Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ


Duffill đeo kính vào, loại kính gọng dây và mắt kính được dán băng dính hiệu Scotch vừa đủ để ông ta không nhìn thấy Thánh đường Xanh[1]. Ông ta vừa lẩm bẩm vừa thu dọn những gói đồ cùng một chiếc va li dài quá khổ được chằng lại bằng những đoạn dây da và dây vải để tránh cho nó không mở bung ra. Qua một vài toa, chúng tôi gặp lại nhau để cùng đọc tấm bảng ở bên sườn toa tàu nằm: Trực tuyến Phương Đông, và hành trình của nó là, Paris – Lausanne – Milano – Trieste – Zagreb – Beograd – Sofia – Istanbul. Chúng tôi đứng đó, nhìn chằm chằm vào tấm bảng. Duffill biến cặp kính thành ống nhòm. Cuối cùng, ông ta nói: “Tôi đã đi chuyến tàu này năm một nghìn chín trăm hai mươi chín.”
[1] Blue Mosque, nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng ở Istanbul, được xây dựng từ năm 1616.
Câu nói dường như cần thêm lời giải thích, nhưng cùng lúc đó một lời giải thích cũng xuất hiện trong đầu tôi (“Theo tình trạng của con tàu, ắt hẳn đó là con tàu mà ông ta đã đi!”). Duffill gom xong những gói đồ cùng cái va li được bó chặt rồi đi xuống sân ga. Đó là một con tàu tuyệt vời vào năm 1929 và không cần phải giới thiệu rằng Đoàn tàu tốc hành Phương Đông là đoàn tàu nổi tiếng nhất thế giới. Cũng giống như tàu xuyên Siberia, đoàn tàu này nối châu Âu với châu Á, và điều này giải thích ột số câu chuyện lãng mạn về nó. Tuy nhiên, đoàn tàu cũng được thần thánh hóa bởi trí tưởng tượng của con người: Quý bà Chatterly “hay thao thức” đã từng tin vào điều đó; Hercule Poirot và James Bond cũng vậy; Graham Greene đã khiến cho những người hay hoài nghi tin vào sự hư cấu trước khi bản thân ông tin như vậy (“Khi tôi không thể bắt được chuyến tàu tới Istanbul, điều tốt nhất tôi có thể làm là mua một đĩa Pacific 231 của Honegger,” – Greene viết trong phần giới thiệu cho cuốn Chuyến tàu Stamboul). Cuốn sách được khơi nguồn tưởng tượng từ cuốn La Madone des sleepings (Bức tranh Đức Mẹ trong toa ngủ) năm 1925 của Maurice Dekobra. Nữ anh hùng của Dekobra – Quý bà Diana (“mẫu phụ nữ có thể khiến John Ruskin rơi lệ”), đã được bán sạch trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông: “Tôi có vé đi Costantinople. Nhưng có thể tôi xuống ở Viên hoặc Budapest. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào may mắn hoặc vào màu mắt của người ngồi cùng khoang.” Cuối cùng, tôi không tiếp tục băn khoăn tại sao nhiều cây bút sử dụng đoàn tàu như vậy làm bối cảnh cho những truyện hình sự, bởi lẽ, với toàn bộ lòng kính trọng, người ta đã không còn sử dụng đoàn tàu nữa.
Khoang của tôi là một phòng hai giường chật hẹp với một cái thang đặt vô lối. Tôi ném va li vào và nó choán hết chỗ của tôi. Người soát vé chỉ cho tôi cách ấn cái va li xuống gầm giường tầng dưới. Ông ta chần chừ, có vẻ như đang hy vọng được tiền boa.
“Còn ai ở đây nữa không?” May cho tôi là không có ai ở chung phòng; lời nói dí dỏm của người lữ khách dặm trường thể hiện niềm tin rằng ông ta sắp, và sẽ chỉ có một mình trên suốt chặng đường – không thể tin được là một người khác có cùng ý nghĩ đó với ông.
Người soát vé nhún vai, có lẽ có mà cũng có lẽ không. Câu trả lời chiếu lệ của ông ta đã khiến tôi rút lại ý định đưa tiền boa. Tôi đi bộ dọc toa tàu: một cặp người Nhật Bản ở trong khoang đôi – và đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng tôi trông thấy họ; một cặp người Mỹ ở bên cạnh họ; một bà mẹ người Pháp đẫy đà khẽ thì thầm với cô con gái trông rất đáng yêu; một cô gái người Bỉ cao lớn bất thường – cô ta rõ ràng là cao hơn một mét tám, đi một đôi giày vĩ đại – đi cùng với một phụ nữ Pháp ăn mặc rất thanh lịch và hợp thời trang; và (cánh cửa đang đóng lại) có một bà xơ, hoặc một kẻ bị quỷ ám béo phì. Ở cuối toa, một gã mặc áo len cổ lọ, đội mũ thủy thủ và đeo kính một mắt, đang xếp những cái chai lên bậu cửa sổ: ba chai rượu, một chai nước khoáng Pierre, một cái chai dẹt đựng rượu gin – rõ ràng là gã sẽ đi một chặng đường dài.
Duffill đứng phía ngoài khoang của tôi. Ông ta thở không ra hơi; ông bảo đã gặp khó khăn để tìm đúng toa tàu bởi vì tiếng Pháp của ông ta rất tồi. Ông ta hít một hơi sâu, cởi tuột cái áo khoác ra, treo cùng với mũ vào cái móc bên cạnh cái móc của tôi.
“Tôi sẽ ở trên này,” ông ta nói, vỗ nhẹ vào cái giường tầng trên. Tuy nhỏ bé nhưng tôi nhận thấy ngay khi ông ta bước vào, khoang tàu liền trở nên chật cứng.
“Ông đi bao xa?” tôi đánh bạo hỏi và mặc dù đã biết câu trả lời, khi nghe được tôi vẫn co rúm người lại. Tôi đã lên kế hoạch tìm hiểu ông mà vẫn giữ khoảng cách, tôi đã hy vọng có riêng một khoang. Việc ông vào cùng khoang không phải là một tin tốt lành. Ông ta biết tôi đón nhận điều đó một cách đau khổ.
Ông ta bảo: “Tôi không ngáng đường anh đâu.” Đống gói, hộp của ông ta nằm trên sàn. “Tôi chỉ phải tìm chỗ để những thứ này.”
“Vậy thì tôi để yên cho ông làm,” tôi nói. Những người khác đứng dọc hành lang chờ đợi con tàu chuyển bánh. Cặp người Mỹ chà xát cái cửa sổ cho đến khi họ nhận ra rằng vết bẩn nằm ở phía bên ngoài; gã đàn ông đeo kính một tròng vừa nhìn soi mói mọi người vừa uống rượu, bà người Pháp thì nói: “Thụy Sĩ.”
“Istanbul,” cô gái người Bỉ nói. Cô có một khuôn mặt lớn được phức tạp hóa thêm bởi cặp kính, và cô ta cao hơn tôi một cái đầu. “Lần đầu tiên tôi đến đó.”
“Tôi đã ở Istanbul hai năm trước,” bà người Pháp nói, nhăn mặt theo cái cách người Pháp hay làm trước khi lại tiếp tục nói bằng ngôn ngữ của họ.
“Nó thế nào cơ?” cô gái người Bỉ hỏi. Cô chờ đợi. Tôi cũng chờ đợi. Cô mớm lời cho bà người Pháp “Rất đẹp ?”
Bà người Pháp cười vào mỗi chúng tôi. Bà ta lắc đầu nói “Cực kỳ bẩn thỉu.”[2]
[2] Nguyên văn tiếng Pháp: Tres sale.
“Nhưng đẹp? Cổ kính? Còn những nhà thờ thì sao?” cô gái người Bỉ cố gặng hỏi.
“Bẩn thỉu.” Tại sao bà ấy lại cười?
“Tôi sẽ đến Izmir, Cappadocia và…”
Bà người Pháp kêu cục cục và nói: “Bẩn thỉu, bẩn thỉu, bẩn thỉu.” Bà ta quay trở vào khoang. Cô gái người Bỉ nhăn mặt và nháy mắt với tôi.
Đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh và ở phía cuối toa, gã đàn ông đội mũ thủy thủ dựa lưng vào cửa khoang theo dõi câu chuyện của chúng tôi. Vài phút sau, những người khách còn lại cũng đi vào khoang của họ - từ khoang của mình, tôi nghe thấy tiếng va đập của những bọc giấy bị lèn vào các góc. Chỉ có gã nghiện rượu thuận tay trái, người mà tôi nghĩ từng là một thuyền trưởng và tôi đứng ở lối đi. Gã nhìn vào đường đi của tôi và hỏi “Istanbul?”
“Vâng.”
“Rượu đi.”
“Tôi uống suốt ngày nay rồi,” tôi nói. “Anh có nước khoáng không?”
“Tôi có,” gã nói. “Nhưng tôi dành để đánh răng. Tôi chẳng bao giờ động vào nước nhà tàu. Uống gì cho ra uống đi. Nào! Uống cái gì nào?”
“Một lon bia thì tốt.”
“Tôi không bao giờ uống bia,” gã đáp. “Thử một chút thứ này đi.” Gã đưa tôi cốc của gã, quay lại khoang, rót cho tôi một chút rồi nói, “Đây là một loại rượu Chablis uống rất được đấy, không gợn một chút nào – còn loại xuất khẩu thì, anh biết đấy.”
Chúng tôi chạm cốc. Đoàn tàu bắt đầu đi nhanh.
“Istanbul.”
“Istanbul! Phải rồi, anh đang đến đó.”
Tên gã là Molesworth, nhưng gã nói từ đó rõ đến mức lần đầu tiên nghe thấy, tôi cứ nghĩ cái tên gồm hai chữ tách biệt nhau. Dáng điệu cũng như lối nói nhanh, rõ ràng của gã mang hơi hướng nhà binh, đồng thời, sự nhạy bén của gã có vẻ lại là của một diễn viên. Gã đang ở cái tuổi năm mươi đầy bất mãn và tôi có thể mường tượng ra cảnh gã ngắt lời một sĩ quan trẻ bằng những từ ngữ cay độc ở một câu lạc bộ - có thể là Aldershot hoặc trong cảnh thứ ba của vở Rattigan. Tôi nhận ra cái đĩa kính nhỏ mà gã móc vào sợi xích đeo quanh cổ có vẻ giống với một chiếc kính lúp hơn là một cái ống nhòm. Trước đó, gã đã dùng nó để tìm chai Chablis.
Hắn nói: “Tôi là một bầu sô diễn viên.” “Tôi đã từng có công ty riêng ở London. Công ty nhỏ thôi nhưng kinh doanh cũng được. Bọn tôi luôn có nhiều khách hàng hơn so với khả năng đáp ứng.”
“Có diễn viên nào có lẽ biết chăng?”
Gã nói tên một số diễn viên nổi tiếng.
“Tôi cứ tưởng anh làm trong quân đội.”
“Thật à?” Gã nói từng tham gia quân đội Ấn Độ - Poona, Simla, Madras – và nhiệm vụ của gã ở đó là tổ chức biểu diễn cho binh lính xem. Gã đã tổ chức tua diễn của Noel Coward ở Ấn Độ vào năm 1946. Gã yêu con đường binh nghiệp và nói rằng có nhiều người Ấn Độ có giáo dục mà người ta có thể cư xử với họ tuyệt đối bình đẳng - quả thực, nói chuyện với họ khó mà biết được họ là người Ấn Độ.
“Tôi biết một sĩ quan Anh đã ở Simla vào những năm bốn mươi,” tôi nói. “Tôi đã gặp ông ta ở Kenya. Biệt danh của ông ta là Bunny.”
Molesworth nghĩ ngợi một chút rồi đáp, “Thật ra, tôi biết vài thằng Bunny cơ.”
Chúng tôi trò chuyện về tàu hỏa Ấn Độ. Molesworth nói rằng những đoàn tàu đó rất tuyệt vời. “Họ có phòng tắm và luôn có một thanh niên đem cho anh những thứ anh cần. Vào giờ ăn, họ đánh điện cho ga tiếp theo chuẩn bị đồ ăn. Ồ, anh sẽ thích điều đó.”
Duffill thò cổ ra cửa và nói: “Tôi nghĩ tôi nên đi ngủ đây.”
“Lão cùng khoang với anh hả?” Molesworth nói. Gã nhìn quanh toàn bộ đoàn tàu. “Đoàn tàu này không còn như trước nữa. Thật đáng tiếc. Nó đã từng là một trong những đoàn tàu tốt nhất, một đoàn tàu sang trọng mà hoàng gia thường sử dụng. Bây giờ tôi chẳng dám chắc chuyện đó nữa, nhưng tôi không nghĩ là ta có toa ăn, nếu đúng thế thì đấy là một chỗ cực kỳ chán. Anh có giỏ đồ ăn không?”
Tôi nói không, mặc dù tôi đã được khuyên mang theo một cái.
“Đó là một lời khuyên hay,” Molesworth nói. “Chính tôi cũng không có giỏ đồ ăn, nhưng tôi không ăn mấy. Tôi thích nghĩ đến đồ ăn, nhưng tôi thích uống hơn nhiều. Anh thấy rượu Chablis thế nào? Thêm một chút nữa chứ?” Gã đeo kính lúp lên tìm cái chai. Vừa rót gã vừa nói: “Những loại rượu Pháp này cực kỳ khó bị đánh bại.”
Nửa tiếng sau, tôi đi vào trong khoang. Đèn sáng rực và Duffill đang ngủ ở giường trên, mặt quay về phía cái đèn trên đầu khiến ông ta trông như một xác chết màu ghi với bộ đồ ngủ cài khuỵu đến tận cổ. Khuôn mặt ông ta biểu lộ một sự đau đớn cực độ: nét mặt không thay đổi trong khi đầu lúc lắc theo chuyển động của con tàu. Tôi tắt đèn bò vào giường. Tuy nhiên, tôi không ngủ được ngay; cơn cảm lạnh và những thứ tôi uống - cả chính sự mệt mỏi nữa – đã làm tôi thao thức. Và rồi cái gì đó đã đánh thức tôi: đó là một vòng màu rực rỡ, mặt đồng hồ dạ quang trên đồng hồ đeo tay của Duffill vì tay ông ta đã trượt xuống và đung đưa theo nhịp lắc của con tàu, đưa cái mặt đồng hồ sặc sỡ màu xanh lá qua mặt tôi như một quả lắc đồng hồ.
Rồi cái mặt đồng hồ biến mất. Tôi nghe thấy Duffill đang leo xuống cầu thang, rên rỉ khi lần từng bậc xuống. Mặt đồng hồ đó di chuyển về phía chậu rửa và đèn bật sáng. Tôi xoay người nằm quay mặt vào tường rồi nghe thấy tiếng Duffill lấy cái bô đi tiểu trong cái tủ dưới bồn rửa; tôi đợi, sau một lúc khá lâu, có tiếng nước róc rách, nhỏ dần khi cái bô đã đầy. Có tiếng thở dài, đèn tắt và tiếng bước chân lên cầu thang cọt kẹt. Duffill rên lần cuối trước khi tôi chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, Duffill đã đi đâu mất. Tôi nằm trên giường, dùng bàn chân kéo rèm cửa sổ, được vài xăng ti mét thì cái rèm tự cuộn lên, mở ra một không gian đồi núi ngập trong ánh nắng, dãy Alps lấp lóa trong ánh nắng đang lướt qua cửa sổ. Lần đầu tiên sau nhiều ngày, tôi mới thấy mặt trời, buổi sáng đầu tiên trên tàu và tôi bắt đầu nghĩ rằng từ giờ trong hai tháng tới, trời sẽ luôn tiếp tục hừng nắng như thế. Tôi đã đi cả chặng đường qua miền Nam Ấn Độ, trời trong vắt và hai tháng sau, tôi mới thấy mưa, đợt gió mùa đến muộn ở Madras.
Ở Vevey, tôi nhớ tới Daisy và tự hồi phục sức khỏe bằng một cốc hoa quả dầm muối. Ở Montreux, tôi đã thấy khá hơn và cạo râu. Duffill quay lại đúng lúc, tỏ ra rất thích thú với máy cạo râu sạc điện của tôi. Ông ta nói khi dùng dao cạo râu trên tàu, ông ta thường bị rách mặt. Ông ta chỉ cho tôi thấy một vết sẹo ở cổ họng và giới thiệu tên mình. Ông ta đã sống hai tháng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không nói ở đó làm gì. Dưới ánh sáng ban ngày rực rỡ, ông ta trông già hơn so với lúc trời âm u ở Victoria. Tôi đoán ông ta khoảng bảy mươi tuổi. Ông trông cũng không nhanh nhẹn lắm và tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta lại sống tới hai tháng ở Thổ Nhĩ Kỳ, trừ khi đó là một kẻ thụt quỹ bỏ trốn.
Ông ta nhìn ra dãy Alps rồi bảo: “Người ta nói nếu người Thụy Sĩ thiết kế ra những dãy núi này, hẳn là họ sẽ phổng mũi lắm.”
Tôi quyết định ăn sáng, nhưng khi đi tới cả hai toa đầu - cuối của tàu Phương Đông trực tuyến, tôi vẫn không thấy toa ăn, chỉ có toa ngủ và mọi người đang gà gật trên những ghế ngồi hạng hai. Trên đường về toa 99, có ba cậu bé Thụy Sĩ bám theo tôi, ở cửa mỗi khoang, chúng đều chạm vào tay cầm; nếu mở được, chúng sẽ mở hé và nhòm vào trong, chắc là để nhìn người bên trong mặc đồ hay nằm ườn trên giường. Một thằng bé nói to: “Xin lỗi bà!” hoặc “Xin lỗi ông!” khi những người trong khoang đang bối rối che mình lại. Khi đến toa của tôi, lũ tọc mạch láu lỉnh đó có vẻ rất phấn khích, huýt sáo và ré lên, nhưng với một thái độ lịch sự, bọn chúng lại nói: “Xin lỗi bà!” mỗi khi mở một cánh cửa. Bọn chúng kêu lên lần cuối rồi biến mất.
Cửa khoang của cặp người Mỹ mở ra. Người đàn ông bước ra trước, chỉnh lại nút thắt cà vạt, rồi một phụ nữ đang phải giữ thăng bằng nhờ một chiếc gậy, lập cập bước ra theo sau, rồi va phải cửa sổ. Dãy Alps hiện lên cao dần, ở những nơi sáng rõ nhất, mọc lên những ngôi nhà gỗ mái rộng, là là mặt đất tựa những cây nấm mọc thành cụm, hoặc xa hoặc gần những mái nhà thờ đứng chênh vênh trên núi. Nhiều thung lũng chìm trong bóng tối, ánh mặt trời chỉ chiếu tới những mặt vách núi và ở trên đỉnh. Dưới mặt đất, đoàn tàu đi qua những trang trại hoa quả và những ngôi làng sạch sẽ, người Thụy Sĩ cổ quàng khăn đang đạp xe, một hình ảnh mà người ta thấy ấn tượng trong phút chốc trước khi có cảm giác thôi thúc bước sang một tháng mới.
Cặp người Mỹ quay lại. Người đàn ông nhìn theo hướng của tôi và nói: “Tôi không tìm thấy.”
Người phụ nữ nói: “Em không nghĩ là ta đã hết.”
“Đừng có ngốc thế, đó đúng là cái đầu máy rồi.” Ông ta nhìn tôi. “Anh có thấy không?”
“Cái gì cơ?”
“Toa ăn.”
“Chẳng có đâu,” tôi nói. “Tôi vừa tìm rồi.”
“Thế thì tại sao,” người đàn ông nói, giờ đã tỏ ra rất tức giận, “tại sao bọn họ lại gọi chúng tôi đi ăn sáng?”
“Họ gọi hai người à?”
“Đúng thế. ‘Lần gọi cuối cùng.’ Anh không nghe thấy à? ‘Xin thông báo lần gọi ăn sáng cuối cùng,’ bọn họ nói thế. Nên chúng tôi mới vội vã.”
Những thằng nhóc Thụy Sĩ hét lên khi mở cửa khoang và chạy trước khi ông người Mỹ này ngó ra. Tiếng tụi nó hét bị lầm tưởng thành tiếng gọi đi ăn sáng, khi bụng đói thì cái tai không còn chính xác nữa.
“Anh ghét nước Pháp,” người đàn ông nói.
Vợ ông ta nhìn ra ngoài cửa sổ. “Em nghĩ ta đã ra khỏi đó rồi. Đây đâu phải nước Pháp.”
“Là gì cũng được,” người đàn ông nói. Ông ta nói mình không thấy vui vẻ gì, nhưng cũng không muốn mình là kẻ than vãn nhiều, ông ta đã phải trả hai mươi đô la để đi taxi từ “Lazarus tới Lions.” Sau đó, một người khuân hành lý đã mang hai cái va li của họ từ taxi vào ga và đòi mười đô la. Anh ta không muốn lấy tiền Pháp, anh ta đòi đô la Mỹ.
Tôi bảo vậy là hơi đắt và hỏi thêm: “Anh có trả tiền không?”
“Dĩ nhiên tôi trả,” ông ta trả lời.
“Tôi không muốn anh ấy làm ầm lên,” bà vợ giải thích.
“Tôi chẳng bao giờ cãi nhau với người khác khi ở nước ngoài,” ông ta nói.
“Chúng tôi nghĩ mình sẽ lỡ tàu mất,” người phụ nữ nói. Bà ta nói thêm: “Tôi suýt bị xuất huyết.”
Cái dạ dày đang trống rỗng nên tôi chẳng mấy quan tâm đến chuyện này. Tôi thấy nhẹ người khi người đàn ông nói: “Đi thôi mẹ nó, nếu ta không có bữa sáng, thì cũng phải quay lại thôi,” rồi dẫn người phụ nữ đi.
Duffill đang ăn nốt miếng salami cuối cùng của mình. Ông ta có mời nhưng tôi nói sẽ mua bữa sáng ở sân ga Ý. Duffill đưa miếng salami lên cho vào miệng, ngay khi ông ta cắn miếng thịt, chúng tôi đi vào hầm, không gian tối đen.
“Bật đèn lên đi,” ông ta nói. “Tôi không thể ăn trong bóng tối. Tôi không cảm nhận được mùi gì cả.”
Tôi lần mò được công tắc đèn rồi bật lên, nhưng chúng tôi vẫn ngồi trong bóng tối.
Duffill nói: “Có lẽ bọn họ tiết kiệm điện.”
Trong bóng tối, giọng ông ta có vẻ như rất gần mặt tôi. Tôi di chuyển đến gần cửa sổ, cố nhìn những vách hầm, nhưng chỉ thấy toàn một màu đen. Tiếng đập của bánh xe nghe có vẻ như to hơn trong bóng tối, tàu có vẻ đi nhanh hơn, bóng tối hòa cùng nhịp chuyển động khiến tôi có cảm giác nghẹt thở như đang bị giam cầm, và khiến tôi phân biệt rõ được từng thứ mùi, mùi nồng nặc của khoang tàu, mùi salami, mùi áo len của Duffill và mùi vụn bánh mì. Vài phút trôi qua, chúng tôi vẫn ở trong hầm, cứ như đang rơi xuống một cái giếng, cái lỗ thoát nước của bồn rửa Alps mà cuối cùng sẽ tống chúng tôi vào bên trong bộ máy đồng hồ của nước Thụy Sĩ, những bánh răng lạnh buốt và những con chim cúc cu bị bỏng lạnh.
Duffill nói: “Chắc đây là Simplon.”
Tôi bảo: “Ước gì họ bật đèn lên.”
Tôi nghe thấy tiếng Duffill đang gói lại phần salami chưa ăn rồi ném cái gói và một góc.
“Ông định làm gì ở Thổ Nhĩ Kỳ?” tôi hỏi.
“Tôi ư?” Duffill nói, cứ như thể trong khoang này có nhiều ông già đang định tới Thổ Nhĩ Kỳ và mỗi người đang đợi đến lượt mình để trình bày lý do. Ông ta ngừng lại một lát và nói: “Tôi sẽ ở Istanbul một thời gian. Sau đó sẽ đi khắp đất nước.”
“Công chuyện hay chỉ là đi chơi?” tôi rất háo hức muốn biết và trong bóng tối thế này, tôi thấy không áy náy lắm khi tra hỏi ông ta. Duffill không thấy được sự háo hức trên gương mặt tôi. Mặt khác, tôi cũng nghe thấy được sự chần chừ rõ rệt trong câu trả lời của ông ta.
“Có lẽ cả hai,” ông ta trả lời.
Chẳng biết thêm được gì mấy. Tôi đợi thêm ông ta có nói thêm gì nữa không, nhưng chẳng thấy gì, tôi nói: “Thế chính xác thì ông làm gì ở đó, ông Duffill?”
“Tôi ư?” ông ta lại nói câu này, nhưng trước khi tôi có thể đưa ra một câu trả lời mỉa mai, tàu qua khỏi hầm, cả khoang ngập tràn ánh sáng còn Duffill nói: “Chắc đây là nước Ý rồi.”
Duffill đội cái mũ vải tuýt lên. Ông ta thấy tôi nhìn chằm chằm vào cái mũ nên giải thích, “Tôi đã đội chiếc mũ này nhiều năm rồi - mười một năm. Phải giặt khô. Tôi mua ở Barrow on Humber.” Rồi ông ta mở gói salami tiếp tục bữa ăn vừa bị hầm Simplon làm gián đoạn.
Phương Đông lướt ngoài cửa sổ - Chương 02: Đoàn tàu tốc hành Phương Đông trực tuyến (P.2)
Đúng 9 giờ 35, chúng tôi dừng lại ở ga Domodos-sola, nước Ý, tại đây có một người đàn ông rót cà phê và bán đồ ăn trên một cái xe đẩy khá nặng. Anh ta bán hoa quả, bánh mì miếng, bánh mì ổ, và loại salami, những túi đồ ăn trưa mà anh ta nói là “rất nhiều đồ ngon”. Anh ta cũng bán cả rượu vang, Molesworth mua một chai Bardolino và ba chai Chianti để phòng xa, tôi mua một chai Orvieto và một chai Chianti, Duffill cầm một chai vang đỏ.
Molesworth nói: “Tôi sẽ mang cái này về khoang. Lấy giúp tôi một túi đồ ăn trưa nhé?”
Tôi mua hai túi đồ ăn trưa và vài quả táo.
Duffill nói: “Tiền của Anh quốc, tôi chỉ có tiền Anh quốc thôi.”
Anh chàng người Ý cầm lấy một bảng của ông già rồi trả lại bằng đồng lira.
Molesworth quay lại bảo: “Cần phải rửa táo đấy. Ở đây có bệnh tiêu chảy.” Gã lại nhìn chiếc xe đẩy và nói: “Tôi nghĩ sẽ lấy hai túi đồ ăn trưa cho yên tâm.”
Trong khi Molesworth mua thêm đồ ăn và một chai Bardolino nữa, Duffill nói: “Tôi đã đi chuyến tàu này năm 1929.”
“Đi lúc đó rất đáng đấy,” Molesworth nói. “Con tàu này trước đây cực kỳ tuyệt.”
“Chúng ta sẽ ở đây bao lâu?” tôi hỏi.
Chẳng ai biết. Molesworth gọi anh bảo vệ tàu: “Này, George, chúng ta sẽ dừng ở đây bao lâu?”
Anh ta nhún vai và cũng làm như thế khi tàu bắt đầu chuyển bánh.
“Các ông nghĩ chúng ta sắp đi chưa?” tôi hỏi.
“Nó đang đi giật lùi,” Molesworth nói. “Tôi nghĩ là họ đang rẽ.”
Người bảo vệ tàu nói: “Andiamo.”[3]
[3] Nguyên văn tiếng Ý: Ta đi nào!
“Người Ý thích mặc đồng phục,” Molesworth nói. “Nhìn anh ta mà xem. Mà bộ đồng phục trông rõ rẻ tiền. Bọn họ cứ như những học sinh lớn quá khổ. Có phải anh đang nói với chúng tôi không đấy George?”
“Tôi nghĩ anh ta muốn ta lên tàu,” tôi đáp. Tàu ngừng đi giật lùi. Tôi nhảy lên tàu rồi nhìn xuống. Molesworth và Duffill đang ở bậc thang dưới.
“Anh cầm túi,” Duffill bảo, “anh lên trước đi.”
“Tôi ổn mà,” Molesworth nói. “Ông lên đi.”
“Nhưng anh có mang túi đồ mà,” Duffill nói. Ông ta lấy một cái tẩu từ trong túi áo khoác ra và bắt đầu ngậm tẩu. “Lên đi.” Ông ta lùi lại nhường chỗ cho Molesworth.
Molesworth hỏi: “Ông chắc chứ?”
Duffill nói: “Tôi không đi đường dài, cho đến năm 1929. Rồi tôi cũng không đi nữa, cho đến tận sau Thế chiến II.” Ông ta lại cho tẩu vào miệng và mỉm cười.
Molesworth trèo lên tàu - chậm chạp vì gã còn mang một chai rượu vang và túi đồ ăn trưa thứ hai. Duffill túm lấy thanh tay vịn cạnh cửa ra vào, đúng lúc đó tàu bắt đầu rời đi và ông ta buông tay ra. Hai bảo vệ tàu lao đến sau lưng ông ta, giữ tay rồi xô ông già đang chạy trên thềm ga và cố vươn tới bậc thang của toa 99. Duffill cảm nhận thấy bàn tay của những người Ý, cố gạt ra và chạy lảo đảo, rồi lùi lại; ông ta liếc nhìn và cười nhạt khi thấy cái cửa vụt qua. Trông ông như già đến một trăm tuổi. Tàu lướt nhanh qua trước mặt ông.
“George!” Molesworth gào ầm lên. “Dừng tàu lại!”
Tôi nghiêng người ra cửa: “Ông ấy vẫn đang trên thềm ga.”
Có hai người Ý đứng cạnh chúng tôi, một người soát vé và một người dọn giường. Họ cứ như sắp nhún vai.
“Kéo phanh khẩn cấp đi!” Molesworth nói.
“Không, không, không được,” người soát vé nói. “Nếu kéo phanh khẩn cấp, chúng tôi sẽ phải trả năm nghìn lira. Đừng chạm vào đó!”
“Liệu có tàu khác không?” tôi hỏi.
“Có,” người dọn giường nói với giọng khó chịu. “Ông ấy có thể bắt kịp chúng ta ở Milan.”
“Mấy giờ thì có chuyến tàu kế tiếp đi Milan?” tôi hỏi.
“2 giờ.”
“Khi nào chúng ta tới Milan?”
“1 giờ,” người soát vé nói. “Chúng ta sẽ rời đó lúc 2 giờ.”
“Bố khỉ -”
“Ông già ấy có thể đi xe ô tô,” người dọn giường giải thích. “Đừng lo. Ông ấy có thể đi taxi ở Domodossola, taxi đi vèo một cái là đến, ông ấy sẽ tới Milan trước chúng ta!”
Molesworth nói: “Mấy tên khốn đó nên học hành thêm về cách điều hành xe lửa.”
Bữa ăn sau khi Duffill bị bỏ rơi thật buồn chán. Đó là một bữa ăn pinic trong khoang của Molesworth; cô gái người Bỉ tên Monique mang pho mát tới nhập cuộc cùng chúng tôi. Cô hỏi xin nước khoáng và bị Molesworth càu nhàu: “Xin lỗi, tôi giữ nước khoáng để làm sạch răng.” Chúng tôi ngồi vai kề vai trên giường của Molesworth, thẫn thờ lấy ra phần ăn của mình trong túi ăn trưa.
“Tôi không lường trước tình huống này,” Molesworth nói. “Tôi nghĩ mỗi quốc gia nên có toa ăn riêng. Bố trí ở biên giới và phục vụ những bữa thật ngon.” Gã nhâm nhi quả trứng luộc kỹ và nói: “Có lẽ chúng ta nên cùng nhau viết thư cho Cook.”
Đoàn tàu tốc hành Phương Đông từng cung cấp dịch vụ đặc biệt không đâu có, giờ đây so với các đoàn tàu khác, nó lại chẳng có dịch vụ đặc biệt gì. Tàu tốc hành Rajdhani Ấn Độ phục vụ món cà ri trong toa ăn, tàu thư vận Khyber Pakistan cũng vậy, tàu tốc hành Meshed phục vụ món kebab gà Iran và tàu đi Sapporo ở Bắc Nhật Bản có món cá hun khói và cơm nếp. Các hộp đồ ăn trưa được bán ở ga Rangoon còn đường sắt Malaysia luôn có toa ăn trông giống như một quầy phở, tại đây bạn có thể mua món xúp meehoon; và Amtrak, tôi luôn nghĩ rằng đó là hãng xe lửa tồi tệ nhất thế giới, cũng có món hamburger trên tàu James Whi b Riley (tuyến Washington – Chicago). Đói cồn cào làm chuyến đi không còn thú vị nữa và xét theo quan điểm này thì tàu tốc hành Phương Đông còn thiếu thốn hơn cả đoàn tàu Madrasi nghèo nàn nhất, đi trên tàu Madrasi, bạn phải đổi những phiếu ăn cũ nát để lấy một khay rau nhỏ xíu với một tí cơm.
Monique nói: “Hy vọng ông ấy bắt được taxi.”
“Tội nghiệp ông già,” Molesworth than. “Anh thấy đấy, ông ấy rất hoảng hốt lúc bắt đầu bước lùi lại. ‘Ông mang túi mà,’ ông ấy nói, ‘ông lên trước đi.’ Nếu không hoảng hốt thì chắc ông ấy đã lên được tàu rồi. Để xem liệu ông ấy có thể tới được Milan không. Ông ấy phải đến được. Tôi lo là có thể ông ấy lên cơn đau tim. Ông ấy trông không khỏe lắm, đúng không? Anh biết tên ông ấy chứ?”
“Duffill,” tôi đáp.
“Duffill,” Molesworth nói. “Nếu ông ấy tỉnh táo, ông ấy sẽ ngồi xuống uống chút gì đó. Rồi bắt taxi đi Milan. Không xa lắm, nhưng nếu hốt hoảng lần nữa, ông ấy sẽ bị lạc.”
Chúng tôi tiếp tục ăn uống. Nếu có toa ăn, chúng tôi có thể ăn một bữa đơn giản và bỏ đồ thừa ở đó. Vì không có nên chúng tôi ăn suốt trên đường đến Milan, nỗi lo sợ bị đói làm người ta càng đói hơn. Monique bảo chúng tôi giống người Bỉ, cứ ăn liên tục.
Chúng tôi đến Milan lúc hơn một giờ. Chẳng thấy bóng dáng Duffill trên thềm ga cũng như trong đám đông ở phòng đợi. Nhà ga ở đây giống một nhà thờ, trần có vòm cao và những tấm biển đơn giản ghi những dòng kiểu “Lối ra” cho thấy phép ẩn dụ trong phương châm tôn giáo ở đây, từ kích thước cho đến vị trí đặc biệt trên tường; ban công chẳng để làm gì ngoài việc là chỗ đậu cho những con đại bàng bằng đá, có vẻ như trông chúng quá mập để có thể bay được. Chúng tôi mua thêm vài túi đồ ăn, một chai rượu vang và tờ Herald Tribune.
“Tội nghiệp ông già,” Molesworth nói, nhìn quanh quất để tìm Duffill.
“Có vẻ như ông ấy không đến kịp đây.”
“Họ đã cảnh cáo trước rồi, đúng không? Lỡ tàu. Anh nghĩ nó chuyển hướng, nhưng thực ra nó vẫn đi đúng hướng cũ. Đặc biệt là tàu tốc hành Phương Đông. Tờ Observer có nói đôi chút về chuyện này. Mọi người đều lỡ tàu. Đây cũng là đặc trưng nổi tiếng của đoàn tàu này.”
Ở toa 99, Molesworth nói: “Tôi nghĩ tốt hơn là ta nên lên tàu. Tôi không muốn mình bị ‘duffill’.”
Giờ chúng tôi đang trên đường tới Venice, chẳng còn hy vọng tìm thấy Duffill. Chẳng có mảy may cơ hội nào ông ấy sẽ bắt kịp. Chúng tôi uống hết một chai vang nữa rồi tôi đi về khoang của mình. Va li của Duffill, túi đồ, mấy bọc giấy chất đống ở một góc. Tôi ngồi xuống nhìn ra ngoài cửa sổ, cố kiềm chế ham muốn lục lọi đồ của Duffill để tìm ra lý do ông ta đi Thổ Nhĩ Kỳ. Trời bắt đầu nóng lên, những cánh đồng ngô như được nướng vàng ươm, rải rác những đụn lúa và rơm. Đi qua Brescia, hàng dãy cửa sổ của những ngôi nhà làm tôi nhức óc. Ít phút sau, như bị say bởi cái nóng của nước Ý, tôi chìm vào giấc ngủ.
Sau khi đi qua những miền đất công nghiệp khô cằn, chúng tôi tới Venice. Thành phố giống như một căn phòng hội họa trong một trạm xăng, những đường rãnh cống đen ngòm, nhớp nháp dầu chạy ngang dọc, những cái thùng và lò khổng lồ của các nhà máy lọc dầu, tất cả đều như đang đe dọa thành phố mong manh và nhỏ bé này. Những dòng chữ vẽ trên tường dọc theo đường đi đều được bố trí một cách chuyên nghiệp vì đó là tên của các công ty như: MOTTA GELAT - XỔ SỐ CỘNG SẢN[4], AGIP – CHÚNG TA ĐỀU LÀ KẺ SÁT NHÂN[5], RENAULT – ĐOÀN KẾT[6]. Eo biển nơi đây với những mảng dầu lấp lánh, như thể được danh họa Canaletto chấm phá vài đường nét, và cũng là một bãi chứa rác vụn, chai nhựa, những bệ toa lét vỡ, rác chưa xử lý và một nhà máy đang xả nước thải có bọt trắng lềnh bềnh. Khu vực rìa thành phố đã và đang mục ruỗng dần vì ngành công nghiệp, thứ phô ra trước mắt chúng tôi là những khung cửa sổ vỡ toác của những biệt thự vô chủ bị ngập nước ở lối đi sau nhà, một vài tháp chuông kiểu Venice sắp vỡ, ở phía xa xa, nằm khá thấp, gần như khuất tầm mắt là những bức tường trát vữa màu vàng và những mái nhà đỏ, trên đó có những đàn chim sẻ đang dạy bồ câu tập bay.
[4] Nguyên văn tiếng Ý: Lotta Comunista.
[5] Nguyên văn tiếng Ý: Noi siamo tutti assassini.
[6] Nguyên văn tiếng Ý: Unita.
“Chúng ta đến nơi rồi, mẹ nó ơi.” Ông chồng người Mỹ đang giúp vợ bước xuống bậc thang, một người khuân vác cũng đỡ bà xuống thềm ga. Thật trùng hợp, cặp vợ chồng này từng đến Venice vào thời điểm thành phố này còn chưa bị tàn phá: giờ đây cả thành phố và hai vị khách này đều đã tàn úa vì căn bệnh tuổi tác. Nhưng bà Ketchum (đó là tên bà ta, đây cũng là điều cuối cùng bà ấy nói với tôi) trông rất ốm yếu; bà ta bước đi, vịn vào chiếc gậy, đau đớn vì những khớp gối gần như hóa đá. Vợ chồng Ketchum có thể sẽ tới Istanbul sau vài hôm nữa, tôi thấy rõ là điên rồ khi họ đi đến một đất nước khỉ ho cò gáy trong tình trạng tập tễnh như vậy.
Tôi đưa hành lý của Duffill cho người soát vé ở Veneto[7] và bảo anh ta liên hệ với Milan để biết về Duffill. Anh ta nói mình sẽ làm, nhưng nói với kiểu vô tâm của người Ý như thế thì khó mà tin được. Tôi xin hóa đơn. Anh ta nhượng bộ, liệt kê các gói đồ của Duffill vào giấy biên nhận với vẻ bực dọc và chậm chạp. Ngay khi chúng tôi rời Venice, tôi xé tờ biên nhận vứt ra ngoài cửa sổ. Tôi yêu cầu làm thế chỉ để làm khó anh ta.
[7] Một trong hai mươi vùng địa lý của Ý, có thủ phủ là thành phố Venice.
Ở Trieste, Molesworth phát hiện ra rằng tay soát vé người Ý đã xé nhầm tất cả vé trong cái ví hiệu Cook của gã. Tay soát vé người Ý ở Venice đã khiến Molesworth không có vé đi Istanbul và cả Nam Tư. Nhưng Molesworth vẫn bình tĩnh. Gã nói kế sách của mình lúc này là nói không có tiền và chỉ biết tiếng Anh: “Như vậy là đã đẩy bóng sang sân của bọn chúng.”
Nhưng tay soát vé mới này rất kiên quyết. Hắn cứ đứng ở cửa khoang của Molesworth. Hắn nói: “Ông không có vé.” Molesworth không trả lời. Gã tự rót ình một ly rượu vang và nhấp một chút. “Ông không có vé.”
“Lỗi của anh, George.”
“Ông,” người soát vé bảo. Hắn vẫy một chiếc vé trước mặt Molesworth. “Ông không có vé.”
“Xin lỗi, George,” Molesworth nói, vẫn tiếp tục uống. “Anh phải gọi điện cho Cook thôi.”
“Ông không có vé. Ông phải trả tiền.”
“Tôi không trả. Không có tiền.” Molesworth cau mày đoạn nói với tôi: “Ước gì hắn biến đi.”
“Ông không thể đi được.”
“Tôi cứ đi.”
“Không có vé! Không đi được.”
“Trời đất ơi,” Molesworth thốt lên. Cuộc tranh luận còn kéo dài thêm một lúc nữa. Molesworth đã bị thuyết phục phải xuống ở ga Trieste. Tay soát vé toát mồ hôi. Hắn giải thích tình hình với người quản lý nhà ga, ông này đứng lên đi khỏi văn phòng nhưng rồi không quay lại. Một gã nhân viên khác xuất hiện. “Nhìn bộ đồng phục kìa,” Molesworth nói, “Rõ là cũ rích!” Gã nhân viên này cố gọi điện đi Venice. Hắn quay số bằng ngón tay mũm mĩm. “A lô! A lô!” Nhưng máy điện thoại không hoạt động.
Cuối cùng Molesworth cũng nói: “Tôi bỏ cuộc. Tiền đây này.” Gã lấy ra một nắm tiền tờ mười nghìn lira. “Tôi mua vé mới.”
Tay soát vé cầm lấy tiền. Molesworth rút lại khi gã soát vé định chộp lấy.
“Nhìn này George,” Molesworth nói. “Anh đưa vé cho tôi, nhưng trước khi làm như vậy, anh hãy ngồi xuống viết giấy đảm bảo để tôi có thể lấy lại tiền. Rõ chứ?”
Nhưng tất cả những gì Molesworth nói khi chúng tôi tiếp tục lên đường là: “Tôi nghĩ bọn chúng rất láu cá.”
Ở Sezana, biên giới Nam Tư, người ta cũng rất láu cá. Những viên cảnh sát Nam Tư mặt tròn căng, đeo đai đen chéo qua ngực, tràn lên hành lang tàu kiểm tra hộ chiếu. Tôi đưa hộ chiếu của mình ra. Viên cảnh sát vày vò cuốn hộ chiếu, liếm ngón tay cái lật giở từng trang, để lại những vết bẩn trên đó, cho đến khi tìm thấy visa của tôi. Hắn trả lại cho tôi. Tôi bước đi cùng hắn để lấy lại cốc rượu vang bên khoang của Molesworth. Viên cảnh sát đặt bàn tay xòe rộng lên ngực tôi rồi ấn mạnh; tôi ngã dúi dụi về phía sau, hắn mỉm cười, nhếch mép, để lộ ra hàm răng kinh khủng.
“Anh có thể tưởng tượng ra mấy tên cảnh sát Nam Tư này cư xử thế nào đối với khách hạng ba,” Molesworth nói, hiếm khi gã bộc lộ lòng trắc ẩn với xã hội như vậy.
“Nàng vẫn khóc và trái đất vẫn quay,” tôi nói. “Đàn gảy tai trâu.”[8] “Ai nói bài thơ ‘The waste land’ (Miền đất hoang) là vô lý?”
[8] Nguyên văn: Jug Jug in dirty ears.
Từ “Jug”[9] này chưa thực sự chính xác, ở bên ngoài tàu, những đứa bé Nam Tư đang đùa nghịch trên đường ray, bố mẹ chúng khép nép đứng xếp hàng, tay giữ va li cho cân, những viên cảnh sát đeo túi da để tiền xu và cầm dùi cui đi tuần, miệng phì phèo thuốc lá, hơi một chút là hô: “Dừng lại!”
[9] Jug - từ viết tắt nói về người Jugoslavia hay còn gọi là Yugoslavia (Nam Tư cũ).
Có thêm hành khách lên toa 99 ở Venice: một phụ nữ người Armenia đến từ Thổ Nhĩ Kỳ (cùng một cô em gái ở Watertown, Massachusetts), bà này đi du lịch cùng con trai - mỗi lần tôi nói chuyện với người phụ nữ xinh đẹp, cậu bé lại khóc ré lên, cho đến khi tôi tự hiểu và biến đi chỗ khác; một bà sơ người Ý có gương mặt như một hoàng đế La Mã với hàng ria mép lờ mờ; Enrico, em trai bà sơ, giờ đang nằm trên giường của Duffill; ba người Thổ, bọn họ cố xoay xở để ngủ trên hai chiếc giường; và một bác sĩ đến từ Verona.
Ông bác sĩ là một chuyên gia về ung thư, đang trên đường đi dự hội nghị về ung thư ở Belgrade, ông này đang tán tỉnh Monique, cô cũng đáp trả và dẫn ông ta tới khoang của Molesworth để uống rượu. Ông này có hơi sưng sỉa mặt mày cho đến khi cuộc nói chuyện chuyển sang chủ đề ung thư; giống như bác sĩ Benway của William Burroughs (“Ung thư! Tình yêu đầu đời của tôi!”), ông ta trở nên nồng nhiệt và hào hứng như thể đang tóm tắt lại bài thuyết trình sẽ nói ở hội nghị.Tất cả chúng tôi đều cố gắng ra vẻ hiểu biết về ung thư, nhưng tôi để ý thấy ông bác sĩ đang véo vào tay Monique, cảm giác hình như ông ta đã tìm thấy một triệu chứng nào đó ở cô và đang định khám kỹ hơn, tôi nói chúc ngủ ngon rồi lên giường đọc cuốn Little Dorrit (Dorrit bé nhỏ). Tôi tìm thấy nguồn cảm hứng trong câu nói của Meagles: “Người ta thường tha thứ ột nơi chốn ngay khi đi qua nơi đó,” nó cứ liên tục hiện hữu trong đầu tôi, cho đến khi tôi chìm vào giấc ngủ, giống như những hành khách đang say ngủ trong toa tàu, giống như những đứa trẻ sơ sinh đang nằm trong chiếc nôi đu đưa.
Sáng hôm sau, tôi cạo râu; Enrico ngạc nhiên với máy cạo râu điện cầm tay của tôi, cũng như Duffill lúc trước. Lúc ấy tàu chúng tôi bắt kịp đoàn tàu bên thành gắn tấm biển bằng sứ tráng men khắc hàng chữ Moskva – Beograd. Tàu Phương Đông trực tuyến dừng lại, những chỗ nối các toa kêu ken két, Enrico lao ra ngoài cửa. Đã đến Belgrade, ở đây có điểm đáng chú ý là nhiều từ viết tắt như Centrocoop, Ateks, Rad và từ mà tôi rất thích: Transjug. Tại nhà ga Belgrade này, tôi nghĩ phải dùng máy ảnh mới được. Tôi thấy một nhóm nông dân Nam Tư, bà mẹ, ông bố, bà cụ già cùng một đám trẻ con; người đàn ông có bộ râu kiểu Halloween còn người phụ nữ mặc váy xa tanh màu xanh lá cây trùm lên cái quần nam giới; bà già quấn khăn choàng che kín mặt, chỉ hở mỗi cái lỗ mũi to tướng, xách một chiếc túi Gltone cũ rích. Phần hành lý còn lại của bọn họ là một đống thùng các tông phân loại lộn xộn và những bó hàng đóng gói gọn ghẽ, hành lý đang được chuyển qua đường ray từ thềm ga bên này sang bên kia. Bất cứ một thùng hàng nào cũng có thể làm trật đường ray. Những người di cư ở Belgrade: một bức chân dung chua chát về sự phù phiếm. Tôi ngắm và chuẩn bị chụp ảnh, nhưng nhìn qua ống kính, tôi thấy bà già thì thầm với người đàn ông, anh này quay ra, ra dấu đe dọa tôi.
Ở xa xa phía dưới thềm ga, tôi lại có cơ hội tuyệt vời khác. Một người đàn ông trong trang phục giám sát đường sắt, với một chiếc mũ nhọn, áo có cầu vai và quần là phẳng phiu đang tiến về phía tôi. Nhưng điều thú vị để đưa lên ảnh là anh ta hai tay cầm hai chiếc giày và đi chân trần. Đôi bàn chân anh ta to bẹt, trông bè ra và trắng giống củ cải. Tôi đợi anh ta đi qua, rồi bấm máy. Anh ta nghe thấy tiếng tách nên đã quay lại văng ra những lời chửi bới khiếm nhã. Sau sự việc đó, tôi chụp ảnh lén lút hơn.
Molesworth nhìn thấy tôi đang thẫn thờ trên thềm ga nên nói: “Tôi lên tàu đây. Tôi chẳng thể tin con tàu này được nữa.”
Nhưng mọi người đều đang đứng ở thềm ga; thực ra là tất cả các thềm ở sân ga đều chật ních khách đi tàu, khiến tôi không thể quên được hình ảnh này của Belgrade, như thể ta đứng ở bến cuối và mọi người đang đợi một con tàu không bao giờ xuất hiện, quan sát những đầu tàu không ngừng chuyển hướng. Tôi nói điều đó với Molesworth.
Gã bảo: “Giờ tôi cũng nghĩ về điều đó, khi có cảm giác mình bị ‘duffill’. Tôi không muốn bị như thế. Gã leo lên toa 99 rồi nói to: “Đừng để bị ‘duffill’ đấy!”
Chúng tôi bỏ gã soát vé người Ý ở Venice; tại Belgrade, người soát vé Nam Tư được thay bằng anh soát vé người Bulgaria.
“Người Mỹ à?” anh chàng Bulgaria hỏi tôi khi thu hộ chiếu.
Tôi nói đúng vậy.
“Agnew,” anh ta nói và gật đầu.
“Anh biết Agnew?”
Anh ta cười toét. “Ông ta đang khốn khổ đấy.”
Molesworth hỏi: “Anh là soát vé hả?”
Anh chàng Bulgaria nhún chân, hơi cúi người xuống.
“Tuyệt quá!” Molesworth nói. “Giờ thì tôi muốn anh dọn mấy cái chai này đi.” Gã chỉ xuống sàn khoang của gã, có cả đống chai vang trên sàn.
“Chai rỗng hả?” anh chàng Bulgaria cười nhếch mép.
“Đúng rồi. Hay lắm. Làm đi nhé,” Molesworth nói, rồi ra ngồi với tôi cạnh cửa sổ.
Chúng tôi rời nhà ga vào khoảng giữa trưa, ngoại ô Belgrade rợp bóng cây và khá thú vị, khi chúng tôi đi qua, những người lao động đã tạm rời đồ nghề, ngồi vắt chân trong bóng râm, vừa ăn trưa, vừa ngắm đoàn tàu. Tàu đi rất chậm, ta có thể nhìn thấy những đĩa bắp cải hầm và thậm chí đếm được có bao nhiêu quả ô liu đen trong những chiếc bát sứt. Mấy nhóm người đang ăn chuyền tay nhau những ổ bánh mì to bằng quả bóng đá, bẻ thành nhiều miếng lớn, rồi quệt vào đĩa từng mẩu nhỏ.
Mãi lâu sau trong chuyến đi này, tại một quán bar cho tàu thủy Nga ở biển Nhật Bản, trên hành trình xe lửa từ Nhật đi Liên Xô bắt đầu từ vịnh Nakhodka, tôi gặp một anh chàng người Nam Tư vui tính tên là Nikola, anh ta nói với tôi: “Ở Nam Tư, chúng tôi có ba thứ hay: tự do, đàn bà và bia rượu.” “Nhưng không phải cả ba trong cùng một lúc, đúng không?” Tôi nói với hy vọng anh ta sẽ không tự ái. Lúc đó tôi bị say sóng nên quên mất nước Nam Tư cũ.
Buổi chiều tháng Chín thật dài, tôi ngồi suốt trên tàu từ Belgrade đi Dimitrovgrad, trong một góc, cạnh chai rượu vang đầy và khoan khoái hút tẩu.
Phương Đông lướt ngoài cửa sổ - Chương 02: Đoàn tàu tốc hành Phương Đông trực tuyến (P.3)
Bên ngoài cửa sổ tàu xuất hiện những người đàn bà, đa phần nhiều tuổi, họ choàng khăn chống nắng và buộc vào người những can nước tưới màu xanh. Bình nguyên thấp lại không bằng phẳng, lớp bụi đất mỏng chỉ đủ nuôi sống vài ba động vật. Khoảng năm con bò đứng bất động, một người chăn gia súc chống gậy trông lũ bò, chúng cũng còm cõi như những hình nhân bù nhìn – hai túi ni lông bọc ngoài hai thanh ngang làm khung xương – trông nom những cánh đồng bắp cải và hồ tiêu xơ xác. Xa xa bên kia những bắp cải xanh, một con lợn hồng hào đâm sầm vào bức rào vỡ nham nhở quanh chuồng, một con bò cái nằm dưới khung thành một sân bóng đá bỏ hoang. Bên ngoài những nếp nhà thôn quê, hồ tiêu đang trổ ra đỏ tía, tua tủa như những cụm hoa trạng nguyên, khô cằn dưới ánh mặt trời. Vùng này công việc đồng áng chủ yếu cày bừa và thu cỏ, những người đàn ông loạng choạng đi sau lũ bò đực kéo cày và bừa gỗ, đôi lúc họ lại lắc lư trên xe đạp chở ngất cỏ khô. Những người chăn thả gia súc không đơn giản làm công việc chăn thả, bọn họ còn là người canh gác để đàn gia súc không bị ăn cướp; một phụ nữ trông bốn con bò, một người đàn ông dùng gậy chăn dắt ba con lợn xám, còn những con gà gầy nhẳng do bọn trẻ con gầy nhẳng phụ trách. Tự do, đàn bà và bia rượu là định nghĩa của Nikola; còn kia một phụ nữ đang dừng lại giữa đồng để uống ngụm nước, cô ta uống xong, nghiêng gập người xuống để buộc đám thân ngô. Những ụ đất rộng vàng xốp trên những vườn nho héo úa; người ta bơm nước, múc nước lên từ nhiều lỗ giếng sâu; hàng loạt đống cỏ khô chất cao và những cánh đồng hồ tiêu đang chín không đều, ban đầu tôi cứ tưởng là vườn hoa. Cảm giác cực kỳ yên tĩnh, như đoàn tàu vút qua một vùng nông thôn xa xôi hoang dã. Cứ thế, trong suốt vài giờ, cảnh không thay đổi, một buổi chiều ở Nam Tư, và rồi mọi người biến mất, cứ như hiện tượng siêu nhiên: đường không có ô tô hay xe đạp, những ngôi nhà với cửa sổ trống trơn nằm bên rìa ruộng đồng hoang vắng, những cây táo trĩu quả không ai buồn hái. Có lẽ, giờ chưa phải lúc – ba rưỡi chiều; có lẽ trời quá nóng. Nhưng những người phơi hồ tiêu và chất những đống cỏ khô kia ở đâu? Đoàn tàu đi qua – đó chính là điều tuyệt vời của một đoàn tàu, ta không có cảm giác đang di chuyển – nhưng thực ra đang di chuyển nhanh hơn bình thường. Sáu thùng nuôi ong gọn gàng, một đầu máy hơi nước bỏ hoang có những bông hoa dại màu trắng đang quấn quanh ống xả khói, một con bò bị buộc ngay chỗ giao nhau của đường dân sinh và đường tàu. Trong cái nóng buổi chiều, khoang của tôi bắt đầu bị bụi phủ, phía đầu tàu, những người Thổ đang nằm ngủ ngon lành trên ghế, miệng há ra, lũ trẻ con còn thức ngồi trên bụng họ. Tại mỗi con sông, mỗi cây cầu mà tàu đi qua, đều có những chốt quân sự xây bằng gạch vuông vắn, giống như những phiên bản mô phỏng tháp Martello của Croatia, chúng đều nham nhở vì trúng bom. Rồi tôi thấy một người đàn ông, không đầu, chúi người trong cánh đồng ngô, bị những thân cây ngô cao hơn anh ta che phủ; tôi tự hỏi không biết mình có bỏ qua nhiều người khác không, vì họ có vẻ lọt thỏm giữa những cánh đồng này.
Một câu chuyện buồn xảy ra ở bên ngoài thành phố Nis. Trên con đường gần đường ray, một đám đông đang chen nhau để nhìn một con ngựa, nó vẫn đang bị buộc chặt vào một xe hàng quá tải, chiếc xe mắc kẹt trong vũng bùn, và con ngựa đã chết ngay đó. Tôi có thể hình dung ra nó bị vỡ tim khi cố thoát khỏi cái xe hàng. Và chuyện đó vừa mới xảy ra: bọn trẻ con gọi lũ bạn, một người đàn ông vội bỏ lại xe đạp chạy đến xem, ở xa hơn, một người đang đứng đái vào hàng rào cũng sốt sắng ra xem con ngựa. Cảnh tượng trông giống trong bức tranh của dân Flemish, trong đó hình ảnh người đái bậy là chi tiết sinh động. Người đàn ông đứng bên bờ rào, lắc lắc những giọt nước tiểu cuối cùng trước khi nhét cái đó vào trong quần rồi lao ra chỗ con ngựa; bức tranh hoàn tất.
“Tôi ghét ngắm cảnh,” Molesworth nói. Chúng tôi đang đứng ở cửa sổ hành lang thì tôi bị một viên cảnh sát người Nam Tư cảnh cáo vì chụp ảnh một cái đầu máy hơi nước, trong buổi chiều muộn, bụi cuộn lên theo bước chân của hàng nghìn người lao động đang sắp bước qua đường ray về nhà, họ đứng trong đám bụi hơi nước màu xanh pha trộn với đám mây những con ruồi vàng. Giờ chúng tôi đang ở bên hẻm núi đá bên ngoài Nis, trên đường tới Dimitrovgrad, khi chúng tôi đi qua đây, những vách núi nhô lên, đôi lúc khá cân xứng, trông giống tàn tích của những bức tường gạch kiên cố trong pháo đài của các lâu đài đổ nát. Cảnh này làm Molesworth thấy mệt và tôi nghĩ gã sắp giải thích cho cái sự uể oải của mình. “Tất cả những chuyến đi dài cùng với sách hướng dẫn,” nghỉ một lúc rồi gã nói tiếp: “Đám khách du lịch cá sấu cứ đi vào rồi đi ra các nhà thờ, viện bảo tàng, thánh đường. Không, không, không. Tôi chỉ muốn được tĩnh lặng, tìm một cái ghế êm ái. Anh hiểu ý tôi chứ? Tôi muốn đắm mình vào một đất nước.”
Gã uống rượu. Cả hai chúng tôi cùng uống, nhưng rượu làm gã trầm ngâm còn tôi thấy đói. Suốt cả ngày, tôi mới ăn một cái bánh pho mát ở Belgrade, một gói bánh quy xoắn và một quả táo chua loét. Quang cảnh nước Bungari với những ngôi nhà cũ nát và những con dê gầy còm, khiến tôi chẳng mấy hy vọng có một bữa ăn ngon ở nhà ga Sofia; và ở thành phố có cái tên đáng sợ Dragoman, có rất nhiều người bao gồm cả những người tràn xuống từ toa 99, sẽ cùng lên tàu vì tất cả chưa bị dính bệnh tả. Những người Bulgaria cho biết căn bệnh này đã tràn vào nước Ý.
Tôi tìm thấy anh soát vé người Bulgaria để hỏi xem một bữa ăn kiểu Bungari thì như thế nào. Rồi tôi viết ra vài từ Bungari ghi lại những món ăn ngon mà anh ta nói: pho mát, khoai tây, bánh mì, xúc xích, xa lát đậu, vân vân... Anh ta đảm bảo với tôi sẽ có đồ ăn ở Sofia.
“Con tàu này chậm kinh khủng,” Molesworth nói tàu Phương Đông trực tuyến cót két đi qua bóng tối. Đây đó có những chiếc đèn treo màu vàng, phía xa xa le lói ánh đèn trong một trạm dừng nhỏ, ta có thể thấy người trưởng trạm đứng cách trạm khoảng năm bước chân, đang vẫy cờ ra hiệu cho con tàu chậm chạp này.
Tôi đưa cho Molesworth danh sách những món ăn Bungari và bảo mình định mua những thứ có thể mang đi được ở Sofia; đây có thể là đêm cuối cùng của ta với con tàu Phương Đông trực tuyến – chúng ta xứng đáng có một bữa thịnh soạn.
“Nghe hợp lý đấy,” Molesworth nói. “Giờ anh định tiêu tiền thế nào?”
“Tôi vẫn chưa có ý tưởng gì cả,” tôi nói.
“Ở đây người ta dùng đồng lev, anh biết đấy. Nhưng vấn đề là tôi không tìm được nơi đổi tiền. Tay quản lý ngân hàng của tôi nói đây là một trong những đồng tiền vớ vẩn nhất – tôi đoán có khi nó chẳng phải tiền, chỉ là giấy lộn.” Theo như cách gã nói, tôi có thể thấy rằng gã chẳng đói. Gã tiếp tục, “Tôi luôn dùng thẻ nhựa. Cực kỳ tiện dụng.”
“Thẻ nhựa?”
“Mấy cái này này.” Gã bỏ chai rượu xuống rồi lấy ra một nắm thẻ tín dụng, xào xáo cả mớ và đọc tên.
“Anh nghĩ thẻ Barclay đã tới được Bungari chưa?”
“Cứ hy vọng là rồi,” gã nói. “Còn nếu chưa, thì tôi vẫn còn ít tiền lira.”
Khi chúng tôi tới được Sofia đã là mười một giờ đêm, Molesworth và tôi nhảy xuống tàu, người soát vé bảo chúng tôi phải nhanh lên: “Chỉ có mười lăm phút, có khi mười phút thôi.”
“Anh nói chúng tôi có nửa giờ mà.”
“Nhưng chúng tôi đi chậm. Đừng nói nữa – nhanh lên!”
Chúng tôi bước nhanh trên thềm ga tìm đồ ăn. Có một quán ăn đông nghẹt người vây quanh quầy bán hàng, chẳng có gì khác nữa ngoại trừ một người đàn ông với một cái xe đẩy bốc khói ở phía cuối ga. Ông ta bị hói. Tay này ông ta cầm một túi giấy nhỏ, tay kia mở thùng xe lấy ra vài chiếc bánh, rạch ra và iếng xúc xích to bằng quả chuối vào trong, có thể thấy mấy mẩu thịt lợn lòi ra ở quanh đường viền xúc xích. Ba khách hàng đang đứng trước chúng tôi. Ông bán hàng đang phục vụ họ, rất từ tốn, dùng nĩa cho bánh và xúc xích vào trong túi. Đến lượt mình, tôi giơ hai ngón tay lên, rồi đổi ý, giơ ba ngón. Ông ta gói ba cái riêng.
“Cũng thế,” Molesworth nói và đưa cho ông ta một tờ một nghìn lira.
“Không, không,” ông ta chối, đẩy tờ đô la của tôi ra đồng thời lấy lại túi bánh, cho vào trong xe.
“Ông ta không nhận tiền của chúng ta,” Molesworth bảo.
“Banka, banka,” ông ta nói.
“Ông ta muốn ta đi đổi tiền.”
“Đây là đô la,” tôi nói. “Tiền này mua được mọi thứ.”
“Ông ta không lấy đâu,” Molesworth khuyên. “Banka ở đâu?”
Ông đầu hói chỉ về phía nhà ga. Chúng tôi chạy theo hướng chỉ tay và tìm thấy một quầy đổi tiền, có cả dãy người đang đứng xếp hàng, tay cầm những tờ tiền và đá hành lý nhích lên từng tí một.
“Tôi nghĩ chúng ta phải bỏ cuộc rồi,” Molesworth thốt lên.
“Tôi thèm xúc xích đến chết đi được.”
“Trừ phi anh muốn bị ‘duffill’,” Molesworth nói, “Chúng ta nên quay lại tàu đi.”
Chúng tôi lên tàu, chỉ vài phút sau còi tàu rít lên và bóng tối của Bungari nuốt chửng ga Sofia. Enrico thấy chúng tôi trắng tay, đã lấy ít bánh xốp Ý của bà sơ chị gái anh ta cho chúng tôi; người phụ nữ Armenia mời chúng tôi một miếng pho mát, cô ta ngồi cạnh cùng uống với chúng tôi, cho đến khi cậu con trai mặc bộ pyjama đi qua. Thằng bé thấy mẹ đang cười, nó khóc ré lên. “Được rồi, mẹ đi đây,” cô ta nói và rời đi. Monique đã đi ngủ, cả Enrico cũng thế. Mọi người trên toa 99 đều ngủ cả, nhưng tàu lại đi nhanh hơn. “Chúng ta vẫn chưa đi xa lắm,” Molesworth nói và cắt miếng pho mát. “Còn hai chai vang nữa - mỗi chai một tí - với lại còn chút vang Orvieto để uống nốt. Pho mát, bánh quy. Chúng ta có thể gọi đây là bữa ăn khuya.” Chúng tôi tiếp tục uống, Molesworth nói về Ấn Độ, về chuyện gã đã đi tuyến tàu thủy P&O lần đầu tiên như thế nào, cùng với hàng nghìn lính nghĩa vụ và những công nhân thợ mỏ từ mỏ than Durham ra sao. Molesworth cùng những tay sĩ quan đã uống rất nhiều, nhưng mấy tay hạ sĩ quan gục hết. Sau một tháng, bọn họ hết bia. Đánh lộn xảy ra, mấy gã đàn ông nổi loạn, “và khi chúng tôi tới Bombay, đa số bọn họ đều bị giam. Còn tôi lại có thêm sao và quân hàm trên vai vì đã cư xử tốt.”
“Chuyện đại loại là như vậy đấy,” Molesworth kể. Tàu vẫn đang lướt đi khi gã mở chai rượu vang cuối cùng. “Có một quy tắc hay là hãy uống rượu vang ở mỗi đất nước ta đi qua.” Gã liếc ra cửa sổ nhìn bóng đêm. “Tôi nghĩ là ta vẫn đang ở Bulgaria. Tiếc thật!”
Một đàn bảy con chó lông xám, có lẽ là chó hoang, đang chạy đuổi trên đồng cỏ cằn cỗi miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, sủa vang khi đoàn tàu đi qua. Lũ chó, ở Thrace, làm tôi tỉnh giấc, Nagel cho rằng “điều này chẳng hấp dẫn gì.” Rồi khi lũ chó hoang giảm nhịp chạy và bị tụt lại phía sau đoàn tàu vẫn chuyển bánh, chẳng còn gì để nhìn ngắm ngoại trừ không gian đơn điệu và ảm đạm của những ngọn đồi vô vị. Thỉnh thoảng lướt qua những doanh trại quân đội có những chàng lính đang xúc cây củ cải đường nhuốm bụi vào trong những chiếc xe goòng bằng thép, và vì thiếu vắng bóng cây xanh nên sự đơn điệu của cảnh vật càng rõ rệt. Tôi không thể chịu nổi những dãy đồi trọc. Edirne (Adrianople) nằm ở phía Bắc, còn bốn giờ nữa mới đến Istanbul; chúng tôi đi qua những đồng cỏ, chỉ dừng lại ở những nhà ga nhỏ xíu, một chặng đi qua vùng đất cằn cỗi chẳng có gì để nhớ; đặc điểm của những đồng cỏ nơi đây là trống trơn, chẳng có gì để nói ngoài một màu nâu sẫm.
Tôi vẫn ở bên cửa sổ, hy vọng sẽ gặp được một điều ngạc nhiên nào đó. Chúng tôi đi qua một nhà ga nữa. Tôi cố gắng tìm kiếm một chi tiết nào đó; nhưng mọi sự tiếp tục lặp lại như năm mươi nhà ga trước khiến tôi không để tâm nữa. Nhưng rồi khi đi qua một mảnh vườn, bên cạnh có ba con gà tây đang chạy tung tăng đúng như đặc tính của lũ gà.
“Nhìn kìa!” Molesworth nhìn thấy chúng.
Tôi gật đầu.
“Gà tây. Ở Thổ Nhĩ Kỳ,[10]” gã thốt lên. “Tôi tự hỏi, đó có phải là lý do tại sao họ gọi nó như thế -”
[10] Gà tây và nước Thổ Nhĩ Kỳ trong tiế


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui