Năm Thuần Hữu thứ Mười hai, mùa Xuân.
Hàn Lâm Viện tọa lạc ở phía Đông hoàng cung, theo lễ chế Văn đông Võ tây.
Không gian nơi đây chỉ một mảnh lặng im yên tĩnh.
Có hai người ngồi trong nội đường, thẳng lưng cúi đầu uống trà, nhìn vào thật an tĩnh thư thái.
Cho tới khi những tiếng bước chân khe khẽ truyền từ đại sảnh vào đây, cả hai mới đều đồng loạt đứng dậy, chắp quyền cúi đầu: "Hạ quan tham kiến đại nhân."
Người này, nước da trắng, dáng người gầy thấp dường như có chút nhỏ hơn so với triều phục quan bào màu lục lam, trước ngực quan phục thêu bạch hạc cùng hoa văn vần vũ.
Bất quá, không thể trông mặt mà bắt hình dong.
Tướng mạo hoa quý, người này thực chất lại xuất thân là một người chuyên chép tranh thơ trên phố.
Năm đó Khang Nhạc đế ban chiếu lệnh, các địa phương thuộc Đế Kinh phải tu sửa sách sử, cả một đại công trình như thế cần rất nhiều người có tài hoa bút pháp.
Chính vì như thế, một lão học sĩ dưới trướng Hàn Lâm Viện, ngày ấy dạo phố đã nghỉ chân trước họa quán của người này một lúc lâu, sau đó mở quan lộ ra cho hắn, giúp hắn gia nhập quan trường.
Từ ấy, thư sinh áo vải chép thơ để kiếm sống này một bước lên mây, quan lộ rộng mở, đến nay đã thăng lên đến Lại bộ Thị lang.
Người vừa vào âm thầm liếc qua hai người đối diện, hỏi: "Tại sao chỉ có hai người các ngươi? Còn Thám Hoa lang vừa được Bệ hạ ban ân ở Quỳnh Lâm yến đêm qua đâu rồi?"
Một người dáng người mảnh khảnh, gương mặt còn rất trẻ, chắp quyền trước ngực, đáp: "Bẩm đại nhân, Đường đại nhân nhờ mỗ chuyển lời tới ngài, hôm nay sợ rằng Đường đại nhân không tới tham kiến Lục bộ đại nhân được."
Kỳ thi mùa Xuân năm nay, người chiến thắng không giống như Thẩm Dật – xuất thân từ dòng dõi quan lại, trâm anh thế tộc; cũng không phải như người còn lại kia, tiến từng bước một trên đường quan lộ ghập ghềnh, mạo hiểm đến mức khiến lòng người cả kinh.
Liên Khoáng Đạt, viên quan phụ trách nghe thế, chớp chớp mắt, đột nhiên nhớ lại tên của người nọ, Lục Hòa.
"Vì cớ gì lại như thế?" Liên Khoáng Đạt không khỏi khó hiểu, mà Thẩm Dật và Lục Hòa đứng bên cũng âm thầm trao đổi ánh mắt đầy nghi hoặc.
Lục Hòa lại lên tiếng, cười: "Đêm qua sau khi tiệc tàn, mỗ chia tay Đường đại nhân ở Ngọ Môn.
Vừa lúc chuẩn bị lên đường lại tình cờ nghe ngài ấy nói người hầu sơ ý làm tắt mất ngọn đèn, rốt cuộc đành quay về trong đêm.
Vừa vào xuân, ngoài thành đang còn tu sửa, mà khu vực ấy cũng thật tối, cho nên..."
Liên Khoáng Đạt nghe đến đây, dở khóc dở cười, bàn tay vỗ vào nhau thành tiếng: "'Ngọc Lâu Xuân' có câu thế này - Khi về đừng đốt đuốc hoa hồng, vó ngựa đêm thanh in bóng nguyệt.
Xem ra hắn không đốt được đuốc hoa hồng, cũng không có vó ngựa in bóng nguyệt rồi!"
Lục Hòa lại lắc đầu, cho rằng không phải: "Cũng không hẳn là như thế, xem ra Liên đại nhân chỉ biết một mà không biết hai."
"Sao vậy?" Câu này khơi lên niềm hứng thú trong Liên Khoáng Đạt, hắn đáp, "Nếu thực là vậy, mỗ xin lắng nghe."
Thẩm Dật đã sớm cảm nhận được sự bài xích của Liên Khoáng Đạt đối với Đường Từ, lại nghĩ, họa như Đường Từ xảy ra mệnh hệ gì, e rằng người này còn vui mừng phấn khởi hơn Trạng Nguyên lang, là chính bản thân mình đây mấy phần đấy.
