thế.
Trước không có điều kiện để đi học thì phải chịu, giờ đang có thời gian thì tranh thủ, không đến khi hết thời hạn 2 năm, anh Phong không bao em nữa thì chẳng xin được việc gì cả.
– Thế tao mới bảo, mày cũng nên kiếm một ít vốn liếng phòng thân đi, không chỉ là học đâu, còn tiền nữa.
Giờ mày đang vớ bở đấy, đến khi hết bở rồi mà không có gì trong tay thì chỉ có đói mốc mồm thôi em ạ.
Tôi sợ bà Hoa lại bắt đầu thuyết giảng về việc phải quyến rũ Phong nên đành lảng sang chuyện khác:
– Vâng.
Thế bữa giờ bà đi xin việc những đâu rồi, nhắm được chỗ nào chưa?
– Rồi, tao xin rồi.
Có cái nhà hàng ở ngay đầu ngõ mình đây này, đi lên khoảng 300 mét, họ đang tuyển nhân viên thu ngân.
Tao xin rồi nhưng họ bảo để họ xem đã, có gì họ gọi.
– Lương mấy triệu hả chị?
– 6 triệu, bao ăn ở.
Tao tính nếu được nhận thì tao làm đến 5h chiều, xong từ 5h đến 10h thì xin đi bưng bê ở quán cafe.
Làm hai ca mới đủ tiền mà gửi về nhà, chứ 6 triệu còn chưa đủ trả lãi nữa.
Tôi thấy những người như bọn tôi đúng là số khổ, như kiểu phải gánh nghiệp vậy.
Vất vả kiếm tiền cũng không dám chi tiêu cho bản thân, toàn gửi về quê hết.
Nhưng dù sao tôi vẫn còn sướng hơn chị Hoa, vì tôi nuôi các em ăn học, còn bà ấy thì còng lưng trả nợ cho đứa em phá gia chi tử.
Tôi bảo:
– Vâng, thế thì bà cũng mệt phết đấy, ngày làm mười mấy tiếng, chẳng có thời gian để gặp em nữa.
– Ôi giời lo gì.
Không gặp được thì nhắn tin, với cả một tháng chắc cũng được nghỉ một hai ngày ấy mà.
– Vâng.
– Thế mấy đứa em mày có đứa nào học hết cấp 3 chưa nhỉ?
– Có 2 đứa đi lấy chồng rồi, còn một đứa học lớp 8, một đứa lớp 10, đứa còn lại lớp 12.
Con Thu mà em hay kể cho chị nghe ấy, nó học lớp 12.
– À cái con mà mày bảo học giỏi nhất nhà ấy hả?
– Vâng.
– Thế có ngoan không? Tuổi này là ẩm ương lắm, cũng phải để ý đấy.
– Lâu rồi em cũng không về, nhưng thấy nó gọi điện thoại lên thì cũng thấy ngoan chị ạ.
Chỉ bảo em gửi tiền về mua sách vở thôi, à với cái điện thoại nữa.
– Ừ, ngoan là được rồi.
Mày nuôi bọn nó đi học bao nhiêu năm rồi, giờ đến lượt mày cũng đi học đi thôi.
Cố lên, học phí đắt quá thì cứ nói với ông Phong, khéo khéo một tý là ông ấy cho ấy mà.
Một lúc cho mày tận 50 triệu tiêu vặt thì 30 triệu với ông ấy cũng là muỗi thôi, chủ yếu là mày phải khôn.
– Vâng, em biết rồi ạ.
Lúc từ nhà chị Hoa trở về, đi ngang qua hàng sách cũ, tôi mới bảo chú xe ôm dừng lại để tôi mua mấy quyển sách lớp 8, 10, 12 gửi về cho mấy đứa em.
Khi thanh toán tình cờ thấy trước cửa nhà bán sách có treo một cái Dreamcatcher nên tôi hỏi:
– Chị ơi, cái Dreamcatcher này mua ở đâu thế ạ?
Chị bán sách chỉ sang cửa hàng bán đồ lưu niệm bên kia đường, bảo tôi:
– Nhà bên kia có bán đấy, nhiều mẫu đẹp lắm.
Em ngủ hay gặp ác mộng à?
– À không ạ.
Bạn em.
Em định mua tặng bạn em.
– Cái này tưởng treo cho đẹp thế thôi chứ chị thấy cũng tác dụng phết đấy.
Ngày trước ngủ lại trông quán buổi trưa toàn bị bóng đè, thế mà treo nó lên xong đỡ hẳn đấy.
– Linh nghiệm thế ạ?
– Ừ, nhưng chắc cũng phải tùy người nữa.
Em thích thì sang bên đó hỏi mua xem.
– Vâng ạ.
Em cảm ơn chị.
Đúng là cửa hàng đồ lưu niệm đó có rất nhiều Dreamcatcher, nhưng đều là đồ làm sẵn.
Tôi nghe nói tự tay làm sẽ có nhiều ý nghĩa hơn, với cả người được nhận Dreamcatcher cũng sẽ gặp nhiều may mắn hơn, thếaf tôi đành phải đi tìm cửa hàng khác mua nguyên liệu về tự làm.
Kỳ cạch đúng 5 ngày ròng rã thì cuối cùng cũng xong, tổng thể hơi xấu nhưng lần đầu làm được thế này cũng tạm được rồi.
Mỗi tội, tôi không dám vào phòng ngủ của Phong để treo nên cứ quanh quẩn đi lại bên ngoài cửa mãi, sau đó chả hiểu nghĩ thế nào lại bắc ghế treo Dreamcatcher lên ướm thử ở ngay trước cửa phòng anh ta.
Tôi không dám treo hẳn, chỉ ướm lên thôi.
Xong còn lẩm nhẩm nói:
– Dreamcatcher hút hết giấc mơ xấu, chỉ giữ lại giấc mơ đẹp thôi nhé.
Những điều xui xẻo cũng biến mất đi, điều tốt lành may mắn thì ở lại nhé.
Nam mô a di đà phật.
Vì sợ các vị thần chưa nghe thấy nên tôi còn cẩn thận cầu khấn tận 3 lần, khi vừa nói xong lần thứ 3 thì cửa phòng ngủ của Phong đột nhiên mở ra, tôi bị giật mình, lại đang đứng trên ghế nữa nên ngã bịch một cái xuống đất.
Anh ta khoanh tay nhìn bộ dạng thảm hại của tôi, lạnh nhạt hỏi:
– Làm cái gì đấy?
Tôi cố nhịn để không xoa mông, mặt mày nhăn nhó nói:
– Ơ… anh… ở nhà à? Em cứ tưởng tối qua anh không về.
– Vừa về lúc nãy.
– À… vâng.
Chắc lúc đó em đi siêu thị mua thức ăn nên mới không thấy anh.
– Cái gì kia?
Nghe anh ta hỏi thế, tôi theo phản xạ giấu Dreamcatcher ra sau lưng, xấu hổ quá nên đành nói dối:
– À… không có gì đâu ạ.
Mấy cái dây linh tinh thôi ạ.
– Cô định bỏ bùa tôi đấy à?
– Không, cái này không phải bùa.
Em bỏ bùa anh làm gì.
Không phải bùa đâu ạ.
– Không phải bùa thì là gì?
– Là ….
Nói mới nhớ, Dreamcatcher cũng là một loại bùa của người da đỏ, Phong nói vậy cũng không sai.
Tôi há miệng mắc quai, cuối cùng không thể không nói thật, đành chìa Dreamcatcher ra:
– Cái này là Dreamcatcher ạ.
Em mới làm xong, đang thử ướm lên cửa phòng ngủ của anh, nhưng mới chỉ ướm thôi, anh chưa đồng ý nên em chưa treo ạ.
Anh ta nhìn nhìn cái Dreamcatcher xấu xí trên tay tôi rồi lại nhìn vẻ mặt ngượng ngùng của tôi, hơi buồn cười:
– Cái này là Dreamcatcher gì? Trông giống cái ổ nhện hơn đấy.
– Xấu thế thật hả anh? Em thấy cũng… không đến nỗi giống ổ nhện mà.
– Thế cô thấy giống gì?
Tôi giơ Dreamcatcher lên, trầm ngâm nghĩ ngợi vài giây rồi xấu hổ đáp:
– Cũng… giống ổ nhện thật ạ.
Nói xong câu này, lần đầu tiên tôi thấy ánh mắt Phong tràn ngập ý cười, anh ta cong cong khóe môi, vẻ mặt tươi tỉnh hơn hẳn thường ngày.
Tôi đã tốn tận 5 ngày trời mày mò làm Dreamcatcher cho anh ta, thế mà bây giờ làm xong còn bị cười, bị ngã ê cả mông nữa, thế là tôi thẹn quá chống chế:
– Nhưng mà ổ nhện mới tốt, người da đỏ quan niệm mạng nhện là biểu tượng của vật che chở, bảo vệ đấy.
– Thế mấy cái sợi lông gà bên dưới để làm gì?
– Lông này là lông vũ mà.
Tôi sờ sờ mấy sợi lông mềm mại màu trắng tinh trên Dreamcatcher, nghiêm túc giải thích:
– Cái này lẽ ra là phải treo ở đầu giường cơ, Dreamcatcher sẽ hút hết giấc mơ vào mạng nhện, nhưng giấc mơ xấu sẽ biến mất, những giấc mơ đẹp sẽ theo mấy sợi lông gà… à… lông vũ này trượt xuống, rơi vào tâm trí của người nằm bên dưới ạ.
– Trò trẻ con.
Mấy thứ này mà cũng tin.
Ngày xưa vì xem phim Người Thừa Kế mà tôi hâm mộ Lee Min Ho, xong rồi cũng hâm mộ lây cả cái Dreamcatcher này nữa, tuổi mộng mơ mà, tin sái cổ, giờ nghe Phong nói cũng thấy mình trẻ con thật, phim chiếu trên tivi mà cũng tin.
Cuối cùng, tôi ngượng ngùng cầm Dreamcatcher đứng dậy, định mở miệng xin lỗi thì lại thấy Phong nghiêng người, chừa một phần đường cho tôi:
– Vào đi.
– Dạ?
– Thích treo ở đâu thì treo.
Tôi ngẩn ra mất một lúc mới hiểu ý Phong nói: anh ta đồng ý cho tôi vào phòng, còn bảo tôi muốn treo Dreamcatcher đâu thì treo.
Ôi cái người này, rõ ràng anh ta vừa chê trẻ con mà.
Mặc dù nghĩ là nghĩ thế nhưng được Phong cho phép thì trong lòng tôi thực sự rất vui, giống như vừa bị người ta giành mất một cái kẹo nhưng sau đó lại được cho hẳn một túi kẹo khác vậy.
Tôi lẽo đẽo theo Phong đi vào phòng, lúc vào bên trong, nhìn những thứ ở đây khác xa với tưởng tượng của tôi, bất giác tôi cũng ngây người.
Trước cứ nghĩ phòng ngủ của Phong cũng chỉ là phòng ngủ thôi, không có người dọn dẹp thì sẽ bừa bộn hệt như phòng khách hôm tôi chưa đến.
Thế mà bước vào mới biết trong này rộng ơi là rộng, mọi đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, giá sách thật to trong phòng xếp đầy sách kinh doanh, còn phân loại theo vần từ A đến Z.
Và điều tôi cảm thấy ngạc nhiên nhất chính là bức tường phía trước được thiết kế toàn bộ bằng kính hết, ánh sáng chiếu đến chan hòa khắp phòng, bên ngoài còn có cả một bể bơi.
Mẹ ơi, sao phòng ngủ ở chung cư lại có cả bể bơi thế?
Phong hình như đọc được suy nghĩ của tôi nên bảo:
– Chưa thấy bể bơi ở chung cư bao giờ à?
Tôi quay đầu nhìn anh ta, thành thật trả lời:
– Chưa ạ.
Trước có một chị làm cùng ở Phố Hoàng Thành có điều kiện thuê chung cư, bọn em đến thăm nhà chị ấy chỉ thấy có một phòng khách với hai phòng ngủ thôi, các căn xung quanh cũng thế, chưa bao giờ thấy nhà ở chung cư mà có cả bể bơi riêng cả.
– À, cái này là tôi đập một phòng ngủ đi rồi tự xây đấy.
Lúc ấy tôi vẫn chưa biết Penthouse xịn thế nào nên tin sái cổ, gật gà gật gù bảo:
– Thế ạ? Thảo nào trong nhà anh chỉ có một phòng ngủ.
Phong hơi buồn cười, anh ta chẳng bận tâm đến tôi nữa mà chỉ đi lại bàn làm việc, tiện miệng nói:
– Treo ở đâu thì treo đi.
– Vâng.
Em treo Dreamcatcher lên đầu giường được không ạ?
– Tùy cô.
Được đại gia đồng ý, tôi hớn hở cầm Dreamcatcher chạy đến giường định treo, nhưng móc hơi ngắn, vừa mới đặt lên xong thì đúng lúc có một cơn gió bên ngoài thốc tới, làm bay Dreamcatcher của tôi.
Dreamcatcher rơi xuống tủ tab ngay bên trái đầu giường của Phong, lúc tôi cúi xuống nhặt mới thấy trên đó có một bức ảnh, tuy nhiên, khung ảnh lại bị úp xuống nên không thể thấy được hình của ai.
Nhưng người được anh ta để ảnh ở đầu giường thế này, chắc hẳn phải là người rất quan trọng trong lòng Phong nhỉ?
Tôi rất tò mò, nhưng không dám hỏi, cũng không có tư cách được biết, thế nên chỉ đành làm ngơ coi như không thấy rồi nhặt Dreamcatcher lên treo.
Chẳng biết có phải vì tự nhiên tâm trạng thay đổi hay không mà treo xong tôi mới thấy Dreamcatcher của mình đúng là xấu thật.
Giường đẹp như thế mà treo nó lên trông tương phản sao sao ấy, Dreamcatcher của tôi cứ như cái lưới rách móc trên đầu giường của Phong vậy.
Tôi ngại quá nên giơ tay định tháo xuống, vừa làm vừa nói:
– Thôi, cái này treo lên trông không hợp lắm, để hôm sau em làm cái khác.
– Cứ để đó đi.
– Dạ?
– Treo lên treo xuống phiền c.hế.t được.
Thấy Phong có vẻ không thích, thế là tôi cũng không làm nữa, đành móc lại ngay ngắn rồi định trèo xuống khỏi giường.
Ai ngờ lúc đặt chân xuống đến sàn thì lại nghe Phong gọi:
– Này.
– Dạ.
– Lại đây.
Anh ta đưa cho tôi một chiếc thẻ màu trắng, nhưng tôi chẳng biết thẻ này dùng làm gì nên ngơ ngác hỏi:
– Cái gì đây hả anh?
– Thẻ dùng xe của chung cư.
Thực sự tôi chưa từng nghe thấy kiểu thẻ này bao giờ, cũng chẳng rõ dùng xe của chung cư là dùng cái gì, nhưng vì sợ Phong cười nên không dám hỏi tiếp nữa, chỉ lật qua lật lại tấm thẻ kia tìm xem có chữ gì không.
Ai kia thấy thế thì tự nhiên tốt bụng đột xuất, giải thích cho tôi nghe:
– Ở đây có một số loại xe dành riêng cho dân cư sống trong tòa nhà, để dưới hầm B ấy, cầm cái thẻ này thích lấy xe nào đi cũng được.
Tôi có xe rồi, không dùng.
– À vâng… Thế họ không sợ mình lấy đi mất hả anh?
– Tôi cũng chưa thử bao giờ.
Hay là hôm nào cô thử lấy rồi bỏ trốn xem.
Tôi bắt đầu quen với việc cái ông này chuyên gia xúi bậy tôi rồi, thế nên không bị lừa nữa, chỉ lắc đầu nói:
– Thôi, em sợ đến khi họ bắt được thì phải đi tù lắm.
Em không dám đâu ạ.
– Thế thì lấy xe xong nhớ trả vào chỗ cũ, làm hỏng xe họ cũng phải đền đấy.
– Vâng ạ.
Em nhớ rồi, em cảm ơn anh ạ.
Nói đến đây, tôi mới nhớ ra chưa xin Phong đi học trường nào nên mới bảo:
– À… anh ơi, em thấy trường gần nhà đang tuyển sinh, em nộp hồ sơ vào đó có được không?
Anh ta chẳng thèm bận tâm đến việc trường gần nhà là trường nào, chỉ hờ hững “ừ” một tiếng rồi đưa cho tôi một xấp tài liệu dày, bảo tôi lọc số liệu rồi mang trả lại cho anh ta.
Tôi thấy đại gia hình như dạo này bắt đầu lộ mặt thật rồi thì phải, bóc lột sức lao động của tôi từ sáng đến đêm, hôm nào cũng giao việc cho tôi, bảo không cần gấp, nhưng tính tôi hay ôm rơm nặng bụng, chưa xong việc thì không ngủ yên nên tối nào cũng thức đến muộn để làm.
Nhưng mà được cái Phong trả lương cho tôi rất hào phóng, ngoài tiền sinh hoạt hàng ngày ra, anh ta sẽ chuyển cho tôi thêm 20 triệu tiền làm thêm nữa.
Tôi tính đi tính lại thì số tiền này vừa đủ cho tôi học hành nên cuối cùng cũng quyết tâm nộp hồ sơ vào trường gần nhà để đi học cho tiện.
Vì thiếu một số giấy tờ nên tôi đành phải gọi điện cho Thu, bảo nó photo công chứng rồi gửi lên cho tôi.
Em tôi nghe xong mới bảo:
– Vâng, em biết rồi, để chiều em rỗi em mang đi công chứng rồi gửi lên cho.
– Ừ.
Thế dạo này ở nhà mấy đứa thế nào? Bố nữa, bố có khỏe không?
– Bố đau lưng suốt chị ạ.
Dạo này thuốc chị gửi về hình như bố uống bị chờn rồi hay sao ấy.
Uống không thấy đỡ nữa.
– Thế à? Thế để mai kia chị ra quầy thuốc hỏi xem có đổi loại thuốc khác được không rồi chị gửi về nhé.
– Vâng.
Với cả chị ơi…
– Ơi, sao thế?
– Chị gửi về cho em thêm 2 triệu được không?
Tôi nhớ tôi mới gửi tiền về cách đây mấy hôm, giờ tự nhiên con bé Thu lại xin nữa nên tôi thấy lạ.
Tôi bảo:
– Sao thế? Tự nhiên em cần tiền làm gì?
– Em mua thêm sách ạ.
– Sách chị gửi về cho mấy đứa rồi cơ mà, cách đây mấy hôm ấy.
– Vâng, nhưng cô giáo bảo mua sách ôn tập riêng.
Các bạn mua hết mà em không có, em ngại.
– Ừ, thế để chị gửi thêm về.
Nhưng mà nhớ mua sách chứ đừng tiêu pha linh tinh đấy nhé.
– Vâng, em biết rồi ạ.
Thực ra tôi định để dành ít tiền để mua quần áo mới chuẩn bị đi học, quần áo đang mặc đã cũ hết, vải rởm nên giặt nhiều lần đã dão hết cả ra rồi.
Giờ tự nhiên phải mua thuốc với cả gửi tiền về quê thì không còn đủ nữa, thế là tôi đành phải gác lại việc mua quần áo mới, sắp tới đi học thì mặc tạm lại đồ cũ vậy.
Mấy hôm sau con bé Thu gửi giấy tờ lên, đủ hồ sơ nên trường nhận tôi vào học luôn.
Nhận được thông báo nhập học thì tôi vui suốt cả buổi, xong còn nấu bao nhiêu là đồ ăn ngon, học theo cả trên mạng bày biện hoa lá cành nữa.
Phong thấy mâm cơm rực rỡ hơn thường ngày mới hỏi:
– Hôm nay cô vừa trúng xổ số à?
– Không ạ.
Nhưng em được nhận vào trường X.
Trường đẹp ơi là đẹp anh ạ, đồ đạc cái gì cũng xịn nữa, em vào xem thử rồi, có cả máy chiếu nữa đấy.
– À… thế nên hôm nay mới làm cơm chiêu đãi chuẩn bị nhập học à?
Tôi bẽn lẽn cười:
– Đâu, em mới xem video tỉa rau củ trên mạng xong rồi thử học theo ấy mà.
Anh ngồi xuống ăn đi.
Trong bữa cơm, tôi cứ tủm ta tủm tỉm cười mãi, Phong thì chẳng thèm bận tâm đến tôi, hình như hôm nay anh ta bận hay sao ấy, ngồi ăn cơm mà vẫn xem điện thoại, thỉnh thoảng lại cau mày.
Tôi nghĩ mình được đi học lại như ngày hôm nay là nhờ Phong hết, muốn cảm ơn anh ta nhưng gần đây tôi bắt đầu hơi hiểu hiểu tính Phong rồi, sợ bị tạt gáo nước lạnh nên tôi chỉ lấy một đôi đũa sạch khác, gắp cho anh ta một miếng sườn ngon nhất rồi tít mắt cười.
Phong đang mải làm việc, tự nhiên thấy có thêm miếng sườn trong bát nên ngước lên nhìn tôi, ánh mắt hiện rõ vẻ kỳ quái:
– Gì thế?
– Em không có gì để cảm ơn anh nên gắp cho anh một miếng sườn, coi như thay lời cảm ơn.
Nói xong, tôi lại sợ anh ta từ chối nên vội vàng bổ sung thêm:
– Em lấy đũa khác, không phải đũa của em đang ăn đâu.
Đũa sạch đấy ạ.
– Cảm ơn gì mà có mỗi miếng sườn.
– Thế … phải cảm ơn làm sao ạ?
Anh ta đang định nói gì đó thì bỗng nhiên điện thoại đổ chuông, chẳng biết là ai gọi, nhưng thấy số người gọi đến thì thái độ của Phong bất chợt thay đổi.
Anh ta chần chừ vài giây rồi mới ấn nút nghe máy:
– Sao thế?
Tôi không cố ý nghe trộm, nhưng vì đang ngồi đối diện nên có thể nghe loáng thoáng tiếng người nói từ loa điện thoại vọng ra, gì mà Linh xảy ra chuyện, gì mà t.ự t.ử rồi.
Phong nghe xong thì lập tức đứng dậy, lần đầu tiên tôi thấy vẻ mặt anh ta hiện rõ vẻ hốt hoảng, vội đến mức chỉ kịp nói với người trong điện thoại ba từ: “Tôi đến ngay”, sau đó quay người đi luôn.
Tôi thấy anh ta thế cũng lo theo, nhưng không dám hỏi mà chỉ chạy đi lấy chìa khóa xe với giày cho anh ta:
– Anh có việc gấp à? Có về ăn cơm nữa không để em để phần?
– Không.
Tối nay không về..