Khi tôi bước ra từ kho thức ăn, ngoài kia trời đã thành bão từ bao giờ. Mưa táp vào kính cửa sổ, gió cuộn lên thành lốc xoáy. Biển động dữ dội, sóng đánh cả vào bên trong vịnh. Bóng tối tràn ngập. Chỉ có những con sóng đập vào bờ đá bắn nước tung tóe. Tiếng sóng cùng tiếng gió gầm rú trên đảo. Dịch giả bật đèn trong phòng.
Con chuột đã chết trong thùng nước. Nó nổi bồng bềnh, lưng cong lại, bốn chân đơ ra, miệng vẫn còn đang há. Có vẻ không đau đớn gì lắm. Ban đầu khi dịch giả nắm đuôi nó dìm xuống nước nó còn quẫy đạp, nhưng ngay sau đó nó im lặng tức thì. Nó chìm trong nước, mắt mở to như đang suy nghĩ chuyện gì quan trọng. Rồi nó nổi lên trên mặt nước khi dịch giả buông tay.
Cái váy của tôi bị ném trên sàn. Có cái gì đó thòi ra từ túi váy. Người đàn ông cầm nó lên nhìn chăm chú hồi lâu. Cuối cùng tôi cũng được cởi trói. Tôi xoa xoa cổ tay. Cái roi không để lại vết mấy. Chỉ có da tôi là đỏ lên một chút. Mỗi lần nhắm mắt tôi đều có thể mường tượng lại những chuyển động của đường cong mà cái roi đã vẽ ra.
- Cô đã gặp nó đúng không? - Người đàn ông hỏi.
- Gì cơ ạ? - Tôi hỏi lại.
- Cô đã gặp nó đúng không? - Dịch giả lặp lại bằng giọng điệu y chang. Tôi nhận ra ông ta ám chỉ gã cháu. Trên tay ông ta là vô số những tờ giấy nhớ mà gã cháu đã đưa cho tôi.
- Vâng, cháu đã gặp anh ấy. - Tôi trả lời, mắt vẫn nhìn mớ giấy nhàu nát vì đút trong túi quá lâu.
- Khi nào?
- Hôm trước khi anh ấy về.
- Thế mà nó chẳng nói gì với tôi...
- Tình cờ thôi ạ. Cháu chỉ tình cờ nhìn thấy anh ấy đang vẽ tranh trên mỏm đá trước bến xe buýt thôi.
- Tôi đã không biết gì. Không biết chút gì về chuyện hai người gặp nhau khi không có tôi ở đó.
- Chúng cháu chỉ nói chuyện một chút thôi ạ.
- Nhưng hết từng này giấy kia mà.
Dịch giả nhăn trán như đang suy nghĩ gì. Răng hàm ông cọ vào nhau ken két. Đó là cách của riêng ông ta để kiểm soát tình hình.
Một tờ, hai tờ, những tờ giấy trên tay ông ta rơi xuống. Tôi nhìn thấy bút tích của gã cháu. Tôi vẫn nhớ nét chữ của hắn, song không nhớ rõ được trong đó viết những gì.
- Chắc hẳn anh ấy cũng nghĩ chẳng cần phải kể chuyện này với bác. Chỉ nói chuyện vài câu thôi mà! Anh ấy vẽ tranh, còn cháu ngồi đợi xe buýt, chỉ thế thôi.
- Trong này có viết về vợ tôi. Cả chuyện tại sao bà ấy lại chết nữa, rất chi tiết.
- Chính cháu đã nhờ anh ấy kể.
- Thế tại sao cô lại giấu tôi?
- Không tại sao cả.
- Chắc chắn cô có lý do gì đó không thể nói ra. Vì lý do ấy mà các người phải cho tôi ra rìa chứ gì?
- Cháu bác đã về rồi. Anh ấy không còn ở đây nữa. Bây giờ nói chuyện đó thì còn nghĩa lý gì?
- Đừng có lừa tôi!
Lần thứ mấy rồi nhỉ? Không biết đã là lần thứ mấy tôi nghe thấy giọng điệu này của ông ta kể từ lần đầu gặp nhau tại Hoa Diên Vỹ. Lần nào nó cũng làm tôi tê cứng, không thể cử động nổi.
Một cơn gió mạnh cuồn cuộn trên cao, đang tiến thẳng về phía đảo. Có tiếng gãy răng rắc, không biết là cây thông trên vách đá hay lan can ngoài hàng hiên.
- Chỉ cần nhìn chữ thằng bé đó là tôi nhận ra ngay. Vì tôi đã nói chuyện với nó hết bao nhiêu tờ giấy như thế này rồi. Những tờ giấy này cũng giống như lời nói. Hai người nói chuyện với nhau trong tâm trạng nào, trong hoàn cảnh nào tôi đều biết hết.
Mưa cuộn lại với những cơn gió lốc. Biển chìm trong màn đêm tăm tối. Dù tôi có căng mắt ra nhìn đi nữa cũng chẳng thấy bóng dáng thị trấn đâu. Những tờ giấy trên tay ông ta đã rơi xuống hết.
- Cháu đã phản bội bác. - Tôi nói nhẹ tới mức chính mình cũng thấy ngạc nhiên. Tôi nói thật, nhưng lại có cảm giác như mình đang nói dối vậy. Ông ta đứng im không động đậy, lắng nghe xem tôi nói gì.
Có tiếng còi. Nó kéo dài, không dứt.
- Hoãn tàu rồi. Cô không thể về được nữa.
*
* *
Suốt đêm ấy chúng tôi yêu nhau theo cách riêng của mình. Vì dù tôi có làm cách nào cũng không thể về Hoa Diên Vỹ được. Thuyền không, điện thoại không, cả một người bạn làm chỗ dựa cũng không nốt. Chỉ có hai chúng tôi bên nhau.
Không hiểu sao lúc ấy tôi không nhớ đến mẹ. Tôi cũng không nghĩ xem mình sẽ lấy cớ gì khi sáng mai trở về nhà. Tôi có cảm giác ngày mai sẽ không đến. Con bão này sẽ không ngưng, và chúng tôi sẽ vĩnh viễn ở trên đảo. Những tưởng tượng lãng mạn ấy càng khiến tôi thêm bẩn thỉu.
Dịch giả bắt tôi chịu phạt. Một hình phạt tuyệt vời mà không ai nghĩ tới. Ông ta lôi tôi vào phòng tắm và cắt tóc tôi.
Phòng tắm lạnh lẽo. Quạt thông gió đang quay. Căn phòng chật hẹp nhưng trần nhà lại khá cao, đến mức cảm giác như tất cả mọi âm thanh đều vang vọng trên đỉnh đầu vậy. Gạch lát nền sứt sẹo, mặt trong bồn tắm nham nhở những vết xước.
- Mi đã làm những gì?
Tay người đàn ông cầm một cái kéo giống hệt cái ông ta đã dùng để cắt vụn váy lót của tôi. Ông ta cũng khiến nó phát ra những âm thanh ghê rợn xé toạc không trung như lúc đó. Cứ mỗi khi những âm thanh ấy dội lại là màng nhĩ tôi lại rung lên.
Tôi biết cái kéo đó sắc như thế nào. Chỉ cần lưỡi kéo khẽ chạm vào viền váy là cái váy lót rách ra ngay. Nó không thể kháng cự lại. Ông ta không cần dùng sức mà vẫn có thể lột trần tôi ra một cách dễ dàng.
- Mi đã quyến rũ thằng cháu yêu của ta, mi biết mi đã làm gì không hả?
Người đàn ông nắm lấy búi tóc tôi. Những sợi tóc vẫn được búi gọn gàng của tôi trong nháy mắt đã tung ra, xòa xuống mặt.
- Để ta i biết. Ta sẽ làm thế này. Làm thế này đấy!
Một lần nữa người đàn ông túm tóc tôi lôi đi kéo lại. Da đầu tôi căng lên.
- Dừng lại! - Tôi hét lên. Chân tôi đập vào bồn rửa mặt, mạng sườn va vào bồn tắm. Da đầu tôi như sắp bị tróc ra khỏi hộp sọ.
- Cháu xin bác, bác dừng lại đi! Đau, đau lắm...
Lưỡi kéo sắc lạnh chạm vào đầu tôi. Tóc rơi thành từng mớ trước mắt tôi. Dầu trà đã bốc hơi hết khiến tóc tôi khô xác. Người đàn ông khua kéo hết lần này đến lần khác. Tóc tôi rơi rụng dần. Tới mức tôi nghĩ có khi chẳng còn sợi nào trên nữa, thế nhưng ông ta vẫn không dừng. Ông ta không tha thứ cho tôi.
- Cháu xin lỗi. Cháu sẽ không làm thế nữa. Cháu xin lỗi mà. - Tôi lặp đi lặp lại. Dịch giả không trả lời. Tôi chợt nhận ra rằng vì muốn bị ông ta trừng phạt nên tôi đã thú nhận chuyện với gã cháu. Không biết chừng việc tôi rủ hắn về Hoa Diên Vỹ cũng là vì thế.
Tóc bám hét vào môi, vào vú, vào lông mu của tôi. Tôi phủi mãi nhưng nó vẫn dính chặt. Tóc cũng dính cả vào đôi tay cùng bộ vest mà người đàn ông vẫn tự hào. Bên ngoài cửa sổ chỉ toàn một màu đen. Nước mưa chảy thành dòng trên mặt kính.
Cái kéo tuột khỏi tay người đàn ông, rơi xuống sàn. Ông ta khuỵu gối, thở hắt ra rồi ho húng hắng. Cả hai im lặng một hồi lâu. Tôi định sờ thử xem đầu mình thế nào, song không đủ dũng khí để làm chuyện đó. Hai tay tôi run lẩy bẩy.
Vòi hoa sen được vặn hết cỡ. Nước nóng chảy ra xối xả. Những sợi tóc cố bám vào khe gạch lát nền và giá để xà phòng như muốn trêu ngươi, nhưng rồi cũng trôi theo dòng nước. Tôi không thể tin nổi đấy là thứ vẫn mọc trên đầu mình từ trước tới giờ. Từng sợi từng sợi trông hệt như những con ký sinh trùng, dài, mảnh và đen. Chúng quấn vào nhau, quằn quại tìm đường thoát thân, cuối cùng tất cả đều bị nước cuốn trôi đi hết.
Dịch giả xối vòi hoa sen về phía tôi. Tôi lùi lại góc phòng và quay mặt đi song ông ta vẫn cầm vòi đuổi theo. Tôi không mở mắt, cũng không kêu lên được. Nước vào mũi, vào tai khiến tôi không thở nổi.
- Thế nào? Nóng hơn nữa nhé?
Dịch giả xoay cái núm điều chỉnh nhiệt độ. Những sợi tóc không trôi được ứ lại trên miệng cống thoát nước. Tất cả đều đã ngừng thở. Tôi cảm giác mình giống như con chuột bị chết đuối kia.
Đến khuya thì mất điện. Khi không còn ánh sáng tiếng gió nghe càng gần hơn. Mưa không có vẻ sẽ ngớt. Dịch giả thay bộ đồ bị ướt ra. Không biết lần này ông ta sẽ mặc bộ vest nào, thắt cái cà vạt nào nhỉ? Tối quá nên tôi nhìn không rõ. Tôi vẫn nguyên bộ dạng trần truồng. Bàn làm việc, bàn uống nước, bàn ăn, mỗi nơi ông ta cắm một cây nến. Đồ ăn ông ta dọn ra màu vàng cam, và nhão nhoét. Ông ta múc nó ra một cái đĩa phẳng và đặt trên nền nhà. Tôi bò bằng tứ chi, vươn cổ ra rồi lấy lưỡi liếm. Không dễ chút nào, thức ăn trào ra từ khóe miệng tôi, cổ tôi biến thành màu vàng cam. Dịch giả không nói lời nào, cũng không uống nước, mà chỉ ngồi đó chăm chú nhìn tôi.
Tôi thận trọng nhìn lên giá sách, cố gắng không để bị phát hiện. Tôi liếc nhìn bộ dạng của mình phản chiếu trong tắm kính. Trong ánh sáng màu trắng sữa, đầu tôi trông vừa thảm thương vừa buồn cười. Trông giống như con chim non chưa mọc đủ lánh. Tóc tôi bị cắt ngắn, bù xù. Những sợi tóc tua tủa về mọi hướng, đôi chỗ xoắn lại với nhau. Tôi chớp mắt, không tin đấy chính là mình. Tôi lấy lưỡi liếm môi.
- Ăn nhanh lên! - Ông ta nói.
Nến cháy bừng bừng. Mẹ tôi sẽ không còn có thể búi tóc tôi được nữa. Và bà cũng không thể xoa dầu trà lên đầu tôi. Vụn tóc còn sót lại rơi lả tả xuống đĩa. Những sợi tóc đen nhỏ bé vương vãi trên nền màu vàng cam. Tôi lấy lưỡi liếm chúng lên rồi nuốt.
Một đêm dài. Tôi có cảm giác mình đã đứng trên boong tàu và ngắm những đám mây của buổi hoàng hôn từ cách đây rất lâu rồi. Sau lần đó bình minh không đến nữa, mà một đêm mới lại bắt đầu. Biển, thị trấn, cả đồng hồ hoa, cả Hoa Diên Vỹ, tất cả những thứ của thế giới ngoài kia đã bị bão cuốn bay đi hét.
Tôi chìm đắm đầy thèm khát trong vô số những tổn thương và tủi nhục mà người đàn ông này gây ra cho tôi. Tất cả diễn ra dưới những ngọn nến. Chỉ có con chuột nổi lềnh bềnh trong thùng nước là đang nhìn chúng tôi.
*
* *
Trên chuyến tàu sớm nhất chỉ có hai chúng tôi. Bão đã lặng. Biển vẫn còn dậy sóng, nhưng mưa đã tạnh. Con vịnh yên tĩnh trở lại, ánh bình minh lóe lên giữa những tầng mây.
Tôi quấn cái khăn lên đầu. Là cái khăn quàng đã thít cổ bà vợ dịch giả. Khăn tay của ông ta cái nào cũng bé quá, còn quàng khăn tắm thì trông không đẹp. Ngoài nó ra chúng tôi không tìm được tấm vãi nào thích hợp để che đầu.
- Thôi, cứ để thế này cũng được! - Tôi đã nói vậy nhưng ông ta vẫn lấy cái khăn ra.
- Cái này...
Tôi đang phân vân lưỡng lự thì ông ta đã mở nó ra và quấn quanh đầu tôi. Ông ta khéo léo giấu chỗ đầu khăn bị rách ra sau cổ. Vết máu nhìn từ xa trông như những hoa văn trừu tượng vậy.
- Thực sự rất hợp với cô. - Ông ta nói.
Boong tàu ẩm ướt. Chúng tôi nắm tay nhau đi cho khỏi trượt, cổ tay tôi vẫn còn những vết xước. Dịch giả mua ca cao cho tôi từ quầy cà phê. Ca cao ngọt, hơi âm ấm. Vẫn là ông bác hút thuốc trên mũi tàu hôm qua bán hàng. Mắt ông ta sưng húp, dịch giả đưa tiền song ông ta vẫn cúi gằm mặt xuống, vẻ khó chịu.
- Cảm ơn. - Tôi vừa dứt lời ông ta liền liếc nhìn cái khăn quấn trên đầu tôi.
Biển đục ngầu. Mặt nước lềnh phềnh toàn rác rưởi trôi từ sông ra. Không thấy bóng dáng lũ chim đâu, chỉ có những đám mây đang lơ lửng trên bầu trời.
- Tay vịn bị ướt rồi.
Người đàn ông lấy khăn tay lau khô đi.
- Cháu nên nói thế nào với mẹ đây?
- Cô chỉ cần nói là đến đảo chơi và không thể về được. Sự thật là thế mà. Song đừng quên nói thêm là đã trọ nhờ ở nhà nghỉ dưỡng, thế thôi.
- Còn tóc thì sao?
- Cô chỉ cần khoác nguyên cái khăn này là được. Không cần lo lắng đâu. Quàng nó trông cô rất dễ thương mà, mẹ cô cũng sẽ thích à xem.
Tôi sờ lên đầu mình. Chỗ có vết máu trên cái khăn cho cảm giác hơi khác. Một con gió bất chợt thốc lên từ phía sau. Dịch giả vội quấn chặt khăn hơn nữa và giấu những chỗ tóc bị lộ ra vào bên trong.
Thị trấn dần hiện ra. Tôi nhìn thấy ngay gác chuông nhà thờ, tòa thị chính và cả tường thành. Bão lớn thế mà tường thành vẫn sừng sững nổi trên mặt biển. Tàu vừa chầm chậm quẹo sang trái vừa rú còi. Chúng tôi siết chặt tay nhau. Ông bác ở quầy cà phê đang rửa cốc ca cao tôi đã uống.
Thoáng chốc thị trấn đã lớn dần. Người ta bu lại thành một đám trên cầu tàu. Chắc là những khách du lịch đang bồn chồn đứng xếp hàng. Tàu quay đầu lại một phần tư vòng, đuôi tàu tiến gần đến chỗ cầu tàu. Lần này tiếng còi tàu rúc lên to vang hơn.
- Đến đây được rồi.
- Tôi sẽ tiễn cô đến chỗ đồng hồ hoa.
- Cháu phải chạy về thôi. Đến giờ khách trả phòng rồi.
- Tôi sẽ lại viết thư cho cô.
- Cháu sẽ đợi.
Dịch giả vuốt má tôi. Ông ta khẽ khàng khép những ngón tay lại như muốn níu giữ cảm giác ấy.
Tôi nghe thấy tiếng ồn ào. Xa xa có ai đó gọi tên tôi ba lần liền.
- Mari, Mari, Mari.
Rõ ràng tôi nghe thấy thế. Đám người tụ tập trên cầu tàu nhìn về phía chúng tôi. Không phải là khách du lịch đang chờ tàu. Trong đám có một anh bồi bàn khoác tạp dề, một lái xe taxi, một phụ nữ trung niên trong bộ dạng ngái ngủ.
Họ nhìn nhau, xì xào nói chuyện. Xe cảnh sát cùng xe cứu thương đậu trước cửaờ. Tôi nhìn thấy cậu thiếu niên chơi phong cầm phía sau đám đông. Cậu ta vẫn đeo chiếc đàn trước ngực như mọi khi, nhưng không chơi nữa.
- Mari, phía này! Mari!
Là mẹ. Mẹ tôi đang gào thét. Tại sao mẹ lại phải gọi tên tôi nhiều như thế? Tôi băn khoăn không hiểu.
Có tiếng “rầm” vang lên, động cơ dừng lại. Hai người đàn ông lạ mặt lao lên boong tàu. Họ hét lên gì đó với chúng tôi. Họ hét rất to, nhưng tôi không nghe được lời nào. Hai người họ thay nhau hét. Tai tôi ù đi. Tôi không nghe thấy gì cả. Cứ như màng nhĩ của tôi đã biến đi đâu mất.
Dịch giả buông tay tôi ra rồi chạy. Ông ta chạy trốn. Một người trong họ đuổi theo, người còn lại ôm choàng lấy tôi. Anh ta hỏi chuyện tôi liên tục, nhưng tôi không nghe thấy gì.
Dịch giả sẩy chân, vấp phải cái gạt tàn thuốc lá, bị ông bác bán cà phê chồm lên từ phía sau giữ lại. Nhưng ông ta thoát ra được và tiếp tục chạy về phía mũi tàu. Tất cả diễn ra trong im lặng.
Lúc sắp sửa bị tóm đến nơi, dịch giả nhảy ào xuống biển. Ông ta để chân lên chỗ tay vịn, rồi cong người lao xuống. Không nói với tôi một lời tạm biệt, cũng không mỉm cười với tôi. Một cột nước bắn lên. Vào khoảnh khắc ấy màng nhĩ của tôi lại trở về như trước.
- Cô không bị thương chứ? - Người đàn ông trẻ tuổi ghé sát mặt tôi, hỏi tôi bằng một giọng dịu dàng.
- Hắn chạy mất rồi. Cho ca nô ra đi.
Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng chân vọng lại.
- Tôi sẽ ném phao!
- Áo phao đâu?
- Ta sẽ đợi tới khi hắn nổi lên. Không cần phải vội.
Rất nhiều giọng nói lẫn vào nhau.
- Cái này...
Người đàn ông trẻ tuổi lấy tay sờ vào cái khăn. Tôi gạt tay anh ta ra và ngồi thụp xuống.
- Mari, con có sợ lắm không? Không sao rồi. Đừng lo nữa. Mẹ sợ chết khiếp khi nghĩ rằng con bị bắt cóc. Ôi, con bị hành hạ đến thế này sao. Con có đau chỗ nào không? Thằng khốn đó là thằng nào? Nhưng thôi con thoát nạn là tốt rồi. Thật may quá. Chỉ cần con thoát nạn là được rồi. Anh hình sự, cảm ơn anh. Có thể giúp tôi đem con bé đến bệnh viện không? Giúp tôi đưa con bé lên xe cứu thương giùm nhé?
Mẹ tôi cứ nói mãi. Bà nói mãi không ngừng, và giọng bà cứ quấn lấy tôi. Song những gì vọng lại trong tai tôi chỉ là âm thanh lúc dịch giả nhảy xuống biến.
*
* *
Ba ngày sau xác dịch giả nổi lên. Đội thợ lặn của cảnh sát đã phát hiện ra cái xác. Người ông ta trương lên toàn thứ nước hôi thối, ông ta ở trần, quần áo mặc trên người đã rách hết. Đầu ông ta trương phình ra gấp đôi, khuôn mặt bị biến dạng khá nhiều.
Dịch giả trước đây đã từng có tiền sự. Bốn năm rưỡi trước vì vấn đề gì đó liên quan đến hàng hóa, ông ta đã đánh một chủ tiệm đồng hồ. Ông ta đã dùng cái đồng hồ để bàn trên quầy đánh vào đầu người chủ tiệm, phải mất ba tuần vết thương mới lành. Thế nên từ dấu vân tay người ta đã dễ dàng chứng thực được nhân thân của dịch giả.
Tôi chỉ phải nằm viện một đêm. Bác sĩ khám xét mọi nơi trên cơ thể tôi, rồi ghi hết vào sổ y bạ không bỏ qua bất cứ một vết trầy xước hay bầm tím nào. Cho tới lúc đó, không ai nhận ra trên đầu tôi có vô số những vết cắt nhỏ, chắc là do lưỡi kéo gây nên. Tôi cảm thấy đau rát mỗi khi cọ đầu vào gối.
Cuộc thẩm vấn được tiến hành một cách thận trọng. Đảm nhận thẩm vấn là một nữ cảnh sát hình sự. Thỉnh thoảng họ còn mời cả bác sĩ tâm lý hay luật sư cố vấn đến nữa. Nhưng tôi một mực trả lời không nhớ. Thế là họ hiểu lầm đấy là do tôi bị sốc. Kẻ tình nghi đã chết, dù sự thật có được làm sáng tỏ đi nữa thì người bị hại cũng chẳng được ích lợi gì. Chỉ càng khiến cô bé phải chịu thêm những thương tổn về tinh thần mà thôi. Họ kết luận như thế.
Cái đêm dông bão ấy, Hoa Diên Vỹ náo loạn cả lên vì không thấy tôi về. Mẹ tôi gọi cho cảnh sát nhờ tìm kiếm. Lúc đầu họ nghĩ tôi đã bị sóng lớn nuốt chửng, hay bị lũ quét cuốn đi rồi. Đến sáng, ông bác bán cà phê báo tin có nhìn thấy tôi trên du thuyền cùng một gã đàn ông khả nghi. Tôi nghe bà giúp việc kể lại diễn biến sự việc. Bà ta tỏ ra thương cảm cho tôi, thế nhưng khi nói chuyện bà ta cũng không nén nổi tò mò.
Song với tôi thì thế nào cũng được. Dịch giả đã chết rồi. Sự thực chỉ có vậy.
Phải mất hơn mười tháng tóc tôi mới dài lại như cũ. Tôi không ngồi ở quầy lễ tân một lần nào nữa. Tôi chỉ làm những việc không phải đụng mặt khách. Dù tóc tôi đã trở lại như cũ, nhưng mẹ cũng không búi tóc cho tôi nữa. Dầu trà đã bay hơi, cái bình đựng giờ trống rỗng.
- Bản dịch cuốn tiểu thuyết có nhân vật chính là Marie. Xin hãy tìm nó.
Đó là nguyện vọng duy nhất tôi nhờ cảnh sát. Họ đã tìm khắp nơi nhưng không thấy. Thứ họ tìm được chỉ là vô số những cuốn phim chụp hình tôi.
Xác dịch giả không có người nhận được hỏa táng và chôn ở nghĩa trang thị trấn. Tới phút cuối cũng không thấy mặt gã cháu đâu.