Thẩm Dật lại nghĩ đến chuyện hắn bại trước Đường Từ ở yến tiệc đêm qua, cũng đã dặn bản thân vạn lần nhẫn nhịn.
"Đêm qua yến tiệc chiêu đãi không thiếu sơn hào hải vị, khi tiệc tàn Đường đại nhân còn gói lại không ít mang đi, hẳn là đưa tới cho dân nghèo.
Khi ra tới Ngọ Môn ước chừng cũng đã giờ Tuất canh ba, vạn hộ nhà dân ngoài thành đều đã tắt đèn hết cả.
Vốn là biết rằng nương theo ánh trăng mà tìm đường về hẳn là không ổn, nhưng đáng trách, hạ nhân lại sơ ý làm đèn tắt, đèn tắt rồi cũng đành đưa bước mà thôi.
Về đến phố Chu Tước, ai ngờ lại sơ ý ngã vào một hố bùn.
Sáng nay vừa về đã vội vã cho người đuổi theo báo với mỗ sự tình, chuyển lời tới đại nhân, mong đại nhân hiểu cho." Lục Hòa kể lại, ngữ điệu không nhanh không chậm.
Ngũ quan người này vốn đoan chính, đứng trước ánh nắng ấm áp hắt vào từ cửa sổ, đột nhiên phảng phất khí chất thanh thoát phiêu dật.
Tựa như là câu trả lời này có chút ngoài ý muốn, Liên Khoáng Đạt trầm tư trong chốc lát, sau mới từ từ lên tiếng: "Đột nhiên mỗ nghĩ, nhớ đến bản thân mình năm đó, lưu lạc đầu đường, bánh bao, màn thầu, hay một đơn thuê chép tranh, cũng đều đủ khiến mỗ mang lòng cảm kích, một mẩu bánh vụn rơi trên đất cũng đủ khiến mỗ tiếc nuối không thôi.
Hiện tại áo ấm cơm no, yên giấc chăn gấm, đáng lẽ phải luôn nghĩ cho bá tính xã tắc mới phải.
Lúc sống an ổn chớ có quên ngày gian nan, Đường đại nhân còn trẻ đã nghĩ được như thế, cũng không tệ.
Thuận Thiên phủ hưởng bổng lộc của Quân thượng, quả nên làm việc của mình cho thật tốt."
Lục Hòa và Thẩm Dật, cả hai đều cúi đầu, đồng thanh nói phải.
Liên Khoáng Đạt phất ống tay áo, hai bàn tay đan trước bụng, thẳng lưng hiên ngang đi ra cửa: "Đi thôi, cả hai người theo ta."
Hai đôi giày nhung đen một lớn một nhỏ cùng lúc bước lên, Lục Hòa liền nhanh nhạy phản ứng, lui bước chân về, đưa tay khẽ cười: "Thẩm huynh, xin mời."
Thẩm Dật cũng không khách sáo, vén vạt quan phục sải bước đi lên, chỉ là khi đi qua hành lang uốn lượn, hắn liếc mắt nhìn qua luống hạnh hoa trồng trong viện, lại quét qua thân ảnh của Lục Hòa đang bước bên cạnh, chợt, nơi yết hầu của hắn dường như khẽ nghẹn lại.
- --
Ngoại thành Đế kinh Ký Châu, tại một căn nhà nhỏ khuất trong ngõ Điềm Thủy.
Ngư Đồng đẩy cửa thật mạnh, đi thẳng tới bên bàn xách ấm trà lên rót trực tiếp vào miệng, nước trà bắn ra tứ phía, lem lên cả khuôn mặt.
Đường Từ, lúc này đang nửa nằm nửa ngồi trên giường, tay nâng gáy sách, thấy thế lắc đầu thở dài: "Bất nhã, quả thực quá bất nhã."
Ngư Đồng cũng không phản ứng lại, vẫn tiếp tục uống, tận cho đến khi ấm trà rỗng tuếch mới dừng lại.
Ngồi xuống ghế gỗ bên bàn, không quên chế nhạo: "Phải rồi, là tiểu nhân bất nhã.
Cũng không biết đêm qua là người nào ngã vào vũng bùn, hại ta phải giặt quần áo đến mệt chết."
Hắn ta dừng một chút, lại tiếp tục dông dài: "Giặt thì giặt, chuyện này cũng không đáng là bao, nhưng ta có hảo ý đun nước cho ngài tắm rửa, lại mời đại phu đến nhìn xem ngài có bị thương ở đâu không...!Mà ngài, ngài lại trực tiếp đuổi đại phu đi, oan uổng mất mấy chục văn tiền."
"Vẫn còn để bụng mấy chục văn tiền?" Đường Từ đứng lên bước xuống giường, bàn chân xỏ vào đôi giày, vừa đi vừa sửa sang lại vạt trường sam.
Lấy ra mấy bọc giấy đẩy đến trước trước Đồng Ngư, khẽ cười: "Nhìn ngươi, hẳn là mắng người đến mệt rồi phải không? Ta cũng không phải hạng người khắt khe keo kiệt, thử vài miếng xem, đều là đồ ngon."
Ngư Đồng liếc mắt nhìn bọc giấy, khẽ nuốt nước miếng, lại liền quay mặt đi: "Ngài đừng tưởng mấy cái bánh bao chay mua nợ từ tiệm của Lưu bà bà mà có thể khiến ta quên đi việc tốt của ngài.
Thứ ấy ta đã ăn đến chán rồi, còn ngài, cũng đừng ỷ vào vẻ ngoài mà được lão nhân gia yêu thích!"
Đường Từ nghe đến mức đinh tai nhức óc, tự mình mở lớp giấy bọc: "Còn có sức nói nhiều như thế hẳn là ngươi không đói, phải không? Vậy cũng tốt, ngươi không ăn, ta ăn.
Thứ này cũng không phải bánh bao thịt mà ngươi muốn, chính là đồ của Thượng Thiện giám làm riêng cho hoàng thất đấy.
Người bình thường chỉ được ăn có mấy miếng, tốt lắm, vậy để ta ăn, ngươi có thể tới Thanh Hà lâu hưởng sơn hào hải vị của ngươi cũng được."
Lời còn chưa nói xong, gói giấy dầu đã bị đoạt đi lúc nào, cử chỉ cũng chẳng hề từ tốn, vội vàng xé lớp giấy ra.
"Thơm quá..." Ngư Đồng bẻ một miếng cho vào trong miệng, vừa nhai vừa hỏi: "Thứ này gọi là gì thế?"
Đường Từ khẽ cười: "Mắt hổ bọc đường."
Bẻ thêm một miếng, Ngư Đồng lẩm bẩm: "Quả nhiên trong cung có rất nhiều người, cái tên ngoài sức tưởng tượng như vậy cũng có thể nghĩ ra được.
Cũng là đời người mà tại sao lại không cùng số phận...!Ta nhớ, ở xóm nhỏ nơi ta lớn lên, đến cả tên người cũng chẳng có cái nên nào dễ nghe, có người sinh ngày mùng một, cho nên liền gọi Sơ Nhất.
Ta nghe nương nói hài tử rất có thể sẽ không nuôi lớn được, hoặc thảm thì đoản mệnh, như vậy thì mất công nghĩ một cái tên đẹp làm gì chứ.
Như ta đây, bị bán vào phủ Thượng Thư đại nhân làm nô bộc, cái tên..."
Đường Từ nghe Ngư Đồng nói, cũng là có tâm sự trong lòng, đành quay mặt đi, xách ấm trà bước ra ngoài, nói thêm: "Trong cung quả thật có rất nhiều người, mà lời người nói ra cũng nhiều không ít.
Ta đi đun nước, ngươi cứ ăn từ từ một chút, không ai tranh đoạt với ngươi."
"Ngài không ăn?" Ngư Đồng cả kinh ngẩng đầu lên, thì ra mi mắt cũng đã ướt.
Đường Từ lắc đầu: "Ta đã ăn đến chán ngấy rồi."
Bước ra khỏi phòng, khi ấy mới ngẩng đầu, dõi mắt nhìn về hướng Hoàng cung, lại nghĩ, có lẽ nay Thượng Thiện Giám đều đã thay người mới hết, mắt hổ bọc đường dường như cũng không còn ngon như khi xưa nữa.
Bên cạnh là gian phòng bếp, bởi vì sáng nay vừa nấu cháo, lúc này củi lửa vẫn chưa lạnh.
Đường Từ thêm vào mấy cây củi khô, quạt cho bén lửa, lửa lại bùng lên, đỏ rực, khi ấy mới lấy một chiếc ghế gỗ ngồi bên, đợi đến khi nước sôi.
Trong lò, ngọn lửa đỏ rực bập bùng bốc lên, củi khô cháy phát ra tiếng tí tách khe khẽ.
Chống cằm mà nhìn, ánh mắt xa xăm mơ hồ nhìn xuyên qua ngọn lửa, như thể nhìn đến yến tiệc đêm qua, cố nhân ngồi trên long ỷ phía trên cao, một thân long bào đỏ sẫm.
Ba năm trước, nàng – phải, chính là Đường Từ, nàng trượt ngôi đầu bảng, tưởng rằng đã hết cơ hội, nhưng rốt cuộc đêm qua cũng đã có thể gặp lại cố nhân.
Bây giờ nghĩ lại, dường như những năm tháng đều chưa từng trôi đi, đều đã ngưng đọng lại.
Cố nhân, có chăng thì là trên đầu bạc thêm vài sợi tóc, trên mặt có thêm vài nếp nhăn, vậy mà thôi.
Tiếng nước sôi kéo nàng ra khỏi dòng suy nghĩ, kéo thanh củi đang cháy rực ra khỏi lò, lửa liền nhỏ đi.
Đổ nước sôi vào trong ấm trà, lại chừa lại hơn nửa nồi nước, thuận tay ném vào đó mấy dẻ xương sườn cùng vài lát gừng tươi.
Lúc trở lại trong phòng, thần tình đã trở lại trạng thái như lúc ban đầu, bình bình thản thản.
Liếc mắt nhìn thoáng qua, thấy Ngư Đồng đang cất cất giấu giấu bọc giấy dầu vào trong ngực áo, mới hỏi: "Ngươi giấu thứ ấy vào trong áo làm gì?"
Hai mắt Ngư Đồng đã hồng như mắt thỏ, giờ phút này lại ngây ngô cười: "Đây chính là bảo vật từ trong cung! Chiều nay ta sẽ tới Trân Bảo các xem có thể bán cho bọn họ hay không, đáng mấy lượng bạc cũng nên.
Còn nếu bọn họ không mua...!vậy ta đi khoe với mấy người trong thành vậy."
Đường Từ khe khẽ lắc đầu: "Ngươi cũng biết đây là bảo vật lấy ra từ trong cung? Ta mang đồ về cho ngươi, chịu biết bao nguy hiểm, mà ngươi lại lỗ mãng nông cạn như thế, mang đồ trong cung đi khắp nơi chính là muốn kéo ta lên đại lao Hình bộ chịu trượng hình có phải không?"
Lời này khiến gương mặt kia tối sầm lại, suy nghĩ một hồi mới do dự lấy xấp giấy dầu ra, lại nhíu mày: "Ngài nói xem tại sao người trong cung lại nhỏ nhen như vậy? Không phải chỉ là một xấp giấy dầu sao, chỉ vậy cũng liền lôi người ta lên đại lao chịu trượng hình?"
Đường Từ quay lưng cười trộm, mắt đượm ý cười: "Trêu đùa ngươi một chút thôi, giấy dầu này tuy rằng quý hiếm nhưng cũng chẳng có ấn tích của Hoàng cung.
Nhưng đồ đã qua sử dụng, bán đi không được bao nhiêu, mà người khác nghe cũng chưa chắc đã tin."
Chân mày Ngư Đồng nhảy lên, đang ấp úng muốn phản bác, bất giác chăm chú mà nhìn, càng nhìn lại càng thấy dung mạo người này thật kỳ lạ, chính là thanh tú mỹ mạo đến kỳ lạ, ngay cả bàn tay cũng mảnh khảnh mềm mại.
Đột nhiên hắn nghĩ đến cái gọi là 'nam sinh nữ tướng', lại giận mình sao bỗng nhiên lại để ý chuyện ấy, bèn nói: "Công tử, mẫu thân ta từng nói, nam nhân nên có khí khái nam tử hán, lưng hùm vai gấu uy vũ dung mãnh mới phải.
Mảnh mai yếu ớt quá mức, không chỉ khó kiếm miếng cơm ăn, mà còn khó thú thê lập thất, có khi còn đoản mệnh nữa đấy." Nói đến đây hắn mới nhận ra mình quá lời, ậm ừ một lát mới nói tiếp; "Công tử, ý ta không phải nói ngài đoản mệnh..."
Đường Từ im lặng, thong dong đợi người kia nói xong, chờ nửa ngày mới thấy tiếp tục: "Công tử của ta, ngài đã nhậm chức ở Hàn Lâm Viện, đã là quan Lục phẩm rồi, đương nhiên là không có chuyện không kiếm được bát cơm.
Còn nữa, từ mười mấy năm trước ngài đã có cái biệt hiệu thiên tuế, sao có thể đoản mệnh được? Chỉ có điều..."
"Ai nói với ngươi ta định thú thê lập thất?" Đường Từ ngắt lời, vừa hỏi vừa gõ một cái lên đầu hắn.
- -- Hết chương 1 ---
Editor nói vài lời: Quy Tự Dao - chuyện đời trước của Lưỡng Đô Ký Sự, bối cảnh trước đó 200 năm.
Đây là một sự comeback, hi vọng comeback sẽ suôn sẻ để nhà đài tui đây có thể lấp xong mấy cái hố dở dang ????????.