Quỷ Cái Vận Đồ Prada (The Devil Wears Prada)

“Andrea, Emily đây,” tôi nghe một giọng rền rĩ trong điện thoại. “Chị có nghe rõ không?” Lần cuối Emily gọi tôi ở nhà vào tối muộn như thế này cách đây vài tháng. Chắc phải có chuyện hệ trọng.

“Nghe rõ. Giọng chị nghe sợ quá,” tôi nói và ngồi bật dậy khỏi gối, nghĩ ngay là hẳn Miranda đã làm gì đó để giọng cô ấy nghe thảm thiết đến như vậy. Lần trước, Miranda gọi điện cho Emily lúc mười một giờ đêm thứ Bảy và đòi cô thuê một chiếc phi cơ tư nhân cho bà và ông Tomlinson bay về từ Miami, vì chuyến bay về New York bị cắt bởi thời tiết xấu. Đúng lúc Emily vừa định đến tiệc sinh nhật của mình; ngày hôm sau tôi mới nghe được lời cầu cứu của cô trong hộp thoại. Tội gọi lại cho Emily lúc cô vẫn đầm đìa nước mắt.

“Tôi đã mất buổi sinh nhật của mình rồi, Andrea,” cô nức nở lên khi vừa bắt điện thoại. “Mất liên hoan sinh nhật, chỉ bởi phải đặt chuyến bay cho sếp!”

“Thế tại sao bà ấy không ngủ lại một đêm ở khách sạn nào đó và sáng hôm sau bay tiếp như những người bình thường khác?” Tôi hỏi một câu biết trước vô lý.

“Chị tưởng là tôi không biết thế à? Bảy phút dau khi bà ấy gọi, tôi đã đặt ngay một penhouse cho họ ở Shore Club, ở Albion và ở Delano, vì tôi nghĩ là bà ấy không quan trọng hóa vấn đề. Lạy Chúa, đêm thứ Bảy! Có mà điên khi tìm máy bay tư nhân vào đêm thứ Bảy”

“Tôi đoán là bà không khoái ý tưởng đó lắm?” Tôi nhẹ nhàng nói, vừa áy náy vì đã không có mặt để giú Emily, đồng thời cũng sướng rơn lên vì không bị hứng quả tạ này.

“Hoàn toàn không! Bà ấy gọi mười phút một lần và muốn biết tại sao tôi chưa tìm thấy gì, buộc tôi phải chuyển các cuộc gọi khác sang chế độ chờ, và nói chuyện xong với Miranda thì họ đã cúp máy rồi.” Cô thở dài sườn sượt. “Đúng là ác mộng.”

“Và kết cục ra sao?” Tôi hầu như không dám hỏi tiếp.

“Ra sao à! Chẳng ra sao cả thì đúng hơn. Tôi gọi tất cả các công ty bay tư nhân của bang Florida, chị có thể tưởng tượng ra là nửa đêm thứ Bảy làm gì có ai bắt máy. Tôi đàm phán qua điện đài với các phi công làm ngoài, nói chuyện với cá tuyến hàng không trong nước xem còn khả năng nào nữa không, thậm chí còn túm được một đại gia của Sân bay quốc tế Miami. Tôi kể là cần ngay trong nửa tiếng nữa một phi cơ cho hai người về New York. Chị biết ông ấy nói gì không ?”

“Gì cơ?”

“Ông ấy cười. Như lên cơn thần kinh. Xếp tôi vào dạng chim mồi cho bọn khủng bố, buôn bán ma tuý hay đại loại như thế. Nói là giờ này mà kiếm được một phi cơ và người lái thì còn khó hơn là khả năng bị sét đánh trúng đầu hai mươi lần liền, bất kể tôi sẵn sàng trả bao nhiêu tiền. Và nếu tôi còn hỏi lần nữa thì ông ta sẽ chuyển cuộc gọi trực tiếp cho FBI. Chị có tin được không?” Đến đây giọng cô rít lên. “Thắng chó chết, chị có tin được không? FBI!”

“Tôi đoán là Miranda không vừa lòng lắm?”

“ Đúng thế, và còn hơn thế. Sếp mất đến hai mươi phút để tin được rằng không có chiếc máy bay duy nhất nào sẵn sàng phục vụ cả. Tôi phải thề sống thề chết là không phải hết chỗ, mà đơn giản là giờ này không thể kiếm nổi máy bay tư nhân”

“Rồi sao nữa?” Tôi biết là chuyện không kết thúc có hậu.

“Khoảng một rưỡi sáng thì rốt cuộc bà ấy cũng chấp nhận là đêm nay không về nhà được nữa, mặc dù không phải vì thế mà sinh ra chuyện gì – hai đứa bé đang ở chỗ bố, cô trông trẻ sẵn sàng làm cả ngày Chủ nhật nếu cần – và tôi phải kiếm cho bà vé bay chuyến sáng sớm.”

Khó hiểu thật. Nếu chuyến bay của bà bị hủy thì bên hàng không đằng nào cũng xếp bà vào chuyến đầu tiên của hôm sau, nhất là khi bà có thẻ ưu tiên kiêm khách hàng thường xuyên kiêm vàng kiêm bạch kim kiêm kim cương kiêm VIP và một đống tiền cho vé hạng nhất. Đúng không nào ?

“Tất nhiên, Continental đã đặt cho bà chuyến 6 giờ 50. Nhưng khi Miranda nghe đâu ra là có chuyến Delta lúc 6 giờ 35”

“…. 6 giờ 35 thì bà làm ầm lên, gọi tôi là đồ ngu xuẩn vô dụng, làm trợ lý mà một việc đơn giản như đặt chuyến bay tư nhân cũng không xong.” Cô sụt sùi và uống một ngụm gì đó, có lẽ cà phê.

“Trời đất ơi, tôi biết chị định nói gì. Đừng nói nữa…”

“Cứ nói.”

“Không. Chị không đùa chứ? Vì mưới lăm phút?”

“Đúng! Tôi có được phép lựa chọn đâu? Sếp rất cáu tôi, làm như tôi đã gây ra chuyến ấy. Chỉ thêm vài nghìn dollar là chuyên vặt. Bà còn có vẻ hài lòng khi chúng tôi nói chuyện xong. Chà, biết nói gì đây?”

Đến đây thì hai chúng tôi cùng phải bật cười. Không cần cô kể tiếp tôi cũng biết – và Emily hiểu là tôi biết: cô đã mua hẳn hai vé hạng thương gia của Delta chỉ để cho Miranda ngậm mồm lại và sau vụ rắc rối thảm hại này rốt cuộc cũng được mãn nguyện.

Tôi cười đứt ruột. “Gượm nào, chị còn bố trí xe chở sếp đi Delano nữa chứ…”

“…lúc ấy đã gần ba giờ sáng. Chính xác là từ mười một giờ đêm trở đi bà ấy đã gọi tôi vào di động hai mươi hai lần. Lái xe đợi ở trước penhouse trong lúc hai người tắm và thay quần áo, rồi khẩn trương đưa trở về sân bay để họ kịp đi chuyến sớm hơn.”

“Thôi, chị đừng kể nữa,” tôi rú lên giữa hai trận cười tắc thở về diễn biến câu chuyện. “Đúng là chuyện bịa.”

Emily cố giữ vẻ nghiêm nghị. “Thật hả? Chị nghĩ là hết rồi hay sao, còn đoạn cao trào nữa.”

“Ôi, kể đi, kể đi!” Cuối cùng thì cũng có thời điểm mà tôi và Emily cùng tìm ra niềm vui. Cảm giác cùng hội cùng thuyền, một đôi bạn đồng tâm chống lại bạo chúa. Tôi cảm nhận rõ ràng là năm làm việc này sẽ trôi qua khác hẳn nếu Emily và tôi là bạn bè thực sự, che chở và bảo vệ cho nhau, tin cậy lẫn nhau để cùng kháng cự lại Miranda. Được như thế thì nhiều chuyện đâu đến nỗi nặng nề, nhưng, ngoài những ngoại lệ hiếm hoi như lần này thì chúng tôi thường xuyên bất đồng ý kiến.

“Cao trào của vụ này là…” cô kéo dài niềm vui chung thêm một lát, “sếp không biết được rằng theo lịch trình thì chuyến bay của Delta cất cánh sớm hơn, nhưng lại đến muộn hơn tám phút so với Continental mà bà đã có chỗ.”

“Thôi nào!” Tôi không còn sức để cười thêm về kết cục bất ngờ này nữa. “Đúng là chuyện tiếu lâm.”

Khi chúng tôi bỏ máy, tôi ngạc nhiên nhận ra chúng tôi đã tán chuyện hơn một tiếng, như giữa hai người bạn thân. Tất nhiên là sáng thứ Hai chúng tôi lại cụp mắt xuống, song từ hôm đó trở đi tôi lờ mờ có thêm một chút cảm tình với Emily. Cho đến lúc này, tất nhiên. Mối thiện cảm ấy chưa đủ để tôi sung sướng đón nhận mọi điều khó chịu mà cô chực dồn xuống đầu tôi.

“Giọng chị nghe sợ quá. Chị ốm à?” Tôi cố gắng nói cho có vẻ pha chút cảm thông, nhưng giọng tôi vẫn cứng và trách móc.

“Đúng vậy,” cô nghèn nghẹn thốt ra trước khi ho rũ rượi. “Ốm lắm.”

Tôi chưa bao giờ thực sự tin khi ai đó kêu ốm lắm: chừng nào chưa chuẩn đoán ra một căn bệnh đích xác và không chừng nguy hiểm đến tính mạng thì người ta vẫn đủ khỏe mạnh để làm việc ở Runaway. Do vậy mà khi Emily ho xong và nhắc lại là cô có trọng bệnh thì tôi cũng không nghi ngờ một giây là sáng thứ Hai cô sẽ lại đi làm. Nhất là khi đã có kế hoạch bay sang Paris hôm 18 tháng Mười với Miranda, chỉ còn hơn một tuần nữa thôi. Ngoài ra, bản thân tôi trong ngót một năm làm việc ở đây cũng phải nhắm mắt lờ đi vài lần đau cổ, viêm phế quản, một cú ngộ độc thực phẩm kinh hoàng cũng như ho mãn tính của dân hút thuốc để dừng nghỉ ốm lấy một hôm.

Lần duy nhất cần gấp kháng sinh chống viêm họng, tôi phải lên xin bác sĩ (tôi chui vào phòng mạch và đòi được khám ngay, trong khi Miranda và Emily tưởng là tôi đi tìm xe mới cho ông Tomlinson), chứ lấy đâu ra thì giờ cho những biện pháp phòng bệnh. Mặc dù tôi có cả chục buổi nhuộm tóc highlight ở chỗ Marshall, vài lần tẩm phất miễn phí mà tiệm spa hân hạnh được phục vụ trợ lý riêng của Miranda cũng như vô số vụ đi chăm sóc móng chân, móng tay và da mặt, song cả năm trời tôi chưa thấy mặt bác sĩ răng và phụ khoa.

“Tôi có thể làm được gì không?” Tôi hỏi, làm ra vẻ hờ hững trong khi nát óc suy nghĩ tại sao cô ấy gọi mình và kể chuyện ốm đau. Xét riêng hai chúng tôi, chuyện ấy chẳng có tí tị nghĩa lý gì. Emily sẽ có mặt sớm thứ Hai ở văn phòng, bất kể ốm hay khỏe.

Cô ho khùng khục, tôi nghe như có tiếng đờm trong phổi. “Hừmg, ờ, có thể đấy. Trời ơi, không ngờ lại xảy ra với tôi!”

“Cái gì? Cái gì xảy ra?”

“Tôi không qua Châu u với Miranda được. Tôi bị viêm tuyến bạch cầu. ”

“Gì cơ?”

“Chị nghe rồi đấy, tôi không đi được. Hôm nay bác sĩ vừa gọi điện báo cho tôi kết quả thử máu, kể từ nay tôi không được ra khỏi nhà, trong ba tuần tới.”

Ba tuần! Cô ta định đùa chắc. Bây giờ không phải lúc để thương hại cô – cô vừa nói là cô không đi Châu u, và chính ý nghĩ Emily và Miranda biến khỏi cuộc đời tôi đã giúp tôi trụ được mấy tháng vừa qua.

“Emily, bà ấy sẽ giết chị - chị phải đi. Bà ấy biết chuyện chưa?”

Im lặng bên kia đầu dây, điềm gở rồi. “À, biết rồi.”

“Chị đã gọi điện báo?”

“Vâng, tôi bảo bác sĩ gọi, vì bà ấy cho rằng chứng viêm tuyến bạch cầu không có gì ghê gớm. Bác sĩ đã giải thích cho bà là tôi có thể làm bà và mọi người lây bệnh, với lại…” Cô ngừng lời, nhưng giọng cô báo hiệu có chuyện không lành.

“Với lại gì?” Bản năng tự bảo toàn của tôi vụt tỉnh.

“Với lại…bà ấy muốn chị đi theo”

“Bà ấy muốn tôi đi theo à? Nghe được đấy. Bà ấy có thể thật à? Bà ấy không định sa thải chị vì bị ốm chứ?”

“Andrea, tôi…” – một trận ho ra đờm cắt tiếng cô, trong một thoáng tôi nghĩ là cô sx chết luôn bên điện thoại – “…nói nghiêm túc đấy. Hoàn toàn và tuyệt đối nghiêm túc. Bà ấy nói gì đó về những trợ lý do họ cắt đặt bên đó toàn là đồ ngốc và bà ấy thà làm việc với chị còn hơn.”

“Ồ, được đấy, nếu đúng như chị nói thì tôi nhận lời ngay! Không có gì công hiệu hơn một câu tâng bốc khi sai tôi làm việc gì. Thật đấy, bà ấy không việc gì phải nói ngọt như thế, làm tôi đỏ cả mặt!” Tôi không rõ nên quan tâm chuyện gì hơn – Miranda muốn tôi cùng đi Paris, hay bà muốn tôi đi cùng chỉ vì nghĩ rằng tôi đỡ ngu hơn một tẹo so với lũ nhân bản vô tính còm nhom…của tôi bên Pháp.

“Im mồm đi,” cô hét lên giữa hai cơn ho đang dần làm tôi ngứa tai. “Chị là người may mắn nhất thế giới đấy, đồ quỷ ạ. Tôi đã đợi chuyến di này hai năm, hơn hai năm rồi, và bây giờ không đi được. Một sự trớ trêu đau đớn, chị không hiểu ra điều đó sao?”

“Tất nhiên tôi hiểu! Sao lại sến thế không biết: chị thì muốn đi bằng được, còn tôi thà chết còn hơn, giờ thì người đi là tôi chứ không phải chị. Đời cũng vui thật nhỉ. Tôi cười đứt ruột mất,” tôi khô khốc, không thay đổi nét mặt.

“Hiểu rồi. Tôi cũng thấy ngán chuyện này, nhưng biết làm sao bây giờ? Tôi đã gọi Jeffy để chuẩn bị đặt quần áo cho chị là vừa. Chị sẽ cần hàng núi quần áo, cú mỗi show thời trang, mỗi bữa ăn lại cần đồ mới, và tất nhiên, cho bữa tiệc của Miranda ở khách sạn Costes. Allison lo chuyện make-up cho chị. Về túi, giày và đồ trang sức thì nói với Stef. Chị còn một tuần nữa thôi, nghĩa là sáng mai phải bắt đầu ngay, okay?”

“Tôi vẫn chưa tin là bà ấy trông chờ tôi làm việc này.”

“Cứ tin đi thì hơn. Miranda không thích đùa đâu. Cả tuần này tôi sẽ không có mặt ở văn phòng, có nghĩa là chị…”

“Gì cơ? Chị không đến cả văn phòng nữa à?” Chừng nào Miranda ở đây thì tôi và Emily không được nghỉ ốm lấy một ngày hay rời văn phòng một giờ. Hồi cụ cố của Emily qua đời, cô đã bay về Philadelphia dự đưa đám rồi quay về mà không lỡ mất một phút làm việc. Mọi thứ ở đây hoạt động như thế đấy. Chấm hết. Trừ trường hợp đám ma (của người thân nhất trong gia đinh), cụt chân cụt tay (chính mình), hay chiến tranh hạt nhân (chỉ khi chính phủ Hoa Kỳ công nhân Manhattan bị ảnh hưởng trực tiếp), còn lại thì ai cũng phải có mặt. Vậy là sắp có một bước ngoặt lớn trong chính thể Priestly.

“Andrea, tôi bị viêm tuyến bạch cầu, rất dễ lây. Chuyện nghiêm trọng đấy. Thậm chí không được rời khỏi nhà đi uống một cốc cà phê, nói gì đến đi làm cả ngày. Miranda đã chấp nhận, vậy thì chị phải gánh hết mọi chuyện. Chuẩn bị cho chuyến đi Paris của hai người sẽ là một núi việc. Thứ Tư Miranda đi Milan, thứ Ba tuần sau chị sẽ gặp bà ấy ở Paris.”

“Bà ấy chấp nhận? Quên đi! Chị kể lại xem bà ấy thực sự nói gì.” Tôi không muốn tin Miranda chấp nhận một chuỵen vặt như chứng viêm tuyến bạch cầu là khả dĩ để có thể xin phép vắng mặt. “Cho tôi niềm tin nhỏ nhoi ấy đi, chẳng gì thì mấy tuần tới của tôi sẽ là địa ngục trần gian.”

Emily thở dài, và tôi có thể cảm nhận qua điện thoại là cô nhướng mắt lên. “Hừm, bà ấy không nhẩy cẫng lên reo mừng. Tôi không nói trực tiếp với bà, nhưng ông bác sĩ kể là bà hỏi đi hỏi lại mấy lần, viêm tuyến bạch cầu có phải là bệnh thực sự không. Nhưng khi nghe ông xác nhận thì phản ứng của bà là tỏ ra rất thông cảm.”

Tôi cười váng lên. “Tôi tin bà ấy thông cảm, Emily, tôi tin bà ấy thông cảm mà. Thôi đừng lo lắng nữa, okay? Chị cố gắng chóng khỏe, tôi sẽ lo mọi việc ở đây.”

“Tôi gửi email danh mục các việc cần làm, để chị không bị quên gì.”

“Quên sao được. Năm ngoái bà ấy đi Paris bốn lần, tôi biết phải làm gì rồi. Tôi sẽ lấy tiền mặt ở nhà băng tầng trệt, đổi vài nghìn sang Euro, mua thêm vài nghìn dollar séc du lịch, khẳng định ba lần cho chắc các lịch hẹn thợ làm đầu và trang điểm trong thời gian Miranda ở đó. Gì nữa nhỉ? Ồ, phải dặn Ritz lần này đưa cho bà một cái di động đúng loại, và nói chuyện với các lái xe ngay từ đầu để họ biết là không được bắt bà đợi. Tôi đã nghĩ xem ai cần bán lịch trình của bà ấy – tôi sẽ đánh máy ra, không vấn đề - và lo cả chuyện phân phát khắp nơi. Tất nhiên ngày nào bà cũng nhận được báo cáo cụ thể hai dứa song sinh đến trường, học hành, tập tành và gặp gỡ ra sao, cũng như chương trình làm việc của mọi nhân viên. Thấy chưa! Chị không phải lo. Tôi đã nắm vững tất cả.”

“Nhớ đừng quên vải the,” cô nói như robot. “Cả khăn quàng nữa!”

“Tất nhiên rồi! Đã trong danh sách rồi.” Trước khi Miranda gói đồ - đúng hơn là sai cô quản gia gói – Emily hoặc tôi đi mua súc vải nhung the to tướng ở kho nhà máy và đem đến nhà Miranda. Ở đó, chúng tôi cùng cô quản gia cắt thành những miếng đúng kích cỡ để gói những đồ bà định đem theo vào thứ vật liệu quý giá này. Những gói ấy được cẩn thận cho vào hàng tá va li Louis Vuitton cùng nhiều đồ bổ sung, vì khi mở vali ở Paris bà quăng luôn gói đầu tiên vào góc. Ngoài ra, thường là một nửa va li chỉ để cất mấy tá hộp màu da cam đựng khăn quàng Hermès, trong mỗi hộp là một chiếc khăn trắng nằm đợi đến lúc bị đánh mất, bỏ quên, để vương vãi hay đơn giản là bị quẳng đi.

Sau khi cố gắng tỏ sự đồng cảm chân thành với Emily, tôi đặt máy và thấy Lily nằm duỗi trên sofa. Cô hút thuốc và nhâm nhi từ ly cocktail một thứ chất lỏng trong suốt, rõ ràng không phải nước.

“Tớ nghĩ là mình không hút trong phòng,” tôi nói, thả người xuống cạnh cô và gác chân lên chiếc bàn gỗ con sứt sẹp mà bố mẹ tôi để lại cho. “Tớ không bận tâm, nhưng đó là quy định của cậu,” Lily không phải là người đốt thuốc có nghề như tôi; thường thì cô chỉ hút khi uống và cũng không tự mua thuốc. Một bao Camel Special Lights mới tinh thò ra ở túi ngực áo sơ mi ngoại cỡ. Tôi lấy chân đi giàu trong nhà hích vào đùi cô và hất cằm về phía bao thuốc. Cô đưa tôi thuốc cùng bật lửa.

“Tớ biết cậu không bận tâm,” cô nói và khoái trá rít một hơi. “Tớ đang tắc tị, hút thuốc sẽ tập trung tốt hơn.”

“Cậu đang làm gì?” Tôi hỏi, châm thuốc và ném trả lại bật lửa. Học kỳ này cô nhận mười bảy học trình để cải thiện bảng điểm dặt dẹo của học kỳ trước. Tôi ngắm cô làm một mồm khói nữa rồi chiêu cho trôi xuống bằng một ngụm lớn thứ chất lỏng không-phải-nước. Tôi không nghĩ là cô tỉnh táo.

Cô thở dài nặng nề và đầy ý nghĩa, để điều thuốc dính hờ hững trên khóe miệng khi nói. Nó chuyển động lên xuống và chực rơi khỏi miệng bất cứ lúc nào, và cùng với mái tóc bù xù chưa gội và phần mắt nhoe nhoét khiến cô – trong khoảnh khắc này – trông như một bí cáo trong phim tòa án Judge Judt (hay nguyên đơn cũng thế, hai bên trông chẳng khác nhau – răng sún, tóc bết, mắt lờ đờ, và ưa dùng phủ định từ kép). “Bài viết cho một tạp chí đặc hàn lâm bất kỳ nào đó mà sẽ không ma nào đọc, nhưng tớ vẫn phải biết để cho có đủ bài đăng báo.”

“Bực nhỉ. Bao giờ phải nộp?”

“Mai.” Hoàn toàn lạnh nhạt. Không có vẻ gì bận tâm.

“Mai? Thật chứ?”

Cô bắn tia nhìn cảnh cáo, nhanh chóng nhắc tôi đừng quên là mình cùng phe với cô. “Ừ, mai. Đúng là vớ vẩn, vì đồ đệ nhỏ của Freud được giao biên tập. Không ai cần biết là anh chàng đang viết luận án tiến sĩ tâm lý chứ không phải văn học Nga – họ có quá ít biên tập viên, và thế là anh ấy đọc bài của tớ. Làm sao mà nộp kịp cho anh ấy được đây, đồ chết tiệt.”

Lại một ngụm chất lỏng nữa trôi vào họng, trong khi Lily cố không để nó chạm vài thần kinh vị giác. Cô nhăn mặt.

“Lily, chuyện ra sao rồi? Đã đành là cũng mấy tháng rồi, nhưng lần cuối cậu nói là các cậu sẽ làm từ từ, và anh ấy là người hoàn hảo. Tất nhiên là trước bận cậu lôi của nợ ấy về nhà, nhưng…”

Lại một tia nhìn cảnh cáo nữa, lần này là đi kèm ánh mắt giận dữ. Tôi đã hàng chục lần định nói chuyện với cô về vụ lôi thôi với gã nghiện đợt trước, nhưng dạo này chúng tôi hầu như không có dịp và không ai có thời gian cho một lần tâm sự tay đôi. Cứ lúc nào tôi đả động đến đề tài này là cô lại đánh trống lảnh ngay. Tôi hiểu là cô rất ngượng, cô công nhận gã đó là một thằng cha kinh tởm, nhưng về chuyện rượi chè quà trớn là nguyên nhân gây ra cú bê bối hồi đó thì cô nhất quyết không chịu hé môi.

“Ừ, có lẽ đêm hôm đó tớ đã gọi điện cho anh ấy từ Au Bar và nài anh ấy về nhà cùng,” cô nói, tránh nhìn mắt tôi mà tập trung bấm điều khiển từ xa để chọn bài trên đĩa CD nhạc của Jeff Buckley ảm đảm mà tôi có cảm giác là luôn được bật đi bật lại trong phòng.

“Thế à? Anh ấy đã tới và thấy cậu đang chuyện trò với… với một người khác?”

Tôi cố dịu giọng phê phán để không đẩy cô xa cách thêm. Rõ ràng là trong đầu cô đang trăm mối tơ vò – vấn đề ở trường, rượu, nguồn đàn ông hầu như vô tận – và toi chỉ mong cô mở lòng mình với một ai đó. Cho đến giờ cô không giấu tôi điều gì, cũng có thể thế chỉ vì tôi là người tin cậy duy nhất, nhưng dạo này cô kín tiếng hẳn đi. Chuyện xảy ra đã bốn tháng rồi mà hôm nay chúng tôi mới đem ra nói, kể cũng lạ.

“Không, không hẳn thế,” cô cay đắng thốt ra. “Anh ấy đi từ Morningside Heights đến Au Bar, nhưng tớ không còn ở đó nữa. Hình như anh ấy gọi và di động của tớ và Kenny đã trả lời không được nhã nhặn cho lắm.”

“Kenny?”

“Của nợ mà tớ lôi về nhà hồi đầu hè ấy, cậu nhớ ra chưa?” Giọng cô chua chát, nhưng lần này cô mỉm cười.

“À ra thế. Tớ đoán là đồ đệ nhỏ của Freud không phấn khởi lắm. ”

“Dĩ nhiên. Biết làm sao. Chóng được thì chóng mất, đúng không?” Cô vụt dậy chạy vào bếp, rót từ chai “Ketel One” đã cạn nửa, pha thêm chút soda rồi quay về sofa.

Tôi toan khéo léo chọn lời hỏi vì sao cô lại nốc vodka khi còn phải biết bài báo để mai kịp nộp thì có tiếng chuông bấm từ phòng thường trực.

“Ai đấy?” Tôi nhấn nút hỏi John.

“Mr. Fineman muốn gắp Mr. Sachs,” ông nói rất trang trọng khi người khác có mặt.

“Thật à? Ôi, hay quá. Cho anh ấy lên đi ạ.”

Lily nhướng mày nhìn tôi. Lại một lần nữa chúng tôi không nói được hết chuyện. “Bình tĩnh lại đi,” cô nói đầy vẻ mỉa mai. “Trông nàng không được xúc động cho lắm khi chàng bất ngờ đến thăm nhỉ?”

“Có chứ, có chứ,” tôi chống đỡ. Cả hai đều biết là tôi nói dối. Từ mấy tuần nay quan hệ với Alex trở nên căng thẳng. Thực sự căng thẳng. Chúng tôi đã trải qua mọi mức độ tình cảm của gắn bó lứa đôi, và sau gần bốn năm thì người này biết rõ người kia muốn nghe gì và nên làm gì. Song giờ làm việc khắc nghiệt của tôi khiến anh tìm cách cân bằng qua hàng đống việc tự nguyện ở trường: trông coi học sinh, dạy thêm, tư vấn và phụ trách đủ các hoạt động diễn ra trong trường – thời gian mà chúng tôi rảnh rỗi nhìn mặt nhau lúc này chứa chan hồi hộp theo cái cách của một đôi vợ chồng già đã cưới nhau được ba chục năm. Chúng tôi thầm hiểu là phải đợi cho hết năm làm việc này của tôi, nhưng sau đó mối quan hệ sẽ ra sao thì tôi không dám nghĩ đến nữa.

Giờ thì là lúc hai người gần gũi nên tôi đã nói ra miệng đề tài này. Thoạt tiên là Jill (hôm qua chị đã làm ầm lên trong điện thoại), bây giờ đến lượt Lily, người chỉ ra rằng Alex và tôi không phải cặp uyên ương trong mộng nữa, và tôi phải công nhận là dù đang trong trạng thái phê phê nhưng Lily hoàn toàn đủ nhạy cảm để nhận ra rằng tôi không hẳn vui sướng khi Alex đến. Tôi lo lắng kho phải cho anh biết là tôi sắp đi Châu u, lo lắng không tránh nổi cuộc xung đột sau đó mà tôi chần chừ muốn hoãn lại vài hôm. Lý tưởng nhất là khi tôi đã sang Châu u rồi. Nhưng may mắn không mỉm cười với tôi, anh đã gõ cửa rồi.

“Chào anh!” tôi mở toang cửa và chào vẻ hơi quá phấn khích, rồi vòng tay ôm cổ anh. “Bất ngờ quá!”

“Em không ngờ là anh ghé qua hả? Anh và Max đi uống ngay gần đây và anh định lên chào một câu.”

“Tất nhiên em không ngờ, anh ngốc ạ! Vui quá. Anh vào nhà đi.” Tôi biết là về bề ngoài rất ổn, nhưng bất cứ một chuyên gia tâm lý nào cũng dễ dàng chỉ ra rằng sự phần khích thái quá của tôi chỉ nhằm khỏa lấp những gì thiếu hụt bên trong.

Anh lấy một chai bia, hôn má Lily và ngồi xuống chiếc ghế bành màu da cam vàng chóe mà bố mẹ tôi còn sáng suốt giữ lại từ những năm 70 cho con mình. “Tình hình ra sao?” Anh hỏi và hất hàm về phía dàn âm thanh đang om sòm phát ra bài “Hallelujah” sướt mướt.

Lily nhún vài. “Đang đoạn nước rút. Như mọi khi thôi.”

“À, em có chuyện phải kể,” tôi nói, cố lấy giọng phấn khởi để tự mình và Alex thấy là có tin vui. Anh rất sung sướng vì đã hoạch định được hai ngày cuối tuần gặp lại bạn cũ – và chính tôi luôn thúc anh phải làm – bây giờ thật tàn nhẫn khi chưa đầy mười hôm trước đó lại sổ toẹt hết. Chúng tôi đã bỏ cả một tối để thống nhất sẽ mời ai dự bữa sáng Chủ nhật thịnh soạn, thậm chí còn biết sẽ cùng ai đi đâu làm picnic trên thùng xe hôm thứ Bảy trước trận Brown gặp Dartmouth.

Hai người nhìn tôi, không chút đề phòng và Alex lên tiếng: “Chuyện gì thế?”

“Em vừa nhận điện thoại là sẽ đi Paris một tuần!” Tôi nói với vẻ phấn chấn như thông báo với đôi vợ chồng hiếm muộn là họ sẽ có sinh đôi.

“Cậu đi đâu?” Lily ngơ ngác hỏi, nhưng cô không có vẻ chú ý quan tâm lắm.

“Sao lại đi?” Alex cũng hỏi cùng lúc, mặt anh lộ niềm vui sướng tựa như vừa nghe báo là tôi đi thử HIV dương tính.

“Emily bị viêm tuyến bạch cầu, và Miranda muốn em đi cùng tới các show thời trang. Tuyệt vời không?” Tôi mỉm cười hoạt bát. Mệt quá. Phải đi Paris đã là một tin xấu, nay lại còn phải thuyết phục Alex rằng đó là một cơ hội tuyệt vời thì mệt gấp mười lần.

“Anh không hiểu. Bà ấy không đi show cả nghìn lần trong năm hay sao?” Anh hỏi và tôi gật đầu. “Tại sao bỗng dưng lần này bà ấy lại muốn em đi cùng?”

Lily lẩn, ra vẻ chăm chú đọc một tờ The New York cũ rích trong đống báo mà tôi sưu tầm năm năm qua.

“Bà ấy mở một tiệm lớn trong thời gian làm show thời trang mùa xuân ở Paris và cần một trong số các trợ lý Mỹ của mình đi theo. Bà ấy đi Milan trước, sau đó em gặp bà ở Paris, anh biết đấy, để điều phối mọi việc.”

“Và trợ lý Mỹ này nhất thiêt phải là em chứ gì, nghĩa là em sẽ không có mặt khi họp lớp cũ,” anh nói lạnh tanh.

“Vâng, chuyện này cũng không bình thường. Mà là một ưu tiên hiếm hoi và chỉ có trợ lý chính mới được đi cùng. Nhưng vì Emily ốm, vâng, nên em sẽ đi thay. Thứ Ba tới em bay, vì vậy sẽ không đến họp lớp được. Em rất tiếc, tiếc lắm.” Tôi muốn xích lại gần anh trên sofa, nhưng Alex lập tức lạnh nhạt hẳn.

“Đơn giản thế thôi chứ gì? Em biết là anh đã trả trước toàn bộ tiền phòng để được lấy giá đặc biệt, chưa kể anh đã đảo lộn toàn bộ kế hoạch đẻ đi cùng em cuối tuần. Anh phải bảo mẹ tìm một người trông trẻ khác, chỉ vì em muốn đến họp lopứ. Không thành vấn đề, Runaway quan trọng hơn, đúng không?” Trong chừng ấy năm đi lại với nhau, tôi chưa từng thấy anh giận dữ như thế bao giờ. Lily cũng ngẩng đầu lên khỏi trang báo rồi kiếm đường chuồn trước khi chiến tranh thế giới thứ ba bùng nổ.

Tôi muốn dụi đầu vào lòng anh, nhưng anh gác hai chân lên nhau và xua tay. “Nghiêm túc đi, Andrea…” anh chỉ gọi tôi như thế khi rất bực mình. “Chuyện này có xứng đáng như thế không? Hãy chân thật với anh một giây: chuyện có đáng để em làm thế không?”

“Chuyện này là chuyện gì? Có xứng đáng gấp bội khi bỏ lỡ một kỳ cuối tuần vì công việc của em đòi hỏi ? Một công việc giúp em mở mọi cảnh cửa như em chưa từng dám mơ, và nhanh hơn mọi mong đợi ? Thế thì, vâng! Rất xứng đáng!”

Anh gục cằm xuống ngực, trong một thoáng tôi tưởng anh khóc, nhưng lúc anh ngẩng lên thì trên mặt anh chỉ thấy cơn thịnh nộ.

“Anh không nghĩ là em thích đi Connecticut với anh hơn là một tuần lễ làm nô lệ 24/24 cho người khác?” Tôi quát lên, quên bẵng là Lily còn ở đâu đó trong căn hộ. “Anh có thể tin lấy một giây rằng, thực tế em không thích qua Paris, nhưng em không được lựa chọn?”

“Không được lựa chọn? Em được lựa chọn quá đi chứ! Andy, công việc của em không thể gọi là công việc được nữa – nó chiếm hết thời gian cuộc đời em!” Anh quát lại, mặt đỏ xuống tận cổ và hai tai. Lúc thường tôi thấy thế rất đáng yêu, thậm chí sexy, nhưng bây giờ tôi chỉ muốn lên giường ngủ cho nhanh.

“Alex, anh nghe này, em…”

“Không, em nghe đã! Hãy quên anh đi một giây, cho dù không phải cố gắng lắm. Quên cả chuyện mình không thấy mặt nhau bao giờ vì em làm việc suốt ngày không nghỉ. Nhưng bố mẹ em thì sao? Em gặp bố mẹ lần cuối cùng khi nào? Chị em nữa? Em có nhớ là em chưa thấy mặt cháu em từ khi nó ra đời không? Chẳng lẽ tất cả không có ý nghĩa gì nữa?” Anh hạ giọng và ngả sang phía tôi. Tôi tưởng anh muốn dàn hóa, nhưng không. “Còn Lily nữa? Em chưa nhận ra là cô bạn thân nhất của em đã biến thành người nát rượi rồi hay sao?” Chắc chắn trông tôi rất kinh hoảng, nhưng anh vẫn bồi tiếp: “Em đừng nói là em không nhận ra. Andy, có mù cũng phải thấy.”

“Vâng, em biết Lily uống nhiều. Anh cũng uống, em cũng uống, mọi người mà mình quen đều uống. Lily là sinh viên, và sinh viên thế là thường. Alex, có gì mà phải ầm lên?” Nghe có vẻ lâm ly hơn khi tôi nói như vậy mà anh cũng chỉ lắc đầu. Chúng tôi ngồi im hồi lâu, cho đến khi Alex cất tiếng.

“Em không hiểu gì cả, Andy. Anh không rõ vì sao, nhưng anh cảm thấy như không hiểu em nữa. Anh nghĩ là mình nên ngừng lại.”

“Sao? Anh nói gì? Anh muốn chấm dứt?” Tôi hỏi và nhận ra là đã quá muộn khi thấy anh nói cực kỳ nghiêm túc. Anh luôn cảm thông, đáng yêu, luôn có mặt khi cần, và dần dà là tôi yên tâm là lúc nào anh cũng ở bên để lắng nghe tôi sau một ngày dài dằng dẵng hay động viên tôi sau khi cả thế giới cho tôi ăn đòn. Vấn đề duy nhất ở đây là tôi không chăm chút gì cho quan hện này.

“Không, không, không chấm dứt. Chỉ nghỉ lấy hơi. Anh nghĩ sẽ có lợi cho cả hai nếu mình nhìn lại những gì mình có. Dạo này em có vẻ không hài lòng với anh, anh cũng không thể nói là hạnh phúc với em. Có lẽ một chút khoảng cách sẽ tốt cho cả hai chúng mình.”

“Lợi cho cả hai? Anh nghĩ sẽ tốt cho chúng mình?” Tôi muốn phát điên lên vì những lời anh nói và cái ý nghĩ nghỉ lấy hơi sẽ làm chúng tôi gần nhau hơn. Hành động của anh quá ích kỷ, ngay lúc một năm làm việc của tôi ở Runaway sắp vào hồi kết thúc như tôi mong chờ, và thử thách lớn nhất trong sự nghiệp sắp diễn ra. Vừa rồi tôi còn buồn rầu và áy náy, nhưng giờ lại nhường chỗ cho nỗi tức giận. “Thôi được. Mình sẽ nghỉ lấy hơi,” tôi chua chát và độc địa. “Nghe có vẻ là kế hoạch hay đấy.”

Trong cắp mắt nâu anh nhìn tôi chằm chằm hiện lên vẻ sững sờ và tổn thương. Rồi anh nhắm mắt thật chặt như cố gắng đẩy hình ảnh gương mặt tôi khỏi trí nhớ. “Okay, Andy. Anh sẽ để em khỏi phải khó xử và anh cũng phải đi đây. Chúc em vui vẻ ở Paris, anh chúc thật lòng đấy.” Và trước khi tôi kịp định thần, anh hôn vào má tôi – tựa như làm với Lily hau mẹ tôi – rồi đi ra cửa.

“Alex, anh có nghĩ là mình nên nói chuyện lại lần nữa?” Tôi nói, cố gắng giữ giọng bình tĩnh – “chẳng lẽ anh đi luôn bây giờ?”

Anh quay lại và mỉm cười buồn bà: “Hôm nay thì thôi, Andy. Lẽ ra mình làm việc đó trong mấy tháng vừa qua, trong cả năm vừa qua thì đúng hơn, chứ không nhồi vào một lúc được. Em cứ suy nghĩ mọi chuyện đi, okay? Mấy tuần nữa anh sẽ gọi điện, lúc em đã quay lại và nghỉ ngơi. Chúc em may mắn ở Paris. Anh biết là em sẽ làm việc tốt.” Anh mở cửa, bước ra và khẽ đóng lại.

Tôi chạy ngay vào phòng Lily để nghe cô khẳng định là Alex đã phản ứng quá đà, và chuyến đi Paris là cơ may lớn nhất trong tương lai, và cô không có vấn đề rượu chè gì hết, và tôi không phải đứa em gái tồi chỉ vì đi nước ngoài lúc Jill vừa có đứa con đầu lòng. Nhưng cô đã lăn ra ngủ, để nguyên quần áo và còn chưa kịp giở chăn ra, cái ly cạn khô để trên bàn ngủ. Chiếc laptop Toshiba còn mở cạnh người. Không rõ cô đã viết được dòng nào chưa? Tôi nhìn lên màn hình. Giỏi thật! Lily đã viết xong đầu đề, điền tên họ, số luận văn, tên giáo sư và đầu đề tạm thời cho bài báo: “Hậu quả tâm lý của tương quan tình cảm giữa tác giả và độc giả.” Tôi cười to, nhưng cô không cựa quậy. Tôi vác máy tính trở lại bàn, đặt chuông báo thức bảy giờ và tắt đèn.

Tôi vừa vào đến phòng mình thì di động có chuông. Sau năm giây đứng tim như thường lệ - vì lần nào tôi cũng nghĩ là BÀ-ẤY gọi – tôi bật nắp máy ngay vì đoán biết là Alex. Tôi biết, anh không bỏ lửng chuyện. Anh không thể chợp mắt mà không có nụ hôn chúc ngủ ngon và giấc mơ đẹp. Không thể có chuyện anh để tôi trơ ra đấy mà đi, hoàn toàn vô cảm khi biết chúng tôi trong mấy tuần tới không thấy mặt nhau.

“Cưng à?” Tôi phả nhẹ hơi vào điện thoại. Cho dù đã thấy nhớ anh, nhưng hiện úc này tôi hài lòng vì chỉ gặp nah trên điện thoại chứ không có gì phải trực tiếp giảng giải. Đầu tôi nhức, người ngợm mỏi như, và tôi chỉ muốn nghe nói rằng tất cả chỉ là một sự hiểu lầm khủng khiếp và mai anh sẽ gọi lại. “Rất vui khi anh gọi.”

“Cưng? Wow! Tiến bộ quá nhỉ, Andy? Cẩn thận không tôi lại tơ tưởng nghĩ là chị mến tôi,” Christian nói dịu dàng, trong điện thoại tôi cũng nghe được tiếng anh cười.

“Ồ, thì ra anh.”

“Chà, đó không phải là câu chào thân mật nhất mà tôi từng được nghe. Có vấn đề gì vậy, Andy? Dạo này chị lờ hẳn tôi đi, hay tôi nhầm?”

“Đâu có,” tôi nói dối. “Tôi chỉ có một ngày chết tiệt, như mọi hôm thôi. Có chuyện gì không ạ?”

Anh cười. “Andy, Andy, Andy, đừng thế, có lý do gì để chị mất vui đâu. Chi đang thênh thang trên đường hạnh phúc. À, nhân tiện hỏi chị có thích đến dự buổi trao giải thưởng hội Văn bút và đọc sách tối mai không? Chắc sẽ có rất nhiều nhân vật thú vị, và cũng lâu lắm tôi chưa gặp chị - hoàn toàn vì lý do công việc thôi, tất nhiên.”

Với tôi, một cô gái đã đọc không biết bao nhiêu bài báo trong Cosmo về đề tài “Làm sao nhận ra là anh ấy nghiêm túc?” Thì chậm nhất lúc này là đèn báo động đã bật đỏ. Và đèn cũng bật thật – nhưng tôi kệ xác nó. Hôm nay là một ngày lê thê, và tôi cho phép mình nghĩ rằng – dù chỉ vài phút thôi – biết đâu, biết đâu, BIẾT ĐU, anh ta lại chân thành. Việc chó gì phải quan tâm. Cảm giác dễ chịu khi tán chuyện vài phút với một người đàn ông không kêu la gì mình, thậm chí sẵn sàng chấp nhận là tôi đã có người yêu. Tôi biết là sẽ không nhận lời mời của anh, nhưng vài phút tán tỉnh trong trắng qua điện thoại thì có chết ai?

“Thật thế ạ?” Tôi hỏi điệu rớt. “Anh kể tiếp đi!”

“Tôi có thể đọc cả danh sách lý do khiến chị nên đi cùng tôi, Andy, nhưng mục số một là mục đơn giản nhất: tôi biết cái gì tốt cho chị. Chấm hết.” Chà, bố này kiểu quá đi mất. Tại sao tôi lại bập vào nhỉ?

Games đã khởi động. Games thủ vào cuộc, và chỉ vài phút sau là tất cả - chuyến đi Paris, thói nhậu vodka đáng ngại của Lily và ánh mắt Alex buồn thảm – tất cả lùi ra xa lắc nhường chỗ cho cuộc đàm luận quả là bất-lương-và-dạt-dào-cảm-xúc-và-nguy-hiểm-nhưng-tuy-vậy-thực-sự-gợi-tình-và-thú-vị với Christian.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui