Hai hạng của đường sắt Malaysia bao gồm tám loại toa chở khác nhau, từ loại toa “chở thú” đơn giản với các hàng nghề gỗ cho đến các toa nằm được ốp gỗ tếch có giường ngủ rộng, ghế bành, ống nhổ bằng đồng thau và những tấm rèm xanh được trang trí theo những chủ đề của đường sắt (một con hổ hung hăng chồm lên tấn công một cái gập dò mạch nước). Nhưng nơi tốt nhất trên tàu cho chuyến đi mười tiếng đồng hồ đến Kuala Lumpur là ban công gỗ giữa các toa. Không gian đầy gió này là nơi mái hiên của toa này gặp mái hiên toa kia, dài khoảng hai mét: mỗi phía có một mái lợp nhô ra và ở mỗi bên thì hoặc là lan can hoặc là rào chắn. Một cái bảng đồng cảnh báo hành khách bằng ba thứ tiếng về những mối nguy hiểm khi đứng ở cái cổng vòm đang lao đi với tốc độ cao này – thực tế là bạn bị nghiêm cấm đứng ở đây khi tàu đi – nhưng chỗ này rất an toàn và vào ngày hôm đó thì rõ là an toàn hơn phía trong toa phòng khách, nơi năm anh lính Mã Lai uống say bia Anchor quấy rối một người Hoa đi ngang qua. Tôi đọc sách ở trong toa ăn, nhưng khi những anh lính bắt đầu vượt qua được sự bẽn lẽn của người bản địa và bắt đầu hát bài “Ten green bottles” (Mười chai xanh), tôi quyết định đi ra ban công. Ngay trong toa, một người Hoa tự nhét mình vào một giá hành lý, anh ta ngồi ấm ức trong đó và phía dưới tôi, trên bậc thang lên mái hiên, những chàng trai Mã Lai bám lấy nhau, đung đưa chân.
Giá cao su, thiếc và dầu cọ trên thế giới tăng cao khiến cho Malaysia trở nên thịnh vượng, nơi này thanh bình, không còn hung hăng như lần đầu tôi nhìn thấy vào năm 1969. Nhưng nụ cười của người Mã Lai đang mê muội; không lâu sau khi tôi cho rằng đây là một trong những đất nước yên tĩnh nhất thế giới thì những người Mã Lai kéo nhau hò hét đi ra khỏi những nhà thờ Hồi giáo với những chiếc khăn trắng quấn quanh đầu. Khi họ kéo qua, hai nghìn người Hoa đã chết và hàng trăm cửa hiệu bị đốt ra tro. Ông Lau, người khi ở Thái Lan đã đi tản bộ khắp đoàn tàu lớn tiếng than vãn về việc dừng tàu mười giờ đồng hồ, nay ngồi bứt rứt trên chuyến tàu Mũi Tên Vàng, ôm lấy cái cặp trong lòng và giữ cái hộp với những mẫu hàng dễ vỡ ở giữa hai đầu gối. Những nữ vận động viên thể dục Đài Loan không còn lên khởi động trên hành lang nữa. Người Hoa im lặng: đây là một chuyến tàu của người Mã Lai và là điều không tưởng nếu một nhóm người Hoa được vào toa ăn, ngồi hát (như những anh lính Mã Lai đang hát) bài “Roll me over in the clover” (Lăn tôi trên bãi cỏ). Một người Mã Lai hạng ba cũng có đặc quyền hơn một người Hoa hạng nhất.
Bữa trưa tôi được ăn món ưa thích cũ, xúp meehoom với trứng chần qua bày giữa cải thảo, những mẩu thịt, miếng tôm, giá đỗ, mì gạo và một số loại nguyên liệu khác được tán nhỏ nhưng đặc tới mức có thể dùng đũa để gắp. Không có bàn trong toa căng tin, mà thực ra là một tiệm mì; có những cái kệ nhớp nháp và ghế đẩu, người Hoa ngồi chen vai thích cánh, lắc đổ xì dầu lên mì và gọi phục vụ là mấy cậu bé đi guốc đỏ, mang bia trên những chiếc khay thiếc.
Ipoh, điểm dừng chính đầu tiên trên hành trình tới Kuala Lumpur, có một khách sạn nhà ga, một kiểu lâu đài Gormenghast[1] theo phong cách cuối thời Victoria với cửa sổ dài che những tấm rèm u ám. Những tấm vải nâu được treo theo nếp gấp dày, ngăn gió và duy trì cái nóng, thứ đang luẩn quẩn trong phòng ăn vì mười cái quạt quay chậm chạp. Tất cả các bàn đã được dọn ra và người phục vụ, có thể đã chết, được tựa lưng vào tường ở góc xa căn phòng. Rõ ràng là có một vụ tử tự ở trên lầu đang đợi được khám phá, đàn ruồi bay vút qua quầy bar trần cao lao đến tử thi của ông chủ đồn điền phá sản này hoặc một quý ông người Mã Lai – towkay – thất thế nào đó. Đây là một kiểu khách sạn mà bất cứ tủ áo nào cũng có một bộ xương và sổ đăng ký thì dày đặc bí danh của những kẻ thông dâm. Có một lần tôi từng bước vào khách sạn nhà ga Ipoh với cậu con trai nhỏ, ngay sau khi chúng tôi bước qua thềm cửa nó bắt đầu khóc. Cái mũi còn ngây thơ của nó đã ngửi thấy cái mùi gì đó mà mũi tôi không thấy và tôi chạy ra ngoài cùng con, cảm thấy thanh thản, nhấm nháp hương vị tốt đẹp của sự giải thoát.
[1] Lâu đài tưởng tượng trong loạt truyện của nhà văn Marvyn Peake.
Tôi vẫn ở trên ban công của đoàn tàu Mũi Tên Vàng, lắng nghe những câu chuyện sôi nổi của hành khách. Tiếng Anh ở Malaysia được nói với một giọng hầm hừ bằng âm mũi, từ liên tục bị nuốt, mỗi câu nói ra cứ như khạc nhổ và âm cuối mỗi từ thì bị cắn mất. Đây là một phiên bản bị gọt tỉa của tiếng Anh, và với cả thế giới thì thứ tiếng Anh ở đây nghe như tiếng Trung Quốc, cho tới khi tai người ta bị xoay sang những âm thanh ầm ĩ từ trong rừng cây bên cạnh đường ray, tiếng quang quác của những con vẹt đuôi dài, tiếng rào rào của đàn châu chấu và những con khỉ cọ răng bằng cách tước cây tre. Thứ tiếng Anh này loại bỏ mọi cảm xúc nhưng lại thì thào kích động; nó đều đều và hoàn toàn tương phản với tiếng Mã Lai, thứ tiếng mà nghe là hầu như hiểu luôn – người ta nói lướt, lặp lại một từ để thể hiện số nhiều, nhiều từ âm vang như tiếng cồng chiêng xuất hiện liên tục, như pisang, kachang, sarong. Tiếng Anh được Mã Lai hoá, được sử dụng trong hội thoại và trên các bảng thông báo ở nhà ga có thể dễ dàng nắm bắt: feri-bot, jadual, tiket, terafik và nombor[2].
[2] Trong tiếng Anh: ferry boat, schedule, ticket, traffic và number, nghĩ là: phà, lịch trình, vé, giao thông, số.
Hai người Ấn Độ trèo lên ban công. Thân hình họ (rất nhỏ) và cách ứng xử (sợ hãi) khiến người ta có thể khẳng định ngay lập tức là họ không phải người Malaysia. Họ có tính cách như loài bò sát nhỏ nhất, giống những người đói nhất tôi từng gặp ở Calcutta. Những hành khách khác trên ban công, chủ yến là người Mã Lai, nhường đường cho họ, hai người Ấn Độ đứng đó, sự rung lắc của tàu thổi bay những nếp gấp ra khỏi áo vest khoác ngoài của họ, họ tán chuyện khẽ khàng bằng ngôn ngữ riêng. Các nhà ga lần lượt trôi qua: Bidor, Trolak, Tapah và Klang – tên giống như các hành tinh trong truyện khoa học viễn tưởng – và trôi qua thường xuyên hơn là những đồn điền cao su lấn sâu vào rừng, một hệ thống tồn tại song song của những thân cây được cạo và những con đường bị giày xéo. Bao bọc chúng là cánh rừng cổ điển, với những cây dây leo treo lơ lửng, những cây cọ vươn lên như đài phun nước và những bụi cây thấp vây quanh bãi cỏ xanh, tất cả ướt đẫm dưới trời mưa. “Chúng tôi khai thác thiếc ở Thái Lan và ở Malaysia, giống như Cornwall ở Vương quốc Anh,” ông Thanoo đã nói thế trên tàu tốc hành Quốc tế và ở đây là những túp lều vẹo vọ, những dây chuyền băng tải còi cọc trông giống như chướng ngại vật trong môn trượt tuyết bị bỏ lại, những cụm khói và những ngọn đồi nhỏ đã bị rửa trôi đất đá.
“Công nghiệp,” một trong số những người Ấn Độ nói.
“Nhưng không hịu oả,” người kia nói.
“Nhưng không hịu oả,” một chàng trai Mã Lai nói với các bạn mình, nhại lại giọng người Ấn Độ. Bọn họ đều cười. Những người Ấn Độ im bặt.
Đến cuối buổi chiều, ban công vắng không. Ánh sáng tai tái vừa đủ chọc thủng đám mây mù, không khí bốc mùi thiu, trời ẩm ướt và nóng nực. Khi tàu dừng, luồng không khí trùm qua vai tôi. Những người Mã Lai đã đi vào trong để ngủ, hoặc có thể đi rình mò các cô gái. Đang là mùa sầu riêng và loại quả này, như người Mã Lai quy cho nó cái đặc tính kích dục, là cảm hứng cho câu nói của họ: “Khi sầu riêng đi xuống thì xà rông đi lên.”
Rồi chỉ còn mỗi hai người Ấn Độ và tôi ở trên ban công. Họ đang đi ngủ - và đây là thời điểm kết thúc kỳ nghỉ - sau khi tham gia một hội nghị ở Singapore cả tuần trước. Họ đến từ Bangladesh; tên là Gosh và Rahman; họ đi dự hội nghị về kế hoạch hóa gia đình.
“Các anh là chuyên viên kế hoạch hóa gia đình à?”
Rahman đáp, “Chúng tôi là quan chức.”
Ghosh nói, “Tất nhiên chúng tôi có những việc khác, nhưng chúng tôi đến dự hội nghị với tư cách những quan chức về kế hoạch hóa gia đình.”
“Các anh đã phát biểu chăng?”
Gosh trả lời: “Chúng tôi là quan sát viên. Những người khác đọc phát biểu.”
“Thú vị nhỉ?”
Họ lắc đầu; điều này có nghĩa là đúng thế.
Rahman nói, “Rất nhiều bài phát biểu. ‘Gia đình hai con là tiêu chuẩn xã hội’, ‘Phương pháp tránh thai’ và cả triệt sản, thắt ống dẫn tinh, các thiết bị, đặt vòng…”
Ghosh tiếp lời: “Có vài cuộc thảo luận hay. Đó là một cuộc hội thảo về tất cả những khía cạnh của kế hoạch hóa gia đình. Tất nhiên là rất thực tiễn, thông tin phong phú. Nhưng có nhiều vấn đề.”
“Anh nghĩ vấn đề nào là lớn nhất trong kế hoạch hóa gia đình?”
Ghosh trả lời: “Chính là truyền thông chứ còn gì nữa?”
“Theo cách nào?”
Anh Rahman nói: “Vùng nông thôn.” Tôi nghĩ anh ta định nói thêm gì đó về nhận định này, nhưng anh ta vuốt bộ râu kiểu Vandyke của mình, nhìn ra ngoài ban công và nói, “Nước này có nhiều con gái lái xe máy nhỉ.”
Tôi bảo, “À, các anh vừa dự hội nghị, đúng không? Và tôi đoán rằng anh sẽ quay lại Bangladesh.”
“Quay lại Singapore, rồi bay đến Băng Cốc, rồi đến Dacca,” anh Ghosh nói.
“Đúng rồi. Nhưng khi các anh quay về đó – ý tôi là, các anh đã nghe tất cả các bài phát biểu về kế hoạch hóa gia đình đó – các anh sẽ làm gì?”
Rahman gọi: “Ghosh?” mời đồng nghiệp của mình trả lời.
Ghosh hắng giọng rồi nói: “Có rất nhiều vấn đề. Tôi phải nói rằng trước hết chúng tôi sẽ bắt đầu ngay với chương trình giảng dạy. Chương trình giảng dạy là quan trọng nhất. Chúng tôi phải xây dựng một hình mẫu – làm việc trên hình mẫu đó với các mục đích và mục tiêu. Chúng tôi đang cố làm gì? Chúng tôi dự định đạt được cái gì? Và tại sao? Và chi phí cũng phải được xem xét. Tất cả những câu hỏi đó: cần phải tìm được câu trả lời. Anh có nghe tôi không đấy?” Anh ta lại hắng giọng lần nữa. “Tiếp đó, thứ quan trọng tiếp theo là những trung tâm thông tin,” – anh ta dang hai bàn tay ra để thể hiện tầm cỡ của những địa điểm đó – “có nghĩa là chúng tôi phải tạo ra những trung tâm thông tin để cho người dân bình thường có thể hiểu được tầm quan trọng của công việc chúng tôi làm.”
“Các anh định làm việc này ở đâu?”
Ghosh trả lời: “Ở các trường đại học.”
“Các trường đại học ấy à?”
Rahman nói, “Ở Bangladesh chúng tôi có rất nhiều trường đại học.”
“Ý anh là các anh sẽ bắt các trường đại học thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình?”
“Không, để nghiên cứ vấn đề này,” Ghosh trả lời.
“Vấn đề này đã được nghiên cứu trước đây chưa?”
Rahman đáp: “Không phải theo những cách mới này. Chúng tôi không có các trung tâm thông tin, như Ghosh nói. Và chúng tôi không có người được đào tạo về vấn đề này. Ghosh và tôi là những đại biểu duy nhất từ Bangladesh tại hội nghị. Giờ chúng tôi phải mang tất cả những kiến thức này về.”
“Nhưng tại sao lại đến những trường đại học?”
“Cậu giải thích đi,” Rahman nói với Ghosh.
Ghosh giải thích: “Anh ấy không hiểu đâu. Đầu tiên đến các trường đại học, sau đó, khi đã có những người được đào tạo, họ sẽ đến các khu vực nông thôn.
“Dân số ở Bangladesh là bao nhiêu?”
Ghosh nói: “Đây là một câu hỏi khó. Có rất nhiều câu trả lời.”
“Cho tôi biết ước tính đại khái đi.”
“Chừng bảy mươi lăm triệu,” anh Ghosh nói.
“Tỷ lệ tăng là bao nhiêu?”
Ghosh đáp: “Có người bảo là ba phần trăm, có người bảo bốn. Anh thấy đấy, không công việc nào có thể bắt đầu cho tới khi có một cuộc điều tra nghiêm túc được thực hiện. Anh có biết lần cuối cùng một cuộc điều tra được thực hiện ở nước chúng tôi là khi nào không? Đoán đi.”
“Tôi không đoán được.”
“Từ nhiều năm trước rồi.”
“Khi nào?”
“Nhiều năm lắm, đến tôi cũng không biết. Nhiều và nhiều năm. Từ thời thuộc Anh kia. Rồi sau đó chúng tôi phải hứng chịu lốc xoáy, chiến tranh, lũ lụt, rất nhiều thứ để cộng và trừ. Chúng tôi không thể bắt đầu cho tới khi có một cuộc điều tra.”
“Nhưng có thể sẽ mất nhiều năm tính từ bây giờ.”
“Ừ, thì đó là vấn đề,” Rahman nói.
“Trong lúc đó thì dân số sẽ càng ngày càng lớn – sẽ là vô cùng lớn.”
Ghosh vẫn cố giải thích: “Anh hiểu ý tôi không. Dân chúng tôi không biết điều này. Tôi có thể nói vào lúc này là họ thiếu nhịt huýt.”
“Nhiệt huyết?”
“Vâng, và mục đích.”
“Liệu tôi có thể hỏi anh một câu nữa được không, anh Ghosh?”
“Cứ tự nhiên. Anh hỏi nhiều rồi!”
“Anh có mấy cháu?”
“Tôi có bốn.”
“Anh Rahman?”
“Tôi có năm.”
“Đây có phải số lượng đẹp ở Bangladesh không?”
Rahman nói, “Có thể không. Khó nói lắm. Chúng tôi không có số liệu thống kê.”
“Ở Bangladesh có nhiều người làm công tác kế hoạch hóa gia đình như các anh không?”
“Nhiều! Chúng tôi có một chương trình đã hoạt động – bao lâu nhỉ? Anh Ghosh? – ba năm? Bốn năm?”
Tôi hỏi: “Thế những người làm kế hoạch hóa gia đình khác có đông con hay ít con?”
“Có người đông con, có người thì ít.”
“Anh gọi thế nào là đông?”
Rahman đáp: “Nhiều hơn năm.”
Ghosh nói: “À, thì cũng khó nói.”
“Ý anh là nhiều hơn năm người trong một gia đình.”
Rahman trả lời: “Nhiều hơn năm con.”
“Được rồi, nhưng nếu một cán bộ kế hoạch hóa gia đình đến một ngôi làng và có lời đồn rằng chính anh ta cũng có đến năm đứa con thì anh ta sẽ làm thế quái nào để thuyết phục người ta rằng…”
Rahman nói: “Ở đây nóng nhỉ. Tôi nghĩ tôi sẽ vào trong.”
Ghosh nói: “Rứt vui được nói chuyện với anh. Tôi nghĩ anh là giáo viên. Tên anh là gì nhỉ?”
Trời đã tối khi chúng tôi đến ga Kuala Lumpur, nhà ga lớn nhất Đông Nam Á, với cổng vòm hình củ hành, các tháp giáo đường và cảnh tượng chung giống như Sảnh đường Brighton, nhưng lớn hơn hai mươi lần. Trong vai trò một nơi thể hiện ảnh hưởng Hồi giáo thì nhà ga này thuyết phục hơn Giáo đường Hồi giáo Quốc gia trị giá triệu đô ở phía dưới đường, nơi thu hút tất cả các du khách. Tôi chạy vội ra khỏi tàu tới phòng vé để mua một vé tiếp theo đi Singapore. Lúc đó là mười một giờ đêm, tôi có thời gian để uống một chầu bia trong yên tĩnh với người bạn cũ và ăn một đĩa gà sa tế trên một trong những con hẻm đã khiến Cocteau[3] gọi thành phố này là Kuala L’impure[4].
[3] Jean Cocteau, nhà văn Pháp.
[4] Kuala dơ dáy.