Quán Trọ Hoa Diên Vỹ


Bà giúp việc lại thực hiện trót lọt. Lần này là áo tắm của tôi.
Khi từ biển về tôi đã phơi nó cạnh cái khăn trải bàn trong sân. Mẹ tôi cứ lầu bầu mãi về mái tóc rối bù của tôi.
- Vì thế cho nên mày đừng có tắm biển làm quái gì nữa! Thôi, nhanh lấy máy sấy với lược ra đây, cả dầu trà nữa. Có cả đống việc đang chờ mày đấy. Đừng lề mề nữa!
Thoắt cái mẹ đã búi lại tóc cho tôi như lúc đầu.
Buổi chiều, khi tôi ra sân sau thu quần áo thì phát hiện cái áo tắm đã không cánh mà bay. Nó biến mất không để lại một dấu vết nào. Hôm đó bà giúp việc phải làm quần quật suốt ngày, thậm chí còn làm thêm giờ. Bà ta phải đánh bóng hành lang, cắt cỏ trong sân rồi cọ rửa cửa sổ phòng ăn. Và bà ta sốt sắng bắt chuyện với tôi. Toàn những chuyện vớ vẩn.
- Giả sử mẹ mày nói muốn tái hôn thì mày sẽ làm gì?
- Sau này nếu Mari thừa kế quán trọ thì nhớ phải thuê ta đấy nhé!
- Mày có biết bác là mối tình đầu của bố mày không?
- Mày với thằng ấy vẫn tốt đẹp chứ?
Tôi đã không muốn nói vậy mà bà ta vẫn lẵng nhẵng bám theo. Có lẽ bà ta vui mừng quá đỗi vì đã ăn trộm áo tắm của tôi một cách trót lọt. Lúc về mẹ tôi vừa dúi vào tay bà ta lon bia, bà ta đã sung sướng đút ngay vào túi. Trong cái túi đó chắc chắn có cái áo tắm vẫn còn ẩm của tôi.
Hôm sau, trên bãi biển xảy ra một sự lạ. Một số lượng lớn c bị sóng đánh vào bờ. Từ sáng cả thị trấn đã xôn xao. Sự việc ngay lập tức truyền tới Hoa Diên Vỹ. Ông bác đến giao sữa đã kể lại cho chúng tôi.
- Chuyện lớn rồi đây. Không hiểu sao từ trước quảng trường trung tâm đến bãi biển ngay gần đây phủ đầy xác cá. Ghê lắm! Chính quyền, cảnh sát, những người trong công đoàn du lịch và cả những kẻ hiếu kỳ, mọi người đều sửng sốt bu lại xem, không biết rồi đây sẽ thành ra thế nào. Trước mắt không tắm biển được nữa rồi. Đúng là lạnh cả sống lưng. Cứ như điềm gở vậy.
Tôi cùng bà giúp việc đi xem sự thể thế nào. Vừa ra đến bãi biển, mùi hôi thối đã xộc lên. Ông bác giao sữa nói quả không sai. Chỉ trong một đêm mà bãi biển đã biến đổi hoàn toàn. Cứ như một bờ biển lạ từ đâu dạt tới vậy.
Trước mắt chúng tôi là vô số xác cá chết. Phòng tắm hoa sen, hàng kem, cả chòi canh vẫn ở đó như mọi ngày, nhưng ngoài xác cá ra tôi không nhìn được gì khác. Biển lặng sóng, cả vùng biển chìm trong một màu xám xịt, những chiếc ô đã được gập lại hết.
Mặt trời chiếu ánh nắng thiêu đốt, nhưng những gì phản chiếu lại ánh sáng ấy không phải các cột nước, không phải những cánh buồm mà là vảy cá. Cá lớn, cá nhỏ, cả thuôn dài, cá dẹp, cá có sọc vằn, cá đang mở miệng, cá bị mất mang... đủ mọi loại cá. Con thì ngửa bụng lên trời, con lại vùi mình trong cát, những con cá nằm chồng chất lên nhau, chúng đều đã tắt thở.
Không một con nào còn động đậy.
- Hô... ô.
Bà giúp việc thốt lên.
- Này Mari, lại đây mà xem. Không hiểu sao lại thành ra thế này nhỉ?
Mọi người tụ tập trên đập chắn sóng, người thì xôn xao về sự lạ trước mắt, người lại chụp ảnh. Cả đài truyền hình cũng đến lấy tin. Cũng có người đi xuống bãi biển, cầm cá lên xem xét.
- Thế này thì khách sẽ về hết mất thôi. Làm thế nào bây giờ? Gay lắm đấy. Thể nào mẹ mày cũng lại cáu lên à xem.
Miệng nói “gay lắm” nhưng bà giúp việc lại có vé thích thú. Bà ta ghì lấy vai tôi, đu cả người vào tôi.
Chỗ hôm qua tôi ngồi uống sô đa cùng dịch giả và gã cháu phủ đầy xác cá. Sóng vẫn tiếp tục đánh vào bờ những đợt cá mới. Những con cá đó đã chết, song dường như từ trong lòng biển những sinh vật mới cũng đang sinh sôi nảy nở.
- Tối qua có chuyện gì đâu vậy mà... Chắc có kẻ nào vứt ra để trả đũa
- Làm gì có chuyện. Chắc chắn là do khí hậu bất thường đấy.
- Nóng thế này thì đến cá cũng chịu không nổi.
- Không phải đâu. Là trời phạt đấy. Là những người chết dưới biển oán trách đấy.
Mọi người thi nhau đưa ra các cách lý giải mình cho là đúng. Mỗi lần gió thổi qua lại mang theo mùi thối không chịu nổi. Ai cũng phải lấy tay bịt mũi. Bà giúp việc gục mặt vào tay tôi. Thối tới mức khiến người ta lo lắng không biết có phải não mình cũng thối rữa ra rồi hay không. Tuy nhiên không ai định rời khỏi đó.
Phải mất đúng hai ngày để người ta dùng máy xúc chất hết xác cá lên xe tải rồi chuyển chúng đi đâu đó. Trong hai ngày đó xe chở xác cá chạy liên tục trên bãi biển. Giới chuyên môn đưa ra giải thích trên truyền hình thế này: Cái nóng khủng khiếp khiến nhiệt độ nước biển tăng lên, thủy triều đỏ xuất hiện. Vì thế nên một số lượng lớn cá đã chết do thiếu oxy. Cũng có người cho rằng: Không phải, nguyên nhân là do chất độc có trong nước thải của nhà máy sản xuất bột giấy đã lẫn vào nước biển. Những người buôn bán ra vào Hoa Diên Vỹ và các bạn nhảy của mẹ tôi không hiểu sao lại sợ hãi khi nói ra những điều mê tín được đồn đại trên phố. Dù sao thì cũng không ai muốn ăn những con cá này.
Ngay cả khi các xe tải đã dọn dẹp sạch sẽ, một thời gian sau người ta vẫn thấy xác cá nằm lăn lóc đây đó trên đường. Chúng bị xe cộ chèn lên dẹp lép, da thịt rách bươm. Ruột gan bên trong lời ra tạo thành một chất nhầy dinh dính, bám chặt vào nhựa đường. Ai vô ý giẫm phải thứ đó đều hoảng hốt tránh xa như gặp phải vận đen vậy.
*

* *
- Anh giỏi quá!
Tôi mới khen được một câu, hắn đã ngượng ngùng cúi xuống.
“Tôi chẳng có tài hội họa gì đâu. Bác tôi chỉ nói quá lên thôi.”
Hắn đổi bút sang tay trái và lấy tay phải mở nắp cái hộp đeo trên cổ. Hộp đựng màu của hắn đã cũ. Đó là một cái hộp làm bằng gỗ, trong đó bảng pha màu, bút lông rồi màu vẽ xếp lung tung. Cũng có tuýp màu còn mới nguyên, nhưng cũng có tuýp đã bóp cạn.
Lúc từ bến xe buýt nhìn xuống bãi biển tình cờ thế nào tôi lại thấy hắn. Hắn đang ngồi vẽ tranh trên một mỏm đá. Tôi nhận ra hắn nhờ cái điệu vuốt tóc ra sau và sợi xích trên cổ.
Tôi xuống chỗ đập chắn sóng, rồi lại gần hắn từ phía sau và nói “Chào anh!”, ấy vậy mà hắn cũng chẳng mảy m giật mình. Hắn chỉ dùng mắt ra hiệu “chào.”
- Em đã ra tận bến xe để đón khách thế mà chẳng thấy một ai!
Hắn vẫn tiếp tục vẽ. Biển, tường thành, dãy phố phía xa xa hiện lên dưới ngòi bút của hắn. Bức vẽ có vẻ như sắp hoàn thành. Cả đảo F cũng có trong đó.
- Người ta đã gọi điện từ nhà ga bảo sẽ đi chuyến xe ba giờ rưỡi mà... Chắc họ đến muộn thôi. Còn tận năm mươi phút nữa mới đến chuyến xe tiếp theo cơ.
Gã cháu im lặng. Song hắn không tỏ vẻ khó chịu gì. Tôi biết hắn không nói chỉ vì không nói được mà thôi, và tôi cũng đã quen dần với không gian im lặng bao quanh hắn.
- Bác anh đâu?
“Bác tôi có việc đột xuất. Ông đang dịch giấy phép nhập khẩu trứng cá muối.”
Tôi chợt nhận ra nếu mình cứ hỏi chuyện thì hắn sẽ không thể tập trung vẽ được, nên quyết định im lặng. Tôi ngồi ở một chỗ bằng phẳng, chếch sau lưng hắn, cố gắng không làm phiền. Tôi thả chân xuống, cảm giác chân mình sắp chạm mặt biển đến nơi.
Không còn xác cá chết, biển lại trở về như cũ, nhưng không có người bơi mấy. Cơ quan y tế đã tiến hành kiểm tra thành phần nước và tuyên bố nước biển an toàn, nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Rất nhiều người vẫn còn thấy ghê, không dám xuống biển. Ở Hoa Diên Vỹ người ta gọi điện tới tấp đòi hủy đặt phòng. Đúng như những gì bà giúp việc đã nói, mẹ tôi trở nên cáu gắt. Cái nóng vẫn vậy, thế nhưng phố xá bỗng chốc biến thành cảnh mùa thu mất rồi.
Biển mà hắn vẽ có màu xanh nhạt, đây đó nhấp nhô những con sóng trắng xóa. Mỗi lần hắn đưa bút lên mặt biển lại càng thêm trong xanh. Hắn không chăm chút đến chi tiết lắm, nhưng tường thành ẩm ướt với những vỏ sò bao bọc xung quanh trông rất thật. Đảo F trong tranh dường như đang chăm chú nghe gì từ đáy biển.
Hắn bóp mấy tuýp màu ra bảng, nhúng đầu bút vẽ vào một cái cốc giấy đựng nước, rồi pha trộn các màu lại với nhau cho tới khi được màu ưng ý. Hắn nhìn bản nháp, bảng màu rồi lại nhìn cảnh vật. Thỉnh thoảng hắn cũng quay lại xem tôi thế nào, song vẫn không buông bút. Mỏm đá chông chênh khiến cho hộp màu, cốc nước và cả chúng tôi, tất cả đều như đang nghiêng đi.
“Ngồi đấy sẽ bị nước bắn vào người đấy. Cô ngồi chỗ này này.”
Hắn đưa tờ giấy nhớ cho tôi, và đưa chân đẩy cái ba lô ra, chừa cho tôi một chỗ trống cạnh hắn.
- Cảm ơn anh
Tôi làm theo lời hắn.
“Cô không về quán trọ cũng không sao chứ?”
- Nếu không dẫn được khách về, thế nào em cũng bị mẹ mắng. Nên có lẽ em nên ngồi đây đợi thì tốt hơn. Em sẽ không làm phiền anh đâu.
Hắn gật đầu, rồi lại cặm cụi với bản vẽ nháp.
Không biết bây giờ dịch giả đang làm gì nhỉ? Tôi nghĩ. Chắc ông ta đang lật giở từ điển, dùng kính lúp để soi tìm từ rồi viết những hàng chữ thẳng tắp về trứng cá muối. Trong khi đó cuốn tiểu thuyết có Marie có lẽ đang nằm trong một xó xỉnh nào đó chăng?
- Hôm cá chết, ở đảo thế nào ạ?
Tôi hỏi.
“Cũng chẳng có gì khác cả. Chỉ có điều bờ biển toàn một màu đen thôi.”
- Vậy à?
Đôi lúc tôi cảm giác mùi hôi thối ấy vẫn còn thoảng trong gió. Dường như mùi xác cá đã ngấm sâu vào từng hạt cát.
Một đôi trai gái nằm tắm nắng trên ghế xếp. Một cậu con trai đang chơi lướt ván thuyền buồm. Mỗi lần sóng đánh lên là bọn trẻ lại thi nhau nhặt vỏ sò. Chỉ có từng ấy người. Cậu trai bán nước ngọt cùng người phụ trách chòi canh đã biến mất. Trong vũng nước trên mỏm đá toàn là ốc mượn hồn, những con cua màu đỏ chói với những con côn trùng hình dạng ghê rợn. Sâu trong không gian im lặng bao quanh hắn, tôi nghe thấy tiếng sóng.
- Sao bác anh lại sống một mình ở một hòn đảo bất tiện như thế?

Tôi hỏi, khi nhìn thấy gã cháu để cái bút vẽ vào trong cốc nước.
- Không điện thoại, không tivi. Không gia đình, không bạn bè, không người thăm hỏi... ngoài anh.
“Chẳng phải đã có cô rồi sao?”
Ánh nắng phản chiếu trên nền giấy trắng khiến những con chữ trở nên khó đọc.
“Bác tôi là loại người không phải ai cũng thích. Nên ông chỉ cần cô là đủ.”
- Anh có nghe bác anh nói gì về quan hệ của em với ông ấy không?
“Không. Nhưng nhìn là biết rồi.”
Hắn lấy chì màu đánh bóng chân tường thành. Màu đã khô, biển trông càng sâu hơn. Một con cua cố leo lên hộp màu, và trượt chân rơi xuống biển.
Dường như hắn biết tôi và dịch giả quan hệ với nhau theo cách nào thì phải. Ngay đến tôi thỉnh thoảng cũng nghĩ không biết những gì dịch giả đã làm ình có phải là ảo ảnh không, vậy mà...
- Bác anh yêu anh lắm đấy.
Tôi thấy bối rối không biết có nên nói thẳng ra hay không.
- Nhìn ông ấy lo cho anh thì biết. Ông nhìn anh với đôi mắt lo âu, và quan tâm tới mọi thứ trên cơ thể anh.
“Chắc ông coi tôi như con trai mình.”
- Không, chuyện này khác chứ. Ông lo lắng cho anh một cách mù quáng, vô điều kiện, không theo một công thức nào hết. Lúc anh chưa tới đây em không thể tưởng tượng nổi ông ấy sẽ vì ai mà tận tụy như thế.
Dịch giả chỉ cần mình tôi thôi. Giá anh không xen vào giữa hai chúng tôi thì... Nhưng tôi không thể nói ra điều đó.
“Tôi chỉ là vật thế thân cho bà bác đã chết trẻ của tôi thôi.”
Những con chữ hắn viết ra trông như một hàng hoa văn tuyệt đẹp. Hắn viết mãi viết mãi không biết mệt.
“Thay vì yêu bác gái thì ông ấy cưng chiều tôi. Làm thế để chuộc tội ấy mà.”
- Tội gì cơ?
“Thực ra không ai có lỗi ở đây hết. Chỉ là chuyện không may thỏi.”
- Sao bà ấy lại chết ạ?
“Khăn quàng của bác bị kẹp vào cửa tàu.”
Tôi đọc đi đọc lại tờ giấy ba lần. Tôi không thể nối kết được ý nghĩa của từng con chữ.
“Lúc ấy bác trai được một trường đại học bên Nga mời sang, và đang chuẩn bị xuất phát. Tàu vẫn chưa đến. Trên sân ga bác gái đang bế đứa trẻ sơ sinh là tôi. Khi bác trai tôi đang định chụp ảnh thì con tàu phía đối diện bắt đầu chuyển động. Không ai để ý cái khăn bị kẹp vào cửa tàu.”
- Thế rồi sao?
Những dòng chữ càng dài ra, thời gian im lặng lại càng nhiều. Tiếng bút chạy không ngừng. Hắn hết hắng giọng, lấy gót giày gõ vào bờ đá rồi cắn móng tay. Cuộc trò chuyện lạ lùng này khiến tôi có thể cảm nhận được hết những âm thanh hắn phát ra hơn là trò chuyện bằng lời.
Sau một hổi im lặng, hắn đưa lại mảnh giấy cho tôi. Đầu ngón tay chúng tôi chạm nhau trong khoảnh khắc. Tay hắn dính đầy màu vẽ.
“Bác gái bị kéo lê trên sân ga. Đến lúc ấy mọi người mới biết chuyện gì đang diễn ra. Song không thể làm gì được. Mẹ tôi chỉ biết kêu thét lên, bác gái ôm tôi vào lòng. Bác bị thít cổ, và bị lôi đi xa dần. Đầu bác đập vào cái cột đầu tiên trên sân. Tới khi tàu dừng lại thì đã quá muộn. Sọ bác đã bẹp rúm, cổ bị gãy. Cái khăn thít chặt khiến da thịt trên cổ bác rách ra. Tay bác vẫn ôm chặt như muốn bảo vệ tôi. Nhờ vậy tôi không bị sây sát gì.”
Gã cháu khom lưng viết một mạch. Hắn viết không nghĩ ngợi, không lưỡng lự. Cứ như hắn đã nói về chuyện này nhiều lần, tới mức thuộc lòng cả đoạn văn rồi ấy. Nhờ những con chữ màu xanh da trời rất đẹp của hắn mà tôi không thấy chua xót mấy khi đọc những từ như “bẹp rúm” hay “rách ra”.

“Tôi không nhớ gì về chuyện ấy. Tất cả đều do mẹ tôi kể lại.”
Hắn nói thêm.
- Thế còn bác anh, bác trai anh, ông ấy không cứu bà ấy à?
“À, ông ấy đã hét lên thế này: ‘Vứt thằng bé đi! Tháo khăn ra!’ Giả sử bác gái mà vứt tôi đi thì sẽ thế nào? Giả thiết này có hơi vô nghĩa, nhưng nó cũng đã khiến quan hệ của mẹ tôi và bác trai trở nên khó chịu. Không phải vì cái khăn ấy là quà sinh nhật bác trai đã tặng cho bác gái, mà chính vì bác trai đã ngay lập tức định lấy tôi làm vật hy sinh.”
Tôi nhớ lại cái khăn quàng giấu sâu trong tủ quần áo. Tôi nhớ lại lúc nó quấn quanh cổ mình. Biết đâu da thịt của vợ ông ta vẫn còn dính lại trên đó cũng nên.
Sân ga tối tăm, một cái đồng hồ tròn to, ánh đèn chớp của máy ảnh, mùi sữa, đôi giày cao gót nằm lăn lóc, nỗi đau đớn đến không chịu nổi, cái cột sắt lạnh lẽo... khung cảnh ấy đang hiện ra trên mảnh giấy hắn đưa cho tôi.
“Tôi không biết mẹ tôi nhớ có đúng không. Vì khi ấy mọi người rất hốt hoảng. Nhưng tôi có thể chắc chắn một điều duy nhất là tất cả mọi người đều mang trong lòng những vết thương không thể xóa nhòa. Thật đấy. Khi một cơn gió nhẹ bất chợt thổi qua sân ga, làm cái khăn đung đưa...”
- Em đã nhìn thấy cái khăn ấy rồi. Bác trai anh rất quý nó.
“Vật kỷ niệm mà. Cho dù chính nó là hung khí cướp đi sinh mạng của bác gái. Cuối cùng bác trai biến mất. Ông mất tích suốt khoảng thời gian tôi lớn lên. Và rồi năm tôi vào đại học tình cờ tôi gặp lại ông. Ông rất vui. Ông cưng chiều tôi tới mức làm tôi khó xử. Như cô biết đấy. Mặc dù ông đã từng không quan tâm tôi sống chết ra sao.”
- Nhưng sao ông ấy lại biết nhiều chuyện hồi bé của anh thế?
“Đó là do bác tôi bắt tôi kể đấy. Ông ấy nói chuyện cứ như mình chứng kiến tận mắt vậy. Rồi đôi khi lại thêm thắt, phóng đại lên. Có lẽ đó cũng là để chuộc tội. Để xóa đi khoảnh khắc trong quá khứ ấy. Ông biết rõ rằng làm thế chẳng ích gì nhưng ông không thể đừng được. Cứ khi nào ở trước mặt tôi, ông ấy lại như thế. Tôi chỉ có thể im lặng mà thôi. Khi chỉ có tôi và ông ấy, hai người với nhau, sâu thẳm trong tim tôi đã nghĩ thật tốt vì mình bị câm.”
Không biết trong hộp còn giấy không nhỉ? Tôi lo lắng. Không biết cái hộp có bị trật ra và rơi xuống biển không? Tôi không hiểu nổi tại sao mình lại lo lắng chuyện ấy. Có lẽ vì tôi muốn biết nhiều hơn về dịch giả. Mà cũng có khi tôi đã bị cử chỉ của hắn khi đưa giấy cho tôi mê hoặc rồi chăng.
Trời ngả bóng, ánh trời chiều chiếu xuống khuôn mặt hắn. Mắt hắn hơi nhòa trong bóng nắng, đôi môi câm lặng tuyệt nhiên không mấp máy, sợi xích trên cổ hắn ướt mồ hôi. Đột nhiên tôi nghĩ có lẽ hắn rồi cũng sẽ già đi như dịch giả. Tôi thử tưởng tượng ra lớp da nhăn nheo, bắp thịt chảy nhão rồi cả mái tóc thưa thớt, nhưng không tưởng tượng nổi. Dù tôi có chăm chú nhìn thế nào đi nữa cũng chẳng thấy chỗ nào trên người hắn sẽ già đi cả. Tôi nhìn đồng hồ. Còn chưa tới mười phút nữa là đến chuyến xe tiếp theo.
*
* *
- Khi nào anh về? - Tôi hỏi.
“Ngày mai.”
Hắn trả lời cụt ngủn.
- Thế à... Chắc bác anh sẽ buồn lắm.
“Không đâu. Chỉ là ông ấy trở lại cuộc sống như cũ mà thôi.”
- Nghỉ hè năm sau anh có đến đây nữa không?
“Chắc có lẽ tôi không đến được. Mùa thu năm nay tôi sẽ đi Ý du học.”
Hắn sờ xem màu đã khô chưa rồi đóng vở nháp lại, cho bút vào trong hộp rồi đổ nước trong cốc xuống biển. Thứ nước đục ngầu vừa rơi xuống chân chúng tôi ngay lập tức đã hòa quyện với sóng. Một âm thanh trong trẻo vang lên khiến tôi tưởng như hắn vừa nói chuyện.
- Chắc anh thấy lạ lắm đúng không?
Hắn ngừng thu dọn màu vẽ, nhìn tôi như muốn hỏi lại.
- Thì đó, hai người cách nhau tới gần năm mươi tuổi. Ai nhìn cũng thấy không bình thường rồi
“Tôi nghĩ chẳng có gì lạ cả. Tôi đã rất vui khi thấy cô bên cạnh ông ấy. Tôi cũng rất vui vì được quen biết cô.”
Bỗng dưng tôi thấy bối rối, không biết nên tỏ ra thế nào. Tôi cúi xuống giúp hắn đóng tuýp màu lại.
“Từ khi tôi tới đây, ngoài bác tôi ra cô là người đầu tiên trò chuyện cùng tôi đấy.”
- Nhưng đôi lúc em cũng thấy lo. Em và ông ấy không hề có tương lai. Em đã nghĩ lỡ đâu mùa thu sẽ không đến nữa, có khi mọi chuyện rồi sẽ kết thúc trong mùa hè mất.
“Sẽ không sao đâu.”
Hắn viết như muốn an ủi tôi.
“Gió đã không thổi nữa rồi. Khi ấy nó đã thổi qua sân ga và đi xa rồi. Cô không cần lo đâu.”
Hắn nhét vào tay tôi mảnh giấy cuối cùng. Lòng bàn tay tôi tràn đầy những lời hắn viết ra. Bỗng nhiên tôi cảm giác không phải tôi đang nói về chuyện của mình và dịch giả, mà đang xác nhận lại mối quan hệ của tôi và hắn.
Chúng tôi cứ nguyên tư thế nhổm dậy ấy mà ôm nhau, chúng tôi ôm nhau trên mỏm đá chông chênh tưởng chừng như chỉ cần bước hụt một bước là rơi ngay xuống biển. Không biết khi tôi trượt chân thì hắn sẽ nhảy xuống cứu tôi, hay sẽ đưa tay cho tôi trước khi tôi rơi xuống? Tôi không thể tưởng tượng nổi. Bỗng nhiên tôi có cảm giác sóng biển như ngừng lại.
Chúng tôi hôn nhau. Môi chúng tôi chạm vào nhau không chút lưỡng lự, như thể đó là dấu hiệu trao đổi mà hai người chúng tôi đã lặp đi lặp lại bao lần trong quá khứ và chỉ chúng tôi mới hiểu vậy. Tay tôi vẫn nắm chặt đống giấy nhớ. Cái mặt dây chuyền của hắn chạm vào ngực tôi lành lạnh. Hơi thở của hắn có mùi khác, khác với mùi của dịch giả.
*

* *
Phòng 202 mờ mờ tối. Hơi nước từ nhà máy chế biến cá bên cạnh bốc lên làm mờ kính cửa sổ. Tiếng máy trộn cá surimi nghe trầm trầm.
Giường chiếu trong phòng rất gọn gàng. Mọi đồ vật đều được đặt ở đúng vị trí của nó: trên bàn cạnh giường là điện thoại và cuốn Kinh Thánh, hộp khăn giấy ở trước gương, cái mở nắp chai cùng những chiếc cốc sứt sát trên nóc tủ lạnh. Khách trọ ở phòng này sáng nay đã gọi điện hủy hẹn.
- Cô thấy đấy, chúng tôi có tắm biển được đâu. Chẳng còn cách nào khác.
Người phụ nữ nói như đổ lỗi
Hắn cực kỳ bình tĩnh. Tiếng nói chuyện ngoài hành lang hay tiếng chân bước lên cầu thang cũng không làm hắn run sợ. Hắn nhẹ nhàng chạm vào tôi. Vở nháp và hộp màu của hắn tung tóe dưới đất.
- Đến Hoa Diên Vỹ đi!
Khi tôi nói vậy lúc ở trên mỏm đá, hắn không thể đáp lại. Vì cái mặt dây chuyền của hắn đã bị lấp giữa ngực hai chúng tôi.
Tôi dẫn hắn vào Hoa Diên Vỹ, lẫn trong hai đoàn khách từ xe buýt xuống. Thật là mạo hiểm. Hắn đóng vai một thanh niên ít nói một mình đến đây du lịch và vẽ tranh. Tôi đưa ột nhóm chìa khóa phòng 204, nhóm kia chìa khóa phòng 305, và chìa khóa phòng 202 cho hắn. Cột phòng 202 trong sổ đặt trước vẫn còn dấu hủy hẹn bằng bút đỏ. Phòng 202 là phòng mà dịch giả đã trọ cùng cô gái bán dâm trước đó.
Bọn trẻ hào hứng chạy vòng quanh reo hò. Bố mẹ chúng la mắng, trong khi đó một tốp khác mở tấm bản đồ trên quầy lễ tân tìm một nhà hàng. Trong không gian hỗn độn ấy, gã cháu lẻn vào phòng.
Không chỉ hơi thở, mà tất cả mọi thứ ở hắn đều khác dịch giả. Hắn không trói, cũng không đánh mắng tôi. Cũng chẳng ra một mệnh lệnh nào. Hắn đối xử với tôi theo một cách riêng. Khuôn ngực vạm vỡ của hắn khiến tôi ngạt thở, những ngón tay lướt trên cơ thể tôi hệt như khi hắn viết chữ vậy. Xương chậu của hắn chạm vào mông tôi rắn chắc.
Cái giường kêu rít lên. Âm thanh ấy vang vọng tới mức tôi lo lắng không biết ở dưới người ta có nghe được không. Tầng trên có ai đó đang súc miệng, chuông ở quầy lễ tân reo lên. Hắn rất ấm. Chỉ mỗi sự ấm nóng ấy thôi cũng đã làm tôi mãn nguyện rồi.
Khi hắn ú ớ kêu lên, tôi hiểu là đã kết thúc. Âm thanh đó chắc chắn là tiếng nói của hắn. Một tiếng nói nhỏ bé sau một thời gian dài ẩn giấu trong tim giờ mới được thốt ra từ khóe môi.
- Anh cho em xem lưỡi đi. - Tôi nói. - Em muốn xem cái lưỡi đã bị cắt của anh.
Hắn với cái quần cùng áo phông vứt trên giường mặc vào người và cuối cùng là đeo mặt dây chuyền lên cổ.
“Tại sao?”
- Chẳng tại sao cả.
Hắn kéo tôi lại gần và thận trọng mở miệng.
Bên trong chỉ là bóng tối. Đúng là hắn không có lưỡi thật. Ở đó chỉ có một cái hốc đen ngòm. Bóng tối dày đặc tới mức nếu nhìn quá lâu sẽ trở nên hoa mắt.
Khi ấy tôi nghe một giọng quát tháo ngoài hành lang
- Mari, này Mari. Mày trốn đi đâu rồi hả?
Là mẹ! Tiếp đó là tiếng chân chạy lên cầu thang, băng qua chiếu nghỉ, qua hành lang và đang tiến dần về phía chúng tôi.
Lập tức tôi ôm lấy vở nháp và hộp màu, rồi thúc hắn trốn vào tủ quần áo. Cái hộp màu kêu lạch cạch. Tôi níu chặt lấy hắn, người căng ra.
Mẹ tôi gõ cửa phòng 201 bên cạnh.
- Tôi đến để thay ga trải giường.
Trốn trong tủ quần áo, tôi nghe tiếng mẹ vọng lại rõ mồn một. Tôi lại càng nép sát vào hắn. Hắn dùng hai tay ôm choàng lấy tôi.
- Xin phép quý khách.
Lần này tiếng bước chân dừng lại trước phòng 202. Mẹ tôi lấy từ túi tạp dề ra chùm chìa khóa, chọn chìa rồi tra vào ổ.
Tim tôi đập nhanh dần, tôi cảm thấy khó thở. Hệt như lúc tôi bỏ học trốn trong phòng khách trọ. Hệt như khi bị dịch giả lấy khăn thít cổ vậy. Mùi véc ni trong tủ làm mắt tôi cay xè.
Mẹ tôi đi một vòng quanh phòng. Bà đi qua chỗ tủ quần áo, xem lại chốt cửa sổ rồi kéo rèm. Tôi biết nhắm mắt vào sẽ thấy yên tâm hơn, nhưng qua khe cửa tôi cũng muốn xem sự thể đang như thế nào. Mỗi lần bắp chân vĩ đại của mẹ giậm xuống sàn tôi đều cảm nhận được. Tôi thấy sợ. Tôi sợ bị mẹ phát hiện, sợ vì chính mình đã rủ hắn tới đây, sợ những gì hắn đã làm với tôi, sợ vì dịch giả không hề biết gì về chuyện này, tất cả đều khiến tôi thấy sợ.
Mẹ tôi đặt tay lên chiếc giường mà khi nãy chúng tôi đã nằm trên đó và kéo căng ga trải giường. Bà sờ thử vào bàn cạnh giường, cái bàn khi nãy gã cháu để mặt dây chuyền, xem có bụi bám vào không. Tôi lo lắng không biết hơi ấm của chúng tôi còn đọng lại trên giường hay không. Tệ hơn nữa, giả sử nếu có tóc rụng thì sao? Nếu là mẹ thì dù chỉ một sợi chắc chắn bà cũng sẽ nhận ra ngay đấy là tóc của tôi.
Tim hai chúng tôi đập cùng một nhịp. Hơi thở của hắn làm ướt dái tai tôi. Tóc hắn mặn nồng mùi sóng.
Mẹ tôi đi quanh phòng lần nữa xem có bỏ sót thứ gì không. Rồi bà khẽ chặc lưỡi và ra khỏi phòng. Tiếng bước chân dọc hành lang xa dần.
Sức lực của tôi tan biến hết trong phút chốc, tôi thụp xuống. Tôi trượt khỏi tay hắn, ngồi lăn ra. Ánh sáng mờ mờ chiếu qua khe cửa càng làm trong tủ thêm tối tăm. Tôi nhìn lên. Hình bóng hắn mờ ảo, chẳng thấy rõ vẻ mặt hay ngón tay hắn cử động thế nào nữa.
Mỗi lần nhấp nháy mắt tôi lại có cảm giác mình đang dấn sâu vào khoảng không đen ngòm. Tôi nghĩ mình đã lạc vào bóng tối trong con người hắn. Tôi đã rơi vào cái hốc ẩm thấp câm lặng và tăm tối, nơi trước đây chắc chắn đã từng có lưỡi, khi hắn được bà bác bế trên tay.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận