Quan Cư Nhất Phẩm

Bên trong Ngọ môn, Văn Uyên các.

Nói đến thì đây vẫn là lần đầu tiên Thẩm Mặc tới nơi này từ sau khi nội các dời về chỗ cũ. Sự thật có hơi xấu hổ này hình như cũng đang nói rõ, từ sau khi Gia Tĩnh hoàng đế băng hà, địa vị có chút biên duyên hóa của y -- vừa là học sinh của Từ Giai, lại là bằng hữu của Cao Củng, thân phận xấu hổ như thế cũng không thể khiến cho y mọi việc đều thuận lợi. Điều này giống như mẹ chồng và con dâu bất hòa, người làm con trai và chồng thường bị kẹp ở chính giữa khó có thể tự xử, kết quả hai bên đều trở nên xa cách.

Đang miên man suy nghĩ thì đến cửa Văn Uyên các, Thẩm Mặc giữ bình tĩnh rồi cất bước đi vào. Bởi vì có Trương Cư Chính dẫn nên cấm quân thủ môn không có đề ra nghi vấn mà cho y vào ngay.

Sau khi đi vào, thấy vài cây hòe to trong viện bị trận gió tây mấy ngày liền thổi hết mấy nhánh đầu, thân cây lởm chởm, nhìn qua tang thương mà cổ sơ; phủ kín lớp đá sỏi trên mặt đất, cũng không thấy một chiếc lá rụng, càng không có một hạt bụi, làm cho người ta có cảm giác trang nghiêm.

Nhưng mà lúc này bên trong đình viện cũng không an tĩnh, giọng nói phẫn nộ truyền ra từ trong đại sảnh từng đợt. Thấy được ánh mắt hỏi dò của Thẩm Mặc, Trương Cư Chính nhỏ giọng nói:
- Mỗi ngày đều là như thế này, quen thì tốt rồi.
Rồi đưa tay mời:
- Chúng ta đến phòng của lão sư chờ đi.

Hắn quen thuộc như thể là chủ nhân nơi này, đang bắt chuyện người khách là Thẩm Mặc.

Mơ hồ nghe được là Cao Củng đang rống giận, Thẩm Mặc gật đầu rồi đi cùng hắn đến gian đầu tiên phía đông. Cửa đang mở, bên trong có một Ti trực lang đang quét dọn, thấy hai người đến thì vội vàng khom người thi lễ.

Trương Cư Chính nhỏ nhẹ nói:
- Ngươi làm việc của ngươi đi, ta và Thẩm bộ đường ở chỗ này chờ nguyên phụ.
Rồi chỉ hàng ghế bằng ghỗ lê vàng:
- Giang Nam huynh ngồi ở đó đi.

Thẩm Mặc tỏ ý nhường vài cái rồi ngồi xuống bên trái hắn.

Ti trực lang lặng yên lui ra, tặng không gian lại cho nhị vị đại nhân.

※※※

Nội các vẫn rất yên lặng, mặc dù mơ hồ có tiếng khắc khẩu truyền đến, nhưng càng cho thấy sự yên tĩnh trong trị phòng của thủ phụ. Bầu không khí an tĩnh quá khiến người vị miễn có chút xấu hổ. Trương Cư Chính tiên phong đánh vỡ trầm mặc:
- Thượng thư đại nhân lý tân tới nay, cảm giác cũng không tệ chứ?

- Nếu không hai ta đổi đi? - Thẩm Mặc đưa ánh mắt nhìn về phía trước, cũng không nhìn hắn.

- Đó dĩ nhiên tốt rồi. - Trương Cư Chính nói: - Giang Nam không phải không biết, bên huynh mặc dù phiền phức chút, nhưng chỉ là nhất thời, ngọn nguồn còn đang ở bên này của ta.
Rồi cười ha ha nói:
- Nhưng cũng nói thật, huynh có thể lừa nhóm tôn thất kia cho đến bây giờ không gây sự, quan viên toàn kinh thành đều cực kỳ bội phục đấy.

- Nịnh ta cũng vô dụng, điều có thể làm bên Lễ bộ đã đến cực hạn rồi.

Lúc này Thẩm Mặc mới quay đầu lại, nhìn hắn nói:
- Lễ bộ chỉ có thể giảng đạo lý, then chốt còn phải nhìn Hộ bộ của huynh làm thế nào?

Ai cũng sẽ không ngây thơ cho rằng, chỉ dựa vào mớ đạo lý múa mép khua môi là có thể đuổi đi được đám tôn thất đó.

Lúc này, Ti trực lang kia bưng trà đi vào, Thẩm Mặc hạ giọng nói:
- Cắt giảm chi tiêu là chuyện tốt, nhưng Hộ bộ cũng phải giải quyết tốt hậu quả.

Y đã biết là dưới sự thúc đẩy của Trương Cư Chính, hai điều lệ mới có thể làm thử, nhưng từ khi tôn thất bắt đầu nháo sự, Hộ bộ vẫn hành quân lặng lẽ, điều này làm cho trên dưới Lễ bộ hết sức bất mãn.

- Giang Nam huynh bớt giận, ta bồi tội với huynh đây.

Trương Cư Chính đầu tiên là trầm mặc, đợi Ti trực lang lui ra rồi, hắn liền ôm quyền cười khổ nói với Thẩm Mặc:
- Thật ra phương án hai tháng trước đã báo lên rồi, nhưng tình huống hiện tại của nội các huynh cũng thấy đấy, cả ngày tranh đến túi bụi, chính sự bị làm lỡ hết.

- Chẳng lẽ là cái lần huynh nhắc tới? - Thẩm Mặc nhướng mày nói.

- Không sai, chính là bản sớ [Tấu thỉnh thanh tra nặc mẫu]. - Trương Cư Chính cũng đè giọng rất thấp.

- Thứ ta nói thẳng, thời cơ cũng không thích hợp. - Thẩm Mặc khẽ lắc đầu nói: - Không thể đâm cái tổ ong vò vẽ này được.

- Sao ta lại không biết. - Trương Cư Chính than một tiếng nói: - Cắt giảm bổng lộc chỉ động chạm đến lợi ích của tôn thất, thanh tra nặc mẫu thì lại là giết gà dọa khỉ rồi...
Rồi lạ đè giọng xuống rất thấp:
- Ta cũng không gạt huynh, lấy hiện trạng của Chính phủ, ta hoàn toàn không trông cậy vào nó có thể thông qua, theo ý ta, 10 năm sau mới là thời gian nó phổ biến thiên hạ.

- 10 năm cũng đã rất lạc quan rồi. - Thẩm Mặc nhìn ngoài cửa, nhỏ nhẹ nói: - Cái bệnh thiên hạ này quá nặng, không vội được đâu, Thái Nhạc huynh.

- Nếu như ngay cả Giang Nam huynh cũng cho là như vậy, thế thì Đại Minh thực sự không còn hy vọng rồi.

Trương Cư Chính thần sắc buồn bã, chợt nhoẻn miệng cười nói:
- Ta biết huynh là một chân quân tử ngoài lạnh trong nóng, thật ra trong lòng đều sốt ruột hơn bất kỳ ai, chỉ là không nói mà thôi.

- Thời cơ không đến, nói nhiều sai nhiều, làm nhiều sai nhiều. - Thẩm Mặc trong lòng ấm áp, khẽ than một tiếng: - Có vội cũng vô dụng, chỉ có thể chịu đựng.
Rồi nhìn Trương Cư Chính với ánh mắt nhu hòa:
- Nếu biết không thông qua, vì sao huynh còn phải đề xuất chứ hả?

Trương Cư Chính thấp giọng nói:
- Thứ nhất làm cho quen mắt, để cho mọi người đều biết có chuyện như vậy, thế thì mới có thể tìm được người ủng hộ, tương lai khi đưa ra cũng có hy vọng lớn hơn. Thứ hai, phương án này thật ra trùng kích lớn nhất là đối với đám vương công, họ thấy biện pháp của triều đình cái sau nghiêm khắc hơn cái trước, rất có ý dẫn hỏa thượng thân, trái lại sẽ cảm thấy hai cái [Điều lệ] chẳng phải chướng mắt nữa...Kết quả cuối cùng chính là triều đình sẵn ý của họ phủ định đề án này, họ cũng sẽ không ngăn cản [Điều lệ] chính thức thi hành nữa.

