Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ


Hoàng hôn ở Rangoon, bầy quạ đen phủ bầu trời cả ngày lượn về nghỉ trong khi bầy dơi thức dậy, chúng kêu the thé, vỗ cánh phần phật bay cuồng nhiệt theo một vòng tròn quanh những ngọn tháp xây theo kiểu chùa chiền ở ga xe lửa. Tôi đến đây vào thời điểm này: khi đàn dơi nhào qua bầy quạ và bầu trời vàng nhạt điểm những vết đen như mực, giống một tấm lụa Miến Điện được vẽ những nét to bằng bút lông. Tôi đáp máy bay xuống Rangoon vào một đêm thứ Bảy – vì không có tàu hỏa từ Ấn Độ - và sự hâm mộ của người Miến Điện đối với phim ảnh mà tôi đã nhận ra từ lần tới thăm trước đó vẫn không hề suy giảm. Đám đông kéo vào đường Chùa Sule, ở đó có năm rạp chiếu phim, họ ăn mặc giống hệt nhau, áo sơ mi, quấn xà rông, chân đi dép quai hậu, đàn ông cũng như đàn bà rít thứ xì gà màu xanh xén dầu và trông họ (khi đang phe phẩy những ngón tay mảnh khảnh xua khói) cứ như mang dòng dõi hoàng gia, hào hoa đến ngạc nhiên ở giữa thành phố đang suy tàn này, chẳng khác nào những hoàng thân quốc thích bị trục xuất khỏi hoàng tộc.
Tôi chỉ có duy nhất một mục đích ở Miến Điện: lên tàu đi lên hướng Bắc từ Rangoon qua Mandalay và Maymya đến hẻm núi Gokteik ở bang Shan, trên nữa là lãnh thổ Trung Quốc trải rộng. Bắc qua hẻm núi này là một cây cầu trụ thép nguy nga, gọi là Cầu Cạn Gokteik, được Công ty Thép Pensylvania xây dựng năm 1899 cho chính quyền cai trị của người Anh. Tôi đã đọc về cây cầu này, nhưng không phải trong các cuốn sách xuất bản gần đây. Đầu thế kỷ 20, niềm háo hức tàu hỏa đã tạo nên một dòng lũ những cuốn sách lạc quan về việc đi lại bằng tàu hỏa: người Pháp xây dựng tuyến đường sắt xuyên Đông Dương đến Hà Nội, người Nga xây tuyến đường sắt xuyên Siberia gần tới thành phố Vladivostok, người Anh xây đường ray tới tận điểm xa nhất của đèo Khyber, và người ta cho rằng đường sắt Miến Điện sẽ mở rộng theo hai hướng, một hướng tới tuyến Assam-Bengal và hướng kia tới hệ thống đường sắt của Trung Quốc. Các cuốn sách mang những tiêu đề như sách khải huyền, ví dụ The railway conquest of the world (Công cuộc chinh phục đường sắt trên thế giới) của Frederick Talbot năm 1911, trong đó mô tả, từ nước này qua nước khác, về việc mọi nơi trên địa cầu này sẽ được nối lại với nhau bằng đường ray xe lửa ra sao. Những đánh giá đôi khi không thể chấp nhận được. Trong cuốn Railways of the world (Các tuyến đường sắt thế giới) năm 1914, Ernest Protheroe đã viết: “Ông John Chinaman[1], khôn vặt, keo kiệt và đẻ nhiều, đã tránh né ‘bọn quỷ dữ ngoại bang’ hàng thế kỷ... Nhưng dù người Trung Quốc có ghét người da trắng đến đâu, họ bắt đầu nhận ra giá trị của đường xe lửa...” Cầu Cạn Gokteik, được ca ngợi rất nhiều trong các cuốn sách đó, là một điểm nối quan trọng trên tuyến đường được thiết kế đi qua thị trấn vùng biên Lashio ở phía Bắc để vào Trung Quốc. Nhưng tuyến đường này đã dừng lại ở Lashio (ở hướng kia, các đường sắt Miến Điện cũng không nối được với tuyến đường sắt Ấn Độ) và tôi nghe nhiều lời đồn thổi về cây cầu do Mỹ xây này: lời đồn thứ nhất nói nó bị nổ tung trong Thế chiến II; lời đồn thứ hai bảo rằng tuyến đường đã bị lực lượng nổi loạn do U Nu chỉ huy chiếm giữ; và một lời đồn khác nữa cho rằng người nước ngoài bị cấm đi trên tuyến này.
