Vua Trụ truyền đốt gươm phép xong, Ðắc Kỷ lần lần tỉnh lại sắc diện trở nên xinh đẹp như thường.Trụ Vương vuốt ve, yêu ấp suốt đêm chẳng hề nhắm mắt.Ðến khi sức khỏe Ðắc Kỷ đã bình phục.
Trụ Vương trở lại ăn chơi như cũ.Bấy giờ Vân Trung Tử chưa về núi, còn ở chốn Triều Ca, thấy yêu khí bỗng nhiên từ trong cung xông lên nữa, lấy làm lạ đánh tay tính quẻ một hồi rồi gật đầu thầm nhủ:- Ta muốn đem gươm báu trừ yêu khí, giúp cơ nghiệp Thành Thang một thời gian nữa nào ngờ số trời đã định, khó nổi đổi dời, nên khiến gươm tùng bị đốt.
Như vậy nhà Thương hết vận nhà Châu ra đời, thần tiên sẽ bị nạn.
Ôi đã mất công xuống trần một phen lại không làm nên việc.
Tiện đây ta cũng nên viết ít chữ để lại cho người đời sau thấy.Nghĩ rồi lấy viết đề lên bức tường đài Tư Thiên hai mươi bốn chữ như vầy:"Yêu phong uế loạn cung đình.
Thánh đức bá vương Tây thổ.
Yết trí huyết nhiễm Triều Ca.
Mậu ngủ trung giáp tý "Nghĩa là: "Khí yêu quấy rối cung càn.
Thánh đức bủa giăng hướng dậu.
Muốn hay máu nhuộm Triều Ca.
Giáp tý trong năm Mậu ngũ ".Ðề thơ xong, Vân Trung Tử lui về núi.
Thiên hạ thấy đạo sĩ đề thơ xúm lại xem, nhưng không hiểu ý.Nhiều người tự cho mình là hay chữ, vây quanh đông nức, xem mãi vẫn không tìm ra được ý thơ.Bấy giờ có quan Thái Sư coi việc thiên văn là Ðổ Nguyên Tiến ở triều về, thấy dân chúng xúm lại bên vách Ðài Tư Thiên liền hỏi:- Chuyện gì dó vậy?Quân canh bẩm:- Ông đạo sĩ đề thơ trên vách, nên dân chúng xúm nhau xem.Ðổ Thái Sư ngồi trên ngựa thấy hai mươi bốn chữ, ý rất xa xôi xem qua khó hiểu, liền truyền quân đem nước rửa đi, đoạn về dinh ngẫm nghĩ mãi mà vẫn không tìm ra đưọc dụng ý.Qua mấy ngày chiêm nghiệm, Ðổ Nguyên Tiến nghĩ thầm:- Ðây chắc là đạo sĩ dâng gươm đã đề như vậy.
Theo ý đạo sĩ thì trong cung yêu khí xuất hiện.
Còn ta xem thiên văn lại thấy hung tinh ứng ở cung Càn, ắt việc chẳng lành.Nay bệ hạ đam mê tửu sắc, bỏ phế công việc trong triều, sớm tối thể nào cũng xảy ra đại họa.
Ta làm tôi hưởng lộc nước đã hai triều, lẽ nào trong lúc lâm nguy khoanh tay ngồi ngó, không một lời can gián sao? Ta xem văn võ trong triều ai nấy đều lo sợ, buồn bực vô cùng, sẳn dịp này ta viết một tờ sớ khuyên vua, may ra giúp ích được gì chăng?Nghĩ như vậy, Ðổ Nguyên Tiến nội đêm ấy viết sớ cho xong.Sáng hôm sau, Ðổ Nguyên Tiến đem vào đưa cho Thừa Tướng Thương Dung, và nói:- Tôi xem thiên văn thấy hung tinh xâm phạm cung Càn, còn bệ hạ vui say tửu sắc, bỏ bê việc triều chính, họa đến chẳng xa.
Tôi làm sớ này dâng lên bệ hạ, xin Thừa Tướng chuyển dùm.Thương Dung nói:- Thái Sư đã dâng sớ lẽ nào tôi không chuyển đạt, ngặt vì mấy hôm nay bệ hạ không lâm triều, các quan không ai được thấy mặt, chỉ có cách là tôi phải mạo hiểm vào cung cấm mà dâng mới xong.Ðổ Nguyên Tiến nói:- Ðó là bổn phận của Thừa Tướng, làm sao cho Thiên tử hối cải, chúng ta là tôi thần, dẫu có bị sấm sét, búa rìu chút ít mà xã tắc được yên thì cũng cam.Thương Dung vội từ tạ Nguyên Tiến đi thẳng vào cung cấm.
Qua khỏi chín căn đền lớn, đi ngang qua đền Long Ðức, đến đền Hiển Thánh, đến Tỉ Thiện rồi đến Phấn Cung lầu.Thương Dung ra mắt quan Phụng Ngự, nói:- Tôi có việc cần xin vào bái yết hoàng thượng.Quan Phụng Ngự nói:- Thọ Tiên là cung cấm, chổ Hoàng thượng an nghỉ, các quan ngoài không vào được đâu.Thừa Tướng Thương Dung nói:- Ta làm Thừa Tướng há chẳng hiểu luật triều đình sao? Chẳng qua là Thiên tử không lâm triều, ta có việc cần nên phải đem thân đến đây.
Ngươi mau vào tâu với Thiên tử có Thừa Tướng Thương Dung đang đứng chầu ngoài cửa.Quan Phụng Ngự không dám cãi lời, vội vào tâu.Trụ Vương phán:- Thừa Tướng Thương Dung có việc gì cần thiết phải vào nội cung chầu Trẫm kìa? Tuy Thương Dung là tôi bên ngoài, nhưng phò tá nghà Thương đã ba trào, lại già cả, cho vào chầu cũng được.Quan Phụng Ngự liền trở ra truyền đòi Thừa Tướng vào.Thương Dung vào quỳ trước long sàng.Trụ Vương hỏi:- Thừa Tướng có việc gì khẩn cấp mà phải vào cung cấm chầu Trẫm?Thương Dung tâu:- Có Thái Sư Ðổ Nguyên Tiến xem thiên văn thấy yêu khí ẩn trong cung, tai họa tới không lâu.
Bởi vậy có làm sớ nhờ tôi dâng đến bệ hạ.
Ðổ Nguyên Tiến là tôi già, tay chân của bệ hạ không nỡ ngồi nhìn cơ nghiệp điêu tàn, xin bệ hạ xét lại, chăm lo mối nước để trăm quan được vui vẻ, dân chúng nhớ đức phụng thờ.Nói rồi hai tay dâng sớ lên.Trụ Vương giở ra xem, trong sớ viết đại lược như sau:"Tôi là Ðổ Nguyên Tiến, coi đài thiên văn, vì nhiệm vụ cúi trình qua Thiên tử mấy lời tâm huyết.
Tôi nghe nói: nước nhà thịnh thì có điềm lành, nước nhà lâm nguy thì sanh loài yêu nghiệt.
Tôi xem đài thiên văn thấy điều bất lợi, khí yêu quyện nơi đền vua, hơi ngút nơi cung cấm.
Bởi bệ hạ đốt mất gươm thiêng, nên khí yêu tái hiện nơi hoàng cung, nếu khí ấy lên đến Ðẩu Ngưu thì tai ương rơi vào xã tắc.Thần trộm nghĩ: Từ ngày Tô Hộ dâng con đến nay, ngai vàng bụi đóng, mối nước buông lòng, sân chầu cỏ mọc xanh um, trước thềm rêu phong màu lục.
Trăm quan hết sức mong chầu chực, việc nước không kẻ ngó ngàng.
Tôi không thấy mặt rồng, chúa vẫn vui đùa tửu sắc, khác nào mây che mặt nguyệt, khói tỏa cung thềm, đàn sáo quen tai, vua tôi lạ mắt.
Biết chừng nào chầu chực như xưa, thái bình như cũ.Nay tôi chẳng từ rìu búa, không ngại dữ lành, lòng lo cho nước non, quên mình mang tội, nếu bệ hạ nghe tiếng phải, thấy điều ngay thì trăm họ rất mang ơn ".Vua Trụ xem xong cho lời Nguyên Tiến là phải, song nhớ lại chuyện đạo sĩ Vân Trung Tử tặng gươm trừ yêu, suýt hại mạng mỹ nhân, thì nổi giận, nói:- Sớ này cũng nói đến chuyện yêu mị chẳng khác tên đạo sĩ trước kia.
Thật là chuyện rắc rối.Liền quay qua hỏi Ðắc Kỷ:- Trong sớ, Ðổ Nguyên Tiến cũng nói yêu mị trong cung là tại sao vậy?Ðắc Kỷ quỳ tâu:- Ngày trước,Vân Trung Tử là một gã yêu đạo bày chuyện dối vua, khiến muôn dân nghe việc ấy mà loạn động, tư tuởng không an.
Nay Ðổ Nguyên Tiến làm chức Thái Sư tại triều mà cũng cùng một hành động dối vua như tên yêu đạo đó nữa thì dân chúng sẽ đảo huyền, lòng người xao loạn.
Yêu mị ở Triều Ca chính là bè lũ mị chúa ấy, xin bệ hạ truyền chém hết những ai có ý mê hoặc như vậy mới giữ gìn xã tắc được.Trụ Vương nghe Ðắc Kỷ nói, mặt đỏ bừng, quay lại nói với Thừa Tướng Thương Dung:- Tô mỹ nhân luận rất phải.
Yêu mị đó chính là bọn theo phe yêu đạo, mê hoặc lòng dân, gây mầm phản loạn.
Ðổ Nguyên Tiến tuy là tôi già song tội không thể dung tha.Liền truyền lệnh chém Ðổ Nguyên Tiến bêu đầu để răn chúng.Thừa Tướng Thương Dung nghe lệnh liền quỳ xuống can:- Ðổ Nguyên Tiến là tôi ba đời, tuổi cao tác lớn, lâu nay trải mật, gìn giữ lòng son, khuông phò xã tắc, sớm lo trả ơn vua, tối lo đền xã tắc.
Việc bất đắt dĩ nên phải nói, bệ hạ nỡ giết đi sao đành? Chỉ vì lời can gián của Thái Sư mà bệ hạ đem giết.
Thái Sư dẫu chết cũng được tiếng trung thần, song tôi e bệ hạ không khỏi mang tiếng gièm pha, trăm quan bất bình nổi loạn.
Xin bệ hạ nghĩ lại tha tội cho Thái Sư kẻo oan.Trụ Vương nói:- Thừa Tướng không hiểu việc này.
Bởi tên yêu đạo mị dân, khi vua, buông lời huyền hoặc Thái Sư lại cũng một phe với nó, làm cho lòng dân đảo huyền, nếu không chém Thái Sư Ðổ Nguyên Tiến thì không thể trấn an thiên hạ được.Thương Dung quỳ tâu mãi, nhưng Trụ Vương nhất định không nghe, hối thúc quan thái giám đuổi Thương Dung ra ngoài và truyền chỉ chém Ðổ Nguyên Tiến tức khắc.Thương Dung nhất định không chịu ra về, Trụ Vương phải sai hai quan thái giám khiêng Thương Dung bỏ ra ngoài cửa cung rồi đóng cửa lại.Thương Dung bất đắc dĩ phải dứng dậy lễnh mễnh trở ra, về đến nhà ngự thư thấy Ðổ Nguyên Tiến râu tóc bạc phơ, đôi mắt chứa chan hy vọng, đang đợi Thương DungThương Dung nhìn mặt Ðổ Nguyên Tiến chua xót vô cùng.Thì ra Ðổ Nguyên Tiến bị vua truyền chém đầu răn chúng mà Nguyên Tiến vẫn chưa biết, còn hy vọng ở lời sớ của mình có thể sửa đổi được lòng vua.Ðổ Nguyên Tiến thấy Thương Dung liền hỏi lớn:- Sao? Thừa Tướng đã dâng sớ của tôi lên Thiên tử rồi chứ?Thương Dung buồn bã nói:- Bệ hạ xem sớ rồi, nhưng….Ðổ Nguyên Tiến còn đang ngơ ngác thì đàng sau một tốp võ sĩ và một quan thái giám bước đến đọc tờ chiếu chỉ của Trụ Vương:"Ðổ Nguyên Tiến khi quân dối vua, lừa gạt dân chúng, tội đáng chém đầu, nay xử theo phép nước ".Quan thái giám đọc chiếu xong, võ sĩ áp lại trói Ðổ Nguyên Tiến dẫn ra pháp tràng.Nhưng mới dẫn đến cầu Cửu Long xảy gặp một viên quan Ðại Phu mặc áo rộng đỏ, trông thấy cản lại hỏi:- Ðổ Thái Sư phạm tội gì mà bệ hạ truyền chém?Ðổ Nguyên Tiến thấy quan Ðại Phu ấy là Mai Bá, một kẻ trung thần xưa nay có tiếng, liền chắc lưỡi than:- Thiên tử ham mê tửu sắc, bỏ việc triều chánh, tôi làm sớ khuyên can Thiên tử lại cho tôi là đồng đảng với đạo sĩ hôm nọ, tìm lời ủy mị để dụ lòng dân làm loạn, nên truyền chém đầu tôi để răn chúng.
Vua đã bảo chết, đạo làm tôi đâu dám trái, chỉ thương hại cơ nghiệp Thành Thang xây dựng bao nhiêu đời, nay vì sắc đẹp mà tiêu theo mây khói.
Ôi, chắc quan Ðại Phu cũng thấy như tôi, đời người chỉ là tai ương thảm họa, công danh chỉ là mây bay, đời đã vậy còn luyến tiếc gì sự sống nữa.Mai Bá xua tay bảo đao phủ thủ hãy khoan hành quyết Nguyên Tiến, để mình đến trước mặt vua minh oan đã.Dứt lời mai bá hối hả chạy vào đền, bỗng gặp Thừa Tướng Thương Dung mặt buồn dàu dàu, đang đứng nhìn sững về phía pháp trường, Mai Bá hỏi:- Thừa Tướng ơi, Ðổ Thái Sư bị tội gì mà bệ hạ đem giết?Thương Dung nói:- Thái Sư dâng sớ can vua, bệ hạ nghe lời Tô mỹ nhân bắt tội Thái Sư.
Tôi hết lời can gián, nhưng bệ hạ không nghe, biết làm sao?Mai Bá nghe nói nổi xung:- Thừa Tướng nói sao lạ vậy? Bổn phận ông coi về chuông vạc, sửa chữa âm dương, thấy nịnh thì trừ, gặp gian thì giết, khen kẻ giỏi, tiến người hiền.
Vua phải thì làm thinh, vua trái thì can gián.
Nay Thiên tử nghe lời nữ sắc, giết hại tôi hiền, Thừa Tướng không dám mở lời cản ngăn, ấy là tham sống sợ chết, lánh tội tiếc thân, như vậy đâu phải bổn phận một vị Thừa Tướng?Thương Dung buồn bã nói:- Quan Ðại Phu chớ trách tôi như vậy.
Bệ hạ không nghe thì còn biết làm sao?Mai Bá quay lại nạt bọn đao phủ thủ:- Hãy khoan khai đao, đợi ta và Thừa Tướng vào cung xin tội cho Thái Sư đã.Nói rồi nắm tay Thương Dung dắt đến cung Thọ Tiên, vào thẳng Phấn lầu, quỳ mọp dưới đất.Quan thái giám trông thấy vào tâu:- Có quan Thừa Tướng và quan Ðại Phu Mai Bá xin vào yết kiến.Trụ Vương nổi giận nói:- Như quan Thừa Tướng già nua, đã ba đời phò chúa thì vào được còn Mai Bá sao dám đương nhiên vào đây.Liền dạy cho Thương Dung vào, và đuổi Mai Bá đi.
Mai Bá nhất định không chịu, khiến cho thái giám không thể nào đuổi được.
Thừa dịp Thương Dung vào chầu, Mai Bá cũng theo quỳ một bên.Trụ Vương trông thấy hỏi:- Mai Bá, ta không truyền đòi ngươi vào, sao ngươi vào đây?Mai Bá tâu:- Lâm triều là nhiệm vụ của bệ hạ, chầu chực để nghe dạy việc là phận làm tôi.Trụ Vương mắng:- Ngươi không hiểu luật triều đình, vào cung cấm là phạm tội sao?Mai Bá tâu:- Hạ thần đã hiểu, nhưng hạ thần là tôi của bệ hạ.
Làm tôi phải đến chầu vua, nếu không biết vua ở đâu mà chầu thì hạ thần còn biết làm tôi với ai? Nếu bệ hạ ngự triều xét việc thì hạ thần không phạm tội vào cung cấm.Trụ Vương thấy Mai Bá nói dằng dai bực mình hỏi:- Ngươi vào đây có việc gì?Mai Bá tâu:- Xin quỳ nghe lời chỉ giáo của bệ hạ.Trụ Vương nói:- Ta không có việc gì cần đến ngươi cả.
Hãy ra ngoài mau.Mai Bá nói:- Nếu bệ hạ không có việc gì sai khiến thì hạ thần xin hỏi bệ hạ Ðổ Thái Sư phạm tội gì mà bệ hạ đem giết?Trụ Vương nói:- Ðổ Nguyên Tiến đồng mưu với yêu đạo, đặt chuyện làm cho lòng dân rối loạn, không phân biệt chánh tà.
Một vị đại thần đáng lẽ lo trấn an bá tánh thì lại gây hoang mang trong triều, Trẫm hành hình là đáng lắm, tại sao không tội.Mai Bá nói lớn:- Tôi nghe các bậc minh quân ngày xưa trị dân theo khuôn phép, nghe lời phải của trung thần, hằng ngày ngự triều lo việc, quên cả ăn ngủ, như thế mới gây được cơ nghiệp, giữ vững được mối nước.
Nay bệ hạ đam mê tửu sắc, sáu tháng không ngự biết gì đến chánh lệnh, thế mà có người dâng sớ can gián lại bị bệ hạ chém đầu răn chúng, thì hạ thần thiết nghĩ không biết bệ hạ răn như thế nào? Vua cũng như một tòa nhà, tôi trung như rường cột.
Nếu bệ hạ chặt bỏ hết rường cột thì tòa nhà làm sao đứng vững.
Xin bệ hạ xét lại, tha tội cho Ðổ Thái Sư để khỏi làm phật ý trăm quan, và thiên hạ trông thấy cảm đức.Vua Trụ bị Mai Bá nói một hồi bực mình hét:- Nghịch thần! Ðã trái lệnh vào cung còn lắm miệng, già mồm.
Tội ngươi thông đồng với Nguyên Tiến đáng xử trãm, song Trẫm nghĩ ngươi là tôi có công, nên truyền cách chức Ðại phu, không dùng ngươi nữa.Mai Bá ré lên:- Hôn quân, ngươi nghe lời Ðắc Kỷ bỏ đạo vua tôi.
Nay bệ hạ chém đầu Ðổ Nguyên Tiến chẳng khác nào chém đầu tất cả bá tánh nơi Triều Ca này.
Tôi bị cách chức không hại gì, công danh như mây khói, tôi không màng, chỉ tiếc cơ nghiệp Thành Thang gây dựng mấy đời vì hôn quân hám sắc mà đổ nát.
Bởi Thái Sư Văn trọng mắc dẹp loạn Bắc phương nên hôn quân mới vứt bỏ lề luật, u ám như vậy.
Mai Bá này chết xuống suối vàng vẫn còn xấu hổ không dám nhìn thấy mặt tiên quân.Trụ Vương bị Mai Bá mắng giận lắm, truyền võ sĩ bắt Mai Bá đem ra pháp trường lấy dùi đồng đập cho nát đầu để làm gương.Ðắc Kỷ quỳ tâu:- Xin bệ hạ tạm hoãn lại đạ.Trụ Vương hỏi:- Loạn thần mắng vua như thế, mỹ nhân còn can gián làm gì?Ðắc Kỷ tâu:- Làm tôi mà đứng trước đền trợn mắt, nhíu mày, dùng lời lẽ sỉ mắng vua như vậy thì dù có đập nát đầu cũng chưa đền tội được.
Xin bệ hạ truyền cầm tù Mai Bá một đôi ngày để thần thiếp chế ra một dụng cụ hành hình, làm cho những kẻ nghịch thần trông thấy khiếp vía thì sau này mới trấn áp được những kẻ ngông cuồng như Mai Bá.Vua Trụ hỏi:- Mỹ nhân định chế ra dụng cụ gì?Ðắc Kỷ tâu:- Vật ấy gọi là Bào Lạc, hình thù như cây cột đồng, bề cao 29 thước, bề tròn 8 thước, có khoét ba cái miệng đựng lửa than.
Cột đồng ấy đúc bằng đồng lọc.
Lúc muốn hành hình một tội nhân thì quạt lửa cho cột đồng đỏ lên, rồi trói tội nhân lại dí vào đấy, tức thì xương thịt tội nhân cháy thành tro trong nháy mắt.
Thần thiềp nghĩ rằng không dùng hình phạt như vậy thì không sao trừ được những kẻ già mồm miệng, những tôi thần phản nghịch mắng vua, không kể pháp luật.Trụ Vương khen:- Lối trừng phạt của mỹ nhân quả xứng đáng.
Vậy mỹ nhân vẽ kiểu để truyền quân sĩ làm Bào Lạc cho gấp.Nói rồi truyền dẫn Mai Bá đem nhốt ở thiên lao, chờ ngày hành tội.Thương Dung thấy Vua Trụ nghe lời Ðắc Kỷ làm Bào Lạc hại tôi trung để ở trước cung Thọ Tiên thì nghĩ thầm:- Nay nước nhà gần mất, vua nghe lời của yêu mị không kể gì đến tình vua tôi nữa.
Ta những tưởng có thể khuyên can để cải hóa Cửu Trùng, ngờ đâu càng ngày vua càng thiếu đức, nếu ta còn góp mặt ở triều đình thì cũng chì làm bù nhìn cho hôn quân, chẳng ích gì cho dân chúng nữa.
Chẳng thà lánh mặt đi là hơn.Nghĩ rồi vào tâu với Vua Trụ:- Nay thiên hạ thái bình, nước nhà thạnh trị, tôi tuổi tác đã già, lẩm cẩm không giúp ích được việc gì cho bệ hạ nữa, nếu cứ mãi ở địa vị cao sang mà không tròn trách vụ, e mắc tội với triều thần, vậy xin được phép đem nắm xương tàn về thôn dã, cởi áo mão gửi lại, nhường cho kẻ tài ba.
Hạ thần làm tôi đã ba trào, tài hèn đức mọn, không bị quở trách cũng là ơn lắm rồi.Vua Trụ nói:- Khanh tuy tuổi đã cao, nhưng sức còn mạnh, lẽ nào bỏ Trẫm mà về quê hưởng thú thanh nhàn.Thương Dung nói:- Bệ hạ cho thần cáo hưu về xứ, nếu còn sống được ngày nào cũng ước mong được thấy mặt trời Nghiêu, ơn đức ấy còn gì hơn.Trụ Vương nói:- Khanh là tôi có công mấy đời với nghiệp đế chưa hề bị lầm lỗi điều gì.
Nay ý khanh đã quyết, Trẫm đâu dám làm phật ý.Liền sai hai vị thái giám dùng lễ vật đưa Thương Dung về quê, truyền quan sở tại phải ân cần thăm viếng Thương Dung luôn để tỏ tình tôi chúa.Bấy giờ các quan nghe tin Thừa Tướng Thương Dung trả chức về hưu đều mến tiếc.Có người cho Thương Dung hèn nhát, gặp lúc quốc gia nguy vong không đem thân cứu nước, trốn tránh nhiệm vụ, tìm lẽ sống riêng.Có kẻ cho hành động Thương Dung là một hành động phản đối Trụ Vương, mong cho Trụ Vương thấy đó mà hồi tỉnh lại.
Tuy vậy, không ai dám nói ra.Hoàng Phi Hổ, Tỉ Can, Vi Tử, Cơ Tử, Vi Tử Khải, Vi Tử Ðiển và các vị thân vương đồng họp nhau làm tiệc nơi Trường Ðình để tiễn hành.Tỉ can hỏi Thương Dung:- Hôm nay Thừa Tướng hồi hương, chúng tôi ai cũng bùi ngùi cảm mến.
Ðã ba trào vua, Thừa Tướng là người đứng đầu trong nước, giúp chúa trị dân, nay nỡ nào đành bỏ cơ nghiệp Thành Thang, bỏ cả bạn hữu đồng triều, lánh mặt về quê hưởng riêng một thú?Thương Dung rươm rướm nước mắt nói:- Xin các vị vương thân chớ chê trách.
Tôi dẫu phải nghiền xương đền nợ nước cũng không dám từ nan.
Ngặt nay chúa thượng nghe lời Ðắc Kỷ chế hình Bào Lạc hại trung thần.
Một hình phạt rất dã man tàn nhẫn, tôi không thể can gián nổi.
Nghĩ mình tài hèn trí mọn, không xứng ngồi ghế Thừa Tướng trong lúc này, nên cởi áo từ quan ước mong có một kẻ nào đủ tài đức, cứu vãn được cảnh tai ương này, lên thế tôi cầm quyền chính, giác ngộ thánh hoàng, thì cơ nghiệp Thành Thang mới có cơ bền vững, bằng không nước nhà ly loạn không lâu.
Tôi từ chức là vì lẽ đó, chớ đâu dám trốn tránh nhiệm vụ, nuôi dưỡng tấm thân yếu hèn nầy làm gì.
Hôm nay các ngài làm tiệc tiễn hành, nhưng chẳng may nước nhà vẫn không thoát khỏi cơn khói lửa thì những ly rượu nầy vẫn là những ly rượu hẹn ngày tái ngộ trong phút lâm chung, xin các ngài hiểu lòng tôi như vậy.Nói rồi tay bưng rượu, miệng ngâm bài thơ:Cảm nghĩa đưa nhau rượu một chungTrrường đình giả bạn tủi khôn cùngNghoảnh đầu trông lại thành hai kiếpVề ruộng cầu mong vững chính trùngNhật đỏ không tiêu danh Hạ, KiệtLòng son khó nhuộm máu Long, PhùngTỏ lời lệ nhỏ hòa chun rượuMong thuở về trào viếng bạn trungAi nấy nghe mấy vần thơ của Thương Dung cũng rơi lệ.Thương Dung lên ngựa, các quan đưa đón hơn mười dậm mới trở về.Trong lúc đó Vua Trụ vẫn chìm ngập trong tửu sắc, khồng hề nghĩ đến việc nước nhà.Cách ít hôm, thợ làm Bào Lạc đã xong, Vua Trụ mừng lắm, hỏi Ðắc Kỷ:- Bào Lạc đã làm rồi, mỹ nhân định liệu thế nào?Ðắc Kỷ truyền đem Bào Lạc đến xem.Quân sĩ tuân lệnh đẩy Bào Lạc đến trước cửa cung.Trụ Vương và Ðắc Kỷ bước ra xem thấy một cột đồng cao lớn, dưới có bánh xe, đẩy đi rất dễ.Ðắc Kỷ soát lại một hồi rồi khen:- Thợ làm rất đúng cách.
Trụ đồng nầy nếu đốt lửa thì sức nóng phi thường, không tưởng tượng nổi.Trụ Vương nói:- Ðể ngày mai Trẫm đem ra thí nghiệm đốt Mai Bá tại triều cho quần thần thấy kinh hoàng vỡ mật.Ðắc Kỷ nói:- Bệ hạ đủ can đảm làm như vậy thì bọn nghịch thần mới khiếp uy.Trụ Vương nói:- Mỹ nhân chế ra được báu vật trị đời, công của mỹ nhân rất lớn.Sáng hôm sau, tuy trong mình mỏi như giần, Trụ Vương vẫn gượng dậy sớm ra trước triều, truyền đánh ba hồi trống triệu tập quần thần lại.Triều thần đã hơn nửa năm không thấy mặt vua, nay được thiết triều ai nấy mừng rỡ, vội vã ứng hầu đủ mặt.Sau khi triều bái xong.
Vua Trụ không xem sớ, cũng không xét việc gì khác, chỉ truyền quân đẩy Bào Lạc ra trước sân rồng.Hoàng Phi Hổ thấy trụ đồng cao chất ngất, không hiểu là vật gì, để dùng làm gì.
Còn các quan hình như cũng không ai hiễu, đưa mắt nhìn nhau không dám nói gì.Vua Trụ truyền lệnh dẫn Mai Bá ra, đồng thời đốt từng lửa, quạt cho ống đồng thật đỏ, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt, trông thật ghê hồn.Quân vào ngục dẫn Mai Bá ra đến ngọ môn.Các quan thấy Mai Bá đầu bù tóc rối, không đội mảo, không mặc áo, mình mẩy dơ bẩn vì đã bị giam vào ngục hơn một tuần rồi.Mai Bá đến trước sân rồng, quỳ nói:- Tôi là Mai Bá cúi đầu ra mắt bệ hạ.Vua Trụ chỉ Bào Lạc, gọi Mai Bá nói:- Thằng khốn nạn! Ngươi biết vật gì đó không?Mai Bá nhìn không biết vật gì kỳ lạ, liền tâu:- Hạ thần không hiểu vật đó để làm gì cả.Trụ Vương nói:- Bởi ngươi già hàm, vào cung lớn tiếng chửi vua, nên Trẫm chế ra vật ấy để đốt ngươi cho tan xương nát thịt, làm gương cho những kẻ bất trung, phản nghịch đó.Mai Bá nghe nói nổi giận, mắng lớn:- Hôn quân vô đạo! Ta làm quan Ðại Phu đã ba trào, công nghiệp đến bực nào mà phải chịu hành hình như vậy? Ta coi cái chết như lông hồng, chỉ tiếc cơ nghiệp Thành Thang một phút bị đứa hôn quân làm đổ nát.
Ta chết không nỡ nhìn thấy các tiên vương dưới suối vàng.Vua Trụ giận dữ, truyền quân dùng lòi tói cột hết tay chân Mai Bá dí vào Bào Lạc.
Tội nghiệp! Mai Bá chỉ kịp ré lên một tiếng, xương thịt cháy khét lẹt, phút chốc thành tro.
Một tấm lòng trung, một thân đầy nghĩa khí, chỉ một phút chốc không còn gì hết.Người sau xem chuyện nầy có làm thơ than:Xương thịt tuy là hóa bụi troLòng son vì nước giữ bo boSống vì nghĩa chúa lo ngay thẳngChết giữ danh thơm chẳng đắn đoLửa đốt hồn linh chầu tiên đếTiếng khen sử sách vẫn không mờHỡi ai đầu bẹo trên cờ trắngCó nhớ lời trung nước dặn dòÐốt Mai Bá trước sân chầu, Trụ Vương cố ý làm cho triều thần khủng khiếp, không dám can gián vua nữa.
Nhưng sự thực, trước mặt Trụ Vương ai trông thấy cũng chán nãn không muốn can gián làm gì.
Người nào mặt cũng lầm lầm lì lì không nói.Họ không sợ chết, không dám can vua, nhưng vì họ thấy can cũng vô ích, thà từ quan lui về đồng ruộng còn hơn.
Do đó chẳng ai nói một lời, cứ đưa mắt nhìn nhau thôi.Vua Trụ không hề hiểu tâm trạng của triều thần lúc ấy, tưởng các quan ai cũng sợ cách trừng phạt của mình, nên trong lòng lấy làm đắc ý.Vua truyền bãi chầu về cung, các quan lặng lẽ lui gót, chỉ còn lại các vì Vương nghẹn ngào trong đau đớn.Tỷ Can nói với Hoàng Phi Hổ:- Trong lúc Bắc phiên nổi loạn, Thái Sư Văn Trọng bận đi dẹp giặc xa, không ngờ ở nhà thiên tử đắm say tửu sắc nghe lời Ðắc Kỷ chế hình Bào Lạc giết tôi trung.
Nếu tiếng đồn đến tai chư hầu chẳng biết thiên hạ sẽ đảo huyền đến bực nào.
Chúng ta hưởng lộc triều đình đã mấy trào, chẳng lẽ khoanh tay ngồi ngó tai ương thân họa sắp đến?Hoàng Phi Hổ nói:- Bệ hạ đốt Mai Bá không phải chỉ đốt một tôi trung mà đốt cả cơ nghiệp Thành Thang đấy.
Lời xưa có nói: Vua bất minh tôi ắt loạn.
Mối nước không thể nào gìn giữ được nữa.
Chúng ta ngồi đây cũng không biết chết sống ngày nào, đừng nói là Mai Bá.Các vị thân vương đều nhìn nhau thở dài, nhưng không ai có kế sách gì cả, đều gạt lệ trở về tư dinh.Còn Vua Trụ, sau khi đốt Mai Bá xong, hăm hở trở về cung Thọ Tiên, có Ðắc Kỷ bước ra nghênh tiếp.Trụ Vương bước xuống long xa, nắm tay Ðắc Kỷ khen:- Mỹ nhân bày ra Bào Lạc thật hay lắm.
Bữa nay Trẫm đem Mai Bá ra đốt giữa sân triều, các quan đều kinh tâm táng đỡm, không ai dám thò đầu ra nói lời nào.
Thật Bào Lạc là vật báu trị dân, yên nhà lợi nước.
Từ rày sắp tới Trẫm không còn kẻ hỗn láo, buông lời nhục mạ Trẫm nữa.Ðắc Kỷ nói:- Những kẻ khi quân nếu không dùng đến cực hình ghê gớm thì trị sao nổi.
Thần thiếp còn nhiều cách khác chưa dùng đến.- Mỹ nhân có cách gì hay cứ cho Trẫm biết, đừng ngại gì cả.Ðắc Kỷ nói:- Bệ hạ cứ an lòng.
Lúc nào bệ hạ cần đến, thắn thiếp xin dâng kế.Trụ Vương vuốt ve Ðắc Kỷ khen:- Trẫm được mỹ nhân bên cạnh thì lo gì trị nước không xong.Khen rồi tuyền nội thị bày yến tiệc đãi Ðắc Kỷ, tán thưởng tài năng của mỹ nhân.Bấy giờ, tiếng tơ vọng trúc vang rền, bàn tiệc không thiếu gì món ngon vật lạ, Vua Trụ vừa ăn vừa xem Ðắc Kỷ múa hát, tâm hồn như bay bổng trên chín từng mây, không còn biết gì là khuya sớm nữa.
Cho đến lúc trống đã trở canh ba mà tiếng nhạc còn réo rắc vang một góc trời.Ðêm ấy Khương hoàng hậu không ngủ được, nghe tiếng nhạc vang vầy, liền hỏi mấy cung nữ:- Trống đã trở canh ba, sao còn tiếng nhạc ở đâu náo nhiệt như thế?Cung nữ thưa:- Ðó là tiếng đàn bên cung Thọ Tiên.
Chúa thượng cùng Tô mỹ nhân vui chơi đó.Khương hoàng hậu than:- Lúc này ta có nghe tin hoàng thượng nghe lời Tô Ðắc Kỷ chế hình Bào Lạc đốt Mai Bá giữa triều.
Mai Bá là một tôi trung, phò vua đã ba đời, sao nỡ hành hình thảm thiết như vậy? Thế là hoàng thượng bị con khốn kiếp này khuynh đảo tinh thần, không còn phân định được phải trái nữa.
Ta làm hoàng hậu chưởng quản tam cung lục viện lẽ đâu thấy việc trái mắt mà không nói tới.Nói rồi truyền cung nữ đẩy xe, xách đèn đến cung Thọ Tiên.Lúc này Trụ Vương đang uống rượu với Ðắc Kỷ, có Huỳnh Môn quan vào tâu:- Khương hoàng hậu đến trước cửa cung xin vào ra mắt.Trụ Vương đang say rượu, lại thức khuya, hai con mắt lim dim lè nhè nói với Ðắc Kỷ.- Có Chánh cung đến, mỹ nhân nên ra thủ lễ rước Chánh cung vào.Ðắc Kỷ tuân lệnh bước ra trưóc cửa nghiêng mình uốn gối quỳ xuống tiếp đón.Khương hoàng hậu truyền đỡ Ðắc Kỷ dậy.Ðắc Kỷ dắt Khương hoàng hậu vào cung, đồng yết kiến Trụ Vương.Trụ Vương truyền dành chổ cho Khương hoàng hậu ngồi và tiếp tục bày tiệc đãi Khương hoàng hậu.Khương hoàng hậu ngồi một bên Vua Trụ, trong lúc đó Ðắc Kỷ lễ mễ đứng hầu trông rất phải phép.Vua Trụ đẹp lòng nói với Khương hoàng hậu:- Ái hậu sang đây chung vui, Trẫm mừng lắm.Liền truyền Ðắc Kỷ đờn ca múa hát để cho hoàng hậu xem.Ðắc Kỷ tuân lệnh vua, vừa múa vừa ca, thân hình yểu điệu, xiêm y lả lướt chẳng khác gì Hằng Nga múa khúc Nghê Thường trên Nguyệt điện, tiếng hát lại thanh tao như tiếng chim đầu Xuân.Vua Trụ mê ly quên cả trời đất.Còn Khương hoàng hậu mặt dàu dàu, ngồi nhìn xuống đất, không uống rượu, cũng không thưởng thức nhạc khúc của Ðắc Kỷ đang trình diển trước mắt.Trụ Vương trông thấy không hài lòng, hỏi:- Hậu ơi! Ngày tháng như thoi đưa, đời người chẳng khác bóng câu qua cửa sổ, chẳng mấy chốc đã trở về già, không ăn chơi cho thỏa chí bình sanh thì còn gì thú vị nữa.
Như giọng ca tiếng hát của Tô mỹ nhân đây, dù Hằng Nga trên cung trăng cũng không sánh kịp, sao Hậu không uống rượu nghe đàn, lại buồn rầu như vậy.Khương hoàng hậu vội bước xuống quỳ tâu:- Thần thiếp lòng không vui, dù có tiên xuống phàm múa hát cũng không làm khuây được.Trụ Vương lè nhè:- Thì Tô mỹ nương có thua gì tiên nữ chốn bồng lai? Hậu không biết thưởng thức cái hay cái lạ đó?Khương hoàng hậu nói:- Ðắc Kỷ múa hát có gì gọi là báu lạ đâu?Trụ Vương hỏi:- Như vậy thì thế nào mới gọi là báu lạ?Khương hoàng hậu nói:- Thần thiếp nghe nói hễ vua có đạo đức thì khinh của quí mà trọng đức lành, đuổi tôi gian, xa sắc dục.
Ðó mới chính là cái báu lạ của nhà vua.Trụ Vương cười ha hả, nói:- Trẫm làm vua, giàu sang bốn biển, muốn hưởng thú gì không có, dẫu trong trời đất, báu lạ nào Trẫm lại không có quyền hưởng đến?Khương hoàng hậu nói:- Trời chỉ có những báu lạ là mặt nhật, mặt nguyệt và các vì tinh tú.
Ðất chỉ có những báu lạ là năm thứ thóc, năm thứ giống trái.
Nước chỉ có báu lạ là tôi ngay, tướng giỏi.
Nhà chỉ có báu lạ là con cháu thảo hiền.
Những báu lạ như vậy bệ hạ không tìm hưởng, lại chọn ca, lựa múa, nghe lời dua nịnh, giết tôi ngay, gần gũi sắc dục, đó không phải là báu lạ mà chính là thứ làm mất nước, xin bệ hạ bỏ đi dừng tiếc.
Bớt rượu, xa tửu sắc, chăm lo chính sự, sửa nết răn mình, thì họa may trời xuống phúc, thiên hạ thái bình, bốn biển yên vui..