Từ độ bình minh lên cho đến tối ngày hôm sau, Nữ Thần Y mất ăn mất ngủ. Nàng nằm trằn trọc trên giường nghe tiếng canh đổ mỗi canh giờ. Nhớ lại mấy thời thần trước đó, lúc tiễn sư huynh lên xe, Cửu Dương trao cho nàng một sợi dây chuyền làm bằng chỉ đỏ, chính giữa có xỏ miếng ngọc khắc hình Quan Âm:
-Tặng cho muội - Cửu Dương đeo sợi dây chuyền vào cổ sư muội, đoạn nắm lấy đôi bàn tay nàng và thêm lời - Lần đầu tiên gặp muội là ở Tây Hồ, lúc bấy giờ Sư Thái bồng muội trên tay, muội hãy còn là một hài nhi chỉ mới mấy tháng tuổi thôi.
Nữ Thần Y nghe sư huynh bảo vậy vội gác sầu khổ sang bên, chăm chú lắng nghe. Cửu Dương kể:
-Năm ấy Sư Thái bảo với huynh và Nhị ca rằng đã nhặt được muội tại miếu Quan Âm ở Tây Sơn. Đang giữa mùa đông giá rét nhưng thời tiết hôm ấy bỗng dưng tươi đẹp lạ thường, da trời xanh ngắt một màu như mới gột, gió nhẹ thoảng qua khiến tâm hồn phơi phới, Sư Thái cùng với Tôn bà đi chùa lễ phật.
Cửu Dương nói và càng siết chặt bàn tay nàng, đôi mắt u uẩn của chàng nhìn nàng bức thiết, giọng trầm xuống:
-Mười ba năm sau cũng tại ngoại ô gần Tây Hồ, huynh và Nhị ca đang cưỡi ngựa chợt trông thấy một cô bé phi ngựa trên triền đồi đằng xa – Cửu Dương bật cười – Lần đầu tiên tận mắt chứng kiến tài cưỡi ngựa của muội đó cho đến nay huynh vẫn không sao quên được. Ngay cả bây giờ huynh cũng có thể hình dung ra dáng vẻ của muội, lúc ấy trông muội diễm lệ đến rung động lòng người.
Cửu Dương dứt lời bèn hồi tưởng tư thái thoát tục của Nữ Thần Y hôm ở ngoại thành, bất giác thở dài và nói tiếp:
-Ngày đó... mãi cho đến hôm nay huynh vẫn còn ấn tượng. Huynh nhớ tiếng cười lảnh lót như chuông bạc của muội, thanh âm vang vọng khắp núi đồi, dào dạt niềm vui khiến cho ai nghe thấy cũng phải hân hoan, cũng muốn cười theo muội.
Nữ Thần Y hai má ửng hồng, đầu cúi xuống trân trân nhìn miếng ngọc khắc hình phật bà Quan Âm.
-Lúc đó huynh không dám tin vào mắt mình, Giang Nam có rất nhiều mỹ nhân, nhưng với huynh, chẳng ai đẹp bằng muội cả.
Nữ Thần Y nghe sư huynh nói vậy thầm nghĩ hồi ấy nàng còn là một thiếu nữ ngây thơ chưa biết chữ tình là gì, và những tưởng trong tương lai gần đây nàng sẽ cùng người nàng yêu được sóng bay tới chín tầng trời cho thỏa niềm vui tận đáy lòng.
Ôm nàng thật chặt vào lòng, Cửu Dương lại kể:
-Huynh đã đi khắp đại giang nam bắc, mất hơn nửa năm mới tìm được miếng ngọc khắc hình Quan Âm này, nghe Sư Thái bảo tượng hình này trông giống hệt pho tượng trên núi Tây Sơn hôm nào. Huynh mới mang về định tặng cho muội trong ngày tết Nguyên Tiêu...
Cửu Dương nói tới đây liền cười khổ, không nói rõ hơn, lòng thầm nhủ trời già sao lại khéo trêu ngươi đến vậy!
Nữ Thần Y cúi nhìn mặt dây chuyền, ngắm nghía chốc lát, chợt nghĩ tới Tần Thiên Nhân. Đột nhiên trái tim đập điên cuồng, tâm trạng hoang mang mờ mịt, những lời hứa hẹn trên cầu Tây Lâm lại vang vẳng bên tai nàng. Rốt cuộc không nhịn được đã muốn rơi lệ song nàng rất mau lấy lại bình tĩnh và hỏi:
-Đây hả? Đây là mặt dây chuyền định tặng cho muội à?
Cửu Dương gật đầu, mắt nhìn miếng ngọc trên cổ Nữ Thần Y, đoạn đưa tay vuốt một lọn tóc đen nhánh của nàng và nói tiếp:
-Sớm mong chiều ngóng, cuối cùng ngày tết cũng đến. Nhưng khi loáng thoáng trông thấy bóng dáng của muội và Nhị ca trên cầu Tây Lâm huynh mới biết sự việc không như mình chờ đợi. Người khiến huynh tương tư suốt mấy năm trời vốn chẳng bao giờ yêu huynh...
Chàng ngưng ngang, không nói hết.
Nữ Thần Y cũng im lặng, một hồi lâu sau nàng hít vào một hơi thật sâu:
-Thất ca à, huynh nhất định phải bình yên trở về, muội sẽ đợi huynh! Khi nào huynh trở về muội mới nhận món quà này vì muội muốn huynh phải đích tay đeo vào cho muội!
Nữ Thần Y càng nói càng cảm thấy trái tim nàng đập mỗi lúc một mạnh, toan tháo sợi dây chuyền ra trả cho sư huynh. Cửu Dương liền nắm bàn tay nàng lại:
-Đừng tháo!
Và chàng siết tay nàng chặt hơn, thì thầm:
-Đây là quà tặng cho người huynh yêu!
Nói đoạn chàng đưa tay còn lại nâng cằm nàng lên, nhìn sâu vào đôi mắt to tròn và sáng long lanh như những giọt sương:
-Hứa với huynh, đừng bao giờ tháo ra!
Nữ Thần Y cũng nhìn vào đôi mắt đen thăm thẳm của sư huynh, cảm nhận được trong đó đong đầy tình thương mến nhưng cũng đầy nỗi sầu bi xót xa, đầy đến nổi tưởng chừng sắp tràn cả ra ngoài. Nàng bỗng cảm giác lòng nàng xao xuyến lạ, một nỗi xao xuyến pha lẫn chút gì thương cảm bèn chậm rãi gật đầu. Thấy nàng nhận lời, Cửu Dương mỉm cười buông tay rồi leo lên cỗ xe ngựa.
Trước khi bảo phu xe cho ngựa chạy, Cửu Dương vén rèm sang bên.
- Đừng lo! – Chàng nói chắc - Huynh thể nào cũng sẽ bình an trở về!
Đêm đó khoảng đầu canh hai, Nữ Thần Y ở nhà đợi Cửu Dương trở về. Đứng ngồi không yên, nàng vùi đầu vào đôi tay, đau khổ nhắm mắt lại. Sau hồi tự mình nhát mình xong nàng bèn đi mở hai cánh cửa sổ ra để đón ánh trăng thì đột nhiên trông thấy Tân Nguyên cách cách vận y phục thường dân đứng bên vệ đường. Nữ Thần Y vội vàng xách lồng đèn bước ra cúi chào.
-Thật là ngại quá! – Tân Nguyên cách cách cười nói - Trời tối như vầy mà còn làm phiền cô. Có lẽ là ta đã lo lắng quá rồi!
Nữ Thần Y ái ngại hỏi:
-Cách cách đã đứng đây bao lâu?
-Từ ban chiều. Ta thấy cô tiễn huynh ấy đi – Đoạn, cách cách hỏi trổng - ... còn chưa về sao?
Tân Nguyên cách cách hỏi xong chớp chớp mắt, trong đôi mắt to của nàng bỗng dâng lên ánh nước:
-Ta thật tình cảm thấy rất lo...
Nữ Thần Y đương nhiên là biết cách cách đang ám chỉ nguy cơ gì nên vội lên tiếng trấn an:
-Huynh ấy rất thông minh, sẽ không có sao đâu.
-Cô có vẻ tin tưởng sư huynh của cô lắm sao?
-Vâng!
Bấy giờ có một cơn gió mạnh thổi qua, Nữ Thần Y liền đặt lồng đèn xuống đất, cởi áo choàng ra quàng lên vai cách cách, rồi chẳng nói năng gì thêm. Dưới ánh trăng Tân Nguyên cách cách nhận thấy nữ nhân này quả tình thật đẹp, mắt sáng mày cong, đôi môi mềm đỏ mọng, một khuôn miệng tươi trên làn da trắng mịn màng.
Tân Nguyên cách cách âm thầm thở dài, tay nâng chiếc lồng đèn lên ngắm hình hồ điệp đang vươn cánh trên mảnh giấy dán ngoài lồng đèn, trên đấy có chép hai câu thơ của Lý Thương Ẩn, bài Cẩm Sắt. Chữ viết phong lưu bay bướm này nàng nhận ra đích thực là của Cửu Dương, bèn nhẩm đọc:
Trang Chu hiểu mộng mê hồ điệp
Thục đế xuân tâm thác đỗ quyên
-Bài này có tên là “mộng hồ điệp” hay “Trang Chu mộng hồ điệp” – Nữ Thần Y dịu dàng bảo - Là do sư huynh của nô tì chép lại, đoạn thơ này trong sách Trang tử rất nổi tiếng, nó đã trở thành một điển tích thường dùng trong văn chương xưa.
Lòng quặn đau, Tân Nguyên cách cách nghe nói vậy liền dựa lưng vào thân cây gần đấy nhắm nghiền mắt lại. Bài thơ này nàng đã từng học qua, năm xưa Sách Ngạch Đồ có lần giảng rằng uyên ương là tên của loài chim tượng trưng cho tình yêu nam nữ, còn hồ điệp là bươm bướm. Các điển tích về tình yêu thường hay sử dụng loại chim này. Và mộng uyên ương hồ điệp có thể hiểu là ước mơ về một cuộc tình đẹp mãi mãi, gắn bó đời đời như uyên ương và bươm bướm vậy.
Ở phía đối diện, Nữ Thần Y ngó thấy cách cách phản ứng có hơi kỳ lạ liền hoảng hốt nói:
-Cách cách à... hay là cách cách vào nhà ngồi nghỉ ngơi một lúc đi, chứ ở bên ngoài thế này trời tối sẽ rất lạnh đó, không khéo sẽ bị nhiễm bệnh phong hàn.
Tân Nguyên cách cách lấy lại bình tĩnh khẽ gật đầu. Cả hai bước vào nhà, Nữ Thần Y đặt lồng đèn lên trên bàn rồi rót trà ra chung. Tân Nguyên cách cách ngồi xuống bên cạnh bàn trầm ngâm suy nghĩ.
Im lìm một thoáng cách cách ngẩng đầu lên nói:
-Cô không có cười ta chứ?
Nữ Thần Y lắc đầu nói:
-Nô tì đâu dám.
Đoạn nàng mỉm cười ý nhị:
-Vả lại nô tì cũng là con gái, huống chi lại lớn hơn cách cách vài tuổi, tâm tình của cách cách nô tì nhìn qua thì đã biết ngay.
Tân Nguyên cách cách ngồi ngây ra đó, muốn mở miệng nhưng hồi lâu vẫn không thốt ra lời được, mãi mới lập bập được một câu:
-Thật sự ra thì... đối với sư huynh của cô ta chỉ là có chút quan tâm thôi chứ không có quan hệ gì với y hết.
Nữ Thần Y tiếp tục nở nụ cười duyên dáng:
-Quan tâm chút ít đó là một chuyện, còn một người đứng chờ người kia đến nửa ngày trời thì lại là một chuyện khác. Trong lòng suy nghĩ những gì nhưng lại không nói ra được, hoặc là không đủ can đảm để nói ra, đó chính là tánh nết ngàn đời của những người con gái chúng ta...
Tân Nguyên cách cách đột nhiên xen lời:
-Cô có lẽ rất có kinh nghiệm trong chuyện tình trường?
Nữ Thần Y không rõ cách cách nói vậy nghĩa là gì, là thốt lời khen tặng nàng hay là đang mỉa mai châm biếm nàng. Nàng nhìn gương mặt tái nhợt của người đối diện, chợt cảm thấy lòng đau thắt lại và chậm rãi đáp:
-Phận đàn bà con gái của chúng ta như những hạt mưa sa, từ lúc được mẹ sinh ra đời thì đã quen có chuyện gì cũng phải giấu ở trong lòng, không được phép bày tỏ nỗi lòng với ai, càng không được phép ngỏ lời hẹn hò cùng ai hết. Là con gái, là phải chờ người con trai mở lời yêu đương trước. Nữ nhân dù có đảm lượng đến đâu đi chăng nữa cũng phải cố tỏ ra mềm mỏng yếu đuối, như vậy thì mới được cánh đàn ông họ sẵn sàng dang tay bao bọc, chăm sóc...
-Thế cô đã từng được người nào bảo vệ? – Tân Nguyên cách cách đột nhiên hỏi - Đã từng được người nào làm ô dù che chở cho?
Nữ Thần Y vốn không hề chuẩn bị cho một câu hỏi đau lòng như vầy.
-Trên cõi đời này chỉ có một người duy nhất có thể làm cho nô tì nhớ nhung, có thể làm cho nô tì cảm thấy xót ruột, ăn ngủ không yên giấc được, làm cho nô tì giây phút nào cũng hồi tưởng lại và rơi nước mắt...
-Là “thần quyền Nam hiệp” à?
-Tại sao cách cách biết?
-Bổn cung nghe Phủ Viễn tướng quân nói.
Trong mắt Nữ Thần Y bỗng dưng nổi lên một đám mây mù nghi ngại, nàng nói bằng giọng lo lắng:
-Tiếc là bây giờ huynh ấy không còn ở bên cạnh nô tì nữa, cũng không rõ là đang trôi dạt phương trời nào, cho nên nô tì mới có thể ứng nổi với tám chữ “diễm như đạo lý, lãnh nhược băng sương.”
-Thật vậy sao? – Tân Nguyên cách cách thở dài – Có đôi khi bổn cung cũng rất muốn trở thành người vô cảm giống như cô.
Nữ Thần Y lắc đầu:
-Cách cách với nô tì không giống với nhau đâu. Từ nhỏ tới lớn nô tì là một đứa trẻ mồ côi, hằng ngày cùng sinh hoạt chung với các vị sư huynh. Trong bảy người bọn họ nô tì nhận thấy đảm chức của Nhị ca, xem huynh ấy không giống như người ta nên đã đem lòng ngưỡng mộ. Rồi từ lòng ngưỡng mộ đó đã phát sinh ra tình yêu. Đối với nô tì, huynh ấy rất quan trọng, huynh ấy là cả cuộc đời của nô tì, và có thể nói nô tì coi huynh ấy như là người thân duy nhất nên cả đời này không thể nào quên được. Còn cách cách thì khác, ở Tử Cấm Thành cách cách có gia đình, có cuộc sống vui vẻ sung sướng, bình an vô sự, có thái hoàng thái hậu cưng yêu chiều chuộng và còn một vị hôn phu đảm lượng hơn người.
-Nhưng ta vốn không có tình cảm đặc biệt gì với Phủ Viễn tướng quân.
-Nô tì biết chứ! Lần đầu tiên nô tì gặp cách cách cho tới bây giờ, hồi trước, nô tì cả gan nhận xét cách cách là một thiếu nữ vô ưu vô tư nhưng bây giờ đã biến thành đa sầu đa cảm. Cách cách không thể không thừa nhận đối với thất ca của nô tì đã nảy sinh tình yêu, chẳng những là vậy, mà hình như còn dụng tình quá sâu nữa...
Tân Nguyên cách cách lắng nghe Nữ Thần Y nói, cảm thấy đôi mắt của nữ nhân trước mặt nàng có sức lay động kinh người, cứ như là nhìn được tận đáy lòng nàng vậy.
Thời gian chầm chậm trôi qua, cách cách ngồi đó chậm rãi gạt xác trà, không thừa nhận cũng không phủ nhận, chỉ hạ giọng:
-Hèn chi thái hoàng thái hậu chuyên môn khuyên ta không nên ra ngoài mà nên ở trong cung với bà, vì bà sợ tánh tình của ta thật thà, khi trò chuyện với ai mà lòng dạ bối rối như thế này thì người ta chỉ cần nhìn một cái là biết liền.
Và Tân Nguyên cách cách cười cười một cách mất tự nhiên:
-Không biết “hắn” có biết... nỗi lòng của ta không?
Nữ Thần Y không ngần ngại, gật đầu ngay:
-Thất ca huynh ấy không phải hạng khù khờ, trái lại rất là nhạy cảm, cho nên nô tì nghĩ huynh ấy chắc chắn biết.
Nữ Thần Y nói rồi sực nghe hỏi:
-Thế cô có bí quyết gì mà khiến cho nhiều người đàn ông sa ngã, ai cũng si tình vì cô?
Im lặng để suy nghĩ một thoáng, Nữ Thần Y cúi mặt buồn buồn đáp lời:
-Cách cách xin đừng nói đùa với nô tì nữa. Nô tì vốn dĩ chẳng có bí quyết gì hết, mà cũng không muốn đi quyến rũ ai đâu. Tuy nhiên năm xưa nô tì đã có lần nghe Cửu Nạn Sư Thái nói rằng dùng tình cũng giống như dùng kiếm vậy. Nếu như mà xuất kiếm hữu hình thì sẽ làm cho địch bỏ chạy, còn xuất kiếm vô hình thì sẽ lấy được mạng đối thủ. So với kiếm, khi tình thấy hình thì chỉ muốn hóa có thành không, nên nếu muốn dùng tình có hiệu lực thì phải dùng nhu khắc cương. Thành thử người ta mới có câu muốn bắt là phải thả, hóa không thành có mới chính là cao chiêu...
Nữ Thần Y nói, Tân Nguyên cách cách nghe ra như lời của Lão tử. Nguyên ý trên như được trích từ một chương trong Đạo đức kinh, "muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng nó ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử họ lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. Hiểu như vậy là sâu kín mà sáng suốt..."
Tân Nguyên cách cách bèn nói:
-Đúng rồi, Sách Ngạch Đồ đại nhân cũng ưa đọc hai câu thơ mà lúc chưa biết yêu ai ta đã nghe nhiều lần song không thể nào hiểu được.
Tân Nguyên cách cách nói rồi cất giọng khẽ đọc:
Lợi kiếm hữu thần nhân hữu thực
Lưỡng giả vô hình luyện thành nhất
-Bây giờ nghe cô nói như vậy - Tân Nguyên cách cách nhìn Nữ Thần Y - Thì ta đã hiểu tám chín phần. Ta cũng thật lòng rất khâm phục cô vì ta thấy cô dường như có vẻ rất hiểu thấu tâm lý của bọn đàn ông.
Nữ Thần Y ngẩng đầu lên nhìn cách cách một cái, nước mắt trào lên lưng tròng. Nàng nghẹn ngào, giọng u sầu não nuột:
-Nô tì thật tình không muốn thông hiểu ai đâu, mà chỉ muốn thông hiểu lòng dạ của một người thôi. Tuy nhiên không biết bây giờ huynh ấy thế nào rồi, vẫn còn sống sót trên cõi trần này hay là đã chết?