[1] Ám chỉ người Trung Quốc
Để tránh làm những người Miến Điện tại cửa bán vé ở nhà ga Rangoon giật mình, tôi hỏi về tàu đi Mandalay. Có hai người đàn ông ở cửa bán vé. Anh đầu tiên trả lời rằng không có lịch chạy tàu in sẵn để tôi mua. Anh thứ hai nói: “Vâng, chúng tôi không có lịch chạy tàu.” Dường như thực tế ở Miến Điện là cần tới hai người để làm một công việc, người thứ hai sẽ khẳng định những thứ người đầu tiên nói. Cũng giống như ở Ceylon, thay vì có lịch tàu chạy, người ta kê một cái bảng đen trên đó có ghi bằng phấn tên các ga và chuyến đi, chuyến đến. Nhưng cả hai anh này đều biết rõ về tàu Mandalay.
“Xuất phát lúc bảy giờ. Vào buổi sáng.”
Họ nói là chỉ có một hạng toa. Và tôi khám phá ra rằng hạng này tương đương với hạng ba trên tàu Ấn Độ - ghế gỗ, cửa sổ vỡ, không có giường, không có túi ngủ, không có toa ăn và không có các thứ tiện nghi phức tạp như đường sắt Ấn Độ: phòng nghỉ ngơi, phiếu ăn tối, phiếu nhận chăn ga, biên nhận hành lý gửi cho khách hạng sang, phiếu thanh toán và trà buổi sáng.
“Tôi muốn mua một vé đi Mandalay.”
“Xin lỗi anh nhưng cửa bán vé này đóng rồi.”
Nhưng cửa vẫn mở. Tôi nhắc việc này.
“Vâng, nói thế thì nó mở đấy, nhưng không bán nữa.”
Anh thứ hai nói: “Anh đến vào sáu giờ sáng nhé.”
“Anh có chắc là tôi có mua được vé không?”
“Có thể. Thậm chí còn tốt hơn là đến vào năm rưỡi sáng.”
“Đi đến Mandalay mất bao nhiêu thời gian thế?”
“Mười hai tiếng đồng hồ. Nhưng khi tàu hỏng thì khác. Anh có thể đến Mandalay vào lúc tám giờ tối.”
“Hay là chín giờ tối?”
Hai anh bán vé cùng cười.
“Hoặc là chín giờ tối, nhưng không muộn hơn đâu!”
Tôi đi bộ qua cầu vào thành phố, khi đang lọt giữa đám đông người Miến Điện thì có một bàn tay chìa ra nắm lấy cổ tay tôi, những ngón tay siết chặt đến mức tôi không thể giằng ra. Đó là một nhà sư, ông ta nắm chặt tay tôi và làu bàu gì đó. Nhỏ thó, khuôn mặt như mặt khỉ với cái đầu cạo trọc, ông ta chỉ bằng một nửa tôi và có vẻ như đang tức giận khi cứ nhắc đi nhắc lại một câu “Blum chyap... blum chyap.” Tôi đỡ ngạc nhiên, không cố giằng tay ra nữa, cho là ông ta đang xin tiền và rốt cuộc tôi cũng hiểu được đúng là ông ta xin tiền khi nói “Một kyat thôi!” (khoảng hai mươi xu tiền Mỹ). Cái cách nắm chặt tay này là một cách ăn xin quá đáng nên tôi chỉ cho ông ta nửa kyat, và khi ông ta thả tay tôi ra để lấy tiền thì tôi lẩn ngay vào trong dòng người. Cũng có những nhà sư khác trong đám đông, trông họ thật tử tế và hồn hậu khi xin xỏ tiền của người lạ.
Tiếp đó, một người Miến Điện có cái kính viễn vọng cứ nài tôi xem. Tôi trả phí là hai lăm pyat (năm xu), nhưng ngôi sao mà tôi nhìn qua thiết bị của hắn trông như bé hơn một tí và ít ấn tượng hơn so với nhìn bằng mắt thường. Tôi bước đi vô định, cố gắng tăng tốc khi một người đàn ông rụt rè đề nghị tôi đi với một cô bé Trung Quốc (anh ta nói “Đi nào!”), tôi lại đi chậm lại khi qua những ngôi đền nơi lũ trẻ - vẫn còn thức vào lúc mười một giờ đêm – đeo tràng hoa và cười đùa trước Phật. Những người già quỳ xuống với lòng sùng kính, hoặc sắp hoa quả dâng lên, xếp một quả dưa vào giữa nải chuối đặt lên bệ thờ của đền, cắm thêm một lá cờ giấy đỏ vào quả dưa. Những bà già đứng dựa vào quầy hoa, những điếu xì gà cắt đầu tỏa khói trên tay khiến họ trông ngạo mạn và bình thản.
Đêm hôm đó tôi mơ mình bị lỡ tàu đi Mandalay. Tôi hổn hển thức dậy vào lúc năm rưỡi, ăn sáng rồi chạy tới ga tàu. Một lần trước đây, trong một buổi sáng như thế này, tôi bắt đầu đi đến nhà ga Rangoon thì một người đàn bà nhảy ra từ trong bụi rậm nơi cô ta ngủ, cố gắng dụ dỗ tôi bằng việc cởi xà rông ra cho tôi xem cặp đùi vàng vọt của cô ta. Việc đó xảy ra trước bình mình; tôi không nhìn thấy mặt cô ta nhưng tiếng kêu oai oái của cô ta vang lên trên đường. Cô ta đuổi theo tôi trên đường đến nhà ga, chân lạch bạch trên vỉa hè. Đó là năm 1970 và điều tôi nhớ về nhà ga này là những con chuột, chúng nhảy nhảy trên đường ray để đánh hơi và nhai giấy vụn, những người bán hàng rong, bán hoa quả và sách bìa mềm ném bọn chuột đi, chân họ giẫm lên những vũng phân; cái nóng và đám ruồi muỗi lúc bình minh; và những cậu bé Miến Điện chế giễu bọn bạn bắt đầu đi xa của chúng.
Nhưng nhà ga Rangoon đã thay đổi. Không còn chuột hay những người bán hàng rong, đường ray đã sạch sẽ. Có hai hàng rào dây thép gai trên sân ga và những đoạn dây thép gai chạy dọc cả bốn đường ray. Thứ thực phẩm duy nhất được bán là hộp ăn trưa, những hộp các tông đựng thứ cơm nguội ngắt ẩm ướt và những miếng thịt gà toàn gân. Nhà ga ngăn nắp hơn, an ninh được thắt chặt như ở nhà tù, những thanh chắn chia cách người đi tiễn với hành khách.
Tôi hỏi một người lái tàu về những hàng rào.
“Để ngăn trộm cắp,” anh ta nói, “Và cũng để ngăn mọi người bước qua đường ray. Cũng để ngăn các sự vụ khác nữa.”
“Sự vụ kiểu gì?”
“Bom. Năm ngoái có mấy thằng cha ném một quả bom. Chúng ném vào đoàn tàu. Quả bom làm tàu dừng lại và số thương vong là ba người. Vì lý do đó mà hàng rào được dựng lên. Tôi nghĩ đó là một việc tốt. Bây giờ chúng tôi chẳng có vấn đề gì cả.”
Một nhà sư đi ngang qua, cười vu vơ. Ông ta béo mập, cầm cái ô như đang giữ bó que thẩm phán, trông không khác một nguyên lão La Mã mặc bộ cà sa màu da cam. Tôi mừng vì đó không phải là nhà sư đã vặn tay tôi tối hôm trước. Tôi mua một hộp cơm và hai chai soda rồi lên tàu. Rời Rangoon bằng tàu thật dễ chịu: đoàn tàu đi quanh thành phố và sau năm phút rời ga, bạn đã ở vùng quê, một vùng đất thấp lầy lội trồng lúa bên thung lũng Pazandaung, tại đó có các thiền viện với những nhà sư đang tụng niệm trên sân; và qua ruộng đồng là những đoàn người – học sinh đeo túi trên vai, nhân viên văn phòng trưng diện áo sơ mi trắng, nông dân vác cuốc chim – cuộc diễu hành trong buổi sáng sớm vùng nhiệt đới hòa với nhịp chuông từ các ngôi đền.
Trên tàu cũng bật nhạc. Nét mới đây. m nhạc phát ra từ các loa phóng thanh và suốt mười ba tiếng đồng hồ không ngừng lần nào. Trên nền những giai điệu của một nhà hát ca múa phương Đông – cồng chiêng, kèn saxophone ganh đua với tiếng hạc khò khè – một giọng ta thán lào xào cất lên phần chuyển thể tiếng Miến Điện của bài “Deep Purple” (Màu tím thăm thẳm), và rồi bài “Stars Fell on Alabama (Sao rơi trên Alabama). Thứ âm nhạc này làm tôi không đọc sách được, cái ghế gò bó khiến tôi không viết được và các hành khách khác thì đã ngủ. Tôi đi ra cửa toa nhìn người Miến Điện đạp xe dọc những con đường thôn quê, dưới những tán bồ đề khổng lồ. Những ngọn đồi phía xa xanh xanh rừng cây tếch, nhưng chúng tôi đang đi qua một vùng đồng bằng bằng phẳng gọi là Vùng Khô, đi lên phía Bắc theo một đường thẳng xuyên qua cái nóng tạo cho hành khác cảm giác rằng họ đang dần biến mất vào trong cổ họng của đất nước Miến Điện. Bên một cái giếng gần Pháo đài Ấn Độ có một cô gái Miến Điện đang chải tóc. Cô ngả về đằng trước, cả mái tóc xõa xuống – dài đến mức gần như chạm mặt đất – và cô đưa lược chải qua tóc rồi kéo lược ra. Thật là một cảnh tượng đẹp đẽ trong buổi sáng đầy nắng này – cả suối tóc đen đung đưa dưới chiếc lược và tư thế của cô gái, với đôi chân đứng rộng ra, cánh tay mơn man trên vạt tóc của mình. Rồi cô buông ra và ngẩng lên nhìn đoàn tàu đi qua.
Tiếng còi ở nhà ga Toungoo là chuông báo bữa ăn tối. Toungoo ở chính giữa đường và trước khi tới ga này, chẳng có ai trên tàu động đến thức ăn. Nhưng khi tiếng còi vang lên, các suất cơm hộp mở ra, các cặp lồng cơm bày ra trên ghế, cơm gói trong lá cọ được đưa qua cửa sổ cùng tôm đồng, tôm biển nấu chín đỏ với tiêu, táo, đu đủ, cam và chuối nướng. Những người bán trà bán nước xuất hiện, việc ăn uống diễn ra cho tới khi tiếng còi cất lên lần nữa. Các bọc thức ăn lại được gói lại, rác vứt trên sàn còn thức ăn thừa thì vứt qua cửa sổ. Lũ chó đói đột nhiên xuất hiện, gầm ghè tranh nhau những thứ còn sót lại.
“Tại sao người ta không bắn chết lũ chó này đi?” Tôi hỏi một người ở Toungoo.
“Người Miến Điện cho rằng giết động vật là sai trái.”
“Thế sao người ta không cho chúng ăn?”
Anh ta im lặng. Tôi đang đặt câu hỏi đối với một giới luật cơ bản của đạo Phật, nguyên tắc về sự vô tư lự. Vì không có động vật nào bị giết nên chúng trông như thể sắp chết đói, chuột cũng vậy, có rất nhiều chuột ở Miến Điện, cùng tồn tại với chó, mà có lẽ chó đã tận diệt mèo khỏi nước này. Người Miến Điện cởi giày và tất để đi vào những đền linh thiêng nhưng rồi chính họ nhổ nước bọt và vẩy tàn thuốc lá xuống nền – họ không thấy có gì mâu thuẫn ở đây. Họ như thế nào nhỉ? Miến Điện là một nước theo chủ nghĩa xã hội khét tiếng quan liêu. Song chính sự quan liêu này lại có bản chất Phật giáo, không chỉ ở chỗ cần phải là một Phật tử để khoan dung đối với sự quan liêu đó, mà còn ở chỗ cái trì trệ quan liêu của Miến Điện đã thường xuyên khuyến khích lối mộ đạo truyền thống – một cán bộ nhà nước và một nhà sư có những điểm chung là ít vận động và mỉm cười vô tư lự nhất trần đời. Không có vấn đề gì xảy ra ở Miến Điện, mà thật ra người ta cũng chẳng minh đợi điều gì xảy ra ở đây.
Tám giờ đồng hồ đã trôi qua kể từ khi chúng tôi rời Rangoon, trưởng tàu, một người nếu ở trên các tàu khác thì đã đi soát vé hoặc sai một ai đó quét lại những hàng ghế đầy rác, thì trên tàu này vẫn ngồi trong một quầy nhỏ gần cái nhà vệ sinh bốc mùi tởm lợm, cho băng cát xét vào máy. Không có nước trên tàu, những cánh cửa lỏng lẻo va đập vào nhau; quạt thì hỏng và lối đi như một cái máng toàn xương gà, vỏ tôm và lá cọ nhớp nháp. Nhưng hệ thống khuếch đại âm thanh trên tàu lại hoạt động với công suất ngoài mong đợi, phát ra cái thứ âm nhạc khàn khàn suốt trên đường đến Mandalay.
Đến buổi chiều thì động cơ bị hỏng. Người đàn ông ngồi cạnh tôi, một người cảnh sát với sự bình tĩnh điển hình nói rằng: “Dầu bị nóng quá. Họ đợi cho dầu nguội bớt.” Rõ ràng là câu hỏi của tôi làm đau lòng ông ta và ông ta cam đoan với tôi rằng chuyến tàu sẽ tới nơi vào lúc bảy giờ: “Nếu không bảy thì chắc chắn là tám giờ.”
Ở Thazi, khi tàu hỏng đến lần thứ tư ông ta nói: “Đây là một chuyến tàu chậm. Bẩn và cũ – ghế cũ, động cơ cũ. Chúng tôi chẳng có ngoại hối.”
“Nhưng chẳng cần nhiều ngoại hối để mua một cái chổi quét.”
“Cũng có thể như thế.”
Tôi lang thang trong nhà ga, nghe thấy tiếng sáo, chiêng và tiếng trống dây lắc lộp bộp, trên con đường gần đường ray, một toán người xuất hiện trong ánh sáng kỳ lạ của bầu trời đỏ rực. Toán này đi đến hàng rào bên đường ray rồi dàn thành một hình bán nguyệt quanh một cô bé nhỏ nhắn không quá mười tuổi. Cô bé vén xà rông lên để có thể cử động dễ dàng, đầu đội một chiết mũ thanh tú có gắn tràng hạt. Âm nhạc nổi lên rồi lại tắt, om sòm và lặp đi lặp lại, cô bé uốn tay rồi bắt đầu nhảy múa; cô bé quỳ gối xuống, nhấc một chân này lên rồi chân kia với một chuyển động dứt khoát, sự nhanh nhẹn đã làm cho điệu múa trở nên duyên dáng.
Hành khách quay ra nhìn, rít xì gà từ cửa sổ của con tàu đứng im hoặc đi tản bộ gần hơn đến sân ga. Điệu múa này là dành cho hành khách; không có tiếng nói chuyện – chỉ có tiếng nhạc ngân vang và cô bé đang múa ở nơi trống trải này. Màn biểu diễn tiếp diễn có lẽ trong khoảng mười phút, rồi đột ngột chấm dứt, toán người kéo nhau đi mất, tiếng sáo vẫn réo rắt, tiếng trống vẫn kêu. Đó là một phần của chu trình sinh hoạt ở Miến Điện: sự cố hỏng tàu và việc phải dừng lại trở nên dịu đi với âm nhạc du dương, một bầu trời đáng yêu, một cô bé nhảy múa và rồi tàu lại bất ngờ đi tiếp.
Chúng tôi đi nốt phần đường còn lại đến Mandalay trong bóng đêm, tới nơi lúc tám rưỡi tối; khi đó những người đang tham gia lễ hội Kathin đã mang lại sự sôi động cho nhà ga với những tay chơi trống cuồng nhiệt và những vũ công xinh đẹp, họ chen chúc trong đám đông những người họ hàng đến đón người thân, lao vào ôm hôn người thân xuống tàu. Tôi tìm đường đi tới văn phòng của trưởng ga và được một ông già đội mũ lưỡi trai chào đón nồng nhiệt cứ như là đang chờ tôi vậy. Ông ta hỏi hộ chiếu của tôi, cần mẫn ghi lại tên rồi hỏi đích đến của tôi.
“Có chuyến tàu đi Maymyo vào bảy giờ sáng mai đấy,” ông nói. Ở một đất nước mà tất cả các chuyến tàu đều khởi hành vào lúc bảy giờ thì không cần thiết phải có những lịch trình tàu in sẵn.
“Tôi muốn mua một vé.”
“Quầy vé đóng cửa rồi. Mai sáu giờ ông tới nhé. Đích đến cuối cùng của ông là ở đâu?”
“Sau Maymyo tôi muốn đến Gokteik. Để xem cây cầu cạn.”
“Du khách nước ngoài bị cấm đến xem cầu cạn.”
Có thể ông ta đang cảnh cáo tôi không được làm ô uế một ngôi đền linh thiêng.
“Vậy thì tôi đi Lashio.”
“Tới đó cũng bị cấm, Lashio là một khu vực anh ninh. Ở đó có phiến quân nổi loạn.”
“Ý ông là tôi phải ở lại Maymyo?”
“Maymyo là một nơi đẹp mà. Tất cả những người nước ngoài đều thích Maymyo.”
“Tôi muốn đi đến Gokteik.”
“Tệ quá. Sao ngài không đến Pagan?”
“Tôi từng ở Pagan rồi.”
“Hoặc là hồ Inle. Họ có một khách sạn ở đấy.”
“Tôi muốn đi tàu.”
“Thế tại sao ông không đi tàu quay lại Rangoon đi?” người trưởng ga hỏi.
Ông ta bắt tay tôi và dẫn tôi ra cửa. Ở bên ngoài là Mandalay. Đây là một thành phố dưới thấp rộng bao la, nhiều bụi tới mức đèn lồng trên những chiếc xe ngựa và đèn hiệu của những chiếc xe buýt bằng gỗ bật sáng như thể trong sương mù dày đặc. Thành phố rộng lớn nhưng chẳng có gì hay ho; pháo đài thì không được vào; các tu viện đã bị đốt phá và ngôi đền trên đỉnh đồi Mandalay thì hiện đại chẳng có gì thú vị. Mandalay là một cái tên kỳ diệu, nhưng còn hơn thế một chút. Thơ của Kipling như thế nào nhỉ? Ờ thì thực tế là Kipling chưa đặt chân đến đây bao giờ, trải nghiệm về Miến Điện của ông chỉ giới hạn trong vài năm 1889, khi tàu của ông dừng chân ở Rangoon.
Mandalay có hai khách sạn, một rẻ, một đắt. Cả hai đều thiếu tiện nghi nên tôi chọn cái rẻ hơn. Người quản lý nói rằng họ không còn phòng nào. Anh ta cau mày mệt mỏi và nóng lòng muốn tôi biến đi. Tôi hỏi: “Nhưng tôi sẽ ngủ ở đâu?” Anh ta cân nhắc về vấn đề này rồi dẫn tôi tới một phòng, than vãn rằng anh ta đến khổ với một cuộc hội thảo về bệnh phong được tổ chức trong khách sạn này (“Họ cứ đòi hỏi hết cái này đến cái kia”). Tôi hỏi có thức ăn không. Anh ta nói không còn và chứng minh bằng việc chỉ cho tôi xem căn bếp trống không. Tôi ăn quả chuối mua ở Thazi và cảm ơn anh quản lý đã bố trí phòng cho tôi. Anh ta là một người Miến Điện tốt bụng. Anh ta đã không thể đuổi tôi đi, mặc dù không muốn tôi ở lại. Anh ta cho tôi một chỗ trú chân nhỏ nhưng không có thực phẩm, theo nghĩa đen, anh ta đối xử với tôi như một kẻ hạ đẳng, với một sự tôn trọng xen lẫn đố kỵ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui