Tôn Thanh Hà là cao thủ.
Những năm gần đây, rất ít có kiếm thủ nào ra tay tàn nhẫn hơn hắn. Cho dù kiếm pháp của Lãnh Huyết mạnh mẽ liều mạng hơn, nhưng cũng không giống như hắn ngay cả kiếm pháp cũng tràn đầy khí thế cao ngạo đến điên cuồng.
Thích Thiếu Thương cũng là cao thủ hạng nhất.
Gần đây, trong võ lâm đã rất ít có thủ lĩnh quần long như y. Cho dù Vương Tiểu Thạch có khả năng tương tác lớn hơn, nhưng tính cách tự do tự tại của Vương Tiểu Thạch khiến cho hắn không có loại khí chất anh hùng tịch mịch lẫm liệt của Thích Thiếu Thương.
Hắc Quang Thượng Nhân càng là cao thủ tuyệt đỉnh.
Gần đây trong cung đình, đám đạo sĩ thần côn a dua phụ họa theo Triệu Cát, Thái Kinh, Lương Sư Thành nhiều không kể xiết. Nhưng nếu bàn về thực lực võ công, e rằng không mấy người có thể so được với Chiêm Biệt Dã. Ngay cả Mễ Thương Khung ngầm nắm quyền hành, võ công luyện đến mức lô hỏa thuần thanh (lửa lò thuần xanh), gặp phải Ngôn Vô Mật vốn tu mật tông, khổ tu phật pháp, lại hóa thân thành đạo gia tiên nhân Chiêm Biệt Dã, cũng sáng nhường ba phần, tối nhường năm phần, thực nhường bảy phần.
Ba người này không nghi ngờ đều là cao thủ đỉnh cấp.
Tối nay bọn họ đều tụ họp dưới trăng trên mái nhà này, trong đó Thích Thiếu Thương và Tôn Thanh Hà còn có một trận quyết chiến không màng sống chết.
Mặc dù không ai chết, cũng không ai bại.
Nhưng trận quyết chiến này đã đủ lưu danh trong trên sử xanh võ lâm. Lưu truyền, nó đã làm nổ tung một cánh tay (may mắn là tay giả) của lâu chủ Kim Phong Tế Vũ lâu khi đó, cũng buộc Tôn Thanh Hà người được gọi là “Diễm Kiếm” lấy ra vũ khí tuyệt mật “bằng bằng bằng” mà hắn vẫn luôn giấu kỹ.
Khi Hắc Quang Thượng Nhân bước lên mái cong, trả lại “Thác” kiếm, Tôn Thanh Hà gần như đã vung kiếm “giết” hắn.
Trước lúc đó, Thích Thiếu Thương cũng mượn kiếm dùng sức, phi kiếm đã gần như chạm đến tính mạng của Hắc Quang thượng sư.
Hai người đều từng có xung động muốn giết chết vị “quốc sư” được Triệu Cát phong thưởng, cũng là tâm phúc trên tay Thái Kinh, tự xưng là “Hắc” này.
Nhưng hai người đều nhịn được, không thật sự ra tay.
Lỡ như thật sự ra tay, cũng chưa chắc có thể thành công.
Hắc Quang thượng sư tuyệt đối là một nhân vật gai góc.
Hắn rất ít khi động thủ với người khác, cho nên cũng rất ít người biết hắn xuất thủ thế nào. Những người đã giao thủ với hắn, gần như đều không có cơ hội tiết lộ võ công của hắn với người khác, bởi vì bọn họ đều chết hết.
Quy củ của Hắc Quang thượng sư Chiêm Biệt Dã, đó là không phải vạn bất đắc dĩ thì quyết không động thủ, một khi động thủ thì nhất định không để lại người sống.
Mọi người không trở mặt, bảo lưu tình hữu nghị, ngày khác gặp nhau chưa chắc đã không hóa địch thành bạn. Một khi đã giao đấu sống chết, nếu để lại cho hắn một mạng, ngày sau vẫn luôn là một cây gai trong lòng, tùy thời sẽ phản công báo thù, không bằng giết chết hắn, sạch sẽ gọn gàng. Cho nên hắn động thủ với người khác không nhiều, kẻ thù thật sự cũng không nhiều, địch thủ lại càng ít.
Bởi vì kẻ địch, kẻ thù cũ đều đã chết trong tay hắn.
Người ít khi ra tay nhưng lại nổi danh trong võ lâm, luận võ nghệ mọi người đều sợ giống như hắn, trong võ lâm kinh sư cũng có mấy người tương tự, Gia Cát tiên sinh là một trong số đó.
Đến hoàn cảnh này, Gia Cát Tiểu Hoa đã rất ít khi ra tay.
Y thậm chí không cần ra tay cũng có thể giải quyết kẻ địch.
Có lần Thái Kinh cố ý ở trước mặt văn võ đại thần khen ngợi điểm này của y.
- Tiên sinh giết người, chẳng những dễ như trở bàn tay, còn không cần tự mình động thủ, chỉ cần gật đầu một cái, nháy mắt một cái, sẽ tự có người giết hết kẻ địch cho tiên sinh.
Gia Cát đáp lại là:
- Nếu bàn về cảnh giới, ta nào với tới được tướng gia? Tướng gia giết người, thậm chí không cần võ công, chỉ ra lệnh một tiếng, người khắp thiên hạ sẽ cống hiến cho tướng gia, ngay cả hoàng thượng cũng sẽ ban chỉ truyền lệnh, phối hợp với ý ngài. Không phải sao? Loại phàm phu tục tử như ta còn không rõ võ công của tướng gia rốt cuộc cao đến đâu, rốt cuộc có võ công hay không.
Hai người nhìn nhau cười ha hả.
Một người khác là Mễ Thương Khung.
Mọi người đều biết võ công của hắn cao tuyệt, là một trong hai đại cao thủ trên thế gian biết tuyệt thế côn pháp “Triều Thiên Nhất Côn”, nhưng hiếm người tận mắt nhìn thấy hắn ra tay.
Thông thường, hắn giết người cũng không cần động thủ. Người bán mạng cho hắn, từ hoàng cung đến cao thủ sát thủ võ lâm, từ cấm quân đến những kẻ liều mạng trên giang hồ, đều nhiều không kể xiết.
Mọi người đều không rõ, thủ lĩnh thái giám Mễ Hữu Kiều ngầm nắm thực quyền này võ công cao đến đâu. Cho đến khi tại pháp trường, hắn cuối cùng đã ra tay, giết chết “Độc Bồ Tát” Ôn Bảo và “Long Đầu” Trương Tam Bá, mọi người mới biết hắn quả thật võ công cao cường, đã đạt đến cảnh giới đỉnh cao.
Hắn vừa ra tay đã chấn nhiếp quần hùng.
Có điều, sau khi nghe tin Mễ Hữu Kiều đã xuất thủ, cùng với hỏi kỹ càng tình hình, Gia Cát tiên sinh lại vuốt tay áo, hết sức thư thái.
Vô Tình đã từng hỏi y:
- Mễ công công từng dùng một côn giết chết Trương Tam Bá, chấn nhiếp quần hùng. Thế thúc cảm thấy thế nào?
Gia Cát tiên sinh nói:
- Đáng sợ, nhưng không đủ sợ.
Đây là lời bình của Gia Cát đối với một chiêu côn pháp tuyệt thế làm kinh hãi toàn trường của Mễ công công.
Còn một người khác cũng có cách nhìn tương tự.
- Một côn đó của Mễ Thương Khung, đã giết chết người, cũng giết chết căn nguyên của mình.
Người đó là Lâm Linh Tố.
Lâm Linh Tố là đạo sĩ được Triệu Cát tin tưởng nhất, chuyên quyền bạo ngược, không coi ai ra gì, ỷ thế hô mưa gọi gió, làm ác hết thiên hạ, ra vào tiền hô hậu ủng, thậm chí còn tranh chấp với chư vương. Tống Huy Tông rất sủng ái người này, gọi hắn là nguyên diệu tiên sinh, kim môn đạo sĩ, một thời quyền thế hiển hách. Người trong kinh đều gọi là “đạo gia lưỡng phủ”, cùng tề danh với Hắc Quang Thượng Nhân, nhưng Lâm Linh Tố càng thịnh vượng hơn. Sử chép “tín đồ ăn ngon mặc đẹp, thường hai vạn người”, có thể thấy được.
Lâm Linh Tố chuyên tu đạo pháp, lại hiểu cách sử vương thuật lôi thần. Khi hắn động thủ với người khác, không thấy hắn có hành động gì, đối thủ đã chết bất đắc kỳ tử. Đủ loại “kỳ tích” này, khiến đạo quân hoàng đế Triệu Cát càng tin tưởng Lâm Linh Tố, phụng hắn làm tiên.
Lâm Linh Tố rất ít khi động thủ với người khác, chỉ so đấu pháp lực. Bởi vì pháp thuật là đạo hạnh mà chỉ tiên nhân dị sĩ mới có, nhân vật võ lâm bình thường cũng không thể tìm được cửa để vào, chỉ cảm thán cao thâm khó lường.
Hắc Quang Thượng Nhân và Lâm Linh Tố đều dùng đạo thuật lấy lòng đám thiên tử quyền quý đạo quân hoàng đế, Thái Kinh, Đồng Quán, hai người đều rất ít khi chính thức động võ với người khác. Hai người có điểm rất tương tự, nhưng cũng có điểm không hợp rất lớn.
Xét về võ công tu vi, Hắc Quang thượng sư Chiêm Biệt Dã lại có chân tài thực học.
Khi hắn chưa vào phật môn thì đã là cao thủ võ lâm, là hảo thủ của Hắc Quang môn Chiêm gia. Nhưng trong một lần giao đấu với tinh anh của bảy đại môn phái Thần Thương hội Tôn gia, Phi Phủ đội Dư gia, hắn phụ trách cố thủ Kim Vũ Hối của dốc Tử Dạ. Cao thủ của bảy đại môn phái vừa lúc chọn phòng tuyến này để tập kích, khi đó là nửa đêm, liền gặp phải Chiêm Biệt Dã trời sinh thiên chất, đêm càng sâu thì võ công của hắn càng cao cường.
Trận chiến này diễn ra, hắn lại một hơi giết chết hơn mười hảo thủ của Thần Thương hội Tôn gia, Tứ Phân Bán đàn Nam Trần Dân gia tộc, lại dùng sức một người đánh lui kẻ địch tập kích Hắc Quang môn lần này.
Theo đạo lý, đây là một công lớn, hắn đã cứu vớt một trận đại nạn ôn phái mình.
Nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại.
Khi đó, môn chủ của Hắc Quang môn là “Đại Thanh Thái Công” Chiêm Tứ Thi từ lâu đã không vừa mắt Chiêm Biệt Dã, ngầm căm ghét hắn. Hiện nay thấy hắn dùng sức một người, dũng cảm đánh lui cường địch. Vừa lúc đám người Phi Phủ đội Dư gia, Thái Bình môn Lương gia, Thiên An phái Nữ Trần Thị gia tộc, bởi vì chiến dịch dốc Tử Dạ bị chết mấy tên đệ tử, cho nên rầm rộ khởi binh hỏi tội Hắc Quang môn, còn tìm cao thủ của Lão Tự Hiệu Ôn gia, Kim Tự Chiêu Bài Phương gia, Nam Dương Chỉnh Cổ môn La gia, Cảm Tình Dụng Sự bang Bạch gia tới phân xử cho bọn họ. Chiêm Tứ Thi liền mượn cớ này, chỉ trích Chiêm Biệt Dã ngông cuồng tự đại động sát cơ, làm tổn thương hòa khí của đồng đạo giang hồ, khiến cho các môn các phái trong thiên hạ liên thủ làm khó Hắc Quang môn, vì vậy là “đại tội nhân” của Chiêm gia, phải xử lý nghiêm khắc.
Dưới cơn nóng giận, Chiêm Biệt Dã đã cùng với những người ủng hộ hắn như “Triều Thiên Tứ Cước” Chiêm Thông Thông rời khỏi Hắc Quang môn.
Sau khi rời khỏi, hắn lại thành chim sợ cành cong, nhất thời thiên hạ rộng lớn lại khó có đất dung thân. Bởi vì ân oán trước kia, Thần Thương hội Tôn gia, Hạ Tam Lạm Hà gia, Tứ Phân Bán đàn Lương Trần Thị gia tộc và Thiên An phái Nữ Ẩn Thị gia tộc, tất cả đều tìm hắn gây phiền toái. Đến nỗi có một đoạn thời gian, Chiêm Biệt Dã lo sợ không yên như chó nhà có tang, rất chán nản. Ngay cả người khi đó ủng hộ hắn nhất là “Triều Thiên Tứ Cước” Chiêm Thông Thông, cũng chuyển sang gia nhập dưới trướng “Khiếu Thiên Vương” Tra Khiếu Thiên.
Chiêm Biệt Dã một mình chiến đấu, bốn bề khốn đốn. Lúc này hắn lại hạ quyết tâm, trốn vào Phật môn, dốc lòng khổ tu, không ngờ lại có một phen thành tựu.
Đáng tiếc lúc đó trái phải trên dưới đạo quân hoàng đế đều sùng đạo dìm phật. Chiêm Biệt Dã phật pháp càng cao, dục vọng lại không vì vậy mà giảm bớt. Hắn muốn khôi phục danh dự, giành lấy địa vị, nếu dùng sức của một người, e rằng võ công có cao cũng không được mọi người đồng ý. Cộng thêm hắn có nhiều kẻ thù, người căm ghét hắn càng nhiều hơn, tuy biết rõ hắn có tu vi cao, nhưng có ai nguyện ý vì hắn mà đồng thời đắc tội với đông đảo môn phái như Sơn Đông Thần Thương hội, Hắc Quang môn, Thái Bình môn, Phi Phủ đội? Nghĩa khí giang hồ, chỉ quyền để dựa; võ lâm đấu tranh, chỉ thế là biết.
Chiêm Biệt Dã thấy đại thế không thể vãn hồi, cho nên không tiếp tục ở lại phật môn, vân du bốn biển, một mặt tiềm tu mật tông, một dạo đổi tên là Ngôn Vô Mật, hoàn toàn thoát ly khỏi Chiêm gia. Nhưng kết quả vẫn không chịu được tịch mịch, không chịu được cảnh có thân thủ tài giỏi nhưng không ai biết đến. Hắn lại quay về, lắc mình biến hoá, trở thành đạo gia tông sư, nói “nguyên vi”, đòi “thanh tịnh”, giảng “tự nhiên”, tính mệnh song tu, cố bày vẽ thần thông. Lúc sắp xuất thế thì sùng bái Lão Tử, Trang Tử; nhân thế trị thiên hạ, chính là Trương Lương, Y Duẫn; lúc sắp biến pháp trị thế, lại mang ra Thương Ưởng, Hàn Phi; thời loạn làm kẻ tung hoành, thành Hoàng Thạch Công, Quỷ Cốc Tử; có lúc kiêm hiểu y đạo, tức Hoa Đà, Biển Thước; chuyển đổi làm binh gia, lại thành Tôn Tẫn, Khổng Minh; biến thành tôn giáo, lại sùng Trương thiên sư; biến thành âm dương thuật, lại theo thiên văn, lịch pháp, địa lý, phong thủy, thuật số, bói toán, hình pháp, linh thông, ảo thuật, không thứ gì không tinh, không thứ gì không thông, không thứ gì không hiểu, không thứ gì không thể, trên dưới tung hoành; Trần Hi Di, Thiệu Khang Tiết, tại triều ai cũng thành đại biểu cho hắn; về phần văn học, cũng có đám nhân vật Trúc Lâm Thất Hiền và Thi Tiên Lý Bạch làm chỗ dựa. Do đó Chiêm Biệt Dã càng gan dạ yên tâm, dùng một thân võ thuật tuyệt học công thêm đạo thuật dị năng, quyền ngang với Thái Kinh, được Triệu Cát sủng ái, thăng tiến như diều gặp gió, trở thành quốc sư một nước, đồng thời cũng khôi phục bản tính của hắn.
Ngoại trừ dùng đạo thuật lừa đời chiếm được sủng ái, Chiêm Biệt Dã cũng lập bốn nguyên tắc làm người xử thế đối địch tiến lui.
Một, không cần thiết thì không gây thù chuốc oán, một khi kết thù thì phải giết địch. Giết địch thì không được để lại người sống. Nếu để lại người sống, một là bị báo thù, hai là khiến người ta biết được võ công nội tình của mình, đều không phải chuyện tốt. Giống như trong chiến dịch Kim Vũ Hối kia, hắn không giết hết kẻ địch trong bảy đại môn phái đến xâm phạm, chính là để lại mầm tai họa sau này kết oán. Cho nên, trừ khi hắn không động thủ, một khi động thủ thì phải giết địch.
Vì vậy, người từng nhìn thấy hắn ra tay rất ít. Giống như lần đó tại biệt thự Biệt Dã, hắn vốn định động thủ giết chết Vương Tiểu Thạch, nhưng cuối cùng vẫn không dùng hết sức.
Nếu hoàn toàn không động thủ, vậy thì không được, Thái Kinh nhất định sẽ khiển trách.
Nếu như toàn lực động thủ, lại kết thù với Vương Tiểu Thạch, lỡ may không giải quyết được đối phương, vậy thì ngày sau sẽ thành hiểm hoạ. Mối quan hệ của Vương Tiểu Thạch rất tốt, hắn cũng không muốn kết ân oán này.
Do đó hắn chỉ “tùy ý ra tay”, đã “giả vờ”, không thể xem như là “thật sự động thủ”. Cho dù người khác không biết, Vương Tiểu Thạch nhất định cũng có thể cảm nhận được. Hắn muốn Vương Tiểu Thạch thiếu hắn một ân tình.
Như vậy là đủ rồi.
Ở trên giang hồ, nợ tiền có thể thiếu, nợ tình không thiếu được, nợ nghĩa càng khó trả.
Hai, bất luận hắn nhập đạo, thành phật hay là tu Mật, hắn đều nắm chắc một trọng điểm, giữ chắc một yếu điểm, đó là phải luyện võ công cho tốt. Bởi vì cái gì cũng là giả, chỉ cần hắn tu luyện võ công cho tốt, hắn sẽ có thể dùng thực lực võ công thi triển thành phật pháp, chuyển hóa thành đạo thuật, biến hóa thành mật công, thay đổi thành thần lực… chỉ cần hắn nói cái gì thì chính là cái đó.
Chủ yếu phải xem thực lực của mình, tranh chấp trong cung đình và giao đấu trong võ lâm đều là như nhau.
Chỉ cần võ nghệ cao cường võ công giỏi thì không sợ, ít nhất cũng có thể tự bảo vệ mình. Cho nên, tu pháp gì, luyện đạo gì, niệm phật gì cũng là giả, chỉ có võ công không thể một ngày không luyện, một ngày không tu, một ngày không tập.
Do đó, hắn chuyên cần tập võ, phân biệt dùng tinh hoa của ba nhà đạo phật mật dung hợp làm võ công, khiến công lực của hắn tăng mạnh, ngày càng tinh tiến.
Ba, hắn còn đặc biệt tu luyện một loại võ công bí kỹ do chính hắn cảm ngộ được, đó là “Hắc Quang đại pháp”.
Đây vốn là tâm pháp nhập môn của Hắc Quang môn Chiêm gia, cao thủ Chiêm gia đều phải luyện, sau đó mới tiến tới tu luyện các loại võ công cao thâm khác.
Chỉ Chiêm Biệt Dã lại khác.
Hắn vẫn luôn tu luyện loại võ công này, hơn nữa từ trong đó ngộ ra được rất nhiều tinh túy của võ thuật. Hắn phát hiện môn võ công cơ bản này thực ra là võ học thượng thừa, có điều không có ai chịu bỏ công sức tu luyện nó cho thật tốt mà thôi.
Chiêm Biệt Dã khổ công tu luyện, nghiên cứu kỹ càng “Hắc Quang đại pháp”. Cuối cùng hắn nhờ Thái Kinh nói giúp, “phụng chỉ” san bằng nội loạn Hắc Quang môn, trục xuất sau đó hạ lệnh giết chết Chiêm Tứ Thi, tự mình lên làm môn chủ của Hắc Quang môn, làm rạng rỡ cửa nhà, lấy lại uy danh, phát huy “Hắc Quang đại pháp”.
“Hắc Quang đại pháp” chính là phát huy lực lượng của “hắc” một các không hạn chế, không hạn lượng, vô hạn.
Chỉ đen mới có thể đối kháng với trắng.
Chỉ đêm tối mới có thể thay thế ban ngày.
Chỉ có lực lượng hắc ám mới có thể cân bằng với lực lượng quang minh.
Đã là tâm pháp độc môn, đương nhiên “một mình nắm giữ”, người khác không có cũng mô phỏng không được.
Do đó Chiêm Biệt Dã càng tự cao tự đại.
Người khác tu luyện chính đạo, hắn làm cũng là chính đạo, nhưng tu lại là tà đạo.
Người khác muốn đi bạch đạo, hắn tu cũng là đạo, nhưng là lại là hắc đạo.
Người trắng ta đen, người bỏ ta lấy.
Hắn lại thành một phái riêng. Đại đạo như trời, mỗi người một bên. Trong nhân sinh vô thường, xanh đỏ đen trắng, hắn lại chỉ chọn đen.
Bốn, hắn đã nhận định một pháp lý không thay đổi, đó là mệnh người do trời không do người.
Người sống trên đời, thực ra có mấy chuyện do được người?
Đã như vậy, không bằng mặc cho ý trời, không cần khổ cực vùng vẫy, phấn đấu, chỉ cần nắm bắt thời cơ, tận tình hưởng thụ, có gió chạy hết sức, phú quý nên hưởng thì cứ hưởng, đừng để lúc nghèo hối hận suông.
Vì vậy, ngoại trừ hắn kiên quyết quán triệt vẫn tu luyện “Hắc Quang đại pháp”, tất cả những thứ khác hắn đều thả hết, bỏ hết, thậm chí nếu cần thiết cũng hưởng hết phúc phận, giết hết kẻ thù.
Trừ khi hắn không thể nắm chắc, năng lực không đủ, vậy thì lại là chuyện khác.
Cao thủ quyền mưu chân chính, phải hiểu được lúc nào tiến, lúc nào lui.
Lúc tiến tinh tiến, lúc lui không trễ, không sợ nghịch thế, không sợ nước xiết.
Một cao thủ hạng nhất giống như hắn, chẳng những phải biết khi nào nên giết, còn rất am hiểu đạo không giết.
Giống như đối với Vương Tiểu Thạch, hắn không dùng hết sức.
Giống như hiện nay hắn rút kiếm trả địch, chính là muốn hóa địch thành bạn.
Cho dù không thể làm bằng hữu, ít nhất cũng miễn kết thù sâu.
Không chiến mà thắng, mới là đại thắng.
Chiến rồi mới thắng, đó là thắng thảm, bởi vì không có bất kỳ thắng lợi trọng đại nào mà không phải trả giá nặng nề.
Giống như tối nay, trong trận chiến này, hắn không muốn tiếp chiến. Hắn biết chỉ cần hắn không trốn, không tránh, không ra tay trước, chủ động đối diện, Thích Thiếu Thương và Tôn Thanh Hà, một người có phong thái anh hùng, một người tự cho là hiệp nghĩa, nhất định sẽ không liên thủ phát động công kích hắn.
Hắn tự đánh giá, nhất định có thể tránh khỏi.
Tối nay hắn vốn không định quyết chiến. Nếu muốn “quyết chiến”, hắn thà chọn “cận chiến” với nữ nhân trên giường, cùng nhau song tu, sung sướng như tiên, chẳng phải là tự tìm vui vẻ. Cần gì đánh sống đánh chết, muốn người muốn mạng.
Hắn đã sớm chuẩn bị. Hoàng thượng tâm huyết dâng trào, chợt muốn đến hạnh Hạnh Hoa lâu. Sau đó, hắn lưu ý đến Nhất Gia hành động lén lút, cùng Thư Vô Hý thương nghị lâu ngày, trong lòng ngầm đề phòng. Hiện nay chỗ hoàng đế dường như không có gì đáng ngại, chỉ là trên mái cong của nhà lớn cổ xưa này có một trận quyết đấu đặc sắc vô song, dẫn dắt chính mình, đã kinh động tâm thần, cũng là thu hoạch bất ngờ.
Hắn dứt khoát đối diện với hai đại cao thủ này, đi lên mái cong, bỗng nhiên phát hiện trong lòng mình âm thầm dâng lên một luồng sát tâm sát tính cực kỳ hiếm thấy, nhưng hắn lại không thể tự mình ức chế, ung dung tiến lui. Quả nhiên hai người đều không có ý giết mình. Đang lúc đắc ý, hắn lại đột nhiên phát giác một chuyện.
Không chỉ có hắn, mà là ba người.
Ba người đồng thời phát hiện một chuyện.
Sát cơ mãnh liệt.
Sát ý lộ ra.
Sát khí bùng cháy.
Sát phạt nổi dậy.
Sát khí bừng lên.
Thậm chí so với trận chiến vừa rồi, Tôn Thanh Hà dùng binh khí độc môn “bằng bằng bằng” giao đấu với một loại “kiếm pháp phản bội vận mệnh” của Thích Thiếu Thương, sát tính càng hiện rõ hơn.
Đây là chuyện gì?
Sát khí đến từ dưới chân.