“Đó là cái gì vậy?” Tôi hỏi ông Gopal, liên lạc viên của đại sứ quán và chỉ vào một thứ giống như pháo đài.
“Đại loại là một pháo đài.”
Ông chế nhạo quyển sổ tay mà tôi luôn mang theo: “Ông có quyển sách to đấy, nhưng tôi khuyên ông là hãy gập nó vào và để lại khách sạn, bởi với tôi Jaipur giống như một quyển sách mở.” Thật dại dột là tôi đã nghe theo lời khuyên đó. Giờ đây chúng tôi đang ở cách Jaipur gần mười ki lô mét, đi qua cồn cát ngập tới mắt cá chân về phía khu định cư Galta đổ nát. Sau đó chúng tôi đi qua một bữa tiệc của khoảng hai trăm con khỉ đầu chó: “Cứ bình thường đi,” ông Gopal nói khi những con khỉ nhảy nhót, kêu khèng khẹc và nhe răng, tụ họp thành đám trên đường với một sự tò mò đầy uy hiếp. Khung cảnh đầy sỏi đá và khô cằn, mỗi con đồi lởm chởm đều đội trên mình một pháo đài rạn nứt.
“Pháo đài của ai vậy?”
“Của Hoàng tử.”
“Không, ai đã xây nó kìa?”
“Ông không biết tên của ông ta đâu.”
“Vậy ông biết?”
Ông Gopal tiếp tục đi. Ánh sáng nhá nhem và những tòa nhà bị chèn vào trong con đèo Galta làm cho chúng tối đi. Một con khỉ kêu lên, nhảy bám lấy cành đa phía trên đầu Gopal, kéo mạnh cành xuống, tạo ra tiếng hú nhẹ như của chiếc quạt kéo. Chúng tôi tiến vào, đi qua một khoảng sân trong để tới mấy tòa nhà đổ nát với những bức tranh tường nhiều màu vẽ cây cối và con người ở mặt tiền. Một số đã bị cào đi và sơn đè lên những hình vẽ graffiti nhòe nhoẹt; toàn bộ ván cửa đã bị đục mất.
“Đây là cái gì?” tôi hỏi. Tôi ghét ông ta vì đã bảo tôi để quyển sổ tay lại.
“À,” ông Gopal đáp. Đó là tường rào quanh đền. Một vài người đang ngủ gà ngủ gật ở cổng vòm, những người khác ngồi chồm hỗm, ngay phía ngoài tường rào là mấy hàng bán rau và quán trà, chủ của những hàng bán này dựa lưng vào tường, mài nhẵn những bức tranh. Tôi bị bất ngờ bởi sự hiu quanh của nơi này - có một vài người lúc mặt trời lặn, không ai nói chuyện và mọi thứ im lặng đến nỗi tôi có thể nghe thấy tiếng những con dê gõ móng lóc cóc lên đá cuội, tiếng chí chóe của những con khỉ ở phía xa.
“Đây là một ngôi đền ư?”
Ông Gopal nghĩ một lúc. “Đúng,” cuối cùng ông cũng lên tiếng, “đại loại là một ngôi đền.”
Trên những bức tường trang trí công phu của ngôi đền la liệt áp phích, tường đã lem nhem vì người ta đục đẽo, tiểu tiện và bôi vẽ nhằng nhịt các mẩu quảng cáo bằng kiểu chữ Devanagri lớn quảng cáo cho các hãng kinh doanh tại Jaipur có một tấm bảng trắng đen màu xanh nhắc nhở du khách bằng tiến Ấn Độ và tiếng Anh: “Không được phép báng bổ, làm xấu, viết chữ hoặc bất cứ hành động ảnh hưởng tới các bức tường.” Bản thân cái bảng cũng đã bị làm xấu đi: lớp men đã bong mất trông như bị gặm một phần.
Phía xa hơn, con đường đá cuội trở thành lối mòn hẹp và sau đó là một dãy bậc thang dốc đứng cắt vào những bức tường đá của hẻm núi. Trên đỉnh là một ngôi đền trông ra hồ nước màu đen phẳng lặng. Lũ côn trùng đang bơi vòng vòng trên mặt hồ khiến nước gợi lăn tăn, một vài vòng sóng nhỏ loan trên mặt nước. Ngôi đền, chốn thoát tục, được đặt trên đá, đây là một cái hang nông có đèn dầu và dây nến thắp sáng. Mặt kia của cổng chính đền là những phiến đá cẩm thạch cao hai mét được chuyển nguyên hình nguyên khối từ Sinai về, nhưng với trọng lượng như thế này thì chắc hẳn cả giáo đồ cơ bắp nhất cũng mắc chứng thoát vị. Những phiến đá này khắc chỉ dẫn bằng hai thứ tiếng và được đánh số. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi đã chép được một bản tiếng Anh.
1. Nghiêm cấm sử dụng xà phòng hoặc giặt quần áo trong đền
2. Vui lòng không mang giày lại gần bể chứa nước
3. Không chấp nhận cho phụ nữ tắm cùng nam giới
4. Khạc nhổ trong khi bơi là thói quen xấu
5. Không bửa nước trong khi bơi làm hỏng quần áo của người khác
6. Không mặc quần áo ướt vào đền
7. Không khạc nhổ bừa bãi làm bẩn khu vực đền
“Bửa?” tôi thắc mắc với ông Gopal. “Bửa là cái gì?”
“Đâu có gì nói tới bửa đâu?”
“Ông nhìn số năm xem.”
“Chữ đó là bắn.”
“Chữ đó là bửa.”
“Chữ đó là -”
Chúng tôi bước lên phiến đá. Các chữ cái cao năm xăng ti mét được khắc sâu trên phiến đá cẩm thạch.
“- bửa,” ông Gopal nói. “Tôi chưa đi qua chỗ này bao giờ. Tôi nghĩ nó đại loại là từ bắn.”
Ông Gopal đã cố gắng hết sức, nhưng thật khó để thoát khỏi ông ấy. Xưa nay tôi vẫn đi một mình với quyển sổ trên tay và bảng giờ tàu của Đường sắt Phương Tây; tôi thấy hạnh phúc nhất khi tự tìm đường và không nhờ tới một người liên lạc nào. Ý định của tôi là ở trên tàu, không phiền nhiễu và phải đi khắp nơi; ngắm cảnh là một cách giết thời gian, nhưng như tôi đã kết luận tại Istanbul, đây là việc dựa nhiều vào sự sáng tạo giàu tính tưởng tượng, giống như tự trình diễn vở kịch của riêng bạn trên sân khấu khi mà tất cả các diễn viên đã đi hết.
Jaipur là một thành phố lộng lẫy kỳ diệu, nhưng những phá phách bừa bãi, sự thiếu hiểu biết của những người chăn dê trên tàu tích cổ mong manh này, việc vẽ bậy lên các bức tường và sử dụng cung điện làm bối cảnh quay phim đã làm cho vẻ thu hút ở đây giảm xuống. Một đoàn làm phim đang hò hét trong Cung điện Thành phố, sự hiện diện của họ làm cho cung điện dường như trở thành một công trình xây dựng giả tạo. Tôi giảng bài xong, mong ngóng bắt được tàu nhưng bảng giờ báo sẽ không có tàu tới Delhi trước 12 giờ 34 sáng hôm sau. Khoảng thời gian này thật là bất tiện: một ngày và trọn một buổi tối đang chờ đón, tôi chẳng thích thú gì với viễn cảnh đứng trước ga đầu mối Jaipur vào nửa đêm.
“Hôm nay chúng ta sẽ đi thăm viện bảo tàng,” Gopal tuyên bố một ngày sau chuyến viếng thăm Galta.
“Hãy bỏ qua viện bảo tàng đi.”
“Một nơi rất thú vị đấy, vả lại ông nói thích đi xem tranh Moghul. Đây là nhà của các bức tranh Moghul!”
Khi ở phía bên ngoài bảo tàng tôi nói: “Bảo tàng được xây dựng khi nào?”
“Khoảng năm 1550.”
Ông ta nói không hề ngắc ngứ. Nhưng hôm nay tôi đã mang theo sổ tay rồi. Tòa nhà mà ông ta tự đặt vào giữa thế kỉ 16 là Alberr Hall, khởi công vào năm 1878 và hoàn thành năm 1887. Năm 1550 Jaipur chưa hề tồn tại, mặc dù vâỵ thì tôi cũng không có lồng dạ nào nói điều đó cho ông Gopal, ông ta đã dỗi khi tôi cãi lại vào hôm trước. Dù sao đi nữa, sở thích khoe khoang dường như là vấn nạn kinh niên của một số người Ấn Độ. Phía trong bảo tàng, một hướng dẫn viên khác đang chỉ vào một nhóm khách tham quan thấy chiếc áo choàng màu đỏ trông giống như cái lều vải. Anh ta nói: “Vật này thuộc về Maharajah Madho Singh nổi tiếng. Một người to béo. Cao 2 mét 13, rộng 1 mét 22 và nặng 227 kg.”
Tại đài quan sát của Jai Singh có một khu vườn trưng bày các dụng cụ bằng cẩm thạch của nhà thiên văn này, nhìn thoáng qua, nơi đây giống như sân chơi của lũ trẻ con với những ván trượt, thang và cầu trượt ười lăm mét mở rộng ra không đối xứng với mặt trời. Ông Gopal nói đã tới thăm nơi này rất nhiều lần. Ông chỉ cho tôi xem một chiếc đĩa lớn bằng đồng trông tựa như bản đồ bầu trời ban đêm. Tôi hỏi ông ta liệu có phải đúng như tôi nghĩ không. Không, ông nói, cái này để cho ta biết thời gian. Ông ta chỉ cho tôi chiếc đèn hiệu, một bán cầu bị cắt nửa nằm lõm sâu dưới mặt đất, một cái tháp tám mươi bậc thang, một loạt chiếc ghế dài phát xạ nhiệt, những thứ này cũng dùng để xem giờ. Tất thảy dụng cụ tinh xảo này được Hoàng tử Jai Singh sử dụng (tôi đọc trong cuốn sổ tay) để tính độ cao, góc phương vị và kinh độ bầu trời. Còn ông Gopal lại coi đây là bộ sưu tập những chiếc đồng hồ quá cỡ.
Trong khi ông Gopal ăn trưa, tôi lẻn đi và mua vé tới Delhi. Thiết kế của ga Jaipur giống nhũng tòa nhà đáng yêu trong thành phố có tường bao quanh. Công trình gồm sa thạch đỏ với các vòm, khung tò vò lớn và các cột chống vững chắc như cột cung điện; bên trong là bích họa vẽ những người phụ nữ có khuôn mặt nhăn nhó và những người đàn ông đội khăn xếp, hình ảnh phóng to của các bức tranh truyền thống với đường nét trang trí là những bó hoa nhỏ.
“Nếu lấy vé này, tôi sẽ không thể bắt được tàu cho tới sau nửa đêm,” tôi nói.
“Không, không,” nhân viên bán vé thuyết phục. “Sớm hơn vậy chứ.”
Và anh ta giải thích. Toa giường nằm hạng nhất đã ở sẵn trên đường tránh tàu, đang được dọn dẹp để nối với tàu thư vận Delhi. Tôi có thể lên tàu vào lúc chiều muộn, sau nửa đêm tàu từ Ahmadabad sẽ vào ga và toa nằm này sẽ được nối vào chuyến tàu đó. Anh ta nói tôi sẽ không bị đánh thức nếu lên một toa giường nằm tách khỏi tàu: chuyến tàu này sẽ tới nơi đúng giờ.
“Cứ ở lại đây tối nay,” anh ta bảo “ông nên yêu cầu khoang hạng nhất hai giường nằm. Chúng tôi sẽ chỉ cho ông xem.”
Tiếp đó tôi dùng bữa thật lâu với ông Gopal tại một nhà hàng ở Jaipur và sau cùng tôi tuyên bố sẽ đi tới nhà ga. Ông Gopal nói chẳng có tàu đâu: “Ông sẽ phải đợi hàng giờ liền.” Tôi nói rằng mình không ngại chuyện đó. Tôi đi tới nhà ga và leo lên toa giường nằm được bố trí ánh sáng dễ chịu, toa nằm được đặt ở phía xa, cuối sân ga. Toa của tôi rộng. Người phục vụ tàu chỉ cho tôi chiếc bàn, vòi tắm và đèn. Tôi tắm rửa rồi khoác áo choàng tắm vào, sau đó viết thư cho vợ và ghi lại những điều răn dạy tại ngôi đền ở Galta vào cuốn sổ tay. Vẫn còn sớm. Tôi nhờ người phục vụ tàu mang ột lon bia rồi sang nói chuyện với một người Ấn Độ ở toa bên cạnh.
Ông ta là giáo sư Đại học Rajasthan, ông thích thú khi biết tôi vừa giảng bài tại khoa tiếng Anh của trường. Ông nói không thích các sinh viên đại học; chúng vất bừa bãi các áp phích tranh cử và thuê người thu dọn sau khi tranh cử xong. Chúng ngốc nghếch, thiển cận và bừa bãi, lại luôn giả nai. “Đôi khi,” ông nói, “những chuyện đó làm tôi sôi tiết.”
Tôi kể với ông về Gopal.
“Ông thấy chưa?” ông nói. “Tôi sẽ nói với ông điều này. Những người Ấn Độ bình thường biết rất ít về tôn giáo của mình, về nước Ấn Độ hoặc bất cứ điều gì khác. Một số người không biết đến cả những điều đơn giản nhất, ví như khái niệm về Hindu hay lịch sử. Tôi đồng ý trăm phần trăm với Naipaul. Họ không thích thể hiện rằng mình thiếu hiểu biết trước một người phương Tây nhưng hầu hết người Ấn Độ thậm chí chẳng hiểu về đền thờ, văn học và các thứ khác của nước mình bằng các du khách - nhiều người còn biết ít hơn.”
“Ông không nói quá đấy chứ?”
“Tôi đang nói những điều mà tôi biết. Dĩ nhiên khi một người già đi, họ sẽ bắt đầu có một sở thích nào đó. Bởi vậy một số người già biết về Ấn Độ giáo. Họ bắt đầu hơi lắng về những gì sắp xảy ra với họ.”
Tôi mời ông một ly bia nhưng ông nói phải làm một số việc giấy tờ. Ông chúc tôi ngủ ngon và đi về toa của mình, tôi cũng lui về nghỉ. Chúng tôi vẫn đứng nguyên trên đoạn tránh tàu tại ga Jaipur. Tôi rót một ly bia và nằm xuống giường đọc The Longest Journey (Cuộc hành trình dài nhất) của Forster. Tôi đã bị đánh lừa: đây không phải là cuốn sách về du lịch mà là chuyện về một người viết truyện ngắn tồi có cô vợ trẻ măng và những người bạn phản bội. Tôi quẳng cuốn sách sang một góc, đọc vài trang cuốn The autobiography of a yogi (Tự truyện của một yogi), rồi ngủ thiếp đi. Tôi bị đánh thức lúc mười hai rưỡi bởi tiếng va chạm mạnh: giá chuyển hướng của toa tòa của tôi đã được nối với tòa thư vận Delhi. Cả tối chiếc tàu lúc lắc, lách cách đi tới Delhi trong khi tôi thì ngủ ngon lành trong căn phòng thoải mái, sảng khoái tới mức khi tới nơi tôi quyết định dành buổi tối tương tự như vậy tới Madras để xem liệu như trong bản đồ của tôi, dù mọi người nói đó là điều không thể, tôi có thể đón tàu tới Ceylon không.