Phong Vũ Thanh Triều 2


Sáng ngày hôm sau Cửu Dương cùng với Tân Nguyên cách cách đến đồi trà sau khi mặt trời vừa mới mọc, những giọt sương vừa khô. Hai người họ đứng dưới chân đồi nhìn đoàn người mang gùi trèo lên đồi trà theo khu vực đã được qui định. Ở đồi trà này, trà thường được trồng trên sườn đồi theo từng bậc như bậc thang. Vườn trà đặc biệt thuộc loại cấm kỵ, có binh lính canh gác ngày đêm không cho ai bén mảng tới. Tại đây có một bộ phận chuyên môn hái và sản xuất những loại trà siêu phẩm giành tiến vào cung. Tục truyền rằng trà hảo hạng thì tuyệt nhiên không được chạm vào da thịt con người nên những thợ hái phải luôn luôn đeo bao tay dài bằng lụa. Trà chỉ đụng vào cơ thể con người một lần duy nhất là khi đã pha xong, đụng vào môi của bậc quân vương trước khi uống vào ruột.
Mùa hái trà tùy theo từng loại và tùy theo khí hậu. Ở ven Tây Hồ - Hàng Châu, nơi sản xuất trà Long Tỉnh, người ta bắt đầu hái trà từ tháng ba kéo dài đến tháng mười, tổng cộng ba mươi lần, mỗi lần cách nhau khoảng mười ngày. Trung Nguyên được chia thành bốn vùng, gọi là Giang Nam, Giang Bắc, Tây Nam và Lĩnh Nam. Giang Nam có trà Long Tỉnh, Giang Bắc nổi tiếng về các loại trà xanh, Lĩnh Nam có trà Ô Long, còn Tây Nam trồng nhiều trà đen, trà bánh. Nếu dùng làm trà Ô Long thì thợ chỉ ngắt đúng ba lá non và một búp. Trà xanh lá thường rất non nên chỉ ngắt hai lá. Long Tỉnh phải cần lá to hơn nên phải ngắt ba. Đến chiều, thợ đem trà đến cân để tính tiền. Trà được chế biến bằng cách để hong ngoài trời cho héo đi, sau đó đem vào ủ. Chuyên gia phải kiểm soát luôn luôn để cho hương vị được đúng độ. Khi đã ủ đến thì cho trà vào lò sấy. Trà được sấy nhiều lần nhưng phải đúng cách để khỏi mất phẩm chất. Qua hồi biến chế này, trà được gọi là trà sống. Tiếp theo là sàng sảy, rây, nhặt cọng và phân loại thành từng bậc khác nhau. Cũng nên thêm một điểm là dù mua trà đắt giá đến mấy thì các thường dân cũng chỉ có thể thưởng thức những loại trà kỹ nghệ.
Đồi trà vốn nằm gần một đồng cỏ rộng, cho nên Cửu Dương và Tân Nguyên cách cách bấy giờ vô tình gặp Dương Tiêu Phong lúc đó cùng với Tô Khất đang huấn luyện một đám kỵ sĩ.
Dương Tiêu Phong vừa loáng thoáng trông thấy bóng dáng Cửu Dương liền nhớ lại cuộc chuyện trò trên cỗ xe ngựa…
Chả là buổi trưa hôm qua, ngay sau khi Dương Tiêu Phong nghe Cửu Dương hỏi về Lưu Bang thì sực nghĩ tới thời Hán Sở tranh hùng có câu tục ngữ nói rằng "thỏ ranh mãnh chết, chó săn hầm chim bay hết, cất cung tốt.” Câu này có nghĩa là nếu mà công lao của bề tôi càng lớn thì lại càng khó khống chế, vì thế nên gây ra họa sát thân. Từ cổ chí kim không thiếu những người như vậy, nhưng điều đau lòng nhất là trong cuộc phân tranh giữa Hán và Sở thì Hàn Tín đã từng bán mạng cho Lưu Bang, vậy mà rốt cuộc cũng trở thành vật hy sinh trong cuộc đấu tranh "thỏ chết chó hầm” này. Còn Trương Lương thì lại khác. Sau khi cùng với Hàn Tín giúp Lưu Bang chiến thắng Hạng Vũ, Trương Lương đã tự nguyện trao trả binh quyền trước khi rút lui về quê ẩn dật nên mới có được kết cục tốt đẹp.
Nói tới Hàn Tín, năm xưa là một danh tướng thiên hạ vô địch, đã từng chỉ huy quân đội đánh trận bách chiến bách thắng, quả thực là rất tài giỏi nên được Lưu Bang phong làm đại tướng. Tuy nhiên sau khi đăng ngôi lên làm Hán Vương rồi, trước sau Lưu Bang vẫn không hề yên tâm về sự lựa chọn này. Tâm lý nghi kị này suy cho cùng âu cũng là bởi vì sự lo lắng của bậc đế vương. Lưu Bang e rằng trong tương lai sẽ không có đủ khả năng thao túng bề tôi, sợ Hàn Tín dựa vào công tích bấy nhiêu năm chinh chiến sa trường để lập mưu tạo phản.
Trình độ quân sự của Hàn Tín rất cao nhưng ngặt nỗi trình độ đấu tranh chính trị lại tương đối kém cỏi. Từ trước đến nay, Hàn Tín vẫn ôm ấp sự hoang tưởng về Lưu Bang, cho rằng mình vì Hán Vương lập nhiều chiến công như vậy thì Lưu Bang sẽ không bao giờ ra tay trừ hại đâu. Bởi thế mà nhiều khi nói chuyện trước mặt Lưu Bang, Hàn Tín không hề lo lắng do dự, cũng không màng giữ lễ nghĩa quân thần chi cả.
Có một hôm trong khi tảo triều, Lưu Bang và các quần thần bàn về những quan điểm tốt và xấu của các tướng lãnh. Lưu Bang hỏi Hàn Tín rằng:
-Ông xem trẫm có thể chỉ huy bao nhiêu binh mã?
Hàn Tín không cần lọc lừa ngôn ngữ, buột miệng đáp là:
-Bệ hạ chỉ có thể chỉ huy nhiều nhất là mười vạn binh mã mà thôi!
Lưu Bang lại hỏi:
-Vậy còn bản thân ông thì sao, có thể tự chỉ huy bao nhiêu binh mã hả?
Hàn Tín tự tin trả lời:
-Càng nhiều càng tốt!
Lưu Bang cười hỏi:

-Ông có thể càng nhiều càng tốt, vậy tại sao trẫm lại không thể?
Hàn Tín thật thà đáp:
-Vì bệ hạ không giỏi điều binh nhưng giỏi khiển tướng.
Dự vào mấy câu nói trên đã làm cho sự nghi kỵ của Lưu Bang đối với Hàn Tín ngày càng tăng, ai cũng đều nhận thấy, chỉ riêng bản thân Hàn Tín lại không hề biết gì. Bạn chí cốt của Hàn Tín là Khoái Triệt, một biện sĩ trí tuệ hơn người từ lâu đã phát giác ra sự nghi kỵ của Lưu Bang, từng khuyên Hàn Tín nên sớm rời bỏ chúa công để giữ mạng, còn nếu không hậu quả sẽ khó mà lường nổi cơ mà Hàn Tín nghe xong không chút động lòng.
Cuối cùng thì sự việc xấu nhất cũng đến, cái ngày mà Khoái Triệt tiên tri cũng xuất hiện. Ngay sau khi Lưu Bang chính thức đăng cơ làm hoàng đế thì Hàn Tín từ địa vị Tề Vương được phong trước đây chuyển làm “hoài âm hầu.” Điều này khiến cho Hàn Tín trong lòng không phục nên đã từ chối cùng Lưu Bang đi chinh phạt tên mưu phản Trần Hi. Lưu Bang mới nhân cơ hội này bày cho Lữ Hậu ra tay hạ thủ Hàn Tín, trước tiên là sai Túc Hà dụ Hàn Tín vào cung, rồi lấy cớ vu oan Hàn Tín thông đồng với Trần Hi để bắt Hàn Tín.
Hàn Tín tin theo lời của Túc Hà, tưởng rằng tất cả văn võ trong triều lúc bấy giờ đều vào cung chúc mừng chúa thượng thảo phạt Trần Hi thắng lợi. Ngờ đâu vừa vào cửa cung Trường Nhạc, Hàn Tín liền bị quân mai phục bố trí sẵn ở dưới nhảy bật lên lập tức trói lại. Lữ Hậu tự ý sát hại công thần, hạ lệnh xử Hàn Tín tội chết, mệnh lệnh lập tức được chấp hành.
Suốt bao nhiêu năm trường Hàn Tín làm đại tướng, đã từng có lời thề tử trận cho Lưu Bang, ngày hôm nay lại bị chính Lưu Bang sai Túc Hà dụ vào cung để sát hại. Hàn Tín trước khi qua đời than thở rằng, muôn sự thành cũng là do chúa công ban cho ông mà bại cũng do chúa công đòi mạng sống. Thói đời biến đổi thật nhanh. Nếu Hàn Tín nghe lời Khoái Triệt, sớm rời bỏ Lưu Bang thì có lẽ sẽ không phải gánh chịu tai họa sát thân này. Lại nữa nếu như Hàn Tín sáng suốt hơn một chút, sớm rút lui hoặc cẩn thận trong cách xử thế như Trương Lương thì cũng không đến nổi rơi vào kết cục đáng tiếc như vậy.
Lại nói tiếp về cuộc chuyện trò trên cỗ xe ngựa…
Dương Tiêu Phong nhìn Cửu Dương, đương nhiên là biết Cửu Dương đang ám chỉ cái hậu vận không may của mình, nhỡ mà mai này, nếu vẫn một lòng đi theo phò Khang Hi thì số phận sẽ phải giống như Hàn Tín song vẫn cười nhạt:
-Đúng là thiên ngoại hữu thiên nhân ngoại hữu nhân. Ngươi có thiên lí nhãn và thuận phong nhĩ, quả là không có gì có thể qua mắt được ngươi.
Cửu Dương nghe Phủ Viễn tướng quân hào phóng thốt lời khen, song biết hắn ta là người chuyên môn ưa nói những lời dễ lọt vào tai, liền bảo:
-Còn ngươi thì sao? Ta không cần phải nói rõ, ngươi cũng đã hiểu tất cả mọi chuyện rồi chứ?
Dương Tiêu Phong vẫn cười nói:
-Ngươi có ý khuyên ta nên đề phòng thánh thượng đương kim, không những chỉ một lần, mà lần này là lần thứ mấy rồi nhỉ?
Cửu Dương nói:
-Lời muốn nói ta đã nói xong rồi. Đối với ngươi, ta không muốn nhắc đến vấn đề ân nghĩa chi hết, chỉ nói bấy nhiêu đó thôi. Mai này vận mệnh của ngươi tốt hay xấu là do ngươi tự thêu tự dệt. Tương lai thế nào ta không quan tâm nữa, không nhúng tay vào nữa, ngươi tự mà đi lo liệu lấy thân đi.
Cửu Dương dứt lời tức khắc hô phu xe cho ngựa dừng chạy, vén rèm bước xuống đất.

-Tại hạ mắc nạn thọ thương – Dương Tiêu Phong thò đầu ra cửa sổ của cỗ xe nói với theo - Được Gia Cát tái lai trượng nghĩa ra tay tương cứu, thật không biết nên tỏ lời cảm tạ như thế nào?
Cửu Dương nghe vậy thì dừng chân quay mặt lại nói:
-Khi đó ta thấy ngươi thân bị trọng thương, cả người vết máu ẩn hiện, vốn không muốn cứu rồi, nhưng thấy ngươi lúc đấu với Liên Hoa sát thủ gương mặt chính nghĩa, nghĩ lại đáng tiếc, nên mới ra tay tương trợ... Nhưng vì vậy mà ngày sau nếu ngươi vung kiếm làm điều ác đức, ta nhất định sẽ tự tay lấy tính mệnh của ngươi!
Mấy câu này thốt ra khỏi cửa miệng của Cửu Dương tuyệt không khách sáo. Dương Tiêu Phong biết đấy chẳng phải là lời nói hăm he thông thường. Bởi lời mà Cửu Dương nói ra, tự nhiên với một khí độ uy nghiêm, khiến người ta cảm thấy chuyện đó dứt khoát phải như vậy.Phu xe của Dương Tiêu Phong là Lôi Kiến Minh, bấy giờ nghe Cửu Dương nói chuyện với thiếu chủ của mình, lời lẽ không tỏ ra một chút kính cẩn gì thì trong lòng cảm thấy dâng lên một cơn thịnh nộ nhưng cố nén lại.
Dương Tiêu Phong khi này vẫn nhẫn nhịn nói:
-Ta tự vấn mỗi lần xuất thủ giết người đều là do tự vệ. Vì trong thế gian này hễ mà kẻ nào mạnh thì thường đi bức hiếp kẻ yếu thế hơn. Cho nên nếu nói như ngươi, thì những kẻ yếu, nếu mà họ không biết cầm kiếm để tự bảo vệ chẳng phải có lỗi với chính bản thân họ hay sao?
Dương Tiêu Phong nói tới đây, ngưng trệ khoảng mươi giây rồi vẫn tiếp tục nói bằng giọng hòa nhã:
-Lại nữa nếu như ngươi quả thực có bản lĩnh để cầm kiếm vệ đạo thì đúng là điều đáng mừng đáng khen. Nhưng mỗi người đều có tiêu chuẩn và đạo lý riêng. Ngươi vì mang trong mình dòng máu của người Hán nên mới lập thệ tiêu diệt người Mãn. Còn ta, ta lấy chuyện tiêu diệt bang hội Đại Minh Triều làm điều hẳn hòi. Như vậy thì ta với ngươi, ai cũng trung thành với quốc, chỉ là kẻ đứng bên này lại thấy người bên kia tàn ác thôi…
-Nói như ngươi – Không đợi cho Dương Tiêu Phong dứt lời, Cửu Dương hỏi - Thì không lẽ đạo của nước lớn, lại trở thành cái cớ để họ xâm lấn nước nhỏ? Đạo của đại gia tộc, lại trở thành lý do để họ ức hiếp tiểu gia tộc? Kẻ mạnh kẻ trí, thì có tư cách đi áp bức kẻ yếu kẻ dại?
Câu hỏi ngược của Cửu Dương khiến cho Dương Tiêu Phong chìm sâu trong suy tư, rất lâu sau mới đáp:
-Sự xung đột giữa người với người… thực ra là ở chỗ mỗi người đều là những cá thể khác nhau, có những tiêu chuẩn và đạo lý khác nhau…
Ngừng thêm một lúc nữa, Dương Tiêu Phong tiếp lời:
-Ngươi cứ đề cao cái gọi là lễ nghĩa, kỳ thực chứa đầy sự mâu thuẫn. Để ta hỏi ngươi, lễ nghĩa và dã nhân, hai từ này khác nhau thế nào? Nếu như lúc xưa hoàng đế Sùng Trinh không tận hưởng hoan lạc, để mặc cho bá tánh chịu cực chịu khổ mà không thèm ngó ngàng, dẫn đến tình trạng quốc khố cạn kiệt thì đâu có chuyện Ngô Tam Quế mở cửa thành nối giáo cho giặc?
Cửu Dương từ nhỏ tuy không phải sinh trưởng trong quý tộc thế gia, nhưng từ lâu đã theo Cửu Nạn sư thái và Giác Viễn Lâm đại sư học đạo, cho nên rất tín phụng tầm quan trọng của lễ nghĩa, của đạo luân thường phụ tử quân thần, bất giác buột miệng phản bác:
-Cho dù tiên đế có là người thế nào chăng nữa thì Ngô Tam Quế cũng không nên làm một kẻ phản quốc, tự tiện mở cửa thành để quân Thanh nhập quan. Bởi lễ nghĩa là nguồn cội của tất cả mọi trật tự trong xã hội ngày nay. Con người khác với con vật ở điểm này. Nếu con người sống mà không có lễ nghĩa chẳng phải là giống như loài cầm thú hay sao?
Dương Tiêu Phong chờ cho Cửu Dương nói xong, mới nghiêm trang hỏi lại:

-Lễ nghĩa là gì? Bất quá chỉ là do nhân sinh tự định ra. Tại sao tàn sát một người là tử tội, mà chiến tranh xâm lược tàn sát hàng trăm hàng vạn người lại được tưởng thưởng, thậm chí còn được ca tụng? Tại sao kẻ cướp đoạt tài sản của người khác bị gọi là đạo tặc, mà kẻ cướp đoạt đất đai quốc thổ của nước khác lại được sử sách ca ngợi là danh tướng nguyên huân?
Thời thần lúc này đã quá trưa, mà cuộc tranh luận vẫn tiếp tục tiếp diễn. Ở trên cao đột nhiên có một đám mây đen kéo ngang qua che khuất mất mặt trời, tứ bề chợt nổi gió lên rất mạnh. Cửu Dương ánh mắt thoắt xa xăm, thái độ trầm ngâm suy tư, tự nghĩ những điều Dương Tiêu Phong đưa ra để chất nghi quả tình rất đúng. Lịch sử từ xưa đến nay đều như vậy, những sự việc ấy ngày nào mà chẳng phát sinh, chúng luôn tự nhiên như hô hấp vậy.
Lại nói tới Phủ Viễn tướng quân. Ở phía đối diện, Dương Tiêu Phong hãy còn hỏi tiếp:
-Tại sao bất chấp con cháu của một triều đại hung tàn thế nào, quần thần vẫn tận lòng trung thành, để quyền bính thống trị cho nó truyền đời tiếp tục? Tại sao khi một nhà vua chết đi lại giết bao nhiêu người đang sống để táng theo? Tại sao một người vợ vì chồng đã chết lại phải để tang suốt ba năm? Thêm vào đó cái quy định gọi là tam tòng tứ đức gì gì nữa đó, đã khiến cho những người phụ nữ khi xuất giá lấy chồng thì hoàn cảnh tốt hay xấu thế nào cũng trở thành người nhà chồng, chứ không được nương nhờ ai nữa. Tất cả những lễ nghi phong tục đạo đức đó, ta thấy rất vô lý! Vậy hà cớ gì phải tuân thủ theo chứ?
Cửu Dương đứng nghe một loạt mấy câu hỏi, chợt nhận thấy Dương Tiêu Phong toàn thân trên dưới đều đơn giản, không hề màu mè, thậm chí nói cười cũng rộng rãi bình hoà, thần thái không hề có chút gì kích động.
Nhưng cuối cùng Cửu Dương không đối đáp chỉ quay lưng bỏ đi.
Dương Tiêu Phong nhìn theo chiếc bóng của Cửu Dương xa dần, rồi hô Lôi Kiến Minh cho ngựa chạy.
-Thiếu chủ à - Lôi Kiến Minh vừa vung roi quất vào mông ngựa thúc nó chạy hướng phủ đệ vừa ngoảnh đầu lại nói – Lão nô xem chừng giữa ngài và tên họ Tần đó coi như cũng có duyên!
Nói xong ngửa mặt lên trời mà cười, lần đầu tiên từ khi đến kinh thành Lôi Kiến Minh mới thoát khỏi hình tượng là một lão nô bộc. Ông để lộ nguyên cái phong khí hào hùng của thuở xưa, bảo:
-Những gì thiếu chủ vừa thốt ra khiến cho lão nô cảm thấy rất sáng mắt.
Và ngừng một lát, Lôi Kiến Minh thêm lời:
-Bởi thế mà lúc nãy lão nô ngó thấy Tần Thiên Văn hắn đứng trơ như phỗng lắng nghe thiếu chủ hỏi, chắc trong lòng tâm phục khẩu phục lắm.
Dương Tiêu Phong lắc đầu nói:
-Hắn ta cả đời bôn ba khắp nơi, không màng danh lợi, là thế ngoại cao nhân đó Lôi nhị thúc à! Cháu đây thật tình hữu hạnh lắm mới được tri ngộ!
---oo0oo---
Bây giờ nhớ lại cuộc đối thoại của ngày hôm qua, Dương Tiêu Phong ra hiệu cho Tô Khất cùng dắt ngựa tiến lại gần chỗ Cửu Dương và Tân Nguyên cách cách đang ngồi chọn lá trà, sau khi làm lễ chào công chúa thì nói:
-Tân khoa trạng nguyên hôm nay tự dưng lại thích uống trà hơn rượu hay sao?
Tân Nguyên cách cách bảo một thợ hái mang thêm hai cái ghế đến cho Phủ Viễn tướng quân và phó tướng mai lặc chương kinh ngồi, trong khi Cửu Dương chậm rãi lắc đầu nói:
-Không.
-Thế hôm nay ngươi đến đây chọn trà kỹ như vậy… – Dương Tiêu Phong thắc mắc - Là để dành tặng hoàng thượng à?

-Không phải – Cửu Dương lại lắc đầu, giọng úp mở - Là để tặng một người khác.
Dương Tiêu Phong nhíu mày, cố đoán nhưng rốt cục vẫn không rõ Cửu Dương muốn tặng trà cho ai, tại sao lại tặng, và biết có đoán cũng là tự chuốc lấy phiền não nên thôi không hỏi nữa.
Tân Nguyên cách cách cũng chẳng nói năng gì nhiều, chỉ ngồi lặng trầm quan sát hai đấng nam trang. Nàng có cảm giác dường như giữa hai người đàn ông này có một khoảng cách nhất định. Họ chào hỏi mấy câu xong ngồi yên đấy, không ai nói với ai một lời nào nữa.
Lát sau, khi chọn được lá trà thơm ngon nhất rồi, Cửu Dương nhờ a hoàn thân cận của cách cách tên là Tiểu Điệp nấu một ấm nước để pha trà. Và sẵn tiện ngồi chờ nước sôi, Cửu Dương nói:
-Chúng ta đánh cờ đi.
Dương Tiêu Phong vui vẻ gật đầu, rồi nhìn sang một thợ trà đứng bên, bảo:
-Lấy cờ vây ra đây.
Nào ngờ Cửu Dương ngăn lại, tay chỉ bàn cờ để sẵn trên bàn:
-Ta không thích đánh cờ vây, mình chơi cờ tướng đi!
Nhưng Dương Tiêu Phong lắc đầu:
-Ta không biết đánh.
-Không sao, không biết thì từ từ học.
Cửu Dương nói đoạn với tay lấy những quân cờ bài lên trên bàn cờ, vừa sắp quân vừa từ tốn giảng giải. Độ một khắc trôi qua, khi nắm được nguyên tắc chơi rồi, hai người mới bắt đầu khai cuộc trung pháo, pháo đầu đối bình phong mã.
Thời tiết khi này là tháng năm, khí hậu thật ấm áp, có vài chiếc lá vàng nhẹ nhàng rơi xuống đất. Tân Nguyên cách cách chống tay lên cằm ngồi xem đánh cờ. Còn Tô Khất thì chỉ ngồi một chút rồi bái lui để trở về mã trường. Ánh mắt hiền dịu như nước, cách cách hưởng thụ giây phút thư giản hiếm hoi. Nàng thầm nhận xét hai người đàn ông này rất khác nhau. Một kẻ nổi tiếng là quân tử khoan hòa, xưa nay đối nhân xử thế rất mực nhã nhặn lịch thiệp khiến cho người khác kính phục. Còn lại một người thì điềm đạm, dáng dấp trông rất có uy, khiến cho người khác vừa kính nhưng lại vừa sợ. Họ ngồi đấy trầm tư đấu cờ, thần hồn hòa nhập vào các quân cờ đỏ đen.
Nàng lại nghĩ đến sự khác biệt giữa cờ tướng với cờ vây. Mục đích của cờ vây là để chiếm nhiều đất, chuyện bắt quân, hoặc gọi là nhốt tù binh, cũng cần, nhưng chỉ được xem là thứ yếu. Thế trận trên bàn cờ vây có khả năng biến hoá cao với các đám quân và vùng đất. Cao thủ chơi cờ vây thường tính trước nhiều nước không chỉ cho một nhóm quân mà có thể cho cả chục nhóm quân nằm xen kẽ phức tạp trên bàn cờ. Do đó cờ vây còn được nhìn nhận không phải là một chiến trường đánh phá tiêu diệt, mà là một dạng kiến thiết, xây dựng, khai phá và mở rộng phạm vi.
Trái ngược với cờ vây, mục đích của cờ tướng chính là để chiếu bí hay bắt tướng của đối phương mà giành thắng lợi. Theo như quy ước, khi bàn cờ tướng được quan sát chính diện thì phía dưới sẽ là vùng đặt quân đỏ, phía trên sẽ là quân đen. Ranh giới giữa hai bên gọi là sông, con sông này có tên là "Sở hà Hán giới,” nghĩa là biên giới giữa nước Sở và nước Hán. Truyền rằng khởi nghiệp nhà Hán, Lưu Bang có cuộc chiến liên miên với Sở vương là Hạng Vũ làm trăm họ lầm than. Có một hôm Hạng Vũ nói với Lưu Bang rằng “mấy năm nay thiên hạ khốn khổ chỉ vì hai chúng ta. Bây giờ quyết một trận sống chết để khỏi làm khổ thiên hạ nữa.” Lưu Bang trả lời “bổn vương chỉ đấu trí chứ không thèm đấu sức”…
Nhắc lại Dương Tiêu Phong và Cửu Dương.
Tân Nguyên cách cách thầm bảo lòng, “hai người họ tánh tình khác nhau là vậy, nhưng không ngờ bây giờ lại đồng lòng hợp tác với nhau.” Nàng tự nhủ xong ngẫm về chính trị của đại Thanh, hiện tại gồm hai thế lực chính, là tam mệnh đại thần và Phủ Viễn tướng quân. Ngao Bái đối đầu với Dương Tiêu Phong nhưng Dương Tiêu Phong có vẻ nắm lợi thế chính trị hơn vì bên cạnh là thiên tử. Chỉ cần thế cân bằng đó bị phá vỡ tức là lúc đại thanh rối loạn. Cho nên thành thật mà suy luận thì Dương Tiêu Phong hình như có ý để mặc tình cho Ngao Bái tác oai tác quái, cục diện mới giằng co đến mãi bây giờ. Mặc dầu Ngao tông đường và Dương Tiêu Phong hai người đều nắm trong tay binh mã, nắm giữ lực lượng quân đội nhưng trước khi vụ việc ở di trường Mộc Lan xảy ra thì không ai có ý muốn chọi thẳng đối phương cả. Cán cân ở trong cung đình vì vậy rất cân bằng.
Còn Cửu Dương lại khác. Tân Nguyên cách cách thầm so sánh, khi y xuất thủ thì muốn tiêu diệt tên đầu não của phe đối lập trước. Vì hễ y không làm thì thôi, còn làm là phải làm cho triệt để, ở mức độ cao nhất, không cân đo đong điếm làm mất đi rất nhiều thời gian và cơ hội tốt.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận