Giang Nam.
Vào tới cổng chợ Đông Ba, Cửu Dương quay một vòng nhìn chung quanh nhưng không tìm thấy bóng hình khả ái. Chàng tự trách bản thân đễnh đoản. Tính tình nhún nhường của Nữ Thần Y như thế nào? Tánh nết khiêm nhượng của nàng ra sao? Hai điểm này chàng phải rõ ràng mạch lạc. Nàng không muốn người khác mang ơn nên khi chữa bệnh xong thì thu dọn hành lý bỏ đi ngay. Lâu nay vẫn vậy. May mắn thay, lúc nãy chàng có đến quán trọ Song Ưng, bắt gặp cặp tuấn mã của nàng và Hiểu Lạc đang ung dung gặm cỏ trong chuồng. Nghĩa là chủ nhân của chúng vẫn còn luẩn quẩn đâu đây, chưa rời khỏi thị trấn này.
Cách chỗ Cửu Dương đứng một quãng, khoảng chừng nửa dặm, Hiểu Lạc không nỡ chia lìa Giang Nam, chân bước đi mà tim muốn ở. Nó lén nhìn Nữ Thần Y, định mở lời xin xỏ nàng ở lại, đừng bỏ đi vội, nhưng rồi lại thôi. Nó sợ nó ăn nói vụng về, khiến nàng nổi dóa, tưởng lầm là nó hết ham theo nàng đi đó đi đây.
Cuối cùng, nhịn không được, Hiểu Lạc đánh bạo lên tiếng:
- Nghe nói mì Tứ Xuyên ở Giang Nam rất ngon, còn ngon hơn là ở… Tứ Xuyên. Hay là chúng ta vào tửu lầu trước mặt tìm chỗ nghỉ chân, ăn vài tô, sau đó lên đường vẫn còn kịp chán?
Vừa giơ tay chỉ quán ăn, Hiểu Lạc vừa thận trọng liếc Nữ Thần Y. Trống ngực của nó đập thình thịch, lòng phập phòng hy vọng, mong sư phụ đồng ý đến chết được.
Thật là tốt quá, sư phụ của nó thong thả trả lời:
- Tùy ý đệ.
Nữ Thần Y gật đầu nhưng cười thầm trong bụng “Hiểu Lạc hôm nay ăn nói lạ lùng, mì Tứ Xuyên thì ở Tứ Xuyên bán mới ngon, chứ ở Giang Nam làm sao nấu ngon hơn được?” Nàng đương nhiên biết tỏng Hiểu Lạc dụng tâm dục hoãn cầu mưu. Nhưng nàng xưa nay yêu thương đệ tử. Và cũng bởi vì được sư phụ nuông chiều quá mức thành thử tánh tình của Hiểu Lạc càng ngày càng trở nên nghịch ngợm, phá phách đã thành tật. Chẳng hạn như nó thường hay ở truồng chạy rong. Trò hư là tại thầy. Nói giỡn cho vui thôi chứ ai mà làm dzậy. Nhất là trong thời buổi phong kiến này. Lại nữa, Nữ Thần Y nghiêm khắc với Hiểu Lạc lắm đấy.
Thôi, dẹp ba cái đó sang một bên, để quay trở lại kể tiếp câu chuyện không thôi lạc đề.
Quán mì xôm tụ. Phía trên lầu hay dưới lầu đều chật ních quan khách. Chủ quán đành đặt thêm chục bộ bàn ghế ở đằng trước cửa. Sáng sớm chợ búa đông đúc. Khách ngồi ăn hàng nơi đây, kẻ qua người lại tấp nập, ai đi ngang là thấy ngay. Nữ Thần Y quên bẵng chi tiết quan trọng đó. Nàng vốn đang trốn sư huynh, tránh luôn cả đám tú tài. Nàng sợ nhóm học sinh lông bông ra chợ mua bút mực, bắt gặp nàng ngồi đây, rồi chạy về báo lại với viện trưởng.
“Khỉ thật! Đúng là hữu duyên thiên lý, chưa ngồi nóng ghế đã gặp Thiên Văn,” Nữ Thần Y nín thở khi nhìn thấy bóng dáng Cửu Dương loáng thoáng. Nàng hấp tấp quay sang định bịt miệng tên nghịch đồ.
Muộn mất rồi, Hiểu Lạc hớn hở vẫy tay gọi:
- Sư huynh, đệ ở đây!
Vụt một cái, Cửu Dương lao đến ngồi sát rạt bên cạnh sư muội. Chàng giơ tay chống cằm tha thiết nhìn. Hiểu Lạc phát hiện điều ám muội. Nó cũng lấy tay chống cằm ngó sư huynh. Riêng Nữ Thần Y thì rầu thối ruột, lòng thầm rủa cái quán mì chết tiệt, Tứ Xuyên với chẳng Ngũ Xuyên. Sau một hồi, chàng trông nàng. Nàng trông khi khống, ý lộn, không khí.
- Mời nhị vị.
Có tên tiểu nhị bận áo nâu, môi dày, tai dảo, chừng mười tám tuổi, bưng mâm đến. Trên mâm chứa hai tô mì sóng sánh nước lèo nóng hổi. Tiểu nhị áo nâu đặt hai tô mì thơm phức lên bàn cho Nữ Thần Y và Hiểu Lạc. Xong xuôi, hắn vòng hai tay ôm chiếc mâm trước ngực, gật đầu chào người khách mới.
- Ở đây chúng tôi có nhiều món mì nước ngon lắm – Tiểu nhị áo nâu quảng cáo với Cửu Dương - Xin hỏi quan khách định dùng mì gì ạ?
Khách mới đang bận thôi miên sư muội của mình. Chàng phẩy tay:
- Mì gì cũng được. Hễ nóng là tốt rồi!
Đã gọi là mì nước rồi thì mì nào mà chẳng nóng? Có mì nào lạnh đâu? Mì nguội ai dám đem ra bán? Tiểu nhị áo nâu nghe khách nói thế thì trí óc hồ đồ. Hắn kẹp chiếc mâm vô nách trái, và dùng tay phải vò đầu bứt tai, bảo:
- Là sao ạ? Tiểu nhân không hiểu.
Rồi hắn xòe bàn tay phải, bấm mấy ngón chai sần, định giới thiệu thực đơn. Cửu Dương chợt nhận ra ý nghĩa mù mờ trong câu nói của chàng nên cười xòa:
- À à, huynh đài có thể nào cho ta thêm một tí thời gian? Ta đang suy nghĩ xem phải ăn món mì gì.
- Dạ, không sao đâu ạ, quý khách cứ tự nhiên – Tiểu nhị áo nâu tươi cười dễ dãi – Lát nữa tiểu nhân trở lại.
Tiểu nhị áo nâu nói xong thì lễ phép cúi đầu chào, rồi quày quã bước trở vào trong quán để tiếp mấy vị cô nương đang dùng bữa ở chỗ chiếc bàn đặt dưới chân cầu thang bắt lên lầu trên.
Nửa tí trôi đi, tiệm mì lại có thêm khách khứa. Một tên lính Thanh mặt rỗ, khá đô con, khinh khỉnh bước vô. Tên lính Thanh đó đứng đực ngay chính giữa quán ăn, đưa mắt nhìn chung quanh, phát hiện bên trong quán đã hết chỗ ngồi. Không nói không rằng, hắn rút gươm quăng đùng lên bàn ăn của đám nông phu cách đó một thước, khiến nước lèo trong mấy tô mì đổ kềnh lên bàn, nhỏ giọt xuống đất. Thình lình bị quấy nhiễu, đám nông phu lật đật đứng dậy bỏ đi đến quầy tính tiền khiếu nại.
Còn lại bốn chiếc ghế trống. Tên lính Thanh mặt rỗ liền ngồi xuống chiếm một ghế. Hắn gác một chân lên ghế bên trái, chiếm thêm ghế đó nữa là ghế thứ hai. Rồi hắn lấy vỏ gươm để lên ghế thứ ba bên phải.
Quản gia chưa kịp đối phó thì tiểu nhị áo nâu khi nãy bước đến tiếp cận tên lính Thanh mặt rỗ, mạo muội cất tiếng:
- Thưa lính đại ca, bàn này đã có người đặt rồi ạ - Tiểu nhị áo nâu ám chỉ mấy người nông phu.
- Thế à? – Tên lính Thanh mặt rỗ cao giọng hống hách hỏi lại - “Bàn” này đã có người đặt rồi ư?
- Dạ vâng – Tiểu nhị áo nâu đáp.
Tên lính Thanh mặt rỗ vẫn ngồi lì trên ghế, không chịu đi. Hắn tặc lưỡi một cái rồi nói:
- Chậc! Nếu dzậy thì ngươi rinh cái “bàn” này đem đi cho họ, khiêng cái bàn khác lại đây cho ta.
Trước lời lẽ lý sự cùn đó, tiểu nhị áo nâu chẳng biết phải trả lời sao. Hắn đang bận suy ngẫm thì bỗng có tiếng cãi cọ ở chỗ chiếc bàn đặt cạnh cửa ra vào. Tiểu nhị áo nâu liền bỏ rơi tên lính Thanh mặt rỗ cho quản gia xử trí. Còn bản thân hắn thì chạy đến xem có chuyện rùm beng gì, tánh tò mò mà lị.
Lại là bọn cẩu Thanh. Gã bộ đầu địa phương và một tên quân binh. Cả hai kêu thức ăn thức uống đầy bàn, đến khi no nê xong rồi thì lại không muốn trả tiền rượu thịt. Người tiểu nhị phục vụ cho hai tên này ốm tong teo. Hắn có cái cằm lẹm, mặt choắt, bận bộ quần áo đen. Xem chừng như hắn từ nơi khác mới đến làm việc, không rõ quy luật nên to gan phản bác. Tiểu nhị áo nâu nghe tiểu nhị áo đen lớn tiếng với đám quân Thanh thì biết thế nào đồng nghiệp cũng sẽ bị quánh, nên liên tục tằng hắng, rồi nháy mắt lia lịa, ra hiệu cho đồng nghiệp im cái mồm. Nhưng tiểu nhị áo đen không bắt được ám chỉ.
Gã bộ đầu nộ khí xung thiên, đánh một chưởng lên ngực tiểu nhị áo đen khiến hắn thổ huyết. Máu đỏ văng phụt trên mặt đất, tạo thành vệt dài, chảy tới chỗ Nữ Thần Y, Hiểu Lạc, và Cửu Dương đang ngồi. Cả ba người giật nãy.
Hiểu Lạc tức mình, muốn ra tay tương trợ. Nó buông đũa, đứng phắt dậy. Lúc này, tiểu nhị áo đen bị gã bộ đầu đá thêm một cú. Khi nạn nhân té bịch xuống đất thì lại bị tên lính Thanh cưỡi lên người đấm túi bụi. Tiểu nhị áo đen thân mình ốm nhách, không sức đánh trả. Hắn nằm mọp trên mặt đất, rên rỉ. Trừ đám quân Thanh, ai thấy cảnh này cũng bất bình.
Hiểu Lạc tài lanh. Nó tính bước lại giải vây cho tiểu nhị áo đen, tiện thể so đo chân cẳng với gã bộ đầu và tên quân Thanh. Nhưng nó chưa kịp thực hiện ý định thì bị cản bởi một bàn tay. Bàn tay thon nhỏ nắm vạt áo của nó giựt mạnh. Tiếp theo là giọng thì thầm:
- Chúng ta đang ở trong vùng quân Thanh cai quản, đệ có nhớ lời ta không? - Nữ Thần Y nghiêm mặt, hỏi.
- Nhớ! - Hiểu Lạc đáp, lòng bất phục.
- Nhớ những gì?
- Tri kỉ tri bỉ.
- Nghĩa là gì?
- Nghĩa là biết mình biết địch. Biết địch là biết rõ thực lực của kẻ thù, những mặt ưu khuyết của họ. Còn biết mình là biết rõ thực lực của bản thân, những sở trường và sở đoản của ta, để đem ra so sánh với địch.
Nữ Thần Y dò bài Hiểu Lạc. Nàng hài lòng khi nghe nó trả lời rành mạch trơ tru.
- Nơi đây tai vách mạch rừng, quân thù hàng vạn – Nữ Thần Y xù xì – Chúng ta không thể ngang nhiên giở võ nghệ ra để mà tiếp ứng cho dân chúng.
- Tại sao lại không thể trổ tài võ công? – Hiểu Lạc ngoác miệng. Nó đang ngứa cẳng.
- Trổ tài thế quái nào được mà trổ tài – Nữ Thần Y cau mày nạt khẽ - Đệ tối ngày chỉ biết võ với vẽ.
Chợt nhận ra sự khắt khe quá mức của mình, nàng dịu giọng giảng giải:
- Mặc dù đệ một thân một mình có thể đánh ngã được mười người, nhưng binh lính có tới từng toán từng đoàn, cả ngàn cả vạn. Chỉ cần một trong hai tên đó chạy về phủ Tri Huyện kêu viện binh là chúng ta… teo ngay. Binh lính mà kéo rần rần đến đây thì dù đệ có chín cái mạng cũng mất như chơi. Một mình đệ không thể nào đánh gục hết tổ kiến lửa, hiểu chưa?
- Còn có sư huynh nữa chứ bộ - Hiểu Lạc ngầm chỉ Cửu Dương – Huynh ấy sẽ tiếp ứng…
- Sư huynh sao được mà sư huynh – Nữ Thần Y phất tay cắt lời – Bộ đệ quên thân phận của huynh ấy rồi à?
Nữ Thần Y muốn nhắc đến việc Cửu Dương cầm chức viện trưởng của học đường Hắc Viện. Chàng đang sử dụng danh tánh Tần Thiên Văn để mà giả vờ nhập bọn với triều đình Mãn Châu. Nhưng thật ra thì chàng là phản tặc, đang bị binh sĩ ráo riết truy nã.
Cũng may hồn, triều đình chưa phát hiện Hắc Viện là nơi chứa chấp phản loạn. Mà cũng khó đoán lắm. Ai mà ngờ được, học đường vốn là nơi chiêu mộ cống sinh, lại chính là một trong ba khu căn cứ bí mật của bang hội phản Thanh phục Minh do vị ni cô làm thống lĩnh.
Nhiều năm về trước, Mã Lương và Sư Thái cố tình tung tiền bạc, mướn nhân công xây dựng trường học, chủ yếu là đào đường hầm ở bên dưới Hắc Viện, thông tới địa đạo cạnh Tây hồ, nơi các vị đương gia của bang hội Đại Minh Triều chính thức hoạt động chính trị.
Khi xây cất Hắc Viện, Mã Lương bịa lý do là muốn góp phần sức lực cho triều đình. Ông nói với tri huyện Giang Nam:
- Trường học chính là nơi tốt nhất để tuyên truyền nền văn hóa lớn lao của triều đại nhà Thanh đến với bá tánh…
Hiểu Lạc quên thật. Nó quên bẵng rằng, ngoài các thành viên bang hội thì chưa có ai giác ngộ Tần Thiên Văn là thất đương gia Cửu Dương. Họ tuy hai mà một. Tần viện trưởng chính là người xếp hạng cuối cùng trong bảy vị Giang Nam thất hiệp anh hùng. Bởi thế cho nên, Cửu Dương mới có thể đi đứng hiên ngang ngoài đường cua gái.
Được sư phụ nhắc nhở, Hiểu Lạc gật gù thầm công nhận “tánh tình của mình lổ mãng, chắc mình phải từ từ sửa đổi mới được.” Rồi thoạt nhớ ra điều quan trọng, nó vội nói thêm:
- Nhưng mà… chẳng lẽ chúng ta làm ngơ, thấy chết không cứu, ngồi nhìn hai tên đó tác oai tác quái, giết hại dân lành?
Hiểu Lạc vừa hỏi vừa ngạc nhiên nhìn sư phụ. Nữ Thần Y không biểu lộ cảm xúc, dù chỉ một chút. Nàng còn thản nhiên cầm đũa gắp mì ăn ngon lành. Đợi quản gia tạ lỗi với gã bộ đầu và tên quân Thanh, rồi dìu tiểu nhị áo đen vào trong nhà bếp thì Nữ Thần Y mới ngưng tô mì dang dở. Nàng gác đôi đũa lên tô, khoanh tay lại, nói khẽ:
- Có Thiên Văn ở đây, đệ cần chi lo lắng? Đệ cứ ngồi yên đấy mà xem huynh ấy thu phục đám súc sinh.
Hiểu Lạc cảm giác ù lỗ tai. Lúc nãy, rõ ràng sư phụ của nó nói Cửu Dương cần phải lẩn như chạch. Chàng không nên lâm cảnh đấm đá, để khỏi bại lộ thân phận. Nay sư phụ của nó lại nhấn mạnh việc chàng sẽ thu thập bọn cẩu Thanh. Đúng là lời lẽ đối lập.
Hiểu Lạc gãi mũi thắc mắc:
- Nhưng nếu huynh ấy không xuất quyền xuất cước thì làm sao có thể thu phục được hai gã kia?
Nữ Thần Y ngó tên đồ đệ lù khù. Nàng biết trí óc của nó đang rối tung rối mù nên nói:
- Đấu nhau đâu phải lúc nào cũng cần đến chân tay.
Nữ Thần Y càng nói càng khiến đầu óc Hiểu Lạc lù đù. Nó hỏi sư phụ:
- Không dựa vào tứ chi thì dựa vào cái gì để mà chiến đấu?
- Dựa vào cái đầu – Nữ Thần Y dùng ngón trỏ chỉ trán Hiểu Lạc - Hay còn gọi là đấu trí, chắc đệ từng nghe qua?
Hiểu Lạc khoan trả lời. Nó nhìn sang bàn ăn của gã bộ đầu và tên quân Thanh, phát hiện Cửu Dương đang trên đường tiến đến đó để lân la bắt chuyện. Bọn chúng ăn uống no bụng xong nhưng vẫn chưa chịu rút đi cho quán mì rảnh nợ. Sau khi đánh tiểu nhị bầm dập, hai tên vũ phu ngồi co giò trên ghế kiểu nước lụt, xỉa răng bằng móng tay út và búng nghe chóc chóc. Hiểu Lạc ngứa con mắt nên tìm cách chộ cho bỏ ghét. Nó liền co một chân lên ghế, giơ ngón tay trỏ ngoáy mũi trước khi búng chóc chóc về phía hai tên vũ phu. Ở bên cạnh, Nữ Thần Y khẽ lắc đầu. Nàng dùng cùi chỏ húc vô hông Hiểu Lạc một cái, rồi cầm đũa lên ăn mì tiếp tục.
Trở lại đằng kia. Gã bộ đầu và tên lính Thanh thấy có kẻ lạ tự ý ngồi chung bàn thì ra chiều phẫn nộ. Nhưng Cửu Dương đã liệu việc. Chàng từ tốn rót trà vô tách, hai tay dâng lên, trao tên lính Thanh:
- Cú đấm của lính đại ca thật là dũng mãnh, khiến tiểu đệ sáng mắt.
Tên lính Thanh được khen, hai cánh mũi liền nở bự như hai quả cà… thối. Hắn còn khoái chí cười khà khà. Tới phiên gã bộ đầu, Cửu Dương định mở miệng khen cú đá thì bị hắn cau mày hỏi:
- Ngươi vô danh tiểu tốt mà cũng biết luận võ công sao? Hay là ngươi thấy người giàu sang nên muốn… bắt quàng làm họ?
Nghe câu xóc óc, Cửu Dương muốn… chửi thề thì có, ở đó mà họ với hàng. Nhưng vì đang làm nhiệm vụ cứu nhân độ thế nên chàng bỏ ngoài tai lời chê bai, cố lấy dáng vẻ phiêu diêu tự tại, bình thản rót thêm tách trà thứ hai. Chàng vừa rót trà vừa so vai, nịnh nọt:
- Xin huynh đừng cười chê, tiểu đệ đâu dám múa rìu qua mắt thánh.
Gia Cát tái lai bợ đít một cách hoàn mỹ. Chàng nói xong thì im lặng chờ gã bộ đầu thưởng thức lời khen xa xỉ. Quả nhiên, được so với thánh nhân thì còn gì bằng? Tên cẩu nô tài khoái ra mặt. Ngọn lửa trong lòng hắn dập tắt. Hắn tức tốc quay đầu vô trong tiệm ăn gọi cho Cửu Dương một tô mì thịt bò, rồi bắt tay làm thân:
- Ngươi danh tánh thế nào?
Cửu Dương đâu có thể nói cho họ biết chàng là… Cửu Dương. Chàng cũng không muốn nói chàng là viện trưởng của học đường Hắc Viện. Mã Lương vừa mới qua đời, chàng vừa mới nhậm chức, nên chưa muốn vỗ ngực xưng tên “ta là tân viện trưởng!”
Cửu Dương bèn tìm cớ đánh trống lảng:
- Tiểu đệ bần hàn, làm sao dám quen hai đại sư ca, nhưng đệ thấy bất bình cho hai huynh nên đến đây hiến kế.
- Cái gì? - Tên lính Thanh và gã bộ đầu không hẹn mà cùng kêu lên.
Gã bộ đầu nói thêm:
- Ta không có nghe lầm chứ? Ngươi bất bình dùm kẻ ăn quỵt ư?
Hắn nói xong thì nheo mắt nhìn tên lính Thanh, thấy đồng bọn cũng đang trố mắt, nét mặt sửng sốt. Cửu Dương ngồi yên đấy, chàng biết họ dậy lòng nghi nên dịu giọng hỏi:
- Hai vị đại ca khoan phẫn nộ, nghe tiểu đệ một lời. Thế này, đệ hỏi hai huynh, có phải đầu tháng tất cả các chủ quán đều xuất tiền đóng thuế?
- Đúng vậy – Gã bộ đầu nhếch mép trả lời.
Cửu Dương tiếp tục giăng bẫy:
- Theo đệ biết, tiền nộp thuế tính từ những tô mì đã bán, thí dụ chủ quán bán được 20 tô, kiếm được 20 quan tiền, thì lại đóng thuế phân nửa cho tri huyện lão gia.
- Thì đã sao? – Tên lính Thanh xoay xoay chiếc đũa, hỏi lại.
- Không sao cả - Cửu Dương lắc đầu.
Rồi chàng vòng vo xí gạt:
- Ý nhưng mà, mỗi lần quan khách đến ăn quỵt, không trả tiền, thì chủ quán đâu có thể nào tính vào sổ được. Đúng không hai huynh?
Tên lính Thanh cắn môi:
- Ngươi nói gì lôi thôi, ta không hiểu.
Và hắn quay sang rỉ tai đồng bọn:
- Thằng bảnh bao đang ngồi chung bàn với hai đứa mình đang nói cái chi mô?
Gã bộ đầu cũng chẳng rõ Cửu Dương nãy giờ cảm rảm càm ràm cái… đít gì, nên nhún vai đáp:
- Biết chít liền!
Cửu Dương thấy họ lù khù lụ khụ thì hí hửng nhập đề:
- Ý của đệ là như thế này, giả dụ chủ quán đáng lẽ bán được 30 tô mì, vị chi 30 quan tiền, phải nộp cho tri huyện lão gia phân nửa là 15 quan. Nay có kẻ ăn quỵt, tiền thu nhập chỉ còn 20 quan, nộp phân nửa là 10 quan. Lúc hai huynh đi thu thuế, không phải phí mất 5 quan tiền hay sao?
Tên lính Thanh và gã bộ đầu đã ngu sẵn rồi, nay ngồi nghe Gia Cát tái lai tính toán thì còn ngu thêm. Họ đâu có hiểu gì về vấn đề thuế má. Họ chỉ có mỗi nhiệm vụ đi thâu tiền, thế thôi. Cho nên, khi cả hai người nghe Cửu Dương nói tới đoạn mất 5 quan tiền thì lòng tiếc nuối.
Cuối cùng, gã bộ đầu ngó tên lính Thanh:
- Ta nghĩ hắn nói cũng có lý.
Và gã bộ đầu quay vào bên trong quầy tính tiền, nói lớn:
- Quản gia!
- Dạ có tiểu nhân – Quản gia nghe kêu liền hối hả chạy lại.
- Lúc nãy bọn ta ăn uống hết bao nhiêu tiền? – Gã bộ đầu hỏi.
Quản gia xanh mặt, xua tay:
- Không sao đâu ạ, đó coi như là chút nhã ý của tửu lầu chúng tôi.
- Không được! – Tên lính Thanh cho tay vô túi – Chúng ta ăn đồ thì phải trả tiền, để mai mốt còn thu thuế cho đầy đủ.
Rồi hắn móc ra đống tiền, dúi vào tay quản gia:
- Trả cho ngươi nè. Không cần thối lại, để dành số tiền dư mua thuốc meng cho tên tiểu nhị khi nãy, biết chưa?
Trả tiền trả nợ đâu vào đấy, tên lính Thanh đứng dậy kéo tay gã bộ đầu. Trước lúc cáo từ, cả hai không quên vỗ vai Cửu Dương:
- Kể từ hôm nay, bọn ta ăn uống sẽ trả tiền sòng phẳng, làm theo mưu lược của ngươi.
Nói xong, gã bộ đầu và tên lính Thanh lui ghe.
“Bọn chúng quá ngu xuẩn,” Cửu Dương cười lầm rầm đằng sau lưng họ, “ai đời lại tính thuế kiểu đó!” Chàng vừa thầm chế nhạo vừa lịch sự vẫy tay chào, rồi đứng lên trở về hội ngộ Hiểu Lạc và Nữ Thần Y.
Cửu Dương bắt gặp ánh mắt thán phục của Hiểu Lạc:
- Huynh thật quá lợi hại, trên hẳn tưởng tượng của đệ! - Hiểu Lạc hít hà, lòng đầy ngưỡng mộ.
Quản gia bưng tô mì thịt bò đi đến bên cạnh, thì thào vào tai Cửu Dương:
- Đạ tạ thất đương gia.
Thì ra ông ấy cũng là thành viên bang hội. Cửu Dương gật đầu, nói:
- Không có chi, chúng ta đều là người trong nhà cả. Tiểu nhị không sao chứ?
- Hắn không sao.
- Hắn từ đâu đến?
- Hình như là từ Cát Lâm – Quản gia đáp - Hắn muốn gia nhập bang hội và bái thất đương gia làm sư phụ.
Cửu Dương bấy lâu nghe khen đã quen. Chàng lặng lẽ rót trà vô chén. Quản gia hỏi tiếp:
- Tôi có thể bảo hắn đến Hắc Viện tìm ngài được không ạ?
Cửu Dương lắc đầu. Chàng bưng chén trà lên miệng, nói nhỏ tiếng:
- Ông hãy bảo với hắn là ba hôm sau đến địa đạo cạnh Tây hồ tìm ta.
Cửu Dương uống một ngụm trà trong khi quản gia mừng dùm tiểu nhị:
- Hắn mà nghe được tin này chắc vui lắm. Đang trọng thương cũng khỏe mạnh ngay.
Và quản gia cung tay xá một cái:
- Nhân thể, tôi xin thay mặt hắn đa tạ ngài.
- Chuyện nhỏ mà – Cửu Dương vỗ vai quản gia – Ông đừng quá khách sáo.
Cửu Dương nói xong thì quản gia quay mình lui trở về quầy tính tiền. Sau khi quản gia đi khỏi, Hiểu Lạc giựt tay áo của Cửu Dương, năn nỉ:
- Đệ cũng muốn theo huynh học nghề.
- Không được! - Cửu Dương xua tay - Đệ đã có sư phụ rồi, làm vậy không hợp quy chế.
Hiểu Lạc không chịu bỏ qua cơ hội bái sư ngàn năm một thuở. Nó ranh mãnh nháy mắt:
- Sao lại không hợp quy chế? Thì tới lúc đó huynh sẽ là sư tôn, còn…
Hiểu Lạc hất đầu về phía Nữ Thần Y:
- Là sư mẫu.
Bị Hiểu Lạc điểm đúng tim đen, Cửu Dương khoe răng và vui vẻ xoa đầu đệ tử. Ở bên cạnh, Nữ Thần Y buồn cười. Mưu mẹo gian xảo của Tần Thiên Văn, nàng đã quá nằm lòng, nay chàng nhận thêm đệ tử thì có nước thế gian sạt nghiệp…
- Xin tha mạng! Tiểu nhân biết lỗi rồi!
Đột nhiên có tiếng hét cắt đứt dòng suy nghĩ của Nữ Thần Y. Nàng quay nhìn hướng phát xuất âm thanh, thấy một đống người bu quanh gian hàng bánh bao xá xíu. Nhiều quan khách trong quán mì chạy đến dòm thử. Hiểu Lạc nhanh nhất, vụt một cái biến mất. Nữ Thần Y đứng lên, định rời gót nhưng bị Cửu Dương nắm tay kéo ngồi xuống. Chàng còn lắc đầu ra hiệu nàng chớ nên xen vào.
- Sao huynh không tới đó xem thử? – Nữ Thần Y ngạc nhiên.
- Có gì hay mà xem? – Cửu Dương so vai - Ngồi đây với muội chẳng phải tốt hơn sao? Dại mới lại đằng đó, chỉ tổ té què giò.
Quả thật, đám đông chen lấn. Xô qua xô lại một hồi thì cãi vã, hò hét ỏm tỏi vang trời:
- Tiểu tử thối! Sao ngươi đạp lên chân ta? – Người này la ầm.
- Ta đâu có đạp đâu – Người kia vặt lại - Ai biểu cẳng ngươi tự tiện nằm dưới cẳng ta làm chi? Ráng chịu!
Có kẻ trí thức, ứng xử nho nhã văn chương:
- Xin lỗi đã quấy rầy bạn.
Kẻ bị quấy rầy nghinh mặt:
- Muốn nói gì đây… cha?
Người trí thức ôn tồn:
- Tôi chỉ muốn nói rằng bên dưới bàn chân sang trọng của bạn là bàn chân thô kệch của tôi.
Nữ Thần Y nghe vậy liền bụm miệng cười bể phổi, giọng nói rít qua kẽ tay:
- Tên này chắc là đồ đệ của Tần Thiên Văn huynh?
Cười đã đời, nàng bắt đầu lo lắng:
- Huynh không ra tay cản họ, nhỡ có đánh nhau thì sao?
- Thì vui chứ sao? – Cửu Dương hóm hỉnh bảo sư muội - Huynh khoái coi náo nhiệt!
Nữ Thần Y lườm sư huynh:
- Huynh thiệt là… lòng dạ sắt đá.
Trước lời lẽ miệt thị của Nữ Thần Y, Cửu Dương làm thinh bưng chén trà lên miệng. Thật ra thì không phải chàng không muốn cứu trợ, nhưng cứ ra mặt can thiệp hoài, chàng sợ bọn cẩu Thanh nghi. Vả lại, chuyện như vầy ngày nào chàng cũng thấy, giúp được hôm nay không giúp được ngày mai. Muốn lật ngược càn khôn để cứu thế nhân thì chỉ có một cách duy nhất, tức là chính sách triều đình cần thay đổi. Cho nên, chàng đành ngồi chờ cục diện xoay trở nhưng biết đến bao giờ?
Quả đúng y dự tính, câu chuyện cũ rích chẳng có gì mới mẻ. Đám người ăn không ngồi rồi hè nhau chạy tới chỉ để xem một hành khất mình mẩy nổi đầy lang ben đang giơ hai tay lên khỏi đầu lạy lục gã thanh niên. Hình như là ông lão ăn xin, vì đói khát đã đánh cắp một cái bánh bao. Ông ấy bị chủ gian hàng bắt gặp nên chửi rủa và đòi cáo lên quan phủ. Sau một hồi, được dân chúng khuyên nhủ thì chủ gian hàng đồng ý tha mạng. Đám đông giải tán hiện trường hung án. Hiểu Lạc cùng bốn người khách trở lại quán mì, xù xì:
- Tội nghiệp ông lão quá – Tên thứ nhất nói.
- Mém tí nữa tiêu đời chỉ vì cái bánh bao – Tên thứ hai phụ họa.
- Tự cổ chí kim, bần cùng sinh đạo tặc – Tên thứ ba xổ nho.
- Đám cẩu Thanh thu thuế đắt như vậy, hèn gì có nhiều huynh đệ gia nhập bang hội Đại Minh Triều - Kẻ thứ tư tức tưởi.
- Đương nhiên rồi! - Hiểu Lạc vỗ tay tán thành - Giặc tới nhà, đàn bà cũng phải độp!
Cửu Dương nghe nói thế thì giật nãy, ngụm trà vừa mới uống chưa kịp nuốt đã nghẹn ở cổ. Bốn người đó im bặt. Họ biết bản thân vừa ngỏ lời phạm thượng. Hiểu Lạc cũng biết luôn. Nó đưa tay bịt miệng, mắt len lén ngó Nữ Thần Y, và nó than thầm trong dạ khi thấy sư phụ mặt nhăn mày nhó như ngồi phải lửa. Đúng y sự lo ngại, có đám quân binh đi tuần nghe được câu phạm úy liền đổ xô lại:
- Mau bắt phản tặc!
Bọn lính Thanh nhanh chân bủa vây. Hiểu Lạc và bốn người đó chạy không thoát, bị tóm gọn. Quân Thanh định còng luôn đôi nam nữ ngồi chung bàn với đứa trẻ vừa thốt câu khó nghe. Cửu Dương vội ôm Nữ Thần Y vào lòng. Chàng xua tay rối rít:
- Chúng tôi không quen biết nó!
Nghe sư huynh bảo không quen Hiểu Lạc, Nữ Thần Y sững sờ. Từ đó đến giờ, Cửu Dương đâu phải hạng người thân ai nấy lo, bò ai nấy cưỡi! Nhưng Nữ Thần Y không cần thiết nghĩ ngợi lôi thôi. Nàng hiểu ngay “chắc huynh ấy đang dụng mưu khổ nhục kế.”
Quả thật, Cửu Dương cố tình xua đuổi Hiểu Lạc để đám quân Thanh bắt nó đi. Giam cầm năm người còn hơn bảy người chịu tội. Với võ công thâm hậu của chàng thì đương nhiên dư sức đối phó, có thể đánh bài tẩu mã như chơi. Ngặt nỗi, nếu chàng bị bọn quân binh nhận diện thì học đường Hắc Viện lâm nguy.
Trở lại câu chuyện. Bọn lính Thanh ngờ vực:
- Không quen mà ngồi chung bàn?
- Bởi vì quán mì đông khách nên hết chỗ - Cửu Dương tự bào chữa, giọng thành khẩn quá mức.
Trong đám lính Thanh tự dưng có kẻ “ồ” lên một tiếng, chắc nãy giờ nhìn Cửu Dương quen quen. Kẻ đó xì xầm với đồng bọn:
- Hắn là Tần Thiên Văn, tân viện trưởng của học đường Hắc Viện.
Đồng bọn của kẻ kia nghe nửa câu đầu thấy hơi ngờ ngợ, đến nửa câu sau thì vội vòng tay:
- Chậc! Chúng tôi thật có mắt không thấy Thái Sơn. Kính chào viện trưởng!
- Xin đừng khách sáo. Chúng ta đều là người trong nhà cả – Cửu Dương đứng lên dzui dzẻ đáp. Nữ Thần Y cũng đứng dậy theo.
Bọn quân Thanh nghe Cửu Dương nhận định bản thân chính là Tần Thiên Văn liền tin tưởng chàng vô tội. Ai chứ viện trưởng của học đường thì đâu thể nào trở thành dân tạo phản? Vì Hắc Viện vốn là nơi chiêu mộ danh tài cho triều đình Mãn Châu, chốn xuất thân của các bậc trạng nguyên tương lai.
Kẹt cái là trời không thương người lành, đám cẩu nô tài mới vừa tha cho nam nhân nay quay sang mỹ nữ:
- Còn vị cô nương này…
Nữ Thần Y nín thinh, đầu óc loay hoay cố tìm kế thoát. Nàng vô danh, ngoài biệt hiệu “Nữ Thần Y” thì nàng không có tên. Nhưng lại không thể nói cho bọn chúng nghe được. Cả giang hồ điều biết Nữ Thần Y thuộc người của bang phái phản Thanh. Bấy lâu nay võ lâm chỉ nghe danh chứ chưa nhận diện. Nữ Thần Y chỉ còn một cách, đành đạp lên chân Cửu Dương.
Chàng hiểu ý:
- Cô ấy là thê tử sắp cưới của tại hạ.
- Té ra là Tần phu nhân tương lai – Đám quân binh vòng tay chào - Thất kính, thất kính!
Nghe bọn chúng tôn mình làm Tần phu nhân, Nữ Thần Y muốn lăn đùng ra xỉu, rồi suýt tắt thở khi nhiều người trong quán mì xúm lại chúc mừng.
(Tiếp theo)
Cuối cùng, quân binh giải Hiểu Lạc với bốn người kia đi. Cửu Dương và Nữ Thần Y tức tốc trở về Hắc Viện. Bỏ lại tô mì thịt bò. Vừa bước vào đại sảnh đã chạm trán Tiểu Tường. Nàng ngồi khoanh tay chù ụ cạnh lão Tôn. Hai người một già một trẻ đang an tọa chỗ bàn trà.
Cửu Dương quên lời Tiểu Tường nói đêm qua. Chàng ngạc nhiên khi thấy hành lý của nàng trên sàn nhà:
- Ủa, bộ Thái Hồng Lâu bị phá sản hả?
Nghe người yêu hỏi câu quá xá vô tình, đang ngồi tốt lành, Tiểu Tường buông thõng hai tay và đứng dậy quay mặt không đối diện. Cửu Dương vẫn còn chưa nhớ ra. Chàng dòm lão Tôn, hỏi:
- Tôi đã nói sai à?
Lão Tôn đứng lên khỏi ghế. Ông tiến đến bên cạnh Cửu Dương, xì xằm:
- Tiểu Tường cô nương đã tự chuộc thân. Kể từ hôm nay, cô ấy sẽ đến đây trú ngụ với… thất đương gia.
Báo tin dữ xong, lão Tôn phát một cái lên vai Cửu Dương. Ông hạ giọng:
- Ngài ráng mà lo liệu.
Đến nước này, Cửu Dương mới nhớ lời Tiểu Tường đã phán “đời này muội sẽ theo huynh!” Chàng quay sang Nữ Thần Y, rồi quay trở lại Tiểu Tường lúc này đang lom khom thu gom đồ đạc. Cửu Dương há hốc miệng:
- Muội đang làm gì đó?
- Thì làm… dân chứ làm gì? - Tiểu Tường vùng vằng - Không lẽ làm Tần phu nhân sao?
Nghe giọng hờn mát, Cửu Dương đoán biết hồi nãy Tiểu Tường theo dõi chàng. Tiểu Tường hỏi xong thì khua chân bỏ đi. Cửu Dương bám theo nàng tới ngạch cửa, hỏi:
- Muội đi đâu đó? Ở Giang Nam muội đâu có người thân.
Cửu Dương không nói kháy. Chàng chính là người thân duy nhất của nàng. Bởi Tiểu Tường cũng là một cô nhi từ nhỏ tới lớn trưởng thành tại Thái Hồng Lâu, nơi buôn hương bán phấn.
Vài năm trước, Tiểu Tường chập chững bước chân vào độ tuổi xuân, hưng phấn còn chưa rạng. Tú bà thấy nàng trổ mã liền buộc nàng tiếp khách. Nếu lúc đó không có Cửu Dương làm anh khùng tung tiền bao gái thì Tiểu Tường đã sớm lâm cảnh “đến phong trần cũng phong trần như ai.”
Cho nên mới nói, tuy Cửu Dương là kẻ “phong tình đã quen” nhưng suy cho cùng thì chàng vẫn là vị cứu tinh của nàng. Mất chàng rồi nàng sẽ cô đơn, một thân một mình phòng không chiếc bóng.
Thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc. Tác giả bị mắc phải chứng bệnh nói dông, nói dài, nói dai, dí lại nói dở. Bi giờ trở lại câu chiện.
- Huynh đã có nữ nhân khác rồi – Tiểu Tường chỉ tay sau lưng, phía Nữ Thần Y đang đứng - Vậy thì muội đi đâu cần gì huynh lo?
Tuy nói vậy nhưng Tiểu Tường vẫn dừng chân đứng yên chỗ cánh cửa. Nàng quay lưng không đối diện tình nhân. Cửu Dương phớt lờ câu xóc hông. Chàng dịu giọng khuyên bảo:
- Sao lại không lo? Ở bên ngoài bây giờ lộn xộn, binh lính đang truy lùng phản tặc. Muội không nên đi tứ tung.
- Nếu như muội nhất định muốn đi thì sao? – Tiểu Tường quay mặt lại nhìn vào mắt Cửu Dương - Huynh làm gì được?
Biết Tiểu Tường tánh tình ngoan cố, có khuyên răn cũng vô ích, chỉ tổ hao tổn nước… mắm, và làm thế thì khắm lắm, Cửu Dương bèn hỏi:
- Nhưng mà muội muốn đi đâu?
- Chi dạ? – Tiểu Tường nhướng mắt.
- Để mai mốt giặc giã qua rồi thì huynh còn đi tìm - Cửu Dương trả lời.
Chẳng rõ Tiểu Tường nghĩ sao mà nàng nhún vai đáp:
- Thấy đường thì muội cứ đi, không cần biết.
Dứt lời, Tiểu Tường quay lưng định thi triển khinh công thì nghe Cửu Dương nạt:
- Không cho đi!
Và chàng gằn giọng nói thêm:
- Muội mà bước qua cánh cửa đó thì huynh sẽ…
Đang ngon trớn, bỗng dưng Cửu Dương ngậm họng. Giống hệt Nữ Thần Y hôm bữa, chàng luýnh quýnh chưa biết “sẽ” gì.
Tiểu Tường không phải hạng vừa. Nàng đã buồn tình sẵn rồi, nay nghe người yêu lớn lối thì quăng bao phục hành trang xuống sàn khiến mấy bộ áo quần tơ lụa thượng hạng rơi vãi, đất cát lấm be lấm bét. Loại gấm vóc đắt đỏ này Nữ Thần Y chưa một lần vinh hạnh sờ rớ. Nàng toàn bận vải sồ, thứ hàng dệt rẻ tiền, trưng bày đầy chợ.
- Tại sao huynh không uội đi? Giữ muội ở lại đây làm gì?
Tiểu Tường cáu kỉnh sạt Cửu Dương. Nàng vừa nói vừa giậm chân nện guốc. Gương mặt xinh đẹp của nàng đang ở trong trạng thái ửng hồng, dần dần chuyển sang đỏ hỏn hơn gà chọi.
Đúng lúc Tiểu Tường sắp sửa hóa thân thành quý mùi, một quới nhơn trong mười hai con giáp thì có giọng nữ nhi thanh thoát vang lên:
- Thì ở lại đây làm… Tần phu nhân, chứ còn làm gì nữa?
Cửu Dương cùng Tiểu Tường giật mình nhìn lại, thấy Nữ Thần Y đang lúi húi lượm lặt mấy bộ quần áo và bao phục. Vừa phủi bụi bám trên túi hành lý Nữ Thần Y vừa tươi cười thân thiện. Trong khi sư huynh của nàng méo miệng.
Lão Tôn chợt lên tiếng:
- Đúng rồi! Cả hai vị cô nương đều làm Tần phu nhân. Một người là đại nương, một người là nhị nương.
Lão Tôn già đời nên có kinh nghiệm ăn nói. Tiểu Tường nghe ông lão khéo léo giảng giải cũng hơi bùi tai. Nàng âm thầm liếc Nữ Thần Y, ngấm ngầm suy đoán thử coi người nữ nhân đó sau này sẽ trở thành “đại” hay “nhị.”
Tiểu Tường quan sát chưa đầy một phút thì tâm tư nặng trĩu, cặp mắt sắt bén rưng rưng cảm động khi thấy Nữ Thần Y đeo túi hành lý bự chảng lên vai, trên tay của Hoa Đà tái thế còn ôm thêm mấy bộ đồ vải lụa.
- Thôi, muội không nói nữa – Nữ Thần Y bảo Cửu Dương - Muội đi chuẩn bị thư phòng cho Tiểu Tường cô nương.
Nói rồi, Nữ Thần Y mỉm cười với Tiểu Tường:
- Để tôi giúp cô giặt sạch mấy bộ quần áo này.
- Không cần đâu – Tiểu Tường lắc đầu.
Và nàng đi đến đối diện Nữ Thần Y, giằng y phục từ trong tay của vị lang y giang hồ:
- Đồ của tôi để tôi tự giặt lấy – Tiểu Tường ngại ngùng nói – Không dám phiền cô nương.
Nữ Thần Y nghe biết Tiểu Tường vẫn còn úy kỵ nên nhã nhặn hỏi:
- Hay là hai đứa mình cùng giặt? - Và nàng hạ giọng gạ thêm - Ra Tây hồ giặt đồ rồi… tắm luôn.
Tiểu Tường thấy người con gái này câu nào câu nấy xuống nước, nghĩ rằng chắc cũng không có ý gì xấu nên miễn cưỡng gật đầu. Khi đại nương với nhị nương dắt díu nhau đi khuất, lão Tôn rót tách trà đưa cho Cửu Dương. Ông cười hề hề:
- Chắc chắn kiếp trước thất đương gia làm nhiều việc thiện nên kiếp này mới quen biết được một hồng nhan tri kỉ như Nữ Thần Y cô nương. Lão nói có đúng không?
Cửu Dương gục gặc đầu. Chàng đương nhiên đồng ý ông lão nói trúng, đúng đứt đuôi con nòng nọc luôn. Lão Tôn nói tiếp:
- Nữ Thần Y lúc nào cũng nết na, hiền hậu. Hình như cô ấy không bao giờ tỏ vẻ ghen tuông.
Lần này, Cửu Dương nghe ông lão phán câu đầu thì vui sướng. Chàng bật ngón tay cái lên khen. Nhưng nghe đến câu sau thì chàng cụp ngón tay lại, đôi mắt ánh tia lo lắng đắn đo. Ông lão tò mò hỏi:
- Nhưng mà thất đương gia định phong ai làm đại, ai làm nhị vậy?
Cửu Dương không trả lời. Thời gian quá cấp bách, chàng thở dài bảo lão Tôn:
- Cái đó thì tôi không biết, nhưng hiện tại thì tôi biết có rất nhiều dân chúng vô tội đang bị bọn cẩu Thanh bắt giam.