- Ha ha, sớm ba chiều bốn, ta thấy được. . .
Thẩm Mặc gật đầu cười nói.

- Nhưng dù cho chỉ là một kích hư hoảng mà sự bất đồng trong nội các cũng rất lớn, đã lấy ra thương nghị ba lần, mỗi lần đều là cụt hứng bỏ về, đến bây giờ chưa có một cái nghiêm túc. - Trương Cư Chính lại than một tiếng: - Lần này Giang Nam phải giúp ta cùng thuyết phục lão sư đấy.

- Tới rồi. . .
Thẩm Mặc cúi đầu nói cái rồi đứng dậy.

Trương Cư Chính cũng vội vàng đứng lên.

※※※

- Lão sư. . .
Hai học sinh cùng nhau hành lễ.

- Các ngươi tới rồi.
Từ Giai sắc mặt uể oải đi vào, nhưng khi thấy là hai học sinh thì vẫn cười nói:
- Tùy tiện ngồi đi.

Dưới sự nâng đỡ của lão bộc, Từ Giai từ từ ngồi dựa vào sau bàn.

Lão bộc lại bưng lên một cốc sứ, Từ Giai cười nói:
- Đây là canh súp, thanh niên nhân khí huyết mạnh mẽ, nên không cho các ngươi đâu.

- Lão sư từ từ dùng...

Hai người ngồi xuống bên phải, an tĩnh đợi Từ Giai uống xong canh.

Bảo ngươi bưng bát sứ xuống, Từ Giai cầm lấy khăn lau miệng, cười nói:
- Vì việc công trình trị thuỷ nên phải thương nghị thêm một lúc.

Hai người Thẩm Mặc thế mới biết, lúc nãy các các lão vì sao mới ầm ĩ...Hoàng Hà hàng năm ngập lụt, đã thành tâm phúc đại hoạn cho mấy tỉnh ven bờ, vì vậy triều đình hạ quyết tâm trị hà. Đầu năm nay, nội các phê chuẩn Công bộ, dùng phương pháp của Phan Quý Thuần phục hồi con đường cũ của Hoàng Hà, nhưng còn chưa khởi công. Một chuyên gia thuỷ lợi khác là Chu Hạnh được triệu hồi Bắc Kinh, hắn đưa ra ý kiến ngược lại -- cho rằng muốn tuyệt lũ lụt ở Hoàng Hà thì nhất định mở sông mới, chỉ phục hồi con đường cũ là vô dụng.

Mặc dù phương án của Phan Quý Thuần là tên đã trên dây, nhưng hắn so với Chu Hành nhiều lần tổng lý hà đạo chỉ có thể xem như là một hậu bối, cho nên tiền bối vừa nói, công trình đành phải dừng lại. Phan Quý Thuần đương nhiên không phục, hắn cũng không phải là người sợ phiền phức, thế là ngay trên triều đình lấy lý tranh luận với Chu Hành, hai người bên nào cũng cho là mình phải, nói đều có lý, làm cho Từ Giai thật khó có thể quyết đoán.

Sau khi giằng co một lúc, vẫn là Cao Củng nói tổ chức một đoàn chuyên gia đến hiện trường xem sao. Thế là tháng hai năm nay, lệnh Công khoa Cấp sự trung Hà Khởi Minh dẫn hơn 20 chuyên gia hà đạo quan sát thực địa công trình trị thuỷ, cũng theo đó mà thực tấu triều đình. Ngày 30/3, Hà Khởi Minh từ huyện Phái hồi kinh tấu rằng: ' Hoàng Hà đường cũ khó hồi phục, mở sông mới tiết kiệm hơn, vả lại có thể ngăn chặn hậu hoạn, nên dùng ý kiến mở sông mới của Chu Hành. Đồng thời cũng lấy lời của Phan Quý Thuần, không bỏ sông cũ.' cũng cho Phan Quý Thuần mặt mũi.

Đây coi như là cho ra kết luận rồi, vì vậy nội các phiếu nghĩ, ti Lễ giám phê hồng, hạ chiếu mở sông mới mà Phan Quý Thuần thì tiếp tục kiên trì phục hồi đường cũ của Hoàng Hà, nhiều đình thần cũng chấp nhận. Từ đó Chu Hành và Phan Quý Thuần sản sinh mâu thuẫn, người sau chắc chắn: 'Mùa mưa vừa đến, Hoàng Hà sẽ vỡ.' vì căm ghét Chu Hành.

Ngày 14/6, công trình mới chưa thành mà Hoàng Hà lần nữa bị vỡ đê gây ngập lụt tại huyện Phái, nhấn chìm liền vài phủ, nạn dân vô số. Quả nhiên ứng nghiệm lời nói của Phan Quý Thuần. Ngôn quan đều sơ hạch Chu Hành, cho rằng sông mới nhất định không thành được. Chu Hành vì tính khí mà hại nước, yêu cầu phải xử phạt.

Dưới áp lực, Chu Hành cũng tự xin từ chức. Từ Giai rất coi trọng vị năng viên này, đương nhiên sẽ không đáp ứng, lợi dụng lực ảnh hưởng của mình đã giúp hắn ngăn chặn nghị luận của Ngôn quan, cũng cho hắn cơ hội đoái công chuộc tội, bổ nhiệm Chu Hành và Phan Quý Thuần kiểm tra lại để tìm ra thượng sách cứu tế dân.

Hai người sau khi đến nhận chức đã toàn lực chỉ huy bịt lại đoạn đê vỡ, tạm thời chặn hồng thủy, nhưng mùa mưa vừa mới đến, khảo nghiệm chân chính còn đang ở phía sau mà. Sau khi trải qua thăm dò, Phan Quý Thuần lớn mật đề nghị, thu hẹp đường sông lại. Đây thực sự là khiến người không thể tưởng tượng nổi. Thường thức trị hà đều là nới rộng lòng sông mới có lợi cho thoát nước, nào có chuyện ngại lòng sông rộng đâu? Đây không phải là ông cụ ăn thạch tín, chán sống hả?

Chu Hành không đồng ý, Phan Quý Thuần liền nói với hắn rằng, mình thông qua quan sát phát hiện -- Hoàng Hà sở dĩ mấy năm liền ngập lụt là bởi vì hàm lượng phù sa trong nước quá lớn, sau khi tiến vào bình nguyên thủy lưu chậm lại, phù sa mới lắng xuống. Kết quả đường sông từng năm lên cao, biến thành sông trên bờ. Vì chống lũ, chỉ có thể càng xây bờ đê cao hơn, hơi vô ý một khi vỡ đê, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng.

Điểm này, chỉ cần ở hiện trường thì sẽ lĩnh hội đầy đủ, không cần hắn nói Chu Hành cũng hiểu. Nhưng trọng điểm của Phan Quý Thuần ở phía sau -- hắn nói, hiện tại thời gian rất gấp, chúng ta căn bản không có khả năng lại đi đắp đê nữa, nếu muốn chống lũ thì chỉ có đi khai thông đường sông đã bị lắng đọng, chỉ cần lòng sông thấp xuống, không phải là có tác dụng hơn cả đắp đê sao?

Muốn lòng sông thấp xuống, nhất định phải loại bỏ phù sa trong sông, đạo lý này Chu Hành vẫn hiểu. Nhưng mấu chốt là loại phù sa thế nào? Dùng người móc, vậy độ khó còn cao hơn cả đắp đê, Chu Hành trầm tư suy nghĩ, rốt cuộc tỉnh ngộ, Phan Quý Thuần muốn thu hẹp lại lòng sông, chính là vì gia tăng xung lượng nước, thì có thể cuốn đi phù sa tại đáy sông, đạt được mục đích lòng sông thấp xuống.

Mặc dù đã hiểu đạo lý, nhưng Chu Hành vẫn không dám quyết định, hắn thật sự không có lòng tin đối với con đê hai bờ sông. . .Chỉ cần ngẫm lại, trước kia Công bộ là thiên hạ của ai thì biết vì sao Chu Hành lại nghĩ như vậy.

Phan Quý Thuần nói biện pháp này không ảnh hưởng đến đê, ngươi cứ việc quyết định là được, xảy ra chuyện ta phụ trách.

Chu Hành nói ngươi chịu trách nhiệm được không? Hắn lại tự mình thăm dò tỉ mỉ con đê hai bờ sông một lần, nhiều lần cân nhắc, lúc này mới đồng ý phương án của Phan Quý Thuần -- vì vậy kỳ tích xuất hiện, sau khi thu hẹp lại lòng sông, đoạn Hoàng Hà này không những không có vỡ đê, lòng sông quả nhiên cũng thấp xuống vài thước. Trừ điều đó ra, Phan Quý Thuần còn phát minh ra một loại thiết bị tiết hồng gọi là Cổn thủy bá. . .Trước đó hắn lựa chọn mấy chỗ trũng, khi hồng thủy quá lớn sẽ mở ra đoạn đê cần thiết để đổ nước vào nhằm giảm bớt áp lực của đỉnh lũ. Cộng thêm kinh nghiệm phong phú của Chu Hành đã tìm chỗ thiếu khuyết, và sửa chữa, trù tính chung cho hắn. Kết quả năm nay Hoàng Hà không ngập lụt nữa, an ổn chịu đựng cho đến mùa khô.

Thế là danh tiếng của Phan Quý Thuần tăng vọt, rất có xu thế vượt qua Chu Hành. Mà danh dự của Chu Hành lại rơi xuống thêm một bước, nhất là sau khi đã chọn dùng 'Thúc thủy trùng sa pháp' của Phan Quý Thuần, trên dưới triều dã đều cho rằng Phan Quý Thuần là đúng, Chu Hành kiên trì khai mở sông mới là sai lầm.

Ngày 23/9, Công khoa đô Cấp sự trung Vương Nguyên Xuân, lại thượng sớ hặc Chu Hành, cũng yêu cầu bãi miễn Chu Hành. Lúc này, Hà Khởi Minh lúc trước ủng hộ Chu Hành cũng thay đổi cái nhìn của mình, cho rằng cỏ thể mở được đường sông cũ, sông mới không thể làm. Trong nhất thời, tình cảnh của Chu Hành rất không dễ chịu, làm cho Từ Giai vẫn luôn bảo vệ hắn rất hao tổn tinh thần.

※※※

Càng làm cho Từ Giai căm tức đó là muốn xử lý lạnh cũng không được, bởi vì có một Cao Củng bám gắt không tha, nói mình thiên vị môn hạ, đánh mất công bằng, nhất định phải kéo Chu Hành xuống ngựa. Thật ra là bởi vì Chu Hành đã từng mấy lần làm cho Cao Túc Khanh bẽ mặt, Cao Củng là người có thù tất báo, lúc này thấy được cơ hội, sao có thể đơn giản buông tha.

Từ Giai đương nhiên không đáp ứng, bởi vì năng lực của Chu Hành thanh liêm cả triều dã nghe tiếng, Từ Giai cũng coi hắn là nòng cốt lương đống, há có thể tự hủy trường thành? Vì vậy không để ý thể diện, lấy lý tranh luận với Cao Củng, nhưng người Thượng Hải đâu có lớn giọng bằng người Hà Nam? Huống chi người ta còn là hai người Hà Nam, Quách Phác và Cao Củng từ trước đến nay đồng thanh tương hòa. Mà Lý Xuân Phương thì sao, mặc dù lấy lễ của đệ tử đối với ông ta, nhưng cho tới bây giờ không giúp cãi nhau, nhiều lắm khuyên vài câu không đến nơi đến chốn, một chút tác dụng cũng không có.

Tranh cãi như vậy từ sớm tinh mơ, Từ các lão từ lâu đã hết hơi hết sức, ngồi hơn nửa ngày mới ổn định được hơi thở, nhìn hai học sinh của mình, nói với giọng đầy thâm ý:
- Thúc Đại Chuyết Ngôn, vi sư đã già, các ngươi phải gánh trách nhiệm sớm một chút rồi.

Hai người không biết lão sư cụ thể chỉ gì, chỉ có thể nói:
- Lão sư khỏe như tùng bách, khí phách như phong lan, giang sơn Đại Minh toàn dựa vào lão sư chiếu ứng cả thôi.

Từ Giai chán nản nói:
- Thế hệ của ta đã không được rồi, vẫn phải nhìn thanh niên nhân các ngươi thôi.
Rồi xốc lại tinh thần cười nói:
- Sáng sớm đừng nói những lời mất hứng này. Thúc Đại Chuyết Ngôn, các ngươi dắt tay nhau đến đây là vì đám tôn thất huân quý chứ gì?

Hai người gật đầu, Thẩm Mặc nhỏ nhẹ nói:
- Lão sư, học sinh tận lực trấn an những người đó, nhưng nếu kéo dài nữa, càng đến cuối năm sẽ càng dễ xảy ra việc.

- Lễ bộ và Hộ bộ đã thương lượng vài lần mà không thương lượng ra kết quả gì. Thật ra mấu chốt còn nằm ở triều đình không muốn đâm tổ ong vò vẽ này, rồi lại nghĩ tiết kiệm tiền lương. Đây là vừa muốn ngựa chạy nhanh lại muốn ngựa không ăn cỏ rồi. Quả thật không dễ làm."- Trương Cư Chính nói.

Từ Giai chậm rãi nói:
- Nhưng hiện tại không cần ngựa chạy, cũng không phải cho chúng nó ăn cỏ. Chẳng qua bớt ít chút cỏ khô thôi mà, ngựa không biến được thành cọp, sẽ không ăn thịt người. Cứ suy nghĩ thêm sẽ có biện pháp thôi.

Trương Cư Chính nói:
- Nói đến ăn cỏ, khi học sinh chẩn tai ở nông thôn đã thấy qua một việc thế này... Bởi năm ấy mùa xuân ngắn, cỏ chậm chạp không nẩy mầm, qua tiết mà vẫn chỉ dùng cổ khô của năm trước để cho trâu ăn. Trâu không thích ăn cỏ khô nên ăn rất ít, mắt thấy sắp sụt kg. Người nuôi trâu chỉ dùng một biện pháp đơn giản để trâu lại thích ăn cỏ. Lão sư, Giang Nam, hai người có biết là biện pháp gì không?

Từ Giai và Thẩm Mặc đều chưa từng làm qua việc đồng áng, nào biết cái này? Hai người đều lắc đầu, rất hứng thú nghe hắn cho ra đáp án:
- Chính là khi cho trâu ăn thì không trực tiếp đặt cỏ vào trong máng, mà bỏ ở trên chuồng của nó, để cho trâu duỗi cổ lên thì mới ăn được, kết quả trâu sẽ tích cực ăn cỏ, ăn cũng được ngon hơn.

- Đây là đạo lý gì? - Từ Giai không khỏi cười nói.

Thẩm Mặc khẽ nói:
- Ý của Thái Nhạc cần phải là, bởi vì các loại nguyên nhân, khi phải muốn giảm bớt đãi ngộ, chỉ một mặt khuyên bảo dụ dỗ, thật ra tác dụng không lớn. Có thể bởi vì tăng chút độ khó mà làm cho họ nỗ lực càng nhiều hơn. Nói như vậy, cho dù đãi ngộ sau khi bị cắt giảm cũng có thể làm cho họ thỏa mãn.

- Có đạo lý.

Từ Giai tỉ mỉ suy nghĩ, quả là đã suy nghĩ thấu nhân tâm, nhưng vừa nghĩ lại thì không khỏi cười mắng:
- Hai người các ngươi phu xướng phụ tùy, hợp lại muốn ta đáp ứng cái kia chứ gì.

Hai người liền cười nói:
- Học sinh không dám.

- Không dám cũng làm rồi. - Từ Giai nhìn bọn họ, tâm tình cũng tốt hơn nhiều.

Thấy lão sư nở nụ cười, hai người thầm nghĩ đã thành rồi, ai ngờ Từ Giai cười xong lại lắc đầu nói:
- Ta không đáp ứng.

Hai người ngây người, Trương Cư Chính vội la lên:
- Lão sư...

- Cầm lại sớ của ngươi đi.

Từ Giai rút ra một phần trong sấp sớ dày trên bàn, đó là bản sớ [Tấu thỉnh thanh tra nặc mẫu] của Trương Cư Chính. Ông ta nghiêm khắc nói:
- Cầm về rồi thì sau đó đừng nhắc lại nữa, cũng đừng có mà truyền ra ngoài.

Trương Cư Chính thất vọng cầm lấy, ngồi im không nói gì.

Từ Giai lại lên tiếng:
- Việc tôn thất các ngươi không cần lo lắng quá, họ gây không được gì đâu, cứ đặt tinh lực trên việc khác đi.

Mặc dù Hai người đều gật đầu biểu thị hiểu, nhưng Trương Cư Chính rõ ràng còn chưa bình thường lại được. Thẩm Mặc thì từ trong tay áo móc ra hai bản tấu chương nữa trình cho Từ Giai:
- Đây là [Thái tử sách phong nghi chú] và [Kinh đình nghi chú] của Lễ bộ định ra, mời lão sư xem qua.

Xem xong hai bản [Nghi chú], Từ Giai thật lâu không nói.

Thẩm Mặc biết ông ta bị khó xử, bèn nhỏ nhẹ nói:
- Lão sư, học sinh không phải muốn gây khó dễ cho ngài, chỉ là vì chặn cái miệng của mọi người thôi.

Ánh mắt Từ Giai trở nên nhu hòa, lên tiếng:
- Nhưng nan đề này vẫn phải do nội các giải quyết.

Thẩm Mặc thấp giọng nói.
- Lão sư không cần phí tâm. Học sinh cho rằng, việc này hẳn là cung thỉnh thánh tài(quyết định của hoàng thượng).

- Thánh tài?

Từ Giai khẽ ơ một tiếng, mặc dù Long Khánh là một kẻ chỉ tay năm ngón, nhưng mọi việc liên quan đến mình hắn sẽ quyết định:
- Ngươi cho rằng, hoàng thượng sẽ quyết đoán thế nào?

- Giản lược.

Thẩm Mặc tự tin nói:
- Mắt thấy tai nghe, học sinh cho rằng, đương kim hoàng thượng là vị vua thích đơn giản, tôn trọng thanh tĩnh vô vi, du nhiên nhi trì, trên vấn đề tiết kiệm có di phong của hán văn. Sau khi thấy hai phần nghi chú này hoàng thượng tất không đành lòng hao tài tốn của như vậy, ân xuất vu thượng, chung quy tốt hơn những người làm thần tử chúng ta nhiều.

Từ Giai nghe được liên tục gật đầu, khen:
- Chuyết Ngôn nói những lời quả lão luyện, lão sư hiểu ý của ngươi rồi.

Ông ta hoàn toàn lĩnh hội ý tại ngôn ngoại của Thẩm Mặc. Long Khánh là một hoàng đế cực kỳ thiếu nhiệt huyết, chỉ cần đem việc kinh diên rườm rà dài dòng đặt trước mặt hắn, -- hàng năm cử hành xuân thu hai lần, xuân từ tháng 2 tới tháng 4, thu từ tháng 8 tới tháng 10. Mỗi tháng đại giảng ba lần, gặp hai thì tiến giảng, gọi là đại kinh diên; mỗi ngày còn có nhật giảng, gọi là tiểu kinh diên. Khi mỗi lần kinh diên, hoàng đế phải tại giờ Mẹo canh ba khởi giá từ Càn Thanh cung, suốt đường minh tiên(1), tới Tả Thuận môn thay đổi triều phục, sau đó vào Văn Hoa môn tiến Văn Hoa điện. Sau khi cùng bách quan cộng diễn một loạt nghi thức phức tạp, do giảng quan giở ra tứ thư giảng chương để giảng thư.
(1) minh tiên: một loại nghi thức của hoàng đế, khi rung lên phát ra tiếng vang bảo người yên lặng.

Mà Long Khánh hoàng đế của họ ngay cả tảo triều cơ bản nhất cũng không nguyện tham gia, thì sao có khả năng tiếp nhận thêm loại dằn vặt này chứ?

Huống hồ sở dĩ phía sau còn có một chữ 'diên', là bởi vì sau khi giảng hết thư, hoàng đế còn phải ban thưởng một bữa tiệc rượu phong phú cho giảng quan và các đại thần bên cạnh -- bữa cơm này khác với tiệc ban thưởng bình thường, không chỉ quan viên tham dự có thể ăn, thậm chí kiệu phu theo hầu họ cũng có thể ngồi vào vị trí. Không chỉ có thể ăn, còn có thể cầm, không chỉ có thể cầm thức ăn, thậm chí còn có thể cầm bộ đồ ăn đồ uống rượu. Cho nên các kinh quan có một câu thiền ngoài miệng là 'Ăn kinh diên', đã sớm đợi như hổ đói rồi...Cũng chính vì nguyên nhân như vậy, mức độ lãng phí của nó và tham ô bởi vậy nảy sinh đều vượt quá tưởng tượng. Vừa lúc có thể mượn cơ hội này để than nghèo với hoàng đế, lấy tính cách của Long Khánh hoàng đế, khả năng giản lược vẫn là khá lớn.

Đây là chỗ tốt khi để cho hoàng đế làm quyết định, bách quan chỉ có thể tán thưởng hoàng đế tiết kiệm, không có câu oán hận nào. Nhưng nếu đại thần đề xuất, sẽ phải bị người khác mắng cho té tát.

Về phần điển lễ sắc phong thái tử thì không thể tránh rồi. Từ Giai cũng đã nhìn ra, hiện tại Long Khánh là muốn bồi thường tâm lý. Những gì năm đó mình không hưởng thụ thì nhất định phải để cho con trai mình hưởng thụ mới được, cho nên tại phương diện này có chút cố chấp thì cũng là có thể lý giải. Nhưng chỉ cần giải thích rõ tiêu phí, tin tưởng mặc dù hoàng đế nổi nóng, nói muốn gia tăng xử lý, nhưng lấy tính cách của hoàng đế thì vẫn sẽ tiết kiệm được thì tiết kiệm.

Đợi kết luận việc này rồi, Từ Giai lại nói với Thẩm Mặc và Trương Cư Chính:
- Phan Quý Thuần đó là các ngươi đề cử với triều đình phải không?

- Vâng ạ.

Hai người cùng nhau gật đầu nói. Thẩm Mặc là sau khi nghe lời nói của Từ Vị, tại Nam Kinh bình định phản loạn cố ý gặp mặt Phan Quý Thuần một lần, lúc nói chuyện với hắn đã phát hiện quả thật là một nhân tài thuỷ lợi hiếm thấy, liền dẫn tiến cho triều đình. Mà sớm hơn trước đó, Trương Cư Chính đã từ chỗ Lâm Nhuận biết được cái tên này, thấy Thẩm Mặc đề cử cũng thượng tấu phụ họa. Chính là có hai người này cùng đề cử, Phan Quý Thuần mới có thể trổ hết tài năng, từ một người rảnh rỗi của Nam Kinh Quốc Tử Giám nhảy một phát trở thành Công bộ lang trung, tổng đốc tham nghị hà đạo, đạt được sân khấu để thi triển tài hoa.

- Ta hy vọng các ngươi có thể nói chuyện với hắn một chút. - Từ Giai ra chiều thương lượng: - Chu trấn sơn là một quan tốt, điều này các ngươi cũng biết, nhưng hiện tại hắn đã gặp phải phiền toái lớn, chỉ có Phan Quý Thuần có thể cứu hắn.

Hai người thống khoái đáp ứng, đều nói trở lại sẽ viết thơ khuyên bảo.

Còn nói thêm vài chuyện quan trọng, thời gian không còn sớm, Thẩm Mặc và Trương Cư Chính đứng dậy cáo từ. Từ Giai nói:
- Chuyết Ngôn ở lại thêm một lát, lão phu có chút chuyện muốn nói với ngươi.

Trương Cư Chính liền nhẹ giọng nói với Thẩm Mặc:
- Ta ở bên ngoài chờ ngươi.
Ngay sau đó thi lễ lui ra trước.

※※※

Trong trị phòng của Thủ phụ, chỉ còn lại Thẩm Mặc và Từ Giai, đôi sư sinh phức tạp trên cảm tình.

Từ Giai quan sát Thẩm Mặc rồi nói:
- Chúng ta bao lâu rồi chưa ngồi nói chuyện riêng với nhau.

- Gần một năm rồi.
Thẩm Mặc nhỏ nhẹ nói:
- Năm nay nhiều việc, đầu tiên là học sinh hạ ngục, sau là tiên đế băng hà, hiện tại lão sư lại đã thành nguyên lão phụ chính, ngày trăm công nghìn việc, muốn gặp mặt một lần cũng rất khó.

- Nói bậy.

Từ Giai cười mắng:
- Vi sư ở chỗ này, ngươi muốn đến thì ai dám cản? Là chính ngươi không muốn tới mà thôi.

Tuy là nói vậy nhưng ông ta vẫn rất hưởng thụ. Ngược lại, nếu như Thẩm Mặc làm bộ dạng không hề gì, Từ Giai mới khó chịu trong lòng chứ.

- Sau đó phải sửa đổi, lão sư tuổi đã cao, mặc dù môn sinh vô số, nhưng chân chính thân cận chỉ có ngươi và Thái Nhạc thôi. Các ngươi phải thường qua đây để giải buồn cho vi sư, xuất chủ ý, đỡ phải lão sư bị người ta khi dễ.

- Học sinh nhất định sửa. - Thẩm Mặc cười nói.

- Đương nhiên phải sửa, không thể chỉ nói miệng không. - Từ Giai cười nói: - Tháng sau, tiểu sư muội của ngươi phải đính hôn rồi, ca ca nó không có ở kinh thành, đành làm phiền người làm sư huynh ngươi rồi...

- Phải làm mà. Cứ đặt lên người học sinh đi. - Thẩm Mặc gật đầu nói.

'Tiểu sư muội' ở đây chính là con gái duy nhất của Từ Giai, bốn đứa con dưới gối của Từ Giai, trung niên mới được một nữ, rất sủng ái nó, thậm chí cũng cho lấy quý danh, gọi Từ Ly. Năm gần đây thói đời thay đổi, nữ lưu vùng Tô Tùng đã không còn đại môn không ra cổng trong không bước nữa, mà đi ra khuê phòng, thậm chí chẳng kiêng nể lui tới với người khác. Đây đã là chuyện thường. Từ Ly vốn lớn lên tại Tô Tùng, đã quen không hề cố kỵ ra vào trong viện, cho nên Thẩm Mặc cũng biết.

Nhưng vì việc này có cần thiết bảo Trương Cư Chính đi mới đơn độc nói với mình không? Chẳng lẽ là muốn ám chỉ cái gì? Thẩm Mặc liền nhỏ giọng hỏi:
- Không biết thanh niên nhà ai có được phúc khí này. Có thể trở thành con rể cưng của lão sư?

- Người đó ngươi cũng biết, là Ti trực lang trước kia của nội các, gọi Trương Tứ Duy. - Từ Giai thản nhiên nói, khi nói lời này nụ cười trên mặt cũng không rạng rỡ, có thể phụ thân thiên hạ đều là như thế này.

- A...

Thẩm Mặc thay đổi tâm niệm thật nhanh, lập tức nghĩ tới Dương Bác, Tấn thương, Nhật Thăng Long, không khỏi nghĩ thầm: "Hay cho một chiêu rút củi dưới đáy nồi, cái này mà qua mặt được mình, người ta cũng đạt được mục đích rồi."

- Ngươi đừng suy nghĩ nhiều. - Thấy vẻ mặt y khác thường, Từ Giai nhỏ nhẹ nói: - Chỉ là việc hôn sự một nhà mà thôi, ngươi không cần thay đổi lập trường gì.

Thẩm Mặc gật đầu, nhưng trong lòng cười khổ: "Then chốt là người khác đã thay đổi, một mình ta không đổi thì có ý nghĩa gì không?"

Biết y không có khả năng tin tưởng, Từ Giai cũng không thanh minh nữa, ngược lại nói:
- Biết vì sao bảo Thúc Đại đi trước không?

Thấy Thẩm Mặc lắc đầu, Từ Giai liền tiết lộ đáp án:
- Hắn đã từng ám chỉ qua với ta, cũng nhờ Từ Phan đề cập qua với ta. . . muốn cưới Từ Ly làm kế thất.

- A. . .

Thẩm Mặc có chút giật mình, y biết Trương Cư Chính đã làm quan tới ba năm rồi, cũng hỏi qua hắn, vì sao không tìm một người mẹ cho hài tử, mỗi lần hắn đều cười mà không nói, thì ra là để ý đến khuê nữ của lão Từ rồi. Tuy nhiên cũng khó trách, Từ Ly yểu điệu thướt tha, có tri thức hiểu lễ nghĩa, càng đáng quý là tính tình lanh lẹ, cân quắc bất nhượng tu mi, lực hấp dẫn đối với nam tử ưu tú tuyệt đối không bình thường.

- Lão phu cũng không biết nên mở miệng với Thúc Đại thế nào.
Ánh mắt Từ Giai đầy phức tạp:
- Không nói gạt ngươi, tiểu nữ cũng rất có hảo cảm với Thúc Đại, lấy tài hoa nhân phẩm của Thúc Đại, tuyệt đối là một nhân tuyển con rể nhất đẳng, lão phu sao lại không muốn chu toàn việc này? Nhưng chúng nó đã định trước không có đoạn nhân duyên này, chỉ có thể mời Chuyết Ngôn giúp đỡ khuyên nhủ hắn, chân trời có chỗ nào không có cỏ thơm, là Từ Ly không có phúc phận này.

- Tuân mệnh. . .

Thẩm Mặc cười khổ nói:
- Nhưng học sinh cũng chỉ có thể trước tiên nói chuyện này một chút với Thái Nhạc, nhưng lão sư tốt nhất vẫn là tự mình nói chuyện với hắn đi, để tránh khỏi nảy sinh ngăn cách không cần thiết.

- Ta biết rồi.

Từ Giai nói rồi như đang suy nghĩ, có phải còn muốn nói tiếp nữa không. Một lát sau ông ta giống như đã hạ quyết tâm rất lớn, mới chậm rãi nói:
- Ngươi cứ nói với hắn là vi sư nói, nếu hắn có ý nghĩ tái hôn thì cứ tìm từ quê quán mới tốt...Thúc Đại thông minh tuyệt đỉnh, sẽ hiểu nỗi khổ tâm của vi sư.

- Vâng.

Thẩm Mặc nhẹ giọng đáp ứng.

※※※

Đi ra từ Văn Uyên các, Trương Cư Chính quả nhiên đang đợi ở đó, vừa thấy Thẩm Mặc đi ra liền cười nói:
- Trưa rồi, đến chỗ lần trước ăn cơm đi?

- Nơi đó sang trọng quá, ta không chịu nổi đâu. - Thẩm Mặc lắc đầu nói: - Tìm đại chỗ nào ăn chút gì đi.

- Vậy được rồi. - Trương Cư Chính liền nói: - Phụ cận cửa trước có một gian cũng không tệ đâu.

Thế là Trương Cư Chính dẫn Thẩm Mặc đến 'Tửu Tiên các' ở ngoài cửa trước, mặc dù khí phái có vẻ kém hơn Hậu Hải gì kia, nhưng thảm len mành che cẩm tú trùng trùng, chạm trổ rất khéo léo, thiết bị nguy nga lộng lẫy. . . Có lẽ là duyên cớ xuất thân bần hàn, chỉ có tửu lâu như vậy mới phù hợp với thẩm mỹ của Trương Cư Chính.

Mặc dù cũng xuất thân bần hàn, nhưng Thẩm Mặc chung quy là làm người hai thế hệ, nhìn những thứ vật chất có vẻ rất hờ hững. Tuy nhiên tính tình y hiền hoà, cũng không có dị nghị gì, liền theo Trương Cư Chính vào tửu lâu. Chủ quán hiển nhiên nhận ra Trương Cư Chính, bắt đầu nhiệt tình bắt chuyện, cung kính mời hai người lên nhã gian trên lầu.

Trong khi đợi trà, Thẩm Mặc bảo chủ quán đừng đưa món ăn lên trước. Thấy y trịnh trọng như thế, Trương Cư Chính cười nói:
- Có chuyện gì vậy, không thể vừa ăn vừa nói sao?

- Có chuyện, huynh phải chuẩn bị tâm lý cho tốt. - Thẩm Mặc uống một ngụm trà, rồi nhìn Trương Cư Chính nói.

Trương Cư Chính cảm thấy có chút không được tự nhiên, cười gượng hai tiếng:
- Chuyện gì. . .

- Từ Ly đính hôn rồi. - Thẩm Mặc nhỏ nhẹ nói: - Là lão sư bảo ta nói cho huynh.

Nụ cười trên mặt Trương Cư Chính nháy mắt cứng lại, nhưng sau một lúc lâu lại cười rộ lên:
- Huynh nói cái này với ta làm gì?
Rồi lại kích động không thể kiềm chế nói:
- Là ai có vận tốt như vậy?

Thẩm Mặc biết trong lòng Trương Cư Chính đang rối loạn, nhỏ nhẹ nói:
- Từ các lão tuyển định vị hôn phu cho cô ấy là Bồ Châu Trương Tứ Duy.

- Hắn có xứng không? - Nét mặt Trương Cư Chính hiện lên một tia lệ khí, nắm chặt tay lại buông ra, cười ha ha nói: - Chắc là xứng đôi...
Rồi hắn vỗ vai Thẩm Mặc:
- Trưa hôm nay chúng ta phải uống chúc mừng cho tiểu sư muội mới được, chúc mừng cô ấy...

Hơi thở của hắn trở nên rất ngắc ngứ, tràn ngập thất lạc và bi phẫn khó có thể nói nên lời, cơ hồ là mỗi chữ mỗi câu nói:
- Lên...xe...hoa...với...người...tốt...

Nói xong cầm lấy bầu rượu trên bàn rót cho Thẩm Mặc một ly, lại rót cho mình, nhưng tay hắn run lẩy bẩy làm đổ rượu tùm lum. Vừa đặt bầu rượu xuống liền cầm ly ngửa mặt uống cạn một chung, sau đó nghiêng đầu phun ra đất, mắng:
- Rượu chó gì thế này, nhạt toẹt, tiểu nhị đổi rượu mạnh hơn.

Tiểu nhị bên ngoài sớm nghe thấy được, vội vàng đi vào nói:
- Đây là rượu mơ lần trước ngài từng khen qua đó ạ.

- Một chút vị cũng không có mà bảo rượu ngon hả. - Trương Cư Chính mắng: - Đổi lại rượu mạnh hơn đi.

Tiểu nhị đành phải thu lại bầu rượu trên bàn và thay bằng rượu Lão Bạch Kiền của Hành Thủy mạnh nhất.

- Đây là rượu của lão bách tính, phải dùng bát uống.

Trương Cư Chính cũng rất hiểu biết, mình cầm lấy một cái bát, rót đầy rồi giơ nó qua Thẩm Mặc:
- Ta uống trước coi như là kính.
Rồi bưng ly uống ừng ực hết bát rượu, rót hết cả vào bụng, thoáng chốc mặt đỏ đến cổ, còn gân cổ la:
- Thống khoái, đây mới gọi là rượu chứ.

Thẩm Mặc vốn dự định khuyên nhủ hắn, nhưng nhìn cái dạng này thì chắc không thể nghe vào tai rồi. y liền phân phó đưa món ăn lên, không thể để hắn chỉ uống rượu không.

Người ta nói, nhìn một người uống rượu thế nào thì sẽ biết tính nết thật của hắn. Thấy Trương Cư Chính chỉ uống hết chén này đến chén khác, nhưng không có chút ý nào muốn thổ lộ hết, cho dù uống đến sau cùng, mắt say lờ đờ cũng chỉ cười ha ha, cũng không có ý 'tửu hậu thổ chân ngôn', làm cho Thẩm Mặc rất thất vọng, y vốn đang có ý chuẩn bị nghe kịch.

Một vò ba cân Lão Bạch Kiền, Thẩm Mặc chỉ hơi nhấp môi, còn lại toàn nằm vào bụng Trương Cư Chính. Cuối cùng hắn nhe răng cười nói với Thẩm Mặc:
- Chê cười rồi...

Nói hết câu liền gục mặt lên bàn ngủ say.

- Thật là...

Thẩm Mặc chỉ lắc đầu cười khổ. Y có thể nhìn ra Trương Cư Chính chịu phải đả kích rất lớn, nhưng hiển nhiên cũng không muốn nói hết với mình. Lúc này, có một người tri kỷ bạn tốt bên người, có thể hắn sẽ được thoải mái hơn. Nhưng khi suy nghĩ cẩn thận, Trương Cư Chính là người mặt ngoài hiền hoà, nhưng tính tình cao ngạo, mặc dù có rất nhiều người nịnh bợ hắn, nhưng có thể tính là hảo bằng hữu thì hình như không có mấy người...Hoặc là nói, một người cũng không có.

Ngẫm lại mình còn có Từ Vị, có Chư Đại Thụ, có Ngô Đoái...Những người bằng hữu này có thể thổ lộ hết, có thể chia sẻ, Thẩm Mặc cảm thấy mình hạnh phúc hơn hắn nhiều.

Đưa Trương Cư Chính say như chết về nhà, trong nhà hắn có ba người con trai, Kính Tu, Tự Tu, Mậu Tu, đứa lớn đã 17 tuổi. Họ vội vàng cùng quản gia Du Thất đỡ lấy phụ thân, lại biểu thị cảm tạ Thẩm Mặc, rồi mời y đến tiền sảnh dùng trà. Thẩm Mặc nói nha môn còn có việc, sau đó quay lại.

※※※

Ngày hôm sau, Thẩm Mặc đang ở trong phòng Thiêm áp duyệt công văn thì thấy Vương tiến đến bẩm báo:
- Hộ bộ Trương thị lang tới.

Thẩm Mặc có chút bất ngờ, vội vàng gác lại công việc trong tay rồi đi ra ngoài gặp.

Trương Cư Chính đang ngồi uống trà, dáng vẻ ngăn nắp sạch sẽ, thần thái như thường, hồn nhiên nhìn không ra ngày hôm qua còn từng say như chết.

Vừa thấy Thẩm Mặc đến hắn đứng dậy ôm quyền, cười nói:
- Ngày hôm qua thất lễ rồi, đến bồi tội với Giang Nam đây.

Thẩm Mặc bảo người lui ra, cười nói:
- Chúng ta ai với ai chứ, thấy Thái Nhạc huynh khôi phục như thường, ta cũng rất vui.

- Đầu còn đau như búa bổ đây. - Trương Cư Chính cười khổ nói: - Con cóc dưới chân giường cũng nghẻo vì no rồi.

- Ha ha. . .

Thẩm Mặc cười nói:
- Biết nói đùa thì ta không cần lo lắng rồi.
Thoáng dừng lại mới nói:
- Lão sư có chuyện muốn nhờ ta nói cho huynh, nhưng ngày hôm qua thấy huynh như vậy hiển nhiên nghe không vào.

Trương Cư Chính tới chính là vì hỏi chuyện này, hắn cảm thấy lão sư đã rõ ràng tâm ý của mình, bất kể như thế nào cũng phải cho mình một lời giải thích, nếu như không nhận được đáp án ở chỗ Thẩm Mặc, hắn sẽ trực tiếp đi tìm lão sư để hỏi cho rõ.

- Lão sư nói, Từ Ly cũng không phải lương phối của huynh, Thái Nhạc huynh muốn tái giá thì cần phải tại nguyên quán, tìm một nữ tử hôn phối có tri thức hiểu lễ nghĩa, môn đăng hộ đối, như vậy mới sẽ không hại huynh. - Thẩm Mặc khẽ nói.

Nghe xong lời nói của Thẩm Mặc, Trương Cư Chính trầm mặc hồi lâu không nói.

Thẩm Mặc đành phải lại khuyên nhủ:
- Thái Nhạc chớ có hiểu lầm hàm ý của lão sư. Lấy ngu kiến của đệ, nếu như huynh và sư muội thành thân, trong tương lai dự kiến sẽ không có ngày xuất đầu. Điều này đối với huynh bất công thế nào chứ? Huynh ôm hoài bão rộng lớn, có thể tiếp nhận được không?

Lão sư đề bạt học sinh, mặc dù không tính là thiên kinh địa nghĩa, nhưng cũng là quy tắc trò chơi người người ngầm thừa nhận. Nhưng một khi Trương Cư Chính thành con rể của Từ Giai, Từ Giai nhất định phải đế ý tị hiềm, không thể cất nhắc thêm được nữa....Đương nhiên đây chỉ là giải mã của bản thân Thẩm Mặc, Từ Giai tới cùng nghĩ như thế nào thì chỉ có Từ Giai mới biết.

Trương Cư Chính ngẩng đầu lên, nở nụ cười bình thản nói:
- Giang Nam không cần lo lắng, ta đã đem nỗi buồn để lại hết ngày hôm qua rồi. 'Phong trần hỗn loạn, đường đời hiểm nguy', khổ tâm của lão sư ta hiểu mà, ta sẽ không bị khốn khổ bởi chút tư tình nhi nữ này.

- Không nói những điều này nữa. - Trương Cư Chính thở sâu nói: - Nói chuyện chính sự đi.

Đây vốn là điều ngày hôm qua hắn muốn nói với Thẩm Mặc, kết quả xảy ra bất ngờ, chỉ có thể nói vào ngày hôm nay.

- Nói đi. - Thẩm Mặc hơi gật đầu, y biết Trương Cư Chính muốn nói chuyện gì.

- Ta muốn phổ biến cải cách chế độ tiền tệ.

Nói tới chính sự, trên mặt Trương Cư Chính đã không còn thấy vẻ chán nản, thất lạc, cùng nhi nữ tình trường nữa.

- Đây là một đại đề mục. - Thẩm Mặc thản nhiên nói.

- Hiện tại Giang Tây, Quảng Đông, đều đang phổ biến Nhất điều tiên pháp, đó là một cơ hội tốt ngàn năm khó gặp. - Trương Cư Chính gằn từng chữ: - Mượn cơn gió đông của Nhất điều tiên pháp, ta chuẩn bị làm chuyện này.

Ngoài phòng Thiêm áp của Thẩm Mặc trồng hai cây, một là cây hồng, một cây cũng là hồng. Sắp tới cuối mùa thu, lá cây trên mấy nhánh đầu đã rụng hết, từng quả hồng chín mọng như những đèn lồng nhỏ treo lủng lẳng trông rất đẹp mắt.

Ngồi thẳng người trước song cửa sổ qua mành trúc đốm, Trương Cư Chính đang chậm rãi nói. 'Nhất điều tiên pháp' mà hắn nói chính là toàn bộ thuế ruộng của một châu một huyện, lao dịch các loại cùng với cống nạp, hết thảy biên thành một điều, quy thành ngân lượng giao nộp, cũng do quan thu quan giải, xưng là 'Nhất điều biên', bởi vì biên và tiên đồng âm, vì vậy sau đó đều gọi là 'Nhất điều tiên'.

Trước khi Nhất điều tiên pháp xuất hiện, gánh vác của nông dân đối với triều đình chủ yếu có bốn bộ phận, một là thuế ruộng, hai là đặc sản địa phương phải cống nạp cho triều đình. . . Tỷ như Hàng Châu phải cống trà, Hồ Châu phải cống lụa, Vân Nam phải cống gỗ...Ba là tráng đinh phải phục lao dịch, bốn là ngoài chính dịch còn có các loại tạp soa(một loại lao dịch).

Chế độ thuế má này cực kỳ không hợp lý. Trước tiên nhìn nông dân, bởi vì giao nộp thuế ruộng đều là ngũ cốc thực vật. Cho nên, kỳ hạn nộp thuế hàng năm vào hạ thu, trước tiên do các bảo, các giáp thu thuế lương một lượt, dùng xe thuyền đưa đến các thôn, lại từ thôn đến huyện, từ huyện đến phủ, từ phủ vận chuyển đến các kho lương của Bố chính sử, trong đó không biết phải tốn bao nhiêu sai dịch, lực vận chuyển, lại không biết bởi vì tổn hao ven đường, tầng tầng bóc lột, lương hộ vô cớ tăng thêm ít nhiều gánh nặng, đồng thời họ còn phải gánh vác lao dịch nặng nề, ngoài chính dịch, quan phủ tùy ý tăng thêm số tạp soa, sử dụng sức lao động miễn phí với số lượng lớn, đã nghiêm trọng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân bình thường, cũng ràng buộc nó vững vàng trên ruộng đất, khiến xã hội khuyết thiếu sức lao động tự do.

Kết quả đó là, nông dân khổ không nói nổi, vật lộn trên ranh giới phá sản, xuất hiện lưu vong hàng loạt. Còn quốc gia cũng bởi vì tham quan ô lại tầng tầng bóc lột mà bị tổn thất rất nhiều. Nhất là thiếu khuyết tiền bạc cung cấp để chi phối, trường kỳ sống trong khủng hoảng kinh tế không tự thoát khỏi được.

Cải cách là thế tất phải làm, đã sớm thành nhận thức chung của những người có tri thức. Trên thực tế, trước Nhất điều tiên pháp, từ Hồng Vũ hậu kỳ, đến nay đã 150 năm, bản triều đã xuất hiện một loạt cải cách về thuế khoá lao dịch, như 'Quân dao pháp', 'Quân bình ngân', 'Cương ngân', 'Chinh nhất pháp', 'Thập đoạn cẩm pháp', 'Nhất xuyến linh pháp', do những người khác nhau đề xuất, thi hành tại thời gian khác nhau, thời điểm khác nhau.

Thế nhưng, bất kể tên gọi thế nào thì họ đều muốn 'thuế má quy thành bạc trưng thu', xem như một nội dung cải cách chủ yếu nhất, hơn nữa quán triệt nguyên tắc chính là 'thuế khoá lao dịch hợp nhất, thống nhất quy ra bạc'. Nói cách khác, 'thuế má bạc hóa', đã trở thành tiếng nói bền lâu không suy, nó không có theo thời gian trôi qua mà suy vong, trái lại càng trở nên vang dội. Bởi vì nó vừa thay đổi phương pháp truyền thống nộp thực vật, xuất đinh phục dịch của các triều đại, vừa giảm bớt gánh vác cho dân chúng, lại lợi cho triều đình tăng thu nhập, lợi quốc lợi dân, không phải ai có thể mặc ý gạt bỏ được.

Mà Nhất điều tiên pháp chính là trước đông đảo các nhà cải cách, trước hết do nội các Đại học sĩ trong năm Gia Tĩnh thứ 9 đề xuất. Tư tưởng của ông ta là 'tất cả thuế thân trưng thu theo ruộng'. Ngay sau đó, Truân điền ngự sử Phó Hán Thần chính thức thượng sớ trần thuật: "Tiến hành Nhất điều tiên pháp, mười giáp đinh lương(thuế thu theo nhân khẩu) quy vào một lý, một lý đinh lương quy vào một huyện, các châu huyện quy vào một phủ, các phủ quy vào bố chính ti, bố chính ti gom lại rồi đem đinh lương một tỉnh phái đều tới một tỉnh lao dịch.' tiên đế lúc đó phê chuẩn, trước tiên ở thí điểm trong hơn 10 phủ của các tỉnh Nam trực đãi, Hồ Quảng, Sơn Tây. Từ đó đến nay đã gần 50 năm, bởi vì tình hình Gia Tĩnh triều ác liệt, cùng với người phản đối ngang ngược cản trở, biện pháp này thi hành lúc có lúc không. Đến những năm cuối Gia Tĩnh còn có nguy hiểm tiến hành trong lặng lẽ.

Nhưng tình thế đã thay đổi sau khi một người leo lên vũ đài quyền lực, người này chính là Cao Củng. Cao Túc Khanh mặc dù có rất nhiều tật xấu, nhưng hắn là một phái cải cách rất thuần túy, tận hết sức lực ủng hộ Nhất điều tiên pháp, cho nên từ ngày nhập các, Cao Củng liền bắt đầu lớn tiếng kêu gọi, yêu cầu phổ biến phương pháp này trong toàn quốc.

Nhưng đại quyền vẫn còn nằm trong tay nội các thủ phụ Từ Giai, cái nhìn của Từ Giai đối với Nhất điều tiên pháp tuyệt nhiên ngược lại với Cao Củng. Ông ta cho rằng phương pháp này không thể làm, 'Các thương nhân tuy có nhiều của cải nhưng bởi vì không có ruộng mà được miễn quân dịch. Khiến người nông dân y phục không che kín người, cả đời vất vả cực nhọc phải chịu nó làm khốn đốn.' mà nông dân cũng bởi vì 'Tân pháp bất luận cấp bậc hộ dân, chỉ luận ruộng nhiều ít, cho nên rất nhiều người vứt bỏ ruộng đất để tránh sai dịch.' Hơn nữa Nhất điều tiên pháp gây nhiều tệ đoan. Lý do phản đối cũng rất đầy đủ, Cao Củng cũng không có cách nào thuyết phục ông ta.

Nhưng một tiếng gào của Cao Củng như một tảng đá ném xuống làm bọt sóng tung tóe, rất nhiều quan viên địa phương đều thượng tấu phụ họa, có Cao Củng lấy lý tranh luận cho họ, cho dù là Từ Giai cũng không thể nhìn như không thấy, chỉ có thể đồng ý do Giang Tây Bố chính sử Tống Nghi Vọng, Quảng Đông tuần phủ Bàng Thượng Bằng, phân biệt tại hai vùng Cán Việt, chọn ra vài phủ thi hành. Lại nói cũng chỉ mới vài tháng mà thôi.

※※※

Cảm giác của Trương Cư Chính vô cùng nhạy cảm, hắn ý thức được cơ hội tốt để thi hành Nhất điều tiên pháp song song với 'Thuế má tiền tệ hóa', cũng tất nhiên nương theo cải cách tiền tệ -- chỉ cần một quy định nào đó tiền tệ có thể dùng để nộp thuế, thì loại địa vị chính thống của tiền tệ chắc chắn sẽ được nhanh chóng xác lập, nếu như muốn cải cách tiền giấy của Đại Minh thì đây chính là cơ hội tốt ngàn năm khó gặp.

Cải cách tiền giấy của Trương Cư Chính vừa bắt đầu đã cho người ta lòng tin cường liệt. . . Hắn cho rằng, nếu muốn khiến người dân tự tin đối với tiền giấy, tiến tới khiến cả xã hội phổ biến tiếp thu, phổ biến lưu thông, biện pháp tốt nhất là do triều đình quy định, tất cả thuế má đều phải dùng tiền giấy nạp thuế. Nếu như dùng bạc thì phải đổi ra tiền giấy trước, lại dùng tiền giấy tới nộp thuế. Hắn cho rằng, nếu như do Chính phủ dẫn đầu thu tiền giấy, thì không đến một năm sẽ thành lập được lòng tin của nhân dân đối với tiền giấy.

Đương nhiên tiền giấy mà hắn chỉ chính là kết quả sau khi 'cải cách tiền tệ', xưng là 'tiền giấy mới' thì càng thích hợp hơn.

Phải nói, phương án của Trương Cư Chính có trình độ là rất cao. Đầu tiên hắn đúng trọng tâm tổng kết kinh nghiệm thất bại của lịch đại cùng với đương đại khi lưu thông tiền giấy, và cho ra một nguyên tắc cơ bản 'trước cầu không làm dân mệt, sau cầu có ích với quốc gia', khiến bản thân không đến mức lâm vào cảnh cùng dân đoạt lợi như những người Tang Hoằng Dương, Vương Mãng.

Sau đó, hắn đưa ra ba nguyên tắc cụ thể cho việc cải cách tiền giấy cả Đại Minh.

Đầu tiên, địa vị mới của phát hành tiền giấy chỉ xác nhận dùng để 'phụ cho bạc', 'mà không phải bỏ bạc theo giấy'. Sau khi tiền giấy mới phát hành, tiền bạc cũng không rời khỏi lưu thông, mà cùng tiền giấy lấy một giá trị tỉ lệ nhất định để đồng thời lưu thông.

Thứ hai, tiền giấy nên do, và chỉ có thể do Hộ bộ phát hành, cũng phải phát hành hữu hạn. Bằng không tiền giấy sẽ không có định số, phát ra bất tận, giống như chỉ vì lợi ích, mà không biết phát càng nhiều sẽ càng giảm giá trị.

Thứ ba, tiền giấy nhất định phải được quy đổi và được quan phương tiếp nhận. Cụ thể, ngoại trừ chấp thuận nhân dân cầm tiền giấy nộp thuế ruộng, còn cho phép nhân dân cầm tiền giấy đến phiếu hào để đổi lấy bạc thật....Đương nhiên, triều đình sẽ trả cho phiếu hào phí dụng nhất định xem như thù lao; cho phép các cửa hàng dùng tiền giấy đổi lại bạc, cho phép các tiệm cầm đồ dùng tiền giấy để xuất nhập.

※※※

Thẩm Mặc bưng ly trà, khẽ hớp một ngụm trà búp Minh Tiền vận tới từ Hàng Châu. Y có một thói quen, khi tiến hành cuộc hội đàm tương đối quan trọng cùng người khác, tay luôn đặt cạnh ly trà. Như vậy khi đề tài của đối phương tương đối phức tạp, trước khi mình mở miệng thì có thể thuận thế nâng chung trà lên uống một ngụm, như vậy ngoại trừ có thể nhuận cổ họng, giúp thanh âm giữ được nhu hòa, càng có thể sáng tạo cho mình cơ hội suy nghĩ.

Hiện tại, Trương Cư Chính nói thẳng ra với mình phương án cải cách tiền tệ. Rõ ràng, mục đích của hắn là xây dựng một hệ thống tiền tệ lấy Hộ bộ là lãnh đạo tuyệt đối, được các tầng lớp xã hội tán thành rộng rãi. Trương Cư Chính đã ý thức được, tiền tệ không được lạm phát, phải hối đoái được, phải có tín dụng nhất định, phải nói, đã có đủ yếu tố cơ bản để thành lập hệ thống tiền tệ.

Hơn nữa càng hiếm thấy là hắn còn thanh tỉnh ý thức được, tiền giấy Đại Minh với xú danh rõ ràng thi hành gần 200 năm đã khiến bách tính mất đi sự tín nhiệm đối với triều đình. Lại còn thêm quan phủ tham ô, không thể thủ tín với dân. Mà tiền trang phiếu hào tại dân gian đã có tín dụng rất cao, cho nên hắn sinh ra ý nghĩ mượn tín dự và cơ cấu của phiếu hào để phổ biến cải cách tiền tệ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui