Phù Dung Trì

Phần XI: Lỡ nhau một kiếp

Hôm nay Ngũ hoàng tử và Thất hoàng tử chơi trò đánh trận. Ta vẫn đóng vai con chiến mã như mọi khi. Có điều gần đây Ngũ hoàng tử phát phì, ta thực sự không chịu nổi trọng lượng của ngài, bò được một lúc thì tay chân run rẩy không giữ cân bằng được. Ta tên là Lưu Hải – tiểu thái giám ở Đạm Sơn cung.

Trò chơi của các vị hoàng tử rất phong phú, xét cho cùng chỉ có hai loại. Một loại là đem thú nuôi ra hành hạ, loại thứ hai là ngược đãi kẻ nô tài như ta. Hôm trước bị đứng đội táo cho Ngũ hoàng tử phóng tiêu, ta quá sợ hãi mà tè ướt cái quần. Bọn họ xúm lại đá vào háng ta rồi ôm bụng cười khùng khục. Tối về ta lén ôm quần bẩn đi ra ngoài giặt. May là ta mới mười tuổi, dáng người nhỏ bé nên không bị để ý. Quần dính nước tiểu, còn dính cả dấu giày của bọn họ, ta buộc lòng đến phòng giặt một chuyến. Đêm cuối thu se lạnh, ta khom lưng nhúng quần vào hồ nước tẩy. Thành hồ bị ẩm ướt quanh năm nên có lớp rêu mỏng, ta chỉ lo chồm người giặt giũ không chú ý, thế là ngã xuống. Trời sinh ta rất sợ nước, lại không biết bơi. Nửa đêm phòng giặt tối thui, không ai đốt đèn. Ta thoi thóp trong hồ nước đen sì, thầm nghĩ mình sắp chết rồi.

Ngay lúc đó có một đốm sáng lờ mờ đi tới, rồi giọng nữ nhân cất lên như âm thanh hy vọng huyền dịu nhất nhân thế:

- Ai đó?

- C... Cứu... Cứu mạng...!!!

Ta được người nọ lôi lên từ hồ tẩy, đầu cổ ướt đẫm, cả người bốc mùi hôi thối. Dưới ánh sáng mơ hồ của ngọn đèn lồng, ta nhìn thấy nàng là một nữ nhân không còn trẻ, nét mặt rất hiền từ.

- Cháu có sao không? Có cần tìm đại phu không?

- Dạ... Không, không sao...

Ta nào dám tìm đại phu, chữa bệnh cũng tốn tiền mà. Vả lại nếu Trương mama biết ta đổ bệnh bà ấy sẽ không cho ta hầu hạ Ngũ hoàng tử nữa, sẽ tống ta vào hậu viện làm việc nặng. Ta không muốn gánh nước chẻ củi mỗi ngày! Ân nhân của ta họ Hà, dì Hà là cung nữ làm việc ở phòng giặt. Hôm đó dì cho ta mượn bộ quần áo sạch, còn giúp ta giặt đồ bẩn, bảo ta về ngủ sớm ngày mai đến lấy. Hôm sau ta đi tìm dì ấy, nhận quần áo về, còn nhận được ít thuốc cảm sốt phòng thân. Chưa có ai đối tốt với ta như vậy, quen bị đánh chửi nên ta cảm thấy dì Hà như Bồ Tát sống, thầm hứa với lòng phải báo đáp ân tình này.

Vài tháng sau dì được làm mama ở nội viện. Có quyền có chức hơn, dì vẫn đối với ta quan tâm như cũ, thỉnh thoảng lén cho ta ít bạc, ít thức ăn ngon, dạy ta đạo lý sinh tồn trong hoàng cung. Dì Hà thấy ta ngoan ngoãn vâng lời nên nói đùa: “Hay là cháu làm con dì đi!” Ta không suy nghĩ gì gật đầu ngay, ta xem dì như mẹ từ lâu rồi!

Từ đó ta có mẹ nuôi.

Rồi năm ấy mẹ nuôi có chủ tử mới, là một vị Tiệp dư họ Phương không có thanh thế gì. Từ ngày mẹ chuyển đến cung Cần Du ta ít liên lạc hơn. Hiện tại ta là thái giám của Ngũ hoàng tử, nếu quan hệ quá thân sẽ bị nghi ngờ. Phương tiệp dư là một chủ tử tốt nhưng không có quyền thế, may là nàng ta sinh được Bát hoàng tử. Mẹ Hà làm mama đỡ đầu, từ đó ít quan tâm đến ta hơn. Ta vẫn hiếu thuận với mẹ như trước, nếu có tin tức gì quan trọng sẽ báo cho mẹ chuẩn bị, tránh gặp tai bay vạ gió. Bát hoàng tử dần lớn, là một cậu bé dễ thương, hiền hiền, hơi khờ một chút. Những khi có cơ hội ta sẽ tìm cậu ấy chơi, hầu hạ Bát hoàng tử dễ chịu hơn Ngũ hoàng tử nhiều, giá như ta cũng làm nô tài ở cung Cần Du thì hay quá!

Năm Bát hoàng tử mười ba tuổi, Tiệp dư nương nương bị ép phá thai. Chuyện xấu liên tục tới, hoàng tử ám sát công chúa bị giam vào ngục, tiệp dư đổi mạng cứu con. Từ đó cung Cẩn Du vô chủ, tan hoang, tiêu điều... Mẹ Hà vẫn ở lại nơi đó, tiếp tục chăm sóc Bát hoàng tử. Một vị hoàng tử nhỏ tuổi mà không mẹ, không có gia thế họ ngoại chẳng khác gì đồ bỏ đi. Cuộc sống của chủ tớ cung Cần Du rất khổ sở, lương thực bị cắt xén, đồ dùng không đưa đủ, mái đình bị dột cũng không ai sửa. Những năm đó ta thường đi ăn trộm, có chút gì đáng giá đều đưa cho mẹ, để cuộc sống bớt vất vả hơn.

Một đêm nọ ta lẻn vào phòng Ngũ hoàng tử muốn trộm mấy tấm ngân phiếu. Thấy hoàng tử ngáy khò khò trên giường nên khá yên tâm. Hắn là con của Qúy phi, ăn sung mặc sướng, tiền của xài không hết. Ta nghĩ chỉ lấy vài món đồ chắc không bị phát hiện. Hồi hộp cạy mở rương gỗ, vừa thò tay vào xấp tiền thì đột nhiên bị ngăn lại. Trong phòng không đốt nến, ta sợ hết cả hồn. Người kia một tay bịt miệng, một tay ôm vai kéo ta đi. Hắn bay qua cửa sổ, đem theo ta chạy vù vù thật xa. Lúc quay đầu nhìn lại ta thấy cấm vệ xách đèn bao vây cung Qúy phi, may là ta đã chạy kịp.

- Ngu ngốc! Tiền có thể trộm như vậy sao?

Khi người kia đặt ta xuống đất, ta mới nhìn rõ hắn là một thiếu niên cao gầy. Dưới ánh trăng hiện lên ngũ quan trẻ trung anh tuấn. Kẻ này... Sao giống Bát hoàng tử vậy nhỉ?

- Ngươi không biết chữ à? Bạc ở chỗ Qúy phi đều có đóng dấu, trộm đồ đi bán thì được, trộm ngân lượng sẽ bị điều tra ngay!

Hắn ngồi trên nhánh cây, hai chân đung đưa tán gẫu. Ta mở to mắt nhìn thật kĩ rồi mới đi đến kết luận.

- Bát hoàng tử??? Sao ngài lại ở đây???

Năm đó hoàng tử mười sáu tuổi, đã cao bằng ta rồi, không phải đứa nhỏ lùn như cây nấm năm xưa nữa. Hắn cười khẩy, điệu bộ thực xấu xa. Hắn ném xuống cho ta một cái đùi gà, còn mình thì ung dung ngồi trên chạc cây nhai hạt lựu.

- Bây giờ người vẫn còn thói trộm vặt à? Không phải Hà cô cô không cho phép người ăn trộm nữa sao?

- Ta... Ta... Chỉ muốn giúp đỡ nhưng lại không có tiền, ngoài ăn trộm thì đâu còn cách nào nữa?

Bát hoàng tử ngửa đầu nhìn trăng, đem giày ném xuống đất rồi tìm tư thế nằm thoải mái.

- Chỗ ta không thiếu thốn như người tưởng đâu. Bổn hoàng tử không cần người thương hại! Hà cô cô không cho phép người tiếp tục ăn trộm là sợ có ngày bị phát giác. Tới lúc đó hình phạt nhẹ nhất là loạn côn đánh chết! Người đừng để bà ấy lo lắng nữa...

- Nhưng... Nhưng...

Bát hoàng tử nhíu mày, búng hạt lựu lốp bốp xuống đầu ta. Hắn lại cười nửa miệng một cách xảo trá.

- Nếu người muốn giúp thì có một chuyện. Chỉ sợ người không dám làm!

Ta ngửa đầu nhìn lên chạc cây. Thiếu niên đó mắt sáng như sao, vóc người hơi gầy nhưng rất có sức lực. Cái màn bay bay vừa rồi cũng đủ thấy võ công hắn không tồi. Ta thực khó hiểu, vị hoàng tử này không được bệ hạ yêu quý, chẳng có ai ngó ngàng nhưng sao hiểu biết nhiều như vậy. Hắn đi lại trong hoàng cung tự nhiên khoái hoạt như cơn gió, cả cấm y vệ cũng xem thường. Hình như ta bỏ sót điều gì thì phải...

- Ngài... Muốn nô tài làm chuyện gì?

Bát hoàng tử híp mắt, nói ra những lời rất dọa người:

- Ta muốn người đẩy Ngũ hoàng tử xuống hồ, còn muốn người bỏ thuốc Lan phi nương nương...

Chẳng biết bắt đầu như thế nào Lưu Hải ta lớn gan như vậy. Những chuyện tai tiếng trong hậu cung ít nhiều đều có dính líu đến ta. Dĩ nhiên ta chỉ là một nhân tố nhỏ bên trong, dưới trướng Bát hoàng tử còn có nhiều người ta chưa từng thấy mặt. Đầu quân cho ngài, ta cũng đi hỏi mẹ Hà một chút. Bà ấy cười cười, vừa tán đồng vừa lo lắng bảo: “Làm việc cho bát hoàng tử con phải cẩn thận, tuyệt đối nghe lời ngài. Từ bây giờ cố gắng quan sát một chút, phải hiểu rằng mình không còn là tiểu thái giám chỉ lo phục dịch người khác... Con là người làm đại sự, bất cẩn một chút là mất mạng, tất cả thành quả ngày sau sẽ có hồi đáp!”

Mẹ nói đúng, ta làm chuyện lớn để có địa vị lớn. Khi bệ hạ đăng cơ ngài chọn ta làm công công tổng quản, đứng đầu thái giám trong cung. Chuyện đời ta thật ly kỳ không tin nổi. Ai mà biết Lưu Hải nhát gan hay tè dầm ngày xưa lại trở thành Lưu công công bây giờ?

Năm Thiên Vĩnh thứ mười bốn, bệ hạ đi sứ sang Trung Lương, Cẩn đại nhân cũng đi cùng. Vị Cẩn Thiện này cùng trang lứa với bệ hạ, ngày xưa phụ thân hắn chỉ là một quan văn nho nhỏ. Nếu ta là người âm thầm gây không ít sống gió ở hậu cung thì Cẩn Hoành là người đứng sau chính biến của hoàng triều. Bọn ta đều “nhỏ mà có võ”! Ta làm công công, Cẩn Hoành bây giờ là Quốc sư đại nhân rồi. Ông ấy có duy nhất đứa con trai Cẩn Thiện, nghe nói từ nhỏ đọc sách cốt để phò chúa sau này. Cha hướng nghiệp cho con thật tốt!

Cẩn Thiện đi với bệ hạ, lắm chuyện vui để xem. Trung Lương chỉ là một tiểu quốc mà thôi, ta tin trong ít năm nữa nó sẽ thuộc về lãnh thổ Khương La. Tham vọng của bệ hạ chưa bao giờ thấy đáy. Cô công chúa hòa thân tên Sở Tâm Huệ, là đệ nhất công chúa. Hoàng thượng không quá để ý đến nàng, mỹ nhân ở Đế Đô nào có thiếu. Một Sở Tâm Huệ đẹp đến đâu cũng không còn đặc biệt. Chúng ta đến ngoại giao vừa khéo gặp lễ Hoa Đăng, bệ hạ ham vui muốn xem thả đèn, ta đành ở lại hành cung trông coi mọi việc. Cẩn Thiện thật là đáng thương, hắn bước lọc cọc trên guốc gỗ, mặc nữ y đi theo. Đối với bệ hạ, Cẩn Thiện chỉ có hai tác dụng. Lúc ngài lười biếng thì ném tấu chương cho hắn, lúc ngài nhàm chán thì lấy việc trêu chọc hắn làm vui. Cứ đà này Cẩn đại nhân biết bao giờ mới lấy được vợ!?

Bọn họ trở về hành cung rất muộn, lúc ra nghênh đón ta thực sự bị dọa hết hồn. Trên khuôn mặt trắng trẻo của bệ hạ có một dấu bàn tay đỏ ửng, đủ cho thấy mấy phần công lực bình sinh đều dồn hết vào cái tát này. Ôi, dung nhan của ngài sau một đêm đã thảm hại như hàng đại hạ giá! Biểu cảm đáng sợ của hoàng đế làm ta tò mò, kinh ngạc, kích động, phấn khích mà... Không dám hỏi. Tự đáy lòng khâm phục nữ trung hào kiệt nào dám chơi ngài một vố đau như thế! Đàn bà Trung Lương ghê gớm thật, chỉ bị sàm sỡ thôi chứ có gì to tát? Nữ nhân muốn được bệ hạ nhà ta sàm sỡ xếp hàng dài từ Trung Lương về đến Khương La, đó là chưa kể tình hình ùn tắc chen đẩy... Hừ!

Nhờ liên tục thoa thuốc và chườm đá, sáng ngày hôm sau vết đỏ đã không thấy rõ, hoàng thượng vẫn có thể tự nhiên ra ngoài. Mọi chuyện không dừng ở đó. Một đêm nọ ta giật mình tỉnh giấc, phát hiện hoàng thượng không ở trong phòng. Cẩn Thiện lập tức có mặt, các ám vệ đi theo bệ hạ ngơ ngác đứng nhìn nhau. Bọn họ không tài nào hiểu được vì sao dưới tấm chăn là một bao gạo mà không phải đương kim thánh thượng!? Phải biết rằng ám vệ không giống thị vệ thông thường, họ trải qua bao trận chiến và sự khổ luyện mới được như ngày nay. Bệ hạ à, ngài quá thất đức rồi, không nên làm tan nát trái tim kiêu hãnh của huynh đệ tổ ám vệ!

Cùng lúc ấy hoàng cung Trung Lương có một phen náo nhiệt. “Đại nội chỉ huy sứ” khi đó là Tam phò mã Lăng Thế, hắn nhận được tin có thích khách đột nhập liền huy động hai nghìn thị vệ đốt đuốc rực trời, lùng sục vây bắt. Ta cùng Cẩn Thiện quan sát tình hình bên ngoài qua khe cửa nhỏ, chân như giẫm trên than. Chắc không liên quan gì đến hoàng thượng nhỉ? Cùng lắm là ngài phóng hỏa giết người thôi, đâu có gì to tát phải làm lớn như vậy!

Vào lúc chúng ta sắp không đứng yên thì cửa sổ bên hông tẩm phòng mở tung. Người nhảy vào là hoàng thượng rồi, ngài mặc y bào trắng, ta không còn lời nào để nói.

- Bệ hạ, ngài đã đi đâu vậy? Thần lo chết đi được! – Người nói là Cẩn Thiện

- Trẫm bảo rồi, đi làm hái hoa tặc!

- Ak? Nhưng... Ít nhất cũng nên mặc hắc y... Như vậy mới không bị phát hiện!

Hoàng đế nhíu mày cởi ngoại bào bị bẩn, quái lạ hỏi Cẩn Thiện:

- Tại sao chứ? Người không thấy trẫm mặc bạch y đặc biệt có phong thái nho nhã trí thức sao? Đi trêu hoa ghẹo nguyệt mà ăn mặc đen sì, chả hợp bối cảnh gì hết!

-...

Thực ra ta cảm thấy hoàng thượng mặc xanh đỏ tím vàng gì cũng là bộ dạng lưu manh, màu sắc không quyết định nhân phẩm! Nói về chuyện “hợp bối cảnh” càng không nên tranh luận với hoàng thượng, bởi vì đối với ngài, vừa cầm đao giết người vừa gặm đùi gà cũng rất “hợp bối cảnh”. Hoàng thượng nhanh chóng thay một bộ trung y, xõa mái tóc ra, mang vào đôi dép trúc,... Vừa ngụy trang xong thì hành cung bị thị vệ Trung Lương ập vào. Lăng Thế cất tiếng lanh lảnh uy nghiêm:

- Có thích khách đột nhập, thỉnh cầu Thiên Vĩnh đế cho phép chúng tôi vào lục soát, tránh để thích khách trà trộn vào hành cung, tất cả vì sự an toàn của quý quốc!

Hoàng thượng bộ dạng ngái ngủ gãi đầu đi ra. Ở trên đất khách quê người, chúng ta không hoàn toàn chiếm thế chủ động. Lần viễn du này chỉ đem theo ba trăm ngự lâm quân, số còn lại một nửa canh giữ hoàng thành, một nửa đóng ở biên giới chờ trường hợp cứu giá. Tuy quân số ít nhưng ta không thấy lo lắng nhiều. Ngự lâm quân ở các triều đại trước chưa từng có, từ khi bệ hạ lên ngôi mới bắt đầu thành lập. Nhớ năm ấy Cẩn Hoành hết lời khuyên can, lý lẽ của ông là nuôi dưỡng lính ngự lâm tốn kém gấp mười lần binh sĩ thông thường, trong tình trạng nội loạn vừa dẹp yên, đăng quang chưa bao lâu, quốc khố không đảm đương nổi. Khi ấy bệ hạ đã đáp trả Quốc sư đại nhân rằng: “Tiết kiệm là đức tính tốt của dân cày ruộng nhưng là thói quen xấu của một triều đại. Thay vì tìm cách cắt giảm chi phí sao không nghĩ làm thế nào để tiền của nhiều lên? Hưng thịnh nghĩa là gì? Nghĩa là xa hoa mà không bóc lột dân, nghĩa là lãng phí mà không lo thâm hụt ngân sách! Từ giờ trở về sau, các ngươi chỉ có thể dâng tấu cải tổ kinh tế, phát triển sản xuất chứ không được dâng sớ khuyên trẫm đừng xây cái này, đừng làm cái kia. Trẫm nuôi một lũ thần tử lớn nhỏ để làm gì? Tất nhiên là để các ngươi nai lưng ra cày, kiếm cho đủ tiền đắp vào quốc khố!”

Ta vẫn còn nhớ bộ mặt mướp đắng của triều thần ngày hôm đó. Tuy cách nói của bệ hạ hơi ngang ngược, bề ngoài như tên hôn quân nhưng đạo lý nào cũng không hề sai. Kể từ đó hàng loạt chính sách mới được đề cử, các địa phương chủ trương gia tăng canh tác, thay đổi phương thức, trước làm giàu cho dân, sau nộp thuế lên triều đình. Thần tử dần hiểu được mình phải làm gì để sống chung với vị vua thích tiêu tiền như nước này. Ngự lâm quân sau mười bốn năm đã cho thấy uy lực kinh người, đáng chén cơm bát gạo mà bệ hạ bỏ ra. Bây giờ không có vương triều nào không lé mắt nhìn sang một nghìn lính ngự lâm trong hoàng thành Khương La. Sách lược xây dựng và đào tạo là tuyệt mật, chỉ có ta, Cẩn Hoành và hai người nữa biết. Đây là một tổ chức đầy huyền bí, giống như ám vệ công khai, một người có thể địch trăm. Cho nên với ba trăm binh sĩ đem theo đến Trung Lương, ta hoàn toàn có thể tin tưởng bệ hạ sẽ bình an!

Trở lại vụ ồn ào đêm hôm đó, Lăng Thế đứng đầu đại nội thị vệ, tay lăm lăm thanh kiếm muốn khám xét hành cung. Bệ hạ nhếch nhác từ trong phòng đi ra, ngáp một cái rõ to rồi lim dim hỏi:

- Các ngươi tưởng mình là ai? Nói muốn lục soát thì bổn Quân phải nghe theo à?

Lăng Thế là nhị thiếu gia nhà họ Lăng, anh cả Lăng Kì là Hộ quốc tướng quân đang nắm quá nửa binh quyền Trung Lương. Hắn còn có một tam đệ, nghe nói là con rể hờ của Sở đế. Nhà họ Lăng là đệ nhất thế gia, được vua trọng dụng, ba anh em ai cũng nhiều tài ít tật, quả rất đáng khen. Nếu họ là người Khương La thì chắc chắn đã được bệ hạ bồi dưỡng từ nhỏ, biến thành cánh tay đắc lực của ngài. Lúc này ta chú ý tới nam nhân đứng bên cạnh Lăng Thế, nét mặt họ hơi tương đồng, suy đoán một chút liền xác định đây là tam công tử! Tuy Lăng Quân không có chức vụ quyền hạn gì trong triều nhưng nhờ bóng râm của hai anh trai hắn có thể tự do ra vào hoàng cung, hưởng đặc ân không ai có. Lăng Quân sắc mặc trắng nhợt, ống tay áo ướt đẫm máu tươi nhưng vẫn kiên trì đứng thẳng, ánh mắt nhìn chăm chăm vào bệ hạ... Cái nhìn hoài nghi, vỡ lẽ, lo lắng, bất an... Ta có thể đọc ra rất nhiều cảm xúc từ đôi đồng tử đen lay láy. Kiểu vết thương thế này chắc là một “tác phẩm” của hoàng thượng...

Lăng Thế một người đầy chính khí, đối lập gay gắt với thứ “tà khí” của bệ hạ, hắn đường hoàng đối đáp:

- Thiên Vĩnh đế quá lời! Quân đang ở trên đất Trung Lương, chính là khách quý của bổn quốc. Vấn đề an toàn của ngài là trọng trách của chúng tôi. Mong Quân có thể phối hợp!

Quả là con nghé non không sợ cọp. Lăng Thế vừa dứt lời thì giơ tay ra hiệu, thị vệ đại nội tiến một bước, ngự lâm quân không ai bảo ai đồng loạt tuốt kiếm. Ánh kim loại sáng lòa, phản chiếu màu lửa bập bùng. Lính ngự lâm giáp vàng mũ sắt, đứng vững như tượng, rất có khí thế tà ma ngoại đạo đang hăm he danh môn chính phái!?

Lăng Thế hiển nhiên không ngờ bên này lại hung hăng như vậy, chưa nói một lời đã muốn đánh nhau. Hắn ngước nhìn Thiên Vĩnh đế đang ung dung thổi trà, dáng vẻ người ngoài cuộc mà không khỏi bức xúc.

- Quân làm vậy là có ý gì? Rút kiếm trong hành cung là điều cấm kị, chẳng lẽ Quân không biết?

- Tam phò mã, bổn đế không biết quy định ở Trung Lương cũng như ngươi không biết quy tắc của Ngự lâm quân. Đội cận vệ này sinh tồn trên sứ mệnh bảo vệ quốc chủ, bao gồm tính mệnh và uy danh của ta. Hôm nay ta ngồi đây, các người thì muốn vào trong khám xét, cho dù đang ở đất nhà ngươi nhưng cũng là chà đạp danh dự của ta! Bọn họ chỉ làm việc dựa vào quy tắc, không có ngoại lệ!

Lăng Thế há miệng lại ngậm miệng, bàn tay siết chặt thành nắm đấm. Bao lâu nay hắn đứng dưới danh tiếng Lăng gia chưa từng gặp tình huống bị trực tiếp đối chọi như vậy. Đụng phải bệ hạ nhà ta, ngươi phải làm quen từ từ đi! Các thị vệ đại nội bất an trông chờ nhìn chỉ huy sứ. Bọn họ ai cũng biết cái gì gọi là Ngự lâm quân, chẳng ai cam tâm tình nguyện thử kiếm vào lúc này. Trong lúc hai bên dằng co thì có một người tất tả chạy tới, thầm thì vào tai Lăng Thế, nét mặt vừa gấp vừa sợ sệt. Lăng Quân có lẽ cũng nghe thấy, hắn nhíu mày hạ rèm mi xuống, không nhìn chăm chăm vào hoàng thượng nữa...

Lăng Thế cũng có tư chất, rất bình tĩnh nghe hết bẩm báo, lại trấn định nói với bệ hạ:

- Lần này tại hạ đã mạo phạm, mong Quân lượng tình bỏ qua. Hành cung canh phòng cẩn mật như vậy, nếu thích khách không xuất thân từ chỗ này thì chẳng có khả năng đột nhập vào... Đã thế, chúng ta xin rút lui, mời Quân trở lại giường!

Khá lắm Lăng Thế, cái gì mà “thích khách xuất thân từ chỗ này”, một lời hai ý xỏ xiên! Không chờ bệ hạ lên tiếng, Lăng Thế đã đem thuộc hạ rời đi ngay. Lăng Quân lề mề theo sau, nhiều lần quay đầu nhìn lại. Ánh mắt hắn chạm vào ánh mắt hoàng thượng giữa không trung, ta mơ hồ nghe thấy vài tiếng sấm nổ... Đợi khi đám đông kia đã đi khỏi, hành cung yên ắng trở lại, bệ hạ liền ném vỡ chung trà xuống đất. Mọi người lặng thinh cúi đầu, biết rằng cơn giận của ngài không dễ tiêu tán.

- Trung Lương cũng thoáng quá nhỉ? Trai chưa vợ gái chưa chồng mà có thể gặp nhau nửa đêm! Chẳng phép tắc quy củ gì cả!

Mọi người kinh ngạc lén nhìn bệ hạ. Ơ hay... Rốt cuộc hoàng thượng không phải tức giận vì bị đại nội thị vệ mạo phạm à? Ta nuốt nước bọt thầm nghĩ Trung Lương có thoáng cũng không thoáng bằng Khương La. Người ta nửa đêm hẹn hò, còn bệ hạ nửa đêm mặc bạch y ghé thăm khuê phòng của mỹ nữ. Ghé chơi thì thôi, lại còn động tay động chân. Bộ dạng của ngài khi vừa trở về là biết! Lúc ấy ta chưa đoán ra nữnhân nào đang khiến hoàng thượng thất thường như vậy. Mãi đến bữa tiệc đề thân của Sở công chúa, ta rốt cuộc được nhìn thấy cô gái đó. Chính là người về sau khiến ngài yêu say đắm mà cũng khổ tận cam lai. Ta đứng nhìn một đoạn tình lở dở mà chỉ biết thở dài. Xưa nay anh hùng khó qua ải mỹ nhân, Thiên Vĩnh đế để lạc trái tim, kết cục phải hủy cả cơ đồ vào tay Chu Lạc gia một cách cam tâm tình nguyện...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui