Phù Thiên Ký

...

Qua một đỗi im lặng, rất lâu, Lạc Mai Tiên cuối cùng cũng lên tiếng, có điều nội dung thì đã đổi sang hướng khác rồi:

“Gần đây Lạc Lâm thế nào? Vẫn còn chưa chịu đi ra sao?”.

...

“Xem ra đúng là như vậy rồi”.

Lấy tay nhè nhẹ xoa đầu, Lạc Mai Tiên bảo: “Nếu không muốn ở nữa thì ngươi hãy trở về đi”.

“Sắp tới ta sẽ ra ngoài một chuyến, có rất nhiều chuyện phải làm nên sẽ không có thời gian chăm sóc nó. Ngươi hãy giúp ta để ý nó nhiều hơn một chút”.

...

Thu lại ánh mắt ở khoảng không vô định, nơi mà thân ảnh Nghinh Tử vừa tiêu thất, Lạc Mai Tiên thở ra một hơi mệt nhọc, tự mình lẩm bẩm:

“Thứ đã mất đi thật là sẽ không thể tìm lại sao?”.

Cúi đầu buồn bã, nàng lại lần nữa vươn tay đem bình rượu cầm lên, rót xuống đầy ly.

...

...

Cùng lúc, tại cánh rừng trúc phía đông bắc tòa phủ đệ.

Hôm nay, sau gần ba tháng Thi Quỷ dọn đến thì cảnh vật nơi này đã thay đổi khá nhiều. Nó đã chẳng còn là một cánh rừng phủ một màu xanh của trúc nữa. Trừ bỏ trúc thì ở đây đã có thêm một vài thứ khác.

Căn nhà nhỏ cùng tòa kim tháp thì không đề cập làm gì, nó đã có từ những ngày đầu Thi Quỷ mới chuyển đến.

Điểm khác biệt đáng nói ở đây là những thứ xuất hiện thêm sau đó. Một cái ao, một vườn hoa cùng vài thứ bên trong.

Đầu tiên là ao nước. Cái ao này, xét ra thì nó cũng chẳng quá rộng, chu vi bất quá trăm thước là cùng, nước rất trong, cũng rất sạch. Xung quanh ao, thay vì trúc thì bao phủ lại là một loài cây khác: Liễu. Chúng được trồng ở bốn phía xung quanh.

Khỏi phải nghĩ, những cây liễu kia đích thị là được đem về từ hồ Nghinh Tiên. Chính Thi Quỷ đã nhờ Nghinh Tử làm việc đó. Hẳn là hắn muốn tạo một chút cảm giác thân thuộc, cho bản thân, hoặc cũng có khi là cho Nghinh Tử nàng.

Lại nói, ở cái ao này, liễu chưa phải là thứ duy nhất và sau cùng được Nghinh Tử mang về. Ngoài liễu ra thì Nghinh Tử còn mang thêm một thứ khác nữa: Cá. Nàng đã thả vào trong ao rất nhiều cá.

Ao là như vậy, có nước trong, có cá lội, có hàng liễu xanh tươi che bóng, thật rất yên ả thanh bình.

Có điều, sẽ thật thiếu sót nếu chỉ đề cập đến ao nước mà không nhắc tới một sự đổi thay, một thứ có thêm khác trong cánh rừng trúc này: Hoa.

Có rất nhiều hoa. Hàng ngàn cây. Ngoài một vườn rộng ở mặt sau căn nhà trúc của Thi Quỷ ra thì chúng còn được trồng thêm ở nhiều chỗ khác nữa. Trước nhà, hai bên hông, ven ao nước và thậm chí là cả xung quanh tòa kim tháp của Lạc Lâm, gần như khắp nơi đều có, hoặc một khóm, hoặc rải rác từng cây...

Tuy nhiên, bất kể số lượng có bao nhiêu, được trồng nhiều tới mức nào đi nữa thì tất cả các cây hoa được trồng ở đây đều giống nhau, cùng thuộc một chủng loài. Tử Mân Côi, đấy là danh tự của chúng.

Ở vùng đất Đại La này, nếu hỏi đâu là loài hoa có địa vị nhất, tôn quý nhất và được nâng niu nhất thì câu trả lời tuyệt đối là Huyết Diễm. Tại Đại La, ai ai cũng đều biết Huyết Diễm có ý nghĩa gì. Nó là sự tượng trưng cho lãnh chủ của họ - Ly Vương cũng đồng thời là đại công chúa của Hồng Uy Thiên Quốc: Lạc Mai Tiên.

Hoặc thật tâm, hoặc hình thức, mọi người ở đây đều “yêu thích” nó. Theo nhiều nghĩa.

Phải, ai cũng biết, ai cũng hiểu, rằng Huyết Diễm là một loài hoa đặc thù trong lãnh thổ Đại La, là biểu tượng của Lạc Mai Tiên.

Thế nhưng có một điều mà rất ít người biết, đó là trong khi tất cả đều nâng niu, đều “yêu thích” Huyết Diễm Hoa, đặt nó ở vị trí tốt nhất, chăm sóc một cách cẩn thận nhất thì với chính bản thân Lạc Mai Tiên, loài hoa mà nàng thật tâm yêu thích, có địa vị nhất trong lòng nàng lại không phải Huyết Diễm. Tử Mân Côi, đấy mới là loài hoa có ý nghĩa nhất với nàng. Nó cũng chính là loài hoa hiện đang được trồng ở khắp nơi giữa cánh rừng trúc, xung quanh căn nhà nhỏ mà Thi Quỷ đang sống đây.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại là Tử Mân Côi?

Ở Đại La có biết bao nhiêu loài hoa, cớ gì cứ nhất định chọn Tử Mân Côi để trồng?

Nếu có ai đó hỏi và nhất thiết phải nói ra thì câu trả lời của Thi Quỷ khẳng định sẽ là: “Vì nó khiến hắn liên tưởng đến Nghinh Tử”.

Tử Mân Côi, Nghinh Tử, người lẫn hoa, tên của cả hai đều có một chữ “Tử”.

Tất nhiên là ngoài sự trùng hợp ấy ra thì vẫn còn có những điểm tương đồng khác nữa. Ví như cả hai đều rất đẹp đẽ nhưng cũng thật trầm lặng, nhạy cảm mà cũng thật vững vàng...

Tóm lại thì trong nhận định của Thi Quỷ, giữa vô số các loại hoa mà hắn biết ở Đại La Thành thì Tử Mân Côi vẫn là phù hợp với hình ảnh của Nghinh Tử nhất. Và đó là lý do vì sao giờ phút này đây nơi ở của hắn lại tràn ngập sắc tím thẫm của loài hoa Tử Mân Côi.

Thi Quỷ, hắn hẳn là đã dụng tâm để chọn hoa. Nhất định là vậy. Dẫu sao thì hắn vẫn luôn cố ý thân cận với Nghinh Tử kia mà.

...

Có ao cá, có hàng liễu, có cả vườn hoa, không thể không nói là chỗ ở của Thi Quỷ hiện đã thay đổi rất nhiều. Cánh rừng trúc này, nó đã chẳng còn là cánh rừng trúc đơn điệu của trước kia nữa. Nó đã không chỉ có mỗi trúc nữa.

Nơi đây, cánh rừng này, khung cảnh đã trở nên rất thanh bình, thơ mộng. Nó đã chẳng còn là một nơi hoang vắng vô danh mà thật sự đã có một tên gọi riêng cho mình. Và cái tên mà bây giờ nó được biết đến là... “Tử Trúc Lâm”.

Thi Quỷ, hắn đã gọi như thế.

Tử Trúc Lâm, dịch ra không phải là rừng trúc tím. Tử ở đây là Tử Mân Côi. Tử Trúc Lâm có nghĩa là cánh rừng của trúc và hoa Tử Mân Côi.

...

Sau gần ba tháng, khung cảnh đã thay đổi nhiều như vậy đó. Rừng trúc vô danh nay đã trở thành Tử Trúc Lâm thanh bình, thơ mộng...

Mà đâu chỉ cảnh vật, con người ở đây cũng đã ít nhiều thay đổi.

Đầu tiên là Nghinh Tử, dạo này nàng đã ghé qua căn nhà trúc nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn với chủ nhân căn nhà. Thậm chí, có đôi khi nàng còn tự mình ngồi gảy đàn, đôi lúc còn xê dịch một trong hai chiếc ghế đặt cạnh chiếc bàn ở giữa nhà lại gần cửa sổ rồi ngồi lên đó, đưa ánh mắt đờ đẫn ngó ra bên ngoài, lặng lẽ nhìn khung cảnh...

Nghinh Tử là như thế, trong khi ấy, riêng phần Thi Quỷ - chủ nhân căn nhà trúc, hắn cũng đã thay đổi. Không phải nội tâm, không phải những cảm xúc về Nghinh Tử mà là ở tu vị của hắn.

Gần ba tháng trôi qua, Thi Quỷ đã lại một lần nữa đột phá. Từ Linh châu đệ thất trọng nay hắn đã tiến thêm được một bước, tăng lên một trọng, trở thành tu sĩ Linh châu đệ bát trọng.

Lại nói, cảnh giới Linh châu đệ bát trọng này của hắn, nó chẳng phải vừa mới bước vào. Thực chất thì nó đã sớm ổn định rồi. Hiện tại, nó đang mạnh lên từng ngày...

Kể từ lúc tới đây, thế giới bị cô lập này, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi mà Thi Quỷ đã liên tiếp đột phá, từ Linh châu đệ ngũ trọng lên đệ lục trọng, rồi từ đệ lục trọng lên đệ thất trọng, kế đến lại từ đệ thất trọng lên đệ bát trọng như hiện tại, không thể không nói tốc độ gia tăng quả rất ư khủng bố. Tin tưởng nếu nói ra sẽ khiến vô số kẻ phải trợn mắt há mồm vì kinh ngạc, bị đả kích...

Tuy nhiên, mọi thứ đều có nguyên do của nó cả.

Thi Quỷ, hắn đúng là đã đột phá nhanh hơn bình thường rất nhiều, thế nhưng cái cách mà hắn đã đột phá ấy, nó há lại theo lẽ thông thường?

Lần thứ nhất hắn đột phá từ Linh châu đệ ngũ trọng lên Linh châu đệ lục trọng là nhờ vào hấp thụ huyết dịch, đồng thời cũng chính là Tiên Linh Chi Huyết trong cơ thể Lạc Lâm.

Mà Tiên Linh Chi Huyết là thứ gì chứ? Nó chính là loại linh huyết đã tồn tại từ thời thượng cổ xa xưa. Một loại huyết dịch cực kỳ mạnh mẽ vốn đã trở nên vô cùng khan hiếm ở thời đại bây giờ, đến độ dù là cõi Phù Thiên bên ngoài, đại tu sĩ có tự thân xuất động, chỉ e tìm đến mỏi gối mòn chân cũng chỉ là hoài công vô ích.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui